Thứ Hai, tháng 12 31, 2007

NGẪM NGHĨ NGÀY CUỐI NĂM

1. Buổi sáng cuối năm 2007. Ngồi ở chốn quen thuộc mỗi sáng. Ăn một món ăn quen thuộc. Tán chuyện vu vơ vài câu với mấy ông anh bạn già. Nhận một món quà từ miền Trung - thuốc lá Cẩm Lệ và ớt xanh Đà Nẵng. Chợt nhớ hôm nay là ngày cuối cùng của những chiếc xe lôi.
Trộm nghĩ, phố xá Miền Tây mà vắng bóng chiếc xe lôi kéo cái thùng cọc cạch thì liệu có còn chút chi hồn vía vốn có. Cái không gian văn hoá Nam bộ nếu chỉ là những chiếc xe tải, xe tuk tuk xăng khói mù mịt thì liệu có níu giữ được bản sắc vốn đã mai một lần hồi.
Ngoắc chú Tư xe lôi hay đậu ở góc đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Thái Học (đối diện Hoàng Cung) để đi cuốc xe lôi cuối cùng. Hỏi chú: “Bữa nay là bữa cuối ha chú. Mấy ổng có dời cái lịnh đã ban chưa”. Chú Tư trả lời mà miệng méo xệch: “Chú đang chờ con ơi. Để coi mấy ông Hội đồng với nhà báo có cách chi giúp không. Trong khi chờ thì mình phải chấp hành chớ biết sao. Ngày mai mà tụi chú kéo xe, kéo thùng lển nghển ngoài đường, mấy ổng thấy phố xá xấu xí, mấy ổng phạt thì chết”. Tôi hỏi mà lòng còn đau hơn cái miệng đang méo xẹo của chú Tư: “Nhưng rồi tụi con biết đi lại bằng gì đây chú Tư”. “Ngặt nổi còn không mấy ngày nữa là Tết tới rồi con ơi”.
Đau lòng là ở chỗ đó. Mấy ổng ban lệnh cấm thì dễ nhưng lo chuyện nồi cơm, manh áo cho dân mới là chuyện đáng bàn. Đằng sau mỗi một chiếc xe lôi là cả một thân phận, là một kiếp mưu sinh cực nhọc muôn phần. Nghe đâu xứ miền Tây cò bay thẳng cánh này có đến 10 ngàn cái thân phận bọt bèo như chú Tư vậy đó.
Tôi vốn được bạn bè gắn cho cái “Huy chương vì sự nghiệp xe lôi, xe ôm”. Toà soạn phát cho mỗi tháng 300 ngàn đồng tiền xăng xe, có điều tôi chi còn lố hơn số tiền này. Được cái tôi quen tất tật mấy anh, mấy chú xe lôi xe kéo từ sài Gòn cho đến Cần Thơ. Quen đến mức mà ngồi trên xe có thể tán dóc đủ thứ chuyện. Quen đến mức mà ông xe ôm trước Toà soạn ở Cống Quỳnh thấy tôi đứng lựng xựng trước cổng là hỏi liền cô về quận 10 hay quận 4. Quen đến mức mà anh xe lôi trước Co-op Mart Cần Thơ thấy tôi xách lùm đùm, lề đề là hỏi ngay bữa nay chị về thẳng nhà chớ hổng vô văn phòng phải không ! Quen đến mức mà hôm nào bận công việc lu bù tôi có thể điện thoại nhờ anh Hải hay thằng Tuấn xe ôm trước chợ Xuân Khánh ghé vô chị Đáng, vô bé Linh lấy thức ăn về giùm. Hôm trước anh Hải khoe con gái ảnh đậu đại học Cần Thơ. Tôi mừng thiếu điều muốn chảy nước mắt. Chạy vô nhà lấy ra chồng tập học sinh ra tặng cho con gái ảnh. Cũng may mà sức khoẻ của ảnh mạnh ra sau khi bị bệnh thập tử nhất sinh tới ba bốn tháng trời.
Trong những nghề nghiệp kiếm sống bằng sức lao động chân tay xem ra những người chạy xe lôi, xe kéo là có học thức nhất. Ngoại trừ mấy tay tre trẻ, còn hầu hết mấy ông già, mấy chú trung niên đa phần là dân Tây học cả. Nhớ cái đận khó khăn của những năm cuối thập niên 70, đa phần các trí thức nếu không đi vùng kinh tế mới muốn bám trụ ở thành phố đa phần đều chọn nghề chạy xe lôi. Lúc xăng nhớt còn chưa được bán ra ngoài rộng rãi thì họ chạy xe lôi đạp. Tôi còn nhớ mấy ổng chế ra cái thắng xe bằng chiếc dép lốp, gắn vô bánh sau. Mỗi khi xe đổ dốc cầu cao cao cỡ cầu Quay Bạc Liêu lại thấy mấy bác tài đá ngược chân ra sau đạp mạnh vô chiếc dép, miệng la chói lói: dzô dzô… Thắng riết, chiếc dép lốp mòn vẹt thiếu điều muốn lủng mà còn không dư nổi tiền mua chiếc mới. Tới chừng, xăng nhớt có bán ra lại trên thị trường lại thấy mấy bác, mấy chú hè hụi đem chiếc xe 67 ra sửa sang, nâng cấp gắn vô cái thùng là đủ để tà tà kiếm sống. Mấy ông bạn đồng nghiệp kể, ông già chạy xe lôi lâu nhất Cần Thơ nuôi cả một bầy con đậu đại học, ăn nên làm ra. Một người con của ông lão nay làm đến chức chủ tịch một quận trung tâm của đất Tây đô.
Mà nói chi đâu cho xa. Còn nhớ hồi nhà tôi khăn gói vô Bạc Liêu kiếm sống hồi cuối những năm 70. Tưởng là vô xứ ruộng đồng cò bay thẳng cánh chuyện mưu sinh sẽ dễ như trở bàn tay. Anh em nhà tôi toàn dân được sung sướng từ nhỏ đến lớn vốn chỉ nhờ vào một suất lương công chức của ba tôi nên có biết chi chuyện đối mặt với kế sinh nhai. Ba tôi - một viên chức y tế, vốn cai quản cả một ngân hàng huyết học tại Bệnh viên TW H. - rốt cùng lại lọc cọc đi đạp xe lôi. Ba tôi đạp buổi sáng, buổi chiều đến lượt ông anh thứ Năm của tôi. Ngoài giờ đi học, đi dạy, anh đạp phụ thêm tiền chợ… Lọc lọc, lạch cạch mà rồi cũng qua cái đận đó. Ba tôi đã qua đời khi chưa kịp thấy chúng tôi nên người – theo cái nghĩa là đã định hình cuộc sống – đó là điều mà tôi ân hận nhất. Anh Năm tôi đã ổn định, con cái đứa đậu đại học, đứa học hành giỏi giang và nhất là chúng không đua đòi. Chúng biết cái gốc của mình là từ đâu mà ra. Chuyện nhà tôi là vậy. Nói chi đến chuyện của 10 ngàn gia đình hiện đang nương nhờ chiếc thùng xe lôi.
Chú Tư chở tôi ghé văn phòng, đưa cho chú Tư tờ 20 ngàn và nói chú khỏi thối. Chú lắc đầu quầy quậy không chịu nhận, phải đến khi tôi nói tôi biếu chú cuối năm chú mới thôi từ chối. Mà hồi nào tới giờ đa phần đi xe lôi, xe kéo tôi toàn gặp những người sống thiệt là tử tế - cái chuyện tử tế tưởng chừng là dễ ai dè đôi khi thiệt là hiếm hoi ở những người áo mũ xênh xang mà tôi đã gặp đâu đó trong cuộc đời.
Buồn quá !

2. Buổi chiều cuối năm 2007. Giờ này có lẽ chuyến bay chở gia đình T.C. Khả đã đến Ca li. Trưa qua là một buổi chia tay đẫm nước mắt tại phi trường sau cả một tháng trời pha trộn đủ thứ cảm xúc của anh em, của đồng nghiệp. Đứa cứng rắn như Lợi cũng phải quay mặt đi; chị Ba, Th. Trang, T. Trình khóc ràn rụa. Trên đường về ai cũng nặng trĩu cảm xúc. Chị Ba nói: “Chị không tin là lên S.G đưa chú Khả đi Mỹ. Cứ tưởng tượng như là mình về xem Duyên Dáng VN như mọi năm”. Trang thì nhớ: “Vậy là em hết nghe tiếng ảnh chạy lẹp xẹp, lẹp lên cầu thang nữa rồi”. Trình thì nói: “Nữa vô họp hành, gặp lúc căng thẳng lấy ai dám nói chuyện tiếu lâm cho đỡ khổ đây”… Tôi thì nhớ hình ảnh ba của Khả ôm bé Thức khóc ròng mà buồn không thể tả.
Nhớ cách đây đã chừng 8 năm, tôi kéo Khả về văn phòng làm việc. Khi đó, Kh. đang cộng tác với một số tờ báo khác. Nhiều người nói, quản được tay này là khó lắm đây vì cái chân hắn là chân chạy, không chịu vô khuôn phép nào cả. Tôi vẫn chấp nhận. Và sau khi hắn về văn phòng mới thấy điều… “khủng khiếp” ở hắn không phải là những gì đồng nghiệp cảnh báo. "Khủng khiếp" nhất ở chỗ hắn… viết sai lỗi chính tả đến độ kinh hoàng ! Tôi rèn hắn 8 năm nay, chuyện gì cũng OK cả, chỉ mỗi một chuyện chính tả là chào thua. Đến độ hôm nào thấy hắn nộp một bài viết hết sức trơn tru là tôi lại nhìn hắn đầy hoài nghi: “Ê ! Nói thiệt tao nghe coi. Chuyện lạ như vầy chỉ có 2 phương án: một là đạo bài người khác, hai là nhờ vợ sửa lỗi chính tả phải không”. Hắn cười lỏn lẻn bảo: “Chị thông cảm đi. Em là nạn nhân chiến tranh mừ. Hồi nhỏ giặc giã liên miên, đi chăn trâu kiếm sống nên đâu có học hành suôn sẻ như người ta”. Lại có chuyện hắn check mail hoài huỷ không được, tưởng là máy tính bị nhiễm virus. Ai dè, hồi lâu mọi người mới hiểu ra là hắn nhập mật khẩu của mình bị… sai lỗi chính tả, không nhận mail được là phải rồi ! Tôi thì bảo với mọi người, nếu khi nào thấy trang web hay blog của Khả mà câu chữ trơn tru, sạch nước cản thì y như rằng… mấy tay hacker đã xâm nhập bất hợp pháp !
Nói cho vui vậy chớ tôi cũng như anh em văn phòng vẫn chưa quen việc mình mất đi một tay cộng sự, một đồng nghiệp, một thằng em vô cùng dễ thương. Có tiếng là tay nhiếp ảnh gia có hạng với người trong giới khắp vùng Nam, Bắc mà chưa đồng nghiệp nào thấy hắn chảnh bao giờ. Ai xin hình hoặc nhờ vả gì cũng thấy hắn xăng xái, tận tâm. Giở lại kho tư liệu ảnh hắn để lại mới thấy sức làm việc của hắn đáng nể vô cùng.
Nhưng điều thích nhất là Khả có một lòng nhân hậu thật sự. Chụp hình một đứa bé lang thang bán cua đồng ở Cần Thơ, tiếp một bà già Vĩnh Long đi tìm cháu mà không có tiền đăng báo, gặp con bé bán bánh bì bên bờ Bắc Cổ Chiên… lại thấy hắn lén lén móc bóp lấy tiền ra cho. Cũng chỉ có hắn mới nghĩ bày ra nhiều trò vui chơi, xin quà cho mấy đứa trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người già… thiệt là xôm tụ. Và cũng chỉ có hắn mới khiển nổi mấy em hoa hậu, chân dài ăn mặc kín đáo đi cắt tóc, gội đầu, cắt móng tay cho mấy đứa trẻ tật nguyền. Vậy mà lâu lâu thấy không đi đâu, mấy em chân dài lại điện thoại tìm hắn tíu tít.
Nhớ hôm có sự cố sập cầu Cần Thơ. Đi chụp hình về hắn bị sốc nặng, khóc hụ hụ từ bến Ninh Kiều đến tận văn phòng. Thấy cảnh hắn bò lên từng bậc thang lầu rồi xỉu đi mà không ai chịu nổi. Tính khí của hắn là vậy.
Chuyện ra đi của hắn cũng nhiều khúc mắc. Từ bỏ một công việc ổn định, một tờ báo mà hắn yêu, một môi trường làm việc tốt, một vị trí làm nghề không phải ai cũng có được. Đánh đổi lại được gì ?
Hắn cũng không biết chuyện gì đang đợi chờ mình trước mắt.
Tôi chỉ mong với một đứa có tấm lòng nhân hậu như hắn chắc hẳn sẽ gặp được điều may mắn.
Những tôi cũng lo khi với một tâm hồn nhạy cảm như vậy liệu hắn có thích nghi được với cảnh mới, lòng người cũng mới. Và nhất là khi thiếu một môi trường làm việc hắn sẽ ra sao ?
Quá nhiều ngổn ngang cho một ngày cuối năm.

Thứ Năm, tháng 12 13, 2007

TỔ QUỐC

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ bức tranh ta được xem ngày nhỏ
Từ những người bạn tốt vẫn cùng ta
Thường đi học và chơi chung một phố.
Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu
Từ bài hát mẹ ta ru âu yếm,
Từ những cái ta quyết giữ vẹn tròn
Cả trong những giờ khó khăn nguy hiểm.
Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ chiếc ghế ta vẫn ngồi trước ngõ,
Từ cây phong đơn độc giữa cánh đồng
Khẽ chào nhẹ mỗi lần có gió.
Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu
Từ bài hát đầu xuân con sáo hát
Từ con đường ven xóm nhỏ quanh co
Và biến mất trong sương chiều xanh nhạt.
Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ ánh đèn nhà ai đang run rẩy,
Từ chiếc mũ bố ta đội ngày xưa,
Mà bất chợt trong hòm ta lại thấy.
Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu
Từ tiếng gõ của con tàu mệt mỏi
Từ lời thề mà thời trẻ yêu nhau
Ta giấu kín trong tim không dám nói.
Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Mikhail Lvovich Matusovsky (Nga)

ĐẤT NƯỚC

"Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
" Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ra cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào 4.000 năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyển lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước là Đất Nước nhân dân
Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết "yêu em từ thở trong nôi"
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi

Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi
Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay người
Trái không chỉ rơi vì sức hút đất đai
Trái rơi vì tay người ao ước
Khi trái chạm tay người và người ấm ủ
Thì lừng hương và cô Tấm bước ra
Đi trả thù và sống Tự do
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay người, đó là định luật
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam
Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..
Hãy ngã vào tay nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu nhân dân và nghe người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh trên cơ thể nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù
Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đấy tiếng hát chúng con: tiếng hát xuống đường! "
(trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm)

Chủ Nhật, tháng 12 09, 2007

GREEN FIELDS

Once there were green fields kissed by the sun
Once there were valleys where rivers used to run
Once there were blue skies with white clouds high above
Once they were part of an everlasting love

We were the lovers who strolled through green fields


Green fields are gone now, parched by the sun
Gone from the valleys where rivers used to run
Gone with the cold wind that swept into my heart

Gone with the lovers who let their dreams depart
Where are the green fields that we used to roam




"ll never know what made you run away
How can I keep searching when dark clouds hide the day
I only know there"s nothing here for me
Nothing in this wide world, left for me to see.

Still I"ll keep on waiting until you return
I"ll keep on waiting until the day you learn
You can"t be happy while your heart"s on the roam
You can"t be happy until you bring it home
Home to the green fields and me once again.

Thứ Bảy, tháng 12 08, 2007

TƯƠNG PHẢN

Bản tin ngày 8.12 của Vnexpress đưa tin:
Hàng 'độc' Lamborghini Gallardo SE cập cảng Việt Nam. Nên nhớ, chỉ có 250 chiếc phiên bản đặc biệt Gallardo SE được bán ra trên toàn thế giới và một trong số đó có mặt tại Sài Gòn vào tối 7.12, với số thứ tự 249. Với giá sau thuế 141.500 euro tại châu Âu vào thời điểm ra mắt, nếu tính theo tỷ giá hiện nay, Gallardo SE trị giá 207.098 USD. Vẫn chưa biết giá tại Việt Nam sẽ là bao nhiêu !

Trước đó, cũng hãng nầy loan nhiều tin khác liên quan đến những “siêu xe” có mặt tại Việt Nam:
- Hai ngựa chiến Ferrari F360 và F430, bò tót Lamborghini Gallardo và Audi R8 tụ họp bên cạnh "hàng độc" LS600hL cùng Hummer H3 limounsine.
- Chiếc Audi R8 về TP HCM hồi giữa tháng 9. Audi R8 là đối thủ của Porsche 911 Carrera 4S, Aston Martin V8 Vantage hay BMW M6. Điều ấn tượng với dân chơi xe Việt Nam là ít ai ngờ R8 lại xuất hiện nhanh đến vậy, bởi với sản lượng chỉ khoảng 15 chiếc mỗi ngày, việc tậu nó ở ngay các thị trường lớn là điều không dễ. R8 mất 4,6 giây để tăng tốc 0-100 km/h, vận tốc tối đa 301 km/h.
- Lamborghini Gallardo, chiếc siêu xe đã làm nên cơn "địa chấn" trong làng chơi ôtô khi xuất hiện đột ngột tại Việt Nam vào đầu tháng 5. Gallardo được Lamborghini sản xuất từ năm 2003, trang bị động cơ V10 dung tích 5.0 lít. Chỉ sau 3 năm có mặt, có tới 5.000 chiếc Gallardo được ra lò và là mẫu bán chạy nhất trong lịch sử của Lamborghini. Nó là đối thủ của Ferrari 360 Modena
- LS600hL không xếp vào dòng siêu xe nhưng nó nổi tiếng nhờ khả năng chơi xe thời thượng của các đại gia Sài Gòn. Mới chỉ ra mắt hồi tháng 5 nhưng LS600hL nhanh chóng có mặt tại Việt Nam. Đây là chiếc hybrid xăng-điện đắt nhất thế giới với giá tại Mỹ khoảng 124.000 USD.
- F430, mẫu xe mà Ferrari thay thế cho F360. Ferrari F430 sử dụng động cơ xăng V8 dung tích 4,3L, công suất 483 mã lực, tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 4 giây và đạt tốc độ cực đại 315 km/h. Giá của F430 tại Mỹ vào khoảng 170.000 USD.

Dân ta quả là có nhiều người giàu thiệt. Nhưng ngẫm lại, việc tôi không thể nào lý giải được cái sự giàu có kiểu này mới là nghịch lý !

Tôi chỉ có thể lý giải được bài toán lời lỗ của cô gái bán dưa lê hoàng kim bên vệ đường vào rừng U Minh Thượng. Một thau dưa giá vài nghìn đồng một ký. Chỉ cần một vài du khách chợt đến như chúng tôi là thằng bé đen nhẻm nầy có thể có tiền mua vài phong kẹo, vài bịch cốm nổ thay vì gặm mãi trái dưa để miệng mũi tèm lem như thế này đây !
Thằng bé nhìn mãi chiếc xe tụi tôi đi. Trong mắt nó ắt hẳn đây là “siêu xe” còn hơn cả cách tụi tôi nhìn chiếc Lamborghini vàng choé vừa cập cảng Sài Gòn lúc nầy đây.



TÔI YÊU ĐẤT NƯỚC TÔI

1. Câu chuyện sáng nay của con tôi và tôi bàn luận là chuyện Hoàng Sa và Trường Sa. Nói thêm một chút - con tôi vốn mê Lịch Sử, ghiền đọc báo và xem thời sự trên tivi. Nó thuộc vanh vách chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện Ta, chuyện Tàu. Và cái mừng nhất là nó có chính kiến và biết bảo vệ lý lẽ của mình đến cùng, đôi khi rất cực đoan ! Con tôi nay đã bước qua tuổi 16, tóc tai cũng vuốt keo dựng đứng, áo quần, giày dép cũng model nầy nọ, lỗ tai lúc nào cũng lủng lẳng head phone vì mê rock… Vậy nên, bạn bè tôi biết chuyện nó mê Lịch Sử ai cũng lấy làm lạ. Riêng tôi rất mừng. Sáng nay lại càng mừng hơn, khi nhận ra con mình đã đủ độ lớn để tôi có thể trò chuyện, bình luận mọi chuyện thế sự với nó như bạn bè.
Trở lại chuyện Hoàng Sa, Trường Sa vì nhân chuyện này lại bàn đến lòng yêu nước. Tôi yêu đất nước nước tôi – đó là lẽ thường tình của bất cứ mọi công dân nào. Có một dịp tôi được ngồi nghe, ngồi ghi chép lại câu chuyện của 2 nhân vật rất nổi tiếng - (tôi sẽ đề cập đến hai nhân vật này trong một cuốn sách sẽ xuất bản) – bàn luận về lòng yêu nước. Một ông bảo: yêu nước đấy là đức tính quý báu nhất của mọi công dân Việt Nam. Ông kia lại bảo: yêu nước phải là bổn phận, còn đức tính quý báu nhất của dân ta chính là phải biết hy sinh.

2. Tôi nhớ năm 1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra tôi còn là một con bé học lớp 7, trường Thuận Thành B, Huế. Giai đoạn đó cũng là lúc khó khăn nhất, đói kém nhất. Năm này tháng nọ, lũ học sinh chúng tôi đến trường bằng cái bụng rỗng không. Trưa về một nồi bo bo đen thui hoặc sắn khô luộc hôi mốc chờ sẵn trên bàn. Vậy mà khi nghe thầy cô trong trường nói chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào là tụi bạn tôi lại nhặng xị lên. Nói thêm một chút, năm đó tụi tôi mới có 13 tuổi, bụng đói mốc meo nhưng suy nghĩ chắc hẳn già dặn và có ngọ nguậy hơn nhiều so với thế hệ bây giờ. Cả trường xúm nhau đào… giao thông hào bao quanh khuôn viên trường, bề ngang nửa mét, chiều sâu cả mét. Không biết cái giao thông hào này có cứu được tụi tôi khi quân Tàu qua hay không (mà chắc là không !). Nhưng cái được lớn nhất của cái giao thông hào chính là… kích động được lòng yêu nước của tụi nhãi nhép như chúng tôi. Còn nhớ Lê Viết Tha, lớp trưởng còn chích ngón tay lấy máu để viết đơn xin đi… bộ đội (cái này do ảnh hưởng bởi sách giáo khoa và bởi mấy anh phụ trách Đội đa phần là bộ đội). Còn tôi, năm đó đang sinh hoạt trong đội Nghi thức mẫu của Nhà Thiếu Nhi Huế. Lúc đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là bí thư Thành đoàn và anh Nguyễn Thanh Minh (CVP báo TN) phụ trách trực tiếp tụi tôi. Còn nhớ nhà thơ lấy chiếc xe đạp cọc cạch chở tôi về nhà để xin phép gia đình cho tôi vào ở hẳn trong Nhà thiếu nhi một tuần để tập kịch. Nội dung vở kịch tôi chỉ nhớ mang máng là một thanh niên xin cha mẹ đi bộ đội, cha mẹ không cho, cô em út (là vai tôi đóng) khóc lóc, năn nỉ phụ anh mình… Đại loại là vậy. Dự kiến, nếu chiến tranh nổ ra chúng tôi sẽ diễn vở kịch nầy tại sân khấu công viên Thương Bạc và tiễn đưa các anh lính ra trận. Một kiểu hào hùng, bi tráng như cuộc diễu binh của Hồng quân Liên Xô. Quá lãng mạn phải không ?
Rất may, điều đó đã không xảy ra. Máu không chảy, người thôi chết, nước mắt không rơi. Mãi đến hàng mấy chục năm sau tôi mới nhận ra đằng sau cái không hào hứng, cái buồn ảm đạm của ba tôi - một Phật tử - lúc đó là tại sao ?

3. Tôi có một nhóm bạn chí thân. Tên làm báo, đứa làm diễn viên, tên viết nhạc, đứa nọ là võ sư, là nhà ngoại giao, lãnh sự, đứa thì đang du học tuốt trời Tây… Nghề nghiệp loạn xà ngầu nhưng chơi với nhau khá bền, lang bạt kỳ hồ cùng nhau cũng lắm. Năm trước cả đám kéo nhau lên cột mốc số 0, cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Lạng Sơn. Hôm mới đây, tụi tôi lại đặt chân lên mũi Cà Mau, chót cùng đất nước. Rồi những chuyến Phú Quốc, Bến Tre, Trà Vinh, Phan Thiết, Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Hà Nội, Sa Pa, Lào Cai, Hoà Bình, Sơn La, Hà Tây…
Được đi mọi miền cùng nhau như vậy đó là hạnh phúc ! Còn nhớ khi cả đám ngồi nhậu tại Mũi Cà Mau, Đ.H đang ở Washington gọi về í ới: “Trời ơi, tui thèm cái cảm giác này quá” ! Thằng em kiến trúc sư với biệt danh “VDC” thì cứ gào lên: “Oh My God” ! C.M.H thì khá… loãng moạn khi lầm bầm: “Trời, nước tui đẹp dzậy dó hả” ! Nếu luận theo suy nghĩ của người nổi tiếng tôi đã nhắc hồi trên thì xem như tôi và tụi bạn của tôi đã làm tròn bổn phận của mình là yêu nước.
Trở lại chuyện Hoàng Sa, Trường Sa hiện đang là thời sự của các blogger. Mỗi người có một quan điểm và một cách nhìn khác nhau. Cái mừng nhất là ít ra cộng đồng đã không thờ ơ với đất nước của mình. Và đó cũng là cách để họ thể hiện lòng yêu nước có phải không ? Giờ thì tôi lại mong, có một ngày nào đó cả nhóm bạn tụi tôi lại được phiêu lãng, ngôi uống với nhau một ly rượu trên hai địa danh thiêng liêng này. Hãy cứ ước mơ như vậy đi !
Châu thổ Cửu Long

Mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau

Cột mốc cuối cùng của Tổ Quốc

Đó là hạnh phúc !
Điểm cuối quốc lộ 1A, huyện Năm Căn, Cà Mau

Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn; dãy nhà phía sau là Trung Quốc

Ngọn núi ấy một thời có nàng Tô Thị

Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Lạng Sơn; phía sau barie là Trung Quốc

Cột mốc số 0; điểm đầu quốc lộ 1A, Lạng Sơn

Ải Chi Lăng, Lạng Sơn.

CHUYỆN CHA ÔNG

Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân-Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân-Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân ?" Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn-Miếu Xã-Tắc thì sao ? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng !!" Vua nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Trung văn: 諭諸裨將檄文, thường gọi là Hịch tướng sĩ) để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2.

Hịch Tướng Sĩ
Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có ? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được ?
Các ngươi vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi việc đời trước hẵng tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Nguyên mà nói: Vương Công Kiên là người thế nào ? Nguyễn Văn Lập, tỳ tướng của ông lại là người thế nào ? Vậy mà đem thành Điếu Ngư nhỏ tày cái đấu đương đầu với quân Mông Kha đường đường trăm vạn, khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu ! Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào ? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào ? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt !
Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.
Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?
Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào ! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng ?
Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc "đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy; nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị Như thế chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không ?
Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù.
Vì sao vậy ? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa ?
Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta.

Thứ Năm, tháng 11 29, 2007

LANG THANG

rừng đước Cà Mau (ảnh Trương Công Khả)
Blog dở chứng. Mạng dở dở ương ương.

Kéo theo đó một vài cái hẹn làm việc qua email không thực hiện được mà chẳng biết xin lỗi sao đây. Muốn lang thang trên mạng để tìm chút quân bình cũng chẳng xong.

Sáng nay, quyết định quảy ba lô lên đường mặc cho V.H kêu gào: sao tui chưa thấy bà chuyển báo Xuân của dưới đó. Nhưng trời hỡi, lộ trình chút xíu nữa của tui nè: về Rạch Giá, xuyên rừng U Minh Thượng, qua rừng U Minh Hạ, bon theo quốc lộ 1A về Năm Căn, kiếm một chiếc tàu vi vu chót Mũi Cà Mau. Cầu mong, dọc đường gió bụi có chút xíu Wifi để tui không phải cầm tờ... A4 !

Mới hay mình lệ thuộc đủ thứ vào cái thế giới ảo hiện đại này.

Chủ Nhật, tháng 11 25, 2007

NGẪM NGHĨ MỘT TRĂM LẦN


Mười ngày nay blogspot dở chứng. Không vào, không ra, không nhìn thấy gì hết ! Trong khi đó đã có bao nhiêu dự định, bao nhiêu nhiêu suy ngẫm sẽ đưa lên entry thứ 100 nầy. Loay hoay, rị mọ. Kết cục, nhập viện 121 để mình và tay bác sĩ trưởng khoa … 4 mắt trợn trừng nhìn nhau (phụ chú một tí: hồi nào tới giờ chưa ai nhìn mình… với cự ly gần đến vậy !).

Ra về với bệnh án viêm kết mạc cùng với 2 chai nhỏ mắt, 2 vỉ thuốc của 4 nhà sản xuất: Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam ! (Lại phụ chú một điều khác: tay bác sĩ khi hỏi han “thân thế” bệnh nhân bèn ghi thêm tên chai thuốc nhỏ mắt thứ 3 – Cats Yey – và nói là hiếm lắm, nhà thuốc bệnh viện có lẽ không có. Mèn ơi, mình đã đi gõ cửa tất tật nhà thuốc sang hèn lớn bé nhưng nơi nao cũng lắc đầu. Google cũng lắc đầu chào thua với cái tên thuốc này luôn !).

Không biết vì cái toa thuốc hợp chủng quốc này hay vì bữa nhậu xả stress tối qua tại đảo Sư Tử mà sáng nay mình lại có thể âu yếm nhìn… em Flatron mỏng dính yêu kiều với cự ly còn gần hơn nhìn tay bác sĩ trưởng khoa ! Blogspot cũng tạm thời thôi dở chứng. May quá !

Mắt đã sáng. Xa lộ ảo đã thông. Vậy mà bao nhiêu ý tứ đều bay biến theo mây, theo trời. Mười ngày qua, mỗi ngày mỗi suy ngẫm, mỗi ngày một ưu tư. Cứ nghĩ mình sẽ viết như vầy, như vầy. Giờ thì trống rỗng. Mà thực ra điều mình nghĩ thì có viết được không !
Vậy mới biết dù cho đã ngẫm nghĩ một trăm lần cũng có chắc gì đâu !

Thứ Năm, tháng 11 15, 2007

HÃY THÔI ÁM ẢNH

Đã nói ra được với đứa bạn thân điều cần phải nói, tuyệt nhiên không thể nào giấu diếm. Tự thân đứa bạn đã biết phải giải quyết như thế nào. Một happy-end (theo cách bạn mình lựa chọn) khiến mình trở nên nhẹ nhõm.

Lang thang lên mạng thử đọc vài thứ linh tinh, lá cải, cả bói toán nữa. Theo đó, số mạng hôm nay của mình sẽ như thế này: “Bảo Bình (20/1 - 18/2) Vấn đề ngân khố sẽ thống lãnh tâm trí của Bảo Bình trong hôm nay. Dáng vẻ vô tư lự hàng ngày của bạn biến đâu mất tiêu, thay vào đó là vẻ mặt đăm chiêu vì không dè chừng được những phát sinh trước mắt. Tuy nhiên, dù gì thì bạn cũng đừng quá lo lắng nhé, ngày mai mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nhiều”.

Chao ơi ! Nếu mà lúc nào cũng có số... luỵ tiền chớ hổng phải luỵ bất cứ linh tinh nào khác thì hay biết bao nhiêu.

Thử nghe một giai điệu vui cho đời thêm hưng phấn:



Ca khúc: LES ROIS DU MONDE
Sáng tác: Gerald Presgurvic
Thể hiện: Cecilia Cara

"Nous on fait l"amour on vit la vie
Jour après jour nuit après nuit"

"Chúng ta yêu thương nhau và chúng ta sống
Ngày qua ngày, đêm lại đêm"

"A quoi ça sert d"être sur la terre
Si c"est pour faire nos vies à genoux
On sait que le temps c"est comme le vent
De vivre y a que ça d"important
On se fout pas mal de la morale
On sait bien qu"on fait pas de mal"

"Có ích gì khi tồn tại trên thế giới này
Nếu chỉ để nhận một cuộc sống quỳ phục
Ta biết thời gian trôi như một cơn gió
Được sống, điều đó mới thực sự quan trọng
Chúng ta không phải là kẻ xấu
Chúng ta biết rõ điều chúng ta làm không có gì sai.
Lời bài hát nghiêm trọng quá, không hợp với những gì mình đang suy nghĩ trong đầu. Nhưng giai điệu thì đúng là thứ mình đang cần.

Thứ Hai, tháng 11 05, 2007

NGHĨ TỪ ENTRY TRƯỚC

Chắc hẳn sẽ có người bảo, mới thứ Hai đầu tuần mà tôi đã đem mấy chuyện… “thiếu tế nhị” ra mà nói (!). Khổ nổi, cái chuyện “thiếu tế nhị” nầy tôi và các bạn tôi đã và đang bàn một cách… hứng khởi từ ngày Chủ Nhật tươi hồng hôm qua !

Chuyện khởi đầu từ cú phone của bác Đ.N.K ngoài Đà Nẵng – bác ta cứ lầu bầu mãi chuyện báo ta cứ mãi đăng chuyện “thiếu tế nhị” khiến cho đề tài bão lụt của bác không còn đất sống. Tôi trợn tròn mắt lên bảo với bác: “Trời ơi, chuyện i… chuyện đ… của cả một dân tộc mà ông cho là nhỏ nhặt hử”. Bác ta phản biện ngay: “Vậy chớ hồi đó thế hệ của em có bức xúc vì chuyện i… chuyện đ… như tụi con nít bây giờ hay không ?”. Hà hà, hỏi vậy là bác Kh. đụng chạm vô quá khứ một thời của tôi rồi. Tôi nhắc bác Kh. nhớ, những năm tôi và bác Kh. mài đũng quần trên ghế nhà trường (văn mẫu hay nói vậy) lại rơi ngay thời điểm bao cấp. Buổi sáng tụi tôi đến trường với cái bụng rỗng không, không sữa, không bánh mì, không cơm tấm, không ốp la… như tụi nhỏ bây giờ. Ấy vậy thì bao tử, thì quả thận lấy nguyên liệu đầu vào nào để mà hoạt động đây. Thế nên, nhà xí trong trường học đã trở thành một hạng mục… không bao giờ được sử dụng vào thời đó. Lại nhớ, hồi đó có một câu chuyện tiếu lâm nói về cuộc thi vẽ tranh biếm hoạ, vẽ sao lột tả cho được cái đói, cái thiếu ăn một thời. Những bức hoạ đại loại vẽ những bộ xương di động, những gương mặt y như Xô ma li, y như năm 1945… đã phải nhường ngôi cho bức ký hoạ bút sắt cô đọng hình ảnh… một cái hậu môn đã bị máng nhện chăng đầy (!). Bác Kh. nghe tôi nói vậy đã cười kha kha và hết… xì chét tự lúc nào.

Cũng liên quan đến chuyện “thiếu tế nhị”. Hổm rày, có một vài đồng nghiệp rất quan tâm và hưởng ứng đến câu chuyện “thiếu tế nhị” của báo tôi. Uống cà phê sáng, bác H.T nói: “Coi bộ cái nầy nói trúng khía anh rồi đó”. Nhưng cũng có vài đồng nghiệp khác bĩu môi mà rằng “Chuyện i… chuyện đ… mà cũng bì đặt đòi đưa lên nghị sự quốc hội”. Tất cả đều phản ánh những vấn đề nóng bỏng - Báo chí hiện đại nên đề cập cái gì ? Quốc hội nên bàn chuyện gì ? Thế nào là lá cải, thế nào là không lá cải ? Thế nào mới thành chuyện đại sự ?

Mở trang BBC ngày hôm nay thấy đủ thứ chuyện thuộc hàng… khủng như: Musharraf bắt phe đối lập, Bà Rice đàm phán ở Jerusalem, Lãnh đạo Đảng đối lập Nhật từ chức, Belarus tổ chức hội nghị cộng sản quốc tế… mềm hơn một chút lại có: Các nhà văn Hollywood đình công, Trái chuối nướng trên đất Rạch Giá… đề tài mà một số nhà báo VN cho là lá cải cũng có luôn: Vàng Anh trên báo Việt, báo nước ngoài… với vô số links.

Vậy nên, hơi đâu mà bàn cãi, hơi đâu mà định nghĩa, mà để tâm. Chỉ biết, tôi thích nấu ăn, tôi nấu ăn khá ngon. Thực đơn mỗi ngày cho thằng con tôi lẽ dĩ nhiên khác với hồi đó, đủ chất (dĩ nhiên), dư đạm (những bà mẹ lo âu thái quá cho con thường gây hại cho con). Nhưng nó vẫn nhất quyết không ăn sáng, không phải mẹ không cho tiền, không phải vì để dành tiền làm kế hoạch nhỏ (một chuyện hết sức hình thức trong trường học xứ mình) mà chỉ vì… nhà vệ sinh trong trường quá dơ (!). Cuộc sống là vậy đó các đồng nghiệp ơi !

TRÍCH TỪ BLOG NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC


"Blog entry 4.11
Báo “Thanh Niên”vẫn tiếp tục câu chuyện nhà vệ sinh học đường. Nhiều nơi đã thấy biến chuyển vội “chữa cháy”. Chắc sắp tới ông Bộ truởng sẽ có một lời nhận khuyết điểm. Vậy mà vẫn có một ông hiệu trưởng nói rằng gặp khó khăn thì phải lo cái mặt tiền trước sức đâu mà lo một lúc nhiều việc.
Cách đây mấy kỳ họp ở nhiệm kỳ trước mình đã từng phát biểu tại QH hiện tượng các quan chức tới làm việc ở đâu cũng thấy tiền hô hậu ủng, cờ quạt, biểu ngữ, có nơi lại còn điểm binh như “đón nguyên thủ quốc gia”. Tiếp đón toàn những nơi “mặt tiền” cả. Không nói đến chuyện tốn kém, nhưng như thế thì làm sao sâu sát được. Chắc chắn ông bộ trưởng hay quan chức ngành giáo dục đến thăn các trường học chẳng ai noi cái gương của Cụ Hồ là xem nơi ăn, chốn ở, chỗ vệ sinh của dân. Đó cũng là biểu hiện của thói tệ quan liêu và thói xấu “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại” mà nhà văn Vương Trí Nhàn với một loạt bài viết trên “Thể thao-Văn hoá” rất đáng đọc. Vì thế mà viết tiếp câu chuyên “ỉa-đái” dưới đây.
Nghĩ tiếp chuyện tuần trước
Bài nghĩ ngợi tuần trước vừa đăng thì gặp ngay ông quan chức của Bộ Y tế mà bài báo đã nhắc đến, tại hành lang Quốc hội khi ông tháp tùng bộ trưởng của mình đến dự phiên bàn về luật “Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”. Ông tiến sĩ bảo vệ đề tài “Các loại nhà tiêu trong vùng nông thôn Việt Nam” được các thày đánh giá cao vì vấn đề “giải quyết đầu ra” cho đời sống sinh học của con người là vấn đề không chỉ của Việt Nam.
Trong bài “nghĩ ngợi cuối tuần” truớc gửi đến cho tòa soạn, có một đoạn tôi viết rằng ở “Pari hoa lệ” mới vài thế kỷ cách đây, ban đêm người dân đô thị giải quyết đầu ra vào bô rồi đến sáng hắt qua cửa sổ… khiến cho những chiếc ô của các qúy ông và qúy bà không chỉ có tác dụng che mưa nắng mà còn để đề phòng những chậu nước thải bất ngờ dội từ trên các ô cửa sổ xuống. Nhưng có lẽ các nhà biên tập của qúy báo cho đó là chuyện không thể có nên “kiểm duyệt” cắt mất. Nhưng mở lại tạp chí sử học nổi tiếng của Pháp là tờ “Historia” thấy họ không chỉ viết thế mà còn đưa ra những ảnh minh hoạ thuở đương thời vẽ cảnh trạng này với lời chú là xảy ra ở đầu thế kỷ XIX và lại có cả tranh vẽ cảnh các bà các cô trong những bộ cánh sang trọng đang vén xống áo làm ngay một bãi tè giữa đường phố trước con măt kinh ngạc của một người Anh, rất giống với cảnh một thời ở nhà quê, các bà các chị nhà ta thường mặc cai váy đụp rất tiện lợi vì kín đáo khi giải quyết việc đó ngay trên đuờng làng hay trên đường cái quan.
Vấn đề vệ sinh đô thị từng là một vấn nạn của những xã hội phát triển trước khi loài người phát minh ra cách tiêm chủng các loại văc xin phòng ngừa những nạn dịch tiêu diệt một bộ phận không ít dân số của các đô thị. Ở Hà Nội hồi cuối thế kỷ XIX khi người Pháp đang khuếch trương phát triển đô thị thì một cơn dịch tả đã khiến chính quyền và dân cư kinh hoàng đến mức phải biến khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành một nhà thương dã chiến và cách ly. Chính viên toàn quyền Đông Dương Paul Bert cũng mắc dịch rồi bị chết.
Nước nhà vừa giành được độc lập, một trong những việc quan tâm hàng đầu của cụ Chủ tịch nước là xây dựng “Đời Sống Mới”. Cụ mời anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ xúm tay vào việc này. Trên tờ báo “Tiền Phong” của Hội Văn hoá Cứu quốc theo lệnh của Cụ Hồ, anh chị em hội viên nghiên cứu và sáng tác ra các tiêu chí về “Đời Sống Mới’ dưới dạng các câu khẩu hiệu tuyên truyền rộng khắp. Trong đó, vấn đề giải quyết nhu cầu “đái-ỉa” là điều không thể thiếu. Xin đơn cử: “một nhà ga đời sống mới phải có: nhà xí”; một chợ đời sống mới phải có “chỗ phóng uế, chỗ chứa rác”; một thành phố đời sống mới phải có “chỗ phóng uế cho thực nhiều”…
Đến khi phải rời thành phố lên chiến khu, Cụ Hồ còn dạy cho cán bộ chiến sĩ của mình phương pháp mỗi lần đi làm việc ấy thì mang theo một cái xẻng, xong việc thì lấp đất lên vừa vệ sinh, vừa lợi đất lại vừa giữ được bí mật…
Ông tiến sĩ “nhà tiêu” bạn tôi còn lưu ý đến một thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này. Đó là cái hố xí hai ngăn. Nguyên lý cơ bản của nó là tách được nước tiểu khỏi phân và thực hiện việc ủ phân tại chỗ. Chỉ cần ủ đúng quy trình bằng các loại chất độn thích hợp nhưng rất dễ kiếm thì không những không khí không bị ô nhiễm mà chất lượng phân đem bón vừa bảo đảm vệ sinh môi trường lại trở thành một nguồn lợi lớn.
Cái hố xí hai ngăn này với những tiện ích của nó thực sự đã cải thiện căn bản cái vẫn nạn “đổi thùng” của Hà Nội cũng như một vài đô thì khác ở miền Bắc trước khi loại hố xí tự hoại (mà thời đầu dân vẫn quen gọi là “hố xí máy”) trở nên phổ biến sau ngày miền Nam giải phóng. Tôi đã từng thấy trong một vài cuốn sách nước ngoài viết về Việt Nam đã vẽ sơ đồ cái hố xí hai ngăn để biểu dương nó như một phát minh quan trọng. Tôi đã xem Bảo tàng Thành phố London trong đó bày một cách trang trọng các loại “xí” mà người dân thủ đô nước Anh đã dùng qua mỗi thời và nghĩ rằng một ngày nào đó tại Bảo tàng Thành phố Hà Nội cũng nên xây một cái “nhà xí hai ngăn quen thuộc một thời.
Ông bạn tiến sĩ của tôi thì khẳng định rằng đó là một phát minh quan trọng mà những nguyên lý của nó đang được một số nước kể cả một số nước tiên tiến ứng dụng trong khuynh hướng được gọi là “vệ sinh khô” nhằm ứng phó với việc nguồn tài nguyên nước ngày càng trở nên khan hiếm. Cứ làm một con tính, theo cung cách phổ biến hiện nay, mỗi một bãi đái phải tốn từ 3 đến 5 lít nước xả, mỗi một bãi ỉa thì chừng gấp đôi, tổng số nuớc đáp ứng cái nhu cầu không thể không có này lớn đến nhường nào.
Tiến sĩ còn cho biết ngọn nguồn của “hố xí hai ngăn” này từ một cán bộ của địa phương tỉnh Quảng Ngãi (đến nay chưa xác minh được tính danh), nhưng sáng kiến này được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất quan tâm. Là một nhà dịch tễ học, bác sĩ Thạch nhận ra những ưu việt của giải pháp xử lý này. Lan truyền trong ngành y câu chuyện đã thành truyền thuyết là Bác sĩ Thạch luôn đặt trên bàn làm việc và trước mặt mình một cái lọ đựng thứ phân đã được ủ đúng quy cách lấy từ nhà vệ sinh của mình để chứng minh cho mọi người tác dụng của sáng kiến nọ để thuyết phục áp dụng loại nhà vệ sinh này trong đời sống…
Tiến sĩ lại cho biết vấn đề giải quyết việc ỉa đái này cũng đựơc coi là vấn đề toàn cầu vì nó thiết thực với chất lượng sống cũng như vấn đề môi trưòng sống của con người. Ở các nước phương Tây phát triển khi đã đạt tới việc ứng dụng những kỹ thuật, thiết bị tiên tiến cho các loại nhà vệ sinh thì bắt đầu quay trở lại việc nghiên cứu theo chiều hướng bảo đảm môi trường và tái sử dụng các chất thải. Ở Thụy Điển chẳng hạn, nước tiểu ở những nhà vệ sinh công cộng đựơc góp lại vào những xtec để tái sử dụng việc trồng các sản phẩm sạch. Họ cho rằng giải pháp làm sạch rồi thải vào các nguồn nước các chất do con người thải ra là hạ sách và lãng phí… Họ còn tính toán rằng số chất có ích sản sinh từ những bãi nước đái của mỗi người thải ra đủ đáp ứng nhu cầu mà người đó cần đến trong cuộc sống.
Cách đây hơn một thập kỷ ở Trung Quốc các nhà khoa học đã nêu vấn đề một cách nghiêm túc là “Trung Quốc cần có một cuộc cách mạng các nhà vệ sinh”, thì vào thời điểm này, khi đang tăng tốc chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008 người Trung Quốc đang tỏ rõ quyết tâm biến nó thành sự thật.
Còn Việt Nam ta, hãy thử khởi động bằng mối quan tâm đến việc ỉa đái của con em chúng ta bắt đầu từ nhà trường và từ ngày hôm nay!"
Duơng Trung Quốc

Chủ Nhật, tháng 11 04, 2007

Thứ Năm, tháng 11 01, 2007

MÓN ĂN VIỆT - TÂM HỒN VIỆT

Hôm nọ vào lang thang vào blog của Metinfo phát hiện ra một blog quá dễ thương của một cô gái Việt sống trên đất Mỹ.
Blog chỉ chuyên giới thiệu về ẩm thực Việt Nam với công thức và lời chú dẫn bằng tiếng Anh. Nhìn vào tiêu đề các entry đã thấy mê: rau muống chiên xù, muối tôm Tây Ninh, canh rau nhút khoai sọ, lẩu mắm, canh chua cá bông lau... rồi cả đậu rồng xào tỏi nữa chớ (chủ blog giới thiệu là gốc Hà Nội, vậy mà biết một món ăn rặt ròng Nam bộ thì quá nể !). Điều ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh tại blog. Như tấm hình củ ấu trong một entry trước đây trên blog này là của tôi "mượn" từ blog kikirice.
Cũng muốn giới thiệu bạn bè biết blog nầy lắm, ngặt nổi chưa quen chủ nhân để xin phép nên đành chịu.
Tôi rất mê những điều cực kỳ giản dị, những điều thật dễ thương từ những blog kiểu của nhà văn Lý Lan hay của Kikirice. Cám ơn các chủ nhân blog vừa nêu nhiều nhiều !

Thứ Tư, tháng 10 31, 2007

LAN MỚI NHẤT THẾ GIỚI

Mấy nhà khoa học thế giới vừa công nhận 7 loài lan mới phát hiện tại vùng rừng núi Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế là những loại lan mới nhất. Tiện tay đưa lên blog cho bà con chiêm ngưỡng.
Hoa này thấy lạ nhất, nhưng sao hổng thấy hồn vía hoa lan chút nào !

Hoa này cũng vậy, chỉ thấy giống mỗi cái lá lan.


Nhìn đi nhìn lại, thấy loại hoa lan tim tím nầy sao giống y chang... giò lan đang nở ở nhà.

Nhìn hơi kỳ kỳ phải không !

Còn thấy kỳ cục ác liệt !

sao lúc nầy mấy giò lan ở nhà đua nhau nở quá xá. Ác nỗi cái máy chụp hình nó bị cà giựt nên hổng khoe khoang lên đây được.
Hết giờ làm việc rồi, về nhà đem máy ảnh đi sửa thôi !

NGƯỜI VIỆT MÌNH GIỎI THIỆT (phần 3)


Tuổi Trẻ sáng nay dịch lại một bài viết khá hay về một người Việt Nam. Xin được post lên đây cho bà con đọc:

"Creator Synectics, một công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu trụ sở tại Anh, vừa công bố danh sách "100 thiên tài đương thời thế giới". Trong danh sách có một nhà khoa học gốc Việt là tiến sĩ Võ Đình Tuấn, xếp hạng 43. Hiện ông là viện trưởng Viện Vật lý lượng tử Fitzpatrick của Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ).


Năm 17 tuổi, từ Sài Gòn ông đi Thụy Sĩ du học. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Trường Bách khoa liên bang Lausanne (1971), và bốn năm sau ông được trao bằng tiến sĩ hóa lý sinh (biophysical chemistry) tại Viện Kỹ thuật liên bang Zurich, Thụy Sĩ. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.

Trang web của Cơ quan Thương hiệu và phát minh Hoa Kỳ (USPTO, trực thuộc Chính phủ Mỹ) cho biết bằng phát minh đầu tiên của Võ Đình Tuấn trao cho sáng chế "Băng dán cứu sinh" (1987) là một loại băng rất nhỏ và dễ sản xuất hàng loạt, dùng để gắn vào áo của công nhân khi họ làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao, nhằm ghi lại các thông số của loại chất độc hại mà họ bị mắc phải trong quá trình lao động. Chỉ cần 11 giây người ta đã biết mình bị ngộ độc ở mức độ nào và chữa chạy ngay mà không cần phải đưa vào bệnh viện, rồi phải tốn thì giờ lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm.

Theo trang web của Hội Thanh niên sinh viên VN tại Nhật Bản (http://www.vysa.jp/), trong lĩnh vực y khoa, tiến sĩ Tuấn đã tìm ra sự biến đổi gen trong cơ thể người và nhờ đó phát minh ra những hệ thống chẩn đoán sử dụng việc khám phá các ADN gây bệnh tiểu đường và ung thư. Tất cả hệ thống của ông đều dựa trên phương pháp "Tia sáng đồng hành" (SL: synchronous luminesence) dễ ứng dụng, do các dữ kiện được ghi lại hiển thị và được đọc cùng lúc bằng tia laser và sợi quang. Nhờ vậy mà bệnh tật có thể được điều chỉnh kịp thời mà không cần phải uống thuốc... Phương pháp của ông cũng được các công ty dược và tổ chức môi trường chấp nhận. Các viện nghiên cứu lớn đã sử dụng kỹ thuật của ông như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ và hầu như tất cả bệnh viện của Mỹ đều áp dụng phương pháp và thiết bị chẩn đoán của ông.


Đến nay ông có hơn 30 bằng sáng chế. Tiến sĩ Tuấn cho rằng những nghiên cứu của ông chỉ có mục đích đơn giản là góp phần làm giảm những nỗi đau của con người. "Cái khó nhất đối với bệnh nan y như ung thư hay AIDS chính là phát hiện ra nó”.

Năm 2003, USPTO đã tôn vinh bốn nhà khoa học Mỹ, gốc Á trong đó có nhà bác học Võ Đình Tuấn. Bản thông cáo chính thức USPTO cho biết: "Các nhà khoa học này đã có những đóng góp to lớn vào thành tựu của khoa học và y khoa, nhất là những phát minh của họ đã giúp bệnh nhân chống lại nỗi đau tuyệt vọng của con người".

Vào ngày 9.5.2002, nhân kỷ niệm tháng truyền thống của các dân tộc thiểu số châu Á tại Mỹ, bà J. C. Hayward - người phát ngôn của USTPO - cho rằng những phát minh của tiến sĩ Võ Đình Tuấn cùng các nhà khoa học khác đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Điều đáng nói là Võ Đình Tuấn đều có tên trong cả hai danh sách được vinh danh năm 2002.

Trong năm 2002, các trường tiểu học và trung học của Mỹ đều chiếu cuốn video về những nhà khoa học, trong đó có tiến sĩ Tuấn, cho các học sinh xem như một chương trình ngoại khóa. Bà Hayward nói: "Chủ yếu để thế hệ trẻ Hoa Kỳ nhớ đến những nhà bác học của các dân tộc và màu da khác nhau đã có những đóng góp to lớn không những cho xứ sở Hoa Kỳ mà còn cho toàn thế giới".

Tiến sĩ Võ Đình Tuấn còn là viện sĩ Viện Hóa học Mỹ và là biên tập viên cũng như cố vấn của nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành. Ông đã đoạt năm giải thưởng nghiên cứu & phát triển (R&D) vào các năm 1981, 1987, 1992, 1994 và 1996; tác giả của hơn 300 công trình được in ấn trên các tạp chí khoa học.

Ông cũng nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế khác. Hiện nay, nhà khoa học tài năng này đang nghiên cứu cải tiến những công nghệ mới để sản xuất những thiết bị y khoa hiện đại, có kích thước nhỏ và giá thành thấp nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh.


Đứng đầu danh sách mà Creator Synetics công bố ngày 29.10 là nhà hóa học Thụy Sĩ Albert Hoffman (đã 101 tuổi, nổi tiếng thế giới như người phát minh ra LCD) và thiên tài máy tính người Anh Tim Berners - Lee (một trong những người sáng tạo ra mạng Internet). Ba người còn lại trong nhóm năm người đầu tiên là nhà đầu tư George Soros (Mỹ), Matt Groening (nhà làm phim hoạt hình châm biếm, Mỹ) và chính khách, cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.


Ngoài ra, danh sách cũng có những đại diện của Nga (nhà toán học Grigory Perelman đứng thứ 10 hay nhà chế tạo súng tự động nổi tiếng nhất thế giới Mikhail Kalashnikov ở vị trí 83), Brazil, Trung Quốc, Iran, Nhật Bản (nhà sáng chế robot Hiroshi Ishiguro), Ireland, Ba Lan, Đức, Canada, Philippines, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ấn Độ, New Zealand, Áo và Na Uy.

Chỉ có 15 phụ nữ trong nhóm 100 thiên tài còn sống này, trong đó có Joan Rowling - tác giả cuốn Harry Potter (Anh) và nữ diễn viên Meryl Streep (Mỹ). Nhiều người trong danh sách là những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa cộng đồng, ví dụ như ca sĩ Paul McCartney (Mỹ) và nhạc sĩ David Bowie (Anh), đạo diễn Quentin Tarantino (Mỹ), nhà văn Stephen King (Mỹ).

Theo danh sách này, Mỹ là nước có nhiều thiên tài đương đại nhất (43), tiếp đó là Anh (23), 13 nhân vật đến từ châu Âu và 11 từ châu Á, trong đó chỉ có một người châu Phi. Các báo Anh (Telegraph, Daily Mail) đưa tin này đã tự hào vương quốc Anh là nước có nhiều thiên tài đương đại tính theo bình quân đầu người nhất: cứ 2,5 triệu người Anh lại có một thiên tài đang còn sống. Mỹ xếp thứ hai với một thiên tài còn sống trên 6,9 triệu dân.
Trong một trả lời phỏng vấn đăng trên trang web của Trung tâm Lượng tử ánh sáng y sinh học của Viện Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) ở bang Tennessee, khi được hỏi: "Từ khi nào ông quyết định trở thành nhà khoa học?", tiến sĩ Võ Đình Tuấn đáp: "Chính cha mẹ đã truyền cho tôi giá trị của giáo dục và niềm say mê khoa học. Cha thường nói với tôi rằng không giống của cải vật chất có thể mất bất cứ khi nào, giáo dục sẽ đi cùng con tới cuối cuộc đời, ngay tại trường đại học tôi đã cân nhắc nghiêm túc việc nghiên cứu".

Theo lời ông, đó là vào đầu thập niên 1970, ngay sau cuộc "cách mạng sinh viên" năm 1968 tại Pháp và sau đó lan truyền khắp châu Âu. "Khi đó, sinh viên chúng tôi quan tâm tới rất nhiều đề tài, và chúng tôi thường đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống cũng như chủ đích của sự tồn tại. Trong lớp, chúng tôi đọc sách vật lý và hóa học, nhưng ra khỏi lớp chúng tôi bị nhận chìm trong sách của Albert Camus, Jean-Paul Sartre (các nhà văn, triết gia Pháp, được coi là ủng hộ chủ nghĩa hiện sinh), Carl Jung (nhà tâm lý học Thụy Sĩ, nhà sáng lập tâm lý học phân tích), và Jiddu Krishnamurti (nhà văn, nhà hùng biện Ấn Độ).

Hầu như ai trong chúng tôi cũng suy nghĩ và mộng mơ, thường rất ngây thơ và trong sáng, rằng ai đó trong chúng tôi sẽ "tái tạo thế giới". Trong một khía cạnh, "giai đoạn hiện sinh" trong đời sinh viên đó của tôi tiếp tục tác động tới suy nghĩ của tôi về nghiên cứu khoa học. Tôi tin là khoa học, đôi lúc cũng cần đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó và phải cải tạo chính nó để làm mới nó từ những tín điều và khuôn mẫu cũ”.

NGƯỜI VIỆT MÌNH GIỎI THIỆT (phần 2)

Hai vợ chồng tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và tiến sĩ Võ Thị Diệp từ những cư dân của một vùng hẻo lánh tại tỉnh Bạc Liêu đã trở thành những nhà khoa học tài năng của Trung tâm Không gian NASA, chi nhánh Marshall, thành phố Huntsville, bang Alabama, Mỹ. Ông Phước hiện là kỹ sư phi hành không gian, phụ trách phát triển động cơ hoả tiễn cho phi thuyền bay đi từ mặt trăng. Bà Diệp là kỹ sư vật liệu cấu trúc, sáng chế và thử nghiệm vật liệu dùng cho động cơ hoả tiễn nhiên liệu đặc của phi thuyền con thoi.
TS Diệp cho biết, bà sinh ra và lớn lên trong gia đình 9 anh em, ở một ngôi làng rất nhỏ ở tỉnh Bạc Liêu. Khi đặt chân tới đất Mỹ bà đã 17 tuổi; không thể vào trung học được vì phải đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Bà Diệp quyết định chỉ đi học tiếng Anh để thi bằng GED. Sau khi đậu được bằng GED, bà vào cao đẳng cộng đồng và vào được đại học của Mỹ, tiếp tục học lên đến bằng cao học. Sau khi đi làm được 1 năm bà học tiếp bằng tiến sĩ hoá học.
Tiến sĩ Phước thì qua Mỹ năm 1979. Ban ngày ông đi học, ban đêm làm gác cửa thuê cho các biệt thự để kiếm tiền sinh sống hoặc vào mấy xưởng bò làm thuê. Vào trường học, khi học sinh ăn trưa thì ông đi rửa chén để phụ thêm tiền học.
Tiến sĩ Phước: "Hồi tôi học xong cử nhân, NASA đã nhận tôi, nhưng do lúc đó, tôi vẫn chưa có quốc tịch Mỹ nên họ có hứa là sau này khi tôi có quốc tịch rồi, họ sẽ nhận tôi vào làm trong chương trình không gian của họ. Đến khi tôi lấy được quốc tịch hồi năm thứ nhất của cao học, tôi xin vào làm, thì họ cho tôi vừa làm vừa học hết cao học.

Khi tôi nhận bằng phát minh, tôi nhìn lại những người ngồi chung dãy bàn với tôi, tôi cảm thấy rất hãnh diện vì tôi xuất thân từ một làng quê nhỏ ở Việt Nam mà giờ đây đã ngồi ngang với những khoa học gia ở Mỹ .
Tôi nghĩ tôi may mắn thôi, chứ tôi nhìn bạn bè của tôi, tôi thấy rằng nếu có điều kiện họ cũng giống như tôi vậy. Phần nữa, tuổi trẻ nghĩ về tương lai, tôi ước ao sau này cũng được thành công như những người khác, điều này thúc đẩy tôi vượt qua hết những khó khăn.
Hồi mới qua, giống như bà xã tôi, tôi cũng chưa có bằng trung học ở Việt Nam, cho nên tôi phải học GED, giống như bổ túc văn hoá. Tôi đậu được GED 6 tháng sau khi đến Mỹ. 6 năm sau, tôi nhận bằng cao học và đi làm cho Cơ quan không gian NASA của Mỹ. Nhưng may mắn là họ rất khuyến khích mình đi học thêm. Cho nên, đến năm 2004 tôi lấy được bằng tiến sĩ ở trường University of Alabama ở thành phố Huntsville.
Theo tôi, chương trình không gian, mặc dù nói là của Mỹ, nhưng những khám phá ngoài không gian đều là của chung cho cả thế giới, chứ không riêng của Mỹ. Thứ hai, tôi quan niệm rằng một nhà khoa học thì chỗ nào mình có thể đóng góp được thì mình đóng góp, không phân biệt phải làm cho Mỹ hay cho Việt Nam hay cho một quốc gia nào khác. Nếu sau này tôi về hưu, có thể tôi sẽ dịch sách hay về Việt Nam dạy, hướng dẫn sinh viên về những kỹ thuật mà tôi đã học hỏi ở bên này.".
Tiến sĩ Diệp: "Phải cố gắng vì mình sống phải có mục đích. Cuộc đời bằng phẳng thì ai cũng có thể làm được hết, nhưng sự khó khăn mới là thách đố cho mình để học hỏi nhiều hơn. Con đường tiến thân duy nhất là con đường học vấn. Hồi mới qua Mỹ, tôi đi học về phải ghé vào nhà hàng làm thâu ngân. Có nhiều lúc buồn ngủ từ trong tim, trong ruột gan, tôi phải tự ngắt vào người mình cho đau điếng để tỉnh ngủ. Cuối tuần, tôi phải đến nhà người ta chùi dọn. Có nhiều lúc lau dọn nhà cho người ta, tôi suy nghĩ trong tương lai mình phải làm sao cho bằng họ.Thành ra, cuối cùng bây giờ, nói về vật chất thôi, những gì họ có trong nhà thì tôi cũng có khả năng có được như họ. Có nhiều khi tôi cũng suy nghĩ không biết nếu bây giờ tôi trở lại, những người đó sẽ nghĩ mình như thế nào, vì lúc đó họ nhìn mình với cặp mắt là một người lao công.
Riêng bản thân tôi, tôi có ước vọng là khi về già, tôi sẽ trở về Việt Nam mở trường dạy cho những đứa trẻ ở quê. Vì tôi lớn lên tại vùng quê, tôi thấy được có những người rất có khả năng, có tài trí. Tôi may mắn hơn những người khác là có được cơ hội thành công cho nên tôi thích về truyền đạt những kiến thức của mình cho thế hệ trẻ".

CÓ MỘT NGƯỜI VIỆT KHÁC CŨNG... GIỎI LUÔN !

Đi tìm một vài tấm hình minh hoạ cho entry anh chàng đầu bếp giỏi nhất nước Mỹ. Tìm hoài không có, trong khi đó hình món ăn do "một người Việt khác" thì nhiều quá trời. Mà coi bộ “người Việt” này cũng giỏi quá chừng nghen. ;) ;) :D :D
Có bận nhà thơ Lê Chí và nhà ẩm thực "tự phong" Phù Sa Lộc đi Hà Tiên về cho chủ blog một túi nấm tràm khô. Lẽ ra thì có nấm tràm tươi nhưng các bác để quên trên xe hơi và nhà văn Lê Văn Thảo đã chở tuốt về Sài Gòn. Nghe mà tiếc đứt ruột. Nấm tràm ngâm nước, rửa sạch cát, đem nấu canh với tép bạc (dân Bắc nói là tôm bóc nõn) và đủ thứ rau. Chèn ơi, cái vị đắng của nấm tràm nó mới... ngọt làm sao ! Nói thiệt đó !
Còn đây là nấm mối - loại nấm mắc nhất Việt Nam - do nhà báo Khoa Chiến đem qua cho. Một mớ đem xào, một mớ đem nấu canh rau tập tàng. Đặc biệt cả hai món này chỉ nêm với một thứ gia vị duy nhất là muối ớt, chỉ vậy mà thôi. Tự thân chất ngọt, mùi thơm của nấm mối sẽ là linh hồn của tất cả.

Ở xứ Nam Bộ mà không biết kho mắm thì coi như... bỏ, cũng như xưng danh dân miền Tây mà không biết uống rượu đế. Cá rô phải đem kho với mắm sặt Cà Mau mới đúng điệu, vừa thơm vừa mặn mòi, mắm Châu Đốc ngọt quá lại có màu đỏ coi không được tự nhiên. Thèm thiệt !

Cá rô nướng ăn kèm với rau răm, chấm với muối ớt. Tại vì dân thành thị bây giờ ám ảnh tiến bộ khoa học kỹ thuật nên khoái ăn muối I ốt, thành thử hương vị đồng quê phai nhạt ít nhiều. Đúng điệu cá rô phải nướng lửa rơm hoặc than củi, da cá cháy xém một tí; ớt hiểm phải đâm với muối cục, có vậy miếng cá nướng mới đậm đà hơn.