Thứ Hai, tháng 7 16, 2007

MƯỜI XIỀM ĐI MỸ TRỞ VỀ

Hôm qua bà Mười Xiềm đã về lại xóm nghèo Trà Nóc sau hai tuần thăm thú xứ cờ hoa (Thanh Niên đã đăng tải trên phóng sự Mười Xiềm đi Mỹ). Coi bộ bà Mười không quen lắm phong thổ xứ bển. Lại thêm chuyến bay mấy chục tiếng đồng hồ, quá cảnh tùm lum nơi khiến cho một bà già quê trớt chỉ muốn mau về nhà vì: Sang cả cho mấy cũng hổng bằng xứ quê mùa của tui”.

· BÀ MƯỜI NỔI LỬA TRÊN QUẢNG TRƯỜNG WASINGTON D.C
Những sân bay quốc tế rộng mênh mông, vô số cửa ra vào đã khiến bà Mười Xiềm tá hỏa, lóng cóng chân tay khi bước vào nước Mỹ. Và bà Mười lại càng đánh lô tô trong bụng khi Ban tổ chức chỉ cho bà thấy quảng trường quốc gia Mall thênh thang, hoành tráng giữa trung tâm thủ đô Wasington D.C mà rằng: “Vài bữa bà Mười dọn bếp làm bánh, nấu ăn nơi này nè”. Trong khi đó, đã năm sáu chục năm nay bà chỉ quen nấu nướng bên chái bếp đen nhẻm có vài ba mét vuông lợp lá dừa nước, mỗi khi gió thổi mạnh là cửa nẻo bay lật phật, cũng như bao nhiêu gian bếp quê xứ Nam bộ này đây. Bà Mười chỉ bớt sợ khi biết, gian bếp của bà cũng liền kề với khu vực mà các nghệ nhân Bana Tây Nguyên đẽo thuyền độc mộc, gõ trống khua chiêng; rồi các nghệ nhân ở Sóc Trăng múa Rô băm; các nông dân thứ thiệt xứ Bạc Liêu múa lân, đờn ca tài tử. Mà cũng theo lời bà Mười thì đa số người đi trong đoàn đều quê mùa, Hai Lúa như bà Mười vậy. Và bà Mười cũng bớt sợ, khi thấy “chợ Mỹ” mà bán đồ giống hệt Việt Nam mình ! Bà khoe: “Thấy vậy mà đủ thứ nghen cô. Nào là nước mắm, rau cải, gạo nếp, dừa khô. Có điều đồ ở bển cái nào, cái nấy nó bự bành ki. Lá rau húng lủi to muốn bằng... bàn tay. Dừa khô thì nhiều vô số, lớp cơm dừa nạo sẵn đông lạnh, lớp nước cốt dừa đóng lon, lớp dừa trái. Sẵn tui có đem theo bàn nạo dừa nên tui chọn dừa trái. Cực chút đỉnh nhưng làm cho... Tây nó coi”. Vậy là cứ 9 giờ sáng, bà Mười lại lọ mọ từ khách sạn ngoắc taxi ra quảng trường Mall để ngâm gạo, nạo dừa !
Không chỉ mấy ông Tây, bà Đầm xứ cờ hoa mà ngay cả thành viên các nước tham gia lễ hội và nhất là bà con Việt Kiều xa xứ cứ xúm đen, xúm đỏ mỗi khi bếp bà Mười đỏ lửa. Họ cứ... ồ, à khi bà tráng bánh nghe cái xèo, hay thấy bà thoăn thoắt xay bột, vo nhân bánh. Bà Mười khoe, chợ bên Mỹ bán toàn tôm, tép bự bự không hà; hột đậu xanh cũng lớn trọng nên cái bánh xèo xem chừng bề thế lắm. Chừng như nhớ cái xóm nghèo Trà Nóc của mình nên bà Mười lại nhắc: “Xứ tui mà bán cái bánh xèo cỡ này dám chừng họ hổng có tiền trả à nghen”. Có điều bà cứ tiếc là rau bên đó không đủ vị như bên Việt Nam mình. Quanh đi quẩn lại chỉ có 3 món: xà lách, húng lủi, húng quế, lá nào lá nấy to lúc lỉu, hổng thấy mùi vị gì mấy. Vậy mà mấy ông Tây thấy cái “Pizza Việt Nam” có đủ thứ: bột, đậu xanh, tôm, giá, củ sắn lại thêm một đĩa rau kèm, chén nước mắm cũng pha vào đó cà rốt, củ cải xắt sợi, cứ tấm tắc khen rằng: “Dân quê Việt Nam kham khổ mà ăn uống khoa học quá”. Bà Mười nghe thông dịch lời của ổng, mới lẹ miệng nói liền: “Chèn ơi, rau rác cỡ này mà nhằm nhò gì. Mấy ông mà qua được Cần Thơ tui cho ăn một rổ rau rừng”. Nói rồi bà kể một lô, một lốc nào là cải xanh, nào là giấp cá, nào là hẹ, giá rồi lá lụa, đọt chùm ruột, đinh lăng, sao nhái... Nghe vậy, có một vị khách Tây xin ngay địa chỉ rồi hẹn đến ngày 28.7 tới đây khi qua Việt Nam sẽ xuống Cần Thơ gặp bà Mười !
Ngày biểu diễn gói bánh tét cũng kỳ công không kém. Bà Mười cũng nhạc nhiên khi thấy họ đem đến đủ thứ nào là lá chuối, cọng dây lạt buộc bánh, rồi thịt ba rọi để làm nhưn. Người ta cũng xúm đen xúm đỏ lại xem bà Mười làm... “ảo thuật” khi hổng thấy cái khuôn bánh nào cả mà thoắt cái là xong xuôi đòn bánh tròn lẳn, đều đặn như nhau. Họ cũng ngạc nhiên không kém khi biết bà Mười phải nấu cỡ nửa ngày sắp lên, nồi bánh mới chín và đó cũng là công việc thường ngày của bà Mười cũng như biết bao nhiêu người đàn bà xứ Việt để mưu sinh và để phục vụ cho gia đình. Một ông Tây đã mừng rỡ nhảy lưng tưng khi được bà Mười tặng cho một đòn bánh tét còn nóng hôi hổi. Khách thưởng lãm cũng ngạc nhiên không kém khi thấy loáng cái bà Mười đã nấu xong một bữa cơm gia đình với nào là khổ qua dồn thịt, thịt kho gừng, cá kho tộ... Không chỉ bà con Việt Kiều xa xứ mà cả các bà Đầm cũng lăng xăng đòi phụ bà Mười. Họ lóng ngóng bắt bột, vo nhân làm bánh ít trần xem chừng chăm chú lắm. Một bà Đầm (bà Mười kể chuyện thì cứ Tây Đầm ráo trọi, vì bà không tài nào đọc được chứ đừng nói tới nhớ được một tiếng nước ngoài) tâm sự: “Không chỉ là chuyện ẩm thực mà qua việc hiểu một tập quán nấu nướng tôi như thấy người phụ nữ Việt Nam gởi gắm cả tâm hồn mình vào công việc nội trợ tưởng chừng là nhàm chán này. Và những người đàn bà Việt cực kỳ tốt bụng, cực kỳ chung thủy, yêu thương chồng con vì họ đã luôn sống một nếp sống như vậy”.

· THA HƯƠNG NGỘ CỐ TRI:
Tôi đã... khoái chí, mở cờ trong bụng khi bà Mười thật chuyện: “Chèn ơi, người mình ở bển đi dự lễ hội cũng đông lắm cô. Họ nói họ đọc báo Thanh Niên thấy giới thiệu về tui quá xá nên đi tìm cho bằng được”. Trong dòng người đó có hai vợ chồng xứ Cần Thơ qua Mỹ được trên 10 năm. Từ xa ông chồng đã la lớn: “Bà Mười ơi, tui dân xứ Cần Thơ nè. Hồi đó tui làm bên Điện lực. Bà biết tui không” ? Chu mẹt ơi, ông này hỏi lãng dữ không. Ổng là dân quan quyền, mình là dân mua gánh bán bưng. Làm sao mà biết cho được – nghĩ bụng vậy nhưng bà Mười vẫn cười toe mà nói... “Tui thấy chú quen quen” cho ổng đỡ nhớ nhà. Bà vợ thì te rẹt như bao nhiêu bà đàn bà khác: “Bà Mười kho mắm mà con hổng biết, phải biết con đi chợ Việt mua rau cho. Cũng bán đủ thứ như chợ nhà lồng bên mình vậy đó”. Một số bà mà nghe qua giọng nói là biết ngay gốc miền Tây thì la rùm lên: “Trời ơi, mùi mắm kho sao mà nghe tản thần vậy nè. Tui nhớ nhà, nhớ quê quá thể”. Hỏi chuyện làm bánh thì ít mà họ tám chuyện bên nhà thì nhiều hơn. Họ cứ cười ngất khi hỏi chuyện qua đây bà Mười ăn ngủ ra sao. Bà Mười cứ tình thiệt: “Khách sạn tui ngủ nó tính một đêm 450 đô nghen mấy bà. Chèn ơi, nệm nó mềm cách chi mà mới nằm xuống là tui chìm tuốt luốt, tấm đắp thì cứ phập phều, phập phều như cái bòng bột. Tui nằm mà cứ cà bơi, cà bơi như... con ếch bà. Nghe nói nệm lông ngỗng gì đó. Mà nói thiệt tui về nhà ngủ trên bộ ván ngựa coi bộ êm hơn nghen”. Mấy bà nghe thuật chuyện mà cười chảy nước mắt. Chuyện bà Mười mà cũng như chuyện của họ khi tha phương trên đất khách quê người.
Lại có một chuyện cảm động khác. Có một cặp vợ chồng trí thức người Mỹ gốc Việt khác đã năn nỉ bà Mười nhận mình làm con nuôi. Hai vợ chồng quê ở Bến Lức, Long An qua Mỹ đã 26 năm nay. Anh chồng tên Song làm ở Tòa án liên bang, chị vợ tên là Hạnh cũng đi làm ở Sở, cả hai có 4 đứa con thật kháu khỉnh. Chị Hạnh đã đưa mẹ mình tới gặp bà Mười để mời bà về nhà chơi, dẫn bà Mười đi ăn phở xứ bển cho biết. Bà Mười lại có dip đi thăm thú Nhà Trắng, nhà ông Bush (nói cho oai chứ chỉ đứng bên ngoài nhìn vô), bảo tàng viện. Hai bà già lại cho nhau số điện thoại và hẹn sang năm gặp nhau ở xứ mình. Hai vợ chồng anh Song mua cho bà Mười và bạn trong đoàn của bà nào là dầu gội đầu, nào là xà bong tắm, bà Mười rầy: “Làm chi cho tốn kém vậy”. “Má à, được má nhận làm con nuôi là coi như con đã nối được với gốc gác quê hương xứ mình rồi. Cái má cho con còn lớn hơn nhiều chớ”. Cái câu tha hương ngộ cố tri xem chừng thấm thía hơn bao giờ hết.
Còn nhớ, sau khi Thanh Niên đăng tải phóng sự “Mười Xiềm đi Mỹ”, tôi đã nhận được nhiều email thăm hỏi nhờ chuyển cho bà Mười. Gõ hai chữ Mười Xiềm vào trang tìm kiếm Google đã cho ra vô số kết quả tìm kiếm. Trong đó, có comment của một bạn đọc tên Ng. ở Pháp thật cảm động. Xin được trích ra đây. “Nhìn hình bà đổ bánh xèo mà Ngò nhớ đến những năm tuổi teen. Trời cận Noel hay trở lạnh, ba Ngò hay kêu Ngò đổ bánh cho ấm người !!! Hồi đó, bắc ông Táo ra ngoài hiên, quạt khói nhặng xị lên cho đỏ lửa; bắc chảo lên, cắm cây đũa vô cục mỡ heo dầy cui mà láng chảo; gạo thì ngâm đêm trươc xong đem sang nhà bác Năm nhờ xay giùm, nêm nếm rồi đổ bánh thôi. Ở dưới lửa đỏ, ở trên bánh vàng ươm, con tôm hồng, miếng giá trắng, hơi bay nghi ngút, có thằng em ngồi bên cạnh chị, canh chị làm cái nào xong là vớt ra ăn; mấy con gà chọi bên nhà hàng xóm cũng tu tu lên gáy, ý kêu chủ nó người ta có ăn mà tụi tao không có. Đó là Sài Gòn xưa xửa xừa xưa, trước khi sốt đất, chứ bây giờ nhà cho thuê bán quán nên không có chỗ cho ông Táo đỏ lửa nữa, mà nhà hàng xóm cũng thôi không chơi gà chọi. Ngò sang nước ngoài sinh sống, có một bữa thèm ăn bánh xèo quá xá nên lặn lội ra quận 13 Paris để ăn bánh xèo. Ô hô, cái bánh dầy như cái mền đắp mùa đông; đĩa rau đúng 3 lá xà lách, 2 cành húng lủi, 1 nhánh húng quế; nước mắm thì bỏ trong một cái chung nhỏ, giống cái chung mà ông ngoại ngồi trên bàn thờ hay uống. Ngò mới làm một hớp mà đã hết tiêu chung nước mắm, gào nước mắm, rau cải mà không ai bưng hầu cho hết, nhân viên phục vụ thì mặt mày sưng xỉa, chắc nhà hàng đông khách quá, họ mệt nên mới quạu với Ngò. Mười mấy năm lê lết vỉa hè Sài Gòn để ăn bánh xèo, Ngò chưa bao giờ ăn một cục bột vàng vàng như thế, lại chưa bao giờ xin thêm nước mắm và rau mà bị lườm nguýt. Ăn xong cái bánh xèo thổ tả ở quận 13 còn cục tức thì nuốt không qua cổ, Ngò về bốc điện thoại kêu họ hàng, bạn bè của chồng weekend sang nhà ăn bánh xèo. Giữa mùa đông, Ngò mặc áo măng-tô, cổ quấn khăn, chân đi hài, nổi lửa nhà ông Táo, đứng tráng mấy chục cái bánh xèo. Hả tức nhưng mệt phờ . Từ đó mấy năm rồi chưa lần nào tráng bánh lại. Hôm nay nhìn hình bà Mười mà nhớ bánh xèo ghê !!!”.
Được biết, Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007 có chủ đề “Mekong – Dòng sông kết nối các nền văn hóa”. Không khoa trương, màu mè, văn hóa Việt Nam đã hiển hiện tại lễ hội, tại thủ đô nước Mỹ phồn hoa, đô hội một cách mộc mạc, chân chất như vậy đó. Và hơn thế. Những con người mộc mạc, chân chất như bà Mười Xiềm đã là cầu nối chân tình với bà con xa xứ. Lại ngẫm nghĩ mãi câu chuyện của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại cuộc gặp với kiều bào nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ: “Chúng ta cứ nghĩ Tổ quốc là bao la, là vĩ đại. Đúng ! Nhưng Quốc văn giáo khoa thư chỉ nói rằng đó là mái nhà mà mẹ em đã ru em trên đầu gối và cha em đã bế em trong lòng. Nó giản dị và đơn sơ như thế nhưng mà rất ấm tình”.

3 nhận xét:

HONG HANH nói...

15 gio thu Ba ngay 17.7, So Van hoa thong tin Can Tho se to chuc hop ba0 de thong bao ket qua tham gia le hoi Doi song Dan giang Smithsonian 2007 tai Hoa Ky. Quan trong hon, sau do ba Muoi Xiem se bieu dien do banh xeo.
Dia diem tai Hoi truong Bao tang Can Tho, so 6 Phan Dinh Phung.
Ba con nao thich thi den tham gia.

Tran Kim Dinh nói...

Sao lại là theo "Quốc văn giáo khoa thư"? Cái này cổ lỗ sĩ quá chừng nhà báo ơi! Sách của các nhà đại bác học "đang tề tựu tại Bộ Gờ Dờ và Đờ Tờ" hiện đại và hàn lâm hơn chứ!

Unknown nói...

Chi viet blog de thuong qua. Va chuc mung cuon sách cua chi nhe.
Em U