Thứ Hai, tháng 10 29, 2007

NGÀY XƯA NƠI NÀY LÀ DÒNG SÔNG

“Phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” – chân dung phố xá Cần Thơ những ngày triều cường hổm rày là như vậy đó. Lý giải chuyện này, trong buổi cà phê hôm qua, bác H.T liệt kê một loạt nguyên cớ: chuyện lòng sông bị bồi lắng mà người có trách nhiệm thì khoái đi đào kênh hơn, chuyện dân tình làm đê bao trên thượng nguồn Cửu Long. Tôi thì nghĩ đến chuyện mấy ông kiến trúc đô thị cứ tự do nâng cốt nền. Đường 3/2, Trần Hoàng Na, Trần Ngọc Quế… mới làm sau này đã nhấn chìm nhà dân xuống hẳn ½ mét, thì việc các con đường khác trở thành lòng chảo, thành một túi chứa nước cho thành phố là chuyện hiển nhiên. Thầy Xuân thì nghĩ xa hơn - đến chuyện các nước đang sử dụng chung con sông Mekong đã làm gì, đang làm gì trên dòng chảy của nó.

Tối qua, bác L.D xăng xái đi chụp hình như một nhiếp ảnh gia thứ thiệt (chỉ buồn là TN chưa đăng – khác với hổng đăng nghen bác L.D). Bác này là dân kinh doanh mà coi bộ cũng máu mê báo chí dữ. Bác còn rủ rê vô blog coi hình. Hình của bác thì hẳn nhiên là hổng đẹp bằng hình của chú Khả rồi, nhưng có một ý của bác L.D khiến tôi phải suy ngẫm – ngày xưa nơi này vốn là những dòng sông.
Chợt nhớ, trong bài “Người lưu giữ ký ức”, có một đoạn tôi đã viết như thế này: “Cách đây ngót cả thế kỷ, đại lộ Nguyễn An Ninh bây giờ là một con kênh chảy vào trung tâm thành phố Cần Thơ. Ghe xuồng chở dân quê đi khám bệnh ở đa khoa thường qua lại lối nầy. Trải qua bao dâu bể, kênh đã được bồi lấp, phố xá trở nên thênh thang, xe cộ dập dìu... Thế nhưng, ngôi nhà 108 vẫn trầm mặc nằm đó. Dường như dòng chảy cuộc đời không chạm vào được đến hiên nhà lợp ngói rêu phong này. Dễ chừng đến mấy thế hệ đàn bà trong ngôi nhà ấy vẫn không sao thay đổi được nếp nghĩ - ngày xưa phố là dòng sông ! Đến giờ, họ vẫn sai bảo con cháu trong nhà rằng – “Sắp nhỏ qua bên... sông mua dùm bà tí đường, tí muối”. Không gian trầm mặc đó cứ thấm đẫm, thấm đẫm khiến người đàn ông duy nhất còn lại trong ngôi nhà lại say mê đi tìm, đi lưu giữ những dấu vết xưa”… (xem nguyên văn ở blog Dấu Xưa Nam Bộ).

Mà đâu mỗi chuyện lấp sông, ngăn dòng chảy. Dòng chảy MeKong đã trở nên bất thường hơn bao giờ hết. Những đổi thay dòng chảy, những chặn dòng cửa sông… đã đảo lộn tùng phèo mọi thứ. Cây lúa ma không còn, phù sa bồi đắp không thuận theo con nước như hồi xưa... Cùng với dòng chảy thời gian tâm tính con người cũng theo đó mà đổi thay. Dường như với một ám ảnh mình là sinh vật cấp cao đã khiến con người ngày càng trở nên quyết đoán một cách lạnh lùng. Họ không ngừng chứng tỏ cái mạnh, cái ưu việt của mình bằng cách biến chuyển thế giới, đổi thay triệt để những gì được coi là trật tự của thiên nhiên.

Con sông MeKong không còn hiền hoà như xưa. Và theo đó tâm tính con người liệu có an nhiên tĩnh tại như thưở nào.

Không có nhận xét nào: