Thứ Tư, tháng 10 31, 2007

NGƯỜI VIỆT MÌNH GIỎI THIỆT (phần 2)

Hai vợ chồng tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và tiến sĩ Võ Thị Diệp từ những cư dân của một vùng hẻo lánh tại tỉnh Bạc Liêu đã trở thành những nhà khoa học tài năng của Trung tâm Không gian NASA, chi nhánh Marshall, thành phố Huntsville, bang Alabama, Mỹ. Ông Phước hiện là kỹ sư phi hành không gian, phụ trách phát triển động cơ hoả tiễn cho phi thuyền bay đi từ mặt trăng. Bà Diệp là kỹ sư vật liệu cấu trúc, sáng chế và thử nghiệm vật liệu dùng cho động cơ hoả tiễn nhiên liệu đặc của phi thuyền con thoi.
TS Diệp cho biết, bà sinh ra và lớn lên trong gia đình 9 anh em, ở một ngôi làng rất nhỏ ở tỉnh Bạc Liêu. Khi đặt chân tới đất Mỹ bà đã 17 tuổi; không thể vào trung học được vì phải đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Bà Diệp quyết định chỉ đi học tiếng Anh để thi bằng GED. Sau khi đậu được bằng GED, bà vào cao đẳng cộng đồng và vào được đại học của Mỹ, tiếp tục học lên đến bằng cao học. Sau khi đi làm được 1 năm bà học tiếp bằng tiến sĩ hoá học.
Tiến sĩ Phước thì qua Mỹ năm 1979. Ban ngày ông đi học, ban đêm làm gác cửa thuê cho các biệt thự để kiếm tiền sinh sống hoặc vào mấy xưởng bò làm thuê. Vào trường học, khi học sinh ăn trưa thì ông đi rửa chén để phụ thêm tiền học.
Tiến sĩ Phước: "Hồi tôi học xong cử nhân, NASA đã nhận tôi, nhưng do lúc đó, tôi vẫn chưa có quốc tịch Mỹ nên họ có hứa là sau này khi tôi có quốc tịch rồi, họ sẽ nhận tôi vào làm trong chương trình không gian của họ. Đến khi tôi lấy được quốc tịch hồi năm thứ nhất của cao học, tôi xin vào làm, thì họ cho tôi vừa làm vừa học hết cao học.

Khi tôi nhận bằng phát minh, tôi nhìn lại những người ngồi chung dãy bàn với tôi, tôi cảm thấy rất hãnh diện vì tôi xuất thân từ một làng quê nhỏ ở Việt Nam mà giờ đây đã ngồi ngang với những khoa học gia ở Mỹ .
Tôi nghĩ tôi may mắn thôi, chứ tôi nhìn bạn bè của tôi, tôi thấy rằng nếu có điều kiện họ cũng giống như tôi vậy. Phần nữa, tuổi trẻ nghĩ về tương lai, tôi ước ao sau này cũng được thành công như những người khác, điều này thúc đẩy tôi vượt qua hết những khó khăn.
Hồi mới qua, giống như bà xã tôi, tôi cũng chưa có bằng trung học ở Việt Nam, cho nên tôi phải học GED, giống như bổ túc văn hoá. Tôi đậu được GED 6 tháng sau khi đến Mỹ. 6 năm sau, tôi nhận bằng cao học và đi làm cho Cơ quan không gian NASA của Mỹ. Nhưng may mắn là họ rất khuyến khích mình đi học thêm. Cho nên, đến năm 2004 tôi lấy được bằng tiến sĩ ở trường University of Alabama ở thành phố Huntsville.
Theo tôi, chương trình không gian, mặc dù nói là của Mỹ, nhưng những khám phá ngoài không gian đều là của chung cho cả thế giới, chứ không riêng của Mỹ. Thứ hai, tôi quan niệm rằng một nhà khoa học thì chỗ nào mình có thể đóng góp được thì mình đóng góp, không phân biệt phải làm cho Mỹ hay cho Việt Nam hay cho một quốc gia nào khác. Nếu sau này tôi về hưu, có thể tôi sẽ dịch sách hay về Việt Nam dạy, hướng dẫn sinh viên về những kỹ thuật mà tôi đã học hỏi ở bên này.".
Tiến sĩ Diệp: "Phải cố gắng vì mình sống phải có mục đích. Cuộc đời bằng phẳng thì ai cũng có thể làm được hết, nhưng sự khó khăn mới là thách đố cho mình để học hỏi nhiều hơn. Con đường tiến thân duy nhất là con đường học vấn. Hồi mới qua Mỹ, tôi đi học về phải ghé vào nhà hàng làm thâu ngân. Có nhiều lúc buồn ngủ từ trong tim, trong ruột gan, tôi phải tự ngắt vào người mình cho đau điếng để tỉnh ngủ. Cuối tuần, tôi phải đến nhà người ta chùi dọn. Có nhiều lúc lau dọn nhà cho người ta, tôi suy nghĩ trong tương lai mình phải làm sao cho bằng họ.Thành ra, cuối cùng bây giờ, nói về vật chất thôi, những gì họ có trong nhà thì tôi cũng có khả năng có được như họ. Có nhiều khi tôi cũng suy nghĩ không biết nếu bây giờ tôi trở lại, những người đó sẽ nghĩ mình như thế nào, vì lúc đó họ nhìn mình với cặp mắt là một người lao công.
Riêng bản thân tôi, tôi có ước vọng là khi về già, tôi sẽ trở về Việt Nam mở trường dạy cho những đứa trẻ ở quê. Vì tôi lớn lên tại vùng quê, tôi thấy được có những người rất có khả năng, có tài trí. Tôi may mắn hơn những người khác là có được cơ hội thành công cho nên tôi thích về truyền đạt những kiến thức của mình cho thế hệ trẻ".

Không có nhận xét nào: