Thứ Hai, tháng 8 13, 2007

BAN ƠN - CHỊU ƠN

1. Nhớ hôm họp tổng kết cuối năm tại Tòa soạn, chị N.T.K.Cúc thắc mắc đại khái rằng - tại sao tôi đã làm nhiều chuyến từ thiện đến vậy mà không thấy đưa vào báo cáo. Tôi thành thật trả lời - cái tôi làm là làm cho tôi, tự thân tôi thấy cần phải làm như vậy. Và tôi cũng biết ơn vô cùng khi mình có được công việc, vị trí để dễ đi xin của người giàu cho người nghèo. Và suy cho cùng, những người nghèo, những người khuyết tật, những thân phận không may... đã "cho" tôi nhiều hơn là "nhận" được từ tôi.
Và với công việc làm từ thiện này, thật khó vô cùng để không phải bước qua lằn ranh giữa tâm thế chân thành đem niềm vui đến với mọi người và cái thái độ đi "ban ơn" cho người đời.
2. Chuyện của bà Muời Xiềm cũng vậy. Bà hay tình thiệt nói với tôi rằng: "Tui được Nhà Nước cho đi Mỹ... Tui được vậy là nhờ mấy cô, mấy ổng...". Quả là một bà già đáng kính trọng, có nghĩa khí mặc dầu bà là một kẻ thất học vô danh. Chỉ tiếc rằng cái ý tứ "chịu ơn" của bà lại khiến nhiều người cứ hoang tưởng mình là người "ban ơn". Nhiều vị quan quyền cũng mạnh miệng nói: "Bà được Nhà Nước cho đi Mỹ", "Bà được đi Mỹ sướng nghen". Ngay cả một số đồng nghiệp cũng có người nói: "Bả được đi Mỹ rồi về làm phách"... Hiếm thấy một bài diễn văn nào có hàm ý: "Bà là một sứ giả văn hóa thành công nhất trên đời. Bản thân tui... chịu ơn bà lắm lắm". Có kẻ lại "ban ơn" bằng cách cho bà lựa chọn 1 trong 3 thứ họ đặt ra. Bà Mười dẫu nghèo nhưng cũng biết thiệt hơn, nhưng nói làm sao đây khi bà vốn là kẻ "chịu ơn".
Khi Thanh Niên đăng tải bài viết "Bà Mười Xiềm bị ăn theo thô bạo" - nhiều người điện thoại đồng cảm với tôi, nhưng cũng có người lại bảo chuyện nhỏ xíu vậy mà tôi làm lớn chuyện. "Chuyện nhỏ" hay không đây ? Vấn đề tôi đặt ra đây nào chỉ là chuyện thương hiệu, chuyện làm ăn kinh tế. Toàn bộ là chuyện văn hóa đó mà. Buồn là nếp sống lâu nay cứ khiến cho người ta hay hiểu lầm đối tượng "ban ơn" và "chịu ơn"; người ta hay bỏ qua chuyện tại sao một bà nông dân lại không sao thoát khỏi một mặc cảm thân phận đến vậy. Nhiều người không đồng tình khi tôi dùng hai chữ "hỗn và tham". Vậy dùng từ nào cho đúng đây. Có "hỗn" hay không khi họ ứng xử với bà Mười như vậy - bà là một nghệ nhân, một sứ giả văn hóa kia mà, mà dẫu bà chỉ là một bà già bán bánh ven đường đi chăng nữa thì bà cũng có tư cách của bà, có đáng để chèn ép, để lợi dụng đến vậy không.
Tôi nhớ khi các bạn đồng nghiệp treo tặng tấm bảng "Bánh xèo Mười Xiềm" lên ngôi nhà lá (được dựng lên bằng tiền của bạn đọc và của bà Mười nhín nhút lộ phí họ cấp đi Mỹ), tôi đã vui đến chảy nước mắt. Tôi cũng không nhớ mình đã dẫn bạn bè lên ăn bánh xèo của bè bao nhiêu lần đi nữa. Tôi tự hào vô cùng mỗi khi đọc một bài mới về bà, hay nhận những ý kiến bạn đọc phản hồi về bà. Thành ra, tôi mới giận đến vậy khi thấy những tấm bảng "trịch thượng" nhường kia. Anh có thể làm gì đó tại khu du lịch của anh là tùy ý nhưng đây là nhà của người ta kia mà. Mà ngành văn hóa địa phương cũng lạ khi để sự việc xảy ra như vậy, và cho dù bà Mười đồng ý như vậy. Quả là các đồng nghiệp báo Sài Gòn Tiếp Thị quá hiền, chứ nếu đó là tấm bảng do báo Thanh Niên treo tặng thì sự thể đã khác hơn.
Lại nghe tin, một ông quan phường Trà Nóc dẫn mấy ông khu du lịch nọ "điệu" bà Mười lên trụ sở UBND phường để... ký hợp đồng lao động ! Bà Mười đi mà cứ đáng lô tô trong ngực. Đến đây thì tôi hết biết. Không biết thực hư thế nào. Tôi gọi điện cho anh M., BT quận BT tâm sự chuyện này mà muốn chảy nước mắt. Anh M. cũng thấy bất ngờ khi lính của ảnh làm như vậy. Ảnh cũng hứa thế này, thế kia...
Đến đây thì tôi mới nghiệm ra một điều, khó để họ hiểu được họ đã làm không đúng cái gì, và không đúng như thế nào. Khi mọi công việc chỉ biết răm rắp theo cái đầu mà thiếu một văn hóa nền thì thậm nguy.
Ông Muời mới đây đã cạo đầu. Hổng biết ổng van vái cái gì, hay ông buồn giận cái gì. Có điều không khí nhà ông bà Mười không còn vui như trước. Ông buồn bã nói với tui: "Tui là chủ nhì cô ơi". Dường như ông là người lờ mờ hiểu hai chữ "ban ơn" và "chịu ơn".

Không có nhận xét nào: