Thứ Tư, tháng 1 30, 2008

THẾ LÀ MỢ NÓ LẠI ĐI TÂY !

Tình hình là độ chừng hơn tháng nữa chủ blog lại có dịp đi Tây. Nghĩ đến việc được rảo bộ giữa 2 kinh kỳ: Luân Đôn và Bá Linh là thấy sướng tỉ tê rồi. Mấy tên bạn thân gào lên: đừng có giở trò đi lạc như bữa hổm nghen bà ! He he, tôi thầm nghĩ, lạc thì dễ rồi nhưng vẫn đề là có... cơ hội nhậu nhẹt hoành tráng như xưa hay không mới là điều đáng nói !
Chiều nay vừa ngồi rị mọ cái thủ tục xin visa, vừa tủm tỉm cười để đừng... bực mình mất vui mấy ngày Tết. Nè nghen, với cái tờ khai hồi đi Ph. tui nhớ chỉ có 2 tình trạng liên quan đến hôn nhơn, một là có hai là không. Ai dè, nhờ tờ khai mới nầy mà chủ blog mới biết là có đến 5 tình trạng nghen ! Nè: độc thân, kết hôn, ly hôn, ly thân và còn cả... goá phụ (Chèn ơi, bản khai nầy quên mất tiếng Việt nó rắc rối lắm, gặp phải mấy ông chết vợ thì phải tìm một từ gì cho nó đặng hơn chớ !). Và rồi cả một lô xích xông những câu hỏi có hay chưa, có hay không ?
Bác Th. - tư lệnh miền Trung - nghe nói bèn ta thán: "Chi mà mệt dữ rứa hè. Nghe mà hãi. Bọ ở nhà thôi trớt”. Tôi cả cười và can: “Thôi thôi, bọ ráng đi Tây một chuyến mà làm cái phóng sự cho nó hoành tráng. He he, đảm bảo khôi hài y như Hai Lúa lên Sè Goong nghen”.
Chủ blog đang đợi cái thủ tục xin visa đi Phi châu xem nó ra làm sao. Đảm bảo, hổng có phóng sự hay là hổng ăn Tiền !

Thứ Hai, tháng 1 28, 2008

TẾT ĐẾN NƠI RỒI


Coi trên góc tờ báo sáng nay thấy đã là 21 tháng Chạp. Mới 8 giờ sáng, bác Khoa Chiến đã qua tới văn phòng. Chèn ơi, trên xe bác cộ đủ thứ quà Tết: rượu Phú Lễ, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Bến Tre và cả nước màu dừa để kho cá nữa chứ. Chị Ba Hường lúi húi tỉ mẩn phân chia quà cho anh em vô từng túi một thấy mà bắt nôn tới Tết. Một hồi, lại thấy bác Thái Nguyên ì ạch chở đường cát vô cho. Nhưng hoành tráng nhất, bất ngờ nhất vẫn là thùng quà to đùng từ Văn phòng Bình Định gởi tới. Chu mẹt ơi, cái thùng to là vậy, gói ghém kỹ là vậy mà cũng nghe nức mũi cái mùi quyến rũ của danh tửu Bàu Đá. Điện thoại cho Ngọc Toàn đã nghe cái giọng cười… “khả nghi”: “Chị ơi, chị khỏi gởi quà cáp gì cho em mất công lắm. Chị có tốt thì kiếm… vài em đóng thùng gởi ra thì em đa tạ nhiều. Còn không thôi thì cho luân chuyển… nhân viên. Văn phòng em đăng ký em Quyên đó nghen”. Ha ha ha… Hồi nào tới giờ toàn là nghe "luân chuyển cán bộ", cái vụ "luân chuyển nhân viên" này coi bộ mới à nha ! Tất thảy đều cười toe. Vậy là nghe mùi Tết rồi !

Sực nhớ bữa nay có lễ hội ở Bảo tàng, chạy vội ra ngoài đó. Lại thấy, mấy ông, mấy bà ngồi dệt chiếu, đương rổ, vót nan… đằng kia thì mấy chị, mấy dì lúi húi đâm cốm dẹp, đổ bánh in, nặn bánh gừng… (đợi chủ blog viết báo Thanh Niên rồi đọc sau nghen). Chủ blog hứng chí nhảy vô tiếp mấy em Bảo tàng bán cốm dẹp. Kỷ lục mới xác lập, chỉ mất có 10 phút, chủ blog bán hết một thúng cốm dẹp, một ký 20 ngàn đồng. Chủ blog hổng có cân thiếu, để cái... đức lại cho bạn nhậu mừ ! Cũng may, chủ blog còn để dành cho mình được 600 gram. Bà con rủ rê mình ngày mai qua đứng bán nữa vì coi bộ mình có… giang mua bán ! Hê hê, phải tui bán nhựt trình mà chạy cỡ đó thì sếp khen phải biết ! Ừa, lại thêm một chuyện. Bà Mười Xiềm gặp chủ blog liền nhào tới hun lia lịa, vừa hun vừa khóc mếu máo: “Chèn ơi, hổm rày cô đi đâu lâu quá vậy. Tui nhớ cô muốn chết, nhiều lúc giở mấy cái bao tay của cô mua cho mà tui rớt nước mắt. Lát ở lại ăn bánh xèo nghen”. Bà con ngạc nhiên quá xá cỡ, hổng biết chuyện gì đang xảy ra ! Tánh tình người dân miền Tây đã vậy đó !

Thứ Sáu, tháng 1 25, 2008

VỀ QUÊ CHỤP HÌNH TẾT KHẢ ƠI !

Tết nhứt tới nơi rồi. Đi đâu cũng thấy bánh tét. Nhớ Tết năm rồi, bác Tuyên làm cả một lễ hội bánh tét ở Nhà lồng Chợ cổ Cần Thơ. Chú Khả nhà ta chụp hình tới tấp. Mới đó đã một năm. Người chụp đã lưu lạc phương nao. Báo nhà thì thiếu ảnh trầm trọng.
Khả ơi ! Ở đâu rồi. Hổng nhớ quê hả. Về xứ mình chụp hình Tết đi thôi !
Hình của chú Khả đây nè ! (Hồng có nhuận bút nghen Kh.)
Bánh tét Cần Thơ danh tiếng

Cách gói cũng dễ thôi. Chủ blog cũng biết gói.

Ăn thua là gói vừa vặn, không lỏng quá bánh bị nhão, không chặt quá bánh bị chai, sống. Còn thế nào là lỏng, là chặt thì... tui hổng biết cách diễn đạt !

Cách cột dây bánh cũng vậy luôn. Cách đây độ mươi năm, vợ chồng chủ blog về quê, vợ thì gói, chồng thì cột dây. Mấy đứa em dâu bái phục. Má chồng thì cười rạng rỡ. Hi hi

Bà cụ gói bánh nầy hay lắm. Đợi chủ blog viết đăng báo Thanh Niên rồi coi sau nghen !

Nhân bánh thiệt là đa dạng, như là thịt heo nạc nè

màu vàng là đậu xanh cà nhuyễn, màu đỏ là thịt heo và lạp xưởng, màu vàng gạch tôm là lòng đỏ hột vịt muối (máy chú Khả quá xịn, màu nào ra màu đó !)

nhân chuối nữa nè (con trai của tui khoái lắm), còn nếp ngâm lá cẩm thấy đẹp gì đâu !

bà con bu lại coi quá xá

một anh Tây thì chụp hình lia lịa

gói xong rồi nè

nấu bánh thôi

tiệc đứng chỉ toàn bánh tét là bánh tét

đêm lễ hội bánh tét hoành tráng chưa !
Cám ơn chú Khả vì đã để lại cho chị mấy tấm hình nầy nghen !
Coi xong nhớ nhà dữ không ?

TẾT NẦY ĐI BẢO TÀNG

Cuối năm làm việc thiện nè - PR không công cho Bảo tàng Cần Thơ nghen. Chủ blog chỉ muốn trả công bằng cách học lóm nghề làm bánh lá liễu mà thôi ! Thiệt tình là từ nhỏ tới lớn chưa thấy mà cũng chưa ăn bánh nầy lần nào, dù được mệnh danh là người có... tâm hồn ăn uống ! Uhm...

Thông cáo báo chí

“Sắc Xuân Miệt Vườn”
TRÌNH DIỄN KỸ THUẬT NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG
VÀ ẨM THỰC ĐẶC TRƯNG DÂN TỘC VIỆT, HOA, KHMER

8g thứ Hai, ngày 28/01/2008 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch), lễ khai mạc chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” trình diễn kỹ thuật nghề thủ công truyền thống và ẩm thực đặc trưng dân tộc Việt, Hoa, Khmer diễn ra tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, hoạt động kéo dài đến ngày 03/02/2008 (tức ngày 27 tháng Chạp). Đây là hoạt động chào mừng năm Du lịch quốc gia tổ chức tại Cần Thơ với chủ đề “Miệt Vườn Sông Nước Cửu Long” và mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tý. (chủ blog phụ chú: hoạt động chào mừng năm du lịch mà coi bộ xôm tụ hơn nơi chủ xị nghen !)

Chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” là kết quả bước đầu của những nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian qua do Bảo tàng Cần Thơ thực hiện. Với 9 hoạt động gồm nghề thủ công truyền thống: đan đát, dệt chiếu, đan lọp; ẩm thực đặc trưng dân tộc Việt: bánh tét, bánh xèo; dân tộc Hoa: bánh in, bánh lá liễu; dân tộc Khmer: cốm dẹp, bánh gừng, sẽ cùng trình diễn trong sáng khai mạc và luân phiên giới thiệu trong suốt tuần lễ của chương trình. (chủ blog phụ chú: Bảo tàng làm được vậy là quá pro. Hoan hô. Nhưng nên mở rộng cửa cho bà con vô, bớt bớt chuyện mời quan quyền nghen !)

Đến với chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn”, khách tham quan không chỉ được ngắm nhìn các sản phẩm gợi nhớ hình ảnh cái Tết dân tộc mộc mạc, dân dã ở miệt vườn mà còn được gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân đến từ các làng nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ như: dệt chiếu Cái Chanh, đan lọp Dì Tho, ... và có cả bà Mười Xiềm, người đã tham dự Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian 2007 tại Hoa Kỳ cũng tham gia cuộc trình diễn lần này. (chủ blog phụ chú: Hoan hô Bảo tàng thêm một lần nữa. Vì chủ blog thấy nhiều người bình chọn điểm đến năm Tý bỏ quên tuốt luốt bà 10, trong khi đến... "cục sình" cũng hổng quên). Và không chỉ là hình ảnh, những âm thanh lách cách của bàn dập, cây chuồi khi dệt chiếu, tiếng thình thịch của cối chày đâm cốm dẹp hay mùi thơm của nếp mới, của nắng trên những cọng lác khô còn tạo ra không khí nô nức của miệt vườn khi Tết đến, Xuân về. Bên cạnh những món ăn quen thuộc của người Việt ở Nam bộ như: bánh tét, bánh xèo còn có những món chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết của người Hoa, người Khmer như: bánh gừng, bánh lá liễu .. đã cho ta thấy dấu ấn của quá trình cộng cư, chung sống giữa các dân tộc trên vùng đồng bằng Cửu Long.

Cảm nhận về ẩm thực có thể sẽ khác nhau ở mỗi người, và các hoạt động trong chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” cũng không phải là tất cả những hoạt động đón Xuân của người dân đồng bằng sông Cửu Long nhưng những người tham gia cuộc trình diễn đều đến từ các làng nghề, với những trăn trở trong cuộc sống và nghề nghiệp cụ thể trước thách thức của quá trình Cần Thơ đang đẩy mạnh công cuộc đô thị hóa. Dù có hay không có danh hiệu, họ thực sự là những “nghệ nhân” vì đang nắm giữ những bí quyết nghề nghiệp không chỉ được tích lũy gần đây mà có thể từ đời cha mẹ, ông bà mình. Từ mỗi cá nhân như vậy góp phần làm nên kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng, dân tộc. (chủ blog phụ chú: OK Bảo tàng luôn. Chủ blog phát hiện ra nhiều nghệ nhưn không tên tuổi lắm. Như chuyện bà bán bánh cam kế nhà bà 10 vậy. Nhưng thôi chủ blog tạm giấu, hổng kể nữa, dĩ lỡ mai nầy mấy nghệ nhưn có chút đỉnh tên tuổi, ra đường vấp... cục sình thì chí nguy). Sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc là trách nhiệm của mỗi người, của toàn thể mọi người và nó đã làm nên dòng chảy văn hóa qua bao thế hệ. Sự quan tâm của thế hệ hôm nay là hành động thể hiện trách nhiệm của mình, sẽ giúp các nghệ nhân thêm sức mạnh trong hành trình tìm những cơ hội phát triển mới. Việc tổ chức hoạt động trình diễn của Bảo tàng là mong tạo điều kiện, bắc chiếc cầu nối cho nghệ nhân đến được với cộng đồng trong khi cung cấp cho khách tham quan một góc nhìn mới về đời sống người dân trong những ngày chuẩn bị mừng Tết nguyên đán.

Lịch trình diễn:

* Thứ hai, 28/01/2008 (21 tháng Chạp):
- 8g Lễ khai mạc
- Sáng: 9 loại hình trình diễn.
- Chiều: Bánh xèo.

* Thứ ba, 29/01/2008 (22 tháng Chạp):
- Bánh xèo.
- Đâm cốm dẹp.
- Đan lọp.

* Thứ tư, 30/01/2008 (23 tháng Chạp):
- Bánh tét.
- Bánh gừng.
- Dệt chiếu.

* Thứ năm, 31/01/2008 (24 tháng Chạp):
- Bánh in.
- Đan đát.

* Thứ sáu, 01/02/2008 (25 tháng Chạp):
- Bánh xèo.
- Đan lọp.
- Dệt chiếu.

* Thứ bảy, 02/02/2008 (26 tháng Chạp):
- Bánh tét.
- Cốm dẹp.
- Bánh lá liễu.

* Chủ nhật, 03/02/2008 (27 tháng Chạp):
- Bánh tét.
- Bánh gừng.
- Đan đát.

Thời gian hoạt động: Từ 8g đến 17 giờ mỗi ngày.
tại:
Bảo tàng thành phố Cần Thơ,
Số 6, Phan Đình Phùng, thành phố Cần Thơ.

Ah !

Ngộp thở vì công việc cuối năm quá chừng chừng !
Có ai đi nhậu xả "xì chét" thì rủ tui với nghen !

Thứ Ba, tháng 1 22, 2008

TÔI THÍCH

Có ba nhà văn mà hầu như tôi mua khá đầy đủ tác phẩm – Bình Nguyên Lộc, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Khải. Giọng văn của các ông khá đặc trưng cho 3 miền Bắc Trung Nam.

Ở Bình Nguyên Lộc đó là cái phóng khoáng, bộc trực, dữ dội của miền Nam – và trên hết ở Bình Nguyên Lộc là dẫu hiện thực vùng đất khẩn hoang ấy có dữ dội đến mấy, nhân vật của ông có giang hồ đến mấy thì vẫn ẩn chứa một nét hồn hậu, bao dung, bất cần đời như vùng đất nầy vốn vậy. Điều này là rất hiếm. Ấy là ông đã hiểu mảnh đất nầy đến tận cùng vậy. Có thể khẩu vị văn chương mỗi người mỗi khác, hoặc giả văn hoá nền của mỗi nhà văn, của mỗi thời mỗi khác. Nhưng nếu viết về Nam bộ mà ác quá, tỉnh quá thì liệu có hiểu đến tận cùng mảnh đất này hay không !

Còn đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường thì quả là chưa ai viết bút ký được như ông. Nếp sống miền Trung vốn nhỏ bé, khuôn phép như hình dáng mảnh đất vốn vậy. Vậy mà văn chương ông Tường mượt mà, sang trọng, bóng bẩy, vượt ra mọi khuôn phép, ngữ cảnh đến lạ lùng.

Đối với các nhà văn miền Bắc, cụ Nguyễn Tuân cứ như một tuợng đài sừng sững với cái lối chơi chữ như cách chơi hoa thuỷ tiên ngày Tết vậy. Nhưng tôi vẫn không tìm được sự rung cảm. Riêng đối với Nguyễn Khải thì tôi thích thật sự. Tôi không nhớ lắm văn chương ông với những Xung đột hay Mùa lạc như người ta vẫn tán tụng, nhắc đến khi ông mất đi. Chỉ với Gặp gỡ cuối năm hay Cách mạng tôi mới nhận ra một góc khác của người Hà Nội gốc. Sang trọng, sâu sắc, đa tầng. Cái thành công của Nguyễn Khải là đã thuyết phục được người đọc rằng đã có một thời Hà Nội là như thế, con người Hà Nội là như thế. Tiếc là Hà Nội bây giờ không vậy, con người Hà Nội như vậy dần ít đi, chất Hà Nội cũng đã khác xưa nhiều quá.

Ngày ông mất, có quá nhiều bài báo viết về ông. Nhưng bài hay nhất vẫn là bài của… chính ông ! Xin đăng lại bài do nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn ông Nguyễn Khải trước khi ông mất.

* Thưa ông, Nguyễn Khải là nhà văn của thời sự, của tâm lý nhân vật, ông đã tạo dựng nhiều loại nhân vật của nhiều thời khắc. Nếu bây giờ còn sức khỏe để viết, ông sẽ chọn loại nhân vật nào của hôm nay?

- Tôi thích những người quyền lực về tinh thần, chiến đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội. Loại người có thế giới tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi, không muốn sống như cũ nữa. Ở trạng thái này, con người sẽ phong phú. Tôi thích viết những cái chênh vênh lạc thời. Con người của hôm nay đa dạng lắm. "Xuân tóc đỏ” hiện đại cũng nhiều lắm. Sợ nhất là cái giả dối. Nếu viết về loại người "Xuân tóc đỏ” phải có tài, phải thổi lửa "tiêu hóa" được tài liệu. Lửa chưa đủ sức thiêu cháy tài liệu, cứ để lổn nhổn là bất tài.
Có những anh vai mỏng gánh trách nhiệm quá lớn, không biết sợ, cứ thấy ổn cả. Hạ cánh an toàn là câu mất dạy. Phải nhớ Khang Hy: "Việc vừa xong thì họa cũng vừa xong".

* Tuyển tập Nguyễn Khải ra rồi, dạng hồi ký đời văn cũng co Thượng đế thì cười, tổng kết bút pháp thì có Trôi theo tự nhiên. Ông có nghĩ cuốn sách tiếp theo sẽ là gì không ạ?

- Tôi có viết một vài tùy bút chính trị. Còn vừa lóe ra một đề tài rất thích. Tôi định viết, tôi rất thèm được sống một mình. Không lúc nào con người được sống một mình. Từ hàng xóm, con cái, mọi việc đều có tập thể nhảy bổ vào. Thế giới tinh thần chỉ có tập thể, không có trách nhiệm cá nhân. Thời đổi mới này người ta kêu cô đơn, nhưng tôi cũng thèm sống một mình. Tầm quan trọng của cá nhân. Một xã hội thấy được sức mạnh cá nhân, con người phải có quyền tự do quyết định số phận mình - quyền tự chủ. Nhưng mà chưa viết thì bí mật hộ nhé.

* Ông nói rằng mình viết thường là tìm mẫu người quen thuộc với vùng nghĩ, vùng cảm của mình, và phải đi mới tìm được. Ông thích đi đâu sắp tới?

- Đúng rồi, tạng của tôi ngồi một chỗ không viết được. Đi là nó đụng vào, tóe ra. Khoa học nghệ thuật, nghề sáng tạo không có cách gì bảo thủ được. Văn tôi bây giờ không còn tả cảnh. Nếu còn sức, tôi sẽ đi tìm loại nhân vật làm chính trị, có quyền lực, tính tình phóng khoáng, chủ động, vượt lên cho tương lai. Làm quan, làm chính trị mà tử tế đàng hoàng, có đầu óc, nhân vật sẽ nói được nhiều lắm. Chắc chắn phải mất một năm đi tìm. Cũng cao tuổi, yếu, nói thôi mấy lần rồi. Nhưng nếu khỏe, đi vớ đi vẩn thì lại viết.
Nếu như bây giờ đi một vệt Phú Thọ, Nam Định hoặc quanh Hà Nội có thể viết được tập truyện ngắn. Tôi thích vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên. Mong một, hai tháng nữa khỏe, ra Hà Nội một chuyến lại được viết. Nhưng sống lâu thời này đầu óc phải mới tinh, tràn ngập sự thay đổi. Rung động đời sống nhỏ nhất phải đến với anh. Cuộc sống thay đổi hằng ngày, phải xem để thay đổi.

* Vùng đồng bằng Bắc bộ là quê hương văn học của ông, nhưng hầu hết các tác phẩm lớn của ông lại được viết ở Sài Gòn. Mảnh đất phương Nam có ý nghĩa như thế nào?

- Nói ví von thế này: miền Bắc cho tôi độc lập, miền Nam cho tôi dân chủ, tự do. Nó bật ra đa thanh. Những cú hích quan trọng tìm ra vỉa sống mới. Ngậm ngùi, hi vọng, tự do là từ trong này mà ra.
Sau giải phóng, tôi gặp các nhân vật lạ khác với nhân vật quen thuộc của tôi trước đây: giám đốc, bí thư, chủ nhiệm hợp tác xã... Nhân vật mới ở miền Nam là các linh mục tốt nghiệp ở nước ngoài, là các trí thức có cách suy nghĩ riêng, là nhiều bà con họ hàng, là nhiều số phận thay đổi. Có người gặp nói cả tuần không hết chuyện. Họ rộng mở, phức tạp, phù hợp với một thời kỳ lịch sử - xã hội hiện đại.
Tôi yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ, nhưng viết các vấn đề có ý nghĩa triết học, tư tưởng phải là thế giới tập trung chính trị, văn hóa, là ở đô thị. Muốn viết sâu, đậm, không thể không "lôi" về Hà Nội. Một nửa sự nghiệp của tôi là ở trong Nam này cũng vậy. Tôi muốn đi vào giới trí thức, vì trí thức biết buồn cái buồn của người khác. Nhân vật của thành phố lớn là con người của trí thức.

* Nếu tự tóm tắt chân dung nhà văn Nguyễn Khải, thì thế nào ạ?

- Về nhà văn tôi tổng kết: tuổi và thời thế là quan trọng. Có những kiểu nhà văn tài năng bẩm sinh, bộc lộ rất trẻ, chưa sống lâu đã có tác phẩm lớn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam. Sau này có Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật. Vàng Anh bẩm sinh "há miệng" thành văn. Những tác phẩm đầu tay của Đỗ Chu đọc thấy sợ, văn chương ấy lúc 17, 18 tuổi. Trạm quân bưu, Thung lũng Cò, Ráng đỏ, cái nào cũng hay. Tư thế nhà văn trăn trở cùng đất nước.
Còn có kiểu nhà văn phải sống lâu, sống nhiều, được gặp thời thế đặc biệt. Tôi ở loại này. Không u mê, tự thay đổi, mới có cống hiến. Văn chương nhiều cái huyền bí, không biết lúc nào hay, lúc nào không. Còn đời riêng cá nhân tôi chả có gì đáng viết. Tôi ghét sự lê la, có tí rượu, tí bột lăn tôm là uống rượu, tôi ghê lắm. Văn nghệ sĩ ăn nói tục tằn, hống hách kiểu lãnh tụ đại ca, trưởng nhóm, hoặc khệnh khạng làm giai thoại, tôi cũng không thích. Tôi thích tính thoải mái của Lê Đạt, thích nhất cái thật của Kim Lân.
Tôi cô độc bẩm sinh. Nếu không có cách mạng, chắc tôi là tu sĩ. Một lần tôi đến tìm ông cha tìm hiểu về Vatican 2 để viết sách tôn giáo. Trong lúc chờ, tôi ra mua thuốc lá. Người bán thuốc nhìn tôi hỏi: "Cha mua loại nào? Con biếu cha bao diêm". Chắc mặt tôi giống linh mục.
Đời tôi chỉ yêu viết lách. Sống nhạt, dễ thỏa hiệp, bao dung nhưng quyết liệt khi viết. Tôi nghĩ nhà văn phải sống khó chịu nhất, không thỏa mãn, luôn cảm thấy muốn cao hơn, xa hơn. Phải là người tìm tòi ngược thời. Thời nào với mình cũng là chật, mới là tốt.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI thực hiện

Thứ Năm, tháng 1 03, 2008

SẼ NGHE TRONG ĐÊM DDVN


VŨNG LẦY CỦA CHÚNG TA

Sáng tác: Lê Uyên Phương



Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say
Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn
Yêu nhau giữa đám rong rêu, theo dòng nước cuốn lêu bêu
Đi qua những phố thênh thang, đi qua với trái tim khan
Ði qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan
Theo em xuống phố trưa mai đang còn nhức mỏi đôi vai
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say
Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn

Qua đi, qua đi dứt cơn mê
Tình buồn chồng chất lê thê
Qua đi, qua đi dứt cơn say
Tình này tình rồi thay
Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết cơn cơn ê chề
Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết một, một lần đau.



Lê Uyên Phương (1941 – 1999) là một trong những nhạc sĩ lớn của dòng nhạc tại Sài Gòn trước năm 1975. Ông tên thật là Lê Minh Lập, sinh ngày 2.2.1941 tại Đà Lạt. Trong thời kỳ chiến tranh, giấy tờ bị thất lạc, trong hai lần làm lại giấy khai sinh, tên của ông bị nhân viên giấy tờ nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Từ đó ông giữ cái tên Lê Văn Lộc.
Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan, nhưng vì ảnh hưởng cuộc cách mạng của cụ Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi, ông lấy chữ Phương trong tên của mẹ làm tên cho mình. Cùng với chữ Uyên, tên người bạn gái đầu tiên, ông ghép thành nghệ danh Lê Uyên Phương.
Lê Uyên Phương gặp Lâm Phúc Anh ở Đà Lạt. Cô sinh ngày 17.1.1952 tại phố Hàng Bồ, Hà Nội. Cha của cô là một thương gia gốc Hải Nam, còn mẹ cô là người Triều Châu, vợ thứ năm trong tổng số 9 người vợ của cha cô. Năm 1954, gia đình cô gồm bố mẹ, cô và người em gái tên Lâm Phi Yến từ Hà Nội di cư vào miền Nam
và sống tại một ngôi nhà khang trang ở Chợ Lớn. Đó cũng là nơi đặt văn phòng của một công ty vận tải chạy đường Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng của cha cô.

Năm 1968 hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Vì Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên lấy nghệ danh là Lê Uyên cắt từ chữ Lê Uyên Phương. Hai người song ca được gọi Lê Uyên và Phương.
Lê Uyên Phương khởi sự viết nhạc từ năm 1960 với Buồn đến bao giờ viết tại Pleiku. Trong những năm đầu cùng nhau đi hát, Lê Uyên và Lê Uyên Phương chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong khuôn viên các đại học trước khi chính thức lấy tên Lê Uyên và Phương vào năm 1969
, sau lần trình diễn tại quán Thằng Bờm của phong trào Du Ca Việt Nam. Những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với tân nhạc. Những ca khúc nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc, triết lý của họ đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Lê Uyên Phương đã viết nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta... Ngoài âm nhạc, Lê Uyên Phương còn viết văn và làm thơ: Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles..
Năm 1979, Lê Uyên và Phương rời khỏi Việt Nam và định cư tại Nam Califonia, Hoa Kỳ. Họ có hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Sau 15 năm chung sống, khoảng năm 1984, 1985 cuộc hôn nhân của hai người tan vỡ. Một thời gian sau, họ tái kết hợp về mặt nghệ thuật qua những lần xuất hiện trên những chương trình video của các trung tâm Làng Văn, Thuý Nga, Asia
đã được khán thính giả đón nhận một cách nồng nhiệt.
Lê Uyên Phương mất ngày 29.6.1999 tại bệnh viện UCI (University of California in Irvine) vì bệnh ung thư phổi. Sau khi Lê Uyên Phương qua đời năm 1999, Lê Uyên đã đứng ra thực hiện được hai CD
gồm một số ca khúc của Lê Uyên Phương. CD thứ nhất là Yêu nhau khi còn thơ gồm những nhạc phẩm đầu tay của Lê Uyên Phương sáng tác từ đầu thập niên 1960, phần lớn được ra đời ở Pleiku là nơi Lê Uyên Phương đã từng dạy học một thời gian, trước khi trở về Đà Lạt. CD thứ hai mang tựa đề Tình như mây cõi lạ, gồm 9 nhạc phẩm trong tổng số trên 40 bài nhạc phổ từ thơ của Lê Uyên Phương.

Thứ Ba, tháng 1 01, 2008

CHÀO NĂM MỚI 2008


Một ngày đầu năm 2008 đã bắt đầu bằng tiếng gõ cửa cóc cóc, cọc cọc của những tin nhắn từ lúc 0h30. Đó là chưa kể có một người bạn luôn ám ảnh bởi sự nghẽn mạng đã bắn tin nhắn từ lúc 21h30 ngày 31.12 cho chắc ăn ! Gặp lúc đang ngon giấc, nên tôi chỉ có thể mắt nhắm, mắt mở bấm Reply đáp lễ với nội dung: chị cũng chúc em như vậy, em cũng chúc chúc anh như vậy, tao cũng chúc mày y chang... !!! Rất may là tên "bạn gái" của tôi không nhắn tin, bởi lẽ hắn là kẻ chúa ghét những tin nhắn không có... sắc thái, không có bản sắc !

Nhưng đầu năm, đầu tháng mà suy nghĩ cho ra 1001 tin nhắn có bản sắc thì có nước hết hơi.

Thôi thì, để cho nó gọn, tôi sẽ chúc mọi người tất tật những lời chúc dưới đây. Nếu ai đó lười biếng y như tôi thì cứ sử dụng lại thoải mái vì tôi cũng copy trắng trợn từ trên net. Cũng hổng biết, nội dung mấy lời chúc tiếng Tây, tiếng U nó ra làm sao nữa đó !

Vui vẻ nguyên năm nghen mọi người !



12 tháng phú quý, 365 ngày phát tài, 8760 giờ sung túc, 525600 phút thành công 31536000 giây VẠN SỰ NHƯ Ý.


Wishing you 1 year of happiness, 12 months of fun, 52 weeks of gladness, 365 days of success, 8760 hours of good health and 525600 minutes of good luck!
------------------------------------
Ngàn lần như ý, Vạn lần như mơ, Triệu sự bất ngờ, Tỷ lần hạnh phúc.
------------------------------------
Tống cựu nghênh tân – Vạn sự cát tường – Toàn gia an phúc
------------------------------------
Đong cho đầy Hạnh phúc. Gói cho tròn Lộc Tài. Giữ cho mãi An Khang. Thắt cho chặt Phú Quý. Cùng chúc nhau Như Ý, Hứng cho tròn An Khang, Chúc năm mới Bình An. Cả nhà đều Sung túc.
------------------------------------
Mùa xuân xin chúc Khúc ca an bình Năm mới phát tài Vạn sự như ý Già trẻ lớn bé Đầy ắp tiếng cười Trên mặt ngời ngời Tràn đầy hạnh phúc Xuân đến hy vọng Ấm no mọi nhà Kính chúc ông bà Sống lâu trăm tuổi Kính chúc ba mẹ Sức khoẻ dồi dào Đôi lứa yêu nhau Càng thêm nồng ấm Các em bé nhỏ Học giỏi chăm ngoan Chúc Tết mọi người Năm mới hoan hỉ Gặp nhau niềm vui...

------------------------------------
Sang năm mới chúc mọi người có một bầu trời sức khoẻ, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình thịnh vượng. Chúc các bà, các ông, các cô, các chú, các chị, các anh sang năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, làm việc như thơ, đời vui như nhạc, coi tiền như rác, coi bạc như rơm, chung thủy với cơm và sắc son với phở. Chúc vui vẻ...
------------------------------------
Cung Chúc Tân Xuân Phước Vĩnh Cửu Chúc Trong Gia Quyến Được An Khương Tân Niên Lai Đáo Đa Phú Quí Xuân Đến An Khương Vạn Thọ Tường
------------------------------------
Năm hết tết đến Rước lộc vào nhà Quà cáp bao la Mọi nhà no đủ Vàng bạc đầy tủ Gia chủ phát tài Già trẻ gái trai Xum vầy hạnh phúc Cầu tài chúc phúc An khang thịnh vượng

------------------------------------
Oh my Dear, Forget ur Fear,Let all ur Dreams be Clear,Never put Tear, Please Hear,I want to tell one thing in ur EarWishing u a very “Happy NEW YEAR“!

------------------------------------
Drop the last year into the silent limbo of the past. Let it go, for it was imperfect, and thank God that it can go. Here’s wishing you a very Happy New Year!
------------------------------------
Happy New Year! Grant that I May bring no tear to any eye When this New Year in time shall end Let it be said I've played the friend, Have lived and loved and labored here, And made of it a happy year!
------------------------------------
Ring out the old, ring in the new, Ring, happy bells, across the snow: The year is going, let him go; Ring out the false, ring in the true. Happy New Year!

------------------------------------
A Relaxed Mind, A Peaceful Soul, A Joyful Spirit, A Healthy Body & Heart full of Love.. All these are my Prayers for You. Wish you a Happy New Year!
------------------------------------
With the entire Rose's Perfume & with all the lights in the world & with all the children's Smiles...I Wish that your dreams come true! Happy New Year 2008!!
------------------------------------
May the Year 2008 Bring for You Happiness, Success and filled with Peace, Hope & Togetherness of your Family & Friends....Wishing You a HAPPY NEW YEAR!!
------------------------------------
New is the year, new are the hopes and the aspirations, new is the resolution, new are the spirits and forever my warm wishes are for u. Have a promising and fulfilling New Year 2008
------------------------------------
Years may come and go, but this year I specially wish 4 u a double dose of health n happiness topped with loads of good fortune. Have a gr8 year ahead! Happy New Year!!!!
------------------------------------
When the mid-night bell rings tonight, Let it signify new and better things for you,Let it signify a realization of all things you wish for,Let it signify a year of courage and believes,Wishing you a very, very, very prosperous 2008

------------------------------------
New Year is the time to unfold new horizons & realize new dreams, to rediscover the strength & faith within u, to rejoice in simple pleasures & gear up 4 new challenges. Wishing u a truly fulfilling 2008
------------------------------------
Fresh Air, Fresh Ideas, Fresh Talent, Fresh Energy, I wish U to have a Fresh and Bright New Year. HAPPY NEW YEAR!
------------------------------------
Each moment in a day has its own value. Morning brings HOPE, Afternoon brings FAITH, Evening brings LOVE, Night brings REST, Hope you will have all of them everyday. Happy New Year!
------------------------------------

Wishing you a happy new yearbusy in workhappy in lifelucky in gamecrazy in lovemoney in pocketnever sadalways fun!