Thứ Tư, tháng 10 31, 2007

LAN MỚI NHẤT THẾ GIỚI

Mấy nhà khoa học thế giới vừa công nhận 7 loài lan mới phát hiện tại vùng rừng núi Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế là những loại lan mới nhất. Tiện tay đưa lên blog cho bà con chiêm ngưỡng.
Hoa này thấy lạ nhất, nhưng sao hổng thấy hồn vía hoa lan chút nào !

Hoa này cũng vậy, chỉ thấy giống mỗi cái lá lan.


Nhìn đi nhìn lại, thấy loại hoa lan tim tím nầy sao giống y chang... giò lan đang nở ở nhà.

Nhìn hơi kỳ kỳ phải không !

Còn thấy kỳ cục ác liệt !

sao lúc nầy mấy giò lan ở nhà đua nhau nở quá xá. Ác nỗi cái máy chụp hình nó bị cà giựt nên hổng khoe khoang lên đây được.
Hết giờ làm việc rồi, về nhà đem máy ảnh đi sửa thôi !

NGƯỜI VIỆT MÌNH GIỎI THIỆT (phần 3)


Tuổi Trẻ sáng nay dịch lại một bài viết khá hay về một người Việt Nam. Xin được post lên đây cho bà con đọc:

"Creator Synectics, một công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu trụ sở tại Anh, vừa công bố danh sách "100 thiên tài đương thời thế giới". Trong danh sách có một nhà khoa học gốc Việt là tiến sĩ Võ Đình Tuấn, xếp hạng 43. Hiện ông là viện trưởng Viện Vật lý lượng tử Fitzpatrick của Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ).


Năm 17 tuổi, từ Sài Gòn ông đi Thụy Sĩ du học. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Trường Bách khoa liên bang Lausanne (1971), và bốn năm sau ông được trao bằng tiến sĩ hóa lý sinh (biophysical chemistry) tại Viện Kỹ thuật liên bang Zurich, Thụy Sĩ. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.

Trang web của Cơ quan Thương hiệu và phát minh Hoa Kỳ (USPTO, trực thuộc Chính phủ Mỹ) cho biết bằng phát minh đầu tiên của Võ Đình Tuấn trao cho sáng chế "Băng dán cứu sinh" (1987) là một loại băng rất nhỏ và dễ sản xuất hàng loạt, dùng để gắn vào áo của công nhân khi họ làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao, nhằm ghi lại các thông số của loại chất độc hại mà họ bị mắc phải trong quá trình lao động. Chỉ cần 11 giây người ta đã biết mình bị ngộ độc ở mức độ nào và chữa chạy ngay mà không cần phải đưa vào bệnh viện, rồi phải tốn thì giờ lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm.

Theo trang web của Hội Thanh niên sinh viên VN tại Nhật Bản (http://www.vysa.jp/), trong lĩnh vực y khoa, tiến sĩ Tuấn đã tìm ra sự biến đổi gen trong cơ thể người và nhờ đó phát minh ra những hệ thống chẩn đoán sử dụng việc khám phá các ADN gây bệnh tiểu đường và ung thư. Tất cả hệ thống của ông đều dựa trên phương pháp "Tia sáng đồng hành" (SL: synchronous luminesence) dễ ứng dụng, do các dữ kiện được ghi lại hiển thị và được đọc cùng lúc bằng tia laser và sợi quang. Nhờ vậy mà bệnh tật có thể được điều chỉnh kịp thời mà không cần phải uống thuốc... Phương pháp của ông cũng được các công ty dược và tổ chức môi trường chấp nhận. Các viện nghiên cứu lớn đã sử dụng kỹ thuật của ông như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ và hầu như tất cả bệnh viện của Mỹ đều áp dụng phương pháp và thiết bị chẩn đoán của ông.


Đến nay ông có hơn 30 bằng sáng chế. Tiến sĩ Tuấn cho rằng những nghiên cứu của ông chỉ có mục đích đơn giản là góp phần làm giảm những nỗi đau của con người. "Cái khó nhất đối với bệnh nan y như ung thư hay AIDS chính là phát hiện ra nó”.

Năm 2003, USPTO đã tôn vinh bốn nhà khoa học Mỹ, gốc Á trong đó có nhà bác học Võ Đình Tuấn. Bản thông cáo chính thức USPTO cho biết: "Các nhà khoa học này đã có những đóng góp to lớn vào thành tựu của khoa học và y khoa, nhất là những phát minh của họ đã giúp bệnh nhân chống lại nỗi đau tuyệt vọng của con người".

Vào ngày 9.5.2002, nhân kỷ niệm tháng truyền thống của các dân tộc thiểu số châu Á tại Mỹ, bà J. C. Hayward - người phát ngôn của USTPO - cho rằng những phát minh của tiến sĩ Võ Đình Tuấn cùng các nhà khoa học khác đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Điều đáng nói là Võ Đình Tuấn đều có tên trong cả hai danh sách được vinh danh năm 2002.

Trong năm 2002, các trường tiểu học và trung học của Mỹ đều chiếu cuốn video về những nhà khoa học, trong đó có tiến sĩ Tuấn, cho các học sinh xem như một chương trình ngoại khóa. Bà Hayward nói: "Chủ yếu để thế hệ trẻ Hoa Kỳ nhớ đến những nhà bác học của các dân tộc và màu da khác nhau đã có những đóng góp to lớn không những cho xứ sở Hoa Kỳ mà còn cho toàn thế giới".

Tiến sĩ Võ Đình Tuấn còn là viện sĩ Viện Hóa học Mỹ và là biên tập viên cũng như cố vấn của nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành. Ông đã đoạt năm giải thưởng nghiên cứu & phát triển (R&D) vào các năm 1981, 1987, 1992, 1994 và 1996; tác giả của hơn 300 công trình được in ấn trên các tạp chí khoa học.

Ông cũng nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế khác. Hiện nay, nhà khoa học tài năng này đang nghiên cứu cải tiến những công nghệ mới để sản xuất những thiết bị y khoa hiện đại, có kích thước nhỏ và giá thành thấp nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh.


Đứng đầu danh sách mà Creator Synetics công bố ngày 29.10 là nhà hóa học Thụy Sĩ Albert Hoffman (đã 101 tuổi, nổi tiếng thế giới như người phát minh ra LCD) và thiên tài máy tính người Anh Tim Berners - Lee (một trong những người sáng tạo ra mạng Internet). Ba người còn lại trong nhóm năm người đầu tiên là nhà đầu tư George Soros (Mỹ), Matt Groening (nhà làm phim hoạt hình châm biếm, Mỹ) và chính khách, cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.


Ngoài ra, danh sách cũng có những đại diện của Nga (nhà toán học Grigory Perelman đứng thứ 10 hay nhà chế tạo súng tự động nổi tiếng nhất thế giới Mikhail Kalashnikov ở vị trí 83), Brazil, Trung Quốc, Iran, Nhật Bản (nhà sáng chế robot Hiroshi Ishiguro), Ireland, Ba Lan, Đức, Canada, Philippines, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ấn Độ, New Zealand, Áo và Na Uy.

Chỉ có 15 phụ nữ trong nhóm 100 thiên tài còn sống này, trong đó có Joan Rowling - tác giả cuốn Harry Potter (Anh) và nữ diễn viên Meryl Streep (Mỹ). Nhiều người trong danh sách là những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa cộng đồng, ví dụ như ca sĩ Paul McCartney (Mỹ) và nhạc sĩ David Bowie (Anh), đạo diễn Quentin Tarantino (Mỹ), nhà văn Stephen King (Mỹ).

Theo danh sách này, Mỹ là nước có nhiều thiên tài đương đại nhất (43), tiếp đó là Anh (23), 13 nhân vật đến từ châu Âu và 11 từ châu Á, trong đó chỉ có một người châu Phi. Các báo Anh (Telegraph, Daily Mail) đưa tin này đã tự hào vương quốc Anh là nước có nhiều thiên tài đương đại tính theo bình quân đầu người nhất: cứ 2,5 triệu người Anh lại có một thiên tài đang còn sống. Mỹ xếp thứ hai với một thiên tài còn sống trên 6,9 triệu dân.
Trong một trả lời phỏng vấn đăng trên trang web của Trung tâm Lượng tử ánh sáng y sinh học của Viện Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) ở bang Tennessee, khi được hỏi: "Từ khi nào ông quyết định trở thành nhà khoa học?", tiến sĩ Võ Đình Tuấn đáp: "Chính cha mẹ đã truyền cho tôi giá trị của giáo dục và niềm say mê khoa học. Cha thường nói với tôi rằng không giống của cải vật chất có thể mất bất cứ khi nào, giáo dục sẽ đi cùng con tới cuối cuộc đời, ngay tại trường đại học tôi đã cân nhắc nghiêm túc việc nghiên cứu".

Theo lời ông, đó là vào đầu thập niên 1970, ngay sau cuộc "cách mạng sinh viên" năm 1968 tại Pháp và sau đó lan truyền khắp châu Âu. "Khi đó, sinh viên chúng tôi quan tâm tới rất nhiều đề tài, và chúng tôi thường đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống cũng như chủ đích của sự tồn tại. Trong lớp, chúng tôi đọc sách vật lý và hóa học, nhưng ra khỏi lớp chúng tôi bị nhận chìm trong sách của Albert Camus, Jean-Paul Sartre (các nhà văn, triết gia Pháp, được coi là ủng hộ chủ nghĩa hiện sinh), Carl Jung (nhà tâm lý học Thụy Sĩ, nhà sáng lập tâm lý học phân tích), và Jiddu Krishnamurti (nhà văn, nhà hùng biện Ấn Độ).

Hầu như ai trong chúng tôi cũng suy nghĩ và mộng mơ, thường rất ngây thơ và trong sáng, rằng ai đó trong chúng tôi sẽ "tái tạo thế giới". Trong một khía cạnh, "giai đoạn hiện sinh" trong đời sinh viên đó của tôi tiếp tục tác động tới suy nghĩ của tôi về nghiên cứu khoa học. Tôi tin là khoa học, đôi lúc cũng cần đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó và phải cải tạo chính nó để làm mới nó từ những tín điều và khuôn mẫu cũ”.

NGƯỜI VIỆT MÌNH GIỎI THIỆT (phần 2)

Hai vợ chồng tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và tiến sĩ Võ Thị Diệp từ những cư dân của một vùng hẻo lánh tại tỉnh Bạc Liêu đã trở thành những nhà khoa học tài năng của Trung tâm Không gian NASA, chi nhánh Marshall, thành phố Huntsville, bang Alabama, Mỹ. Ông Phước hiện là kỹ sư phi hành không gian, phụ trách phát triển động cơ hoả tiễn cho phi thuyền bay đi từ mặt trăng. Bà Diệp là kỹ sư vật liệu cấu trúc, sáng chế và thử nghiệm vật liệu dùng cho động cơ hoả tiễn nhiên liệu đặc của phi thuyền con thoi.
TS Diệp cho biết, bà sinh ra và lớn lên trong gia đình 9 anh em, ở một ngôi làng rất nhỏ ở tỉnh Bạc Liêu. Khi đặt chân tới đất Mỹ bà đã 17 tuổi; không thể vào trung học được vì phải đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Bà Diệp quyết định chỉ đi học tiếng Anh để thi bằng GED. Sau khi đậu được bằng GED, bà vào cao đẳng cộng đồng và vào được đại học của Mỹ, tiếp tục học lên đến bằng cao học. Sau khi đi làm được 1 năm bà học tiếp bằng tiến sĩ hoá học.
Tiến sĩ Phước thì qua Mỹ năm 1979. Ban ngày ông đi học, ban đêm làm gác cửa thuê cho các biệt thự để kiếm tiền sinh sống hoặc vào mấy xưởng bò làm thuê. Vào trường học, khi học sinh ăn trưa thì ông đi rửa chén để phụ thêm tiền học.
Tiến sĩ Phước: "Hồi tôi học xong cử nhân, NASA đã nhận tôi, nhưng do lúc đó, tôi vẫn chưa có quốc tịch Mỹ nên họ có hứa là sau này khi tôi có quốc tịch rồi, họ sẽ nhận tôi vào làm trong chương trình không gian của họ. Đến khi tôi lấy được quốc tịch hồi năm thứ nhất của cao học, tôi xin vào làm, thì họ cho tôi vừa làm vừa học hết cao học.

Khi tôi nhận bằng phát minh, tôi nhìn lại những người ngồi chung dãy bàn với tôi, tôi cảm thấy rất hãnh diện vì tôi xuất thân từ một làng quê nhỏ ở Việt Nam mà giờ đây đã ngồi ngang với những khoa học gia ở Mỹ .
Tôi nghĩ tôi may mắn thôi, chứ tôi nhìn bạn bè của tôi, tôi thấy rằng nếu có điều kiện họ cũng giống như tôi vậy. Phần nữa, tuổi trẻ nghĩ về tương lai, tôi ước ao sau này cũng được thành công như những người khác, điều này thúc đẩy tôi vượt qua hết những khó khăn.
Hồi mới qua, giống như bà xã tôi, tôi cũng chưa có bằng trung học ở Việt Nam, cho nên tôi phải học GED, giống như bổ túc văn hoá. Tôi đậu được GED 6 tháng sau khi đến Mỹ. 6 năm sau, tôi nhận bằng cao học và đi làm cho Cơ quan không gian NASA của Mỹ. Nhưng may mắn là họ rất khuyến khích mình đi học thêm. Cho nên, đến năm 2004 tôi lấy được bằng tiến sĩ ở trường University of Alabama ở thành phố Huntsville.
Theo tôi, chương trình không gian, mặc dù nói là của Mỹ, nhưng những khám phá ngoài không gian đều là của chung cho cả thế giới, chứ không riêng của Mỹ. Thứ hai, tôi quan niệm rằng một nhà khoa học thì chỗ nào mình có thể đóng góp được thì mình đóng góp, không phân biệt phải làm cho Mỹ hay cho Việt Nam hay cho một quốc gia nào khác. Nếu sau này tôi về hưu, có thể tôi sẽ dịch sách hay về Việt Nam dạy, hướng dẫn sinh viên về những kỹ thuật mà tôi đã học hỏi ở bên này.".
Tiến sĩ Diệp: "Phải cố gắng vì mình sống phải có mục đích. Cuộc đời bằng phẳng thì ai cũng có thể làm được hết, nhưng sự khó khăn mới là thách đố cho mình để học hỏi nhiều hơn. Con đường tiến thân duy nhất là con đường học vấn. Hồi mới qua Mỹ, tôi đi học về phải ghé vào nhà hàng làm thâu ngân. Có nhiều lúc buồn ngủ từ trong tim, trong ruột gan, tôi phải tự ngắt vào người mình cho đau điếng để tỉnh ngủ. Cuối tuần, tôi phải đến nhà người ta chùi dọn. Có nhiều lúc lau dọn nhà cho người ta, tôi suy nghĩ trong tương lai mình phải làm sao cho bằng họ.Thành ra, cuối cùng bây giờ, nói về vật chất thôi, những gì họ có trong nhà thì tôi cũng có khả năng có được như họ. Có nhiều khi tôi cũng suy nghĩ không biết nếu bây giờ tôi trở lại, những người đó sẽ nghĩ mình như thế nào, vì lúc đó họ nhìn mình với cặp mắt là một người lao công.
Riêng bản thân tôi, tôi có ước vọng là khi về già, tôi sẽ trở về Việt Nam mở trường dạy cho những đứa trẻ ở quê. Vì tôi lớn lên tại vùng quê, tôi thấy được có những người rất có khả năng, có tài trí. Tôi may mắn hơn những người khác là có được cơ hội thành công cho nên tôi thích về truyền đạt những kiến thức của mình cho thế hệ trẻ".

CÓ MỘT NGƯỜI VIỆT KHÁC CŨNG... GIỎI LUÔN !

Đi tìm một vài tấm hình minh hoạ cho entry anh chàng đầu bếp giỏi nhất nước Mỹ. Tìm hoài không có, trong khi đó hình món ăn do "một người Việt khác" thì nhiều quá trời. Mà coi bộ “người Việt” này cũng giỏi quá chừng nghen. ;) ;) :D :D
Có bận nhà thơ Lê Chí và nhà ẩm thực "tự phong" Phù Sa Lộc đi Hà Tiên về cho chủ blog một túi nấm tràm khô. Lẽ ra thì có nấm tràm tươi nhưng các bác để quên trên xe hơi và nhà văn Lê Văn Thảo đã chở tuốt về Sài Gòn. Nghe mà tiếc đứt ruột. Nấm tràm ngâm nước, rửa sạch cát, đem nấu canh với tép bạc (dân Bắc nói là tôm bóc nõn) và đủ thứ rau. Chèn ơi, cái vị đắng của nấm tràm nó mới... ngọt làm sao ! Nói thiệt đó !
Còn đây là nấm mối - loại nấm mắc nhất Việt Nam - do nhà báo Khoa Chiến đem qua cho. Một mớ đem xào, một mớ đem nấu canh rau tập tàng. Đặc biệt cả hai món này chỉ nêm với một thứ gia vị duy nhất là muối ớt, chỉ vậy mà thôi. Tự thân chất ngọt, mùi thơm của nấm mối sẽ là linh hồn của tất cả.

Ở xứ Nam Bộ mà không biết kho mắm thì coi như... bỏ, cũng như xưng danh dân miền Tây mà không biết uống rượu đế. Cá rô phải đem kho với mắm sặt Cà Mau mới đúng điệu, vừa thơm vừa mặn mòi, mắm Châu Đốc ngọt quá lại có màu đỏ coi không được tự nhiên. Thèm thiệt !

Cá rô nướng ăn kèm với rau răm, chấm với muối ớt. Tại vì dân thành thị bây giờ ám ảnh tiến bộ khoa học kỹ thuật nên khoái ăn muối I ốt, thành thử hương vị đồng quê phai nhạt ít nhiều. Đúng điệu cá rô phải nướng lửa rơm hoặc than củi, da cá cháy xém một tí; ớt hiểm phải đâm với muối cục, có vậy miếng cá nướng mới đậm đà hơn.


NGƯỜI VIỆT MÌNH GIỎI THIỆT (phần 1)

Tin hot nhất trong cữ cà phê sáng nay là chuyện một người Việt được xếp hạng thứ 43 trong 100 thiên tài đương đại. Ai cũng buột miệng: Dân mình giỏi thiệt nghen. Chị N.T.K.C thì điện thoại bảo: giới trẻ hiện nay cần những nhân vật như vậy để làm thần tượng.
Tôi thì khoái nhất những chuyện về dân xứ mình như vậy. Mò mẫm trên web tìm thông tin cho bà con đọc cho vui nghen !
Bắt đầu từ chuyện anh Huỳnh Quốc Hưng - người đoạt giải nấu ăn giỏi nhất nước Mỹ. Sở dĩ tôi chọn ông này đầu tiên vì tôi rất mê nấu ăn và tôi cũng nghĩ chuyện nấu nướng coi bộ quan trọng không kém gì chế tạo phi thuyền không gian đó nghen.

Theo báo chí nước ngoài đã đăng và blog tui "cọp" về thì đêm 3.10 mới đây, trong cuộc thi "Đầu Bếp Giỏi Nhất Nước Mỹ" (Đài truyền hình NBC, kênh Bravo tổ chức), anh Huỳnh Quốc Hưng, 29 tuổi, hiện đang là “phó bếp” của nhà hàng nổi tiếng Guy Savoy ở Las Vegas đã đoạt danh hiệu “Khôi Nguyên Ẩm Thực”.
Bí quyết đặc biệt của Hưng là nước mắm, một gia vị rất đặc biệt của Việt Nam. Hưng cho biết anh mê nấu ăn là từ mẹ của mình. Tốt nghiệp trung học, Hưng ghi danh vào trường chuyên nghiệp dậy nấu ăn của Hoa Kỳ A.O.S Culinary Arts, sau đó làm việc ở Puerto Rico 9 năm. Thời gian này, Hưng chuyên nấu các thức ăn Nhật và sau đó, để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, anh ghi danh học tiếp tại The Culinary Institute of America ở New York. Học xong, anh về làm ở nhà hàng Florida, rồi lại trở về làm ở nhà hàng tại New York, và một thời gian sau đến Las Vegas làm việc với tư cách là phó bếp cho nhà hàng Guy Savoy. Theo anh, nấu ăn là cả một nghệ thuật, và phải nấu bằng cả tấm lòng của mình.
“Nước mắm là một gia vị mà tôi rất thích. Chính vì vậy, món nào tôi cũng có thể nêm nó vào được. Khi tôi nêm nước mắm vào thức ăn tôi nấu, nó trở nên ngon miệng một cách lạ kỳ và không ai có thể biết được, nếu tôi không nói ra. Nước mắm mà tôi ưa dùng là nước mắm 3 con cua.
Điều buồn cười nhất là bất cứ món gì tôi cho nước mắm vào thì món đó được ưa thích nhất. Thí dụ, khi tôi nấu ở nhà hàng Guy Savoy, tôi có 10 món, trong đó có 3 món tôi nêm nước mắm vào, thì 3 món đó lại được khách hàng yêu cầu nhiều nhất, và, họ chẳng bao giờ biết là 3 món đó tôi đã phải nêm nước mắm vào mới trở nên ngon như thế. Tôi không dùng nước mắm nguyên thuỷ nhiều, mà tôi pha thêm nước chanh, hay dùng với cà chua, dấm...Trong cuộc thi chung kết, món đầu tiên tôi sử dụng hamachi, một loại cá của Nhật, và cà chua, dấm, và chế biến theo vị của món Thái.. Món thứ hai, tôi dùng tôm, đường, thịt heo muối, và nước mắm. Và món chính là thịt vịt với sả, mè. Bên cạnh đó, chính vì tôi biết cách làm thế nào để chọn các món ăn không mất nhiều thời gian nấu mà vẫn giữ được vị ngon của nó nên tôi đã thắng cuộc”.
Khi hỏi, điều gì đã làm cho anh vững tin bước vào cuộc thi và giúp cho anh thành công như thế ? Anh cho biết, chính nhờ mẹ anh, người đã hướng dẫn anh từ thuở ấu thơ, đã có ảnh hưởng lớn trên cách nấu nướng của anh:
“Mẹ tôi là một người chưa bao giờ đi học nấu ăn cả. Khi gia đình chúng tôi đến Mỹ, mẹ tôi đã cố gắng hết sức để giúp nhà hàng của ba tôi. Mẹ tôi chỉ biết nỗ lực cải tiến các món ăn và cách thức nấu để mỗi ngày đồ ăn được ngon hơn. Và các gia vị mẹ tôi chế biến thì thật tuyệt vời vì bà biết nêm nếm sao cho chua, ngọt, mặn... vừa đủ. Và hầu như món nào cũng thật tuyệt. Cho tới bây giờ, tôi cũng không biết tại sao mẹ tôi lại nấu ăn ngon như vậy. Tôi nghĩ là mẹ tôi đã truyền cho tôi sự đam mế nâú ăn, vì tôi rất thích ăn các món ăn do mẹ tôi nấu, và cũng chính bà đã dậy tôi nêm nếm như thế nào...”.

“Các cô dì của tôi đã phản đối và anh em họ của tôi cũng vậy. Ai cũng nói tôi đi học trường dậy nấu ăn là không có tương lai, sẽ làm việc cực nhọc trong bếp mà không được gì cả. Suốt cuộc đời sẽ chôn vùi trong nhà hàng. Nhưng tôi phản đối và nói rằng tôi sẽ quyết tâm làm cho tên tuổi của tôi nổi tiếng cùng với những món ăn mà tôi chế biến ra.
Ngay lúc đó, tôi đã tự lập một kế hoạch cho con đường tương lai của mình, không phải chỉ làm việc ở nhà hàng mà còn phải làm sao cho mọi người biết đến các món ăn do chính mình nấu. Chính vì vậy, tôi đã luôn cố gắng tự rèn luyện bản thân, không bao giờ ngừng lại, và luôn tự tìm tòi, học hỏi thêm..”.

“Tôi nghĩ là các bạn hãy lựa chọn cuộc sống cho chính bản thân mình. Chúng ta chỉ có một đời để sống và hãy sống cho chính bản thân mình. Đừng sợ hãi, và hãy tự khẳng định mình. Hãy làm việc thật chăm chỉ, cật lực và cuối cùng sẽ đạt được sự mong ước của mình.”

Thứ Hai, tháng 10 29, 2007

NGÀY XƯA NƠI NÀY LÀ DÒNG SÔNG

“Phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” – chân dung phố xá Cần Thơ những ngày triều cường hổm rày là như vậy đó. Lý giải chuyện này, trong buổi cà phê hôm qua, bác H.T liệt kê một loạt nguyên cớ: chuyện lòng sông bị bồi lắng mà người có trách nhiệm thì khoái đi đào kênh hơn, chuyện dân tình làm đê bao trên thượng nguồn Cửu Long. Tôi thì nghĩ đến chuyện mấy ông kiến trúc đô thị cứ tự do nâng cốt nền. Đường 3/2, Trần Hoàng Na, Trần Ngọc Quế… mới làm sau này đã nhấn chìm nhà dân xuống hẳn ½ mét, thì việc các con đường khác trở thành lòng chảo, thành một túi chứa nước cho thành phố là chuyện hiển nhiên. Thầy Xuân thì nghĩ xa hơn - đến chuyện các nước đang sử dụng chung con sông Mekong đã làm gì, đang làm gì trên dòng chảy của nó.

Tối qua, bác L.D xăng xái đi chụp hình như một nhiếp ảnh gia thứ thiệt (chỉ buồn là TN chưa đăng – khác với hổng đăng nghen bác L.D). Bác này là dân kinh doanh mà coi bộ cũng máu mê báo chí dữ. Bác còn rủ rê vô blog coi hình. Hình của bác thì hẳn nhiên là hổng đẹp bằng hình của chú Khả rồi, nhưng có một ý của bác L.D khiến tôi phải suy ngẫm – ngày xưa nơi này vốn là những dòng sông.
Chợt nhớ, trong bài “Người lưu giữ ký ức”, có một đoạn tôi đã viết như thế này: “Cách đây ngót cả thế kỷ, đại lộ Nguyễn An Ninh bây giờ là một con kênh chảy vào trung tâm thành phố Cần Thơ. Ghe xuồng chở dân quê đi khám bệnh ở đa khoa thường qua lại lối nầy. Trải qua bao dâu bể, kênh đã được bồi lấp, phố xá trở nên thênh thang, xe cộ dập dìu... Thế nhưng, ngôi nhà 108 vẫn trầm mặc nằm đó. Dường như dòng chảy cuộc đời không chạm vào được đến hiên nhà lợp ngói rêu phong này. Dễ chừng đến mấy thế hệ đàn bà trong ngôi nhà ấy vẫn không sao thay đổi được nếp nghĩ - ngày xưa phố là dòng sông ! Đến giờ, họ vẫn sai bảo con cháu trong nhà rằng – “Sắp nhỏ qua bên... sông mua dùm bà tí đường, tí muối”. Không gian trầm mặc đó cứ thấm đẫm, thấm đẫm khiến người đàn ông duy nhất còn lại trong ngôi nhà lại say mê đi tìm, đi lưu giữ những dấu vết xưa”… (xem nguyên văn ở blog Dấu Xưa Nam Bộ).

Mà đâu mỗi chuyện lấp sông, ngăn dòng chảy. Dòng chảy MeKong đã trở nên bất thường hơn bao giờ hết. Những đổi thay dòng chảy, những chặn dòng cửa sông… đã đảo lộn tùng phèo mọi thứ. Cây lúa ma không còn, phù sa bồi đắp không thuận theo con nước như hồi xưa... Cùng với dòng chảy thời gian tâm tính con người cũng theo đó mà đổi thay. Dường như với một ám ảnh mình là sinh vật cấp cao đã khiến con người ngày càng trở nên quyết đoán một cách lạnh lùng. Họ không ngừng chứng tỏ cái mạnh, cái ưu việt của mình bằng cách biến chuyển thế giới, đổi thay triệt để những gì được coi là trật tự của thiên nhiên.

Con sông MeKong không còn hiền hoà như xưa. Và theo đó tâm tính con người liệu có an nhiên tĩnh tại như thưở nào.

Chủ Nhật, tháng 10 28, 2007

CON TRAI PHẠM XUÂN ẨN


"Năm 1983, người con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân sang Liên Xô học đại học 5 năm, lúc đầu học ở Học viện ngoại ngữ Minsk sau chuyển sang khoa Phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Matxcova mang tên Mauris Thorez. Phạm Ân tốt nghiệp hạng ưu, thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh và viết luận văn ngôn ngữ học về đề tài dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh một đoạn trích từ sách của A.A. Kurznetsova "Bên bờ sông Mê Công và sông Hồng".

Sau khi tốt nghiệp, Phạm Ân trở về quê nhà. Sau này, anh đã viết về cảm xúc của mình sau khi du học trở về "Khi máy bay bắt đầu hạ cánh, tim tôi đập rộn ràng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đây rồi, thành phố thân yêu của tôi. Vậy là sáu mùa hè kể từ khi tôi rời mảnh đất này. Cổng nhà tôi vẫn mở, tôi cảm nhận được cái nóng tháng tám đang sưởi ấm dần trái tim lạnh giá vì mùa đông Matxcova của tôi. Một làn gió nhẹ mơn man làn da tôi. Và tại nơi đây, tôi lại được tắm dưới ánh nắng mặt trời giữa màu xanh của cỏ cây. Tôi đưa mắt tìm kiếm những khuôn mặt thân quen. Đây rồi người mẹ thân yêu nhất của tôi và cả các em trai, em gái của tôi nữa. Thời gian đã để lại trên đầu mẹ những sợi tóc bạc, những nếp nhăn trên má. Nhưng cám ơn Chúa, mẹ trông vẫn khỏe mạnh và hạnh phúc. Nước mắt. Những cái hôn. Và vòng tay của mẹ tôi... Chuông bỗng vang lên. Tôi thấy con chó quay ra phía cổng sủa to lên một tiếng. Ba tôi xuất hiện ngay bên ngưỡng cửa. Ba chạy ra, mở toang cửa. Ba nhìn không già hơn, nhưng gầy hơn nhiều. Lưng ba đã bắt đầu còng hơn trước do sức nặng của cuộc sống bận rộn và vất vả... Niềm vui và hạnh phúc tràn ngập trong tôi, tại buổi sum họp gia đình này."

Phạm Xuân Ẩn từng sống và làm việc với người Mỹ trước khi có cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông từng đánh giá cao người Mỹ. Sau chiến tranh, tất nhiên Phạm Xuân Ẩn muốn con trai mình cũng như vậy. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đảng dạy tôi những điều về hệ tư tưởng. Từ người Mỹ, tôi học được những điều quan trọng khác về nghề báo và phương pháp tư duy. Đó là điều tôi muốn con mình cũng học được như vậy. Tôi muốn con trai tôi có những người bạn là người Mỹ"

Phạm Xuân Ẩn tin tưởng rằng con trai mình có thể đại diện cho một cây cầu mới nối giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh.

Hoàng Ân đã học hai năm ở trường đại học North Carolina, làm việc một nửa thời gian tại thư viện của nhà trường và có một kỳ thực tập ngắn tại tòa báo, giống hệt như cha mình đã từng làm trước đó 30 năm tại báo Sacramento Bee. Trong một cử chỉ gợi nhớ về Phạm Xuân Ẩn - Ân chạy đến chiếc ngăn kéo trong phòng đọc sách của gia đình, rồi rút ra các mẩu cắt báo những bài mình đã viết.

Bài đầu tiên khiến tôi gần như không còn nghi ngờ gì về sự ảnh hưởng từ bóng dáng của người cha, nhưng đồng thời Ân cũng có những nét riêng. Bài báo xuất hiện trên tờ Chapel Hill Herald-Sun số ra ngày 29/5/1993, có tựa đề "Nơi che chở động vật điều trị, phóng thích những con vịt bị thương" được ký tên "Ân Phạm, phóng viên".

Năm 1993, Ân trở lại Việt Nam để bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao. Năm 1999, Ân giành được học bổng Fulbright, được học một khóa tại khoa luật trường đại học Duke, Mỹ. Khi Ân cần sự giúp đỡ về tài chính để dự thêm một học kỳ mùa hè tại trường đại học Duke, chủ tịch trường đại học North Carolina Spangler đã không ngần ngại giúp. Trong thời gian Tổng thống Mỹ George W. Bush thăm Việt Nam tháng 9/2006, Phạm Xuân Hoàng Ân được chọn làm phiên dịch cho cuộc trao đổi giữa Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ân nói: "Tôi ước gì ba tôi có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này".
"Trích cuốn "Điệp viên hoàn hảo" - Tác giả: Larry Berman,

The Island


The Island


No man is an island, entire of itself;

Every man is a piece of the continent, a part of the main;

If a clod be washed away by the sea, Europe is the less.

Any man's death diminishes me, because I am involved in mankind;

And therefore never send to know for whom the bell tolls; it tolls for thee.

(John Donne)


Không cá nhân nào có thể là ốc đảo;

Mỗi con người là một phần lục địa,

Một phần của cái chung

Dù chỉ một hòn đất bị biển cuốn đi

Cả Châu Âu sẽ không còn toàn vẹn

Bất cứ sự ra đi của cá nhân nào

Cũng làm tôi tổn hao

Vì tôi là một phần của nhân loại

Vậy đừng hỏi chuông nguyện hồn ai

Chuông nguyện hồn chính anh đó

BẬT MÁY TÍNH

Một anh bạn hàng xóm nhắn với tôi thi thoảng nên “Kéo rèm cửa”, vì những chuyện bên ngoài tôi đã và đang cảm nhận dễ thương vô cùng, xúc động vô cùng.

Cũng nhận biết như vậy. Vậy mà sáng nay thay vì “Kéo rèm cửa” tôi lại với tay… bật máy tính !

Mở hú hoạ blog của ông anh bạn ở xứ cù lao. Hổm rày vì chuyện riêng của gia đình nên blog của anh cứ vắng tanh, nguội lạnh. Tự dưng tôi thấy mình mất đi một nơi để bấu víu, để sẻ chia.

Thật may. Chủ nhân ngôi nhà đã quay lại chăm nom, quét tước, sửa sang. Ảnh đã nói như vầy:

“Rồi tôi cũng quay lại blog của mình. Giống như một người đi xa giờ đây trở về căn nhà cũ, tôi lặng lẽ ngắm nhìn căn nhà xiêu vẹo của mình. Đó là nhà của tôi, căn nhà dột nát và đầy mối mọt kia là nhà của tôi, nó giống như tôi, hoang tàn, hoang tàn. Tôi biết những ngày tôi vắng mặt vẫn có những khách ghé thăm và buột miệng, sao thế này, sao lại thế này? Xin hiểu cho tôi, tôi chỉ có bao nhiêu đó, hay đúng hơn bây giờ tôi chỉ có bao nhiêu đó thôi, bây giờ tôi chỉ có thể làm một căn nhà như vậy, không thể khác hơn. Khách ghé thăm xin lượng thứ. Và tôi đang vội vã dọn dẹp đây. Nắng tới rồi, mưa tới rồi, có khi có cả giông bão nữa. Tôi vẫn cần có một nơi trú ẩn cho mình. Lời nói của Đức Phật: Con người là nơi ẩn của chính mình, có thể tìm nơi nào khác được sao? Tôi trú ẩn trong căn nhà này, dẫu nó xiêu vẹo và dột nát. Mặc nắng mưa. Mặc tiếng thị phi”.

Chợt giật mình. Vì lẽ mình có trú ẩn được ngay trong chính mình hay không !

Nhìn sang blog của Trọng Phước - một đồng nghiệp trẻ dễ thương. Lại thấy hắn viết sau một đêm thức trắng trực toà soạn.

“Mấy tuần vừa rồi trên blog tràn ngập thông tin về vụ sập cầu CT. Trên báo cũng vậy. Có mình là không muốn bàn nữa. Ngày đầu tiên cầu sập là ngày mình trực báo. Nếu bạn đọc xem 10 tấm ảnh trên Thanh Niên có nghĩa là mình xem chừng 100 tấm trước khi chọn ra 10 tấm. Máu, xác người, quan tài, thân thể, sắt nhọn... tất cả làm mình phải tự trấn tĩnh để đọc bài cho các bạn đọc ngày mai... 2 giờ sáng bước ra khỏi tòa sọan về đến nhà. Khó ngủ.
Tất cả những gì hãi hùng nhất bạn đọc không được thấy vì tính nhân văn và nhân đạo. Có những người đã nhận phần đó cho bạn đọc...
Tối hôm kia, tôi đã quyết định cắt đi 1 đọan trong bài báo, có lẽ bạn PV rất tâm đắc, nhưng tôi đã lặng lẽ không cho đăng. Bạn viết có 1 chàng trai bị nạn trong vụ sập cầu, đang hôn mê và nguy kịch. Nhưng để yên lòng bố mẹ già ở quê, người bà con hay anh em gì đó vào CT nuôi bệnh nói dối là không sao. Đọan viết rất chân thành và hay hơn tôi kể ở đây, nhưng tôi nghĩ rồi mai báo đăng chính bài viết là nỗi đau cho bố mẹ anh ta... Có khi người viết vô tình không nghĩ, có lúc rồi tôi cũng sẽ vô tình không nghĩ, nhưng nếu đã nghĩ thì thà bạn đọc biết ít đi còn hơn ...
Tự nhiên tôi nghĩ, bình thường chúng ta tôn vinh nhà báo khi họ viết sự thật, cho chúng ta biết sự thật. Nhưng họ còn xứng đáng được tôn vinh vì họ đã chịu đựng sự thật đôi khi nhiều hơn chúng ta - bạn đọc - Mà sự thật thường thì nghiệt ngã! Phải không ?”.
Thấy vui vì đồng nghiệp trẻ của mình đã "lớn" tự bao giờ. Điều mà tôi sợ nhất là liệu những gì mình viết ra có phương hại đến ai, có làm tổn thương ai đó hay không ? Anh X.Hoà ở Nha Trang lâu lâu lại nhắc mình hãy tập thở và cười như thầy Nhất Hạnh đã dạy. Ôi chao ! Thầy là bậc thánh nhân. Còn tôi là kẻ phàm phu. Thở dài. Thở hắt. Thở dồn dập. Đó là trạng thái thường trực trong tôi. Ngay cả cười cũng vậy. Đôi khi không tự chủ bản thân, lại thấy mình có nụ cười nhếch mép, cười vu vơ không điểm đến. Miệng cười mà lòng nguội tanh. Cuộc sống nào khiến con người ta phải vậy. Phải chăng chính một phần yếu đuối, nhỏ nhen ẩn khuất trong mỗi con người đã khiến tôi làm ra như vậy. Lòng yêu thương có đủ để tôi sống tốt trên cuộc đời này.

Trở lại chuyện ông anh bạn ở xứ cù lao. Ảnh rất mê “Con đường đau khổ” của Aleksei Tolstoy. Ảnh thuộc nằm lòng đoạn nhân vật Rostin chia tay vợ của mình: “Năm tháng sẽ trôi qua. Những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần. Những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét. Chỉ còn lại không phôi pha trong tấm lòng em nhẫn nại, đôi mắt dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”.
Anh bạn nói rằng: đoạn văn đó đã ám ảnh anh một thời, đã khiến anh quên đi hết những phần còn lại của cuốn sách nổi tiếng. Và nó đã làm nguội lạnh ngọn lửa của một một người trẻ đang trong một cuộc hừng hực, cuồng mê.

Cuối tuần mở máy tính. Tự dưng thấy tình yêu thương, lòng bao dung có bao giờ là đủ trên cõi đời này.

Thứ Năm, tháng 10 25, 2007

CHO MỘT THẰNG EM


Củ ấu trên xứ người trông đẹp quá phải không K.? Cũng màu vỏ đen sẫm, cũng lớp bột trắng ngần, lại thêm chiếc dĩa tiện bằng khúc tre.

Nhưng em cứ nhìn kỹ đi. Nó có chút hồn vía nào của quê mình hay không ?

Em còn nhớ, chuyến đi từ Cao Lãnh về Sa Đéc ? Một con đường quê với những bà mẹ quê, em gái quê... ngồi sau những thúng củ ấu luộc chất đầy vun có ngọn. Khói của bếp lửa luộc ấu xen lẫn với khói đốt đồng đằng sau đã khiến chị, khiến em ngẩn người.

Tên tuổi của em cũng từ đó mà ra thằng nhỏ chăn trâu à !

Chủ Nhật, tháng 10 21, 2007

ĐIỆU TANGO CHO BÀ CECILIA


Tin hot nhất trong tuần qua là gì sau những vụ hết sức tào lao mà cũng hết sức là... báo chí như Vàng Anh, như cô Chanh, như Cô Gái Đồ Long Đao gì đó. Có lẽ chỉ là "Vợ chồng Tổng thống Pháp - Đường ai nấy đi" (rất thích tựa bài nầy trên T.T).

Chiều này ngồi tào lao với bác Tr., bác L.D lại xoay quanh vấn đề này. Tôi bảo - làm đệ nhất phu nhân đâu hẳn là sướng. Bác L.D gật gù - chắc hẳn bác ta nghĩ đến chuyện... iu đương của bà Cecilia (!). Bác Tr. hỏi một câu: Nếu vợ chồng T.T mình mà ly dị thì sao ta ? (Ông này hay có những câu hỏi... khác người !). Tôi nghĩ ngay đến một tựa bài báo không thể nào hay hơn: "Phu nhân T.T nói: Chẳng thà tui về quê cắm câu còn sướng hơn".

Thiệt tình là vậy đó. Cứ nghĩ cảnh phải đóng lệ bộ tháp tùng chồng bôn ba xứ người; rồi nội cảnh phải đi sao cho đúng bộ; cầm dao, muỗng, nĩa sao cho đúng phép tắc... là đủ oải. Cánh phóng viên kinh nghiệm trận mạc đầy mình mà đeo theo các chuyến công cán như vậy còn bở hơi tai nói chi đến các phu nhân. Thành thử nếu phu nhân mà cho phép thì tui đây sẵn sàng làm một bài đại loại như - Phu nhân sau 100 ngày nhậm chức - Sau những chuyến công cán phu nhân chỉ thèm ăn cá kho quẹt - Phu nhân vẫn cười lịch thiệp dù ngán đến tận cổ dĩa thịt xông khói - vân vân và vân vân - có lẽ hot lắm đây.

Trở lại vợ chồng ông Sarkozy. Theo BBC thì mặc dù ông Nicolas Sarkozy và bà Cecilia tuyên bố li dị sau 11 năm lấy nhau nhưng ông vẫn còn đeo nhẫn cưới tại các cuộc đàm phán về hiệp ước cải cách EU tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Tôi chẳng quan tâm đến thông tin dạng này, chỉ nhìn hơi lâu tấm ảnh. Có ngay 2 nhận xét: nhẫn cưới của ông ta quá xấu và đơn điệu; bàn tay của ông lại càng xấu hơn (!). Nhớ khi đi tản bộ ngang qua điện Élysee mới đây, tôi và một người bạn đã đề cập nhiều đến ông Sarkozy. Cả hai đều có chung một ý nghĩ là ông ta quá chán và không điển hình so với những gì người ta hay hình dung về một Tổng Thống Pháp, về một người đàn ông Pháp. Ít nhất khuôn mặt phải trữ tình như Jacques Chirac, như Francois Mitterrand chẳng hạn. Nhưng người bạn tôi cũng nói rằng, trong khi nước Pháp đang cực kỳ sốt ruột vì điệu tango của mình trong mọi lĩnh vực thì họ phải cần đến tính cách quyết đoán như ông ta.
Nhưng khổ nổi, dù cho là đệ nhất phu nhân đi chăng nữa thì bà Cecilia cũng chỉ là phụ nữ bạn ơi. Và dĩ nhiên bà ta thích điệu tango ! Thế nên đường ai nấy đi là điều dễ hiểu nhé ông Sarkozy !
Lại ước giá như Công nương Diana có một chút chi quyết đoán như bà Cecilia. Nhưng vậy mới là cuộc đời phải không !

Thứ Bảy, tháng 10 20, 2007

CẦU QUA SÔNG SEINE



Cầu Alexandre - III (Pont Alexandre-III) là một trong những cây cầu đẹp nhất Paris. Cây cầu này bắc qua sông Seine giữa quận 7 và quận 8. Đây là quà tặng của Sa Hoàng Alexandre III nhân dịp triễn lãm quốc tế tại Paris năm 1900. Viên đá đầu tiên được đặt xuống bởi sa hoàng Nicolas II của Nga - con trai của Alexandre III - vào năm 1896 và năm 1990 Nicolas II đã khánh thành cây cầu vào dịp Triển lãm thế giới.
Cây cầu nằm trên trục từ Invalides, qua sông là đại lộ Winston Churchill. Cầu Alexandre - III bằng kim loại, rộng 40 mét, dài 107 m với ba điểm nối. Chỉ có một nhịp, cầu được bắc qua sông Seine không có cột chống nào ở trung gian. Ở mỗi hai đầu cầu, có hai cột lớn bằng đá. Trên đỉnh cột là các bức tượng kim loại màu vàng. Trên cây cột bên tả ngạn về phía hạ lưu có ghi: "Ngày 14 tháng 4 năm 1900, Tổng thống Cộng hòa Pháp Émile Loubet mở Triển lãm thế giới và khánh thành cầu Alexandre-III". Năm 1975, cầu Alexandre-III được công nhận là công trình lịch sử của Pháp.

GIẤC MƠ SÁNG THỨ BẢY

Sáng thứ Bảy. Cà phê sáng được bắt đầu trễ hơn thường lệ 1 tiếng và chồng thì không phải quýnh quáng với công việc để được ngồi lâu hơn một tí. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi của cả một tuần.

Một điếu xì gà được… 4 ông chuyền tay nhau hút một cách… khoái trá ! Bé Mừng đem lộn ly cà phê cho bác H.T nhưng hổng thấy ổng nói năng, cáu giận gì ! Có lẽ ông này đang tập toạ thiền, tĩnh tâm cho cái lưng bớt hành hạ !

Một anh bạn đồng nghiệp buột miệng nói vu vơ: “Giờ tui chỉ ước làm sao mình có cuộc đời công chức giống như ba mình hồi xưa vậy đó”. Cả bàn cà phê - vốn đang dư thời giờ - lại thử định nghĩa đời công chức là sao ? Đại khái là thứ Bảy, Chủ Nhật được chở vợ, chở con đi dạo phố xá; được sửa sang cái này cái nọ; được nằm khểnh đọc báo; nói chung là được làm những cái gì mà Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu không thể nào có được.

Lại thử hỏi - Liệu có được không ta !

Đôi lúc đây là một đòi hỏi thật xa xỉ đối với chính tôi khi báo ngày nào cũng in, mạng internet ngày nào cũng cập nhật. Điện thoại không khi nào được tắt, tất tật báo chí ra trong ngày phải lướt mắt qua hết, sếp thì có thể gọi điện bất cứ lúc nào và nếu hỏi bất cứ cái gì thì ta cũng cũng phải biết… vân vân và vân vân.

Đôi lúc tôi cũng thử bỏ bê công việc một ngày xem sao. Dặn dò với nhân viên là mình bữa nay không đến văn phòng, có chuyện gì khẩn cấp lắm thì hãy gọi điện. Trườn mình khoan khoái định bụng ngủ nướng cho đã tấm thân (vậy mà không hiểu sao chỉ nằm đến 6h30 phút sáng là thấy bứt rứt trong mình). Xuống bếp pha một tách cà phê, một ấm trà đem lên sân thượng uống. Nhân tiện tưới mấy cây mai, lại phát hiện lại thêm mấy giò lan đang chuẩn bị nở hoa. Nhấp một ngụm cà phê - tự nhiên thấy cà phê… hơi dở dở (không biết tại mình pha dở hơn bé Mừng hay tại thiếu… không khí quán xá !). Mà cũng lạ, làm gì, ở đâu trong ngôi nhà thân quen của mình mà mình lại cứ ngóng tai nghe điện thoại. Lại nhờ con trai chỉnh giùm mẹ cái điện thoại cầm tay vì sợ… chuông đổ nhỏ quá mình không nghe ! Đem một đống áo quần ra định ủi nhưng đi ngang qua máy tính lại sà vào lướt net. Lại thông tin, lại bức xúc, lại bàn tán… Không dưng lại điện vào văn phòng hỏi xem có chuyện gì không. Em thư ký văn phòng bảo chẳng có gì biến động, công việc vẫn chạy ngon ơ !

Hoá ra, tôi đang… nghiện công việc mất rồi ! Và đôi khi, ước mơ chỉ để mà ước mơ.

Thứ Sáu, tháng 10 19, 2007

TÔI MƠ GÌ !

Một anh bạn sau khi đọc bài thơ của Trần Dần đã suy ngẫm như thế này:
"Tôi khóc cho người mơ mình bay
Tôi khóc cho người ngỡ có chân trời
Tôi khóc cho người nằm mơ về một giấc mơ
Có cánh
Tôi tự cười mình
Một kẻ ngu ngơ"
Tự dưng lại day dứt - Tôi mơ gì !
Liệu có một chân trời ở nơi xa lắm !

Thứ Ba, tháng 10 16, 2007

RỖNG KHÔNG



Tôi khóc những
chân trời
không

người bay

Lại khóc những người bay
không có
chân trời


(Trần Dần)

CÁCH MẠNG TÌNH DỤC ĐÓ Ư !

Trước nhà thờ Đức Bà Paris

1. Tối qua, Đài truyền hình quốc gia dành hẳn 10 phút để Vàng Anh… chia tay khán giả. Chia tay trong nước mắt – dù rằng nước mắt của mấy cô bé Hà Nội sao thấy giả giả - cả nước mắt của đạo diễn, của nam nữ diễn viên có tuổi. Và chia tay trong lời dẫn của cô MC dân Lạng Sơn với hàm ý trách móc dư luận, trách móc báo chí, trách móc cộng đồng blogger quá ác với Vàng Anh (?). Nhà đài cũng tuyên bố ngưng phát sóng phim V.A theo yêu cầu của nhà đài (phải vậy thôi) và theo… chính yêu cầu của V.A (Trời ơi !).

Vàng Anh là ai ?

Một cô bé 19 tuổi - diễn viên của một bộ phim tuổi teen cực hot - bị tung những cảnh phòng the của chính mình lên internet.

Dường như cả cộng đồng blogger đêm nay không ngủ. 11 giờ 30 đêm đã thấy những bài bình luận, những comment trên các trang blog của yahoo, của google, của vnweblogs.

Đã có nhiều entry của những nhà báo tên tuổi góp phần. Đa phần là bảo vệ Vàng Anh và chưởi cha một lá cải to tướng cho… những tờ báo nào dám xúc phạm đến đời tư, đến quyền ân ái… nói chung là nhân phẩm Vàng Anh (!).

Trước một biển thông tin như thế tự dưng tôi… choáng !

2. Không hiểu tôi có lạc hậu không, chứ thiệt tình đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu nổi tại sao một đài truyền hình quốc gia lại làm cái chuyện tào lao như thế.

Và tôi cũng không sao hiểu nổi, sau khi một chuyện kinh thiên động địa đến như vậy xảy ra mà cô bé này còn đủ bình tĩnh son phấn, xống áo chỉnh tề để rồi… chường mặt ra bàn dân thiên hạ khóc lóc, nỉ non rằng… bây giờ em chỉ muốn một đêm ngủ ngon mà thôi ! Hàng xóm của cha mẹ V.A lúc này sẽ nghĩ gì khi họ xem tivi.

Tôi cũng chẳng hiểu tại làm sao mà mọi người lại bênh vực cô bé ghê như vậy. Nếu con mình, em mình như vậy thì sao ? Tôi dám chắc mấy tên nhà báo đang bênh vực V.A sẽ đóng kín cửa, nhìn trước, ngó sau nhà hàng xóm rồi thẳng tay… táng một bạt tai vô mặt em mình, con mình một cái như trời giáng và cấm nó khóc bù lu, bù loa vì sợ láng giềng nghe được mang nhục. Tôi chắc mẻm 100% như vậy.

3. Quả là xã hội hiện nay đang chấp nhận một lối sống càng ngày càng xa rời quan niệm phương Đông. Thoáng, mở hơn những gì mọi người tưởng. Không chỉ riêng một chuyện V.A.
Lướt vội qua các blog của một số nhà báo… nữ – có chút xíu tên tuổi, báo trong Nam, báo ngoài Bắc - thấy các blogger cứ thoải mái kể lể chuyện yêu đương, ân ái; thoải mái chưởi thề; thoải mái diễn tả những chuyện trời ơi… Vi Thuỳ Linh xem ra còn ngoan hiền gấp bội phần. Tôi đồ rằng làn sóng, tạm gọi là “cách mạng tình dục” này sẽ còn dâng lên bội phần sau vụ Vàng Anh được nhà đài và một số nhà báo… phục hồi nhân phẩm (!).
Và nếu luận theo những gì mà T.T và VTV đã đăng tải thì tôi đây khi viết entry này là đang "đàm tiếu" chuyện thiên hạ, là không "nhân ái" và chưa hẳn đã là... con Người (!).

4. Cố tìm mấy cuốn nhật ký vàng ố để xem hồi 19 tuổi tôi đã… yêu như thế nào !
Hai mươi năm trôi qua. Một cuộc cách mạng tình dục mới khiến tôi xây xẩm mặt mày.
Choáng váng hơn khi sực nhớ thằng con tôi nay đã 16 tuổi rồi !

Chủ Nhật, tháng 10 14, 2007

CHẢNH ƠI LÀ CHẢNH !

Trưa nay buồn tình nấu một hơi mấy món ăn rất chi là “thương nhớ đồng quê”. Nè, cá lóc kho lạt, bằm một ít xoài xanh, lại thêm mớ đậu rồng non mướt. Ba con cá rô đồng mập ú ụ thì đem nấu canh cải xanh, có một ít gừng xắt sợi. Nước mắm Phú Quốc dầm ớt hiểm. H.G ở S.Gòn có lẽ… ghen tị nên nhắn tin ỏm tỏi (!).

Dông dài vài hàng tưởng chừng hổng liên quan gì đến mấy tấm hình trong entry này nhưng sự thể lại là vầy. Trước khi lấy được vé máy bay đi Pháp, tôi đã phải trần ai khoai củ với mấy cái vụ đi làm visa. Gởi hồ sơ ra Hà Nội rồi lại phải bổ sung bởi lẽ: “Sao mầy lại chụp hình 5,5 X 5,5 như là xin đi Mỹ vậy. Tụi tao chỉ sử dụng chuẩn 4 X 6 thôi”. Hừm. Lại bổ sung ! Chuyện dịch thuật một lô một lốc giấy tờ của chồng, của con vẫn không… tự ái dân tộc bằng việc phải làm một tờ cam đoan rằng sẽ quay về Việt Nam khi xong việc (!). Lạ thiệt á ! Nhà mình mà mình không quay về thì đi đâu, dẫu cho ngôi nhà ấy có rách nát đến đâu. Đúng là mấy cái thủ tục xin visa nầy quá trời là chảnh. Đang khi bực bội, cầm tờ báo sáng nay lên. Đập vào mắt tôi mẩu tin, Chính phủ Singapore tuyên án tù 5 anh Việt Nam vì tội… ăn cắp. Ăn cắp toàn hàng hiệu cỡ Ralph Lauren, Calvin Klein, Armani Exchange ở Orchard Road; lại chuyên đi bằng đường… air (!). Nghe cũng sang cả dữ hén nhưng thiệt là nhục cho quốc thể. Ngẫm lại, bất cứ điều gì trên cõi đời này cũng có căn nguyên.

Trở lại chuyện sống ở đâu thì sướng. Bất cứ sự việc gì trên cõi đời này cũng đều có tính hai mặt. Biết đâu là hạnh phúc. Biết đâu là trần ai. Như anh Hùng, nguyên là lính phi công ở sân bay Phù Cát, qua Pháp từ năm 1977. Cũng dằn vặt, cũng nghĩ suy, cũng chọn chọn, lựa lựa… rốt cùng mấy chục năm nay giàu lên với nghề lái taxi ở Paris. Chuyện xưa quên hết, giờ ảnh chỉ mong lâu về quê để ăn, để uống, để nghe… thanh âm tiếng Việt. Nhiều người cũng nghĩ như anh Hùng, vậy nên cứ tới Tết kiếm một cái vé máy bay là trần ai.

Ngồi ở quán Hương Bình, quận 13 ăn một tô phở giá 9 euro. Mấy người bạn cứ hỏi, ngon không, giống Việt Nam không ? Tối ghé quán Lào Việt, nhậu tưng bừng và vẫn là tám chuyện Việt Nam, hẹn về Việt Nam… nhậu tiếp.
Sang, một tài xế taxi người Việt chở tôi loanh quanh phố xá Paris và rủ rê về quận 13... nói tiếng Việt cho sướng. Vậy là quá tốt cho một tên mù mờ tiếng Pháp, lãng đãng tiếng Anh như tôi.

Thấy một bổn tiệm uốn tóc Thảo Ly Hương là coi như biết phố Việt rồi.

Coi bộ giống phố xá Sài Gòn dữ hén !

Quán phở 14 này khá nổi tiếng nhưng ông chủ quán hơi bị chảnh, người Việt qua công tác hoặc đi du lịch hay ghé đây. Còn Việt Kiều hình như hay ghé quán Phở Hương Bình hơn (nơi ông Tây vừa bước ra). Chủ quán là dân gốc Huế, bà giúp việc dân Bắc 54, thằng chạy bàn là người Hoa đang tập nói tiếng Việt, khách ăn có một số là người Lào gốc Việt, lại thêm mấy thằng Tây. Vui đáo để !

Có thể gọi phở, bánh canh, mì Quảng (Nam), bún bò Huế, bánh xèo... Một tô 9 euro, to ú ụ, lá rau thơm bự tổ chảng, mùi vị hổng thơm nhưng có cái... rửa rau sạch hơn bên mình !

Làm ngay một tô phở. Tay chủ quán nhìn đồng hương mời... một ly trà nóng, hổng tính tiền !



Thứ Bảy, tháng 10 13, 2007

CHÀO CÔNG NƯƠNG

Đến Paris, một trong những nơi tôi muốn thăm nhất là... đường hầm định mệnh của công nương Diana - người mà tôi rất có cảm tình.

Đã mười năm trôi qua. Phố xá Paris về đêm vẫn lung linh, hào nhoáng.

Xe cộ vẫn nối đuôi nhau lao vun vút dưới đường hầm của chiếc cầu Alma.

Nhưng tại nơi tưởng niệm, du khách vẫn đến, để lại vài bưu thiếp, vài tấm ảnh...

hay hơn nữa là cả một lá thư...

Công nương bao giờ cũng vậy. Rạng rỡ cười. Tinh tế. Dịu hiền. Và rất đáng thương...

Ngọn lửa tưởng niệm vẫn cháy ngày này qua ngày nọ, cũng như dòng người đến thăm... Tôi đã đến lúc 9 giờ tối, giờ Paris. Mười năm qua đi, những người còn sống bây giờ ra sao ? Thử xem AFP nói gì.
* Hoàng tử William, 25 tuổi và Hoàng tử Harry, 22 tuổi, lần lượt là những người có quyền kế vị ngai vàng thứ 2 và thứ 3 sau cha là Thái tử Charles. Theo truyền thống của những nam giới trong hoàng gia Anh, cả hai đã gia nhập các lực lượng vũ trang. Giới truyền thông đưa tin rùm beng về mối quan hệ của hai hoàng tử với các cô người yêu không kém gì cách họ từng làm đối với Công nương Diana cho tới tận ngay sau khi bà qua đời.

* Thái tử Charles, hiện 58 tuổi, vẫn chờ được đăng quang trong khi mẹ của ông là Nữ hoàng Elizabeth II dường như chưa có ý định thoái vị. Thái tử đã bị chỉ trích sau cái chết của Công nương vì mối quan hệ ngoài hôn nhân với người tình lâu năm Camilla Parker-Bowles.
* Nữ hoàng Elizabeth II đã giành lại được cảm tình của các thần dân như khi mới đăng quang năm 1952. Sự thương tiếc của công chúng từng biến thành cơn thịnh nộ khi Nữ hoàng đã không phát biểu trên truyền hình và Điện Buckingham cũng không treo cờ rủ cho tới tận ngày diễn ra đám tang của Công nương. Sự tức giận của người dân đối với thái độ hờ hững của hoàng gia không chỉ là tổn thất đối với nền quân chủ mà còn dấy nên những câu hỏi về tương lai của chế độ này.

* "Tình địch" Camilla, 60 tuổi, trở thành nữ Công tước xứ Cornwall sau đám cưới với Thái tử Charles năm 2005. Mối tình của họ bắt đầu từ những năm 1970 trước cả khi hai người lập gia đình riêng. Bà và người chồng đầu tiên Andrew Parker-Bowles ly hôn năm 1995, một năm sau khi Thái tử Charles và Công nương Diana chính thức chia tay. Camilla bị cáo buộc là kẻ phá hoại cuộc hôn nhân hoàng gia vì mối quan hệ vụng trộm với Thái tử
. (Nói thêm một tí, tôi và con tôi ghét con mụ này thậm tệ).

THÊM TÍ HÌNH ẢNH CHO BÀI TAXI PARIS

Phố xá Paris về đêm

Một góc khu Montparnasse

Trạm bán thẻ đậu xe hè phố

Xe hơi đậu thoải mái dọc hè phố từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng. Nhưng sau 8 giờ sáng, cứ mỗi tiếng đồng hồ phải nộp phí; nhưng cũng chỉ được nộp phí đậu "ráng" 2 tiếng mà thôi; nếu cứ đậu nữa thì... phạt nghen bác tài !

Taxi ở Khải Hoàn Môn

Mô tô ôm nè bà con

Mấy anh taxi còn phải canh tranh với xe bus mở. Với xe bus này ta có thể làm một Open Tour 22 euro cho 9 điểm tham quan tại Paris.

Nếu ai đó có thời gian hơn thì cứ thuê xe đạp mà đi. Phố xá Paris bây giờ nhiều nhất là xe đạp và... những cụ già dẫn con chó lông xù. Nhìn kỹ một chút, con chó đôi khi còn già lụm khụm hơn cả chủ !

Đúng điệu Paris nghen !

TAXI PARIS KÝ SỰ


GIAN NAN TÀI XẾ TAXI:

Lâu nay, mỗi khi người Việt xứ mình có dịp chu du nước ngoài, nhất là các nước châu Âu thường được khuyên nên đi metro - tàu điện ngầm một lần cho biết. Không chỉ vì muốn khám phá một phương tiện giao thông hiện đại mà còn vì... đi bằng những phương tiện khác như thuê xe hay taxi thì quá đắt đỏ. Cũng biết là vậy, thế nhưng bài hát “Joe le taxi” gắn với tài năng âm nhạc Pháp Vanessa Paradise thịnh hành khắp thế giới vào cuối năm 1987 và sau này ca sĩ Ngọc Lan đã làm mới lại theo phong cách Việt đã khiến tôi không thể nào không rong ruổi phố xá Paris bằng phương tiện đắt đỏ này.

Biết được ý định của tôi, anh Phạm Gia Túc, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã... cảnh báo: “Ở Paris không phải cứ có tiền là đi taxi được nhé. Mà cũng không dễ đón xe đâu, tôi đã từng đứng chờ xe 2 tiếng đồng hồ bên hè phố và phải cuốc bộ 4km về khách sạn đấy”. Quả là như anh Túc đã cảnh báo, chúng tôi đứng chờ đến mỏi cả chân tại bến đợi của Siêu thị La Defense vẫn không thấy một bác tài nào ghé qua. Chỉ đến khi đã mỏi mòn... ra đứng ngoắc xe hú hoạ bên lề đường mới tóm được một bác tài chính hiệu dân Paris. Và đó cũng là nỗi khổ vì ông ta... yêu nước đến mức hổng thèm nói tiếng Anh, còn chúng tôi thì yêu nhạc Pháp chỉ qua... giai điệu mà thôi. Mà giá taxi ở Paris đủ để choáng: giờ A (từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều) 0,822 €/km, giờ B từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm 1,1 €/km, sau 12 giờ đêm 1,33 €/km (giờ A, giờ B, giờ C còn được tính theo lái xe trong nội ô hay ngoại ô Paris). Đón hành khách ở sân bay, nhà ga xe lửa, các bác tài lại theo luật thu thêm mỗi hành khách 70cent. Vậy mà nghe nói mấy ổng rất chảnh, hổng thèm đón khách ở những nơi này. Vì một lẽ, muốn vào đậu ở sân ga nào mấy ổng phải mua thẻ được phép đậu xe ở nơi đó. Trong túi của mỗi ông có độ chừng không dưới 20 cái thẻ như vậy. Vậy nên bớt được cái nào mấy ổng né đi cái nấy. Vẫn chưa hết chuyện xót tiền. Vẫn biết mỗi chiếc xe có thể chở 4 người, thế những hành khách nào ngồi ghế gần tài xế xem như là VIP và móc túi thêm 2,7€ . Họ lý giải: “Chiếc ghế này như cái bàn làm việc mà tụi tao chuyên để mấy thứ linh tinh như giấy tờ các loại. Dọn dẹp cho mày ngồi thì mày phải trả thêm công cho tao chớ”. Lại thêm chuyện mỗi hành khách khách chỉ có một túi hành lý, nếu gặp khách nào mà mua sắm lỉnh kỉnh, tay xách nách mang thì xem như công tài xế sắp xếp mỗi túi lên xe lại tốn vài đồng (!). Biết giá cả đắt đỏ là vậy mà mình lại hổng rành phố xá Paris nên chi tụi tôi rất sợ cảnh bác tài đưa mình đi... lòng vòng. Đang khi lo âu như vậy tự dưng thấy bác tài chỉ chọt, bấm bấm gì đó lên màn hình trước mặt. Hoá ra đây là bản đồ định vị phố xá, định vị điểm kẹt xe. Hành khách có thể yêu cầu anh ta bấm tên điểm đi và điểm đến, tự khắc trên màn hình sẽ cho biết có bao nhiêu hành trình để chọn lựa, cũng như nơi nào đang kẹt xe. Tự dưng cả đám thở phào.

Nỗi sợ bị ăn chẹt tiền cứ ám ảnh cứ như một phản xạ tự nhiên với mỗi người, chứ thật ra các bác tài bên này chịu sự kiểm tra khá ngặt nghèo. Việc kiếm được một tấm thẻ hành nghề rất khó nên ai nấy sợ nhất bị “treo niêu” vì vi phạm luật. Lê Văn Sanh, dân ở Tân Bình, qua Pháp năm 1985 nói với tôi, để được làm tài xế taxi trước nhất anh phải có kinh nghiệm biết lái xe 2 năm. Kế đó họ phải đi học suốt trong vòng 4 tháng đủ thứ linh tinh, nào là học thuế má, học tính toán sổ sách, học đường phố, ngõ ngách nơi mình sẽ đăng ký hành nghề... với học phí không rẻ chút nào 2.500 €/khoá. Các ông thầy sẽ kết thúc khoá học bằng cách kiểm tra rất ngẫu nhiên, đưa cho anh chọn một ô số nào đó, tỷ như từ khách sạn Le Meridien, khu Montparnasse đến China Town, quận 13. Nội trong vòng 7 phút, anh phải lật bản đồ, tìm phương án đi sao nhanh nhất, tiện lợi cho hành khách nhất, nếu bị kẹt xe thì chọn phương án nào, tính toán ra sao. Sanh cho biết: “Hồi qua đây mới học hết lớp 11, em phải căng mắt ra mà học tính. Nội chuyện đồng hồ tính tiền lúc xe chạy tốc độ trên 23 km/giờ nhảy theo chế độ nào, lúc bị kẹt xe nhảy qua chế độ nào là em muốn ná thở. Ăn gian hành khách mà mấy ông thanh tra bắt được là tội nặng lắm”. Cũng theo lời Sanh kể thì việc học của tài xế taxi bên Pháp tỉ mỉ đến vô cùng. Tỷ như việc anh phải biết nơi nào cho đậu xe miễn phí, nơi nào muốn đậu phải mua thẻ tính giờ. Mức phạt cũng khá cao. Để mua thẻ đậu xe – vốn bán tự động ở các cột ven lề đường – anh chỉ mất 1€/giờ, nhưng không mua sẽ bị phạt 11€/giờ; nếu anh đậu vào khu vực dành riêng cho người tàn tật thì mức phạt tăng đến mức chóng mặt 138€/giờ nhé (!). Vậy mà để được hành nghề, mặc dù có học hành hẳn hoi nhưng để được làm tài xế taxi thì mỗi anh lại phải chi ra 190.000€ để mua thẻ môn bài, sau đó chạy bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Thẻ môn bài này được xem là một thứ tài sản có giá trị như bất động sản vậy, nhưng anh chỉ có thể đem đi bán sau khi đã hành nghề đủ 5 năm.

Chuyện mấy anh taxi bên này ám ảnh chuyện cảnh sát phạt cũng như tài xế bên mình sợ... bị bấm tốc độ. Sanh kể tôi nghe, có lần vào đón khách tại sân bay Charles de Gaulle, vợ thì mới sanh em bé nên trên xe Sanh cũng để lỉnh kỉnh mấy thứ bình sữa, bánh trái mới mua. Đến lượt tài xe của mình thấy đoàn khách có đến 4 người, Sanh từ chối vì sợ chở không hết, ngoắc xe sau lên. Chỉ có vậy thôi là... cảnh sát ập đến mời về đồn. Mặc dù đã năn nỉ thông cảm nhưng mấy ông vẫn lạnh lùng treo bằng 1 tháng vì lẽ: “Tại sao mày dám từ chối phục vụ khách hàng khi khách đã ngoắc xe mày. Nếu không vì nể mày dám phạm luật vì con thì tao đã treo bằng mày tới 3 tháng”.

Khó khăn là vậy nhưng đây là một nghề kiếm ăn được nên chi chỉ trong vòng 3 năm số lượng xe taxi tại Paris đã tăng thêm 3 ngàn chiếc. Hiện tại có đến 18 ngàn chiếc taxi xuôi ngược ở phố xá Paris thơ mộng này.

CHUYỆN ĐỜI DÂN VIỆT LÁI TAXI:

Thật may, nhờ một người bạn ở Paris giới thiện mà tôi đã quen được Sanh như vừa nói. Và từ Sanh lại dẫn dây thêm một số bác tài xứ Việt khác. Tôi đã mừng, mấy anh lại còn mừng hơn. Vì dễ gì lại có cảnh những kẻ tha hương ngộ cố tri ngồi tán dóc bên tô mì Quảng, tô bún bò ở quán Hương Bình, quận 13. Cũng , cũng răng, rứa, mô, tê... tưới xượi như đang ở Sài Gòn. Sanh kể lại những chuyện cười ra nước mắt khi ngày đầu chân ướt, chân ráo sang đất khách, quê người, tiếng Anh không biết, tiếng Pháp lại càng không. Sanh như người cô độc, mình nói không ai nghe, người lạ nói thì mình như tháng điếc. 6 tháng sau, Sanh đòi hồi cố hương nhưng nghĩ đến cảnh mẹ già ở Paris ai nuôi, các chị thì có chồng ở xa hết trọi khiến anh cắn răng cuốn gói... tìm trường đi học cho bằng người ta. Hồi mới học xoang khoá lái xe, không đủ tiền mua thẻ môn bài, Sanh phải đi kiếm xe để thuê với giá 3.500 €/tháng. Vậy mà chỉ mới mươi năm tích cóp, Sanh đã mua được thẻ môn bài, có một căn nhà chung cư ở cùng mẹ, vợ và 2 đứa con. Sanh khoe mới bán một căn hộ chung cư khác có diện tích 52m2, 3 phòng, lầu 2 ở một chung cư ngoại ô Paris với giá 160.000 €. Sanh đang tính tích cóp thêm để về Việt Nam hùn hạp làm ăn. Sanh cười: “Em bây giờ còn sức. Cũng muốn cố công cày bừa nhưng luật bên này không cho. Chị thấy cái đèn báo giờ phía sau xe không. Ở đây mỗi ngày tụi nó chỉ cho tụi em làm việc liên tục từ 10 – 12 tiếng đồng hồ; hết giờ này tụi em phải nghỉ đủ 6 tiếng mới được phép chạy lại. Tụi nó mà thấy đèn báo đỏ mà mình vẫn rước khách là a lê hấp một tờ giấy phạt”. Được biết, mỗi ngày một tài xế taxi có thể kiếm được khoảng 300 – 500 € chưa trừ chi phí.

Anh Hùng, một tài xế có thâm niên trên 15 năm nay thì may là dân học trường Pháp xưa nên hội nhập cuộc sống bên này cũng ổn. Anh vốn là con ông chũ Hãng phim Alpha hồi xưa. Ngôi biệt thự của gia đình anh tại Đà Lạt hiện là nơi các đoàn làm phim mướn làm phim trường. Mới đây nhất là cảnh quay cho phim Dốc tình. Anh qua Pháp định cư từ năm 1977. Cũng làm đủ thứ nghề và trụ được nhờ chiếc xe taxi. Anh Hùng có một căn nhà khá đẹp ở nội ô Paris. Anh đã nghỉ lái xe mấy năm nay vì tuổi tác. Thẻ muôn bài thì anh đem cho thuê. Anh nói, bây giờ mà về Việt Nam sống là thành... đại gia như chơi. Thế nhưng anh Hùng không còn ham muốn làm giàu hoặc đầu tư làm ăn như chuyện của Sanh. Anh Hùng chỉ muốn mình giúp ích bằng cách đi dạy học cho... các hãng taxi, hoặc đi truyền đạt lại kinh nghiệp sau mấy chục năm lăn lộn với nghề tại một thành phố văn minh nhất châu Âu.

Thế nhưng, hiện nay nghề lái taxi ở Paris đã không còn dễ như trước đây. Hàng loạt phương tiện khác đang cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ hiện tại Paris cũng có... “mô tô ôm” như xứ Việt. Chỉ khác xe mô tô của mấy anh bên này lại là loại Gold Win 1.800 phân khối của Nhật giá đến 27.000 €/chiếc. Giá cả của mấy anh mô tô ôm này thì thường tính khoán, ví dụ một chuyến taxi từ trung tâm Paris ra sân bay Charles de Gaulle độ chừng 50 € thì anh mô tô này sẽ có giá 80 € . Lại thêm chính phủ Pháp hiện nay đang hô hào ủng hộ việc bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng các phương tiện sạch. Hình ảnh phổ biến nhất Paris hiện nay là các dãy xe đạp cho thuê tràn lan các phố xá, quảng trường, công viên. Việc thuê xe cũng khá dễ dàng, khách chỉ cần cà thẻ tín dụng trên trụ đỡ để lưu số thẻ vào bộ nhớ, khi đó bánh xe sẽ được mở dễ dàng. Khách có thể chạy xe bao lâu tuỳ thích với giá 1€ /giờ, 30 phút đầu miễn phí; khi trả xe nhớ đưa bánh xe vào trụ, máy sẽ thôi trừ tiền trên thẻ. Có nhiều người vì quên đưa bánh xe vào đúng rãnh thế nên tiền cứ tuột dần, tuột dần mà hổng hay biết. Chỉ có cánh sinh viên là hay nhất khi cứ lấy xe chạy thoải mái trong vòng... 29 phút miễn phí, sau đó về thay xe khác. Cứ vậy, lang thang phố xá mà không tốn một xu teng. Cánh tài xế taxi lo âu cũng phải thôi khi mà hiện nay mức độ tiêu thụ xe đạp trên tỷ lệ dân của Pháp đang nằm trong top đầu của thế giới; thứ tự là Nhật, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ. Lại thêm việc có đến 14 tuyến metro với 400 km đường metro chằng chịt khắp Paris. Cứ mỗi một phút lại có một metro chạy qua, và cách 500 mét là có một trạm metro.

Thôi thì, biết ra sao ngày sau.

Chỉ văng vẳng bài hát “Joe le taxi”: “Joe, tài xế taxi. Chiếc đàn saxophone vàng. Thuộc nằm lòng từng con phố. Tất cả các quầy bar nhỏ. Tất cả những ngách tối om. Và sông Seine. Cả những cây cầu rực sáng. Trong chiếc taxi của mình. Âm nhạc ấy là của Joe. Điệu rumba. Rock cổ điển và điệu mambo nữa. Đó là cuộc sống của anh. Rượu rhum và điệu mambo. Những lúc tắc đường. Anh ấy là như vậy đấy, Lao thật nhanh nào Joe. Lao vào màn đêm, hướng về Amazone. Joe, tài xế taxi. Và nhạc của Xavier Cugat. Joe, tài xế taxi. Và giọng hát của Yma Sumac.”

Paris cũng thêm phần lãng mạn nhờ taxi.

Thứ Năm, tháng 10 11, 2007

CON TRAI 16 TUỔI

Con trai mình bước vào tuổi 16 hôm 6.10. Ngày 5.10, mình vẫn còn nán lại Paris thêm một ngày. Nói là "nán" cho oai chứ thật ra là trễ chuyến bay tại phi trường Charles De Gaulle vì mê mải mua quà sinh nhật cho con trai (!). Chuyện một mình lạc giữa Paris nghe cứ như trong phim. Lục mấy đồng xu điện thoại cho con trai đầu tiên, không để báo tin mà chỉ để thằng con lên dây cót tinh thần cho mẹ về... vốn liếng tiếng Tây tiếng U. Hà hà, con nhà tông có khác, cu cậu la lên đầy phấn khích và hỏi một lô một lốc về việc mẹ của nó sẽ sử dụng một ngày ở Paris như thế nào. À, chuyện này thì phải có một entry riêng biệt mới nói hết chuyện. Có điều, đối với con trai của mình bao giờ mẹ của nó cũng là nhất. Chồng mình thì lo lắng mọi điều, chỉ có cu cậu là nói đầy tự tin: "Mẹ mà ba, lo gì".
Trở lại nói chuyện quà sinh nhật. Tần ngần giữa một loạt cửa hàng Duty Free sáng choang, tráng lệ, chọn chọn, lựa lựa. Cuối cùng đã có cho cu cậu một bộ nước hoa, mỹ phẩm nam, hàng hiệu Chanel hẳn hoi. Giá cả không thành vấn đề, "cày bừa" một tí là xong. Cứ nghĩ, mới đó mà thằng con bé bỏng ngày nào của mình đã lớn bổng thành "anh đẹp chai" là thấy sướng. Thử hình dung, một ngày nào đó con mình cũng sải bước giữa phố xá Paris với nước hoa thơm sực nức thì sẽ ra sao !
Sinh nhật tuổi 16 của con cũng đã khác xưa. Xin ba mẹ tiền rồi rủ bạn bè ra cửa hàng Pizza. 9h30 phút tối mới đạp xe trở về với vẻ mặt đầy phấn khích. Một bên ghi đông xe là chiếc bánh kem ăn dở dang; một bên khác là quà tặng của bạn bè. Chưa kịp hỏi thăm mẹ mới về đã kể một lô một lốc những chuyện linh tinh lang tang. Điện thoại của con thì tin nhắn tít tít. Đa phần là bạn gái ! Phát hiện ra cô Hòa ở Paris tặng cho một bộ đồ chơi dàn trận, thằng con lớn tướng của mình nằm dài ra mà chơi mê mải, lại còn phát hiện "đồ chơi này của châu Âu nên có thể ngậm nghen mẹ" (!). Chồng mình lắc đầu bó tay la lên: "Ngậm ít ít thôi còn để cho thằng cu Bách" !
Đến giờ ngủ, hình như thằng con giật mình sực nhớ mới lẽo đẽo chạy theo mình đòi đấm lưng cho mẹ và tỉ tê rằng: "Mẹ, mẹ có thấy vui khi con lớn vậy rồi mà vẫn còn bám lấy mẹ không".
16 tuổi rồi mà như một thằng con nít !