Thứ Bảy, tháng 6 30, 2007

HẦU CHUYỆN LÃO ÔNG 113 TUỔI







Thường thì thiên hạ - chẳng phân biệt Tây hay Ta - thường thích những con số ấn tượng, những kỷ lục ấn tuợng. Thế nên việc ngày 18.6 mới đây, Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận ông cụ Tomoji Tanabe, 111 tuổi, hiện đang sinh sống tại thị trấn Miyakono, tỉnh Miyazaki, Tây Nam Nhật Bản là cụ ông cao tuổi nhất thế giới đã gây không ít xôn xao chú ý. Được biết, sau 5 tháng xác minh, Hội đồng giải thưởng đã công nhận ngày tháng năm sinh cụ thể của cụ ông Tanabe là 18.9.1895. Trước đó, vào tháng 1.2007, cụ ông già nhất thế giới người Puerto Rico đã qua đời ở tuổi 115. Tiếc là trên các trang web lại có quá ít những thông tin thật cụ thể để minh chứng liệu cụ ông Tanabe có phải là người cao tuổi nhất thế giới hay không và dựa trên những giấy tờ gì để biết ông sinh vào đúng thời điểm vừa nêu.
Lại nhớ, cách đây 2 năm tôi đã từng có dịp hầu chuyện ông cụ Đoàn Văn Chấn, cư ngụ tại tỉnh An Giang, lúc đó ông cụ đã... 111 cái xuân xanh rồi mà trí tuệ thì lại hết sức mẫn tiệp. Ngày 28.6, tôi lại khăn gói tìm về cù lao Ông Chưởng với một tia hy vọng tìm thêm cứ liệu để minh định “danh phận” cho ông lão miệt vườn Nam bộ 113 niên kỷ này đây.

* NHƯ VẬY ĐÃ CAO TUỔI NHẤT THẾ GIỚI CHƯA ?
Nằm cách thành phố Long Xuyên không bao xa, chỉ độ chừng mươi cây số mà thôi, vậy mà chỉ cần bước qua một chiếc chẹt nhỏ băng qua sông Hậu đã thấy cuộc sống ở Cù lao Ông Chưởng yên ả, an bình đến lạ. Khi tôi đến ông cụ vừa ăn cơm xong và đang nằm võng nghỉ ngơi trước chái nhà. Đã 113 tuổi rồi nhưng da dẻ ông cụ vẫn trắng hồng hào, râu tóc bạc phơ như những tiên ông đạo cốt. Đã hai năm rồi mới gặp lại nhưng trông ông vẫn vậy, ngoại trừ bị lãng tai và mắt bị mờ hơn trước nhưng không lẫn lộn, trí nhớ thì vẫn minh mẫn, sáng láng như ngày nào.
Ông cụ Chấn hiện sống với người con trai thứ Sáu tên Đoàn Văn Tiển, sinh năm 1937, năm nay đã 70 tuổi. Ông Tiển còn giữ khá nhiều giấy tờ của gia đình. Tỷ như Thẻ căn cước có số hiệu 06488373 của cụ Đoàn Văn Chấn do chính quyền chế độ cũ cấp ngày 29.6.1970. Ông Tiển cho biết, trước đó vào năm 1955 cả gia đình ông đã được cấp Thẻ Căn cước một lần rồi. Trên Thẻ căn cước này ghi rõ ông Chấn sinh năm 1894, tại Nhơn Mỹ, Long Xuyên có cha là Vệ, mẹ là Trịnh Thị Thoại. Thẻ này còn có những chỉ số: ông cao 1m60, nặng 55kg. Nhìn hình thì thấy lúc bấy giờ ông lão đã 70 ngoài tuổi nhưng coi bộ quắc thước, tráng kiện lắm. Một chi tiết thú vị nữa là cùng thời điểm vừa nêu, cũng căn cứ theo Thẻ căn cước thì ông Tiển còn thấp hơn cha mình khi ông chỉ cao có 1m57 mà thôi. Ông cụ Chấn có đến 9 người con, vợ ông mất sớm lúc ông mới 46 tuổi nhưng ông ở vậy nuôi con đến giờ. Các con của ông cụ nay còn sống được 3 người và trùng hợp là cả 3 người con đều mạnh khoẻ và có lẽ có “gen” sống lâu như cha mình. Ngoài cụ Tiển ra thì cụ Chấn còn người con gái thứ Ba là bà Đoàn Thị Hiên, năm nay đã 82 tuổi, hiện cũng sống tại cù lao Ông Chưởng và người con gái thứ Bảy là bà Đoàn Thị Luyến, năm nay đã 68 tuổi. Nói là con nhưng họ cũng đều là... cụ ông, cụ bà sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi như cha mình. Mỗi khi năm hết Tết đến, chính quyền xóm ấp đều đến chúc thọ các cha con y thinh như nhau cả mới thú vị chớ !
Bà Lê Thị Phấn, năm nay cũng đã 60 ngoài nhưng trông trẻ hơn độ tuổi nhiều khoe với tôi: “Tui là cháu dâu kêu ông Chấn bằng bác Ba nè cô. Tía chồng tui thứ Mười, ổng cũng bộn tuổi à nghen”. Hỏi ra mới biết ông cụ Chấn vẫn còn đến 3 người em. Ông cụ Đoàn Văn Ưng là người em thứ Mười của cụ Chấn năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn mạnh khoẻ như thường. Ông Ưng khoe: “Lúc này già cả rồi, bơi thẳng thét ngang sông như trước hổng nổi nữa, những bơi chút chút thì được”. Tôi chợt nhìn ra con sông Hậu đỏ ngầu phù sa trước cửa nhà mà giật mình khi mường tượng ra cái... “chút chút” của ông già Mười là đến cỡ nào (!). Ông Mười Ưng cho biết, người chị thứ Chín tên là Đoàn Thị Phé, sống trên Mỹ Hội Đông, năm nay cũng đã 88 tuổi nhưng vẫn còn đi đứng mạnh bạo như ai, chưa đến nỗi nhờ con cháu đút cơm, đút cháo. Ông Mười hóm hỉnh nói tiếp: “Hổng hiểu sao hồi đó má tui sanh con đẻ cái nhiều dữ vậy. Tưởng tới tui thứ Mười là hết rồi, ai dè 9 năm sau lòi ra thêm thằng Út là Đoàn Văn Thưng. Năm nay chú Út nó cũng được 76 tuổi rồi. Anh Ba Chấn tui thấy vậy mà nặng gánh với bầy em nầy dữ lắm. Được cái ảnh hiền nên em út đứa nào cũng thương”.
Tôi nhẩm tính người em thứ Chín của ông Chấn nay đã 88 tuổi thì tuổi của ông như vậy là đáng tin cậy. Một thông tin khác cũng rất đáng chú ý, chị của ông cụ Chấn là bà Hai Nương (Đoàn Thị Nương) đã mất cách đây độ 10 năm, nhưng lúc đó bà Hai Nương đã thọ 100 ngoài tuổi rồi ! Tôi hỏi ông Mười Ưng, vậy chớ hồi đó khai căn cước có... cước tuổi lên không. Ông Mười cười ha hả rồi nói: “Độ chừng mấy trào sau này, cỡ mấy thằng con của tui hoặc của anh Ba tui mới cước tuổi để trốn đi lính. Chớ trào của tui nội lo mần để đóng thuế thân đã bở hơi tai rồi. Mấy ông quan Pháp cũng ham thu thuế, thu huê lợi chớ đâu chỉ có chuyện đi lính, đi tráng kiểu như hồi trào Mỹ”. Ông cụ Chấn thì kể với tôi một chuyện tương tự: “Tui nói cô nghe, hồi đó, lục bình trôi cứng sông Tiền, sông Hậu. Nói nào ngay, chính quyền Pháp thuộc hồi đó cũng có nhiều biện pháp lắm, tỷ như bắt mỗi gia đình tụi tui phải đóng trước bến sông một chuồng gỗ mỗi bề 2 mét. Hàng ngày gia đình nào không vớt đầy một chuồng lục bình bị phạt còn nặng hơn đóng thuế thân. Còn dưới ruộng chuột nhiều vô số kể, nhà tui có 5 công ruộng chưa kịp cắt, nó cắn có một đêm là rạp đồng. Mấy ông quan quyền bắt mỗi gia đình một ngày nộp 2 gắp, mỗi gắp 10 đuôi chuột. Mà cái thứ chuột cống nhum, chuột lang ngoài đồng đuôi nào đuôi nấy bự bằng ngón tay cái, thúi vô phương kể xiết. Mấy ông xã, ông ấp có nhiệm vụ thu gom đuôi chuột chịu hôi không nổi, lại thêm hổng chịu kiểm tra gắt gao, rốt cùng chuột vẫn hoàn chuột, lục bình thì cứ trôi đầy đồng vô phương kể xiết”.


* TẬP TÁNH KHÔNG HỜN GIẬN AI !
Như bài báo cách đây độ hai năm trên Thanh Niên mà tôi đã ví von ông cụ Đoàn Văn Chấn như một nhà điển tích Nam Bộ học thứ thiệt. Quả là, ông cụ đã như một chứng nhân sống qua 3 thế kỷ và lại rất là hiếm khi được gặp một người nào có thể nhớ vanh vách những câu chuyện... hồi đầu thế kỷ trước như vậy. Được biết, ông cố, ông nội của cụ Chấn đều là những lưu dân đầu tiên đi khẩn hoang xứ này, xưa gọi là Tổng Định Hoà. Đợt này lên, ông cụ Chấn lại chợt nhớ ra mấy chuyện đi làm phu lục lộ hồi xưa. Ông cụ thì thào với tôi: “Tui nói cô nghe đâu lối năm hai mươi (1920), hồi tui mới hăm mấy tuổi đã bị bắt đi làm cu li đoạn kinh xáng Châu Đốc lên Hà Tiên rồi. Mà hồi đó còn trai tráng mạnh bạo, tui mần dữ lắm. Tui nói cô có tin không, xứ này hồi đó hùm beo rắn rít dữ lắm. Có lần tụi tui đang làm gặp một con rắn hổ mang. Chèng ơi, nó lớn cách chi mà nội ở xa tui nghe nó thở khì một cái cũng cỡ tàu hàng nó kéo xúp lơ vậy đó cô. Mấy ông quan lục lộ sợ đến nỗi té đái chạy hổng muốn nổi”. Đang khi tôi đang say chuyện, ông cụ Chấn chợt hóm hỉnh, cười móm mém khều tay tôi mà thì thào tiếp: “Mà vậy chớ cô khoái nghe mấy chuyện xưa lắc làm chi vậy”. Nói đoạn ông nằm trên võng đung đưa, phe phẩy vuốt râu quá bảnh, mặc cho đám cháu chắt đang xúm đen xúm đỏ sau lưng tôi há hốc miệng chờ hóng chuyện, kề miệng vô tai ông cụ... gào toáng lên (vì ôn cụ vốn lãng tai mà): “Kể nữa đi ông cốc”. Tôi nhận ra đại gia đình này quá dễ thương, hèn chi ông cụ sống lâu đến vậy.
Một chi tiết trùng hợp khá thú vị, nếu như ông Tanabe truyền bí kíp sống lâu là: “Chế độ ăn rau nhiều, đồ ăn ít chiên xào” thì ông cụ Chấn cũng vậy. Menu suốt... 100 năm nay của cụ Chấn luôn lấy rau củ làm chính. Ông Chấn giải thích một cách văn vẻ: “Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không có cái kiệu” (!). Ông còn uống nước nhiều và dù ở trong đồng, trong ruộng nhưng luôn uống nước đun sôi, nấu chín. Hiện giờ tuy đã 113 tuổi nhưng ông cụ vẫn ăn uống điều độ. Sáng ra làm một tộ cháo thịt mua dầu ngõ 2 ngàn đồng, tới trưa ăn một tộ rưỡi cơm, tới chiều cũng chừng đó. Thức ăn hàng ngày của ông hiện giờ đã chuyển từ rau qua trái cây vì... “lợi thì có lợi nhưng răng hổng có còn”. Cứ một tộ cơm để thịt kho - mà phải là thịt ba rọi có pha chút mỡ ông mới ưa - cộng thêm trái chuối xiêm hoặc chuối già cạo mỏng vô là trúng ý ông cụ. Tỉ tê hỏi chuyện mấy ông già mới biết ông cụ Chấn còn bảnh hơn ông Tanabe một chuyện khác. Nếu ông Tanabe cho biết: “Không uống rượu là cách tốt nhất để tôi sống khoẻ mạnh” thì ông cụ Chấn lại chủ trương: “Uống chút đỉnh rượu tốt cho sức khoẻ, nó lại giãn gân giãn cốt”. Ông Tiển cho biết: “Hồi đó, tía tui lâu lâu vài bữa nửa tháng cũng hay tụ họp với ông già trong xóm, uống lối chừng 3, 4 ông một xị. Còn trà thì ổng uống thường xuyên từ hồi nào tới giờ”.
Ngoài những bí quyết sống lâu chuyên về ẩm thực như vậy thì lối sống của mấy ông cụ xem chừng lại lý thú hơn. Ông Chấn luôn bảo ban mấy người em của mình và con cháu mình phải ráng sống: “Tập tánh không hờn giận ai, không biết nóng giận là gì. Yên ổn, an nhàn tự tại là do nơi mình mà ra. Làm hiền thì gặp lành, điều dữ tránh đi”. Bác Bùi Thị Biết, vợ ông Tiển, năm nay cũng đã 69 tuổi nói với tôi: “Tía chồng tui ổng dạy tưởng chừng giản bộ vậy chớ khó sống à cô. Con cháu lòng rày đi ra ngoài được học hành mở mang nhưng cách ăn nói, cư xử coi bộ không yên bề, khéo léo như hồi xưa. Cũng may tía tui độ rày ổng lãng tai, ổng không nghe những điều nghịch tai ở đầu trên, xóm dưới. Ổng phải vui vẻ thì mới sống lâu được”. Bà Lê Thị Phấn, cháu dâu của ông cụ thì kể: “Năm 21 tuổi tui về làm dâu ở dòng tộc này. Đã bốn mươi năm nay chưa bao giờ tui thấy ổng làm mất lòng ai cả”. Hàng xóm thì khoe, ở xứ này miễn ai cần coi ngày, coi giờ để cưới vợ gả chồng hoặc giả cất nhà, xuất xưởng đều đến cậy nhờ ông cụ Chấn. Không chỉ vậy, ông cụ Chấn còn là một chức sắc quan trọng trong Đình thần Nhơn An ở xứ Cù lao Ông Chưởng. Ban đầu ông làm hương lễ, sau lên kế hiền rồi đại hiền - một chức sắc cao nhất, luôn đảm đương việc cúng bái, tế lễ ở các ngày lễ lớn của đình làng.
Chia tay ông cụ, tôi lại lúng túng chuyện gởi lại lời chúc. Đang khi như vậy, ông cụ lại bật nói: “Tui còn sống phải cỡ năm lẻ hai mươi à nghen (ý ông cụ nói năm... 2020). Thấy đám con cháu về với tổ tiên mà túi phát sốt ruột. Lá vàng không rụng đi rụng lá xanh. Phải chi tui chết thế cho đám nó được thì tui đi rồi”. Mới đây, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang báo cho tôi hay, cách đây độ 3 tuần các hãng thông tấn của Nhật Bản có liên hệ với địa phương để xin phỏng vấn về ông cụ Chấn. Điều họ quan tâm là tại sao ông cụ sống thọ, sống hạnh phúc trong một điều kiện cuộc sống vẫn còn khó khăn như Việt Nam. Được hầu chuyện ông cụ Chấn mấy lần tôi như tìm thấy câu trả lời. Đâu cần mâm cao, cỗ đầy, đâu cần cuộc sống giàu sang nhung lụa; nếu ai cũng được như cụ Chấn, biết nhu cầu sống đến đâu là đủ, được đề huề hạnh phúc với con cháu và nhất là được lao động và sống bằng những gì mình làm ra... đó chẳng phải là bí kíp trường thọ hay sao.
H. Hạnh

ảnh của TRƯƠNG CÔNG KHẢ

Không có nhận xét nào: