Thứ Tư, tháng 6 11, 2008

MỘT BÀI BÁO VỀ CHÚ SÁU


Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Hoàng tử Vĩnh Giu.
Nay cả hai ông đều đã hoá thành người thiên cổ !

Tôi không nhớ số tiền cụ thể trong bì thư là bao nhiêu.
Chỉ biết đó là tiền túi của chú Sáu và chú dặn tôi đưa cho ông Vĩnh Giu sao cho khéo khéo để phụ ông cụ tiền thuốc thang. Cũng nhờ có sự can thiệp của chú Sáu mà ông Vĩnh Giu đã có một căn nhà tại Khu dân cư 586 Cần Thơ.


CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM GIỮA
“HOÀNG TỬ XÓM NGHÈO” VÀ “ÔNG CỐ VẤN”

HỒNG HẠNH

1... Tháng Chạp cuối năm. Những sạp báo ven đuờng giăng đầy những ấn phẩm Xuân sặc sỡ sắc màu. Ngỡ như, Tết đã kề bên. Lướt qua mới thấy, có khá nhiều bài báo Xuân viết về ông. Có nhiều câu chuyện mà đến giờ người ta mới biết qua hồi ức của những nhân vật thuộc tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức chế độ cũ – những con người mà nếu không có tấm chân tình của ông, ắt họ đã không chọn con đường ở lại và yêu đất nước nầy đến vậy...

Một ngày cuối tháng Chạp, nhân vật mà tôi vừa nhắc đã lặng lẽ lên xe về miền Tây. Những phố xá đầy sắc màu trôi tuột đằng sau. Suốt chặng đường, ông cứ xem đi xem lại bài báo về vị hoàng tử trong xóm nghèo mà Thanh Niên vừa mới khởi đăng.

Riêng ngôi nhà nhỏ nằm cuối một xóm nghèo Cần Thơ vẫn lặng lẽ như bao xóm nhỏ khác. Vị chủ nhân của ngôi nhà nhỏ bé ấy vừa đi uống cà phê sáng về như mọi khi. Hai ông già với hai mái tóc đều đã bạc phơ bất thần gặp nhau giữa cái hẻm sâu hun hút, ngoằn nghèo, chung quanh là vách tuờng dựng đứng của những ngôi nhà cao tầng mọc san sát...

- Tôi vừa mới đọc báo xong liền xuống Cần Thơ kiếm ông đây. Ông đọc Thanh Niên số hôm qua chưa?
- Ôi trời, chào... ông cố vấn. Tôi thấy ông trên ti vi hoài giờ mới được diện kiến. Vậy chớ, ông có khoẻ không?
- Tôi bây giờ là công dân nên... khoẻ rồi. Còn ông?
- Khoẻ gì nỗi ông ơi. Báo mới đăng buổi sáng, 10 giờ đêm đám mua bán đồ cổ đã gõ cửa nhà tôi rồi. Mà... ông đi thăm tôi thiệt sao? Bộ ông tin những lời tôi nói trên báo là thiệt hả?
- Sao lại không? Ông với tôi cùng tuổi nữa đó. Vậy, ông nghĩ xem tôi tin ông không?
- Ông thì chắc là tin tôi. Nhưng... trễ rồi ông à! Tôi giờ thuộc dạng “trùm mền”, giở ra làm gì nữa. Vả lại, nói ra liệu có ai tin tôi. Những chuyện tỷ như vì sao vua Duy Tân đi lính cho Pháp, rồi uẩn khúc gì đằng sau chuyện tại sao anh tôi chỉ chọn nghề truyền tin. Hồi ở đảo Réunion, nhiều đêm vua Duy Tân thức tới 4 giờ sáng ông à...
- Sao lại trễ. Lịch sử không thể nào phủ định được phải không ông. Vấn đề là thời gian. Lịch sử là nói ra người ta hiểu, chứ đâu nhất thiết phải là văn tự. Tôi nghĩ, những mẩu chuyện về vua Thành Thái, về vua Duy Tân hồi ở đảo Réunion và cả chuyện riêng của ông mà ông vừa nói trên báo là yêu nước đấy ông ạ. Đối với người Việt Nam, điều đó quý vô cùng.
- Yêu nước là bổn phận của mọi công dân phải không ông. Quý nhất, cần nhất, con người ta còn phải biết hy sinh...
- Tôi báo cho ông một tin vui nghen. Năm 2003 này, sẽ có những cuộc hội thảo lịch sử để đánh giá công lao của triều Nguyễn đối với việc khai phá đất phương Nam. Mà theo tôi, gốc tích của mình, truyền thống của mình từ đâu mà ra. Vẫn từ vua chúa cả thôi. Vua chúa mình lãnh đạo nhân dân đánh giặc ngoại xâm giỏi lắm chớ. Còn trong bất cứ triều đại vua chúa nào, bao giờ mà không có những ông nọ, ông kia... Phải không ông?

... Câu chuyện giữa hai ông còn kéo dài khá lâu. Những nếp nhăn trên trán đã giãn ra. Chốc chốc lại rộ lên những tràng cười sảng khoái. Thằng cháu cố của “hoàng tủ” cứ kéo tay áo ông khách lạ ra điều lạ lắm. Lại thấy, hai ông già rủ rê nhau đi dùng cơm trưa với nhau như những người bạn già cố tri lâu ngày mới gặp...

2... Nói là vậy, chứ cũng mất đến cả một ngày sau, hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu – con vua Thành Thái, em vua Duy Tân - mới tin rằng, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nôn nả về Cần Thơ chỉ là để thăm ông. Ông Giu bảo với tôi rằng, hồi nào đến giờ ít nguời quan tâm đến lời ông nói. Ông nhớ mãi chuyện một vị cũng có ăn học hẳn hoi, muôn lần như một gặp chỉ hỏi một câu: “Vua Duy Tân có phải là bác của ông không?”. Những câu hỏi ngô nghê như vậy, rồi chuyện cơm áo gạo tiền để độ nhật khiến ông chỉ muốn xếp lại những câu chuyện ngày xưa. Ngay cả những người dân cố cựu tại Cần Thơ cũng chỉ biết đến ông như một ông đốc công già tại Ty Giao thông Công chánh cũ. Sáng sáng, ông hay nhâm nhi ly cà phê nóng với hai ông bạn già – một kỹ sư, một trắc lượng viên - cùng sở làm hồi xưa tại quán 48, Ngô Quyền.

Có điều, phong tục, luật lệ hoàng phái vẫn còn đó trong ông, vẫn thể hiện qua những điều ông dạy con, dạy cháu. Hổm rày, ông Giu cứ băn khoăn hỏi tôi mỗi một chuyện, rằng: “bé Thanh Loan – cháu nội của ông – khi hầu chuyện “ông cố vấn” có điều chi thất lễ không? Lẽ ra tôi phải dạy cho nó trước”. Rồi chuyện đứa cháu nội đang sống tại Sài Gòn. Thân con gái đang tuổi lớn, liệu người lớn có dạy nó đủ phép tắc ở đời hay không. Ngay cả chuyện, con trai cả của ông đem giấy tờ nhà cửa ra cho “ông cố vấn” xem ông cũng buồn lắm. “Tôi có con mà không biết dạy con. Nó làm mà không hỏi ý tôi. Tôi đã nói với nó rồi. Cái gì đã qua thì cho qua đi. Tôi hiểu sâu xa lời “ông cố vấn” nói với tôi lắm chứ. Cụ Hồ đã làm đuợc điều mà cha tôi, anh tôi không làm được là tôi hoan hỉ lắm rồi. Chuyện của mình có đáng gì đâu. Hồi đó, chỉ vì không có độc lập mà cả ngai vàng, châu báu trong tay, cả cha tôi và anh tôi còn vất đi kia mà”. Ông Giu cứ nhớ mãi chuyện hồi năm 1916, khi cả hoàng tộc bị đày sang đảo Réunion, chính quyền Pháp đã cấp cho một toà lâu đài lộng lẫy, tiện nghi nhưng kèm theo một thứ tự do giả hiệu. Hết thảy mọi chuyện: bóng đèn hư, ống nước nghẹt... cả hai vua đều phải làm... tờ trình xin phép thay. Thế nên, chẳng bao lâu sau, cả hai vua đều từ bỏ toà lâu đài lộng lẫy đó để ra ngoài sống – tuy có cực khổ nhưng lại có tự do, dù chỉ là một chút. Căn nhà đó, ông Giu còn nhớ địa chỉ: nhà 92, rue Saint Marie.

Cũng chuyện “giấy rách phải giữ lấy lề”, ông Giu bảo, ông ảnh huởng rất nhiều từ nền giáo dục vua cha và nhất là mẹ ông – bà hoàng phi Chí Lạc – nhũ danh Hồ Thị Mừng. Ông nhớ, ông và các anh em của ông nguời thì ra tại đảo, người thì qua đảo khi còn bé tí, nhưng vua Thành Thái bắt buộc cả nhà phải nói tiếng Việt Nam. Có lần, vua Duy Tân đến diện kiến vua cha hầu chuyện, trong câu nói vô tình đệm thêm vài tiếng Pháp đã bị vua Thành Thái giận dữ đuổi ra ngoài. Hầu như, mỗi dịp tế lễ, giỗ chạp tại đảo Réunion cả nhà đều mặc triều phục. Trong đó, người chuyên may áo đại lễ là mẹ của ông Giu - hoàng phi Chí Lạc và người chị của ông – Công Tôn Nữ Nguyễn Phước Lương Thâm (bà Thâm vừa mới qua đời năm 2002 và là người giữ nhiều kỷ vật của vua Thành Thái nhất – điều nầy Thanh Niên sẽ có dịp trở lại ở những kỳ sau). Hoàng phi vốn xuất thân từ một gia đình có cha là tri huyện, thế nhưng khi sang đảo thì lo lắng, tần tảo cho vua Thành Thái như bất kỳ một người phụ nữ Việt Nam nào khác. Ông Giu còn nhớ, lối những năm 44, 45 khi thế chiến nổ ra, tàu bè không lưu thông, hàng hoá không có. Sợ vua Thành Thái không có cau trầu để nhai, bà hoàng phi đã tất tả đi chặt xác dừa phơi khô và sai ông Giu lên núi tìm bằng được lá trầu kiểng đem về. Ông Giu thấy được ra khỏi nhà chơi thì thấy khoái, lại thêm tối lại được vua cha khen: “Cái thằng ni khá hỉ. Giao cho cái chi làm cũng được. Rứa ta kêu mi bằng tên Được nghe”. Cụ Giu bảo tôi, vua cha đã đặt cho ông đến 6, 7 cái tên như vậy...

Câu chuyện của ông Giu cứ như những lát cắt trở về lớp thời gian xưa. Rồi chuyện, ông định thu vén, dành dụm kiếm tiền để về Huế dự giỗ kỵ vua Thành Thái vào ngày 16 tháng 2 âm lịch tới đây. Cả chuyện làm sao có điều kiện để đi gom góp, tìm kiếm những kỷ vật của vua cha, vua anh. Cả chuyện, sơ sót kỹ thuật của báo chí khi chú thích nhầm dưới tấm hình của vua Thành Thái, vua Duy Tân số hôm rồi. Chỉ có thế. Tịnh không có một lời nào về hoàn cảnh hiện tại ông đang sống, dù tôi cố gợi... Mà nhìn vóc dáng gầy guộc của ông, đã như đèn treo trước gió.

3... Kể từ sau ngày lặn lội tìm gặp hoàng tử trong xóm nghèo về, hầu như ngày nào cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng điện thoại xuống Cần Thơ để hỏi han tình hình gia đình ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu. Có lúc chỉ là những chuyện thật đời thường như làm sao sửa được căn nhà nhỏ bé mà mỗi khi mùa mưa đến, nước lại ngập sâu đến 3 tấc. Cho đến chuyện bé Thanh Loan – cháu nội ông Giu – đi làm việc ở nơi mới có còn bị người ta “ăn hiếp”. Rồi hỏi chuyện ông Giu có còn bị mấy tay mua bán làm quấy rầy gì không. Lại nghe, đã mấy ngày nay ông Kiệt cho người đi tìm đứa cháu nội ông Giu đang sống khó khăn ở đất Sài Gòn nhưng chưa gặp. Và lần nào cũng vậy, trong giọng nói, trong câu chuyện, tôi luôn thấy ông Kiệt ray rứt không an tâm khi nhắc đến ngôi nhà của ông Giu: “Báo chí phải bàn bạc với địa phương, nói với những nơi có trách nhiệm tìm cách thế nào. Chứ một gia đình như vậy, dòng dõi một vị vua yêu nước hẳn hoi, mà đến 19 khẩu sống đậu bạc trong một ngôi nhà có 60 mét vuông coi sao được. Bác Hồ mình dạy phải coi trọng chính sách đại đoàn kết dân tộc là trong những chuyện như thế này đây. Mà theo chú, đâu đợi đến con vua, con chúa, ngay cả những người dân bình thường nhất mà sống một cuộc sống quá kham khổ như vậy cũng coi sao đành”.

Chợt nhớ, sau khi Thanh Niên khởi đăng loạt thông tin về hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu đã có rất nhiều thông tin, rất nhiều độc giả đã gọi đến toà soạn. Không chỉ, tỏ lòng quan tâm, kính trọng đối với ông Giu, ngõ ý muốn giúp đỡ gia đình ông cụ, mà rất nhiều độc giả đã nói nhiều về việc làm của ông Kiệt. Một cô giáo về hưu đã nói rằng: “Tôi và bạn bè tôi tin ở ông và ở việc của ông làm”.

Lại chợt nhớ, lời ông Kiệt dặn đi dặn lại hôm rồi. “Phải tìm hiểu cặn kẽ lịch sử hơn, với một cái nhìn thông thoáng hơn. Không chỉ chuyện vua quan triều Nguyễn không thôi. Có nhiều trường hợp nếu nhìn dưới góc độ điền chủ thay vì địa chủ thì có phải dễ chịu hơn không. Cần nhất phải biết nhớ ơn những ai đã đi tiên phong khai phá mảnh đất phương Nam nầy. Hôm dùng cơm với cụ Giu, cụ hỏi chú một điều mà chú cứ ray rứt mãi – Ông nghĩ gì khi tụi nhỏ bây giờ xem phim tàu, thuộc sử tàu hơn là thuộc sử Ta” (!).

Quả là một câu chuyện cuối năm đáng để nhiều nguời suy ngẫm.

Tháng Chạp, Nhâm Ngọ
H. H.

Không có nhận xét nào: