Thứ Bảy, tháng 10 13, 2007

TAXI PARIS KÝ SỰ


GIAN NAN TÀI XẾ TAXI:

Lâu nay, mỗi khi người Việt xứ mình có dịp chu du nước ngoài, nhất là các nước châu Âu thường được khuyên nên đi metro - tàu điện ngầm một lần cho biết. Không chỉ vì muốn khám phá một phương tiện giao thông hiện đại mà còn vì... đi bằng những phương tiện khác như thuê xe hay taxi thì quá đắt đỏ. Cũng biết là vậy, thế nhưng bài hát “Joe le taxi” gắn với tài năng âm nhạc Pháp Vanessa Paradise thịnh hành khắp thế giới vào cuối năm 1987 và sau này ca sĩ Ngọc Lan đã làm mới lại theo phong cách Việt đã khiến tôi không thể nào không rong ruổi phố xá Paris bằng phương tiện đắt đỏ này.

Biết được ý định của tôi, anh Phạm Gia Túc, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã... cảnh báo: “Ở Paris không phải cứ có tiền là đi taxi được nhé. Mà cũng không dễ đón xe đâu, tôi đã từng đứng chờ xe 2 tiếng đồng hồ bên hè phố và phải cuốc bộ 4km về khách sạn đấy”. Quả là như anh Túc đã cảnh báo, chúng tôi đứng chờ đến mỏi cả chân tại bến đợi của Siêu thị La Defense vẫn không thấy một bác tài nào ghé qua. Chỉ đến khi đã mỏi mòn... ra đứng ngoắc xe hú hoạ bên lề đường mới tóm được một bác tài chính hiệu dân Paris. Và đó cũng là nỗi khổ vì ông ta... yêu nước đến mức hổng thèm nói tiếng Anh, còn chúng tôi thì yêu nhạc Pháp chỉ qua... giai điệu mà thôi. Mà giá taxi ở Paris đủ để choáng: giờ A (từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều) 0,822 €/km, giờ B từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm 1,1 €/km, sau 12 giờ đêm 1,33 €/km (giờ A, giờ B, giờ C còn được tính theo lái xe trong nội ô hay ngoại ô Paris). Đón hành khách ở sân bay, nhà ga xe lửa, các bác tài lại theo luật thu thêm mỗi hành khách 70cent. Vậy mà nghe nói mấy ổng rất chảnh, hổng thèm đón khách ở những nơi này. Vì một lẽ, muốn vào đậu ở sân ga nào mấy ổng phải mua thẻ được phép đậu xe ở nơi đó. Trong túi của mỗi ông có độ chừng không dưới 20 cái thẻ như vậy. Vậy nên bớt được cái nào mấy ổng né đi cái nấy. Vẫn chưa hết chuyện xót tiền. Vẫn biết mỗi chiếc xe có thể chở 4 người, thế những hành khách nào ngồi ghế gần tài xế xem như là VIP và móc túi thêm 2,7€ . Họ lý giải: “Chiếc ghế này như cái bàn làm việc mà tụi tao chuyên để mấy thứ linh tinh như giấy tờ các loại. Dọn dẹp cho mày ngồi thì mày phải trả thêm công cho tao chớ”. Lại thêm chuyện mỗi hành khách khách chỉ có một túi hành lý, nếu gặp khách nào mà mua sắm lỉnh kỉnh, tay xách nách mang thì xem như công tài xế sắp xếp mỗi túi lên xe lại tốn vài đồng (!). Biết giá cả đắt đỏ là vậy mà mình lại hổng rành phố xá Paris nên chi tụi tôi rất sợ cảnh bác tài đưa mình đi... lòng vòng. Đang khi lo âu như vậy tự dưng thấy bác tài chỉ chọt, bấm bấm gì đó lên màn hình trước mặt. Hoá ra đây là bản đồ định vị phố xá, định vị điểm kẹt xe. Hành khách có thể yêu cầu anh ta bấm tên điểm đi và điểm đến, tự khắc trên màn hình sẽ cho biết có bao nhiêu hành trình để chọn lựa, cũng như nơi nào đang kẹt xe. Tự dưng cả đám thở phào.

Nỗi sợ bị ăn chẹt tiền cứ ám ảnh cứ như một phản xạ tự nhiên với mỗi người, chứ thật ra các bác tài bên này chịu sự kiểm tra khá ngặt nghèo. Việc kiếm được một tấm thẻ hành nghề rất khó nên ai nấy sợ nhất bị “treo niêu” vì vi phạm luật. Lê Văn Sanh, dân ở Tân Bình, qua Pháp năm 1985 nói với tôi, để được làm tài xế taxi trước nhất anh phải có kinh nghiệm biết lái xe 2 năm. Kế đó họ phải đi học suốt trong vòng 4 tháng đủ thứ linh tinh, nào là học thuế má, học tính toán sổ sách, học đường phố, ngõ ngách nơi mình sẽ đăng ký hành nghề... với học phí không rẻ chút nào 2.500 €/khoá. Các ông thầy sẽ kết thúc khoá học bằng cách kiểm tra rất ngẫu nhiên, đưa cho anh chọn một ô số nào đó, tỷ như từ khách sạn Le Meridien, khu Montparnasse đến China Town, quận 13. Nội trong vòng 7 phút, anh phải lật bản đồ, tìm phương án đi sao nhanh nhất, tiện lợi cho hành khách nhất, nếu bị kẹt xe thì chọn phương án nào, tính toán ra sao. Sanh cho biết: “Hồi qua đây mới học hết lớp 11, em phải căng mắt ra mà học tính. Nội chuyện đồng hồ tính tiền lúc xe chạy tốc độ trên 23 km/giờ nhảy theo chế độ nào, lúc bị kẹt xe nhảy qua chế độ nào là em muốn ná thở. Ăn gian hành khách mà mấy ông thanh tra bắt được là tội nặng lắm”. Cũng theo lời Sanh kể thì việc học của tài xế taxi bên Pháp tỉ mỉ đến vô cùng. Tỷ như việc anh phải biết nơi nào cho đậu xe miễn phí, nơi nào muốn đậu phải mua thẻ tính giờ. Mức phạt cũng khá cao. Để mua thẻ đậu xe – vốn bán tự động ở các cột ven lề đường – anh chỉ mất 1€/giờ, nhưng không mua sẽ bị phạt 11€/giờ; nếu anh đậu vào khu vực dành riêng cho người tàn tật thì mức phạt tăng đến mức chóng mặt 138€/giờ nhé (!). Vậy mà để được hành nghề, mặc dù có học hành hẳn hoi nhưng để được làm tài xế taxi thì mỗi anh lại phải chi ra 190.000€ để mua thẻ môn bài, sau đó chạy bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Thẻ môn bài này được xem là một thứ tài sản có giá trị như bất động sản vậy, nhưng anh chỉ có thể đem đi bán sau khi đã hành nghề đủ 5 năm.

Chuyện mấy anh taxi bên này ám ảnh chuyện cảnh sát phạt cũng như tài xế bên mình sợ... bị bấm tốc độ. Sanh kể tôi nghe, có lần vào đón khách tại sân bay Charles de Gaulle, vợ thì mới sanh em bé nên trên xe Sanh cũng để lỉnh kỉnh mấy thứ bình sữa, bánh trái mới mua. Đến lượt tài xe của mình thấy đoàn khách có đến 4 người, Sanh từ chối vì sợ chở không hết, ngoắc xe sau lên. Chỉ có vậy thôi là... cảnh sát ập đến mời về đồn. Mặc dù đã năn nỉ thông cảm nhưng mấy ông vẫn lạnh lùng treo bằng 1 tháng vì lẽ: “Tại sao mày dám từ chối phục vụ khách hàng khi khách đã ngoắc xe mày. Nếu không vì nể mày dám phạm luật vì con thì tao đã treo bằng mày tới 3 tháng”.

Khó khăn là vậy nhưng đây là một nghề kiếm ăn được nên chi chỉ trong vòng 3 năm số lượng xe taxi tại Paris đã tăng thêm 3 ngàn chiếc. Hiện tại có đến 18 ngàn chiếc taxi xuôi ngược ở phố xá Paris thơ mộng này.

CHUYỆN ĐỜI DÂN VIỆT LÁI TAXI:

Thật may, nhờ một người bạn ở Paris giới thiện mà tôi đã quen được Sanh như vừa nói. Và từ Sanh lại dẫn dây thêm một số bác tài xứ Việt khác. Tôi đã mừng, mấy anh lại còn mừng hơn. Vì dễ gì lại có cảnh những kẻ tha hương ngộ cố tri ngồi tán dóc bên tô mì Quảng, tô bún bò ở quán Hương Bình, quận 13. Cũng , cũng răng, rứa, mô, tê... tưới xượi như đang ở Sài Gòn. Sanh kể lại những chuyện cười ra nước mắt khi ngày đầu chân ướt, chân ráo sang đất khách, quê người, tiếng Anh không biết, tiếng Pháp lại càng không. Sanh như người cô độc, mình nói không ai nghe, người lạ nói thì mình như tháng điếc. 6 tháng sau, Sanh đòi hồi cố hương nhưng nghĩ đến cảnh mẹ già ở Paris ai nuôi, các chị thì có chồng ở xa hết trọi khiến anh cắn răng cuốn gói... tìm trường đi học cho bằng người ta. Hồi mới học xoang khoá lái xe, không đủ tiền mua thẻ môn bài, Sanh phải đi kiếm xe để thuê với giá 3.500 €/tháng. Vậy mà chỉ mới mươi năm tích cóp, Sanh đã mua được thẻ môn bài, có một căn nhà chung cư ở cùng mẹ, vợ và 2 đứa con. Sanh khoe mới bán một căn hộ chung cư khác có diện tích 52m2, 3 phòng, lầu 2 ở một chung cư ngoại ô Paris với giá 160.000 €. Sanh đang tính tích cóp thêm để về Việt Nam hùn hạp làm ăn. Sanh cười: “Em bây giờ còn sức. Cũng muốn cố công cày bừa nhưng luật bên này không cho. Chị thấy cái đèn báo giờ phía sau xe không. Ở đây mỗi ngày tụi nó chỉ cho tụi em làm việc liên tục từ 10 – 12 tiếng đồng hồ; hết giờ này tụi em phải nghỉ đủ 6 tiếng mới được phép chạy lại. Tụi nó mà thấy đèn báo đỏ mà mình vẫn rước khách là a lê hấp một tờ giấy phạt”. Được biết, mỗi ngày một tài xế taxi có thể kiếm được khoảng 300 – 500 € chưa trừ chi phí.

Anh Hùng, một tài xế có thâm niên trên 15 năm nay thì may là dân học trường Pháp xưa nên hội nhập cuộc sống bên này cũng ổn. Anh vốn là con ông chũ Hãng phim Alpha hồi xưa. Ngôi biệt thự của gia đình anh tại Đà Lạt hiện là nơi các đoàn làm phim mướn làm phim trường. Mới đây nhất là cảnh quay cho phim Dốc tình. Anh qua Pháp định cư từ năm 1977. Cũng làm đủ thứ nghề và trụ được nhờ chiếc xe taxi. Anh Hùng có một căn nhà khá đẹp ở nội ô Paris. Anh đã nghỉ lái xe mấy năm nay vì tuổi tác. Thẻ muôn bài thì anh đem cho thuê. Anh nói, bây giờ mà về Việt Nam sống là thành... đại gia như chơi. Thế nhưng anh Hùng không còn ham muốn làm giàu hoặc đầu tư làm ăn như chuyện của Sanh. Anh Hùng chỉ muốn mình giúp ích bằng cách đi dạy học cho... các hãng taxi, hoặc đi truyền đạt lại kinh nghiệp sau mấy chục năm lăn lộn với nghề tại một thành phố văn minh nhất châu Âu.

Thế nhưng, hiện nay nghề lái taxi ở Paris đã không còn dễ như trước đây. Hàng loạt phương tiện khác đang cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ hiện tại Paris cũng có... “mô tô ôm” như xứ Việt. Chỉ khác xe mô tô của mấy anh bên này lại là loại Gold Win 1.800 phân khối của Nhật giá đến 27.000 €/chiếc. Giá cả của mấy anh mô tô ôm này thì thường tính khoán, ví dụ một chuyến taxi từ trung tâm Paris ra sân bay Charles de Gaulle độ chừng 50 € thì anh mô tô này sẽ có giá 80 € . Lại thêm chính phủ Pháp hiện nay đang hô hào ủng hộ việc bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng các phương tiện sạch. Hình ảnh phổ biến nhất Paris hiện nay là các dãy xe đạp cho thuê tràn lan các phố xá, quảng trường, công viên. Việc thuê xe cũng khá dễ dàng, khách chỉ cần cà thẻ tín dụng trên trụ đỡ để lưu số thẻ vào bộ nhớ, khi đó bánh xe sẽ được mở dễ dàng. Khách có thể chạy xe bao lâu tuỳ thích với giá 1€ /giờ, 30 phút đầu miễn phí; khi trả xe nhớ đưa bánh xe vào trụ, máy sẽ thôi trừ tiền trên thẻ. Có nhiều người vì quên đưa bánh xe vào đúng rãnh thế nên tiền cứ tuột dần, tuột dần mà hổng hay biết. Chỉ có cánh sinh viên là hay nhất khi cứ lấy xe chạy thoải mái trong vòng... 29 phút miễn phí, sau đó về thay xe khác. Cứ vậy, lang thang phố xá mà không tốn một xu teng. Cánh tài xế taxi lo âu cũng phải thôi khi mà hiện nay mức độ tiêu thụ xe đạp trên tỷ lệ dân của Pháp đang nằm trong top đầu của thế giới; thứ tự là Nhật, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ. Lại thêm việc có đến 14 tuyến metro với 400 km đường metro chằng chịt khắp Paris. Cứ mỗi một phút lại có một metro chạy qua, và cách 500 mét là có một trạm metro.

Thôi thì, biết ra sao ngày sau.

Chỉ văng vẳng bài hát “Joe le taxi”: “Joe, tài xế taxi. Chiếc đàn saxophone vàng. Thuộc nằm lòng từng con phố. Tất cả các quầy bar nhỏ. Tất cả những ngách tối om. Và sông Seine. Cả những cây cầu rực sáng. Trong chiếc taxi của mình. Âm nhạc ấy là của Joe. Điệu rumba. Rock cổ điển và điệu mambo nữa. Đó là cuộc sống của anh. Rượu rhum và điệu mambo. Những lúc tắc đường. Anh ấy là như vậy đấy, Lao thật nhanh nào Joe. Lao vào màn đêm, hướng về Amazone. Joe, tài xế taxi. Và nhạc của Xavier Cugat. Joe, tài xế taxi. Và giọng hát của Yma Sumac.”

Paris cũng thêm phần lãng mạn nhờ taxi.

Không có nhận xét nào: