Chủ Nhật, tháng 10 28, 2007

CON TRAI PHẠM XUÂN ẨN


"Năm 1983, người con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân sang Liên Xô học đại học 5 năm, lúc đầu học ở Học viện ngoại ngữ Minsk sau chuyển sang khoa Phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Matxcova mang tên Mauris Thorez. Phạm Ân tốt nghiệp hạng ưu, thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh và viết luận văn ngôn ngữ học về đề tài dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh một đoạn trích từ sách của A.A. Kurznetsova "Bên bờ sông Mê Công và sông Hồng".

Sau khi tốt nghiệp, Phạm Ân trở về quê nhà. Sau này, anh đã viết về cảm xúc của mình sau khi du học trở về "Khi máy bay bắt đầu hạ cánh, tim tôi đập rộn ràng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đây rồi, thành phố thân yêu của tôi. Vậy là sáu mùa hè kể từ khi tôi rời mảnh đất này. Cổng nhà tôi vẫn mở, tôi cảm nhận được cái nóng tháng tám đang sưởi ấm dần trái tim lạnh giá vì mùa đông Matxcova của tôi. Một làn gió nhẹ mơn man làn da tôi. Và tại nơi đây, tôi lại được tắm dưới ánh nắng mặt trời giữa màu xanh của cỏ cây. Tôi đưa mắt tìm kiếm những khuôn mặt thân quen. Đây rồi người mẹ thân yêu nhất của tôi và cả các em trai, em gái của tôi nữa. Thời gian đã để lại trên đầu mẹ những sợi tóc bạc, những nếp nhăn trên má. Nhưng cám ơn Chúa, mẹ trông vẫn khỏe mạnh và hạnh phúc. Nước mắt. Những cái hôn. Và vòng tay của mẹ tôi... Chuông bỗng vang lên. Tôi thấy con chó quay ra phía cổng sủa to lên một tiếng. Ba tôi xuất hiện ngay bên ngưỡng cửa. Ba chạy ra, mở toang cửa. Ba nhìn không già hơn, nhưng gầy hơn nhiều. Lưng ba đã bắt đầu còng hơn trước do sức nặng của cuộc sống bận rộn và vất vả... Niềm vui và hạnh phúc tràn ngập trong tôi, tại buổi sum họp gia đình này."

Phạm Xuân Ẩn từng sống và làm việc với người Mỹ trước khi có cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông từng đánh giá cao người Mỹ. Sau chiến tranh, tất nhiên Phạm Xuân Ẩn muốn con trai mình cũng như vậy. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đảng dạy tôi những điều về hệ tư tưởng. Từ người Mỹ, tôi học được những điều quan trọng khác về nghề báo và phương pháp tư duy. Đó là điều tôi muốn con mình cũng học được như vậy. Tôi muốn con trai tôi có những người bạn là người Mỹ"

Phạm Xuân Ẩn tin tưởng rằng con trai mình có thể đại diện cho một cây cầu mới nối giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh.

Hoàng Ân đã học hai năm ở trường đại học North Carolina, làm việc một nửa thời gian tại thư viện của nhà trường và có một kỳ thực tập ngắn tại tòa báo, giống hệt như cha mình đã từng làm trước đó 30 năm tại báo Sacramento Bee. Trong một cử chỉ gợi nhớ về Phạm Xuân Ẩn - Ân chạy đến chiếc ngăn kéo trong phòng đọc sách của gia đình, rồi rút ra các mẩu cắt báo những bài mình đã viết.

Bài đầu tiên khiến tôi gần như không còn nghi ngờ gì về sự ảnh hưởng từ bóng dáng của người cha, nhưng đồng thời Ân cũng có những nét riêng. Bài báo xuất hiện trên tờ Chapel Hill Herald-Sun số ra ngày 29/5/1993, có tựa đề "Nơi che chở động vật điều trị, phóng thích những con vịt bị thương" được ký tên "Ân Phạm, phóng viên".

Năm 1993, Ân trở lại Việt Nam để bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao. Năm 1999, Ân giành được học bổng Fulbright, được học một khóa tại khoa luật trường đại học Duke, Mỹ. Khi Ân cần sự giúp đỡ về tài chính để dự thêm một học kỳ mùa hè tại trường đại học Duke, chủ tịch trường đại học North Carolina Spangler đã không ngần ngại giúp. Trong thời gian Tổng thống Mỹ George W. Bush thăm Việt Nam tháng 9/2006, Phạm Xuân Hoàng Ân được chọn làm phiên dịch cho cuộc trao đổi giữa Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ân nói: "Tôi ước gì ba tôi có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này".
"Trích cuốn "Điệp viên hoàn hảo" - Tác giả: Larry Berman,

Không có nhận xét nào: