Thứ Năm, tháng 12 25, 2008

NỖI BUỒN TO ĐÙNG !

TRỜI ƠI, SAO MÀ BUỒN DỮ VẬY NÈ !

BUỒN MÀ KHÔNG NÓI ĐƯỢC !

BUỒN MÀ KHÔNG CÓ QUYỀN BÀY TỎ !

BUỒN MÀ KHÔNG BIẾT LÀM SAO GIẢI TỎA !

BUỒN...

BUỒN, BUỒN...

BUỒN, BUỒN, BUỒN...

"ĐỒNG CHÍ TÂM" CHIẾN THẮNG !






Nhan đề cho entry là vậy thay vì "Việt Nam chiến thắng" . Bởi một lẽ giản đơn... chủ blog hổng thích đội tuyển Việt Nam ! Mặc dù điều nầy khiến cho các thành viên của "đại bang" và "tiểu bang" phản ứng quá xá xà xa...

Hôm qua, có nhiều kẻ phấn khích ghê ! Điện thoại đổ về muốn cháy máy ! Và ai cũng... phản ứng, xỉ vả dữ dội khi nghe thấy cái giọng... thờ ơ của mình ! He he... Chủ blog có bao giờ che giấu cảm xúc được đâu.

Ku Tâm hôm qua ra Napoli ăn uống xem bóng đá mới bảnh chứ !
Nghe nói hắn đã la hét, lặng người, phấn khích... và cả rơm rớm vì đội tuyển Việt Nam. Chuyện không lạ vì tinh thần dân tộc của "đồng chí" nầy vốn vậy mừ ! Và đây là những tác phẩm khi "đồng chí" mình hòa vào tâm bão đêm qua.

Chủ Nhật, tháng 12 21, 2008

TỐI THỨ BẢY, SẾN NHƯ CON HẾN !

Đã định không làm gì hết, không công việc, không nhạc, không sách, không phim.
Để đầu óc rỗng không. Vậy mà có được đâu !


Nghe Richard Anthony với J"entends siffler le train vừa dứt lại nhảy cóc qua Whitney Houston với Saving all my love for you; bồi thêm Bryan Adams trong Please forgive me.

Nhặt mấy đoạn trong đó:

Anh còn nghe tiếng còi tàu
Anh nghĩ rằng tốt nhất bây giờ
Mình chia tay không lời từ biệt
Anh chẳng dám gặp em lần cuối

Nhưng vẫn nghe tiếng còi tàu ngân
Trong đêm sâu buồn bã từng hồi…
Anh như thấy mình em cô độc
Trên sân ga chật chội tiếng người

Còi tàu vang từng hồi buồn bã
Trong đêm sâu biền biệt khôn cùng…
Anh suýt nữa đã chạy về phía em
Suýt gọi tên mong Người quay trở lại

Nhưng em đi, đi về nơi xa mãi
Không khi nào ngoảnh nhìn nữa, đúng không?
Anh nghĩ rằng tốt nhất bây giờ
Mình chia tay không lời từ biệt

Và chợt hiểu thế là đã hết
Anh nghe thấy tiếng còi tàu ngân
Suốt cuộc đời, từng hồi buồn bã.

Gặp được nhau, và yêu nhau đã là một niềm hạnh ngộ lớn lao, một món quà của số phận rồi.
Có những điều không thể, và không nên níu kéo. Rồi cuối cùng cũng chẳng còn gì……ngoài nỗi nhớ, và tình yêu.

So if I love you a little more than I should.
Please forgive me I know not what I do
Please forgive me I can"t stop loving you


Anh có từng nghe một lời xin lỗi nào duyên dáng và đáng yêu đến thế chưa, người yêu dấu ? "Vì thế, nếu anh yêu em nhiều hơn mức cần thiết một chút, thì xin thứ lỗi cho anh, bởi anh không biết mình đang làm gì. Xin thứ lỗi cho anh, bởi anh không thể ngừng yêu em !"

Và bỗng nhiên tôi nhớ Chicago với Hard to Say I’m Sorry, cũng những lời dịu dàng có thể làm vỡ tim bất kỳ cô gái nhạy cảm nào "Thật khó để nói cùng em lời xin lỗi, vì anh không thể nào để em rời xa anh được, dù anh biết ngay cả tình nhân cũng thỉnh thoảng cần phải xa nhau để có những khoảng thời gian riêng tư".

Trời ơi, sao mà tự dưng mình sến như con hến vậy nè !
Đi ngủ thôi. Để bớt sến ! Hic hic !


THẾ GIỚI VẪN HOÀI NGHI ĐẤY THÔI !




Nhặt trên internet một câu chuyện nhân mùa Giáng Sinh.

Cách đây trên 100 năm, một cô bé đã viết cho ông chủ báo bức thư như thế này:

“Thưa ngài chủ bút!
Em là một bé gái tám tuổi.
Vài người bạn của em cho rằng không có ông già Noel.
Ba nói với em rằng: “nếu con đọc thấy điều đó trên tờ The Sun thì nó đúng là như vậy”.
Vậy làm ơn cho em biết sự thật: có ông già Noel không?”.
Virginia O’Hanlon.”

Lá thư được gửi đi ngay trước Noel 1897. Trả lời thư cho bé Virginia là một bài báo viết vội ngay vào lúc tờ báo chuẩn bị lên khuôn cho số giáng sinh. Dưới tựa đề: “Có chứ, Virginia. Có ông già Noel” (Yes, Virginia, there is a Santa Claus). Bài báo viết:

“Virginia, những bạn bè nhỏ của em đã nói sai. Các bạn ấy đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi của một năm hoài nghi. Các bạn không tin trừ khi đã thấy. Các bạn nghĩ rằng không gì có thể bởi đầu óc nhỏ bé của các bạn không thấu lĩnh được. Tất cả mọi đầu óc, Virginia, dù là người lớn hay trẻ em, đều nhỏ bé. Trong vũ trụ rộng lớn này, trí óc con người chỉ là một côn trùng, một con kiến so với thế giới vô cùng bên ngoài nó, nhỏ bé như khả năng trí tuệ của con người trong nắm bắt toàn bộ sự thật và kiến thức.

Có chứ, Virginia, có ông già Noel. Ông hiện diện cũng chắc chắn như tình yêu, sự rộng lượng và lòng thành tâm đang tồn tại, và em biết rằng chúng đầy rẫy, sẽ mang cho đời sống của em cái đẹp và niềm vui cao quý nhất. Chao ôi, thế giới này sẽ ảm đạm biết bao nếu không có ông già Noel. Và thế giới cũng buồn như thế nếu không có những bé Virginia. Lúc đó sẽ không có niềm tin trẻ thơ, thơ ca và sự lãng mạn làm cho sự tồn tại này có thể chịu đựng được.

…Không ai thấy ông già Noel ra sao. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy không có ông già Noel cả. Những điều thật nhất trên thế giới này chính là những điều mà cả người lớn vả trẻ em đều không thể thấy. Có bao giờ em thấy những bà Tiên nhảy múa trên thảm cỏ xanh chưa? Dĩ nhiên, chưa, nhưng đó không phải là bằng chứng rằng họ không có mặt nơi đó. Không ai có thể nhận thức hoặc tưởng tượng ra được tất cả những điều kỳ diệu không thể thấy được trong thế giới này.
…Em phá tung cái lúc lắc trẻ thơ để tìm ra cái gì làm nên tiếng động bên trong nó, nhưng có một tấm mạng che thế giới chúng ta không thấy được mà không một người mạnh nhất hoặc thậm chí một sức mạnh liên kết của một nhóm những người mạnh nhất từng sống có thể xé tan nó được. Chỉ có lòng tin, trí tưởng tượng, thơ ca, tình yêu, sự lãng mạn có thể đặt qua một bên bức màn đó để chiêm ngưỡng và vẽ nên cái đẹp và sự huy hoàng bên ngoài nó. Liệu nó có thật hay không? Ôi, Virginia, trong cả thế giới này không có gì khác thật sự và vĩnh cửu. Không có ông già Noel. Nhưng, nhờ trời, ông sống, và sống mãi. Hàng nghìn năm tới nữa, không, Virginia, hàng chục lần của hàng nghìn năm sau nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục là niềm vui của những trái tim trẻ thơ”.

Tác giả của lá thư tòa soạn trả lời bé Virginia là cây bút bình luận của tờ The Sun: Francis Pharcellus Church, lúc ấy 57 tuổi. Theo Bảo tàng Báo chí ở Arlington (bang Virginia): Bài viết này được in lại nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Hoa Kỳ. Francis Pharcellus Church qua đời năm 1906, còn Virginia O’Hanlon Douglas cũng đã mất năm 1971 ở tuổi 81, sau một cuộc đời cống hiến cho trẻ tật nguyền. Hành trang cho sự nghiệp giáo dục của bà Virginia là lá thư phúc đáp của Church mà Bà cho biết đã mang theo mình suốt cả cuộc đời.

Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ lá thư hoài nghi của cô bé Virginia, nhưng lý lẽ của Church vẫn tiếp tục sống. Bởi nó không chỉ là bài báo trả lời về việc có hay không ông già Noel. Trên tất cả, nó là thông điệp của lòng tin vào những giá trị nhân loại cao quý". (Theo PGĐC)

Đã trên 100 năm trôi qua, cái chủ nghĩa hoài nghi ấy vẫn ám ảnh chúng ta. Và đôi khi chúng ta không cảm nhận được hạnh phúc đang hiện diện đâu đó, mỗi ngày, quanh ta cũng chỉ vì hoài nghi đấy thôi !

Thứ Ba, tháng 12 16, 2008

GIÁNG SINH VỀ

Tối qua, H. rủ đi ăn cơm, mình bảo ra cơm Bà cả, Tôn Thất Thiệp đi. Chỉ để vòng vèo qua Lê Lợi, qua Nguyễn Huệ xem hơi hướm Giáng sinh nó như thế nào. H. bảo nhìn mấy dây đen xanh xanh, đỏ đỏ thấy mà ghê ! (thôi mà, đừng có khó tính vậy bạn ơi !). Mà đúng là Sài Gòn lúc nào cũng vậy, sặc sỡ một cách hồn nhiên.

Tối qua, trời mưa lâm râm. Nhờ vậy mà không bị chênh lệch nhiệt độ mấy khi bước xuống máy bay.

Những lúc trời lành lạnh như thế này lại muốn lang thang đâu đó. Mặc cho chỉ mới đây thôi mình vừa ngắm mây từ trên cao, và mình cũng vừa kéo vali thả bộ trên sảnh phi trường.

Thèm một chút không khí lạnh của nơi chốn càng xa càng tốt. Mặc dù biết đó là một ước muốn xa xỉ trong lúc kinh tế cả thế giới đang tuột dốc không phanh (nghe có vẻ chính trị toàn cầu gớm luôn đó).

Giở lại đống hình đi châu Âu hồi đầu năm. Lại ký ức giang hồ ùa về.

Tự dưng nhớ tay kiến trúc sư ở London. Hắn tự about me trên blog như thế này: “Kien Truc Su THAT NGHIEP (đang đi du học muh), song bang TRO CAP cua chinh phu Vietnam (hắn đi theo diện hưởng học bổng), KHONG thao nhieu ngoai ngu (nhưng mình biết hắn nói tiếng Anh như cháo, và đủ ma lanh để dẫn mình đi shoping ở khu chợ trời Camden Lock, trả giá búa xua), ngoai hinh KHA, THUC KHUYA tot, giao tiep OK, biet uong BIA, moi bo THUOC, yeu C(and G)AI DEP, thich DU THU (cái vụ nầy thì mình cũng chứng thực được, vì nhờ hắn mà biết vô số quán bia bọt ở London, rất là hay luôn).

Sáng nay vô blog của tên này. Thấy hắn viết khá thú vị. Đưa tạm lên blog mình một vài đoạn. London qua góc nhìn của hắn thật là khác !

“Sáng nay dậy sớm. Vừa đạp xe về trong bóng tối nhão nhọet lất phất mưa phùn. Vô bếp làm ly cà phê nghe tiếng xào xạc. Hình như là may thật, vừa vào nhà mưa đã quất vào cánh cửa, hình như thế...

Hôm nay thật siêng năng đạp xe qua Chợ Cổng Hóa Đơn (Billingsgate market) nằm giữa 2 Nhà ga Cây Bạch Dương và Bức Tường Đen. Không khí Tết mừng ngày Chúa giáng sinh thật rõ ràng bởi cả sự tấp nập chật chội bên trong lẫn kẹt xe bên ngòai chợ, cũng như việc giá cả tăng 50% kinh hồn như thị trường VN vào dịp xuân về.

Cái chợ hải sản bán sỉ này nằm ngay rìa khu tài chính mới của Luân Đôn, khu Bến Tàu Chim Bạch Yến (Canary wharf), mà có thể nhìn thấy từ cửa sổ phòng. Cái tên bến tàu nghe hay hay, cũng như tên Cầu tàu Chim Diệc (Heron quay) kế bên, gợi cảm, cổ kính trong gió lộng của chốn giang hồ đầy thuyền bè xa xưa giữa Đảo Chó (Isle of Dogs).

Cái cửa sổ phòng tớ (vừa nhắc ở trên) mở về hướng Tây, với 1 khỏang không thông thóang để có thể thấy được 1 vài điểm nhấn trong không gian đô thị Luân Đôn. Từ khi chuyển về cái căn hộ số Hai Hai, chung cư thấp tầng Theseus, Xóm Đông Ấn (East India), tớ có thói quen quay mặt ra cửa sổ 1 ngày vài chục lần khi làm việc.

Đập vào mắt ở cự li gần là các cao ốc (xấu hoắc, nhưng được quy họach quy củ tạo ra những không gian đô thị đẹp) trong khu tài chính Bến Tàu Chim Bạch Yến. Xa hơn 1 chút là tháp chuông của Nhà Thờ Tất Cả Các Vị Thánh (All Saints). Hơn 1 chút nữa, cái tháp đồng hồ của khu Chợ Trời Chrips (dek biết dịch ra tiếng Việt là gì) bán thượng vàng hạ cám những đồ còn rẻ hơn ở VN.

Xa xa khi mờ khi tỏ là tòa nhà Quả Dưa Chuột Gợi Tình (The Erotic Gherkin) do Ngài Norman Foster vẽ kiểu. Nhận xét về tòa nhà này, một thằng tớ quen người Ái Nhĩ Lan tên là Đa Mĩ Ẩn (Damian) khinh miệt gọi đó là một cái Dương Vật do 1 thằng cha đồng tính thiết kế. Nhưng dù gì, tớ cũng thích cái Linga này, cũng như tòa nhà Lloyd giống cái đít tủ lạnh ngay gần đấy (ở VN cũng có 1 cái nhà giống cái bếp dầu, hehe...).

Còn xa tít mù về phía tây, trong khuôn viên của Vùng đô thị số Sáu Luân Đôn chắc hẳn là Sân bay Hàng Thạch Nam (Heathrow, một lòai cây thuộc họ Đỗ Quyên, hehe, thông tin này biết được là nhờ Wikipedia), nơi tớ đặt chân đến nước Anh Cát Lợi vào ngày Thứ Năm Mùng Bảy Tháng Bảy Xui Xẻo cách nay hơn ba năm rưỡi. Nghe tên Hàng Thạch Nam nghe đầy tính lãng mạn này lại nhớ Hàng Xanh ở Saigon chói chang bụi bẩn.

Bạn bè tớ cũng ở về phía tây (so với nhà tớ đang ở), tất nhiên có thể nhích lên bắc hay xuôi xuống nam 1 tí . Họ sống ở những địa danh dân gian rất thú vị. Đó là Xóm Bức Tường Đen (nơi tớ tá túc 2 tháng), xa 1 chút là Phố Cũ (Old Street, nơi tớ sống gần 2 năm), Đường cao Camden (nơi tớ ở gần năm rưỡi), rồi Xóm Công Chúa Tháng Năm, khu Lâu Đài và Các Chú Voi, Cầu Tháp, Cây Thánh Giá của Đức Vua, Bẩy Bà Sơ, Nhà Nguyện Trắng, Vườn Đảo, Công Viên nữ Hòang, Đồi Rất nhiều chữ A (Avery, hehe, bịa thêm để có vẻ giống tiếng Việt)...

Viết đến đây, nhìn ra ngòai, trời đã hửng sáng, mưa nhơm nhớp như mồ hôi dầu. Hóa ra tiếng xào xạc hồi nãy là của 10kg cua, mực và tôm bò lổm nhổm, giẫy đành đạch và nhảy lách tách trong bao nilon.

Hehehe... tối nay bạn bè tụ tập nhà tớ party chia buồn vì ngày mai tớ già thêm 1 tuổi... huhuhu...”

Chúc mừng sinh nhật muộn nghen KTS. Khi nào về Sài Gòn thì nhớ hú đi nhậu nghen !

Chủ Nhật, tháng 12 14, 2008

TỰ DƯNG NHỚ GA XÉP SAPA

Lần nào ra Hà Nội cũng ở đúng cái khách sạn nầy. Bởi lẽ, chỉ cần bước ra ngõ một tí thì phố cổ đã lồ lộ ra đấy. Một chút chật chội, một chút xô bồ, nhưng tinh ý một chút thi thoảng vẫn thấy những khoảnh lặng nhất định nào đó. Như con phố Hàng Điếu chẳng hạn. Khách bộ hành dễ bị hoa mắt bởi những cửa hiệu sáng choang, bởi những dãy ô mai, mơ, sấu bày ngun ngút; rồi thì những hàng chè, hàng bánh trôi Tàu; những cửa hiệu bún chả, miến lươn đặc trưng Hà Nội… Mỗi khi dạo trên những con phố như thế này mình lại khoái đem máy ảnh ra, chẳng có cái hình nào nghệ thuật cả (chuyện này thì Khả biết rõ hơn ai hết J). Nhưng những khuôn mặt, những món ăn, những cái lá rơi trên góc phố trong khung hình lại khiến cho một mai nào đấy khi giở ra xem thì ôi chao bao nhiêu là ký ức lại ùa vào. Trên con phố Hàng Điếu này, lần nào ra mình cũng ghé vào một cửa hàng be bé độ vài ba mét vuông bán đặc sản Thái Nguyên. Cửa hàng hình như không có biển hiệu, mà đôi lúc cũng có mà mình không để ý cũng nên. Cô bé bán hàng ở đây khá là dịu dàng. Ra độ đôi lần, mà cách nhau hàng nửa năm chứ chẳng chơi, vậy mà nhớ mặt. Mình thích cái không khí bàng bạc khi nói chuyện với cô ấy. Chuyện cũng chẳng đâu ra đâu. Như hồi tối chẳng hạn, chuyện cứ nhảy cóc từ hạt sen sấy không đường, sang hạt bí, rồi lần hồi đến chuyện mua sắm lễ vật ăn hỏi, cưới xin hồi nào chẳng hay. Hôm qua H. bảo với mình là hắn sợ cái xô bồ, nhộn nhạo, sợ cái tính nóng nảy, cục cằn của người dân Hà Nội quá ! Ừ, thì Hà Nội bây giờ nó vậy đấy. Thật may, đâu đó trên góc phố cũng còn sót lại một chút chi phong vị của ngày xưa, còn sót lại những “người muôn năm cũ” ấy. Đủ để chặc lưỡi mà nói “Thôi kệ” để bỏ qua những thất vọng như H. đã từng cảm nhận.


Tối nay, tự dưng khó ngủ quá. Có lẽ tại vì ly Espresso của quán Hapro ngoài Bờ Hồ. Và nhờ vậy mà nghe được tiếng còi tàu, tiếng bánh xe xình xịch nghiến trên đường ray xe lửa ở đầu ngõ phố Phùng Hưng. Lại nhớ, lần nào đấy, buổi tối lóc cóc ra ga để đáp tàu đi Sapa. Con tàu đen thủi, đường đi cũng hun hút, tối mịt mùng. Thi thoảng qua một vài ga xép nào đó, thấy ánh đèn vàng nhờ nhờ treo trên những thanh ghi, đằng sau là núi rừng chập chùng thì ngực mình lại ứ lên một cảm giác buồn hiu hắt mà chẳng rõ vì cơn cớ gì ! Mà cũng lạ kỳ là dẫu ở bất cứ cái ga xép nào thì mình cũng thấy cái bóng dáng của những ông gác dan đều giống nhau đến lạ lùng. Ở họ toát lên một sự cô độc, buồn nản đến lạ lùng. Dẫu tàu chỉ lướt qua, ánh đèn thì nhạt nhòa nhưng mình cứ mường tượng ra ánh mắt của họ. Không buồn, không vui, không mừng rỡ, không nuối tiếc. Không nắm níu vào đâu. Rỗng không. Và từ đó, mỗi khi nghe tiếng còi tàu, nhìn thấy những toa xe xình xịch chạy, dẫu cho lúc đó là giữa con đường Lê Văn Sỹ ken kín xe và người mình cũng bị lôi kéo về sự rỗng không, tĩnh lặng tuyệt đối của những ông gác dan ngày ấy. Ngay lúc này đây, lại nghe tiếng xe lửa xình xịch ngoài kia. Chẳng biết, chuyến tàu đấy đi về đâu. Lại thèm được ngồi trên một góc toa nhỏ bé nào đó, co ro vì lạnh và thả ánh mắt trôi tuột, không nắm níu vào khoảng không trước mắt.


Hà Nội lúc này lành lạnh một cách thú vị. Đủ để khoác áo đi ngoài đường. Đủ để co ro điệu đà một chút. Từ xa xăm, một người bạn điện thoại hỏi cái lạnh Hà Nội thế nào rồi. Ôi, lại suy nghĩ lan man, chuyện nọ nhảy cóc sang chuyện kia mất rồi ! Thôi chẳng thèm suy nghĩ nữa. Chỉ muốn đầu óc rỗng không ngay phút giây này đây.

(Viết tối 12.12, mạng miếc hết sức chuối nên giờ mới post lên được. Và giờ này cũng nghe tiếng còi tàu !)

Thứ Ba, tháng 12 02, 2008

THÈM CHÚT THẢNH THƠI

Đôi lúc chỉ muốn được như ku Bách. Thảnh thơi nằm, thảnh thơi nhìn, chẳng lo nghĩ điều chi !
Rajiv Gandhi có nói: "Một người hạnh phúc là người có thể thu xếp toàn bộ cuộc sống mình gọn ghẽ trong một chiếc... vali!".
Chủ blog chỉ có một ước mơ thật... "tầm thường": Ước chi công việc có thể xếp gọn cất tạm vào ngăn kéo ha !
Vậy là hạnh phúc lắm lắm rồi đó !

Thứ Hai, tháng 12 01, 2008

BÀI BÁO XUÂN ĐÃ CŨ NHƯNG... HAY !




Mấy tấm hình này tất nhiên là... hổng đuợc đăng báo Xuân rồi ! Nhưng thấy nhà báo đi thực tế mà nhậu nhẹt kiểu này thì quá đã đời phải không ! Có cần cao sang gì đâu. Ông cầm ly rượu ngồi chính giữa là ông Ẩn, chúa đảo Hòn Mây Rút Trong. Ông cầm con cua là ông Phát Vườn Táo. Anh thanh niên trẻ trẻ là chủ tàu Quỳnh Thanh hoành tráng ở hậu cảnh. Chủ blog bao luôn con tàu to đùng chỉ để dành riêng cho chủ blog và một tay máy ảnh bán chuyên nghiệp (thạc sĩ dược nghen) đi lang thang các hòn đảo hoang ! Nghĩ lại thấy hồi đó mình... bảnh thiệt đó !


Câu chuyện “chúa đảo”

Nếu ai đó bảo rằng muốn thăm thú hết các đảo lớn nhỏ của vùng biển Tây Nam, tỉnh Kiên Giang thì e rằng đó là ước muốn không tưởng. Một con số thống kê cũ thì nơi này có đến 105 đảo thuộc 5 quần đảo, chiếm gần 53 ngàn hecta diện tích. Một con số đủ lập kỷ lục Việt Nam. Đã vậy, trong năm 2005 lại có thêm 35 hòn đảo lớn nhỏ khác vừa... nổi lên. Chưa có lời giải thích chính thức nào về hiện tượng địa lý này, có điều với một thực tế chỉ 43 đảo có cư dân sinh sống, gần 100 đảo còn lại vẫn là đảo hoang cũng đáng gợi trí tò mò.

1. “Chúa đảo” Hòn Mây:

Quả là một chuyến thám hiểm đã đời khi đoàn chúng tôi cưỡi “ngựa sắt” 3, 4 chục cây số từ Bãi Trường men theo đoạn đường nham nhở hố to, hố nhỏ của Bãi Đất Đỏ để đến Bãi Xếp tìm đường ra quần đảo An Thới (Phú Quốc). Bù lại con đường này có một cái view trên mức tuyệt vời. Biển xanh ngắt một màu và xa mù ngoài khơi lại thấy lấm chấm những hòn đảo hoang dã mời gọi.

Nguyễn Thanh Bá, thuyền trưởng tàu Quỳnh Thanh thông thạo vùng biển Kiên Giang như trong lòng bàn tay, nói tiếng một: “Chị muốn ghé đảo nào”. “Đảo nào càng ít người càng hay”. “Nè, tui chỉ cho nghen. Hòn Thơm có độ 200 nhà, Hòn Dõi đằng sau đó thì độ 20 nhà, còn chạy độ 1 tiếng đồng hồ ra Hòn Mây Rút Trong gặp 1 nhà, tạt qua Hòn Mây Rút Ngoài cũng có một nhà nữa. Mấy cha nội này hổng biết có… bị gì không mà ở ngoải một mình 5, 6 chục năm nay hổng thấy chán”.

“Bị” gì thì chưa biết, có điều cuộc đời ông Lê Ngọc Ẩn – “chúa đảo” Hòn Mây Rút Trong quả là ly kỳ. Ông nhớ, độ chừng năm 1963, cha mẹ ông – ông Lê Thành Tân và bà Đoàn Thị Tư - đã đóng bè bồng chống cả nhà ra đây, cũng định chỉ trú thân độ chừng vài ba năm để những đứa con của mình qua tuổi quân dịch. Lúc đó, nơi đây còn hoang vu lắm, lắm lúc cả mấy năm trời không thấy mặt người lạ nói chi biết đến tình hình chiến sự ác liệt đang diễn ra trong bờ. Chín người con của ông Tân đã vật lộn đơn độc với sóng và gió biển, rốt cùng chỉ có 4 người là tồn tại được với thiên nhiên khắc nghiệt hoang dã nhưng cũng chỉ có ông Ẩn trụ được tại đảo hoang đến giờ. Bà Tư qua đời cách đây vài chục năm trong một tai nạn thương tâm ngoài biển khơi. Năm đó, bà quá giang tàu cào vào đất liền mua sắm vật dụng cho gia đình, qua khỏi Hòn Nghệ đến Hòn Dung thì tàu phá sóng bị chìm. Cả tàu chỉ có một thằng bé thoát chết vì… cỡi được một chú heo còn hết thảy mất mạng với đại dương. Cũng sau cái chết của mẹ mình, ông Ẩn lại càng có lý do để ít vào đất liền hơn và rồi chết tên “chúa đảo”.

Ông Ẩn kể, hồi mới ra đảo hoang buồn không kể xiết, phần thì ở tuổi con trai mới lớn, phần thì đánh bắt cá tiền vô cũng bộn, vậy là ngơi việc ông lại chèo ghe vào An Thới “đập phá”. Một bận, thấy ông Ẩn say nằm ngủ dật dờ, bà Năm chủ quán thương tình bảo: “Mày coi trong đám cháu tao, ưng đứa nào tao gả đứa đó cho”. Ông Ẩn tỏ thiệt: “Vải thì để con vác nguyên ịn chớ con đâu đành xé manh, xé mún ra”. Bà Năm trề môi chưởi yêu: “Thằng quỷ” rồi dắt tay cô cháu Kim Liên trao cho ông Ẩn chở về đảo hoang. Động lòng trước cô gái dám dấn thân theo mình và biết cô ta sẽ ở đảo hoang không có ngày về, ông Ẩn chơi bạo bỏ ra 3 cây vàng bao giàn gánh hát cải lương làm một đám cưới linh đình 3 ngày 3 đêm ở An Thới (!). Mới đó mà nay “chúa đảo” đã ngót 60 niên với một đàn con tới 7 đứa, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Hỏi đẻ gì mà dữ vậy, ông giả lả nói: “Hôm đó trên xã kêu tui vô Hòn Thơm họp phổ biến chính sách tới 2 cuộc lận. Một cái là “tăng gia sản xuất”, một cái “sanh đẻ có kế hoạch”. Hổng biết nghe ù ù cạc cạc sao mà tui về “phổ biến” lại với vợ là “tăng gia sanh đẻ”. Cô coi vậy có chết không chớ”. Hỏi ra mới biết, ông… nghỉ “gia tăng dân số” chỉ sau cái đận bà đẻ rớt trên Hòn Mây này. Hổng biết gặp ngày xấu, giờ hạn sao đó mà không chiếc ghe biển nào chịu cho vợ ông đang trở dạ quá giang qua Hòn Thơm để tìm bà mụ. Túng thế, chính “chúa đảo” đã ra tay đỡ cho vợ mình, cũng may là mẹ tròn con vuông.

Cái mạng sống thắt thỏm là vậy, cái kế sinh nhai lại càng chông chênh hơn nhưng lạ là gia đình “chúa đảo” luôn có một niềm tin tuyệt đối vào biển cả. Hỏi ông có nghe tin vụ sóng thần bên Thái Lan, rồi mấy vụ nứt gãy đáy đại dương khiến bà con trong đất liền xính vính vì dư chấn động đất. Ông Ẩn ối một tiếng: “Lo ăn muốn chết, còn hơi sức đâu mà sợ”. Quả là vậy. Trong 7 đứa con của ông Ẩn chỉ có một đứa học tới lớp 5 rồi vào bờ theo nghề uốn tóc. Ông bảo: “Con tui muốn học thì phải vượt biển cả tiếng đồng hồ vô Hòn Thơm xăng dầu đâu chịu cho thấu. Còn gởi tụi nó vô đó ở tui hổng dám, tui nghe họ nói tỷ lệ dân nhiễm HIV ở Hòn Thơm là cao nhất Việt Nam mà sợ quá”. Đám con “chúa đảo” mê nghề biển không kém cha mình. Trừ những ngày biển động còn thì họ lênh đênh suốt ngoài biển khơi. Không chỉ mưu sinh, họ nói quen sóng rồi lên bờ cứ thấy... chông chênh say sóng (!). Nhà “chúa đảo” giờ có thêm một cô con dâu, tất thảy nhờ vào hai chiếc ghe đánh cá mà biển giả thì không biết chừng độ. Có tháng nhà ông kiếm được 2,3 chục triệu, chia tiền cho bạn ghe, trả tiền xăng cũng còn độ mươi triệu. “Chúa đảo” giọng ngùi ngùi khi nhớ chuyện làm ăn mấy chục năm trước. Ông bảo, hồi đó đánh một mẻ được cả 3, 4 tấn, cá cam thì con nào con nấy nặng trùi trụi cả ký lô. Lần hồi người ta ham tiền đánh thuốc nổ, muốn tuyệt diệt hết thảy. Rồi chuyện, trước đây cả Phú Quốc chỉ có 50 ghe đánh cá cơm nay lên cả mấy trăm chiếc thì cá mú nào chịu nổi. Vậy mà “chúa đảo” vẫn lạc quan: “Coi vậy chớ tới mùa gió Nam, nhà tui đi lượm can mủ, phuy mủ, két mủ đựng cá cũng bộn. Mất thứ này trôi từ bên Thái qua đó cô. Cỡ này tui cân mủ 5 ngàn đồng/kg, dây cũng được 10 ngàn/kg. Tom góp bán một lần được cả bạc triệu đó”. “Chúa đảo” có một đức tin, có lòng thì biển không bạc với một ai.

2. Khi “nữ chúa” ra riêng:

Cuộc sống của “chúa đảo” cứ vậy mà bình lặng trôi qua. Mà đâu phải chỉ có ông sống vậy, ngay như bên Hòn Mây Rút Ngoài chuyện nhà ông Bảy Yên cũng vậy mà thôi. Ông già Bảy có lẽ cũng mang một nỗi niềm riêng nào đó để chọn lựa cuộc sống cô độc nơi này. Để rồi cũng có chuyện buồn, chuyện vui. Buồn nhất là chuyện ông Bảy mê nhậu đến mức... mù cả mắt. Ông Ẩn đặt cho biệt danh là “nhậu kẹo” vì ông Bảy chỉ cần vài cục kẹo là uống tù tì hàng mấy lít rượu thay cơm. Có điều vui, gia đình ông Bảy nay đã “nở nồi”, ba anh con trai của ông lần lượt lấy 3 chị em ruột của nhà nọ trong đất liền và chịu theo chồng ra đảo hoang này sống ráo trọi. Nghe nói họ cũng nhậu thần sầu quỷ khốc không kém cha mình nhưng nhờ vợ giựt dây nên có phần đỡ. Đó là tôi nghe ông Ẩn nói vậy.

Nhưng chuyện nhà ông Bảy Hòn Mây Rút Ngoài nổi danh trong giới giang hồ miệt biển là nhờ vào uy của... mấy cô con gái – cô Út tà lỏn và cô Tám tà lỏn. Chết danh “tà lỏn” cũng do mấy cô cứ... quần cụt làm tới hết năm này tháng nọ. Các trai tráng ngư phủ thì lè lưỡi chịu thua khi nhắc đến tài bơi lặn như rái cá của các “nữ chúa”, bắt cá thì hết chố chê. Bởi vậy chọc ghẹo chơi thì không dám, chỉ có... mê mẩn mà thôi. Nghe đâu cô Tám tà lỏn có mấy đời chồng vậy mà ghe bạn hàng đến cân cá hay bán tạp hóa cứ neo bến dập dìu. Chồng cô Tám nổi máu ghen bèn... bỏ lên núi ở để lại một bức thư dài 4 mặt giấy. Cô Tám phần thì lo chồng bị... cọp vồ trên đó, phần thì tò mò không biết thằng chả nói cái gì trong miếng giấy – cổ thất học mới khổ chớ. Cô Tám dong ghe qua Hòn Mây Rút Trong nhờ ông Ẩn đọc thư. Ông Ẩn cũng rắn mắt thêm thắt vào bức thư và nói: “Tám tà lỏn đừng có lo, nó lên đó có nước bẻ chuối cây, chuối chát mà sống, thèm cá, thèm mú mò xuống bây giờ. Mà thằng chả có dặn mấy câu độc lắm à nghen”. “Câu gì, câu gì vậy cha nội” – Tám hỏi dồn. “Nó nói, nó mà có chết thì Tám lấy chồng sớm sớm, không thôi Tết này gió bấc về... lạnh lắm à nghen”. “Nữ chúa” xí một tiếng rồi dong ghe đi về. Nghe nói, sau đận đó hai vợ chồng “nữ chúa” xin ông Bảy Yên được “ra riêng” làm rấy kiếm sống. Như một “lãnh chúa” giàu có ông Bảy ừ rất oai vệ và chia “giang sơn” cho con gái mình - Hòn Dơi – cũng là một hoang đảo mờ xa (!).

Lướt qua trang tư liệu mới thấy, ngay quần đảo mà tôi đang dong duổi đây là cả một hệ sinh thái đa dạng. Rạn san hộ nơi này là độc đáo nhất với 89 loài san hô cứng, 19 loài san hộ mềm, lại có thêm 125 loài cá khác nhau cộng 132 loài thân mềm như da gai, rong biển nữa chớ. Mấy tay du khách nước ngoài mê nhất thuê tàu ra đây để lặn ngắm đại dương. Mấy nhà khoa học thì bảo, chỉ tại nơi này mới còn: trai tai bò, ốc đụn cái, đồi mồi, bò biển... một số loài đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Thầm nghĩ, “chúa đảo” “nữ chúa” sống trên cả đống vàng mà đâu có hay ! Mà cũng may là làn sóng du lịch chưa xâm thực đến nơi này - để “nữ chúa” vẫn hồn nhiên lặn ngụp, hồn nhiên sống bỗ bã như bản tính dân miền biển vốn vậy.

3. “Lãnh chúa” đồi sim:

Lại có chuyện cách đây mấy chục năm có một anh thanh niên quê xứ “Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu” bỏ chốn thị thành ra Phú Quốc lập nghiệp. Hồi đó, xứ đảo này còn cò ho khỉ gáy chứ chưa chảnh chọe là “khu du lịch sinh thái cao như bây giờ”. Tiếng là trai thành thị mà ông mê đất, mê vườn quá, cứ cắm cúi vỡ mấy mảnh đất hoang miệt Dương Tơ. Dân tình thấy chỉ lạ vì... đất ở đây như đồ bỏ hoang trên rừng, mê mới lạ à nghen. Có điều có cô thiếu nữ ở Đường Bào không thấy lạ chỉ thấy... mê. Họ nên vợ nên chồng từ mảnh đất hoang.

Nay mảnh đất đó đã là Khu Du lịch Vườn Táo rộng đến 6, 7 hecta ở Dương Đông. Lại nghe sau khi Thủ tướng công bố quy hoạch thì mảnh đất này nằm kề bên một sân bay quốc tế, một khu du lịch biển, một khu du lịch sinh thái nữa chớ. Nhiều tay “cò đất” hay tin... bay tá lả đến nhà ông bảo: “bán đất không, bán cất khách sạn đi ông bạn”. Ông chỉ lắc đầu mà bảo: “Đất này tui để trồng sim”. Mấy tay cò trợn mắt: “Bạc chục tỷ, trăm tỷ mà đem đi trồng sim, ông có... bị gì không vậy”.

Đó là chuyện mới nhất của ông Trịnh Công Phát, Chủ khu du lịch này. Mà coi bộ ông này mê cây thiệt. Đang khi người ta đổ xô làm nước mắm, nuôi chó Phú Quốc, trồng hồ tiêu - những đặc sản của xứ này – thì ông căm cụi kiếm đất hoang để trồng sim. Vợ ông thì nghiền ngẫm công thức pha chế rượu sim. Ông kể, trầy trật hư hao mấy mẻ mới thành công – bà Kim Sơn, vợ ông cười nhẹ “Hư mấy mẻ có nghĩa là mất mấy mùa sim của mấy năm trời đó cô”. Không chỉ nấu rượu thủ công, ông còn lặn lội vô gặp mấy thầy ở trường ĐH Cần Thơ học nghề, rồi khi “thấy được” ông lại tính đến chuyện đăng ký bản quyền, thương hiệu rồi làm website quảng bá nữa chớ.

Còn việc chết danh “lãnh chúa” đồi sim thì kể cũng đáng khi hiện tại năm nào ông cũng tiêu thụ hết vài chục tấn sim rừng. Những người dân cố cựu nơi này lại đi trồng sim giống ông Phát. Cũng lạ đời khi giá sim tươi có lúc lên đến 18 ngàn đồng/kg bằng giá... 1 kg tiêu sọ phơi khô. Công lao cũng nhờ “lãnh chúa”. Ông định trong 6 hecta hiện có sẽ dành hẳn 3 hecta để nhân giống sim. Ông đã lên hẳn một đề án để xin phép chính quyền cho ông thuê hẳn một ngọn núi hoang nào đó để ông trồng một rừng sim nguyên liệu mới thỏa chí làm ăn. Vợ ông thì toan tính xa xôi kiểu đàn bà hơn – làm nhiều mặt hàng từ sim hơn. Tỷ như: rượu sim, mật sim, vang sim, trà sim... nội như rượu sim lại có đến mấy loại: trái khô, trái tươi và cả búp hoa sim. Lại thấy bà Sơn xuống mấy xóm chài mua gom hải mã, hải long, mỏ quạ... để có thêm nhiều thứ rượu. làm tới đâu lại thấy hai vợ chồng “lãnh chúa” vượt biển đi đăng ký, quảng bá thương hiệu đến đó. Nhờ vậy mà nay rượu sim đã là đặc sản mới được du khách lùng mua. Và đã có người dân bắt chước làm thêm hàng chục lò nấu rượu sim ra đời, dù chất lượng các lò này còn phải bàn thêm. Vợ chồng ông Phát trù tính, tại khu vườn này sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho những du khách tuổi cao muốn tìm một chút yên bình giữa khung cảnh hoang dã, tách bạch. Ở đó, sẽ có những túp lều tranh quay mặt vào đồi sim, quay lưng lại dòng suối phẳng lặng. Ông Đinh Khoa Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói rằng: “Mô hình làm du lịch của ông Phát là rất đáng để học hỏi và chính quyền sẽ ủng hộ hết mức”.

“Lãnh chúa” thì tin con đường mình đã vạch ra là đúng. Vậy nên cả hai đứa con trai của ông đều theo học ngành du lịch. “Lãnh chúa” đã mua nhà ở TP.HCM nhưng chẳng đứa con nào chịu ở đất liền. Tư duy của Trí, con út “lãnh chúa” đơn giản chỉ là: “Từ nhà ở quận Tân Bình đến Vườn Táo này tụi em chỉ mất có 55 phút bay chớ mấy. Vậy gọi là xa hay là gần đây”.

***
Chợt nghĩ, những tư duy kiểu như Trịnh Công Trí đã khiến hoang đảo không còn là chốn xa xôi. Chợt nghĩ, biết đâu mai này có một lớp trẻ sẽ hăm hở tìm đến những hoang đảo như “lãnh địa” của ông Bảy Yên, của ông Ẩn, của “nữ chúa” Tám tà lỏn. Có điều, sẽ có những chuyện lớn lao hơn từ đó chứ nào đâu một vòng quẩn quanh như thế hệ ngày xưa. “Robinson” sẽ mỗi thời mỗi khác !

H.HẠNH

NHỚ ƠI LÀ NHỚ !



Lẩu hoa sim - món mới của ông chủ nhà hàng Vườn Tào nè bà con ! Ông chủ này không chỉ nấu ăn ngon mà cũng ... biết làm báo luôn. Cộng tác viên của chủ blog đó. Xí hàng công khai để sau này có ai chào mời ổng viết bài là chủ blog... oánh à nghen !


Món gỏi cá trích chỉ Vườn Táo làm ăn mới ngon. Mà ngon nhất là phải ăn ở ngoải. Tui ăn một tỷ lần rồi mà vẫn thèm nè !


Món bún kèn trứ danh của Phú Quốc, nấu bằng chà bông cá thu ! Nước mắm phải là nước mắm Phú Quốc. Ông chủ nhà hàng Vườn Táo nói ổng không đi đâu xa PQ được, hổng phải vì ổng nhớ vợ mà vì ổng không thể nào xa được... thùng nước mắm ! Có tin được không ? Ăn thử là tin lời ổng liền à !



Chẳng hiểu mắc cái chứng gì mà mới đầu tuần đã thèm đi đâu đó quá chừng chừng !

Tỷ như, bây giờ đặt vé máy bay. 6 giờ sáng mai đẩy vali bay cái vèo ra Phú Quốc.

Ừ mà tại sao lại là Phú Quốc vậy ta ! Thiệt tình là chưa có nơi nào mà mình lại muốn đi 1 lần, 2 lần, 3 lần, thậm chí đến… n lần như cái hòn đảo ngập nắng, ngập gió và miên man là nước nầy.

Cũng không nhớ đã đến nơi chốn nầy bao nhiêu lần. Đi một mình, đi hai mình, đi một… tá mình luôn ! Lần nào cũng vui, cũng thú vị theo một cách riêng. Hôm trước, đọc lại bài báo Xuân cũ, tự nhiên thấy nhớ ông Phát Vườn Táo, thấy nhớ cô Tám Tà Lỏn ở Hòn Mây Rút ghê !

Tuần trước, ông Phát nhắn tin đã đem nước mắm pha sẵn vô Sài Gòn rồi, nhớ ghé lấy ăn. Và ổng còn dặn dò thêm, hôm nào mà thèm ăn gỏi cá trích, cơm ghẹ, lẩu hoa sim thì ới một tiếng, ổng gởi máy bay vô cho. Nghe thì thích thiệt, nhưng nghĩ lại cái mình cần đâu chỉ là món ăn. Cái cần là không gian, là bầu không khí bạn hữu ở nơi chốn ấy. Giữa Sài Gòn làm sao mà hồi nhớ được. Tỷ như những lần gói miếng gỏi cá trích ở ngay giữa mảnh vườn mang tên Vườn Táo (nhưng nói rõ là không có cây táo nào, chỉ có ổi, và bưởi, và sim mà thôi !); như lần đi tàu ra Nam Đảo mua cá, mua hàu, mua bào ngư, ghé Hòn Mây Rút xin tí lửa nướng lên, nhậu khề khà; hoặc có lần ghé hòn đảo hoang nào đó (quên mất tên) vây bắt mực ống, nướng lên ăn ngon tái tê (nhưng lần đó cũng biết mùi, vì áo quần tím lịm lịm do bị … mực tấn công); hoặc có lần lén bơi qua hồ Dương Đông, trèo lên Thác Bảy Tầng gom củi khô nướng cá, nấu cháo gà ăn (vùng cấm du khách vào, nhưng mình quen với ông bảo vệ nên… vô tư). Và còn tỷ tỷ chuyện khác nữa. Như chuyện cả đám… spa trên bãi biển, bị bảo vệ rượt đuổi chạy có cờ. Hay như chuyện tập tành theo gout hoang dã của khách Tây, bì đặt bỏ ra ba bốn trăm đô thuê cái phòng trống huơ, trống hoác; đi dạo là phải tránh… phân bò ! Trời ơi, mới đó mà mọi chuyện cứ như mờ xa !

Nhớ ơi là nhớ !

Thèm đi ơi là thèm đi !

Thứ Ba, tháng 11 25, 2008

HỘI CHỨNG NHỚ QUÊ

ảnh Trương Công Khả
Còn không chừng 2 tháng nữa là tới Tết. Khoảng thời gian nầy cũng dễ làm cho những kẻ xa xứ mắc phải… hội chứng nhớ quê ! Dẫu cho đang ở nhà, hay đang ngồi trong một cái quán xá nào đó thì thể nào câu chuyện cũng dẫn dắt về… ngày xưa quê ngoại thế này, quê nội thế kia. Dẫu cho, phố xá Sài Gòn tưng bừng là thế, hào nhoáng là thế, những kẻ xa xứ vẫn quay quắt nhớ từng bờ kinh, từng bờ liếp có cỏ mọc xanh ngắt, có tán dừa mát rượi; có kẻ còn nhớ đến độ nói – sao quê tui xấu xí vậy mà tui nhớ quá chừng nè !
Mình có hai đứa cháu, đều là dân thành đạt, hiện đại, đủ mọi yếu tố của lớp trẻ bây giờ. Đứa theo ngành dược, đứa theo ngành tàu biển, toàn là làm cho công ty đa quốc gia, lương bổng đủ để tụi nó thi thoảng vài tháng lại quảy ba lô đi du lịch. Thằng con mới có 18 tháng tuổi cũng nhiễm máu giang hồ giống ba mẹ, đi tùm lum; từng ấy tháng tuổi mà đã biết đủ thứ Đà Lạt, Hà Nội, Lạng Sơn, Hạ Long. Vậy mà cái gia đình trẻ, hiện đại đó lại đang nhớ quay quắt nơi chốn khỉ ho cò gáy với cái tên nó quê không còn cái gì quê hơn – Tân Móc, Kinh Già Dong, xứ Cà Mau !

Tối qua, thằng chồng – dân tàu biển - hì hụi đến 2 giờ sáng, gõ gõ, đánh đánh. Sáng ra, đứa vợ vô blog của chồng đọc, và rồi nhắn tin tíu tít, khoe ầm ầm.

Mình cũng vô blog tụi nó. Đọc và tự nhiên giờ thấy nhớ quê không thể tưởng tượng được nữa rồi nè
.

Đọc từ blog cu Bách:

Ông nội cu Bách "đánh dây thép" lên cho hay quê nội giờ điện nhà nước đã kéo tới tận nhà rồi...cha ù nghe thẫn thờ một chút rồi thở dài với mẹ G: "Vậy là hy vọng dẫn cu Bách về xứ mình mỗi hè cho biết ruộng đồng tiêu tan rồi em ơi". Cái xứ mình ở đây nào có xa xôi gì lắm đâu, nghe chừng đâu là cái ấp nghèo nhất của cái xã nghèo nhất ở cái huyện nghèo nhất trong cái tỉnh cũng nghèo nhất đó mà. Ở cái xứ nghèo quắt nghèo queo đó cách Cà Mau có hơn 20km thôi mà mỗi lần về quê phải khăn gói từ tờ mờ sáng, để rồi xuống bến tàu A - ko biết sao đặt chữ A, B ở đây nữa - nôn nao đợi đò chạy cả buổi sáng chỉ để đòi bằng được bà nội cho ăn ổ bánh mì xẻ bụng nhét cây cà rem vàng nghế mùi sầu riêng vô. Cảm giác ngòn ngọt đầu lưỡi, buôn buốc chân răng của que kem ít đường nhiều đá - dù sao cũng mang chút hơi hướm thị thành - chạy dần ra phía sau chiếc đò đang xình xịch khói để ùa đến mùi quê từ từ rõ nét ở phía mũi tàu. Mỗi khi chiếc đò chòng chành ghé lại ở mỗi ngôi nhà nào đó y như rằng một tốp con nít ùa ra, có đứa lóp ngóp bò lên từ dưới sông, có thằng lộn mèo từ đống rơm xuống, nhưng đều giống nhau ở chỗ đen nhẻm và trên tay cầm cái gì đó giống như khúc bánh mì ăn dở dang. Chúng xúm lại mừng mẹ hay cô, dì, thím, mợ gì đấy đi chợ về xem có được dăm ba trái bắp hay cái bánh cam, bánh còng nào không vì trái gòn non trên tay - nhìn sơ sơ tưởng khúc bánh mì - cạp tới ruột non đã biến màu nâu và chát ngấm. Chợt thấy ổ bánh mì kem sao quá đỗi giàu sang còn vị ngòn ngọt hồi nãy bay đâu mất tự hồi nào...

Lội bộ, giang xuồng, đi cầu khỉ thêm 2 tiếng đồng hồ nữa thì nhà ông cố con cũng trước mắt... Nếu mà alô ngay đầu kinh So Le rồi trong nhà chạy ra xuồng máy ra rước như bây giờ thì làm sao có được cảm giác hồi hộp nghe tiếng chó sủa dậy xóm khi thấy khách lạ ngang nhà, làm sao thấy được đồng chó ngáp - bởi lẽ toàn năng không à, chán quá phải ngáp chứ sao giờ ?! - làm sao thấy được cánh đồng cò bay thẳng cánh - ông Cậu hay nói vui là chứ không thẳng cánh ra bay té xuống đất chết ngắt hết rồi. Dọc đường quê rợp bóng mát của cây me, cây còng, cạnh trại xuồng lúc nào cũng là cây Gừa cổ thụ yên ả buông rễ dài như tấm màn phủ xuống mặt kinh nơi bầy vịt đang chúi đầu mò lũ tép mòng. Và 3 tháng hè cực kỳ đã bắt đầu...

Để coi nào, buổi sáng khi bình minh chưa ló dạng, cha ù đã chạy lon ton theo bác 3 Cường đi cuốn câu, dỡ lờ, thăm lợp... sướng nhất là từ đằng xa nghe chú lóc nào dính câu quậy ì đùng, nhưng cũng tiu nghỉu khi kéo lên cái lờ nhẹ tênh chẳng có anh sặc hay chị rô nào hết, vòng về sẵn tay vớt vài cu ốc bưu, ốc lác để buổi trưa có nồi luộc cơm mẻ nè. Về đến nhà khi bàn chân chưa hết sướng vì được quẹt lên đám cỏ thấm đẫm sương đêm thì một nồi cháo cá lóc ăn với rau đắng đất đã được cô Cầm dọn ra sẵn. Húp xong chén cháo thì lăn vào những trò chơi mà bây giờ cha ù lờ mờ nhận ra nó có nguy cơ tuyệt chủng ! Trời còn mát thì đi chặt bình bát, lựa cây đẹp nhất để đẽo kiếm khất hưng, trưa chút thì móc đất sét nắn tu na vỗ nghe bôm bốp, nắng quá thì vẹt đám cỏ sau nhà chơi trò gà quất, xế trưa thì bứt dây mây lấy trái chơi ống thụt... Sau khi chọc ổ kiến vàng lấy trứng câu cá rô tăm tích với bác Nha thì chặt luôn nguyên cây chuối nhảy xuống kinh Tăng Móc trước nhà mà tha hồ vùng vẫy ngày hè... Lên bờ thì cô Cẩm cũng chuẩn bị xong món kẹo bằng đường chảy kéo qua miếng bẹ chuối mà vị ngọt thanh kéo dài cho tới giấc ngủ trưa.

Đến giờ mà cha vẫn chưa quên được lúc sung sướng nhất trong những ngày hè về quê nội là trèo lên bộ ván ngựa bên chái nhà nằm cho bà cố con ru ngủ bằng cây quạt chằm lá dừa. Những ngày hè oi bức thì ngọn gió từ cây quạt tay này sao mà mát mẻ đến kì lạ. Nó không mang mùi rơm rạ như nhiều nhà văn viết, chẳng có mùi quay cốm vừa đập bùm ban sáng, cũng chẳng phải "lời ru có gió mùa thu" trong bài "Mẹ" của Trần Quốc Minh mà cha vừa học ở trường. Đơn giản chỉ là trưa hè yên ả, làn gió phe phẩy từ cây quạt nan như vỗ về giấc ngủ say sưa mặc cho ông bong bóng khua mái chèo dưới mé sông, mặc cho tiếng kèn kẹt của bụi tre gai xéo góc nhà và tiếng tắc kè nấc cục từng cơn khát nước...

Vậy là cây quạt nan cũng hiện diện trong nhà ta thay cho quạt máy để đêm đêm mẹ G vẫn phe phẩy giấc nồng cho cu Bách. Không phải vì tiết kiệm điện trong thời buổi bão giá này mà là tính tiện dụng không thể chối cãi của nó, mỗi khi với tay tìm remote của quạt bàn hay máy lạnh - mà cu Bách thường chọi lung tung vào góc nhà - thì lúc nào cũng gặp cây quạt nan liền. Con hay bệnh đường hô hấp phải hạn chế tối đa quạt điện, máy lạnh càng không, thế nên cây quạt tay lúc nào cũng ngay đầu nằm. Chuyện chỉ sử dụng cây quạt này để nhắc con nhớ về quê nội là điều không tưởng nhưng lại để có cớ kể chuyện ngày xửa ngày xưa có một thiết bị không hiện đại tí nào mà mỗi buổi trưa bà cố thường ru cha ngủ ở một vùng quê của cái ấp nghèo nhất trong cái xã nghèo nhất của cái.... Và cha sẽ dẫn con về nơi ấy. Nó không đẹp như những vùng đất con từng qua, nhưng là nơi chứa đựng đầy ắp tuổi thơ hồn nhiên với miền ký ức khó phai mờ, ở nơi ấy một thời cha bồng bềnh bay theo những giấc mơ đang lơ lửng ở ngọn tre làng...

Cuối cùng quê mình cũng có điện, đâu rồi những chiếc quạt nan khi quạt điện mỗi nhà 3 cái, đâu rồi những bó đuốc lá dừa bập bùng mỗi tối cuối tuần các cô các chị dắt dìu nhau ra đầu kinh xem Phạm Công Cúc Hoa, tìm đâu ra cảm giác khép mái chèo khi hai chiếc xuồng lướt qua nhau ở thời điểm xuồng máy, rồi xe honda chạy như mắc cửi trên đường quê hôm nào... Cha ù thẫn thờ tìm không thấy lấy đâu để chỉ cho con đây !?

Ngày nảy ngày nay, ở đất SG đèn ngọn xanh ngọn đỏ, khi đã dạo gần hết chiều dài đất nước và đạt hầu hết những giấc mơ lơ lửng ở lũy tre năm nào, có một ông cha ù đang hụt hẫng miệng lẩm bẩm : "Phải chi quê mình đừng có điện"

Thứ Tư, tháng 11 19, 2008

20/11 LÀ GÌ VẬY TA ?

20/11 là vầy nè bà con ơi !

TRƯƠNG CÔNG KHẢ TÁI XUẤT GIANG HỒ












Mùa thu Cali đẹp quá Khả ơi !

Thứ Năm, tháng 11 06, 2008

NHÀ THƠ OBAMA


Như lệ thường, chiều nào cũng vậy, độ chừng 5, 6 giờ chiều lại ra đầu hồi lầu 1 nhìn dòng xe cộ tấp nập chạy ngược xuôi cầu Ông Lãnh. Đôi khi chóng mặt, tự hỏi làm sao để mình bơi giữa biển người, biển xe ấy để về đến nhà !

Lại có thói quen ngồi nán lại một chút sục sạo trên mạng lâu lâu một chút chỉ để biển người ấy, biển xe ấy thưa ra một chút. Chỉ vậy thôi !

Cũng đã hai buổi chiều nay, "biển từ" Obama đã vây bủa mọi người. Câu chuyện bên bàn cafe sáng cũng Obama; trưa ăn cơm cũng Obama; họp giao ban cũng lại là... Obama.

Vậy nên chút thông tin cuối trong ngày cũng là... Obama nhé !

Lần nầy là một Obama - nhà thơ !

Hai bài thơ dưới đây được "ảnh" sáng tác lúc 18 tuổi.

POP

Sitting in his seat, a seat broad and broken
In, sprinkled with ashes,
Pop switches channels, takes another
Shot of Seagrams, neat, and asks
What to do with me, a green young man
Who fails to consider the
Flim and flam of the world, since
Things have been easy for me.

Ngồi trên ghế của mình, một chiếc ghế rộng và sụp
Vào trong, đầy những tàn thuốc vương vãi,
Pop đổi kênh truyền hình, uống thêm một
Ngụm Seagrams, nguyên chất, và hỏi
Tôi mắc chứng gì vậy, một thằng tuổi còn xanh
Mà không hiểu ra được
Cái trò bá láp của thế gian, vì
Tôi đã sống quá dễ dàng.

He . . . Stands, shouts, and asks
For a hug, as I shink, my
Arms barely reaching around
His thick, oily neck

Ông . . . Đứng, gào, và đòi
Một cái ôm, trong lúc tôi dằn lại, hai cánh
Tay tôi đưa ra chỉ vừa đủ để choàng quanh
Chiếc cổ mập, nhờn của ông


Underground

Under water grottos, caverns
Filled with apes
That eat figs.
Stepping on the figs
That the apes
Eat, they crunch.
The apes howl, bare
Their fangs, dance,
Tumble in the
Rushing water,
Musty, wet pelts
Glistening in the blue.


Dưới lòng đất

Những hang động dưới nước
Đầy những con khỉ
Ăn những trái sung.
Bước lên những trái sung
Mà những con khỉ
Ăn, thì nghe giòn rụm.
Những con khỉ gào hú, nhe
Nanh, nhảy múa,
Ngã nhào vào
Dòng nước cuồn cuộn,
Những bộ lông hôi hám, ướt sũng
Lấp lánh trong màu xanh.


Thơ "ảnh" có hay không, tôi cũng chẳng biết luôn !

NỖI ÁM ẢNH KHÔNG CHỈ CỦA TOÀN BAN


Sáng nay họp toàn ban. Sốt nóng nhất vẫn là quy chế thưởng phạt. Trong đó, lỗi chính tả luôn là nỗi ám ảnh thường niên của bà con (!).

Mình may quá, được thừa hưởng một nền giáo dục chuẩn, bởi lẽ hồi đó, mình hổng có học mấy môn tầm phào như may vá, cưa đục, nấu ăn... hay sinh hoạt tập thể chi chi đó. Những chuyện này sẽ hẹn ở một entry sau !

Cũng trong sáng nay, nhận một email của bác Đính. Nhìn hình mà bật cười ha... ha... Bác Đính phụ chú, để có một pano như thế này phải qua 12 công đoạn, kiểm duyệt, nhìn ngó... (!) Nếu chiếu theo quy chế thưởng phạt thì để lọt qua bản thảo 1 phạt 50 ngàn, qua bản thảo 2 phạt chồng lên người quản lý để lọt lưới lỗi này 100 ngàn đồng. Quy chế của tụi tui hổng thấy để lọt đến mức bản thảo 3, 4, 5, 6... 12 như chuyện vừa nêu. Nếu có, tui tin rằng mấy ông nhận in pano phải thường tiền ngược lại quá. Mà cũng hổng chừng, chính mấy đơn vị chủ quản đọc sao, viết vậy hổng chừng.

"Chời chời ơi là chời, sao mà mấy ông lại để chuyện gủi go như dầy xất hiện dậy chời". Hic hic.

Liệu Bảo hiểm Pjico có bảo hiểm cho những gủi go của hậu quả nền giáo dục hổng giống ai hông chời !

Thứ Tư, tháng 11 05, 2008

ÔNG TA ĐÃ CÓ MỘT GIẤC MƠ

"Cha mẹ tôi không chỉ chia sẻ với nhau tình yêu trong mơ, mà còn chia sẻ với nhau niềm tin vào các cơ hội rộng mở trên đất nước này. Họ cho tôi cái tên châu Phi, Barack, nghĩa là người được chúc phúc, vì họ tin rằng ở nước Mỹ bao dung, tên của bạn không thể là rào cản đến thành công. Họ tưởng tượng rằng tôi sẽ đến những trường học tốt nhất mặc dù họ không giàu, bởi vì ở nước Mỹ hào phóng, bạn không cần phải giàu mới có thể đạt được những ước mơ."
"Không một người dân nào mong đợi chính phủ giải quyết mọi khó khăn của họ. Nhưng họ cảm nhận được, từ trong sâu thẳm của đáy lòng, cần có một sự thay đổi dựa theo những ưu tiên hợp lý, để có thể bảo đảm rằng mọi đứa trẻ tại Mỹ đều có sự khởi đầu tốt cho cuộc đời chúng, và cánh cửa cơ hội luôn rộng mở cho mọi người. Họ biết rằng chúng ta có thể làm tốt hơn. Và họ muốn chúng ta phải làm thế".


"Khi chúng ta gửi những người trẻ tuổi vào chỗ hiểm nghèo, chúng ta bị buộc vào một nghĩa vụ thiêng liêng, ấy là không được ngụy tạo những con số, cũng không được che giấu sự thật về lý do sai phái họ đi, nhưng phải chăm sóc gia đình họ khi họ vắng mặt, hỗ trợ những người lính khi họ trở về, và đừng bao giờ tham chiến khi không đủ lực để chiến thắng, gìn giữ hòa bình, và giành được sự tôn trọng của thế giới".


“Chúng ta không thể rút lui khỏi thế giới, cũng không thể hăm dọa để khiến thế giới phục tùng”
"Tối nay, chúng ta cùng tụ họp tại đây để khẳng định sự vĩ đại của quốc gia này – không phải do chiều cao của những tòa nhà chọc trời, cũng không phải bởi sức mạnh quân sự, hoặc tầm vóc của nền kinh tế chúng ta. Niềm kiêu hãnh của chúng ta lập nền trên một tiền đề hết sức đơn giản, được tóm tắt trong bản tuyên ngôn hơn hai trăm năm trước: “Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người được tạo dựng trong bình đẳng, Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta những quyền bất khả nhượng, trong đó có quyền được sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc.” Đó là tính cách thật của nước Mỹ - niềm tin vào những giấc mơ giản dị, và lòng kiên định tin vào các phép lạ nhỏ nhoi."

"TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ"


Một trăm năm trước đây, một người Mĩ vĩ đại mà chúng ta giờ đây đứng dưới bóng của ông, đã ký một bản Tuyên ngôn giải phóng. Tuyên ngôn lịch sử này đã trở thành ngọn đuốc hy vọng cho hàng triệu nô lệ Negro, những người đã bị thiêu đốt trong ngọn lửa của sự bất công. Nó đến như vầng dương chấm dứt đêm dài tăm tối. Nhưng một trăm năm sau, chúng ta lại đang phải đối mặt với một sự thật bi kịch khác, người Negro vẫn chưa được tự do.

Một trăm năm sau, cuộc sống của người Negro vẫn bị kéo lê bởi xiềng xích của sự cách ngăn và cùm gông của nạn kỳ thị. Một trăm năm sau, người Negro vẫn đang phải sống trên hoang đảo nghèo đói giữa biển cả phồn vinh. Một trăm năm sau, người Negro vẫn tiều tụy lang thang nơi góc phố tối tăm trên đất Mĩ, chỉ thấy chính họ là kẻ lưu vong trên ngay mảnh đất quê hương mình.

Bởi vậy, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây hôm nay cất chung tiếng nói về điều kiện thương tâm của chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã tới thủ đô để đòi một khoản nợ. Khi các nhà kiến trúc sư của nền dân chủ Hoa Kỳ viết xuống những lời tuyệt đẹp cho bản Hiến pháp và Tuyên bố Độc lập, họ đã ký nhận vào một tờ tín phiếu theo đó mọi công dân Mĩ đều có quyền thừa kế.

Tờ tín phiếu này mang theo một lời hứa hẹn rằng mọi người dân đều được đảm bảo quyền không thể tách rời là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hôm nay, thực tế hiển nhiên cho thấy nước Mĩ đã thất hứa vì rằng màu da của người dân Mĩ lại bị xem là rào cản trong việc sử dụng tờ tín phiếu này. Thay vì trân trọng thực hiện trách nhiệm thiêng liêng ấy, nước Mĩ đã trao cho người dân Negro một tờ séc khống không có giá trị thanh toán. Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng công lý đã bị phá sản. Chúng ta không tin rằng quốc gia không có đủ ngân quỹ trong hầm dự trữ chứa đầy những cơ hội của đất nước này.

Bởi vậy, chúng ta đến đây để đòi nợ, một khoản nợ về quyền tự do và sự đảm bảo về công lý. Chúng ta có mặt tại nơi linh thiêng này để nhắc nhở nước Mĩ về sự cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Lúc này không phải là thời điểm của sự nhượng bộ thỏa hiệp hay xoa dịu bằng những viên thuốc an thần. Giờ là thời điểm mở tung cánh cửa cơ hội cho tất cả những người con của Chúa. Giờ là thời khắc đưa dân tộc ta từ vũng lầy của bất công kỳ thị tới một nền tảng vững chắc của tình đoàn kết anh em.

Sẽ là tai họa cho cả dân tộc nếu lờ đi tính cấp bách của thời cuộc hiện nay và đánh giá thấp lòng quyết tâm của người dân Negro. Không khí ngột ngạt oi bức chứa đầy sự bất bình trong mùa hè này chưa thể qua đi tới khi có được làn gió thu của tự do và công bằng tiếp sinh lực. Những ai có hy vọng rằng người Negro cần phải xả bớt sự căng thẳng và hài lòng với những gì đã có sẽ bị vỡ mộng nếu như đất nước này trở lại với công việc như thường ngày. Nước Mĩ sẽ chưa thể bình yên, chừng nào người Negro chưa giành được quyền công dân của mình.

Cơn lốc của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm lung lay nền móng của quốc gia này cho tới ngày thấy được ánh sáng của công lý. Trong quá trình đấu tranh giành lại vị trí xứng đáng cho mình chúng ta không cho phép mình mắc phải những hành động sai lầm. Hãy đừng thỏa mãn cơn khát bằng chén hận thù và đắng cay.

Chúng ta phải xây dựng các cuộc tranh đấu của mình trên nền tảng của các giá trị và nguyên tắc. Chúng ta không cho phép những chống đối biến thái thành các cuộc xung đột bạo lực. Chúng ta phải đứng trên tầm cao của sự hòa trộn tâm lực và trí lực.

Tính chiến đấu thấm nhuần trong đông đảo người dân Negro không được làm cho chúng ta mất lòng tin vào những người da trắng. Rất nhiều những người anh em da trắng, như bằng chứng sự có mặt của các bạn ở đây hôm nay, đã cho thấy vận mệnh của các bạn cũng là vận mệnh của chúng ta và tự do của các bạn cũng gắn liền với tự do của chúng ta.

Chúng ta không thể bước những bước đơn độc. Mỗi bước đi, chúng ta phải nối vòng tay bè bạn cùng đồng hành. Chúng ta không thể quay trở lại. Có những người đang hỏi bạn, “Rồi chừng nào bạn mới yên lòng?” Chúng ta sẽ không bao giờ thấy yên lòng khi mà ta không thể tìm được một nơi trú ngụ trong một nhà nghỉ bên đường hay tại một khách sạn trong thành phố sau chuyến đi mỏi mệt. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào sự di chuyển của một người Negro vẫn đơn giản chỉ là từ một khu ghetto nhỏ sang một khu ghetto lớn hơn. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào một người Negro ở Mississipi còn chưa được quyền đi bầu cử, khi một người Negro ở New York còn tin rằng anh ta chẳng có gì để đi bầu. Không, không, chúng ta không yên lòng, và chúng ta sẽ chưa thể yên lòng cho tới ngày công lý được tuôn tràn như dòng thác, và công bằng sẽ như một dòng sông cuộn chảy.

Tôi biết có những bạn tới đây vượt qua những nỗi khổ đau, gian nan thử thách. Có những bạn mới vừa ra khỏi xà lim. Có những bạn đến từ những nơi mà cuộc tìm kiếm tự do của bạn bị chà đạp bởi sự ngược đãi cuồng bạo và bị cản trở bởi sự tàn bạo của cảnh sát. Các bạn đã trở thành những người kỳ cựu về chịu đựng khổ đau. Tiếp tục tiến lên với niềm tin rằng sự thống khổ oan ức là cứu thế.

Trở về Mississippi, trở về Alabama, trở về Georgia, trở về Louisiana, trở về với những khu nhà ổ chuột ở các thành phố phía bắc của chúng ta, chúng ta tin rằng bằng cách nào đó tình trạng này có thể và sẽ đươc thay đổi. Hãy đừng đắm mình trong nỗi tuyệt vọng. Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn rằng, dù hiện tại có muôn vàn khó khăn và nỗi bức xúc, tôi vẫn luôn mang trong mình một giấc mơ. Đó là một giấc mơ bắt nguồn từ giấc mơ nước Mĩ. Trong giấc mơ của tôi, tới một ngày đất nước này sẽ cùng đứng lên và sống một cuộc sống với niềm tin “Chúng ta coi sự thực này là điều hiển nhiên: con người sinh ra là bình đẳng”. Giấc mơ của tôi là một ngày kia, trên những ngọn đồi ở Georgia, những đứa con của những người nô lệ và những đứa con của những người chủ nô trước đây sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn thân thiện của tình anh em. Trong giấc mơ của tôi, thậm chí một ngày kia, bang Mississippi, một hoang mạc ngột ngạt trong bầu không khí của bất công và kỳ thị, sẽ biến thành một ốc đảo của tự do và công bằng. Trong giấc mơ của tôi, 4 đứa con tôi tới một ngày sẽ được sống trong một đất nước mà ở đó giá trị của chúng được đánh giá bởi chính ý chí, nghị lực cá nhân, chứ không phải bằng màu da. Ngày hôm nay, tôi có một giấc mơ.

Tôi mơ một ngày kia bang Alabama, nơi vị thống đốc hiện thời đang luôn mồm nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa sẽ trở thành nơi các trẻ trai và trẻ gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà. Hôm nay, tôi có một giấc mơ. Tôi mơ một ngày kia các thung lũng rồi sẽ được lấp đầy, những quả đồi, ngọn núi sẽ được san bằng, mặt đất gồ ghề sẽ trở nên phẳng phiu, những góc quanh co sẽ được uốn thẳng tắp, và sự huy hoàng của Thiên Chúa sẽ được bộc lộ và mọi người cùng thấy. Đó là hy vọng của chúng ta. Đó là niềm tin tôi sẽ mang theo về miền Nam. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể đập nát núi tuyệt vọng thành những viên đá hi vọng. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ biến những tiếng kêu bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng êm ái của tình đoàn kết anh em. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ cùng sát cánh bên nhau, cùng nguyện cầu, cùng chiến đấu, cùng vào nhà lao, cùng đứng lên vì tự do, vì chúng ta biết rõ một ngày kia chúng ta sẽ tự do.

Đó sẽ là ngày tất cả những người con của Chúa cùng hòa chung một bài ca: “Quê hương tôi, miền đất thân yêu của sự tự do, của người tôi hát. Miền đất nơi cha tôi đã nằm xuống, miền đất niềm tự hào của những người hành hương, từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do”. Và nếu nước Mĩ là một đất nước vĩ đại, điều đó nhất định phải trở thành sự thực. Hãy để tự do ngân lên từ những ngọn núi khổng lồ ở New Hampshire. Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi hùng vĩ vùng New York. Hãy để tự do ngân lên trên những vùng cao Alleghenies miền Pennsylvania! Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi Rockies tuyết phủ của Colorado! Hãy để tự do ngân lên trên những núi đồi tròn trịa của California! Không chỉ thế, Hãy để tự do ngân lên từ những đỉnh núi Stone Moutain của Georgia! Hãy để tự do ngân lên trên ngọn Lookout Moutain của Tennessee! Hãy để tự do ngân lên từ mọi triền đồi và vùng đất cao ở Mississippi. Từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do.

Martin Luther King