Thứ Sáu, tháng 1 25, 2008

TẾT NẦY ĐI BẢO TÀNG

Cuối năm làm việc thiện nè - PR không công cho Bảo tàng Cần Thơ nghen. Chủ blog chỉ muốn trả công bằng cách học lóm nghề làm bánh lá liễu mà thôi ! Thiệt tình là từ nhỏ tới lớn chưa thấy mà cũng chưa ăn bánh nầy lần nào, dù được mệnh danh là người có... tâm hồn ăn uống ! Uhm...

Thông cáo báo chí

“Sắc Xuân Miệt Vườn”
TRÌNH DIỄN KỸ THUẬT NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG
VÀ ẨM THỰC ĐẶC TRƯNG DÂN TỘC VIỆT, HOA, KHMER

8g thứ Hai, ngày 28/01/2008 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch), lễ khai mạc chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” trình diễn kỹ thuật nghề thủ công truyền thống và ẩm thực đặc trưng dân tộc Việt, Hoa, Khmer diễn ra tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, hoạt động kéo dài đến ngày 03/02/2008 (tức ngày 27 tháng Chạp). Đây là hoạt động chào mừng năm Du lịch quốc gia tổ chức tại Cần Thơ với chủ đề “Miệt Vườn Sông Nước Cửu Long” và mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tý. (chủ blog phụ chú: hoạt động chào mừng năm du lịch mà coi bộ xôm tụ hơn nơi chủ xị nghen !)

Chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” là kết quả bước đầu của những nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian qua do Bảo tàng Cần Thơ thực hiện. Với 9 hoạt động gồm nghề thủ công truyền thống: đan đát, dệt chiếu, đan lọp; ẩm thực đặc trưng dân tộc Việt: bánh tét, bánh xèo; dân tộc Hoa: bánh in, bánh lá liễu; dân tộc Khmer: cốm dẹp, bánh gừng, sẽ cùng trình diễn trong sáng khai mạc và luân phiên giới thiệu trong suốt tuần lễ của chương trình. (chủ blog phụ chú: Bảo tàng làm được vậy là quá pro. Hoan hô. Nhưng nên mở rộng cửa cho bà con vô, bớt bớt chuyện mời quan quyền nghen !)

Đến với chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn”, khách tham quan không chỉ được ngắm nhìn các sản phẩm gợi nhớ hình ảnh cái Tết dân tộc mộc mạc, dân dã ở miệt vườn mà còn được gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân đến từ các làng nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ như: dệt chiếu Cái Chanh, đan lọp Dì Tho, ... và có cả bà Mười Xiềm, người đã tham dự Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian 2007 tại Hoa Kỳ cũng tham gia cuộc trình diễn lần này. (chủ blog phụ chú: Hoan hô Bảo tàng thêm một lần nữa. Vì chủ blog thấy nhiều người bình chọn điểm đến năm Tý bỏ quên tuốt luốt bà 10, trong khi đến... "cục sình" cũng hổng quên). Và không chỉ là hình ảnh, những âm thanh lách cách của bàn dập, cây chuồi khi dệt chiếu, tiếng thình thịch của cối chày đâm cốm dẹp hay mùi thơm của nếp mới, của nắng trên những cọng lác khô còn tạo ra không khí nô nức của miệt vườn khi Tết đến, Xuân về. Bên cạnh những món ăn quen thuộc của người Việt ở Nam bộ như: bánh tét, bánh xèo còn có những món chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết của người Hoa, người Khmer như: bánh gừng, bánh lá liễu .. đã cho ta thấy dấu ấn của quá trình cộng cư, chung sống giữa các dân tộc trên vùng đồng bằng Cửu Long.

Cảm nhận về ẩm thực có thể sẽ khác nhau ở mỗi người, và các hoạt động trong chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” cũng không phải là tất cả những hoạt động đón Xuân của người dân đồng bằng sông Cửu Long nhưng những người tham gia cuộc trình diễn đều đến từ các làng nghề, với những trăn trở trong cuộc sống và nghề nghiệp cụ thể trước thách thức của quá trình Cần Thơ đang đẩy mạnh công cuộc đô thị hóa. Dù có hay không có danh hiệu, họ thực sự là những “nghệ nhân” vì đang nắm giữ những bí quyết nghề nghiệp không chỉ được tích lũy gần đây mà có thể từ đời cha mẹ, ông bà mình. Từ mỗi cá nhân như vậy góp phần làm nên kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng, dân tộc. (chủ blog phụ chú: OK Bảo tàng luôn. Chủ blog phát hiện ra nhiều nghệ nhưn không tên tuổi lắm. Như chuyện bà bán bánh cam kế nhà bà 10 vậy. Nhưng thôi chủ blog tạm giấu, hổng kể nữa, dĩ lỡ mai nầy mấy nghệ nhưn có chút đỉnh tên tuổi, ra đường vấp... cục sình thì chí nguy). Sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc là trách nhiệm của mỗi người, của toàn thể mọi người và nó đã làm nên dòng chảy văn hóa qua bao thế hệ. Sự quan tâm của thế hệ hôm nay là hành động thể hiện trách nhiệm của mình, sẽ giúp các nghệ nhân thêm sức mạnh trong hành trình tìm những cơ hội phát triển mới. Việc tổ chức hoạt động trình diễn của Bảo tàng là mong tạo điều kiện, bắc chiếc cầu nối cho nghệ nhân đến được với cộng đồng trong khi cung cấp cho khách tham quan một góc nhìn mới về đời sống người dân trong những ngày chuẩn bị mừng Tết nguyên đán.

Lịch trình diễn:

* Thứ hai, 28/01/2008 (21 tháng Chạp):
- 8g Lễ khai mạc
- Sáng: 9 loại hình trình diễn.
- Chiều: Bánh xèo.

* Thứ ba, 29/01/2008 (22 tháng Chạp):
- Bánh xèo.
- Đâm cốm dẹp.
- Đan lọp.

* Thứ tư, 30/01/2008 (23 tháng Chạp):
- Bánh tét.
- Bánh gừng.
- Dệt chiếu.

* Thứ năm, 31/01/2008 (24 tháng Chạp):
- Bánh in.
- Đan đát.

* Thứ sáu, 01/02/2008 (25 tháng Chạp):
- Bánh xèo.
- Đan lọp.
- Dệt chiếu.

* Thứ bảy, 02/02/2008 (26 tháng Chạp):
- Bánh tét.
- Cốm dẹp.
- Bánh lá liễu.

* Chủ nhật, 03/02/2008 (27 tháng Chạp):
- Bánh tét.
- Bánh gừng.
- Đan đát.

Thời gian hoạt động: Từ 8g đến 17 giờ mỗi ngày.
tại:
Bảo tàng thành phố Cần Thơ,
Số 6, Phan Đình Phùng, thành phố Cần Thơ.

1 nhận xét:

Heo con nói...

Lich tet cua bao tang nay chac la doc nhat vo nhi? Toan banh la banh hap dan the nay. Uoc gi co mat o CTho, chac con se tham gia ko bo buoi nao ;)