Thứ Ba, tháng 7 31, 2007

CHUYỆN NGÀY XƯA


Đã hai tuần nay không viết gì cho blog. Mai danh ẩn tích. Một số người thân thường lai vãng qua chốn này cứ hỏi thăm – lúc này đi đâu, làm gì, tại sao không viết gì ráo trọi dzậy ! Thế giới blog ấm cúng thiệt nghen. Vậy nên, tôi kịch liệt phản đối những ai gọi blog là một dạng nhật ký. Nhật ký phải là một cái gì hết sức riêng tư.

Tôi bắt đầu viết nhật ký từ năm lớp 7. Cuốn nhật ký đầu tiên đó khá dày nên theo tôi đến hết năm lớp 12. Đầu trang vẫn thấy hình ảnh một cô bé quàng khăn đỏ dạo quanh lăng tẩm Huế xưa. Đến cuối trang đã thấy sông nước miền Tây. Rồi những cuốn tiếp theo nữa - thể nào cũng có những trang… đẫm nước mắt cho những mối tình vu vơ nào đó. Những câu chuyện tình cảm không đủ sâu sắc để tôi nhớ dù chỉ một gương mặt người. Thường thì khi một cô gái đến tuổi lấy chồng, cô ta hay đốt đi những cuốn nhật ký của mình. Thư tình thì khỏi phải nói, phi tang ngay từ khi mới nói lời chia tay. Dù sau đó cô ta tiếc hùi hụi. Không hiểu sao tôi lại giữ lại được tất thảy.

Bây giờ người ta ít viết tay quá. Ngay cả tôi cũng vậy. Cứ biện minh là mình khả năng tư duy chỉ phù hợp với tốc độ đánh máy ! Chuyện bạn bè thăm hỏi nhau cũng vậy. Lúi húi bấm bấm, gõ gõ. Enter một cái. Vậy là xong. Ngay cả chữ ký cũng lại có chữ ký điện tử. Cây viết, xấp giấy sắm hồi đầu năm đến giờ cũng chưa vơi đi. Giở lại những xấp thư, những trang viết, cứ ước ao giá như có ai đó gởi cho mình một lá thư tay. Lại nhớ mấy năm trước có 3 kẻ mộng mơ là tôi, chị Bích Ngân và Thu Trân chờ đợi mãi không thấy ai gởi thơ tay cho mình thành thử cả 3 gởi thư tay cho nhau ! Cả ba đều suy nghĩ mãi như vầy là … loãng moạn hay … thê thảm đây Trời !

Đem mấy cuốn nhật ký ra bày biện trên bàn, định bụng chụp một tấm hình để lát nữa post lên mạng. Vậy mà cứ mê mải đọc suốt 2 tiếng đồng hồ. Vẫn thấy … rung động với những gì đã viết cách đây 20 năm mới “ghê” chứ !

Chẳng can đảm post lên những trang nhật ký đẫm nước mắt. Thôi thì tạm post lên 2 mẩu “nhật ký hành nghề” của chủ blog vậy. Phụ chú một tí, thời điểm này chủ blog mới có 19 cái xuân xanh.



Ngày 12.5.1985
A. Có biết bây giờ H. đang ở đâu không ? Năm Căn, một huyện xa lắc, xa lơ mới thành lập. Đằng trước, đằng sau toàn là rừng đước. Vùng này hồi đố là căn cứ hải quân của Mỹ, nghe nói đánh phá ác liệt lắm. H. cũng phục mấy ông Giải phóng sát đât. Buổi tối, H. phải leo vô mùng sớm không thì muỗi ăn thịt mất. Vậy mà mấy ổng toàn băng rừng ban đêm. Kinh khủng.
Từ bến tàu Cà Mau về huyện này mất đúng 9 tiếng đồng hồ. Suốt ngày hôm qua H. ngồi suốt trên tàu đò. Mệt nhưng mà vui. Nghề của H. bắt buộc phải Đọc – Đi – Nghĩ - Viết. Mà không không Đi làm sao mà nghĩ, mà viết được.
Hồi tối… (đến đây thì chủ blog “tự ý đục bỏ” … hì hì)

Ngày 16.5.1985
H. vừa đi Đât Mũi về. Vui quá sức tưởng tượng mà cũng cực nữa. A. mà nghe kể A. cũng không ngờ đâu. Sáng hôm qua ra Liên doanh thủy sản lấy số liệu, gặp đoàn tàu thu mua về Đất Mũi. Vậy là quá giang luôn. Đâu có đem theo cái gì ngoài giấy tờ, sổ sách. Đi dọc theo rừng đước đẹp ghê nơi. Chỉ khổ nổi qua đồn biên phòng Ông Trang, Rạch Tàu … người ta cứ tưởng mình đi vượt biên thành ra khám xét giấy tờ rất cẩn thận. Vì tàu thu mua đi đường tắt nên H. được đi đến Mũi Cà Mau và còn đi qua bãi sò huyết nữa. Mùa này cá đường nhiều ghê lắm. Ngư phủ đi đánh cá đông vô kể. Về đến xã Đất Mũi, người ta cứ theo dõi ! Sau này biết mình xuống để viết bài thì họ lại rất quý.

Muỗi ở đây quá sức tưởng tượng. Bu đen người H. luôn. Quán cà phê phải đặt bếp un, khói mờ mịt. Tưởng đâu ở lại đến vài ngày. Khoảng 8 giờ tối có tàu về Năm Căn. Vậy là vù luôn. Lên đến huyện Năm căn đúng 4 giờ sáng. Chẳng biết đi đến những đâu mà lâu dữ vậy. Bởi vì H. xuống tàu đò là leo lên võng ngủ một giấc. Chỉ lơ mơ nhớ rằng tàu đò đi giữa hai hàng đước cao thăm thảm. Thỉnh thoảng lại ghé một doi dất nào đó để đón hành khách và những bao than đước to tướng, đem nhẻm. Chiếc võng cứ lắc lư, lắc lư. H. chỉ sợ mình ngủ mê lọt xống bếp tham un muỗi đang nghi ngút khói giữa khoang tàu thì khổ. Cách đây mấy năm H. đọc Đất rừng phương Nam, vừa đọc vừa tưởng tượng. Bây giờ mới biết khung cảnh thú vị đến chừng nào…

Đọc lại nhật ký ngày xưa – không tính đến những đoạn “tự ý đục bỏ” – mới thấy quả là tôi có máu giang hồ thiệt nghen. 19 tuổi mà lang thang cỡ đó rồi. Đến năm 20 tuổi lại lang thang qua KoKong, Cam pu chia ở tới một tháng. Đoạn này cũng có nhiều chuyện vui nhưng chủ blog cũng … “tự ý đục bỏ” không thôi lại có nhiều người đâm ra mê mẩn muốn theo nghề báo, không khéo xã hội nầy… loạn mất !

Thứ Tư, tháng 7 18, 2007

TRÚNG SỐ ĐỘC ĐẮC

Hãy nói thật với tôi, đã có bao giờ bạn từng ước ao một ngày nào đó mình sẽ... trúng số độc đắc ! Tôi đoan chắc rằng, dễ có đến hai phần ba số người trôi lướt qua mắt tôi mỗi ngày hơn một lần trong đời đã từng mơ tưởng đến. Chẳng vậy mà quanh ta, mỗi sớm mai thức dậy đều thấy... cơ man là người bán vé số (!). Họ quanh quẩn bên mỗi quán cà phê, mỗi quán phở, mỗi bến xe, mỗi bến phà... Tóm lại, họ chìa tập vé số vào mặt ta kể cả khi ta đang ăn, đang uống, đang làm tất tật mọi thứ để xả stress. Đáp lại cái lắc đầu khó chịu của ta lại là... cái nhìn đầy cáu bẳn, giọng nói đầy gắt gỏng của họ. Tại sao họ lại nỡ đối xử với “Thượng đế” thô bạo dữ vậy. Hoá ra, họ cho mình là người đi bán... À không, nói vậy thì “thô tục” quá. Họ cho mình là người đi... ban phát ước mơ, ban phát hy vọng - dẫu có hão huyền đến mấy - cho thiên hạ. Mà như vậy, hoá ra họ đã là “bề trên” của ta mất rồi. Nên chi, đành mà chịu đựng, đành mà cay đắng nhận ra rằng tự thân tấm vé số có một ma lực đến không ngờ.

Trong câu chuyện lần nầy, tôi sẽ không đề cập đến những mảng “tối thui”, những hệ luỵ từ những tấm vé số vốn vô cùng chân chính. Tỷ như chuyện đánh số đầu, số đuôi. Tỷ như chuyện mấy tay ma giáo “ảo thuật” màn dán số giả mạo vô mấy trái banh lấy ra từ lồng cầu ở tỉnh L. nọ. Hoặc tỷ như chuyện, có ông A, bà B, chú X, Y, Z nào đó muốn “rửa tiền” bèn vác 60 triệu để mua tấm vé số trúng lô 50 triệu chẳng hạn. Và còn vô thiên lủng chuyện “tối thui” như vậy. Hãy chỉ nói quanh tấm vé số minh bạch không thôi, bạn sẽ thấy vô vàn chuyện éo le, thú vị.

CHUYÊN NHẶT TRÊN “XA LỘ ẢO”:
Thú thật với các bạn, đã có một thời gian tôi luôn ám ảnh với nỗi khắc khoải rồi đây mình sẽ trúng số độc đắc. Đó là những năm mà cả cơ quan chúng tôi phải ăn mì tôm vụn cân ký mỗi sáng, trưa đến khẩu phần nhỉnh hơn với một con cá rô phi hoặc 2 con rưỡi cá kèo kho nước muối lõng bõng. Khi đó, lương tháng 120 đồng, đóng tiền ăn cho bà bếp hết 90; nhuận bút một bài được 36 đồng, nhưng báo thì nửa tháng mới ra một số, trong khi nhuận bút 6 tháng lãnh một lần, tiền lại rớt giá vèo vèo. Vậy nên, chúng tôi chỉ có nước mơ trúng số để đổi đời. Ky cóp được món tiền còm lại phân vân nên mua vé số hay mua sách. Đôi khi – hay thường khi thì chưa biết - máu “mơ giàu” nổi lên lại khấp khởi mua vé số. Trời ạ, đại đa phần là thua, mà mỗi lần xé đi tờ vé số trật lất lại chắc lưỡi tiếc hùi hụi - vậy là đi đời 1 “Khát vọng đổi đời” của X. Xvaig, một “Thế nhân ô trọc” của X. Moom hay nửa bộ “Đỏ Đen” của Xtangdan... (!). Một ngày nọ, tới xí nghiệp in dò bông báo ngay lúc họ chuẩn bị in vé số. Trời ạ, bạn có thấu nổi cái cảm giác của tôi khi thấy chồng giấy khổng lồ để in vé số e rằng phải tính bằng tấn. Chợt nghĩ, có lấy hết mấy tờ vé số trúng tất cả các giải lại đem cân có nặng được cỡ... 10 gam hay không. Một xác suất vô cùng khủng khiếp. Tôi chợt thấy mình đang theo đuổi một thứ gì đó hết sức phù du. Chỉ vậy thôi mà... “tàn giấc mơ hoa”.

Nhưng đó chỉ là chuyện của tôi, một kẻ vốn an phận thủ thường. Còn thì, thiên hạ vẫn mơ, thiên hạ vẫn trúng, thiên hạ vẫn hy vọng. Họ bảo, có khó trúng đến vậy mới ra nghĩa... độc đắc, mới ra nghĩa đây là của “hoạnh tài”. Chẳng vậy mà các công ty xổ số kiến thiết ngày một ăn nên làm ra. Hôm nọ, tôi vào google.com.vn thử đánh dãy chữ “xổ số kiến thiết”, chỉ mất có 0,54 giây tôi đã có 13.200 dữ liệu liên quan. Còn website của các công ty XSKT thì vô khối chuyện để sửng sốt, để nôn nao, khắc khoải... tại sao ta không mua vé số. Tỷ như, ngay bây giờ truy cập vào website của công ty XSKT Bình Dương chẳng hạn, bạn sẽ thấy một dòng chữ đầy hấp dẫn chạy liên tục: “Vé số 2004 KT 030 ngày 23/7/2004, đồng bào huyện Ba Tri, Bến Tre và Chợ Gạo, Tiền Giang trúng giải đặc biệt 7 tỷ đồng”. Hội đồng Liên kết phát hành xổ số kiến thiết Bắc Miền Trung thì khẳng định: “ai cũng có cơ hội trúng thưởng như nhau... Mỗi loại vé số đều có sự hấp dẫn riêng của nó. Bạn chỉ cần bỏ ra 1 ngàn đồng, vận may gõ cửa, bạn có thể trúng một số tiền lớn gấp hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng chục ngàn lần”. Nghe mà mê tơi ! Và cũng khi vào website của XSKT TP Hồ Chí Minh, tôi mới biết, hoá ra ở Việt Nam xổ số đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc hồi đầu thế kỷ trước. Dẫu có phát triển đến mấy loại hình như vé số tờ, số bóc, số lô tô... tự trung lại cũng để thiên hạ uớc mong. Nghèo thì mong giàu, giàu lại mong giàu thêm – một tâm lý rất thật của người đời.

Cũng trên website của XSKT Bình Dương lại nhặt được một mẩu chuyện khá thú vị. Số là, ngày 29/6 hôm rồi, công ty nầy mừng sinh nhật mới có một bài ngỏ trên mạng. Có đoạn như vầy: “Thưở thiếu thời, từ lúc sinh ra đời (1979) cho đến năm 8 tuổi (1987), cậu bé xổ số còi cọc trong gia đình nghèo khó, đông con, cha mẹ nói sao con cái nghe vậy. Đó là hình ảnh của một thời sống trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Lớp thanh niên sinh sau 1979 có ai được nghe kể về chế độ phân phối tem phiếu thực phẩm và nhu yếu phẩm hay không. Vé số hồi ấy cũng là thứ để phân phối, người nào có sổ đại lý cứ mang bán sổ thì cũng được nhiều hơn lương. Thời ấy, người ta ăn bo bo mà mang sổ đi xếp hàng để lấy những tờ vé số 50 xu in trên giấy rơm. Thời ấy, nhân viên thay nhau bán lẻ vé số xổ liền bên bến đò Cầu Ngang cho khách vãng lai mùa trái cây. Thời ấy, người tham dự xổ số trúng thưởng lại thích nhận thưởng bằng vỏ ruột xe đạp, xe Honda...”. Bức tranh quá “hoàng tráng” !

Tôi có ông bạn đang là hoạ sỹ ở một tỉnh lẻ nọ. Ông này vốn có tính vô cùng cẩn thận. Tỷ như chuyện cá xem thằng Anh đụng thằng Đức, thằng nào thắng. Vậy là ổng mở sổ tay ra, tính tính toán toán, nào là thằng Anh có mấy thằng chơi cho MU, mấy thằng chơi cho Asenal; thằng Đức có mấy thằng chơi cho BM. Ổng lại tính mấy đội này đụng nhau mấy lần, tỷ số ra sao để... suy ra. Chỉ tiếc, khi ổng tính xong thì trọng tài đã thổi còi tan cuộc ! Nhưng chính nhờ cái nỗi mê tính xác suất như vậy ổng mới biết, trên website của XSKT Cà Mau lại có cả bảng tính xác suất từng dãy số từ 0 đến 9 dán trên mỗi quả banh xuất hiện trên lồng cầu từ hàng đơn vị và hàng chục ngàn là... bao nhiêu lần. Website của Bình Dương càng siêu hơn khi cập nhật bảng tính toán của sơ sơ... 23 tỉnh thành, trong đó có luôn Hậu Giang là tỉnh mới tái lập có 7 tháng nay mà thôi. Không biết, trên đời có bao nhiêu tay mê xác suất như vậy để truy cập mà tính toán. Có điều, coi bộ với mức sống hiện nay, mức trúng 50 triệu đã không còn là... “độc đắc”. Thế nên, các tỉnh mới đua nhau hết bóc, đến cào, lại đến điện toán, lô tô. Vào xosothudo.com.vn mới hay giải đặc biệt của Lô tô 6X36 hiện đã trên 4 tỷ đồng, giải đặc biệt trọn bộ của điện toán đã nhặt sơ sơ có... 300 triệu. Riêng cái “anh” Bình Dương lại còn nghĩ đến cư dân của “xa lộ ảo” khi bày ra chuyện cho người truy cập đoán thử xem kết quả giải đặc biệt kỳ này là số gì. Và bạn có biết không, nếu đoán đúng thì một giải trị giá 500 ngàn đồng sẽ thuộc về một em học sinh nghèo, chịu khó học giỏi hoặc là một gia đình neo đơn nào đó do người đoán đúng chỉ định. Về phần người đoán đúng sẽ được tặng một cặp nguyên vé số kiến thiết kỳ tới. Vậy là tha hồ một công đôi chuyện, không tốn xu teng nào mà vừa làm việc thiện lại vừa nuôi ước mơ. Tưởng là “ảo”, ai dè bà con tham gia quá xá. Tỷ như, kỳ xổ ngày 30/6 mới đây có đến 225 người tham gia dự đoán.

CHUYÊN NHẶT BÊN HÈ PHỐ
Đừng tưởng các website xổ số là khô khan, thuần con số. Nó cũng có văn chương hẳn hoi. Đọc trên mục “Danh ngôn” của website XSKT Bình Dương có mấy câu như vầy: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng. Kẻ ít nói nhất thường là người biết nhiều nhất. Hãy hy vọng về điều tốt nhất nhưng hãy chuẩn bị cho cái xấu nhất. Việc gia đình nên giữ kín trong nhà”. Như một trùng hợp ngẫu nhiên, cách ứng xử của những người đã trúng số, nhất là trúng số độc đắc thường là như vậy. Đối với các chủ đại lý vé số kiến thiết lại càng kín như bưng. Họ bảo: bí mật nghề nghiệp ! Sáng hôm qua, ngồi nhâm nhi cà phê bên lề đường Tân Trào với ông Tâm, một chủ đại lý vé số có hạng ở Cần Thơ. Tôi thắc mắc với ổng, chẳng hiểu sao, từ đời nảo đời nào, thiên hạ hay bảo nhau của trên trời rơi xuống thường khó giữ; rồi hoạ phúc khó lường. Ổng bác bỏ thẳng thừng: “Tại cái tính người dân miền Tây đa phần nó vậy. Có của từ trên trời rơi xuống thì cứ xài líp ba ga. Mà biết sao là còn, biết sao là mất. Giả dụ số tiền đó họ cho người này, người kia hay đem đi cúng chùa, cúng miễu ít nhất vẫn còn đó cái tình”. Gần ba chục năm trong nghề, ông Tâm tiếp xúc khá nhiều “tỷ phú bất ngờ” thế nhưng ông ấn tượng nhất chỉ có hai ông nọ ở Cần Thơ. Cách đây đã 20 năm, một ông mua bán tạp hoá ở chợ Mít Nài, phường An Nghiệp trúng độc đắc đến 20 tờ. Lúc đó, ông chủ tạp hoá đã 60 tuổi và có đến 10 người con. Biết là trúng số mà gương mặt vẫn lạnh tanh. Đi lãnh tiền với ông Tâm, ông già chỉ nói độc một câu: “Thưở cha sanh mẹ đẻ đến giờ, lần đầu qua nhìn thấy tiền mà đo bằng thước”. Vậy rồi, ông già một hai gởi tiền lại nhà ông Tâm mà không đòi bất cứ một tấm giấy biên nhận nào, chỉ vỏn vẹn một chữ ký để... “Thôi để qua về qua tính toán lại coi cho đứa nào bi nhiêu. Miễn thấy đứa nào cầm giấy có chữ ký của qua phiền chú em phát giùm”. Nửa tháng sau, ông Tâm kết sổ như ngân hàng sau khi ông già chia hết của “hoạnh tài”. Giờ thì ổng đã chết nhưng nghe nói con cái cũng được một số vốn làm ăn sau cái hên của cha mình. Khoảng 10 năm sau, lối 10 giờ đêm ông Tâm lại thấy một anh chàng đang làm việc tại công ty chiếu bóng tới đập cửa đòi đổi vé số. Thấy anh này quen đứa em, vả lại ông Tâm cũng đang “xỉn”, ổng mới khoát tay bảo: “Để đó, ngày mai lại chị Hai đổi cho”. Anh chàng này thấy vậy cũng bỏ đại xấp vé số trên bàn rồi về. Sáng mai, tỉnh dậy nhìn xấp vé số nằm lăn lóc, nhặt lên ông Tâm tá hoả khi biết tay này trúng đến 32 tờ độc đắc. Tôi thắc mắc: “Sao họ tin ông mà gởi của khơi khơi vậy”. Ông Tâm cười bảo: “Thì cũng tin một phần, nhưng phần còn lại tui đoan chắc mấy tay này thấy của tới bất ngờ lại quá lớn nên hoảng loạn quá mức mới chuyển qua... tỉnh rụi đó cô”. Tôi à lên, hoá ra cái cảm giác trúng số độc đắc là vậy !

Tôi bèn hỏi ông Tâm một câu, vậy thì người trúng số độc đắc sướng hay khổ. Ông Tâm cười cười bảo: “Khổ muốn chết cô ơi. Cô thử hình dung bình thường thì hổng ai tới thăm mình, tới chừng trúng số, bà con cô bác kéo tới rần rần. Nhiều người họ hàng kiểu bắn đại bác ba ngày chưa tới cũng kiếm cho được. Rồi bạn bè rủ nhậu nhẹt hết độ này đến độ kia. Hổng chừng còn thâm vô tiền nhà”. Ông Tâm kể thêm, mới đây có một tay ở Cần Thơ trúng vé số độc đắc, đâu vài ngày sau mấy người bạn làm cùng sở của anh ta điện hỏi ông Tâm xem thật ra... thằng bạn mình trúng mấy tờ. Vì lý do nghề nghiệp ông Tâm không hé môi liền bị mấy tay này tạt ngang: “Xí bì đặt giấu hoài, ông là người bán thì ông phải biết nó trúng mấy tờ chớ”. Trời đất, xem ra thì tay trúng số độc đắc này khổ quá xá rồi !

Cũng với câu hỏi này tôi đem đặt ra với ông T. hành nghề mua bán ở chợ Hàng Dừa, ổng trề môi bảo: “Xời, trúng số sướng muốn chết chớ khổ nổi gì. Tui đang muốn trúng nè bà”. À hoá ra ông bạn này quan tâm đến khía cạnh khác. Ổng có một ông bạn hành nghề y, ông khoái nhất nhất tay này ở tính anh hùng hảo hán khi dám vỗ ngực giữa bàn nhậu mà bảo: “Tao chỉ sợ vợ sao chứ vợ hàng xóm tao cóc sợ”. Mới đây, tay nổi tiếng sợ vợ này trúng một hơi 8 tờ độc đắc. Ra đường thấy mặt mày cứ hí ha hí hửng, ông T. ngoắc lại bảo: “Ê, trúng số đã vậy sao mầy”. Anh ta trả lời làm ông T. chưng hửng: “Tiền bạc là phù du, nó bay hết à ông ơi. Có điều bây giờ con vợ nó lại sợ, lại nể tui ông ơi. “Độc đắc” là ở chỗ đó. Phải biết vậy mấy năm trước tui cố làm hai, ba job rồi nói dóc trúng số cho bả thăng lên “tiểu đội trưởng” là sướng mớ đời”. Kinh nghiệm của tay này lan truyền quá xá. Mấy chàng vậy là cứ mua vé số, nhứ nhứ trước mặt vợ dẫu chỉ để vợ nể tình phu phụ... 24 tiếng đồng hồ... (!). Mới đây lại nghe chuyện, một tay bác sĩ ở bệnh viện Q. làm thần tài bất đắc dĩ. Số là , trong lúc cao hứng bên bàn nhậu ông ta mua một xấp vé số rồi phân phát trong bàn từ lái xe đến y tá, y sĩ, phần mình giữ lại 5 tờ. Đến giờ xổ số, cả bệnh viện được một phen nhộn nhạo với cái tin mấy tay đồng nghiệp trúng độc đắc đều trời. Tay bác sĩ cứ cười toe, không chỉ vì mình trúng số mà vì bằng hữu ai cũng vậy. Coi bộ “tình thương mến thương” quá xá cỡ.

Nghe xong chuyện, tôi chợt nghĩ vậy trúng số độc đắc sướng hay khổ đây. Ông Tâm nói gọn một câu: “Niềm tin và hy vọng của người đời đó nghen cô”. Ừ thì cứ tin, cứ hy vọng. Vậy mới là đời chứ.

ĐÔI LÚC CUỘC ĐỜI ĐẸP LẠ LÙNG

Là… lá… la… Cuối cùng nhiệm vụ bất khả thi mà sếp giao mình cũng đã hoàn thành sau một năm đeo đuổi. Sáng nay, sau khi nghe mình thuyết trình – (hì hì – mình “nổ” cũng toàm toạm) - lãnh đạo thành phố đã đồng ý duyệt và thông qua đề án của “báo mình”.
Sẽ còn lắm thủ tục rắc rối, nhiêu khê nhưng vậy là ổn rồi. Thử tưởng tượng, một ngày đẹp trời nào đó, cơ ngơi cũng như công việc của “báo mình” sẽ “phình” ra thì sướng biết mấy. Nhớ hồi đầu thổ lộ với anh Th.H về “phi vụ” nầy, ảnh đã lắc đầu tỏ vẻ không tin khi nghe mình bày tỏ mục đích kiểu như – “phải ăn bữa cơm quý tộc với giá tiền bình dân”. Rốt cùng cũng được thôi.
Cái vui sáng nay không chỉ vì hoàn thành nhiệm vụ với sếp, làm lợi cho “báo mình”… mà còn cho mình thấy giá trị thương hiệu của “báo mình” là đến đâu. Không phô trương, không lòn cúi, không thỏa hiệp, không đi đêm… cứ minh bạch vậy mà xong việc.
Lại nói thêm một tí về hai chữ “báo mình”. Bao giờ trao đổi công việc với mình thầy Võ Tòng Xuân luôn luôn dùng hai chữ “báo mình”. Nghe ấm áp vô cùng tận. Niềm vui đó cũng giống như sáng nay thấy ông già đầu ngõ đi tập thể dục về tay ve vẩy tờ “báo mình” vậy đó.
Hôm qua báo đăng ông Sáu Th. GĐBĐCT bị khởi tố. lại lan man nhớ chuyện ngày xưa. Hồi đó, “báo mình” còn bèo bọt lắm vậy mà mình dám… cả gan đi hỏi thuê nhà của ổng làm văn phòng. Ông tình thiệt nói: “H. ơi báo của em hổng có đủ khả năng thuê nhà của anh đâu”. Khó diễn tả được tâm trạng của mình lúc đó. Có lẽ cũng tương tự như hổm rày nghe ông HLV đội bóng Nhật Bản phát biểu gây sốc trên BBC vậy đó. Ngẫm lại, những cú sốc đó đã khiến mình cố tâm làm việc, làm đến cùng để đạt được mục đích. Đôi khi, bạn bè nói mình cực đoan. Nếu bản bè hiểu mình nghĩ ra sao về hai chữ “báo mình” chắc rằng họ sẽ nói khác mà thôi.
Sáng nay, sau khi báo tin cho sếp Kh. xong, mình gọi liền cho anh Minh. Đúng là CVP có khác. Hỏi ngay, chiều nay có gì không ? “OK sếp, em đã mua 2 con vịt xiêm bự tổ chảng chiều nay nấu cháo nè”.

Thứ Hai, tháng 7 16, 2007

MƯỜI XIỀM ĐI MỸ TRỞ VỀ

Hôm qua bà Mười Xiềm đã về lại xóm nghèo Trà Nóc sau hai tuần thăm thú xứ cờ hoa (Thanh Niên đã đăng tải trên phóng sự Mười Xiềm đi Mỹ). Coi bộ bà Mười không quen lắm phong thổ xứ bển. Lại thêm chuyến bay mấy chục tiếng đồng hồ, quá cảnh tùm lum nơi khiến cho một bà già quê trớt chỉ muốn mau về nhà vì: Sang cả cho mấy cũng hổng bằng xứ quê mùa của tui”.

· BÀ MƯỜI NỔI LỬA TRÊN QUẢNG TRƯỜNG WASINGTON D.C
Những sân bay quốc tế rộng mênh mông, vô số cửa ra vào đã khiến bà Mười Xiềm tá hỏa, lóng cóng chân tay khi bước vào nước Mỹ. Và bà Mười lại càng đánh lô tô trong bụng khi Ban tổ chức chỉ cho bà thấy quảng trường quốc gia Mall thênh thang, hoành tráng giữa trung tâm thủ đô Wasington D.C mà rằng: “Vài bữa bà Mười dọn bếp làm bánh, nấu ăn nơi này nè”. Trong khi đó, đã năm sáu chục năm nay bà chỉ quen nấu nướng bên chái bếp đen nhẻm có vài ba mét vuông lợp lá dừa nước, mỗi khi gió thổi mạnh là cửa nẻo bay lật phật, cũng như bao nhiêu gian bếp quê xứ Nam bộ này đây. Bà Mười chỉ bớt sợ khi biết, gian bếp của bà cũng liền kề với khu vực mà các nghệ nhân Bana Tây Nguyên đẽo thuyền độc mộc, gõ trống khua chiêng; rồi các nghệ nhân ở Sóc Trăng múa Rô băm; các nông dân thứ thiệt xứ Bạc Liêu múa lân, đờn ca tài tử. Mà cũng theo lời bà Mười thì đa số người đi trong đoàn đều quê mùa, Hai Lúa như bà Mười vậy. Và bà Mười cũng bớt sợ, khi thấy “chợ Mỹ” mà bán đồ giống hệt Việt Nam mình ! Bà khoe: “Thấy vậy mà đủ thứ nghen cô. Nào là nước mắm, rau cải, gạo nếp, dừa khô. Có điều đồ ở bển cái nào, cái nấy nó bự bành ki. Lá rau húng lủi to muốn bằng... bàn tay. Dừa khô thì nhiều vô số, lớp cơm dừa nạo sẵn đông lạnh, lớp nước cốt dừa đóng lon, lớp dừa trái. Sẵn tui có đem theo bàn nạo dừa nên tui chọn dừa trái. Cực chút đỉnh nhưng làm cho... Tây nó coi”. Vậy là cứ 9 giờ sáng, bà Mười lại lọ mọ từ khách sạn ngoắc taxi ra quảng trường Mall để ngâm gạo, nạo dừa !
Không chỉ mấy ông Tây, bà Đầm xứ cờ hoa mà ngay cả thành viên các nước tham gia lễ hội và nhất là bà con Việt Kiều xa xứ cứ xúm đen, xúm đỏ mỗi khi bếp bà Mười đỏ lửa. Họ cứ... ồ, à khi bà tráng bánh nghe cái xèo, hay thấy bà thoăn thoắt xay bột, vo nhân bánh. Bà Mười khoe, chợ bên Mỹ bán toàn tôm, tép bự bự không hà; hột đậu xanh cũng lớn trọng nên cái bánh xèo xem chừng bề thế lắm. Chừng như nhớ cái xóm nghèo Trà Nóc của mình nên bà Mười lại nhắc: “Xứ tui mà bán cái bánh xèo cỡ này dám chừng họ hổng có tiền trả à nghen”. Có điều bà cứ tiếc là rau bên đó không đủ vị như bên Việt Nam mình. Quanh đi quẩn lại chỉ có 3 món: xà lách, húng lủi, húng quế, lá nào lá nấy to lúc lỉu, hổng thấy mùi vị gì mấy. Vậy mà mấy ông Tây thấy cái “Pizza Việt Nam” có đủ thứ: bột, đậu xanh, tôm, giá, củ sắn lại thêm một đĩa rau kèm, chén nước mắm cũng pha vào đó cà rốt, củ cải xắt sợi, cứ tấm tắc khen rằng: “Dân quê Việt Nam kham khổ mà ăn uống khoa học quá”. Bà Mười nghe thông dịch lời của ổng, mới lẹ miệng nói liền: “Chèn ơi, rau rác cỡ này mà nhằm nhò gì. Mấy ông mà qua được Cần Thơ tui cho ăn một rổ rau rừng”. Nói rồi bà kể một lô, một lốc nào là cải xanh, nào là giấp cá, nào là hẹ, giá rồi lá lụa, đọt chùm ruột, đinh lăng, sao nhái... Nghe vậy, có một vị khách Tây xin ngay địa chỉ rồi hẹn đến ngày 28.7 tới đây khi qua Việt Nam sẽ xuống Cần Thơ gặp bà Mười !
Ngày biểu diễn gói bánh tét cũng kỳ công không kém. Bà Mười cũng nhạc nhiên khi thấy họ đem đến đủ thứ nào là lá chuối, cọng dây lạt buộc bánh, rồi thịt ba rọi để làm nhưn. Người ta cũng xúm đen xúm đỏ lại xem bà Mười làm... “ảo thuật” khi hổng thấy cái khuôn bánh nào cả mà thoắt cái là xong xuôi đòn bánh tròn lẳn, đều đặn như nhau. Họ cũng ngạc nhiên không kém khi biết bà Mười phải nấu cỡ nửa ngày sắp lên, nồi bánh mới chín và đó cũng là công việc thường ngày của bà Mười cũng như biết bao nhiêu người đàn bà xứ Việt để mưu sinh và để phục vụ cho gia đình. Một ông Tây đã mừng rỡ nhảy lưng tưng khi được bà Mười tặng cho một đòn bánh tét còn nóng hôi hổi. Khách thưởng lãm cũng ngạc nhiên không kém khi thấy loáng cái bà Mười đã nấu xong một bữa cơm gia đình với nào là khổ qua dồn thịt, thịt kho gừng, cá kho tộ... Không chỉ bà con Việt Kiều xa xứ mà cả các bà Đầm cũng lăng xăng đòi phụ bà Mười. Họ lóng ngóng bắt bột, vo nhân làm bánh ít trần xem chừng chăm chú lắm. Một bà Đầm (bà Mười kể chuyện thì cứ Tây Đầm ráo trọi, vì bà không tài nào đọc được chứ đừng nói tới nhớ được một tiếng nước ngoài) tâm sự: “Không chỉ là chuyện ẩm thực mà qua việc hiểu một tập quán nấu nướng tôi như thấy người phụ nữ Việt Nam gởi gắm cả tâm hồn mình vào công việc nội trợ tưởng chừng là nhàm chán này. Và những người đàn bà Việt cực kỳ tốt bụng, cực kỳ chung thủy, yêu thương chồng con vì họ đã luôn sống một nếp sống như vậy”.

· THA HƯƠNG NGỘ CỐ TRI:
Tôi đã... khoái chí, mở cờ trong bụng khi bà Mười thật chuyện: “Chèn ơi, người mình ở bển đi dự lễ hội cũng đông lắm cô. Họ nói họ đọc báo Thanh Niên thấy giới thiệu về tui quá xá nên đi tìm cho bằng được”. Trong dòng người đó có hai vợ chồng xứ Cần Thơ qua Mỹ được trên 10 năm. Từ xa ông chồng đã la lớn: “Bà Mười ơi, tui dân xứ Cần Thơ nè. Hồi đó tui làm bên Điện lực. Bà biết tui không” ? Chu mẹt ơi, ông này hỏi lãng dữ không. Ổng là dân quan quyền, mình là dân mua gánh bán bưng. Làm sao mà biết cho được – nghĩ bụng vậy nhưng bà Mười vẫn cười toe mà nói... “Tui thấy chú quen quen” cho ổng đỡ nhớ nhà. Bà vợ thì te rẹt như bao nhiêu bà đàn bà khác: “Bà Mười kho mắm mà con hổng biết, phải biết con đi chợ Việt mua rau cho. Cũng bán đủ thứ như chợ nhà lồng bên mình vậy đó”. Một số bà mà nghe qua giọng nói là biết ngay gốc miền Tây thì la rùm lên: “Trời ơi, mùi mắm kho sao mà nghe tản thần vậy nè. Tui nhớ nhà, nhớ quê quá thể”. Hỏi chuyện làm bánh thì ít mà họ tám chuyện bên nhà thì nhiều hơn. Họ cứ cười ngất khi hỏi chuyện qua đây bà Mười ăn ngủ ra sao. Bà Mười cứ tình thiệt: “Khách sạn tui ngủ nó tính một đêm 450 đô nghen mấy bà. Chèn ơi, nệm nó mềm cách chi mà mới nằm xuống là tui chìm tuốt luốt, tấm đắp thì cứ phập phều, phập phều như cái bòng bột. Tui nằm mà cứ cà bơi, cà bơi như... con ếch bà. Nghe nói nệm lông ngỗng gì đó. Mà nói thiệt tui về nhà ngủ trên bộ ván ngựa coi bộ êm hơn nghen”. Mấy bà nghe thuật chuyện mà cười chảy nước mắt. Chuyện bà Mười mà cũng như chuyện của họ khi tha phương trên đất khách quê người.
Lại có một chuyện cảm động khác. Có một cặp vợ chồng trí thức người Mỹ gốc Việt khác đã năn nỉ bà Mười nhận mình làm con nuôi. Hai vợ chồng quê ở Bến Lức, Long An qua Mỹ đã 26 năm nay. Anh chồng tên Song làm ở Tòa án liên bang, chị vợ tên là Hạnh cũng đi làm ở Sở, cả hai có 4 đứa con thật kháu khỉnh. Chị Hạnh đã đưa mẹ mình tới gặp bà Mười để mời bà về nhà chơi, dẫn bà Mười đi ăn phở xứ bển cho biết. Bà Mười lại có dip đi thăm thú Nhà Trắng, nhà ông Bush (nói cho oai chứ chỉ đứng bên ngoài nhìn vô), bảo tàng viện. Hai bà già lại cho nhau số điện thoại và hẹn sang năm gặp nhau ở xứ mình. Hai vợ chồng anh Song mua cho bà Mười và bạn trong đoàn của bà nào là dầu gội đầu, nào là xà bong tắm, bà Mười rầy: “Làm chi cho tốn kém vậy”. “Má à, được má nhận làm con nuôi là coi như con đã nối được với gốc gác quê hương xứ mình rồi. Cái má cho con còn lớn hơn nhiều chớ”. Cái câu tha hương ngộ cố tri xem chừng thấm thía hơn bao giờ hết.
Còn nhớ, sau khi Thanh Niên đăng tải phóng sự “Mười Xiềm đi Mỹ”, tôi đã nhận được nhiều email thăm hỏi nhờ chuyển cho bà Mười. Gõ hai chữ Mười Xiềm vào trang tìm kiếm Google đã cho ra vô số kết quả tìm kiếm. Trong đó, có comment của một bạn đọc tên Ng. ở Pháp thật cảm động. Xin được trích ra đây. “Nhìn hình bà đổ bánh xèo mà Ngò nhớ đến những năm tuổi teen. Trời cận Noel hay trở lạnh, ba Ngò hay kêu Ngò đổ bánh cho ấm người !!! Hồi đó, bắc ông Táo ra ngoài hiên, quạt khói nhặng xị lên cho đỏ lửa; bắc chảo lên, cắm cây đũa vô cục mỡ heo dầy cui mà láng chảo; gạo thì ngâm đêm trươc xong đem sang nhà bác Năm nhờ xay giùm, nêm nếm rồi đổ bánh thôi. Ở dưới lửa đỏ, ở trên bánh vàng ươm, con tôm hồng, miếng giá trắng, hơi bay nghi ngút, có thằng em ngồi bên cạnh chị, canh chị làm cái nào xong là vớt ra ăn; mấy con gà chọi bên nhà hàng xóm cũng tu tu lên gáy, ý kêu chủ nó người ta có ăn mà tụi tao không có. Đó là Sài Gòn xưa xửa xừa xưa, trước khi sốt đất, chứ bây giờ nhà cho thuê bán quán nên không có chỗ cho ông Táo đỏ lửa nữa, mà nhà hàng xóm cũng thôi không chơi gà chọi. Ngò sang nước ngoài sinh sống, có một bữa thèm ăn bánh xèo quá xá nên lặn lội ra quận 13 Paris để ăn bánh xèo. Ô hô, cái bánh dầy như cái mền đắp mùa đông; đĩa rau đúng 3 lá xà lách, 2 cành húng lủi, 1 nhánh húng quế; nước mắm thì bỏ trong một cái chung nhỏ, giống cái chung mà ông ngoại ngồi trên bàn thờ hay uống. Ngò mới làm một hớp mà đã hết tiêu chung nước mắm, gào nước mắm, rau cải mà không ai bưng hầu cho hết, nhân viên phục vụ thì mặt mày sưng xỉa, chắc nhà hàng đông khách quá, họ mệt nên mới quạu với Ngò. Mười mấy năm lê lết vỉa hè Sài Gòn để ăn bánh xèo, Ngò chưa bao giờ ăn một cục bột vàng vàng như thế, lại chưa bao giờ xin thêm nước mắm và rau mà bị lườm nguýt. Ăn xong cái bánh xèo thổ tả ở quận 13 còn cục tức thì nuốt không qua cổ, Ngò về bốc điện thoại kêu họ hàng, bạn bè của chồng weekend sang nhà ăn bánh xèo. Giữa mùa đông, Ngò mặc áo măng-tô, cổ quấn khăn, chân đi hài, nổi lửa nhà ông Táo, đứng tráng mấy chục cái bánh xèo. Hả tức nhưng mệt phờ . Từ đó mấy năm rồi chưa lần nào tráng bánh lại. Hôm nay nhìn hình bà Mười mà nhớ bánh xèo ghê !!!”.
Được biết, Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007 có chủ đề “Mekong – Dòng sông kết nối các nền văn hóa”. Không khoa trương, màu mè, văn hóa Việt Nam đã hiển hiện tại lễ hội, tại thủ đô nước Mỹ phồn hoa, đô hội một cách mộc mạc, chân chất như vậy đó. Và hơn thế. Những con người mộc mạc, chân chất như bà Mười Xiềm đã là cầu nối chân tình với bà con xa xứ. Lại ngẫm nghĩ mãi câu chuyện của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại cuộc gặp với kiều bào nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ: “Chúng ta cứ nghĩ Tổ quốc là bao la, là vĩ đại. Đúng ! Nhưng Quốc văn giáo khoa thư chỉ nói rằng đó là mái nhà mà mẹ em đã ru em trên đầu gối và cha em đã bế em trong lòng. Nó giản dị và đơn sơ như thế nhưng mà rất ấm tình”.

Thứ Tư, tháng 7 11, 2007

TIN VUI BUỔI CHIỀU


Đầu giờ chiều chị B.Ngân điện báo tin: FAHASA đã bán sạch sẽ cuốn “Dấu xưa Nam bộ” của mình. Như vậy là có đến 1.500 người bỏ công ra đọc mấy chuyện xưa lắc, xưa lơ của mình – hy vọng tý chút con số này sẽ nhỉnh hơn do anh em, bạn bè của họ cũng đọc ké lúc rãnh rỗi chẳng biết làm gì.
Nhớ hồi sách mới ra lò, mình cứ lò dò ra hiệu sách Fahasa trên Co-op Mart Cần Thơ để ngắm nghía mặt mũi nó hiện diện trên giá sách ra làm sao. Thằng con mình thì hơi… láu cá. Nó ra vẻ “vô can” không có quan hệ chi tới… tác giả, cứ cầm cuốn sách lên mà la toáng lên: “Mẹ ơi, có cuốn sách này hay lắm nè”. Trời ơi, mình muốn độn thổ, nắm tay nó kéo đi một mạch và nói nhỏ: “Bộ con hổng thấy trên bìa 2 có tấm hình của mẹ hả. Người ta phát hiện ra thì tẽn tò cỡ nào đây”. Nó thì thào lại: “Hổng sao đâu mẹ. Mình phải sử dụng chiêu thì họ mới mua chớ”. Trời đất ơi, thằng con của tui !
Một tháng sau nữa, về Tòa soạn lại lang thang ra Nhà sách Nguyễn Huệ. Không quên nổi cảm giác… sướng khi thấy nó nằm ngay vị trí trung tâm kế bên cuốn “Hồi ký Phạm Duy”. Lấy điện thoại ra chớp lấy một kiểu hình làm kỷ niệm (ảnh). Lúc đó cũng thấy lo lo cho chị Ngân, vì một lẽ chỉ hơi ưu ái nên lăng xê cuốn sách của mình quá đáng, đến nỗi Fahasa bỏ tiền ra mua đứt bán đoạn. Rủi lỡ bán không chạy thì biết tính sao đây. Và rồi cứ mỗi lần thấy nhà sách có đợt bán sách giảm giá là mình lại lò dò ra săn lùng… gương mặt quen. May mà không có việc gì xảy ra.
Lại có lần, vào trường ĐH Cần Thơ, thấy trên giá sách triển lãm đợt “Văn hóa phi vật thể ĐBSCL” có… gương mặt quen. Mừng quá. Nhất là nó nhàu nhĩ chứ không mới cứng như những vật chỉ dùng để trưng bày.
Tin vui như thế này đủ để mình quyết tâm bắt tay vào cuốn thứ hai, thứ ba… Ít ra cũng lên gân tuyên bố trước bàn dân thiên hạ để không làm biếng thối lui như hổm rày nữa. Đợi nghen bà con.

ĐỌC TỪ BLOG BẠN BÈ


TỚI MÙA NÚM MỐI

Sáng nay vợ tôi cho hay có nấm mối rồi. Tôi nói nấm thì nấm có chuyện gì hôn? Năm ngóai tôi viết bài Mùa núm mối, lần quần lại một năm trôi qua. Thôi "nấm" "núm" làm gì, câu nệ làm gì. Nhưng công nhận bây giờ mà kêu bằng núm nghe hơi quê mùa, thị dân ngại miệng...
Tôi post bài Mùa núm mối lên blog mà nghĩ hòai: sao kỳ, bây giờ tôi không còn hào hứng về núm mối, chẳng thấy thèm nhu trước đây. Chỉ có điều mừng là, má tôi vẫn khỏe, má đã tự ngồi dậy một mình, nhưng những cơn gió núm tới chắc má nhức mình dữ lắm.
Mùa núm mối
Những ngày cuối tháng sáu âm lịch này khi trời đã bớt mưa và bớt hẳn đi những cơn gió núm nhức mình tôi mới giựt mình, trời ơi, gần hết mùa núm rồi. Cái cảm giác đó quen lắm mà cũng lạ lắm. Mất cái mà mình tưởng chừng không bao giờ mất. Có câu chuyện thiền kể rằng một vị tứớng quân mỗi sáng ông tự tay pha một chén trà, nói đây là chén trước chưa từng và rất có thể chén trà sau cũng không. Sau đó vào một buổi sáng ông bị ám sát. Ở đời thường vậy, có khi ta bỏ đi những chén trà thực tại hạnh phúc mà không hay. Nhớ mới đây thôi hồi đầu tháng năm, khi những cơn mưa nồm rả rích kéo về, tôi điện cho cho anh Lê Hòang Dũng(Hội văn nghệ Bến Tre) vốn là một "nhà núm học": có núm rồi anh Dũng ơi! Anh cười: mắc lắm mà cũng chơi bậy ít tay để thưởng thức hương vị núm đầu mùa. Biết đâu cuối mùa, núm còn mà mình không còn. Nhớ hồi tết này, trong bữa cơm thân mật đầu năm anh đãi tôi món núm xào lá cách. Đó là điều tôi không thể ngờ, dễ gì mà có núm mùa này. Anh cười: núm này anh đông lạnh để dành. Mà sao tôi có cảm giác y như núm tươi, ngọt ngào và thơm lừng…mùi núm,chắc có bí quyết gì đây. Núm ngon là vậy mà khi tôi mời anh em cùng ăn thì không ai rớ đũa vào vì muốn nhường cho tôi là một kẻ ăn chay trường, mặc dù tôi có kiêng cữ gì đâu.
Tôi thích gọi là "núm mối" hơn là nấm mối vì đơn giản ở quê tôi không ai kêu bằng “nấm” mối cả.Tôi có người quen ở Sài Gòn về quê nhằm mùa núm, anh nói với má anh thèm “nấm” mối, má cười, mầy muốn ăn “núm”mối thì má kiếm được chứ “nấm” mối xứ này đâu có. Nói nấm mối cũng kiểu cách như nói con chó nó đi tiểu vậy, không giống ai. Sau này khi ngộ ra anh tự trào như vậy. Gần đây có người lý sự rằng kêu bằng "nấm" mới mới đúng vì chữ trong chữ "nấm" có dấu "^" giống như hình tay núm? Tôi không biết điều đó đúng hay sai. Tôi chỉ kêu theo cách gọi nhà quê của má tôi, của ông tôi, của những dì bảy, thím ba, của nơi sinh tôi ra và ở đó tôi được ăn những tay núm ngọt ngào đầu tiên trong đời.
Theo "nhà núm học" Lê Hòang Dũng núm mối thường mọc ở những bờ vuờn dừa có nhiều tàu dừa mục. Dưới mặt đất độ vài tấc là ổ mối cở cái gáo dừa, bên trong là ổ núm, gọi là cái phổi, đàn mối ở trong đó luôn luôn giữ cho ổ núm khô ráo và nhiệt độ ổn định. Những tay núm dưới đất chui lên từ những ổ mối đó...Không biết mối tiết ra chất men gì mà núm mối ngon ngọt lạ lùng. Cái ngọt của núm mối là sự tổng hợp giữa cái ngọt phàm phu của thịt cá và cái ngọt thánh thiện của rau củ. Ngọt thâm trầm và bền bỉ. Núm mối có thể làm nhiều món: kho khô, gói lá cách nướng, nấu cháo, làm bánh xèo...Nhưng có một nguyên tắc chung là tránh dùng nhiều gia vị làm mất đi hương vị độc đáo của nó. Cho nên món ngon nhất mà cũng lãng phí nhất là núm mối xào. Món này chỉ cần bắt chảo lên cho lửa riêu riêu, để một ít dầu, đợi dầu sôi cho núm vào và ngồi nghe mùi núm ngạt ngào. Chỉ nêm vào một chút muối ớt. Đúng điệu là ớt hiểm còn xanh cay nồng, đâm hơi dập dập thôi. Và thức chấm của núm xào vẫn là muối ớt, nhưng là muối ớt đâm hai lần: lần đầu vài trái ớt chín đâm thật nhuyễn, tạo ra cho muối một màu đỏ au, lần sau đâm lại thêm vài trái ớt tươi không cần nhuyễn lắm thế là trong muối ớt có hai mau xanh đỏ, có hai vị mặn cay. Cái vị mặn mặn cay cay kia bình như làm dậy thêm cái ngọt ngào đằm thắm của núm. Ngồi bên dĩa núm xào bốc khói, cùng những người chòm xóm hoặc bè bạn phương xa, nhắm nháp ly rượu đế trong cơn mưa nhẹ hạt mà dai dẳng là cái thú của người miệt vườn, tận hưởng món quà quý mà đất trời ban tặng.
Hồi xưa, vào thế kỷ trước, người ta thường đi kiếm núm mối trên bất kỳ miếng vườn nào, bất kỳ của ai (gọi là đi nhổ núm) từ khuya. Đi kiếm núm và nhổ núm cũng là một thú vui, "ham như ham núm " là một thành ngữ mà người Bến Tre nào cũng biết. Khi gặp ổ núm còn nhỏ hoặc mới nứt đất thì lấy tàu dừa hoặc tàu chuối đậy lại làm dấu thì coi như của mình, xác lập ngay quyền sở hữu mà không cần giấy xanh, giấy hồng gì cả, sau đó thỉnh thỏang ghé ngang thăm chừng, thấy núm búp thì nhổ. Ai tham lam nhổ núm của người khác đã xí phần thì hàng xóm chê cười, coi như ăn cắp. Điều này chắc cũng nằm trong phạm trù “văn hóa dừa” đã nghe nhiều người đề cập tới. Hồi đó, ở xứ dừa, dừa trên ngọn là dừa của mình, rụng xuống đất là dừa của bá tánh, ai lượm cũng được, cho nên có những người chuyên đi lượm dừa rụng. Có chủ vườn khi thấy có người vô vườn mình lượm dừa còn chỉ chổ dừa rụng đêm qua cho người ta lượm vì biết người ta quá khổ. Lối hành xử hào sảng đầy tình người thuở ấy bây giờ thật hiếm hoi. Mới đây thôi, trong mùa núm vừa rồi, ở Phong Mỹ vì giành giật một ổ núm mà xày ra một án mạng giết người, chuyện nghe thật đau lòng.
Mùa núm này sao có nhiều chuyện buồn vui. Như rất vui khi bạn bè phương xa tấm tắc khen về những bữa tiệc vui mà chủ lực là những món núm quê. Còn buồn thì là khi vì maĩ mê câu chuyện mà bạn hờ hững để chén đũa lạnh tanh. Ăn núm cũng phải tận hưởng những giây phút hiện tại "tại đây và ngay bây giờ". Như tôi khi về thăm má bệnh nằm hơn mấy tháng nay, má biểu đứa cháu kho núm cho tôi ăn cơm. Nằm bên giường mà má thấy tôi ăn chiếu lệ, má hỏi núm không ngon sao con, tôi nói ngon chứ má mà lòng quặn thắt, không biết mùa núm năm sau tôi có còn hạnh phúc ngồi bên má nữa không!
Nguyễn Minh Chiếm.

NÚM MỐI


1. Sáng nay, anh Khoa Chiến điện thoại hào hển nói: “Anh có đem nấm mối qua. Tới Vĩnh Long rồi. Trưa nay em đừng đi chợ”. Cách đây độ chừng hai tháng, có việc qua Bến Tre - Và bao giờ cũng vậy, một cảm giác thật an lành, thật tự tại là thứ mà tôi cảm nhận được khi ở xứ cù lao này - Khi ra về, anh Chiếm dặn với theo: “Nè, gần tới mùa núm mối rồi đó. Tới chừng đó nhớ qua nghen”. Khi đó, tôi cảm thất cay cay nới khóe mắt khi chợt nhận ra những thông điệp mộc mạc, chân chất vẫn còn đó giữa cuộc sống xô bồ, nhộn nhạo này.

2. Lan man một chút về anh Chiếm - một người bạn lớn tuổi mà tôi rất quý trọng. Ở anh có một chút gì đó mà tôi hay bắt gặp ở những nhân vật anh hùng thảo khấu, ở những tay giang hồ lục tỉnh… ẩn sau vẻ nhẫn nhịn trước sự đời. Có lần ảnh viết bài “Lục Vân Tiên đâu rồi” trên Tuổi Trẻ khiến mọi người xôn xao – nhưng có đọc nguyên bản mới thấy hay hơn. Mới thấy cái ẩn nhẫn của người viết lại che giấu một điều gì dữ dội hơn.
Ngay cả với một vật giản dị nhất như núm mối anh cũng tỏ rõ một thái độ hết sức minh bạch. Nhớ có lần ngồi uống cà phê với ảnh bên sông Bến Tre, đâu chừng mùa núm mối trước. Chưa kịp yên chỗ ảnh đã ấm ức tuôn cho một tràng: “Mấy ông nghĩ coi có ai đời núm mối mà ông già Tư lại biểu là phải đem đi chiên với bơ, nhấm nháp với rượu vang không ? Ổng còn bày cho tui phải làm như vầy, như vầy mới đúng điệu. Tui thì tui dứt khoát không theo. Tui có trả lời với ông già: hồi nhỏ má con dạy con làm vầy, làm vầy… nay con cứ làm theo má con. Cũng như má con đã dặn kêu bằng núm là con cứ là núm mối. Hổng lai tạp được chú Tư à”. Tôi khoái quá. Cái việc khoái chí của tôi thì hơi sân si một chút, hơi cá nhân một chút - bởi lẽ tôi vốn không khoái ông già Tư, không chỉ vì khẩu vị văn chương, mà nói chung tôi thấy ông này “diễn” quá, diễn trên văn phong, diễn cả trên việc làm như không màng tới thế sự. Dân miền Tây trong con mắt cầu toàn của tôi không là vậy.
Trở lại với anh Chiếm. Ngay cả ăn núm mối, với anh cũng phải đạt được một cái đạo nhất định. Tỷ như phải chế biến cho ra cái hồn nhà quê. Kiểu: cuốn lá cách đem nướng chấm muối ớt, đem xào mỡ nêm tí muối. Vậy thôi. Nhưng đã ăn thì phải hân thưởng cùng bạn bè, đừng thờ ơ mà người đối diện đau lòng. Vậy đó.
Sau đó, anh Chiếm có viết trên Thanh Niên một bài về núm mối rất hay. Nhất là đoạn cuối.

3. Bây giờ đã đến thời điểm của lời hẹn về Bến Tre. Tôi thầm nghĩ, tại sao không thấy anh Chiếm nhắc lại lời rủ rê. Lang thang vào blog của ảnh, thấy bài “Tới mùa núm mối”. Nghe hơi văn thấy ảnh kém phần hào hứng như xưa. Chợt thấy buồn. Không vì lẽ nào cả.
Nhớ lại hôm họp với tỉnh Bến Tre đầu năm, tự dưng mình lên cơn “bốc đồng tình cảm” lên phát biểu mà cứ… thương nhớ ngày xưa. Cứ hoài nhớ một làng quê cột cây, mái lá; hoài nhớ một bờ sông Trúc Giang hăng nồng mùi đất đai cây cỏ; hoài nhớ nhưng dãy phố nho nhỏ, xinh xinh có những sân vườn rợp bóng cây. Riết rồi nhịp sống phố thị đã lan tỏa, đã gặm nhấm cái cù lao nầy rồi. Biết rồi, mai này khi cây cầu Rạch Miễu xây xong, nhà thơ Thanh Thảo có còn cảm nhận được cái cảm giác an lạc, thái bình như nhà thơ từng thụ hưởng.

Chỉ biết, rồi đây cái cảm giác bải hoải sẽ đến với anh, với em nhiều hơn anh Chiếm à !

Thứ Ba, tháng 7 10, 2007

BÀ MƯỜI XIỀM BÊN MỸ


Gia Minh, phóng viên đài RFA đã tường thuật về Bà Mười Xiềm bên Mỹ như thế này, xin trích một phần:
Tại Lễ hội đời sống Dân gian lần thứ 41 do Viện Smithsonian Hoa Kỳ tổ chức đang diễn ra tại Quảng trường Quốc gia Mall ở thủ đô Washington D.C. Việt Nam tham dự với một phái đoàn gần 200 người. Họ là những nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên đến từ nhiều vùng miền của đất nước.
Trong đoàn có một người đến để giới thiệu cách chế biến một số bánh và món ăn dân tộc của Việt Nam, đó là bà Mười Xiềm. Dù vẫn đậm vẻ chân chất, hồn hậu của một người phụ nữ miền Nam như lúc ở quê, thế nhưng bà Mười Xiềm khi có mặt ở thủ đô nước Mỹ thật tươm tất: đầu vấn khăn rằn, mặc áo bà ba trắng, quần đen. Tay không lấm than củi như khi đỗ bánh xèo bán cho bà con qua lại tại chiếc quán ven đường ở quê, vì tất thảy dụng cụ bếp lửa ở đây đều mới.
Qua người phiên dịch đồng thời cũng là phụ bếp trong buổi giới thiệu bánh ít trần, bà Mười Xiềm cho biết chưa bao giờ làm bánh trước một nhóm đông người như thế. Cả thảy hơn mấy mươi khán giả đến xem gồm những người Mỹ từng đến Việt Nam, cũng như những người chưa một lần đặt chân đến đó; và trên hết có nhiều Việt Kiều đang cư ngụ tại Mỹ muốn đến xem và mong đuợc nếm những chiếc bánh do chính tay người mà báo chí trong nước lâu nay gọi là nghệ nhân làm bánh dân gian nước Việt.
Bà cũng vừa làm vừa giới thiệu dù chưa một lần đứng trước công chúng để giảng giải những việc quen thuộc của một người làm bánh để kiếm kế sinh nhai.
“Để làm bánh ít trần tôi phải chuẩn bị dừa, đậu phụng cho nhân bánh; nạo dừa, xay bột.Bánh ít trần là bánh mà không gói lá chuối. Khi gói lá chuối là bánh ít và thường dùng vào những ngày cúng, mồng năm…”
Một trong những dụng cụ làm bánh mà bà Mười Xiềm mang theo đến nước Mỹ là chiếc cối đá xay bột, mà theo lời bà thì đã sắm cách đây hơn 30 năm. Và bà nói có nhã ý tặng cho Viện bảo tàng Smithsonian.
Sau khi chế biến nhân bánh xong, bà ra tay xay nếp đã ngâm để làm bánh. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ngồi xay gạo lấy bột làm bánh khiến nhiều phụ nữ Hoa Kỳ có mặt tại chỗ khá ngạc nhiên. Một người ngồi cạnh tôi nói rằng ở nước bà không ai lao nhọc đến thế. Và khi người phụ bếp hỏi ai có muốn xay bột thử thì một số người cũng xung phong ngồi xuống bên cạnh bà Mười để đuợc bà hướng dẫn.
Xay xong mẻ bột tượng trưng, bà Mười trở lại bếp để bắt bánh và bỏ vào nồi hấp. Một bà nội trợ Mỹ cũng xung phong lên bắt bánh theo cách chỉ dẫn của bà Mười Xiềm.
Trong 15 phút chờ bánh chín, nhiều người nêu câu hỏi cho bà Mười trả lời. Với câu hỏi chất liệu nếp sử dụng để làm bánh thì bà Mười Xiềm giải thích: “Nếp Phú Tân rặt không lẫn gạo vô; nếp khác lẫn gạo làm rất khó.”
Có người hỏi thu nhập qua làm bánh của bà ở Việt Nam mỗi ngày bao nhiêu thì bà thành thật trả lời: “Chừng 60- 70 ngàn đồng một ngày.”
Sau khi bánh chín, hầu hết các người tham dự tiến lên để đuợc chứng kiến những chiếc bánh ít trần vừa đuợc chế biến ngay trước mắt họ. Cả những người nước ngoài và người Việt vây lấy bà Mười để chúc mừng. Rồi nhiều phụ nữ Việt đang sinh sống ở Hoa Kỳ tiếp tục hỏi thăm bà Mười về chuyện làm bánh ít trần:
“Bánh ít này gói lá có thể để cả ba ngày. Nếu làm bánh ít mặn thì dùng thịt heo băm nhỏ, củ sắn… Bột muốn mịn, dẻo phải xay hai lần.”
Và cũng có trao đổi về bánh xèo: “Tôi chỉ làm bột gạo không pha. Có đập hột vịt vô.”
Chị Đường Kim Ngọc hiện làm việc tại ngay thủ đô Washington D.C. đưa ra nhận xét đối với người phụ nữ từ Cần Thơ đến ngay nước Mỹ để giới thiệu về món bánh ít trần: “Bà ta làm với niềm đam mê, yêu thích công việc. Còn bánh ở Mỹ này thì người ta thương mại qúa.”
Một thanh niên Hoa Kỳ, anh Ian Rozdilsky, có mặt theo dõi buổi giới thiệu làm bánh của bà Mười Xiềm cho biết: “Món ăn nấu ở Việt Nam phải khác ở Mỹ, tôi thích bánh xèo, phở.”
Có một bạn đọc "Ngò gai" phản hồi bài viết "Mười Xiềm đi Mỹ" của mình rất vui. Trích ra đây cho bà con đọc coi chơi:
"Trong hình bà Mười đổ bánh bằng bếp gì vậy hả bà con? Bếp điện, bếp ga, hay bếp củi? Chắc không phải bếp củi rồi vì không thấy một miếng khói nào hết. Cái chảo bà mua mới hay tại chùi rửa kỹ mà nó trắng quá vậy?Nhìn hình bà đổ bánh xèo mà Ngò nhớ đến những năm tuổi teen. Trời cận Noel hay trở lạnh, ba Ngò hay kêu Ngò đổ bánh cho ấm người !!! Hồi đó, bắc ông Táo ra ngoài hiên, quạt khói nhặng xị lên cho đỏ lửa; bắc chảo lên, cắm cây đũa vô cục mỡ heo dầy cui mà láng chảo; gạo thì ngâm đêm trươc xong đem sang nhà bác Năm nhờ xay giùm, nêm nếm rồi đổ bánh thôi. Ở dưới lửa đỏ, ở trên bánh vàng ươm, con tôm hồng, miếng giá trắng, hơi bay nghi ngút, có thằng em ngồi bên cạnh chị, canh chị làm cái nào xong là vớt ra ăn; mấy con gà chọi bên nhà hàng xóm cũng tu tu lên gáy, ý kêu chủ nó người ta có ăn mà tụi tao không có. Đó là Sài Gòn xưa xửa xừa xưa, trước khi sốt đất, chứ bây giờ nhà cho thuê bán quán nên không có chỗ cho ông Táo đỏ lửa nữa, mà nhà hàng xóm cũng thôi không chơi gà chọi.Ngò sang nước ngoài sinh sống, có một bữa thèm ăn bánh xèo quá xá nên lặn lội ra quận 13 Paris để ăn bánh xèo. Ô hô, cái bánh dầy như cái mền đắp mùa đông; đĩa rau đúng 3 lá xà lách, 2 cành húng lủi, 1 nhánh húng quế; nước mắm thì bỏ trong một cái chung nhỏ, giống cái chung mà ông ngoại ngồi trên bàn thờ hay uống. Ngò mới làm một hớp mà đã hết tiêu chung nước mắm, gào nước mắm, rau cải mà không ai bưng hầu cho hết, nhân viên phục vụ thì mặt mày sưng xỉa, chắc nhà hàng đông khách quá, họ mệt nên mới quạu với Ngò. Mười mấy năm lê lết vỉa hè Sài gòn để ăn bánh xèo, Ngò chưa bao giờ ăn một cục bột vàng vàng như thế, lại chưa bao giờ xin thêm nước mắm và rau mà bị lườm nguýt. Tôi dỗi không ăn ở quán bà nữa thì vòng vàng đâu mà bà đeo đỏ người hở bà?Ăn xong cái bánh xèo thổ tả ở quận 13 còn cục tức thì nuốt không qua cổ, Ngò về bốc điện thoại kêu họ hàng, bạn bè của chồng weekend sang nhà ăn bánh xèo. Giữa mùa đông, Ngò mặc áo măng-tô, cổ quấn khăn, chân đi hài, nổi lửa nhà ông Táo, đứng tráng mấy chục cái bánh xèo. Hả tức nhưng mệt phờ Phùuuu Từ đó mấy năm rồi chưa lần nào tráng bánh lại. Hôm nay nhìn hình bà Mười mà nhớ bánh xèo ghê !!!"

Bạn đọc này chắc ở nước ngoài đã lâu.

Mà Trời ơi, tui đây ở xứ mình mà còn nhớ da diết bánh xèo Cà Mau đây nè. Vậy mà cứ hẹn lần hẹn lữa cả nhà không chịu về thăm quê !

Thứ Hai, tháng 7 09, 2007

" RÍT ĐỒ ƠI LÀ RÍT ĐỒ" !!!

BBC:Một số báo tại Việt Nam nói là thành công lần này một phần do có sự "chuẩn bị tốt". Ông thấy lời bình luận này thế nào?

Tôi không cho rằng chúng tôi có sự chuẩn bị thật tốt mà chỉ là chuẩn bị bình thường mà thôi.

BBC:Ông gắn bó với đội tuyển Việt Nam khá lâu rồi. Vậy chiến thắng mới nhất có làm ông cảm thấy phấn khích nhiều không?

Mới tháng trước thôi báo chí tại Việt Nam đã chỉ trích tôi khá nhiều cho nên nếu họ tỏ ra tôn trọng tôi chưa đúng mức thì làm sao tôi có thể ứng xử hay với họ được. Tất nhiên là thắng thì ai chả thích và người ta thích trận nào cũng thắng. Thế nhưng thắng lợi với bóng đá Việt Nam nói chung là điều quan trọng chứ không phải thành công chỉ cho riêng tôi.

Đúng là đối với cha nội này thì... "no table" !

VIỆT NAM LÀ THẾ !!!


- Cơn “địa chấn” châu Á!
- 'Cơn địa chấn' mang tên Việt Nam
- Động Trời tại Mỹ Đình
- Tuyển VN "gây sốc" trước UAE: Khi người ta trẻ...
- Đè bẹp UAE 2-0: Tuyệt vời những chàng trai áo đỏ
- Tuyển VN "rinh" 50.000 USD đầu tiên của Samsung Vina!
- Các nhà cầm quân VN đánh giá: VN tạo nên kỳ tích!
- Thắng UAE 2-0: Cả nước đêm không ngủ
- Chiến thắng UAE và giấc mơ bóng đá mang tầm châu lục
- Đã đến lúc, chúng ta có thể mơ đến những cơn địa chấn khác mang tên Quatar, Nhật Bản?
- Đẹp quá, Việt Nam ơi! Chúc mừng đội tuyển chiến thắng
- Chiến thắng chấn động của Việt NamViệt Nam 2-0 UAE: Như một giấc mơ
- "Hay ngoài sức tưởng tượng"
- Thắng UAE, Việt Nam gây sốc tại Asian Cup
- ‘Chiến thắng này dành riêng cho người hâm mộ VN’
- Câu trả lời của A.Riedl
- Hạ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) 2 – 0: Tuyệt vời Việt Nam- "Giấc mơ tứ kết của UAE điêu đứng sau cú ngã nhào trước Việt Nam", - - "Việt Nam gây sốc cho đội đương kim vô địch Cup Vùng Vịnh"
- "Việt Nam bất ngờ đánh úp UAE 2-0"
- “Hôm qua, A.Riedl đã viết thêm vào danh sách các “bại tướng” của mình một cái tên rất nổi tiếng: “phù thủy” Bruno Metsu. Trước đó, bản danh sách này đã có cả “phù thủy trắng” Bora Milutinovic. Chiến thắng ngày hôm qua của A.Riedl và các học trò mới thực sự là chiến thắng của đỉnh cao, chiến thắng gây chấn động bóng đá châu Á. Bởi nó không hề có yếu tố may mắn nào, chiến thắng ấy quá thuyết phục, từ tinh thần thi đấu của các cầu thủ, sự xuất sắc trong việc giữ vững đội hình… Và trên hết, chiến thắng ấy là câu trả lời của A.Riedl”.
Đúng như dự đoán, sáng nay tất tật báo chí Việt Nam, từ báo in đến báo hình, nhảy qua báo mạng đã “nổ” tung trời trước chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Kể cả ca tụng cha nội “Rít đồ” - tội đồ một thưở - lên tận cung Trăng.

Đầu tuần mà có một cảm giác bực mình không thể tưởng !

Ừ ! Mà nếu không như vậy thì đâu còn là… người Việt Nam (!).

Thứ Bảy, tháng 7 07, 2007

BON CHEN ĐI CHƠI NGÀY ĐẸP

Nghe thiên hạ nói bữa nay ngày đẹp. Vậy rủ chị Bích Ngân bon chen đi chơi. Hướng đến - Siêu thị miễn thuế Mộc Bài. Thiện Tâm và Yên Nhi cho ý kiến: nên xuất hành lúc 7 giờ 7 phút Thứ Bảy ngày 7 tháng 7 năm 2007. Một chuỗi số quá đẹp.
Mà thiệt là hên. Ghé quán nào thấy ăn cũng ngon, cũng rẻ. Rinh về khệ nệ một mớ hàng hoá - mà hổng biết có xài hay không (!!!).
Chiều về ghé quán của chị Ánh Tuyết - thấy bà chị hốc hác, bơ phờ. Ai biểu bon chen mở quán làm chi, lại cầu toàn nữa chớ. Rủ rê về Hội An xả xì chét. Nói vậy chớ sức mấy lúc này bả bỏ quán đi cho được. Khổ vậy chớ !
Định post hình lên mà máy của bà Ngân quá yếu. Hẹn sáng mai nghen bà con.

Thứ Tư, tháng 7 04, 2007

GHI NÉT Ở ĐÂU RỒI !!!

Vietnam man might be world’s oldest

The Guinness Book’s recent recognition of a 111-year-old Japanese man as the world’s oldest living person may be confounded following the discovery of a Vietnamese man apparently aged 113.
Doan Van Chan of the Mekong Delta’s An Giang province was remarkably sprightly when Thanh Nien met him last Thursday.
The ruddy, bearded Chan clearly recalled past events and remembered all the relatives living with him.
After becoming a widower at just 46, he opted to bring up his nine children alone.
He now lives with one son and two daughters with the oldest aged 85.
Thanh Nien also saw his ID card, issued in 1970, confirming he was born in 1894 in Nhon My commune in the province’s Long Xuyen town.
Thanh Nien asked if he had “inflated” his age to avoid enlistment in the last century.
But Chan’s brother, also 85, denied it saying the French colonialists had just focused on collecting a barrage of duties from farmers and not on enlisting them. So, there had been no need for Chan to fake his age.
Recipe for longevity
Chan revealed the secrets of his longevity: Eating lots of vegetables and fruits and drinking pints of clean water.
He was not a teetotaler and said drinking rice wine helped his tendons and bones function better.
But the most important reason for his longevity, he said, was his carefree attitude towards life and altruism.
Nguyen Minh Nhi, the leader of the province, told Thanh Nien that several Japanese news agencies had asked to interview Chan last month to learn why he had lived so long despite Vietnam’s various tribulations.
"I want to live…until 2020", Chan said when Thanh Nien asked how much longer he wanted to live.
Reported by Hong Hanh – Translated by An Dien



Hy vọng mấy ông "ghi nét" có lai vãng www.thanhniennews.com

Thứ Hai, tháng 7 02, 2007

VĨNH BIỆT NỮ SĨ MỘNG TUYẾT

Chùng chình mấy bận không về Hà Tiên được. Mới hôm đi Châu Đốc, còn định bụng tuần nầy sẽ đi. Vậy là lỡ làng dịp được gặp nữ sĩ Mộng Tuyết.
Hứa với C.M. Hiển sẽ viết một bài về bà cho số báo ngày mai nhưng rồi lại từ chối. Sự nghiệp văn chương của bà quá lớn mà những gì mình biết về bà còn hời hợt quá. May là nhờ anh Hà Đình Nguyên viết hộ, ảnh đã nhận lời.

Lướt qua các trang web điện tử để xem thông tin về bà. Thích nhất những dòng trích dẫn lời bà. Hãy xem bà đã nói về thi sĩ Đông Hồ như vầy:

“Trong lòng phải luôn si tình người ấy ! Luôn cảm nhận yêu người ấy nhiều hơn ngày đầu tiên, ít hơn ngày cuối cùng, mà “ngày yêu cuối cùng” thì chẳng bao giờ có”.

Tình yêu bao giờ cũng lớn lao như vậy. Bây giờ cũng như ngày xưa. Thế hệ nào, giai tầng nào cũng yêu nhau đến như vậy mà thôi. Chỉ có điều. Dường như ngày nay, người ta ít thể hiện tình yêu qua câu chữ. Thư tình viết tay xem như đã là chuyện quá khứ. Thế nên để tìm một không gian lãng mạn, một con người lãng đãng mới khó làm sao !

Chủ Nhật, tháng 7 01, 2007

ÔNG ƠI CÓ BAO NHIÊU !

Lục trong kho ảnh tư liệu, thấy mấy tấm hình của thầy V.T.Xuân chụp. Bèn đem đi so đọ với mấy tấm Khả chụp hôm 28.6 mới đây. Thấy 2 năm qua đi là đã có bao nhiêu biến đổi.
Thấy ông cụ cười hồn hậu, chơn chất mà tự hỏi - suốt 100 ngoài năm nay không biết ông cụ có buồn nhiều hơn vui !

Cụ Chấn năm 2005 (111 tuổi)

Cụ Chấn năm 2007 (113 tuổi)

Chủ blog năm 2005

Chủ blog năm 2007

Phải chi ông cụ không bị lãng tai, mình đã cho ông cụ nghe bài hát “60 năm cuộc đời”.

Sáng Chủ Nhật bà con nghe chơi nghen !