Thứ Tư, tháng 7 23, 2008

TIN NHẮN


Nấn ná mãi cũng đến lúc giã biệt chiếc điện thoại cũ, vốn cà rịch cà tang từ nửa năm nay.
Nguyên do nấn ná cũng chỉ vì nó đầy ắp tin nhắn.
2553 cái tin. Đọc mỗi cái lại mường tượng ra đủ thứ chuyện - buồn, vui, chán, giận, hờn... và linh tinh linh tang.
Chính những cái linh tinh lang tang như vậy mà hôm qua đã mất đứt cả ngày trời để cứu vãn, để cập nhật, sao lưu.
Kết cục là một con số 0. Buồn và tiếc đứt ruột.
Tin nhắn không chỉ là tin nhắn. Nó là ký ức. 2553 mãnh vụn ký ức !
Cả một gia tài ! Thôi thì giã biệt mi, ta bắt đầu cái mới.

Chủ Nhật, tháng 7 20, 2008

LẠI THÈM ĐI !


Thẻ nhớ máy ảnh đã đầy. Chép qua máy tính !

Tần ngần nhìn hình đã chụp, đầu óc cứ nhảy cóc chuyện nọ, chuyện kia của ký ức.

Bất chợt lại thèm... đi !

Thèm vô cùng cảm giác một mình kéo vali ra sân bay.

Nhớ vô cùng tiếng bánh xe của chiếc vali nhỏ nhoi lăn đều, lăn đều ...

Đi đâu bây giờ !

Thứ Tư, tháng 7 16, 2008

HÀ NỘI NAY ?









Báo chí chiều nay đưa tin, ngày 1.8 tới đây sẽ tiến hành bầu một số nhân sự cho Hà Nội mới. Cũng theo báo chí đưa tin thì địa giới Hà Nội mới sẽ thêm: huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) và toàn bộ tỉnh Hà Tây.
Lại lục tung đống hình ảnh cũ của những chuyến giang hồ. Thấy ngay chân dung "phố xá Hà Nội mới", "con người Hà Nội mới". Chủ blog nói không sai đâu. Nếu ai đó đã từng đi các ngôi chùa ở Hà Tây là nhận ra ngay. Bà cụ bán nước chè này ngồi ở chùa Tây phương lâu lắm rồi. Bà cụ kể chuyện có duyên lắm, chỉ mỗi tội cái làng Thạch Thất, Hà Tây này phát âm tất cả các âm tiết đều theo dấu sắc hết. (Có chuyện thật mà như tiếu lâm rằng, dân trong làng nầy ai hành nghề "đẽo cày, đẽo quang gánh" khi nghe người xứ khác hỏi mình làm nghề gì thì... "em ngại nói lắm bác ạ !"). Phù ! Người Hà Nội xưa xem ra còn đau đầu lắm với chuyện phát âm của người Hà Nội mới lắm đây. Chuyện phát âm "l" "n" lẫn lộn chẳng là cái đinh rỉ gì với vụ nầy đâu ! Thế nên sau nầy có ai đó nói người Hà Nội phát âm chuẩn thì coi chừng bé cái nhầm nhé !

HÀ NỘI XƯA ?





Bắt đầu từ ngày 1.7.08, Hà Nội ban hành lệnh cấm bán hàng rong. Mình với Hà Giang bần thần và cùng chung một ý nghĩ - Hà Nội mà không có hàng rong thì liệu có còn chút chi hồn vía Hà Nội.
Lục lại trong đống hình ảnh cũ, thấy chuyến đi nào mình với H.G cũng đều nghía mấy gánh hàng rong và bấm máy.


Mà thiệt tình, hổng có hàng rong thì Hà Nội cứ gọi là... nhạt như nước ốc Hồ Tây !

Những tấm hình post lên đây rồi sẽ lùi vào dĩ vãng cái gọi là - Hà Nội xưa !



Thứ Hai, tháng 7 14, 2008

NHỚ CHỢ BẠC LIÊU !

