Hổm rày thời sự trên những blog (đa phần blog của các nhà báo) liên quan đến sếp. Định không nói vì rất dễ bị hiểu lầm, nhưng không sao thôi được ý định.
Chợt nghĩ hôm nay là ngày cúng tuần thứ 2 của bác Ba, nghĩa là chuyện chỉ mới đây thôi. Những người mới đây thôi còn thấy ở đám tang; nay lại mượn tên giang hồ hành hiệp nói toàn những điều máu lửa binh đao. Liệu có đáng và có nên không !
Nhớ hôm đám tang, cô văn thư gởi cho sếp cái phong bì nhỏ chỉ ghi vắn tắt "một bạn đọc", trong đó bạn đọc (là ông, bà, cô, dì... chúng tôi cũng không rõ) xếp mười mấy con hạc giấy với lời phụ chú "gởi cho bà cụ quy tiên". Rồi những người viếng thăm lúc 12 giờ đêm, 1 giờ sáng... nếu không vì tình thân thì liệu họ có lặn lội đến (dù đường khá xa, tối tăm, lầy lội). Rồi nhiều lãnh đạo, nhiều doanh nghiệp... chẳng "ân oán giang hồ" gì với TN cả (nói theo ngôn ngữ bình dân cánh nhà báo dùng là vậy) họ đến không chỉ một và hai ba lần. Không bao thơ, không quà cáp... cứ đến ngồi uống rượu, uống trà, tán gẫu với chúng tôi. Mà tôi cũng chưa bao giờ dựự một đám tang mà nhiều quan chức cấp cao, nhiều ban ngành, nhiều nghệ sĩ đến viếng như vậy. Cảm giác ngay lập tức vẫn là thước đo uy tín và độ phủ sóng của tờ báo. Kế đến là sự quảng giao và tấm lòng của người đứng đầu.
Chuyện tấm lòng của anh K. thì rất nhiều người đã biết. Hình như lâu nay, báo TN chưa từng có thông lệ đuổi một ai. Khi nóng lên thì sếp có thể rầy la, chưởi mắng như tát nước vào mặt. Nhưng khi nguội dần thì sếp lại cười cười mà đe: "Sao mà mấy ông, mấy cô làm khổ tui quá chừng vậy". Thấy bà xã anh Ngọc Thành (phóng viên báo đã mất) đến viếng, ảnh gọi lại ngay mà bảo: "Lúc này em sống đỡ không. Ráng nuôi tụi nhỏ ăn học tới nơi, tới chốn nghen. Thằng Thành hồi còn sống tiếng là lăng nhăng nhưng mà nó tốt bụng lắm. Em đừng để bụng nó mà tội nghiệp". Rồi chuyện quyết ngay cho chị Kim Lan vào làm việc thế chỗ chồng là anh Nhã Bình, ngay ngày di quan anh N.B. Làm việc nhiều nơi mà tôi cũng chưa giờ thấy nơi nào lính trang có thể nói chuyện thoải mái, chẳng kiêng dè như ở TN (chỉ ngoại trừ những tên muốn xun xoe mà nơi nào cũng có). Đứa nào hết tiền cũng làm gan gạ gẫm và sếp mủi lòng móc túi cho. Tụi tôi thường tự hào vì có một người lãnh đạo như vậy.
Nói dông dài chỉ để hiểu rằng cái lý khi TN quyết định đăng cái cảm tạ vừa nêu. Mà thật ra toàn bộ 4 trang màu đó, tuy có đánh số nhưng vẫn dành một số trang để đăng quảng cáo. Các chủ blog - vốn là những nhà báo thứ thiệt - thừa biết điều đó, nhưng cố tình không hiểu. Buồn thay !
Đưa lên đây 2 entry nhặt trên mạng. Một của nhà báo N.T. Thịnh và một của người tôi không quen.
Nghĩ trước một nỗi đau...
Tôi ngồi lặng người sau khi đọc xong rất nhiều lời bàn luận trên blog của một số người về lời cảm tạ trên báo tôi.
Một cảm giác rất khó cắt nghĩa, bao trùm lên đó là một nỗi buồn về nhân tình thế thái.
Tôi không nói gì thêm về lời cảm tạ, vì mọi người đã biết cả rồi, tôi cũng không biện minh cho TBT của mình, vì tôi cũng là thành viên trong báo TN, người trong cuộc có biện minh gì người ta vẫn nghĩ mình là người trong cuộc.
Tôi đọc những lời báng bổ cả người sống lẫn người chết mà thấy lòng se sắt, sao người ta lại có thể nói ra những lời này khi tang gia vẫn còn bối rối...Và TBT tôi cũng là một người con, người con vừa mất đi điều vô giá của đời mình: Mẹ.
Một tuần trôi qua, nhưng trước mắt tôi vẫn hiện lên hình ảnh anh NCK, với gương mặt thất thần của một đứa trẻ con khi đập đầu xuống đất mà gào lên: “Mẹ, mẹ ơi, con không cần gì cả, con chỉ cần có mẹ thôi! Mẹ....con chỉ cần có mẹ thôi mẹ ơi!”
Anh bảo: Cuộc đời mẹ tôi không cần một thứ gì cả, con cháu cho đồng nào cũng mang cho người khác, thức ăn còn thừa đậy lại để bữa sau ăn, cho dù bữa sau mang cơm canh nóng lên mẹ tôi cũng để lại, ăn bằng hết thức ăn cũ mới thôi...”
Vì thế, anh và gia đình đã quyết định không nhận tiền phúng điếu,
Hàng xóm mới của bà đã đến viếng rất đông. Họ khoe được bà cho cái này cái nọ, dù không nhiều...
Khi chào anh để về Đà Nẵng, anh dặn: “Ông sướng hơn tôi là còn cả ba mẹ, ráng mà giữ lấy ông bà, ráng nghe ông, mất mẹ thấy cuộc đời chống chếnh lắm, vô nghĩa lắm...”
Người mẹ của anh sinh anh ra được vài tháng thì ba anh tập kết ra Bắc, bà ở lại Thăng Bình đất Quảng nuôi con nhỏ và hoạt động cách mạng. Người mẹ, người nữ Đảng viên cộng sản đã từng bỏ anh lại cho làng xóm khi bị bắt vào nhà lao Hà Lam và sau đó lớn lên, anh lại không chăm sóc được mẹ vì hoạt động phong trào và bị Mỹ ngụy bắt đi tù...
Một người mẹ, một đứa con trai duy nhất ngần ấy năm dựa vào nhau mà sống, mà hoạt động, mà chờ chồng, chờ cha...
Anh đã không còn bà bên cạnh.
*
Con người không ai toàn bích. Anh K cũng là một con người.
Thế nên, mổ xẻ, bình luận một sự việc là quyền của mọi người, nhưng lúc nào và như thế nào là điều khiến tôi suy nghĩ không dứt...
Đọc những bình luận quá lời trước nỗi đau của người khác tôi thấy thế nào ấy, hình như là không phải lắm...
Tôi viết lại chuyện này chỉ cho tôi thôi, ai không đồng ý cũng nên thể tất, xin đừng tranh cãi ở đây...
Vô cùng cám ơn mọi người!
1. "Hình như địa ngục không có chỗ dành cho tôi", đó là câu nói một người hài hước bậc thầy, mà khi đọc, tôi không thể quên.
Tôi cũng chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ còn có cơ hội được gặp, để minh xác lại câu nói đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng câu nói trên được trích lại chính xác, bởi danh tiếng của người đã ghi lại câu nói này.
Điều vui vẻ nhất (tôi gọi vậy), là rất nhiều người đã trích lại câu nói này trong những tình huống mà họ muốn đặt câu nói đó vào, để áp đặt những sự kiện mà họ đã sắp xếp có chủ ý, liên quan đến cuộc đời ông, theo ý họ.
Thậm chí, có người còn bình luận thêm: "Người Mỹ sẵn sàng xui quỷ Satan đuổi R. Nixon khỏi địa ngục, để chừa chỗ cho ông". Vui thiệt.
Họ dường như muốn quên một điều rằng: Ông là một ngưòi hài hước. Cá tính lạc quan trong mọi tình huống đã ăn sâu vào phản xạ tự nhiên của ông.
2. Mấy hôm rỗi lên bờ lốc của những người lạ lẫn những người quen, cả những người chỉ nghe chứ chưa bao giờ được hân hạnh gặp, thấy cả một thế giới thu nhỏ của các tạng người.
Cũng thấy không ít người đang muốn áp đặt những quy tắc chưa bao giờ tồn tại trong báo giới lên những người khác. Chuyện mới nhất là báo TN dành hẳn một trang đăng lời Cảm tạ.
"Nhân danh độc giả" bỏ tiền mua báo, thế giới ảo trở nên ồn ào bởi những thông tin bàn luận. Tất nhiên ai cũng có lý, nhưng sao tôi thấy họ quá nhẫn tâm.
"Nghĩa tử là nghĩa tận", khi gặp một đám tang dọc đường, tôi vẫn thấy ô tô đi chậm lại để chờ, hay những người đi chiều đối diện chủ động xuống xe, dắt bộ khi đi ngang qua đám tang. Họ là những người lạ với nhau.
Dường như, trong thế giới này, người ta đã dần bớt đi tình nhân ái và tính nhân văn của giữa con người với nhau, chưa kể là tình đồng nghiệp.
Việc đăng 1 trang báo như vậy chính độc giả sẽ phán xét. Còn những người cùng có chung một nghề nghiệp mà họ tôn thờ, tại sao lại phải phán xét nhau? Và ai là người dám nói thẳng nhận xét với những người đồng nghiệp báo bạn?
3. Năm 1970, ký giả Robert Sam Anson, đồng nghiệp của người tôi kể trên (ở tuần báo Time) bị bắt tại Campuchia. Chính ông đã can thiệp bằng mọi kênh để cứu mạng ký giả này. Mãi về sau, khi gặp lại, người đàn ông cao gầy mang quốc tịch Việt Nam chỉ cười rất tươi giải thích lý do: "Vì ông là bạn tôi".
30/4/1975, trùm mật vụ Trần Kim Tuyến rời Sài Gòn trên chuyến trực thăng di tản cuối cùng. Cũng chính người đàn ông cao gầy đó đã đưa Tuyến ra tận điểm đỗ máy bay. Tuyến là kẻ thù của ông, ít ra dưới góc nhìn quan điểm.
Nhưng Tuyến cũng là người đã từng giúp đỡ, bảo vệ ông.
4. Cùng là con người, ít ra rất khó tàn nhẫn với nhau. Cùng 1 quốc tịch, cần phải bảo vệ nhau. Huống hồ, họ cùng là người, cùng một quốc tịch Việt Nam và cùng chung một nghề nghiệp, tại sao họ lại phải tấn công nhau nhỉ?
"Có một kẻ thù xứng đáng còn tốt hơn những người quen hẹp hòi", câu này đầy tính chất cao bồi nhưng cực kỳ sòng phẳng.
Cuộc sống xô bồ, không biết địa ngục ngày nay còn đủ chỗ hay không? Còn thiên đường, chắc sẽ không hương khói quá.
Hạ giới còn sống như vậy, thiên đường, hay địa ngục làm sao đủ chỗ cho họ sỉ vả nhau đây?