Thứ Ba, tháng 7 10, 2007

BÀ MƯỜI XIỀM BÊN MỸ


Gia Minh, phóng viên đài RFA đã tường thuật về Bà Mười Xiềm bên Mỹ như thế này, xin trích một phần:
Tại Lễ hội đời sống Dân gian lần thứ 41 do Viện Smithsonian Hoa Kỳ tổ chức đang diễn ra tại Quảng trường Quốc gia Mall ở thủ đô Washington D.C. Việt Nam tham dự với một phái đoàn gần 200 người. Họ là những nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên đến từ nhiều vùng miền của đất nước.
Trong đoàn có một người đến để giới thiệu cách chế biến một số bánh và món ăn dân tộc của Việt Nam, đó là bà Mười Xiềm. Dù vẫn đậm vẻ chân chất, hồn hậu của một người phụ nữ miền Nam như lúc ở quê, thế nhưng bà Mười Xiềm khi có mặt ở thủ đô nước Mỹ thật tươm tất: đầu vấn khăn rằn, mặc áo bà ba trắng, quần đen. Tay không lấm than củi như khi đỗ bánh xèo bán cho bà con qua lại tại chiếc quán ven đường ở quê, vì tất thảy dụng cụ bếp lửa ở đây đều mới.
Qua người phiên dịch đồng thời cũng là phụ bếp trong buổi giới thiệu bánh ít trần, bà Mười Xiềm cho biết chưa bao giờ làm bánh trước một nhóm đông người như thế. Cả thảy hơn mấy mươi khán giả đến xem gồm những người Mỹ từng đến Việt Nam, cũng như những người chưa một lần đặt chân đến đó; và trên hết có nhiều Việt Kiều đang cư ngụ tại Mỹ muốn đến xem và mong đuợc nếm những chiếc bánh do chính tay người mà báo chí trong nước lâu nay gọi là nghệ nhân làm bánh dân gian nước Việt.
Bà cũng vừa làm vừa giới thiệu dù chưa một lần đứng trước công chúng để giảng giải những việc quen thuộc của một người làm bánh để kiếm kế sinh nhai.
“Để làm bánh ít trần tôi phải chuẩn bị dừa, đậu phụng cho nhân bánh; nạo dừa, xay bột.Bánh ít trần là bánh mà không gói lá chuối. Khi gói lá chuối là bánh ít và thường dùng vào những ngày cúng, mồng năm…”
Một trong những dụng cụ làm bánh mà bà Mười Xiềm mang theo đến nước Mỹ là chiếc cối đá xay bột, mà theo lời bà thì đã sắm cách đây hơn 30 năm. Và bà nói có nhã ý tặng cho Viện bảo tàng Smithsonian.
Sau khi chế biến nhân bánh xong, bà ra tay xay nếp đã ngâm để làm bánh. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ngồi xay gạo lấy bột làm bánh khiến nhiều phụ nữ Hoa Kỳ có mặt tại chỗ khá ngạc nhiên. Một người ngồi cạnh tôi nói rằng ở nước bà không ai lao nhọc đến thế. Và khi người phụ bếp hỏi ai có muốn xay bột thử thì một số người cũng xung phong ngồi xuống bên cạnh bà Mười để đuợc bà hướng dẫn.
Xay xong mẻ bột tượng trưng, bà Mười trở lại bếp để bắt bánh và bỏ vào nồi hấp. Một bà nội trợ Mỹ cũng xung phong lên bắt bánh theo cách chỉ dẫn của bà Mười Xiềm.
Trong 15 phút chờ bánh chín, nhiều người nêu câu hỏi cho bà Mười trả lời. Với câu hỏi chất liệu nếp sử dụng để làm bánh thì bà Mười Xiềm giải thích: “Nếp Phú Tân rặt không lẫn gạo vô; nếp khác lẫn gạo làm rất khó.”
Có người hỏi thu nhập qua làm bánh của bà ở Việt Nam mỗi ngày bao nhiêu thì bà thành thật trả lời: “Chừng 60- 70 ngàn đồng một ngày.”
Sau khi bánh chín, hầu hết các người tham dự tiến lên để đuợc chứng kiến những chiếc bánh ít trần vừa đuợc chế biến ngay trước mắt họ. Cả những người nước ngoài và người Việt vây lấy bà Mười để chúc mừng. Rồi nhiều phụ nữ Việt đang sinh sống ở Hoa Kỳ tiếp tục hỏi thăm bà Mười về chuyện làm bánh ít trần:
“Bánh ít này gói lá có thể để cả ba ngày. Nếu làm bánh ít mặn thì dùng thịt heo băm nhỏ, củ sắn… Bột muốn mịn, dẻo phải xay hai lần.”
Và cũng có trao đổi về bánh xèo: “Tôi chỉ làm bột gạo không pha. Có đập hột vịt vô.”
Chị Đường Kim Ngọc hiện làm việc tại ngay thủ đô Washington D.C. đưa ra nhận xét đối với người phụ nữ từ Cần Thơ đến ngay nước Mỹ để giới thiệu về món bánh ít trần: “Bà ta làm với niềm đam mê, yêu thích công việc. Còn bánh ở Mỹ này thì người ta thương mại qúa.”
Một thanh niên Hoa Kỳ, anh Ian Rozdilsky, có mặt theo dõi buổi giới thiệu làm bánh của bà Mười Xiềm cho biết: “Món ăn nấu ở Việt Nam phải khác ở Mỹ, tôi thích bánh xèo, phở.”
Có một bạn đọc "Ngò gai" phản hồi bài viết "Mười Xiềm đi Mỹ" của mình rất vui. Trích ra đây cho bà con đọc coi chơi:
"Trong hình bà Mười đổ bánh bằng bếp gì vậy hả bà con? Bếp điện, bếp ga, hay bếp củi? Chắc không phải bếp củi rồi vì không thấy một miếng khói nào hết. Cái chảo bà mua mới hay tại chùi rửa kỹ mà nó trắng quá vậy?Nhìn hình bà đổ bánh xèo mà Ngò nhớ đến những năm tuổi teen. Trời cận Noel hay trở lạnh, ba Ngò hay kêu Ngò đổ bánh cho ấm người !!! Hồi đó, bắc ông Táo ra ngoài hiên, quạt khói nhặng xị lên cho đỏ lửa; bắc chảo lên, cắm cây đũa vô cục mỡ heo dầy cui mà láng chảo; gạo thì ngâm đêm trươc xong đem sang nhà bác Năm nhờ xay giùm, nêm nếm rồi đổ bánh thôi. Ở dưới lửa đỏ, ở trên bánh vàng ươm, con tôm hồng, miếng giá trắng, hơi bay nghi ngút, có thằng em ngồi bên cạnh chị, canh chị làm cái nào xong là vớt ra ăn; mấy con gà chọi bên nhà hàng xóm cũng tu tu lên gáy, ý kêu chủ nó người ta có ăn mà tụi tao không có. Đó là Sài Gòn xưa xửa xừa xưa, trước khi sốt đất, chứ bây giờ nhà cho thuê bán quán nên không có chỗ cho ông Táo đỏ lửa nữa, mà nhà hàng xóm cũng thôi không chơi gà chọi.Ngò sang nước ngoài sinh sống, có một bữa thèm ăn bánh xèo quá xá nên lặn lội ra quận 13 Paris để ăn bánh xèo. Ô hô, cái bánh dầy như cái mền đắp mùa đông; đĩa rau đúng 3 lá xà lách, 2 cành húng lủi, 1 nhánh húng quế; nước mắm thì bỏ trong một cái chung nhỏ, giống cái chung mà ông ngoại ngồi trên bàn thờ hay uống. Ngò mới làm một hớp mà đã hết tiêu chung nước mắm, gào nước mắm, rau cải mà không ai bưng hầu cho hết, nhân viên phục vụ thì mặt mày sưng xỉa, chắc nhà hàng đông khách quá, họ mệt nên mới quạu với Ngò. Mười mấy năm lê lết vỉa hè Sài gòn để ăn bánh xèo, Ngò chưa bao giờ ăn một cục bột vàng vàng như thế, lại chưa bao giờ xin thêm nước mắm và rau mà bị lườm nguýt. Tôi dỗi không ăn ở quán bà nữa thì vòng vàng đâu mà bà đeo đỏ người hở bà?Ăn xong cái bánh xèo thổ tả ở quận 13 còn cục tức thì nuốt không qua cổ, Ngò về bốc điện thoại kêu họ hàng, bạn bè của chồng weekend sang nhà ăn bánh xèo. Giữa mùa đông, Ngò mặc áo măng-tô, cổ quấn khăn, chân đi hài, nổi lửa nhà ông Táo, đứng tráng mấy chục cái bánh xèo. Hả tức nhưng mệt phờ Phùuuu Từ đó mấy năm rồi chưa lần nào tráng bánh lại. Hôm nay nhìn hình bà Mười mà nhớ bánh xèo ghê !!!"

Bạn đọc này chắc ở nước ngoài đã lâu.

Mà Trời ơi, tui đây ở xứ mình mà còn nhớ da diết bánh xèo Cà Mau đây nè. Vậy mà cứ hẹn lần hẹn lữa cả nhà không chịu về thăm quê !

Không có nhận xét nào: