Thứ Ba, tháng 11 25, 2008

HỘI CHỨNG NHỚ QUÊ

ảnh Trương Công Khả
Còn không chừng 2 tháng nữa là tới Tết. Khoảng thời gian nầy cũng dễ làm cho những kẻ xa xứ mắc phải… hội chứng nhớ quê ! Dẫu cho đang ở nhà, hay đang ngồi trong một cái quán xá nào đó thì thể nào câu chuyện cũng dẫn dắt về… ngày xưa quê ngoại thế này, quê nội thế kia. Dẫu cho, phố xá Sài Gòn tưng bừng là thế, hào nhoáng là thế, những kẻ xa xứ vẫn quay quắt nhớ từng bờ kinh, từng bờ liếp có cỏ mọc xanh ngắt, có tán dừa mát rượi; có kẻ còn nhớ đến độ nói – sao quê tui xấu xí vậy mà tui nhớ quá chừng nè !
Mình có hai đứa cháu, đều là dân thành đạt, hiện đại, đủ mọi yếu tố của lớp trẻ bây giờ. Đứa theo ngành dược, đứa theo ngành tàu biển, toàn là làm cho công ty đa quốc gia, lương bổng đủ để tụi nó thi thoảng vài tháng lại quảy ba lô đi du lịch. Thằng con mới có 18 tháng tuổi cũng nhiễm máu giang hồ giống ba mẹ, đi tùm lum; từng ấy tháng tuổi mà đã biết đủ thứ Đà Lạt, Hà Nội, Lạng Sơn, Hạ Long. Vậy mà cái gia đình trẻ, hiện đại đó lại đang nhớ quay quắt nơi chốn khỉ ho cò gáy với cái tên nó quê không còn cái gì quê hơn – Tân Móc, Kinh Già Dong, xứ Cà Mau !

Tối qua, thằng chồng – dân tàu biển - hì hụi đến 2 giờ sáng, gõ gõ, đánh đánh. Sáng ra, đứa vợ vô blog của chồng đọc, và rồi nhắn tin tíu tít, khoe ầm ầm.

Mình cũng vô blog tụi nó. Đọc và tự nhiên giờ thấy nhớ quê không thể tưởng tượng được nữa rồi nè
.

Đọc từ blog cu Bách:

Ông nội cu Bách "đánh dây thép" lên cho hay quê nội giờ điện nhà nước đã kéo tới tận nhà rồi...cha ù nghe thẫn thờ một chút rồi thở dài với mẹ G: "Vậy là hy vọng dẫn cu Bách về xứ mình mỗi hè cho biết ruộng đồng tiêu tan rồi em ơi". Cái xứ mình ở đây nào có xa xôi gì lắm đâu, nghe chừng đâu là cái ấp nghèo nhất của cái xã nghèo nhất ở cái huyện nghèo nhất trong cái tỉnh cũng nghèo nhất đó mà. Ở cái xứ nghèo quắt nghèo queo đó cách Cà Mau có hơn 20km thôi mà mỗi lần về quê phải khăn gói từ tờ mờ sáng, để rồi xuống bến tàu A - ko biết sao đặt chữ A, B ở đây nữa - nôn nao đợi đò chạy cả buổi sáng chỉ để đòi bằng được bà nội cho ăn ổ bánh mì xẻ bụng nhét cây cà rem vàng nghế mùi sầu riêng vô. Cảm giác ngòn ngọt đầu lưỡi, buôn buốc chân răng của que kem ít đường nhiều đá - dù sao cũng mang chút hơi hướm thị thành - chạy dần ra phía sau chiếc đò đang xình xịch khói để ùa đến mùi quê từ từ rõ nét ở phía mũi tàu. Mỗi khi chiếc đò chòng chành ghé lại ở mỗi ngôi nhà nào đó y như rằng một tốp con nít ùa ra, có đứa lóp ngóp bò lên từ dưới sông, có thằng lộn mèo từ đống rơm xuống, nhưng đều giống nhau ở chỗ đen nhẻm và trên tay cầm cái gì đó giống như khúc bánh mì ăn dở dang. Chúng xúm lại mừng mẹ hay cô, dì, thím, mợ gì đấy đi chợ về xem có được dăm ba trái bắp hay cái bánh cam, bánh còng nào không vì trái gòn non trên tay - nhìn sơ sơ tưởng khúc bánh mì - cạp tới ruột non đã biến màu nâu và chát ngấm. Chợt thấy ổ bánh mì kem sao quá đỗi giàu sang còn vị ngòn ngọt hồi nãy bay đâu mất tự hồi nào...

Lội bộ, giang xuồng, đi cầu khỉ thêm 2 tiếng đồng hồ nữa thì nhà ông cố con cũng trước mắt... Nếu mà alô ngay đầu kinh So Le rồi trong nhà chạy ra xuồng máy ra rước như bây giờ thì làm sao có được cảm giác hồi hộp nghe tiếng chó sủa dậy xóm khi thấy khách lạ ngang nhà, làm sao thấy được đồng chó ngáp - bởi lẽ toàn năng không à, chán quá phải ngáp chứ sao giờ ?! - làm sao thấy được cánh đồng cò bay thẳng cánh - ông Cậu hay nói vui là chứ không thẳng cánh ra bay té xuống đất chết ngắt hết rồi. Dọc đường quê rợp bóng mát của cây me, cây còng, cạnh trại xuồng lúc nào cũng là cây Gừa cổ thụ yên ả buông rễ dài như tấm màn phủ xuống mặt kinh nơi bầy vịt đang chúi đầu mò lũ tép mòng. Và 3 tháng hè cực kỳ đã bắt đầu...

Để coi nào, buổi sáng khi bình minh chưa ló dạng, cha ù đã chạy lon ton theo bác 3 Cường đi cuốn câu, dỡ lờ, thăm lợp... sướng nhất là từ đằng xa nghe chú lóc nào dính câu quậy ì đùng, nhưng cũng tiu nghỉu khi kéo lên cái lờ nhẹ tênh chẳng có anh sặc hay chị rô nào hết, vòng về sẵn tay vớt vài cu ốc bưu, ốc lác để buổi trưa có nồi luộc cơm mẻ nè. Về đến nhà khi bàn chân chưa hết sướng vì được quẹt lên đám cỏ thấm đẫm sương đêm thì một nồi cháo cá lóc ăn với rau đắng đất đã được cô Cầm dọn ra sẵn. Húp xong chén cháo thì lăn vào những trò chơi mà bây giờ cha ù lờ mờ nhận ra nó có nguy cơ tuyệt chủng ! Trời còn mát thì đi chặt bình bát, lựa cây đẹp nhất để đẽo kiếm khất hưng, trưa chút thì móc đất sét nắn tu na vỗ nghe bôm bốp, nắng quá thì vẹt đám cỏ sau nhà chơi trò gà quất, xế trưa thì bứt dây mây lấy trái chơi ống thụt... Sau khi chọc ổ kiến vàng lấy trứng câu cá rô tăm tích với bác Nha thì chặt luôn nguyên cây chuối nhảy xuống kinh Tăng Móc trước nhà mà tha hồ vùng vẫy ngày hè... Lên bờ thì cô Cẩm cũng chuẩn bị xong món kẹo bằng đường chảy kéo qua miếng bẹ chuối mà vị ngọt thanh kéo dài cho tới giấc ngủ trưa.

Đến giờ mà cha vẫn chưa quên được lúc sung sướng nhất trong những ngày hè về quê nội là trèo lên bộ ván ngựa bên chái nhà nằm cho bà cố con ru ngủ bằng cây quạt chằm lá dừa. Những ngày hè oi bức thì ngọn gió từ cây quạt tay này sao mà mát mẻ đến kì lạ. Nó không mang mùi rơm rạ như nhiều nhà văn viết, chẳng có mùi quay cốm vừa đập bùm ban sáng, cũng chẳng phải "lời ru có gió mùa thu" trong bài "Mẹ" của Trần Quốc Minh mà cha vừa học ở trường. Đơn giản chỉ là trưa hè yên ả, làn gió phe phẩy từ cây quạt nan như vỗ về giấc ngủ say sưa mặc cho ông bong bóng khua mái chèo dưới mé sông, mặc cho tiếng kèn kẹt của bụi tre gai xéo góc nhà và tiếng tắc kè nấc cục từng cơn khát nước...

Vậy là cây quạt nan cũng hiện diện trong nhà ta thay cho quạt máy để đêm đêm mẹ G vẫn phe phẩy giấc nồng cho cu Bách. Không phải vì tiết kiệm điện trong thời buổi bão giá này mà là tính tiện dụng không thể chối cãi của nó, mỗi khi với tay tìm remote của quạt bàn hay máy lạnh - mà cu Bách thường chọi lung tung vào góc nhà - thì lúc nào cũng gặp cây quạt nan liền. Con hay bệnh đường hô hấp phải hạn chế tối đa quạt điện, máy lạnh càng không, thế nên cây quạt tay lúc nào cũng ngay đầu nằm. Chuyện chỉ sử dụng cây quạt này để nhắc con nhớ về quê nội là điều không tưởng nhưng lại để có cớ kể chuyện ngày xửa ngày xưa có một thiết bị không hiện đại tí nào mà mỗi buổi trưa bà cố thường ru cha ngủ ở một vùng quê của cái ấp nghèo nhất trong cái xã nghèo nhất của cái.... Và cha sẽ dẫn con về nơi ấy. Nó không đẹp như những vùng đất con từng qua, nhưng là nơi chứa đựng đầy ắp tuổi thơ hồn nhiên với miền ký ức khó phai mờ, ở nơi ấy một thời cha bồng bềnh bay theo những giấc mơ đang lơ lửng ở ngọn tre làng...

Cuối cùng quê mình cũng có điện, đâu rồi những chiếc quạt nan khi quạt điện mỗi nhà 3 cái, đâu rồi những bó đuốc lá dừa bập bùng mỗi tối cuối tuần các cô các chị dắt dìu nhau ra đầu kinh xem Phạm Công Cúc Hoa, tìm đâu ra cảm giác khép mái chèo khi hai chiếc xuồng lướt qua nhau ở thời điểm xuồng máy, rồi xe honda chạy như mắc cửi trên đường quê hôm nào... Cha ù thẫn thờ tìm không thấy lấy đâu để chỉ cho con đây !?

Ngày nảy ngày nay, ở đất SG đèn ngọn xanh ngọn đỏ, khi đã dạo gần hết chiều dài đất nước và đạt hầu hết những giấc mơ lơ lửng ở lũy tre năm nào, có một ông cha ù đang hụt hẫng miệng lẩm bẩm : "Phải chi quê mình đừng có điện"

1 nhận xét:

truongcongkha nói...

Có phải chi nói tui nhớ quê quá chứ gì?đang lẽ không đến nổi nào như hình của tui có cánh đồng bát ngát với màu may buồn ảm đạm của cái lần đi miền quê công tác...làm cái thằng xa xứ này nhơ mang mát trong lòng nghe.