Thứ Tư, tháng 8 01, 2007

CHUYỆN MỘT ÔNG ANH

Lúc này bà con, bạn bè xứ mình làm blog quá xá. Mỗi người một vẻ. Trong số đó có hai blog tôi ghé mỗi ngày - một của nhà văn định cư bên Mỹ, một của ông anh bạn định cư ở cù lao xứ mình. Và nếu độ vài ba ngày không thấy một dòng chữ nào được post lên, tôi lại thấy bồn chồn, lo lo vì một nỗi hổng biết chủ nhân có gặp… chuyện gì. Đúng là không đâu !

Trở lại chuyện ông anh bạn. Ông anh này quy ẩn giang hồ đã lâu. Ông đọc nhiều, biết nhiều, hiểu đời chắc nhiều gấp mấy lần tôi. Khi nói chuyện với tôi lúc nào ông cũng tự nhận mình là kẻ vô danh, thất học.

Lang thang trên blog của ảnh thì kẻ xem như là có học như tôi đây lại thấy ông anh này viết lách "lạnh lùng sương rơi" quá. Lén lén “ông anh vô danh thất học” đưa lên đây một số đoạn, mong ông anh bỏ qua cho:

NƯỚC MẮT
Tôi không thích giọng ca của HN. Giọng ca đó đẹp và đầy ma lực nhưng hình như không thiệt tình, đầy kỹ xảo. Nghe chị hát những bài hát của Trịnh Công Sơn nhiều khi thấy chị phô diễn nhiều hơn cái cảm xúc mà bài hát chứa đựng. Lâu rồi, tình cờ xem trên ti vi một phim hình như viết về cuộc đời chị. Có cảnh chị trở về ngôi trường cũ, chung quanh là cô giáo và các em học sinh. Chị khóc ngon lành và nói trong ràn rụa nước mắt về những kỹ niệm thời học sinh ở ngôi trường này. Tôi nhìn nét mặt có phần xúc động nhưng đầy căng thẳng của cô giáo, rồi ánh mắt ngơ ngác của các em học sinh bỗng tôi thấy buồn cười. HN đã khóc quá dư. Nếu đây là một cảnh diễn thì cũng là quá dư nước mắt chứ đừng nói chi là cảnh thật. Những giọt nước mắt quá vạm vỡ, quá mạnh khỏe rơi dài như những nhũ đá vô cảm, tuôn trào ra như từ cái máy bơm, không mang theo một xúc cảm nào. Và chị không tìm thấy sự đồng cảm, trước hết là trong những ánh mắt trẻ thơ, nó không thể hiểu tại sao người ta có thể khóc như vậy và kế đó là tôi, mặc dù tôi là thằng đàn ông mau nước mắt. Nhưng tôi thông cảm. Chị đã đẩy cảm xúc của mình vượt qua sự chân thành một cách xuất thần mà có chính chị cũng không hay. Chị đã cố ý để những giọt nuớc mắt rơi tự do mà không hề che giấu, không hề lau quẹt. Đó là điều không bình thường. Ai cũng vậy tây cũng như ta, khi khóc, như một thứ bản năng người ta hay giấu những giọt nước mắt, vội vã lau đi, chỉ trừ khi niềm đau quá lớn, khiến người ta trút nó vào nước mắt cho vơi đi …

NGÀY BLOG ĐẦY THÁNG
(20/06 -20/7/2007) Anh H, bạn tôi ở Sài Gòn, khi xem blog của tôi anh điện về nói nhẹ nhàng: Làm blog chi vậy, để thời gian làm việc có ích hơn. Tôi cười: Ở không không biết làm gì làm bậy cho vui. Càng về sau viết blog mới thấy tôi nói “làm bậy cho vui” chỉ đúng một nửa. “Làm bậy” thì đúng rồi nhưng “cho vui” thì không. Tôi xấu hổ khi mình không trung thực, không dám trung thực với chính mình. Điều đó làm tôi không vui. Tuy rằng không phải tất cả vấn đề đều như vậy. Thôi thì hãy tạm chấp nhận một cách tương đối để có một trò chơi.
Như bánh bao Trung Quốc nhưn làm bằng 7 phần bìa cạc tông phế liệu được làm mềm bằng hóa chất và 3 phần là thịt ba rọi (báo TT), trong blog của tôi chắc cũng có mớ bìa cạc tông phế liệu, chỉ mong sao nó không tới 7 phần. Tôi không dám nói như cụ Phùng Quán đâu: “…Sự thật còn lớn hơn cả tình yêu, lớn hơn cả trái tim. Chối bỏ sự thật, ôi điều này vượt quá sức tôi…” (Trăng hòang cung, chương 13 – Tình tuyệt vọng). Thật tình tôi không biết lúc sinh thời cụ tìm kiếm sự thật nào nhưng có một sự thật là cụ cũng không viết được tất cả sự thật. Bây giờ mà nói thật cũng phải gan dữ lắm, ông Trần Quốc Thuận, phó chủ nhiện văn phòng Quốc Hội trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên ngày 20/05/2006 (bài Cơ chế này sinh ra nói dối hàng ngày) ông nói:" Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống".
Nhưng thôi, nói tới nói lui làm gì, đó là những bậc danh nhân họ không phải sống mà là chiến đấu. Ai đó hô “hạnh phúc là phải đấu tranh” mà. Còn tôi, một Phật tử, thì tôi nói theo lời kinh kệ:
Nhân duyên sở sinh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh vi giả danh
Diệc danh trung đạo nghĩa.
(Trí Giả Đại Sư- tp Đại Trí Độ Luận)
Thiền sư Nhất Hạnh dịch: Các pháp do duyên sinh (các pháp là tòan bộ các sự vật hiện tượng) Tôi gọi chúng là không Cũng gọi là giả danh Cũng gọi là trung đạo.
Có nhiều chuyện cũng buồn cười, tôi quen nhiều viên chức, đi chùa hà rằm, nhưng lý lịch thì ghi tôn giáo: không. Nhưng chưa tiếu lâm bằng anh gì ở sở Văn hóa Bến Tre mà tôi nghe kể lại. Hồi trước lâu lâu khai lý lịch một lần, ở mục “Có đi nước ngòai nào không?” Anh ghi gọn gàng mà đầy đủ cả một sự thật thời đó: dễ gì!
ANH CHÍN
Phía sau nhà tôi là nhà anh chín. Nhà sát bên nói chuyện hai bên nghe lồng lộng. Tôi về đây, hẽm Thống Nhất này, từ năm 1989. Con hẽm lúc đó còn là "nông thôn" vì nhà nào cũng có vườn, bây giờ là phố, với những dãy nhà san sát bên nhau. Hồi đó chưa có nước máy, cả xóm xài nước sông từ rạch Cầu mới chảy vào, nước trắng tươi mát rượi, còn bây giờ là những đường mương đen dơ không chịu được. Xóm vui chiều chiều đám đàn ông hú hí với nhau làm một vài xị đế. Còn quý bà thì tụm năm tụm ba nói chuyện ai lấy ai. Nhà đi vắng hàng xóm canh chừng. Có lần nhà cô Hoa bị cháy, chòm xóm xúm nhau chữa và báo cho cô khi cô đang bán ngòai chợ. Cô về tới đám cháy đã được dập tắt, rất may nhờ được chữa kịp thời thiệt hại rất ít. Khi đó xóm này chưa trở thành khu phố văn hóa.
Nhà anh chín sát bên nhà tôi nên thường qua lại. Bên tôi có cúng kiến cũng gởi cho khi thì vài cái bánh ít, khi miếng thịt quay. Hai bên tuy không thân thiện nhưng vẫn "láng giềng hữu nghị, hướng tới tương lai".
Anh chín thất nghiệp nhưng thấy sống nhàn chắc gia đình có người thân ở nước ngòai. Bình thường anh hiền, cạy mõ không cắn nhưng khi uống rượu lại là một tay quậy có tiếng. Anh chửi thâu đêm. Lúc mới về chưa quen tôi rất bực bội nhưng không dám nói. Vợ tôi động viên tôi, anh chín không có ác ý gì, chỉ tại cái tánh vậy thôi, chòm xóm, mình lại mới về đừng chấp làm gì. Như cái loa đầu đường ra rả tiếng được tiếng mất tối ngày đọc "phần trăm gi-đi-pi" gì đó nhức đầu, nhức óc mà bà con còn chịu được, cái loa thì ngày nào cũng phát, còn anh chín lâu lâu mới "phát" một lần, chấp nhứt làm gì.
Nghe lời vợ tôi cố gắng chịu đựng, lâu ngày rồi quen. Tôi thuộc cả cái 'bố cục" chửi của anh. Đầu tiên là anh chửi vĩ mô, chung chung với một nhân vật mà anh kêu là ông trời. Ví dụ: Mày ỷ mày là ông trời rồi muốn ăn hiếp ai cũng được hả? Lầm rồi con... có ngày rồi con cũng đi quét lá đa đó con. Sau đó anh chửi "trung mô", thường là chòm xóm: mày cười tao hả, mày ỷ mày làm kẹo rồi mày cười tao hả (đó là anh chửi tôi). Làm kẹo mà cũng nịnh nhà nước, mời phường qua ăn heo quay... Sau cùng, lúc đã khuya nhưng giọng anh vẫn còn sung lắm anh quay lại chửi dòng họ mình: nó gạt mình, trời ơi. Hồi nảy anh mới chửi trời, bây giờ lại kêu trời ơi. Nhưng cay cú nhứt lại là khi anh chửi anh. Giọng chửi cũng mãnh liệt, không khoan nhượng như khi anh chửi vĩ mô hoặc vi mô, không khác. Quả thật tôi ít thấy ai tự chửi mình mà mạnh dạn như vậy: mẹ mày chín, mày chỉ được nước chửi thiên hạ, mày dám chửi mày hôn? Anh tự hỏi như vậy trước khi bắt đầu... chửi mình. Anh gào lên: mày đừng ỷ mày ăn nhậu rồi làm phách ( tôi không hiểu ăn nhậu mà làm phách nỗi gì), mày đừng ỷ mày có học rồi muớn chửi ai thì chửi...
Có lẽ chính vì điều này mà chòm xóm cũng đỡ quê khi bị anh chửi. Cũng có lẽ chính vì điều này mà dần dần người ta ngộ ra là anh chửi rất công bằng, không phân biệt, không mưu toan, thấy gai mắt chướng tai thì chửi và điều quan trọng hơn là không hờn óan, không thù dai. Chửi xong thì thôi. Như đêm trước chửi tôi thì hôm sau gặp tôi anh vẫn cười rồi than mệt quá! Gần hai mươi năm qua, bây giờ tóc anh đã bạc, hình hài ốm yếu hơn xưa duy chỉ có nhậu chửi thì không giảm chút nào. Điều đó cũng không thể cản trở phường tôi trở thành phường văn hóa. Và không biết lời chửi của anh có "giáo dục" được ai không, chứ riêng tôi mổi lần muốn mời anh em bên phường hoặc một quan chức nào đó đến dự liên hoan cũng thấy kỳ kỳ.
Tôi là người mê mẩn cốt cách dân miệt vườn Nam bộ. Nhưng hình như thời gian qua đi tâm tính người miệt vườn đã khác đi nhiều. Buồn là người có học (họ tự nhận là vậy, xã hội cũng công nhận là vậy) nhiều hơn nhưng kiếm người có cốt cách ngang tàng, nghĩa khí xem chừng nhẹ hơn.
Biết đến chừng nào tôi mới đủ tám phần công lực để dám nhận mình cũng là người thất học vô danh.

Không có nhận xét nào: