Chủ Nhật, tháng 9 09, 2007

CHUYỆN CHẾ HAI, CHUYỆN BÀ NGOẠI

* Chị B. Ngân gởi một email sau khi xem blog của mình. Post lên đây để đọc và để lưu trữ:
“Sáng nay, Yên Nhi dậy sớm bảo mẹ thắt bím coi cho xinh xinh để vào trường dắt tay một học sinh mới vào lớp một. Cô nàng hậu đậu xem ra “quan trọng” việc này lắm.Ngày đầu tiên đến trường - nhắc đến chuyện ngày xưa, không biết Hùng có được đến trường đường hoàng không, chớ chị thì đến lớp Hai mới đi học (lớp một má dạy). Mà đi học thì lúc đi thì đi trên bộ, khi về thì lội dưới sông. Và không bao lâu thì trường bị bỏ bom, cháy rụi. Sau đó má chị và mấy dì phải ra tận Cà Mau cất một cái nhà chói cạnh chùa (đi học phải bước qua cửa chùa mới ra đường) để đi học. Vì vậy tối nào cũng lạy Phật. Còn học thì học ở trường Công giáo (trường Bảo Lộc). Và cái sự học sao lúc đó mê học đến vậy. Có bữa bụng lép kẹp, mưa tầm tã mà vẫn đội mưa cuốc bộ đến trường…Và khi nhớ lại, gần như cả đời chưa lúc nào học hành như lúc đó. Tự một đứa ở quê ra, học đọ lớp 2, nhảy vào lớp 3 giữa chừng mà đến cuối năm được xếp hạng Hai, được phần thưởng là quyển Những Ngày Xanh của Ronin - quyển sách mà cho tới giờ chị vẫn nhớ như in từng chi tiết. Có chi tiết thằng bé Rober, người Ái Nhĩ Lan xanh xao, ốm yếu vào lớp bị bạn ăn hiếp; về nhà ông ngoại dạy cho mấy bài võ và bảo phải chọn thằng cao to khoẻ nhất ở lớp để đánh nó cho cả lớp biết mặt. Thằng lớp trưởng Gavin là đứa bạn bị Rober đấm vào mặt, bị đánh lỗ đầu hai đứa dắt nhau chùi máu cho nhau và từ đó trở thành đôi bạn tri kỷ. Giờ sao kỷ niệm cứ thưa dần, nghèo dần. Đọc thấy đoạn em viết về thời thiếu thốn lại thấy nhớ má, nhớ nhà, nhớ mấy dì. Loay hoay vất vả cả đời, giờ tuổi già sức yếu…Ngày đầu tiên đi học, ngày đầu tiên… Ráng viết nhật ký để cho tụi nhỏ đọc và nhớ”.
* Cách đây độ chừng 23 năm, khi mới bước vào nghề báo ở một tờ báo tỉnh lẻ mình sống với gia đình chị Ngân và hồi đó mình hay gọi là Chế Hai như anh Phúc, như Khởi, như Út Phượng (Từ “tỉnh lẻ” dân tình các thành phố lớn ưa xài, riết rồi mình quen miệng xài theo lúc nào không hay. Chứ tờ báo tỉnh hồi đó và dường như cho đến tận bây giờ vẫn là nơi cho mình một bản lĩnh nghề nghiệp, một cách sống đậm chất Nam Bộ. Và mình luôn mang ơn nơi “tỉnh lẻ” đó).
Hồi đó, hai chị em, một ốm nhách, cao nhồng; một mập lù, lùn xủn cứ chở nhau trên chiếc xe đạp lang thang khắp phố xá Bạc Liêu. Tự nhiên thành… nổi tiếng ! Hồi đó, công viên Hàng Me trên đường Trần Phú vẫn còn đến 2 hàng me, con đường nhỏ xíu. Mà cũng chẳng ai thấy đường nhỏ, xe honda hiếm thấy, xe hơi hãn hữu, có xe đạp đã là sang lắm. Phố xá vì vậy cứ rộng tênh. Hồi đó, mỗi khi đi công tác viết bài là cuốn gói biệt tăm độ nửa tháng có hơn. Lang thang Mũi Cà Mau hay Thanh Tùng, Đầm Dơi mà lòng dạ cứ nôn nao nhớ về cái Công viên Hàng Me. Còn nhớ đi bộ qua khỏi Bưu điện một chút là có quán sâm bổ lượng, chè hột gà nước trà của Ông Chệt. Cái sân rào dây chì kẽm gai của ông Chệt nay đã bị giải toả để mở rộng đường. Cái góc nhỏ mình và chị Ngân hay ngồi có lẽ bây giờ là làn đường dành cho xe máy có cây đèn xanh, đèn đỏ thì phải. Đi bộ một chút nữa là tới Ngã tư Quốc tế với một dãy mấy bà bán bắp. Nghe kể thì oanh liệt vậy chớ mấy khi được ăn. Thử nghĩ, lương tháng 120 đồng, đóng tiền ăn cho bà Hiếu hết 90 đồng. Nhuận bút thì… 6 tháng lãnh một lần. Vậy mà mình với chị Ngân người nào cũng có Thẻ Mua sách ưu tiên của Công ty Phát hành sách. Nhớ hồi đó cuốn Trăm năm cô đơn được phân phối về Bạc Liêu 4 cuốn; hai chị em có ngay 2 cuốn nhờ bà ngoại Yên Nhi làm Chánh văn phòng !
Lại nói về bà ngoại. Mình cũng không hiểu nếu hồi đó không có bà ngoại Yên Nhi thì làm sao mình và chị Ngân và còn nhiều “vĩ nhân tỉnh lẻ” khác sống nổi qua thời bao cấp ("vĩ nhân" lớp là con, lớp là cháu xa, cháu gần, cháu ngang hông… đủ cả). Ai nấy trong túi không có một xu, “ăn bám” bà ngoại mà bàn toàn chuyện vĩ mô ! Hình như không đứa nào nghĩ đến chuyện góp tiền lương cho bà ngoại (vì có bao nhiêu tiền mua sách ráo trọi) vậy mà chưa bao giờ thấy bà ngoại cằn nhằn, kể lể. Nói nào ngay, cả đám “biết thân, biết phận” nên bà ngoại sai gì là làm tuốt luốt. Từ chuyện dán phông lịch lốc, xếp hàng mua cám heo, đi chở cặn cơm, cặn cá… cho đến canh… "người ngay" trộm rau muống. Nhớ hồi đó nhà bà ngoại có một ao rau muống to đùng nằm kế Trường Trung học Y tế; học viên cũng quá xá nghèo nên cứ qua cắt lén. Chế Hai lớn rồi nên mắc cỡ không dám đuổi; chỉ có mình và Út Phượng vừa đuổi, vừa… chưởi té tát (!). Cách đây độ mấy năm, gặp một tay bác sĩ, cũng quan chức à nghen. Ổng nhắc: “Tui biết chị từ hồi chị còn ở Bạc Liêu”. Mình vênh mặt lên nhìn đồng hương: “Ừ, hồi đó tui làm báo tỉnh. Bộ tui có làm việc với anh hả”. Ổng cười cười: “Tui đâu có hân hạnh đó. Hồi đó tui ăn trộm rau muống của chú Út Nghệ bị chị đuổi quá trời”. Trời đất ! Mình thiếu điều muốn độn thổ.
Lại nhắc về ông ngoại. Lúc đó, ông ngoại làm Phó chủ tịch tỉnh mà tính liêm khiết thì khó có ai bằng. Tỉnh phân cho một chiếc xe Honda, ông ngoại không nhận vì… ông ngoại không biết chạy; con cái biết chạy nhưng ông ngoại bảo tụi bây làm gì có tiêu chuẩn ! Mình và Khởi hay lén lén lục cặp ông ngoại “thó” vài tờ Giấy giới thiệu để đi mua cám cho heo. Mấy cô mậu dịch viên biết tỏng, cười cười bảo: “Tụi bây ăn cắp giấy của ông già phải không. Cô biết ổng chừng nào mới viết giấy này. Mà thôi, cô hổng nói ra đâu. Lẹ lẹ đem cám về cho heo ăn đi”. Hú hồn ! Mỗi khi đi làm về là chiếc xe đạp của bà ngoại lặc lè. Hai bên ghi đông là 4 quày chuối xiêm, lớp nào hườm hườm thì đem nấu canh chuối; lớp nào vừa chín mùi thì làm kem; lớp nào chín rục rã thì cho heo nái ăn đặng có sữa thúc bầy heo con (mà bao giờ chuối chín rục rã cũng là số nhiều vì con heo nái trong chuồng mới là... nhân vật chính). Chuyện mua cá cũng vậy. Bà ngoại hay mua những thứ người ta bỏ lại sau khi cạo chả cá thát lát. Về phân loại ra, ngoài xương cá, bụng cá ra thì tất tật đầu cá, vi cá đem xay nhuyễn vo viên kho lạt hay nấu canh chua, bữa nào có mỡ đem chiên lên là thế nào cũng có màn giành ăn giữa mình và Khởi, Út Phượng, Trung Trí; chế Hai và anh Ba Phúc thì hay cãi nhau những chuyện vĩ mô trong bữa ăn nên “chấp” tụi nhỏ ! Bây giờ đôi lúc thấy “thèm” kinh khủng bữa ăn hồi đó.
Lớp con cháu mà bà ngoại cưu mang hồi đó giờ mỗi người mỗi ngả, mỗi người mỗi số phận. Có những trả giá, có những cuộc chia tay, có những khổ đau… Nhưng tự hào một điều, đứa nào cũng nên danh, nên phận theo nhiều kiểu khác nhau. Và cũng không đứa nào để bà ngoại phải hối hận khi đã lỡ cưu mang. Ừ ! mà đó chỉ là cách nghĩ của mình. Chứ với bà ngoại, dẫu cho có đứa nào lỗi lầm thì bà vẫn giang rộng cánh tay chứ nào có chấp trách gì đâu.

Không có nhận xét nào: