Thứ Năm, tháng 9 20, 2007

NHỚ QUÊ XƯA

Sáng nay, lang thang vô blog của chị Lý Lan thấy một entry mới thiệt hay. Đưa lên đây một đoạn để nhớ:

“Hồi đó còn chiến tranh, ban đêm có giới nghiêm, nhưng trong xóm nhỏ nhà này chạy qua nhà kia có mấy bước nên không sao. Ti vi mới xuất hiện ở Sài Gòn, trong xóm chỉ có vài nhà sắm được, để chình ình giữa nhà, bữa nào có hát cải lương thì chủ nhà trải chiếu trước ti vi cho bà con lối xóm qua coi. Nội dung những tuồng cải lương đó mình đã quên gần hết, nhưng không khí rôm rã của đám khán giả coi cọp thì chắc suốt đời không quên. Nhớ tuồng cải lương gì đó, kép chánh bị ví chạy vòng vòng sân khấu nhiều phen sát nút đến nỗi phải dừng lại oánh một chập rồi mới chạy tiếp, tình thế thiệt là khẩn cấp, khẩn cấp! Rồi cuối cùng chàng bị đâm một nhát thấu tim, khiến chàng một tay bụm lưỡi gươm cho dính chặt vô ngực mình, một tay giơ ra cho khán giả thấy máu trào ra, (miệng chàng cũng trào máu) thế là xuất hiện một hồng nhan tri kỷ khóc lóc thảm thíêt, và chàng cất cao giọng ca mùi mẫn trứ danh than thở, phân trần, kể lể nguồn cơn cớ sự uẩn tình oan khuất giải bày cầu xin trách móc tủi hờn ngậm ngùi cay đắng xót thương tha thứ trối trăn… Nghe kép này ca rất ư đói bụng, mình bèn chạy về nhà lục bếp kiếm chén giở nắp nồi vét cơm nguội chan xì dầu trộn miếng xá xíu rồi chạy qua nhà bà Mười thấy đám coi cọp cải lương vẫn còn đông đủ, kép chánh vẫn còn ôm ngực đẫm máu mà gân cổ ca. Mình la lên “chưa chết hả”, bị quở “đồ vô duyên, chưa hết sáu câu vọng cổ mà chết cái nỗi gì?” Đành ngồi xúông góc chiếu ăn hết chén cơm nguội rồi chạy về nhà cất chén lấy ly rót nước rồi uống cạn rồi cất ly rồi chạy trở qua đám cải lương ngồi trở xuống góc chiếu xem tíêp anh kép chánh đang ôm ngực lảo đảo xuống xề. Mình băn khoăn “rốt cuộc ổng có chết không” thì bị nạt “kép chánh chết thì vãn tuồng, còn gì coi nữa!”.

Đọc mà nhớ quê chồng quá đỗi. Xứ Kinh Già Dong, gần Kinh So Le Kiểu Mẫu, Cà Mau - nghe tên cũng dư biết quê mùa đến cỡ nào. Cách đây độ chục năm, chế Hai mua cho ba tôi cái tivi màu 21’’. Đó là cả một sự kiện với cả xóm. Vui nhất vẫn là mỗi tối thứ Bảy, lịch phát cải lương định kỳ của Truyền hình Cà Mau. Mới 6 giờ tối mà má tôi đã sai tôi đi nhúm lửa nấu nước pha trà đặng một hồi khách khứa, bà con tới có nước mà uống. Rồi coi lại đám lá dừa khô trong bếp còn nhiều không. Má tôi lo xa, sợ đến khuya, tuồng vãn không có đủ bó làm đuốc soi đường cho khách về.
Ôi thôi, mấy bà dì, bà thím, mấy số, mấy chế… ngồi chật hết mấy bộ ván ngựa, tràn qua tới hàng ba. Và thể nào một hồi cũng nghe tiếng hỉ mũi rột roẹt, tiếng chép miệng, tiếng chắt lưỡi hít hà tuỳ theo mức độ biểu cảm của mấy cô đào hát, mấy anh kép mắt môi đỏ lòm. Có bà thím nhập tâm quá buột miệng chưởi: “Bà mẹ nó. Vợ con đùm đề vậy mà cũng bỏ cho đành đoạn ha”. Hoặc giả: “Cái thứ đàn bà bỏ đi theo trai đó gặp tao là tao đem đi câu sấu, đem đi bằm cho vịt nó ăn”. Bà này nói một cây, bà kia hoạ lại một tiếng, rồi lại “ghen hàng xáo” cho… mấy nhân vật trong tuồng. Nhặng xị hẳn lên. Muôn lần như một, ba chồng tôi phải đập bàn cái rầm nạt ngang: “Tụi bây có để cho tao nghe trọn tuồng không ?”.

Mỗi khi vậy, tôi lại bụm miệng nhịn cười. Nhưng rồi hồi lâu nghĩ lại. Thật ra, mấy bà đang mượn chuyện tuồng tích để răn dạy con cháu đó chớ. Các tuồng tích cải lương đã như một Quốc văn giáo khoa thư cho những dân quê ít học quê xứ chồng tôi.

Thời gian rồi cứ lặng lẽ trôi đi. Dân quê giờ có nhiều cái để coi, nhiều thứ để giải sầu. Những tuồng tích cải lương tối thứ Bảy đã không còn níu kéo được ai. Mà xem chừng con gái quê cũng vắng bóng hơn xưa. Đứa thì đi lao động hợp tác, đứa thì đi lấy chồng nước ngoài… Mỗi khi nhà chồng có đám tiệc thấy vắng hẳn cảnh ngâm bột, xay gạo làm bánh khéo từ vài ba ngày trước. Đồ ăn thức uống bánh trái mua từ ngoài chợ vô. Sang trọng thì có, hào nhoáng thì có… nhưng kiếm một chút hồn quê lại thấy khó gì đâu !

Không có nhận xét nào: