Chủ Nhật, tháng 6 10, 2007

MƯỜI XIỀM ĐI MỸ


· “CÓ MÀ ĐI... MỸ TÚ, MỸ THO” !
Chỉ còn trên dưới mươi ngày nữa thôi là bà Mười Xiềm sẽ khăn gói lên đường đi Mỹ để... làm bánh xèo, bánh tét cho Tây ăn ! Âëy vậy mà bà con lối xóm coi mòi vẫn chưa tin. Lóng rày, mỗi khi qua lại căn nhà lá lụp xụp của bà Mười y như rằng họ lại chọc ghẹo: “Bà Mười à, chừng nào bà đi Mỹ. Mà Mỹ Tho hay Mỹ Tú vậy bà” ... hoặc giả: “Bà Mười ơi, chừng nào đi Mỹ nhớ cho tui quá giang theo với nghen”. Bà Mười nghe rồi hệch hạc cười trừ chớ hổng giận. Bởi một điều cho đến tận bây giờ bà cũng không tin có ngày mà: “Chèn ơi, từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ có nằm mơ tui cũng hổng tin con mẹ bán bánh xèo bên lề đường như tui đi Mỹ nghen cô”. Gặng hỏi bà Mười, vậy chớ bà có đi máy bay lần nào chưa, có biết từ Việt Nam qua bển là bao xa không, bà hệch hạc nói: “Úy trời, nghĩ chi cho xa xôi vậy cô ơi. Chừng nào tới hẵng hay. Mà qua bển phải có người nào ở chung với tui chớ có một mình tui hổng biết... xài đồ trong khách sạn nghen. Ở xóm này tụi tui toàn tắm dưới kinh không hà”.
Cũng không chỉ bà Mười và bà con lối xóm ở trên Trà Nóc, Bình Thủy băn khoăn mà rất nhiều người cũng tự hỏi tại sao bà Mười chứ không phải ai khác đã được trao cái vinh dự này. Tôi cũng đôi lần tự hỏi như vậy và đang đêm hôm tăm tối, tôi lặn lội lên cái xóm nhỏ heo hút ngoại ô để tìm cho mình lời giải đáp. Bên cái chái bếp lợp lá dừa nước không mấy chắc chắn lắm, dưới ánh đèn tù mù, bà Mười Xiềm vẫn còn vần cái cối đá ra mải miết xay, lớp nào bột nếp, lớp nào bột gạo. Cô con dâu thì cặm cụi lau chùi mấy thứ nong nia, ơ chảo, xề xửng và cả cái bàn nạo dừa. Hóa ra bà Mười soạn sửa để gởi tất tật những món đồ vẫn còn ám khói ấy qua Mỹ. Bà nói: “Bên này tui nấu bán cho bà con xóm giềng ra làm sao thì qua bển cũng làm y thinh vậy chớ hổng tiểu vẽ gì đâu”. Tỷ như mỗi buổi sáng bà xay ký ngoài bột để chiên bánh xèo, nhưn bánh thì sơ sịa mấy thứ như củ sắn (miền ngoài gọi là củ đậu), giá hẹ cộng thêm mươi con tép mòng bán ra mỗi cái 3 ngàn đồng. Gặp khách nào sang cả lắm thì bà cho thêm vài miếng thịt heo, dăm ba hột đậu xanh và lên giá 5 ngàn đồng một cái to bằng... nửa cái bàn. Nói làm chi đến dân trong xứ mà có nhiều ông “trên chợ” coi mòi sang trọng lắm đi ngang qua cũng quành lại ăn thử. Hổng thèm dùng đũa, nhiều ông, nhiều bà vòng vàng hột xoàn đeo đầy nhóc cũng sề xuống bốc bằng tay ăn miệt mài. Họ hỏi: “Bộ bà già mua nước mắm Phú Quốc hay sao mà pha nước chấm ngon dữ vậy ta”. Bà Mười lỏn lẻn cười đưa cho họ coi mấy can nước mắm mình mua. Chèn ơi, toàn là thứ chỉ có 1.500 đồng một lít bày bán đầy các chợ... chồm hổm xứ miền Tây này.
Bà Mười khoe chuyến này đi Mỹ bà đã thủ sẵn cái... “mơ nu” rồi - (nghe bà tập nói tiếng Tây tiếng U mà tôi cười ngất). Hai ngày làm bánh xèo, hai ngày làm bánh ít trần, 1 ngày làm bánh tét, rồi dành ra mấy ngày nấu cơm với mấy món: canh chua, khổ qua hầm thịt, cà ri gà, thịt heo kho tàu và cả mắm kho mới là độc chiêu. Bà Mười chỉ lo, qua bển đi chợ hổng biết có giống như bên mình hay không, xách bàn nạo qua mà biết kiếm đâu ra trái dừa khô để làm bánh, nấu chè; cũng may là bà đã gởi trót lọt qua bển... 500 gr mắm sặt (!). Rồi bà lại lo không biết thi thố ra làm sao đây, có làm kịp cho họ ăn không: “Phải cho tui rộng rộng thời gian như lúc tui đi nấu đám bên này vậy đó. Mấy người hát bội tới nơi chỉ có việc rút từ trong bụng ra mà hát chớ mấy chuyện bánh trái là hổng có hối thúc được nghen. Mà mấy ổng ở bển còn đòi tui gói rồi nấu bánh tét trong vòng... 3 tiếng đồng hồ nữa chớ. Trời ơi, đòi hỏi chuyện chi bất nhơn dữ vậy”. Tôi cười nhưng chợt nghĩ, ngoại mình, má mình hồi xưa có lẽ cũng âu lo, vén khéo chuyện bếp núc gia đình y thinh như bà Mười vậy thôi.
Hổm rày, để chuẩn bị cho ngày đi, bà Mười đã nhiều lần tập dợt với những người có trách nhiệm ở Sở VHTT Cần Thơ rồi Bảo tàng Cần Thơ. Từ bánh xèo, bánh tét, cho đến bánh ít trần. Thấy họ săm soi từng miếng nếp, từng cọng dây lạt buộc bánh mà bà đâm lo. “Trời ơi, tui ngồi trong góc kẹt nhà nhìn họ nếm thử đồ ăn mà thấy nổi da gà, ốc ác tùm lum. Quan quyền không đó cô. Tới chừng thấy họ nói với nhau – Xôi vậy mới là xôi chớ – tui thiếu điều muốn lọt tim. Tui có hứa với mấy ổng chừng qua bển là nấu từ bằng chí hơn chớ hổng kém đâu mà lo”. Rồi bà khoe, mấy ổng cho người đi sắm cho bà đồ mới nhiều lắm, hai bộ áo dài, ba bốn bộ đồ bà ba mới tinh, lại thêm dù, dép và cả cái vali to đùng. Những món đồ quá sang trọng với một nghệ nhân đang mưu sinh bằng nghề bán hàng rong ở ngoại ô như bà Mười. Lục tìm trên net mới biết dự lễ hội lần nầy bà Mười sẽ có dịp bày biện nấu nướng tại Quảng trường quốc gia Mall, từ đường số 7 đến đường số 14, khu vực có nhiều bảo tàng của Viện Smithsosian. Nơi tập trung toàn các bảo tàng danh tiếng, từ những Anacostia, Hirshhorn đến bảo tàng quốc gia về hàng không, không gian; bảo tàng về lịch sử Mỹ, về dân bản địa Mỹ cho đến cả Vườn thơ quốc gia... mà không phải ai cũng đến được. Mới nghĩ thôi đã thấy... tự hào cho bà Mười.

* “TRỜI CHO BÂY NHIÊU THÌ HƯỞNG BÂY NHIÊU”:
Đối với bà Mười, được như vầy là xem như đổi đời rồi. Bà kể, cách đây độ hai năm cô Nga người ở xóm trong (bà Ngọc Nga, bây giờ là Phó Giám đốc Sở VHTT Cần Thơ) đi qua ăn thử bánh chuối bà làm đâm mê. Lần hồi, cô Nga hướng dẫn bà tham gia các liên hoan ẩm thực, rồi chỉ mối cho bà làm bánh giao cho các dịp thôi nôi, đầy tháng, cúng rằm, cúng đình. Ban ngày bà lội dài dài vô Thới An Đông bán dạo, ban đêm lành bánh bỏ mối. Cuộc sống bà nới nang ra chút đỉnh từ đó. Bà nói: “Cách đây độ hai năm, gặp lúc mưa bão dầm dề không bán dạo được, đói quá đến độ tui phải xách cái cối đá xay bột đi cầm lấy 160 ngàn đồng đó cô”.
Bà Mười năm nay đã 66 tuổi, chồng bà đã 78, hồi còn trai trẻ ông Mười là tài xế chạy xe đò tuyến Ngã Bảy Sài Gòn – Gia Kiệm Long Khánh. Bà Mười thì sáng sáng theo xe ông ngang qua Biên Hòa nhảy xuống bán cho bằng hết sịa bánh chuối. Vậy mà cái nghèo cứ đeo đẳng. Bà nhớ hồi mới tiếp thu, đói quá bà về xin gạo bên ngoại xứ Cái Vồn, Bình Minh, mà gạo hồi đó coi như... “hàng quốc cấm”. Túng cùng bà kêu thằng con cởi quần dài ra để bà làm ruột tượng đổ gạo vô che mắt mấy ông quản lý dưới phà. Tới chừng lội bộ về tới bến xe trót lọt hai mẹ con bà mới thấy mình liều. Thôi thì dạo đó bà cứ ăn suốt cơm độn... chuối già còn xanh. Ông Mười nghe kể bèn nói với tôi: “Tui thấy vợ tui nấu cái gì cũng ngon hết cô ơi. Không phải nói chớ bả mà thắng nước cốt dừa thì đừng nói chan bánh ít làm chi, đem chan cơm hoặc giả chấm bánh mì cũng đã tỷ lắm”. Bà Mười luôn tâm niệm đã mua bán thì hổng được ăn gian, làm dối; tỷ như thắng nước cốt dừa thì phải là dừa nguyên chất chớ không dùng bột béo, thà lời ít đi chút đỉnh để lấy số nhiều còn hơn. Cũng như cuộc sống vốn lam lũ đã quen nên bà cũng tỉ mẩn hết sức, nội chuyện xay bột bà cũng rị mọ xay đi xay lại hai ba bận cho bột thật mịn màng mới thôi. “Hồi còn sống má tui dạy tui làm ăn vậy đó cô” – mẹ của bà Mười là bà cụ Bảy Xuối, xứ Cái Vồn bên cầu bắc Bình Minh, cũng chuyên đi nấu đám tiệc, dòng họ không giàu có gì mấy. Bà Mười lại khoe, mới hôm Tết rồi được cô Bửu Hiếu, giám đốc Bảo tàng Cần Thơ mời vô hội chợ để nấu bánh tét, bánh xèo bán cho người ta, tới ngày 27, 28 Tết mới mãn cuộc. Mỗi ngày bà kiếm được trăm ngoài ngàn tiền lời, so với 3, 4 chục ngàn kiếm được của một ngày bán rong lội bộ đến mỏi chân là bà thấy mãn nguyện lắm. Bà khoe: “Tết rồi tui ăn Tết lớn lắm nghen cô. Mọi năm ngày 30 Tết tui tiết kiệm mua có 2 ký thịt nọng hà. Năm nay thấy nới nang tui mua cho cha con ổng tới 4 ký thịt heo nạc nghen”.
Trời cho bây nhiêu thì hưởng bây nhiêu – dường như đó là lẽ sống của nghệ nhân Mười Xiềm. Chẳng lúc nào tôi thấy bà than van dù chuyện nhà, chuyện cửa gia đình bà nghe nói cũng rối. Chính quyền đã thông báo sẽ làm đường từ Khu Chế xuất Trà Nóc thông vô Giai Xuân, con đường trước mặt nhà bà Mười nghe đâu giải tỏa từ tim lộ vô 12 mét. Trong khi đó, nhà bà bề sâu vô vẻn vẹn có 5 thước đất. Ông Mười bảo, chắc mấy ổng giải tỏa cũng phải có nhà tái định cư, thôi thì ở đâu bả cũng xoay xở bán hàng rong được mà. Bà khoe, con dâu xin vô khu công nghiệp rửa chai nước ngọt cũng được một triệu một tháng; đưa cháu nội đang học lớp 11 vừa nghỉ hè thì xin được vô nhà máy thủy sản lột vỏ tôm, thằng con trai đang phụ hợ hồ coi như là tạm ổn. Hổm rày chuẩn bị đi Mỹ bận tối mắt tối mũi nhưng bà cũng vẫn tranh thủ đổ bánh xèo mỗi sáng trước cửa nhà để kiếm đồng vô, đồng ra để lại cho gia đình. Vậy mà bà còn nói vui với tôi: “Tới chừng đi tui cho kẻ tấm bảng thông báo – Nghỉ bán 20 ngày. Coi bộ bảnh à nghen”. Bà còn rủ tôi đi... uống cà phê, bà nói: “Tui làm mãn một ngày phải có một ly cà phê sữa cho... tĩnh mịch trở lại, mà cũng có sức khỏe về sau. Cô đừng ngại tui không có tiền, xứ quê tui bán một ly bự chảng vậy chớ có một ngàn đồng hà”. Nhấp một ngụm cà phê của bà Mười mời, tôi lại thấy ngon hơn bất cứ một ly cà phê sang trọng nào đó đã từng uống trong đời.

***

Hổm rày nhà bà Mười khách nhiều lắm. Người “trên chợ” nghe tiếng xuống ăn bánh xèo, đặt bánh tét cũng bộn. Có cả mấy ông “quan quyền” làm cho bà Mười... lọt tim hôm nọ. Mắc cười là giờ mấy ổng nói chuyện hiền khô, chở theo mấy bà vợ năn nỉ bà: “Bà Mười ơi, bà chỉ cho con cách làm nước mắm chua nghen. Aãnh về cứ nói bà Mười làm đồ ăn sao mà giống hệt má ảnh làm cho ảnh ăn hồi nhỏ vậy đó. Với lại chỉ luôn cho con mối mua nếp gói bánh tét, ngày cúng Thần nông tới con về quê gói bánh cho bà má chồng mát ruột chơi”. Lại nhớ hôm nọ bà Mười thắc mắc chuyện nấu ăn dân dã, sơ sịa vậy mà sao mấy cô, mấy chú lại mê, lại cho bà đi Mỹ. Hóa ra đã có câu trả lời. Trong mỗi một phong vị món ăn bà Mười nấu, thực khách không chỉ ăn mà còn được liên tưởng chuyện ngày xưa, lại nhớ đến nao lòng những kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hồn quê đong đầy trong mỗi một món ăn dân dã này đây.
BOX: Bộ Văn hóa thông tin đã quyết định chọn 11 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam để giới thiệu tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007, diễn ra từ ngày 23.6 – 9.7.2007 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Sẽ có 39 nghệ nhân tham gia trong các loại hình văn hóa di sản: nghệ thuật cồng chiêng, nghề đẽo thuyền độc mộc, nghề đan gùi và sử thi của đồng bào Bana Rơngao (Kon Tum); chế tác dụng cụ đánh bắt thủy sản (Điện Biên); đờn ca tài tử, múa lân (Bạc Liêu); nghệ thuật hát bội (Vĩnh Long); sân khấu Ro băm (Sóc Trăng); nghề dệt dân tộc Chăm (An Giang) và nghệ thuật làm bánh dân gian của nghệ nhân Nguyễn Thị Xiềm (Cần Thơ).
H. H
Bài nầy đầy đủ hơn bài đã đăng trên Thanh Niên.

1 nhận xét:

Tran Kim Dinh nói...

Bài hay nhế thế này mà không có ảnh minh hoạ thì uổng quá Hạnh ơiiiiii!