Chủ Nhật, tháng 5 27, 2007

THÈM VỀ HUẾ

Một góc chùa Từ Hiếu.

Chùa Quốc Ân.

Một góc chùa Quốc Ân.


Trời mưa. Gần đến Rằm tháng Tư. Nhớ ba quá. Ba mất đã trên 17 năm, vậy mà mỗi một năm qua đi, tuổi đời chồng lên lại càng nhớ đến ba nhiều hơn... Tự dưng có một ước muốn được về Huế và lang thang lên chùa. Thèm một không gian tĩnh mịch giữa rừng thông của chùa Từ Hiếu. Thèm khung cảnh cô liêu của chùa Quốc Ân. Muốn được thắp hương cho các ôn trên chùa quá…
Đọc chơi cho vui.

CHỊU HỔNG NỔI !

Chị B.Ngân hay nói mình cực đoan. Nhưng chuyện gì cũng có nguyên do của nó. Với lại văn hoá vùng miền, văn hoá tâm linh, nền giáo dục từ tấm bé... đã khiến mình luôn khó tiêu, xét nét trước một số chuyện.

Thử đọc chuyện này là biết liền.

www.viet-studies.org/PhamTienDuat_NguyenDinhBon.pdf

Thứ Bảy, tháng 5 26, 2007

My body My choice

Lướt trên blog của nhà văn Lý Lan, tự dưng ngó hơi lâu thông tin về sinh viên một trường đại học bên Mỹ biểu tình và xô xát nhau về việc ủng hộ hay không ủng hộ chuyện phá thai. Phe không ủng hộ đã nâng tầm vấn đề thành... tội ác diệt chủng ! Phe ủng hộ thì chơi ngay một cái áo thun có dòng chữ “My body My choice”. Tạm dịch là “Thân tôi, kệ xác tôi”.

A ha ! Mình chẳng quan tâm mấy chuyện phá thai hay không phá thai. Chỉ thích thú trước việc thanh niên bây giờ bày tỏ chính kiến hay quá, mạnh mẽ quá và... sớm quá. Và dường như quan niệm sống này không chỉ có ở Mỹ. Ngay cả thằng con trai mới 15 tuổi ở nhà cũng luôn có quan điểm sống như vậy. Nó luôn gào lên: Con muốn như vậy. Đó là ý thích của con. Con thấy chuyện đó không có gì là xấu cả. Mẹ không hiểu được con. Sao mẹ cứ nghi ngờ con. Phù ! Vậy là hai mẹ con lại tranh cãi, lại không gặp nhau ở một số vấn đề. Đôi khi đuối lý, mình lại gầm gừ lên: Con không được cãi (!). Thằng con tất nhiên nín thinh ngay nhưng... bất phục ! Tự dưng nhận ra đã có một khoảng cách thế hệ.

Hổm rày thằng con mình đem máy chụp hình vào lớp để ghi lại một số hình ảnh lớp 9A1 của nó. Chợt nhớ đến hồi học đại học, cả lớp cũng rủ nhau ra đứng trước cổng trường ở số 10 Đinh Tiên Hoàng để chụp. Lại có tấm đang bảo vệ luận văn. Hồi đó ông Niên mập ù, mặt hiền khô, ai dè sau nầy làm phó chủ tịch tài chánh du lịch của Bà Rịa Vũng Tàu - chẳng ăn nhập gì đến chuyện văn chương cả; Thu Trân và mình thì luôn nai tơ như... cáo; Phượng và Trần Ngọc Phong thì lúc nào cũng hồn nhiên pha trò... Nhớ lớp cũ quá. Vậy mà mở máy ra xem không thấy tụi bạn của thằng con mình chụp chung cả lớp một tấm nào cả. Hỏi ra mới biết một số đứa không thích ! Thằng con thì thản nhiên nói: “Tụi nó không thích thì thôi, tụi con ép làm gì. Chụp một vài đứa bạn thân là được rồi mà mẹ”. Lại cũng là My body My choice cả thôi. Chỉ có chồng mình - mấy đứa cháu hay gọi đùa là ông già Khốt ta bít – là mắt tròn mắt dẹt bảo: “Sao kỳ vậy con. Năm nay là năm cuối cấp mà. Sau nầy muốn gặp có gặp được đâu”.

Chợt nghĩ vài năm nữa nếu nó đi du học thì khoảng cách thế hệ sẽ còn đến đâu; sự thấu cảm sẽ ở mức nào. Cầu Trời sẽ không có một ngày nó dán dòng chữ “Kệ xác tôi” trước cửa phòng ngủ là được rồi.

Thứ Sáu, tháng 5 25, 2007

BUỒN VUI LẪN LỘN

SÁNG: Mặt mày hoạt náo viên Lê Đình Bích hớn hở vì bài báo của mình. Anh Trương Điện Thắng, Đà Nẵng điện thoại bảo bài nầy sẽ có thưởng, mình cười hi hi với ổng nhưng bụng thầm nghĩ “Anh nói với em thì không ăn thua, giá như gọi cho sếp Sánh thì em út được nhờ. Hè hè”. Lại chọc ghẹo ông Bích: “Trời ơi, tui lăng xê ông cỡ đó mà sao chẳng thấy đồng nghiệp gọi điện hỏi han; toàn là bạn nhậu hoặc giả văn nghệ sĩ gọi cho ông không hà. Bi kịch thiệt đó”.

TRƯA: Họp văn phòng theo định kỳ. Anh H.Phương la lên “Bữa nay mọc trời mọc hướng Tây hả” khi thấy nhuận bút bài của ảnh cao chót vót. Ha ha, xem như là liệu pháp tinh thần cho những bức xúc hổm rày nhé.
Thông báo cho mọi người biết QĐ của Ban biên tập về việc “chia tay” với T.Đ. Buồn vì một sự lựa chọn của đồng nghiệp mà theo mình là quá sai lầm. Buồn vì thiếu một sự sẻ chia về lòng tự hào thương hiệu, sống chết cho một thương hiệu. Mà đằng sau thương hiệu là sự nối kết giữa con người với con người. Đã có một tình cảm như vậy mà T.Đ lại dễ rứt bỏ đến vậy sao ? Đánh đổi tất cả để được cái gì. Tiền bạc ? Danh lợi ? Tình cảm riêng tư ? Quá chán !

CHIỀU: Vào văn phòng muộn. Nghe Th. Trang báo lại - T.Đ đã khóc khi nộp lại toàn bộ giấy tờ. Khó hiểu ? Qua gặp mình để nhận giấy tờ, T.Đ nói mình tặng cho hắn chú cá heo để bàn, mình từ chối. Mình có thói quen là không che giấu được tình cảm. Yêu, giận, thương, ghét... đều bộc lộ hết ra ngoài. Đến một lúc nào đó, đủ độ chững chạc để hiểu thì T.Đ sẽ hiểu hết tâm trạng của mình lúc nầy.

TỐI: Thằng con của mình lần đầu tiên diện một cái sơ mi ca rô (hắn lục trong tủ áo của ba). Thấy nó lớn bổng và đẹp trai quá, mặc dù ngoài miệng thì răn đe: “Sao lúc nầy mẹ thấy con diện quá dzậy ta”.
Hôm nay là ngày kỷ niệm 16 năm ngày cưới của mình. Định post lên tấm hình cưới ngày xưa nhưng công việc văn phòng, công việc toà soạn bận bịu đến mức không có một tí thời gian rãnh rỗi nào. Hẹn khi khác đi.

Thứ Năm, tháng 5 24, 2007

CHÀO BUỔI SÁNG


Một buổi sáng bắt đầu với những thông tin: sếp ơi, báo sáng nay lại in trễ; H. ơi bài đâu chưa thấy nộp; sao tin của anh gởi không thấy báo mìnhđăng mà báo địch họ đăng ì xèo...


Vậy đó !


Giá như tìm lại cảm giác làm việc cách đây 5 năm. Phải phục hồi phong độ thôi.


Ta đi viết bài đây. Xong xuôi sẽ tự thưởng một chầu mát xa mèo. Hi hi !

Thứ Tư, tháng 5 23, 2007

ĐÓ LÀ BÙI GIÁNG


Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá rung rinh
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lá
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình

(Anh lùa bò vào đồi sim trái chín – MN tr. 153)

Nhìn em nhé bên kia bờ gió thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga
Tơ vi vút một đời thưong nhớ tuổi
Của trăng rằm xuống dọa dẫm bên hoa


Khung cảnh ấy nằm sâu trong đáy mắt
Có lệ buồn khóc với lệ hòa vui
Để tràn ngập hương mùa lên ngan ngát
Rồi tan đi trong hố thẳm chôn vùi
(Bờ nước cũ – MN tr 49)

Ai người đau nữa để xẻ chia
Trời đất hoang mang buổi mộng lìa
Anh ngó, anh nhìn, anh cúi xuống
Ngước đầu anh hỏi có trăng khuya

(Anh đi về giữa, MN tr.75)


Về Nietzsche, ông viết: “Nietzsche không phải là đại hải đại dương, Nietzsche đã đón vào lòng mình một dòng sông dơ bẩn. Và từ đó? Từ đó, Nietzsche biết thành một loại người mạt hậu theo mọi nghĩa thái thậm ly kỳ. Con người mạt hậu và hư vô chữ nghĩa, con người mạt hậu và sa mạt tinh hoa, con người mạt hậu và Mạt Hậu “Tử Sinh Môn” Hoạt Tinh Thể, con người mạt hậu và Siêu Hình Học Lãnh Ðịa, con nguời mật hậu và Ðịnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu, ÐỊnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu, và Siêu Hình Học theo nghĩa Sử Lịch chân lý của Hiện Thể như là Hiện Thể, Sử Lịch chân lý của Hiện Thể và Ðịnh Mệnh Tồn Lưu thoái tàng ư mật, Tồn Lưu thoái tàng ư mật vàHằng Thể bước vào vòng di vong trầm một, từ di vong trầm một còn chút hậu tình ân ốc nào sẽ “ trột mầm” cho một trận Dịch Chuyển thông hành của Ðịnh Mệnh hay không? Hay Siêu Hình Học vẫn mãi mãi kiên trì tồn lập trong cuộc đú đỡn “ trê lưu ư ngoại” bất khả tư nghị khuyết phạp từ Hoạt Tinh Thể của Hư Vô?...”


Tất cả đều là Bùi Giáng.


Xin truy cập vào đây với nhiều thông tin thú vị.

THÊM MỘT TÍ HÌNH ẢNH GIA ĐÌNH



Cây ngọc lan trước cổng nhà.


Cúc vàng trồng từ hôm Tết, nay có cái đã úa vàng. Nhưng mình thích nhất loài hoa này.

Có ai nghĩ mình trồng được cây cải xanh cỡ này đâu.

Hà hà, gia trưởng cỡ nào thì nhiệm vụ nấu cơm cũng là… của chàng !

Thằng con yêu dấu viện cớ đọc sách của mẹ nên không mó tay vào việc nhà. Khôn chưa !

Và cười cầu tài khi bị mẹ bắt gặp... chát chít !

NHÀ TÔI ĐÓ

Còn nhớ trước khi xây lại ngôi nhà bây giờ, kiến trúc sư Đặng Kim Sơn - một ông anh rất hay ! – đã hỏi hai vợ chồng mình những câu hỏi rất lý thú: “Khi về nhà gia chủ thích làm gì nhất ?” - Chồng mình trả lời ngay không chút chần chừ “Thích nhất là nằm khèo trên võng đọc báo hoặc trồng cây cảnh”. “Ngày nghỉ hai người thích đi đâu” – À há câu này thì mình cướp lời ngay – “Em thích nhất tụ tập bù khú với bạn bè, hổng đi xa được thì về nhà”. Anh Sơn nhìn mình đầy nghi hoặc – “H. có nấu nướng được không”. Chồng mình la lên đầy tự hào – “Ít ra thì em nghĩ vợ mình nấu ăn… ngon nhứt xứ Ba Xuyên”. Tôi thì cười tươi như hoa cho ra vẻ – nhưng thật ra trong bụng thầm nghĩ: “Mấy ông chồng khôn nhất là nịnh vợ để… vợ tự giác phục vụ. Máu gia trưởng Việt Nam còn y thinh mừ”.

Chỉ tán dóc mấy câu vậy thôi. Cuối cùng chúng tôi đã có một ngôi nhà… hổng giống ai, theo một chiều hướng tốt đẹp nhất. Ngoài 2 phòng ngủ còn tương đối kín đáo thì toàn bộ tầng trệt và các tầng lầu là không gian mở. Thử tượng tượng, vừa vào đến sảnh (có giá võng nghen) là gặp ngay phòng khách, nhìn lên (giật tầng mà) là bếp thật lớn (con tôi bảo đây là nơi chế biến của Nhà hàng… Thảo cầm viên). Từ hồ cá cạnh phòng khách nhìn… xuống là tầng hầm !. Chồng tôi không gọi là hầm mà nâng cấp thành “bảo tàng rượu dân tộc”, oách chưa ! Còn tôi thì cứ nhớ cái hầm trốn pháo kích chất đầy bao cát ba tôi làm tại ngôi nhà Huế xưa (chuyện này sẽ nói sau). Giếng trời là một hồ cá thật to với vô số chú chép trắng, vàng, nhiều nhất vẫn là… cá bảy màu ! Thích nhất là dù tôi đứng ở đâu, ới một tiếng là có thể thấy chồng và con đưa tay, đưa chân ra dấu. Con tôi bảo: “Mẹ định vị toàn cầu còn hơn Nokia N95”. Thích nhất là nhà tôi đầy hoa cỏ. Sân trước có một cây ngọc lan, một cây nguyệt quế, vô số hoa cúc vàng và lan nữa chứ. Trên sân thượng tôi trồng cải xanh kín hai bồn… hoa. Kết quả không chỉ có rau sạch ăn mà còn có hoa cải vàng rực để cắm. Không đụng hàng là thích rồi.

Nhà thơ Lê Chí vào thăm khen: “Chà lãng mạn quá”. Nhà thơ Huỳnh Kim phát hiện: “Lên sân thượng ngắm trăng đã nghen”. Cao Minh Hiển khám phá: “Đầy không gian… ăn nhậu”. Và rất nhiều người bảo: “Sao tui chỉ thấy toàn chỗ ăn chơi mà hổng thấy chỗ làm việc vậy”.

Á ! Vậy là quá thành công rồi. Con người ta suốt ngày, suốt tháng, suốt năm cứ bị cuốn vào vòng xoáy chuyện làm ăn, kiếm tiền, mưu sinh, tồn tại. Ít ra còn có nơi chốn để tạm quên mọi thứ chớ.

Thứ Ba, tháng 5 22, 2007

AN NHIÊN TỰ TẠI


Đôi lúc có một ước mơ - giá mà mình được như cỏ, như cây, như lũ tượng gốm hồn nhiên ngoài mảnh vườn nhỏ ngoài kia.



Mải cười, mải vui, nhìn tất thảy quanh mình với lăng kính hồng tươi.


Biết rồi được vậy mình lại buồn hay vui !

Thứ Hai, tháng 5 21, 2007

BÔNG BÍ MIỆT ĐỒNG




Sáng hôm qua, cô bé Thuỳ Quyên vác từ quê lên cho mình một bao… bông bí vàng ươm. Chợt nhớ miền Tây đang chớm vào mùa mưa. Nhưng cơn mưa đầu mùa vừa đủ để những bờ đất trong vườn nhà ướt đẫm, vừa đủ để bà mẹ nhắc con gái gác thêm mấy nhánh tre gai cho ngọn bí leo nhờ. Những bông hoa vàng sẫm đã mọc lún phún sau hiên nhà.

Lại nhớ về quê xứ Kinh Già Dong. Má chồng tôi là một bà già Nam bộ đôn hậu chính gốc. Mỗi bờ liếp, mỗi khoảng sân… bà đều trồng tỉa lên đó dây bầu, dây bí, cây cải xanh… Và thể nào lâu quá nhớ con, má chồng tôi lại nhắc: “Chờ thằng Sáu về làm cho nó tô canh”. Và đối với đứa con xa nhà những món ăn mẹ nấu cứ vấn vương mãi khó mà quên.

Này nghen, quên sao được khi chỉ với bông bí dân dã mẹ đã chế biến ra biết bao nhiêu món ăn. Khi mưa vừa dứt hạt, mẹ sai thằng Út Kiên ra sau bờ kinh kiếm bậy vài mươi con tôm bạc. Chẳng cần ngắt bỏ đầu đuôi hay lột vỏ - bởi cái con tôm bạc này có ăn nguyên vỏ cũng thấy giòn tan trong miệng, chỉ có mấy con tôm sú, tôm rằn mới có vỏ cứng thấu xương. Chỉ vậy mà nêm nước mắm, muối, tiêu, hành cho vừa đủ chờ khi nồi nước sôi lên trút ngay vào cùng với bông bí đã tướt sạch xơ nhám bên ngoài. Mẹ nhắc Út Đèo đừng thêm mỡ dầu làm chi cho thêm ngán. Lại thấy mẹ tướt thêm vài đọt bí xanh mướt, non trong đem hấp vội trên nồi cơm vừa chín tới. Đến khi mâm cơm dọn lên, kề bên nồi cơm gạo mới thơm phưng phức là tô canh vàng ươm bông bí, điểm xuyết màu hồng ửng của com tôm bạc và màu xanh ngắt của dĩa đọt bí luộc. Mẹ bảo, mẹ chỉ thích ăn đọt bí chấm chao. Nhỏ Út đang tuổi ăn tuổi lớn cứ vô tư nhấm nháp những con tôm ngọt lừ. Chồng tôi chợt thấy lòng chùng lại khi thấy mẹ của mình bao đời vẫn bao dung, nhường nhịn miếng ngon cho những đứa con bé bỏng của mình.

Một chiều nọ, Út Đèo đi chợ tỉnh về nói với mẹ: “Ngộ lắm nghen má. Con thấy trên tỉnh bây giờ họ cắm hoa miệt đồng không hà. Bông bí, bông hẹ, bông lục bình họ đem chưng trong phòng khách tuốt luốt”. Mẹ chỉ cười mà không nói gì. Hôm sau, lại thấy mẹ tỉ mẩn quết chả từ mấy con cá thát lát, rồi đem dồn vào chính giữa những cánh bông bí. Công phu hơn mẹ lại đem bông bí nhúng sơ qua tô bột đã quậy cái hột gà lấy trong ổ gà mới đẻ. Vừa nhúng vào chảo dầu đang sôi đã nghe tiếng xèo xèo vang lên hấp dẫn vô cùng. Con Út nhìn dĩa bông bí nhồi chả thát lát chiên giòn cứ như những đóa hoa nở vàng rực dưới ánh mặt trời mà thốt lên – “Đẹp quá má à, còn hơn trên tỉnh đó nghen”. Mẹ cuời và lụm cụm đi dọn bữa cơm quê.

VỀ QUÊ BẠN


QUÊ BẠN Ở XỨ TÀ NIÊN, CHỈ CÁCH SÂN BAY RẠCH GIÁ ĐỘ CHỪNG 7 KM THÔI MÀ ĐÃ RA CANH THÁI BÌNH AN LẠC ĐẾN VẬY.


Hôm Thứ Bảy thiệt là một ngày vui. Dự xong một buổi lễ ở Rạch Giá, nói chuyện tiếu lâm và lai rai một chầu với hai ông anh Huỳnh L. và Q. Sử, nhìn đồng hồ chỉ mới 13h30. Chợt nghĩ, tại sao không về quê của bạn mình !
Nơi chốn đó, có một bà mẹ cực kỳ hay, thương con mình chừng nào thì cũng quý bạn của con mình chừng đó. Và còn những ông anh, thằng em trai, nhỏ em gái… chân chất, mộc mạc như người Nam bộ vốn vậy. Lại thêm những địa danh mới nghe qua đã thấy phảng phất không khí văn chương của cụ Hồ Biểu Chánh, của cụ Phi Vân quá chừng…

Dừng xe ở chợ Tà Niên – nghe tên chợ quá đã phải không - gọi điện cho bạn mình đang ở Sài Gòn - hắn hốt hoảng la Trời. Thì tui vốn là người ưa làm chuyện bất tử mà. Nhảy lên một chiếc xe honda ôm, nói ổng chạy tà tà để tìm nhà là một chuyện, để ngắm cảnh là hai.

Trời đất, quê xứ bạn mình đẹp đến vậy sao. Thử tưởng tượng, một ngôi nhà lợp ngói âm dương, có đến hai mặt tiền, một mặt ngó lên đưòng, một mặt day xuống dòng sông có những chiếc tàu hàng chạy bình bịch. Một bên nhà là vườn cau, dây trầu xanh um. Bà má cười nói, dẫn mình hết nằm võng đến ngồi nói chuyện trên mấy bộ ván ngựa mát lạnh để mà nói chuyện lăng đăng lê đê. Mọi người thử tưởng tượng, một ngôi nhà mà đi đâu cũng gặp mấy bộ ván ngựa, mấy cái võng thì mắc la liệt từ trong nhà, ra đến mất bụi cây sê ri ngoài vườn, vòng xuống trước bờ sông cũng có… Cái hồn vía ngôi nhà Nam Bộ là ở chỗ nầy đây. Vậy mà bạn mình lại đang tính chuyện đập ngôi nhà nầy ra để xây biệt thự tặng bà má ! Uống một ca nước dừa ngọt lịm. Lại được bà má dẫn đi tắm nước mưa. Thôi thì, đến khách sạn 5 sao cũng chào thua ! Lại ân hận. Tiếng là “tướng vùng” mà đến tận bây giờ mới mò ra quê bạn. Anh Hai đem ra một bình rượu đế, nghe Út Hận nói chị Hai mới “cất” hôm qua. Tám đủ thứ chuyện. Từ chuyện nhà, chuyện cửa, đến chuyện thời sự xứ quê nầy. Tỷ như chuyện “hôn nhơn gia đình” có tay làm thuê nọ bị nhạc gia tương lai gạt gẫm, ức quá giết luôn người tình. Cho đến chuyện “mua bán thời WTO”, Út Chín bày ra bán tạp hoá thì nhà kế bên cũng bán, Út Hận bày bàn bida thì vài hôm sau nhà gần đó cũng tậu về…

Nhậu đã đời. Nói chuyện đã đời. Cứ như được về nhà mình. Tám chín giờ tối gì đó, bạn mình gọi điện, hắn gào lên đầy… ghen tị: “Đừng có nói là mấy người ngủ lại nhà tui đó nghen”. Mình gào lại: “Ha ha… bây giờ tui đã có nơi chốn để nắm níu rồi. Lần sau đi công tác về xứ nầy, tui về… nhà má tui ngủ”.

CHÁU BẠN TUI NÈ. DỄ THƯƠNG CHƯA

CON NÍT QUÊ XỨ BẠN TUI.


Thứ Sáu, tháng 5 18, 2007

ĂN HÀNG RONG CHỢ NỔI


Chị Tư bán bún mắm


Chợ nổi Cái Răng

Hệ thống sông nước miền Tây đã sản sinh ra vô số chợ nổi - từ Cái Bè đến Long Xuyên, từ Cái Răng qua Phong Điền trôi xuống Ngã Bảy Phụng Hiệp… Bao nhiêu chợ mà tôi vừa kể đã mê hoặc không biết bao nhiêu du khách trong và ngoài nước. Họ tìm đến để ngắm nghía chụp hình, để mê mải khám phá cây trái miệt vườn đến không thôi. Vậy mà chợ nổi còn có một điều thú vị khác mà du khách rất dễ bỏ qua – hàng rong trên sông !

Hãy thử ghé chợ nổi Cái Răng khi bình minh vừa ửng. Ghe của du khách vừa trờ mũi đã thấy vô số mũi ghe tam bản khác từ tứ phía… lao vun vút tới. Cùng lúc là bao nhiêu thanh âm ập đến: Bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn nè ! Bánh mì, bánh mì Sài Gòn, bánh mì nóng giòn đê ! Ông khách đứng tuổi cắc cớ hỏi: “Ê nhỏ, sao ở Cần Thơ mà rao bán bánh mì Sài Gòn vậy nè”. Hổng ngờ thằng nhỏ nó nói tỉnh rụi: “Hồi trước con cũng rao bánh mì Cần Thơ, vậy mà con nhỏ Sáu bán vé số cắc cớ chi cứ đệm vô bánh mì Cần Thơ cứng đơ như cây củi nên con mới đổi đó chớ”. Bà Tư lớn tuổi trong đoàn cười hớ hớ rồi bảo: “Thằng quỷ, bán cho tao một ổ, hổng giòn tao trả lại đó”. Chỉ vậy thôi mà rộn ràng cả một khúc sông. Nhìn quanh, nào chỉ có bánh mì, bánh bao. Còn có khoai lang, khoai mì luộc, rồi nào là xôi vò, là chè, cháo, hủ tíu. Mỗi một chiếc xuồng tam bản chòng chành là cả một gian bếp bềnh bồng di động. Cũng hay một điều lắc lư sóng nước vậy mà bếp lửa vẫn đượm cháy, nồi nước lèo không đổ sớt ra ngoài. Và thần sầu nhất là mấy bà, mấy cô bán hủ tíu cắt miếng thịt heo cứ là đều chằn chặn, lại có thêm loại thịt xắt mỏng như tò giấy, gió thổi nhẹ là bay ! Họ bảo để bán cho tô hủ tíu giá một ngàn rưỡi, hai ngàn gì đó.

Cái hay của hàng rong chợ nổi lại còn ở mức giá cả. Bán cho người dân lao dộng ra sao họ cũng bán cho du khách làm vậy. Như chị Tư bán bún mắm ở chợ nổi Cái Răng. Từ năm ngoái đến năm nay chỉ nhứt giá một tô bún 4 ngàn đồng. Cũng bún trắng tinh, rau muống xanh ngắt, nước lèo đỏ hồng màu mắm cá sặt Cà Mau, trên cùng là đúng 3 con tép đất và 2 miếng thịt cá lóc ngọt lừ, điểm tí ớt bằm đỏ thẫm. Khách ăn ngon miệng quá nói chị Tư lấy thêm chén tép và cá lóc ăn chơi, bao nhiêu tiền cứ tính thêm không tính tóan. Hổng ngờ chị Tư lắc đầu từ chối mà rằng: “Tui hổng bán vậy đâu. Để dành cho mấy người ăn sau nữa chớ. Tép, cá, bún bao nhiêu tui phân lượng hết trơn rồi cô ơi”. Khách chưng hửng nhưng rồi chợt hiểu đây mới là cái thú vị dân dã vừa khám phá được nơi này.

Ăn xong tô bún mắm, ngoắc ông chủ ghe cà phê làm một ly cho ấm bụng. Muốn đen có đen, muốn đá có đá. Thường thì họ pha cà phê bằng vợt, họ bảo pha vậy cà phê ra đậm hơn. Lại nghe nói dân thương hồ chợ nổi Cái Răng vốn là dân tứ xứ nên cách ăn, cách uống cũng khác nhau. Chuyện uống cà phê cũng vậy. Tỷ như, tay nào uống cà phê vợt bằng ly xây chừng đích thị dân trong đồng mới ra; cầu kỳ uống cà phê pha phin chắc mẻm chả ở thi trấn, thị tứ gì đó, hổng chừng đất đai của chả gần được hay gần… bị quy hoạch thành phố thị hổng chừng. Lại có khách thương hồ uống cà phê theo kiểu cầm ly xây chừng đổ ra dĩa nhỏ cầm tay rồi… húp ! Nghe nói chỉ mấy ông Huê kiều xứ Long Xuyên hoặc giả Cà Mau uống kiểu đó mà thôi.

Bấy nhiều thôi đã thấy mê mẩn vô cùng chợ nổi miền Tây.

HOAN HÔ NHÀ VĂN LÝ LAN

Đúng là cái tật tò mò cố hữu. Blog vừa lập xong, không chăm chút cho nó mà cứ quen tật “nhòm ngó” blog thiên hạ. Cũng chẳng bỏ công khi thấy nhà văn Lý Lan nói đúng phóc ý nghĩ mình hổm rày khi truy cập mạng Dân trí.
Mình xin đăng lại bài viết của nhà văn Lý Lan cho bạn hữu cùng xem.
Xin phép nhà văn nhé !

“Năm nẵm năm kia có một ông bạn bỗng cao hứng nhảy vô làng báo, thuê của Dân Trí một số cuối tháng hay đầu tháng gì đó, định làm một tờ báo tử tế với những ý tưởng to đùng, rủ mình viết, hình như đựơc một số rồi … thôi. Nhưng nhờ vậy mình biết trên đời này có một tờ báo là Dân Trí, từ đó thỉnh thoảng vô dantri.com để đọc lai rai. Hôm qua đọc bài này, “Vi hành” coi sinh viên sống thử. Đọc xong không thể nào hiểu nỗi. Mình trích lại đây những câu , đoạn thách thức trí tuệ của mình nhất (trí tuệ, chứ không phải đạo đức, mình là một cô giáo già bỏ dạy mà!) Những dòng chữ italic là trích nguyên văn từ bài báo đó. “Sống thử” không chỉ là hiện tượng “ăn khách” trong giới sinh viên Huế mà còn là một thực trạng của sinh viên Việt Nam hiện nay. (Không hiểu được ngôn ngữ: có phải ý nói “hiện tượng phổ biến”?)Sinh viên sống “thử” không khác gì “thật” làm người ngoài nhìn vào chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu. (Không hiểu được hành vi: “người ngoài” mắc mớ gì “nhìn vào” đời sống của người ta, dù “thử” hay thật”, cuộc sống của mỗi người là việc riêng của người đó, buồn vui sướng khổ dở hay là nỗi riêng của mỗi người, mắc mớ gì “người ngoài nhìn vào”, rồi còn “ngán ngẩm lắc đầu”?) Bước chân vào phòng trọ của cô sinh viên tôi mới té ngửa khi thấy một cậu điển trai không kém đang “lốc cốc” trên giường bò xuống… xỏ quần. (Không hiểu được thái độ: “tôi” theo nội dung trong bài đang “vi hành” đội lớp người bán xôi đi làm điều tra phóng sự xã hội, không rõ là nhà báo hay công an, mà mới bước chân vào phòng trọ của cô sinh viên đã “té ngữa”!)một cặp đôi cho biết, cả hai cùng quê lên thành phố học, xa nhà cuộc sống lại khó khăn, vả lại yêu nhau từ thời cấp 3 nên vào đây “góp gạo” cho đỡ tốn kém. (Không hiểu được lô gíc: sống như vậy thì có gì không phải?)Trong khi nhà trường chưa có biện pháp quản lý và không thể cấm sinh viên “góp gạo” (…) Phần lớn các nhà trọ có chủ quản lý trực tiếp đều lên tiếng phản đối chuyện nam nữ “sống thử” (…) Những hôm kiểm tra định kỳ hay bất ngờ công an phường đến … (Không hiểu được luật lệ: Sinh viên là người có tuổi từ 18 trở lên, ở hầu hết các xã hội hiện nay, người 18 tuổi trở lên được coi là trưởng thành và được tôn trọng trước pháp luật. Chủ nhà trọ có quyền cho hay không cho ai đó mướn nhà, nhưng tại sao một đôi nam nữ trưởng thành sống với nhau cần có “biện pháp quản lý” của nhà trường hay phải lẩn trốn khi công an kiểm tra? Bộ Việt Nam có luật cấm nam nữ trưởng thành sống với nhau à? “Sống thử” vẫn chưa được đồng tình, nếu không muốn nói là lên án. (Không hiểu ngữ pháp: viết khơi khơi như vậy thì biết ai chưa đồng tình ai lên án, tác giả bài báo ư?) Thực tế cho thấy tình yêu sinh viên rất khó có kết thúc đẹp. Phần lớn các cặp đôi đều không vượt qua được áp lực từ nhiều phía gia đình, công việc, khoảng cách địa lý v.v. (Không sao hiểu nỗi: với tuổi trẻ và tri thức - sinh viên mà - người ta đang sống giai đoạn rực rỡ nhất đời người , và người ta chỉ sống một lần cuộc đời này thôi, tự người ta biết điều gì quan trọng nhất đối với mình, và biết tự vượt qua, chống trả, chíên đấu, bảo vệ cuộc sống của mình, tình yêu của mình, tự do của mình. Nếu cuối cùng người ta không vượt qua được những áp lực này nọ, thì người ta có thể cam tâm sống cái đời trong khuôn phép của người khác áp đặt, chưa chắc tệ hơn cái cuộc đời ngay từ đầu đã phải từ bỏ mọi thách thức và đam mê để khép cho vừa khít khuôn mẫu nào đó.) Sống thử sẽ gây ra nhiều hậu họa khôn lường như nạo phá thai, tiếng xấu cả cuộc đời cho bạn gái
(Vấn đề giới tính: khi có hoạt động tình dục giữa nam và nữ, thì vấn đề là biện pháp tình dục an toàn, cho cả nam lẫn nữ. Chuyện chửa đẻ hay phá thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người nữ nhiều hơn người nam, nhưng đó là trách nhiệm - và hạnh phúc hay lo toan - của cả hai người, và phải được luật pháp cùng xã hội nhìn từ góc độ bình đẳng bình quyền đó. Cái “tiếng xấu cả cuộc đời cho bạn gái” chỉ có thể xảy ra trong một xã hội - và luật pháp - bất công đối với phụ nữ. Và vấn đề là đấu tranh cho một xã hội tốt hơn, công bằng hơn, chứ không phải tước bỏ quyền sống của phụ nữ bằng răn đe và điều tíêng thị phi.Mình không xúi ai “sống thử” cả, vì mình chủ trương sống thật. Đâu có ai sống tới sống lui cuộc đời mình đâu mà “sống thử”? Cái tíc tắc mình đang sống đây, đang qua, và qua rồi là quá khứ không thay đổi được nữa. Người nào sống thật từng giây phút của đời mình thì mới sống trọn vẹn cuộc đời mình, dù đời có thế nào đi nữa. Cái khiến mình nổi sùng là cái giọng của bài báo: do vậy rất cần nhà trường, chính quyền địa phương đặc biệt là các chủ trọ quan tâm chú ý hơn đến các sinh viên trong cuộc sống hàng ngày. (cho đến bao giờ báo chí Việt Nam mới thôi cái kiểu viết này?)
Này sinh viên ơi, anh/chị là người trưởng thành, là công dân trẻ đang chuẩn bị để gánh “trọng trách nước nhà” và vai trò “nhân tố tích cực” trong xã hội. Anh/chị có quyền hưởng một nền đại học tiên tiến với những nội dung chính khoá và hoạt động ngoại khoá khơi mở được tài năng của các anh/chị, chuẩn bị tốt nhất những kỷ năng nghiên cứu, đánh giá, ứng dụng, sáng tạo, giao tiếp, thương thảo, để các anh/chị khi xông ra đời có đủ bản lĩnh để tranh sống cho mình, cho gia đình mình, cộng đồng hay tổ chức của mình, cũng như xã hội và đất nước mình trong một thế giới bao la hơn cái phòng ngủ, mà cuộc tranh sống là một đấu trường khốc liệt. Các anh/chị không phải là con nít mới lớn, để cho một gã bán xôi xục xạo vào phòng ngủ của mình, bị “té ngữa” ngay ngưỡng cửa, lên giọng răn đe dạy đời”. LÝ LAN

Bài nầy mà đăng lên báo có lẽ nhiều người đọc, nhiều người hưởng ứng lắm đây. Mình mà giống mấy ông ở báo Dân Trí là gởi mail ngay qua Mỹ cho nhà văn để xin phép đăng ngay bài báo nầy. Làm được vậy tờ báo sẽ “sang” lên thấy rõ.

Thứ Năm, tháng 5 17, 2007

HỨA VỚI MỌI NGƯỜI




Vốn dĩ theo nghề báo. Cuộc đời của mình là một chuỗi dài chuyển dịch. Bạn bè hỏi thú vị không ? Tại sao không !
Mình rất thích mỗi khi đi đâu xa. Mà thường thì bạn bè chẳng bao giờ biết – đôi lúc mình còn không biết mình sẽ đi đâu, làm gì vào chiều nay hay sáng mai huống hồ là người dưng !
Thành thử mình rất thích chọc ghẹo mọi người. Cứ tưởng tượng bác Kim Đính “mắt chữ A miệng chữ O” khi mình nhắn tin “mọi người ơi H. đang ở Huế… ở Lạng Sơn… ở Hội An nè”. Và đó cũng là nguyên do để bác Đính cứ thúc ép mình : “Làm blog để bạn bè còn biết H. đi đâu. Không làm tụi tui đăng tin tìm “trẻ” lạc à nghen”. (phụ chú: mấy cha nầy nói hơi sức đâu mà tin, thế nên mình chẳng dại gì hí hửng khi các bác gọi là… “trẻ”). Ha ha ha
Thích thì chiều. Một vài tấm hình nè bác Đính ới ời.
Một ở cột mốc số O tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, tỉnh Lạng Sơn; một ở trên đỉnh núi Chúa cao nhất đảo Phú Quốc.


DẪU BIẾT VẬY VẪN PHẢI HỤT HẪNG

Như vậy là một thành viên trong cái gia đình nhỏ bé 99, Trần Văn Hoài đã “rời bỏ đội hình”. Những lý do được đưa ra vô cùng… lãng xẹt so với những tình cảm, những kỷ niệm mà các thành viên đã giành cho nhau. Một số đồng nghiệp nghe tin tròn mắt bảo “Sao lại vậy ? Sao đúng vào thời điểm này ? Đánh đổi tất cả để được cái gì ? ”.

Mình không nuối tiếc, không âu lo vì công việc chung. Nhưng lại buồn, lại giận, lại hụt hẫng. Phải chăng mình quá coi trọng tình cảm trong công việc. Nhưng liệu làm việc mà lạnh lùng, cân đong đo đếm liệu có nên hay không. Nhất là tụi mình đều là người phương Đông.

Thôi thì muốn hết sầu đau hãy giết cái giận.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh kể như vầy:

Có một người nữ bà la môn tên là Dhanajani, đệ tử của Bụt. Ông chồng thuộc về giòng họ Bharagvaja, một giòng họ bà la môn có tiếng tăm và giàu có. Một bữa đem cơm lên cho chồng, không biết cảm hứng làm sao mà bà đọc lên câu: "Namo Tassa Bhagavato Arahato Samasam-buđhasa." (Kính lạy bậc Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, bậc Chánh Biến Tri). Ông hỏi : "Bà lẩm bẩm cái gì thế? Ông đó là ai mà bà cung kính và quy ngưỡng như vậy?" Nữ bà la môn nói : "Ông chồng yêu quý của tôi ơi, ông chưa biết người này đâu. Nếu mà ông gặp được người này thì ông sẽ thương kính và quy phục liền. Tôi chưa thấy một người nào trên đời mà trí tuệ, đức hạnh, tình thương và tuệ giác lớn như thế." Vị bà la môn đó mới thử tìm tới gặp Bụt. Khi gặp Bụt, ông ta đã hỏi về vấn đề giận. Vì Bụt đã trả lời rất hay và ông rất thỏa mãn nên ông đã xin xuất gia. Ông hỏi : "Cái gì mình giết, thì mình được an vui? Cái gì mình giết thì mình hết sầu đau? Ngài là bậc xuất gia cao quý, Ngài đồng ý nên giết cái gì?" Bụt trả lời rằng: "Giết cái giận, thì mình hết sầu đau." Đây là nguyên văn của Kinh:
Giết gì được an lạc?Giết gì hết sầu đau?Giết gì Ngài đồng ýTôn giả Gotama? Bụt trả lời : Giết giận được an lạcGiết giận hết sầu đauNguồn suối của giận hờnLà chất độc hàng đầu Tất cả các bậc thánhĐều đồng ý giết nó
Một vị bà la môn khác, thuộc cùng giòng họ tên là Bilanjika, nghe nói là người bà con của mình - Bharagvaja - đã đi xuất gia với Bụt. Ông đã nổi giận tìm tới và chửi Bụt. Trong khi đó Bụt chỉ ngồi cười. Vị bà la môn hỏi: "Tôi chửi ông, tại sao ông không nói lại?" Bụt nói : "Quà đem tới tặng, nếu người ta không nhận thì mình phải tự lãnh lấy chứ!"
Đoạn này được chép lại trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Khi người ta đem quà tới tặng mà người kia không nhận thì quà đó lại trở về mình. Câu chuyện đó đã tới tai vua Ba Tư Nặc. Khi mình chửi mắng người ta, cơn giận đã làm mình khổ và người bị chửi mắng kia có thể giận hay không giận - trong trường hợp Bụt là không giận. Và những hành động của mình, những lời chửi mắng của mình, trước hết đã làm hại chính mình. Bậc y sĩ Sau đó, Bụt đọc bài kệ này: Với kẻ không giận hờnCơn giận từ đâu tới?Sống tự chủ an nhiênQuán chiếu nên thảnh thơiNhững ai bị chửi mắngTrở lại chửi mắng ngườiKẻ ấy tự hại mìnhVà cũng làm hại người.Những ai bị nói nặngKhông nói nặng lại ngườiKẻ ấy thắng trận lớnThắng cho mình cho người.Kẻ ấy làm lợi íchĐồng thời cho cả hai.Hiểu được gốc cơn giận Đã phát sinh nơi ngườiTâm ta sẽ thanh tịnhAn lành và thảnh thơi.Ta là bậc y sĩTrị cho mình cho ngườiKẻ không hiểu chánh phápMới cho mình dại thôi!

Ta hãy cùng đọc kỹ bài kệ ấy. "Với kẻ không giận hờn", ở đây, có nghĩa là với kẻ không có hạt giống giận hờn trong tâm, thì cơn giận không thể nào phát hiện và lôi kéo kẻ ấy đi được. Sở dĩ ta giận là tại ta có hạt giống giận khá lớn trong lòng ta. Hạt giận đó có thể do ông bà hoặc cha mẹ trao truyền lại. Động một chút là ta đã có thể nổi tam bành lục tặc lên rồi. Còn người không có khối giận đó trong tâm thì ai nói gì cũng có thể mỉm cười.

"Sống tự chủ an nhiênQuán chiếu nên thảnh thơi"

Những người ấy biết sống tự chủ, tự chế ngự mình và tự phòng hộ mình. Nhờ có trí tuệ quán chiếu cho nên họ không bị vướng vào vòng buồn giận. Trí tuệ quán chiếu là năng lượng bảo vệ cho tự thân. Quán chiếu đây là Từ quán, Bi quán, Hỷ quán và Xả quán.

"Những ai bị chửi mắngTrở lại chửi mắng ngườiKẻ ấy tự hại mìnhVà cũng làm hại người."

Khi người ta nói nặng mình mà mình nói nặng trở lại, thì lúc đó mình đã tiếp nhận cái bạo động của người ta, để mình làm khổ mình. Khi mình chửi mắng lại, thì mình làm hại người ấy nữa, như thế là mình làm hại cả hai. Người kia đã khổ, mình lại làm cho họ khổ thêm một tầng nữa. Người kia vì khổ quá, có thể chửi mắng thêm một lần nữa, và cũng sẽ làm mình khổ thêm một lần nữa. Và hai bên tiếp tục leo thang. Vì vậy cho nên ta phải tránh việc làm hại cho cả hai bên. "Những ai bị nói nặngKhông nói nặng lại ngườiKẻ ấy thắng trận lớnThắng cho mình cho người.Kẻ ấy làm lợi íchĐồng thời cho cả hai."

Bài kệ này nói về vấn đề chiến thắng; chiến thắng cho mình và chiến thắng cho người kia nữa. Nếu ta thua trận, ta sẽ chửi mắng trả lại và người kia sẽ còn đau khổ hơn. Thắng trận, ở đây, là thắng cho cả hai.

"Hiểu được gốc cơn giận Đã phát sinh nơi ngườiTâm ta sẽ thanh tịnhAn lành và thảnh thơi."

Mình hiểu được tại sao người đó giận mình: người đó vì vô minh, người đó vì có tri giác sai lầm, người đó vì đã tiếp nhận những hạt giống giận hờn từ ông bà, từ cha mẹ và từ xã hội. Hiểu được như vậy thì tâm ta sẽ an tịnh, an lành và thảnh thơi.
"Ta là bậc y sĩ Trị cho mình cho người"

Ta đóng vai của một vị thầy thuốc. Ta trị bệnh cho ta và trị bệnh cho người. Khi người kia nóng giận mà nói lên, nếu ta mỉm cười, không giận, thì người đó từ từ sẽ hiểu, sẽ biết nhìn lại và sẽ thấy lỗi của mình, và có thể có cơ hội để chuyển hóa và do đó cơn giận được trị liệu. Cho nên người nào làm được như vậy là đang làm một vị y sĩ trị bệnh cho mình và cho người.

"Kẻ không hiểu chánh pháp Mới cho mình dại thôi!"

CẢM ƠN TRẦN - HUỲNH TIÊN SINH

Ha ha, thế mới biết. Lâu nay mình cứ tự hào về khả năng tiếp nhận công nghệ thông tin ăn đứt… Huỳnh Kim tiên sinh. Vậy mà trưa nay cứ thừ người ra vì một nỗi post bài bị loạn font. Lại nhờ đến bác Đính sau khi nghe một tràng cười ha ha ha khá ngạo nghễ của bác.
Hai bác Kim – Đính cứ nhộn nhạo chuyện mình đưa cái gì lên blog đây. Hai bác nhớ là có xem thì phải phản hồi đó nghen. Ít ra thì Hồng Hạnh không như bác Lê Duy luôn phập phồng nỗi lo “bọn ác” sẽ post lên bài viết “Chuyện tình anh D.”.
Ha ha ha

THẾ LÀ TÔI BƯỚC VÀO THẾ GIỚI ẢO

Thế là tôi đã bước vào một thế giới ảo. Để làm gì ? Tôi chẳng biết. Mà biết cũng để làm gì ?
Từ lâu nay tôi vẫn hay có thói quen vào các blog - của bạn bè, của thiên hạ, của người thân, cả của người mình chẳng thích. Có thể tủm tỉm cười vì một điều thú vị nào đó, có thể nhăn mặt vì một điều khá tệ hại, khá trơ trẽn… trên những trang nhật ký của người dưng.
Và lại giật mình. Ô hô ! Tâm tư tìm cảm của người là lại phô bày ra trước thiên hạ như vậy sao. Liệu đó là thật hay là ảo.
Tối qua vào blog của nhà văn Lý Lan, thấy nhà văn đeo một mặt nạ khá đẹp, một cư dân mạng đã hỏi nhà văn – mặt nạ đó, gương mặt đó là thật hay giả đây.
Ừ, mà suy nghĩ vẩn vơ làm gì. Chi bằng mình thử bước vào thế giới này vậy.
Thật giả có hề chi.