Tình hình chiều tối nay rất là... thê thảm ! Căn bệnh ớn lạnh, phát sốt nóng lạnh vẫn không thuyên giảm dù đã: uống 1 ly chanh muối, uống 1 viên Panadol, ăn 2 chén cháo trắng và... làm thêm một ly cà phê đá !
Nhưng, thảm nhất vẫn là biên tập bài vở xong chuẩn bị về, đã kêu xe taxi... sực nhớ lục túi - Không có chìa khoá nhà ! Thằng con thì ở Sài Gòn. Chồng thì đi học lái xe đến 9 giờ tối.
Vậy là xật xừ ngồi ở văn phòng.
Buồn tình, post lên một entry "Nhớ chợ Bạc Liêu" thì... hình lên hổng nổi (!).
Khả ơi, em để chế độ phân giải chi cho lớn giờ chị lãnh đủ nè !
Đây là chị bán đủ thứ bánh ở góc chợ Nhà lồng. Chủ blog đã ăn mòn răng hồi... nuôi con !
Nào là, bánh chuối, bánh da lợn và đủ thứ chè ! Món ăn Hoa nên ngon lắm.

Đây là bánh củ cải của người Tiều nè ! Thấy nhỏ xíu vậy chứ đủ thứ hết á. Bào củ cải trắng ra, vắt xả cho hết mùi hăng, rồi giáo với bột, bỏ vô thêm đậu phọng, thịt...

Bánh của chị này có nước cốt chan rất độc đáo. Khi thắng nước cốt phải có bột báng, vậy mới đúng điệu.

Bà già này còn vui ác nữa. Bả chuyên trị bán cà ri từ hồi còn con gái tới giờ. Woa, nhìn bả già cỡ này cũng đủ biết thâm niên. Bà khoe: "Tui bán bột cà ri cho Việt kiều đem qua bển nhiều lắm. Thấy gói cà ri sơ sịa vậy chớ có tới 15 vị đó cô". Máu tò mò nổi lên, chủ blog hỏi tới: "Bà ơi, 15 thứ đó là gì cho con ghi lại với".
Bả cười... rũ rượi rồi phán một câu: "Chèn ơi, cái công thức này tui còn hổng có bày cho con gái tui nữa đó nghen. Hổng thôi, cô làm... con dâu tui đi, tui chỉ cho" (!) He he !

Chuyện tương tự như vậy trên đất miền Tây nầy còn nhiều lắm. Chỉ tiếc Khả đã bỏ nghề. Còn ai chụp hình cho chủ blog viết bài nữa đây !

Thảm quá xá !

Thứ Sáu, tháng 7 11, 2008

MƯỜI XIỀM LÊN SÀI GÒN


Sinh nhật Hiền Nhi, hỏi con thích đi ăn ở đâu. Câu trả lời là – Bánh xèo Mười Xiềm. Sực nhớ, hổm rày dân Sài Gòn cứ xôn xao chuyện bà Mười mở quán ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (xéo góc Coop Mart Nguyễn Đình Chiểu). Nhưng hổng phải sau khi đi Mỹ về thì bà Mười giàu đến mức có thể bôn ba lên Sài Gòn nghen bà con. Nghe nói một doanh nghiệp nọ mời bà Mười lên với một mức lương hậu hĩnh, trả tiền bản quyền thương hiệu hẳn hỏi chứ chẳng chơi. Nghĩ chuyện xưa, bà Mười đã quá lận đận, hớ hênh với một doanh nghiệp nọ, nên chi chủ blog cũng chẳng mấy mặn mà để điện thoại hỏi thăm điều chi ở bà Mười. Trong bụng chỉ mong bà “gá nghĩa” đúng nơi, đúng chốn mà thôi.

Trở lại chuyện đi ăn bánh xèo. Ô là la ! Quán quá xá đông. Hai chị em Hiền Nhi, Yên Nhi đến trước 20 phút – đủ thời gian để... xếp hàng và xí chỗ với thiên hạ ! Trong quán, thiên hạ ngồi như nêm. Một điều quá ấn tượng là quán trình bày rất có gout. Một màu xanh chủ đạo. Và trên tất cả vật dụng từ khăn lót bánh, bao tăm, bao đũa muỗng, khăn ăn… cho đến quầy tiếp tân đều chỉ độc một hàng chữ giản dị “Bánh xèo Mười Xiềm – Since 1953”. Ngay cổng vào, để một chiếc cối xay bột với dòng phụ chú: “Chiếc cối xay bột này tương tự chiếc cối xay bà Mười đã đem qua Mỹ để trình diễn cho thiên hạ coi chơi” (!). Một cái chậu rửa tay cho thực khách cũng tương tự chiếc cối đá. Thiên hạ mua bánh xèo đem về có ngay một cái hộp đẹp kinh, rau bỏ sẵn vào túi nilon. Xem ra cái món Pizza Miền Tây này ăn đứt Pizza Tây rồi ! Nhìn vào menu thấy đủ cả. Cả nhà kêu loạn xị: 1 cái bánh xèo truyền thống với nhân tôm, thịt, giá, đậu; 2 cái bánh xèo hải sản với nhân nấm kim châm; 1 cái bánh xèo nhân thịt vịt, măng tuơi; 8 chén bánh ít trần nhân thịt chan nước cốt dừa; 1 dĩa gỏi cuốn; 1 dĩa đu đủ khô bò; 3 chén soup… Tính tiền hết hai trăm mấy. Mà thấy đáng đồng tiền bát gạo. Chỉ tội tụi nhỏ hổng được gặp bà Mười. Hổng chừng bả về quê thăm ông Mười cũng nên.

Cũng có người nói rằng bánh xèo bà Mười đâu có gì xuất sắc, thậm chí còn… tầm thường nữa, vậy sao nhà báo bơm bả quá xá vậy – Cái vụ nầy hổng chừng bà con chê ngay… chủ blog rồi, bởi vì chủ blog dành cho bà Mười tới 3 bài hoành tráng, bài nào cũng nguyên trang, giựt tít trang bìa không hà ! Nói nào ngay, trong các bài báo đã viết thì chủ blog đã nói rất rõ là: chuyện bánh trái bà Mười làm thật ra cũng giản đơn, chân chất mà ai cũng làm được. Cái bánh của bà Mười hổng sang cả gì đâu, y hệt như bánh bà ngoại, hay má mình làm vậy đó. Nhưng cái cách bà Mười làm, cách bà Mười nói chuyện lại có nét duyên Nam Bộ. Đặc biệt là ăn vô thấy nhớ quê ngay tức khắc. Vậy là thành công rồi. Cũng có người nói: làm bánh vậy mà cũng đi Mỹ (!). Chủ blog cười – thằng Mỹ nó cần cái “dân gian” mà. Thì dân gian là vậy đó !

Hôm trước, nói chuyện với bác Minh, bác cứ nhắc hoài chuyện thèm ăn một ổ mì xíu Huế. Ngay tức khắc chủ blog nhớ ngay mùi vị của nó – mà có gì đâu, một ổ bánh mì chan một ít nước thịt kho, có hành; chỉ nước kho thôi nghe, vì mì thịt dành cho người giàu rồi. Đôi khi khách đông, bà bán hàng chan vội, chan vàng lẫn vô ổ bánh mì một miếng da heo hay một tí tóp mỡ là thấy sướng cả ngày (!). Người khác nghe kể mới xì một tiếng vì… có thấy ngon gì đâu. Mình cũng chẳng lấy đó để giận trong bụng. Bởi lẽ, đôi khi mình thấy chồng mình thèm ăn món lãng xẹt hà; tỷ như đường mật mía (còn gọi là đường chảy) thắng lên thành kẹo, lấy cây đũa tre quay quay vài vòng và… mút ! Nghe nói mẹ chồng tôi hồi đó, đẻ năm một, nhà trong quê, thời chiến tranh, thành ra chồng tôi và anh chị em chồng toàn uống nước cơm pha đường, hay ăn “kẹo” đường cho nó có chất ! Và chồng tôi thấy nó ngon gấp mấy lần mấy thứ chocolate mà tôi chất đầy tủ lạnh cho con tôi.

Vậy đó, ăn một món ăn gì đó với một chút hoài niệm, một chút ký ức thì ngon gấp bội phần. Ăn một cái gì đó với tấm lòng bao dung, hồn hậu và biết ơn người làm ra cũng ngon hơn rất nhiều lần. Cái ngon không nằm ở món ăn vật chất. Cái ngon không nằm ở đầu lưỡi của mình.

Cũng như tối nay vậy thôi. Cái bánh xèo làm ra ở một cái tiệm thật pro, có máy lạnh vẫn không sao so được với cái bánh bà Mười đổ cho tôi ăn ở cái quán xập xệ ven đường làng Bình Thủy năm xưa. Nhưng tôi cũng thấy ngon.

Thiệt tình là mừng cho bà Mười hết sức. Và phục cho ông chủ đứng đằng sau “Bánh xèo Mười Xiềm”. Một cách “ăn theo” bà Mười quá khôn và có tình ! Mong cho mối lương duyên này bền lâu !

Thứ Hai, tháng 7 07, 2008

CÂU ĐỘ VÌ SỢ... BLOG Ế KHÁCH !

Tui có ghé vô cửa hàng Sex 4, Camden Lock rồi. He he... bán đủ thứ bà con ơi !

Nhìn vô là biết hết "tính cách" các quốc gia. Tiếc là hổng có hình... Việt Nam !


Nhiều bạn bè biết mặt và cả… chưa biết mặt – nhưng hay ghé thăm tệ xá nhỏ nhoi này - đều nhắn nhe rằng: sao chủ blog không đưa lên những câu chuyện, những tấm hình hôm đi Pháp, đi Anh. Mọi người cũng đồn đãi rằng, những chuyến đi ấy nghe nói có nhiều chuyện khá… “hay” ! Người này nói thế này, người nọ nói thế kia. Một ông bạn già lại còn tìm đâu đó trên mạng tấm hình một em nào đó thật… bốc lửa, mặc bikini giữa trời Tây và bảo rằng đó là… chủ blog (!). Chèn ơi, chủ blog mà có thân hình “ngon cơm” cỡ đó thì tội tình gì đi làm báo cho mệt. He he he !

Sự thể là vầy. Chủ blog đang làm một cuốn sách mới. Nếu “Dấu xưa Nam bộ” là những gì hoài cổ, tìm kiếm những gì xưa lắc xưa lơ, thì đây sẽ là những câu chuyện giang hồ thời hiện đại với góc nhìn của một kẻ lang thang nơi xứ người. Đang viết về Anh, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Sing, Cam… nói chung là đủ món ăn chơi ở xứ… thực dân, đế quốc, thuộc địa… Chỉ còn thiếu… phát xít nữa là đủ lệ bộ ! Định làm một chuyến Mỹ, Nhật nữa cho tập sách nó hoành tráng. Ước mơ là vậy mà hổng biết sao đây. Đợi mua sách nghe bà con.

Đưa lên đây cho bà con chiêm ngưỡng hai tấm hình ở cửa hàng Sex 4, Camden Lock - một khu ăn chơi thứ thiệt của London. Đã là dân giang hồ thì phải đến khu này.

Thứ Sáu, tháng 7 04, 2008

THỜI SỰ GIA ĐÌNH TẬP 2


Hoá ra entry “Thời sự gia đình” được mọi người hưởng ứng quá thể. Tối nay, bữa ăn kéo dài đến tận 8 giờ tối cũng chỉ xoay quanh chuyện ăn của mấy thằng nhỏ. Bắt nguồn cũng từ nồi lẩu mà Chế Hai dành nấu. Hừm, biết gọi tên là lẩu gì bây giờ, chỉ biết có tôm, có mực, có thịt bò, có rau tá lả. Nồi nước súp thì hơi mặn mặn, hổng ngọt, hổng chua (!). Nhưng… “tinh thần gia đình” muôn năm ! Thế nên, ai nấy đều húp sì sụp, ra điều ngon lắm. Chế Hai thấy vậy nở nụ cười mãn nguyện và nói – Mai tao tiếp tục đi chợ nấu ăn cho – hai thằng nhỏ méo mặt mà… cười. Riêng ta thì ngay mai đi Bến Tre rùi, hai nhỏ cố gắng “thưởng thức” tiếp nghen. :( :( :(

Nhân đà, Chế Hai nói: “Hổng nhờ tao nấu cháo trắng tập cho thì đừng mong cu Bách mập mạp, khôn lớn cỡ này”. Tiện thể, T.Tâm thú thiệt: “Cô Hai ơi, mấy lần hổng có chế, con lén lén cho thằng Bách liếm sô cô la với liếm kem đó cô Hai. Còn hôm trước, chế hổng cho nó gặm đồ chơi vì sợ dơ, thấy vậy con đưa… ngón tay của con cho nó gặm luôn”. Ặc Ặc. Hà Giang ơi, Hạnh đang cười muốn nghiêng ngả ! Nghe tiếp nghen, cô Hai nghe T. Tâm nói liền… cười rạng rỡ dặn thêm: “Lần sau con ăn cái gì mà cu Bách đòi thì con cứ đút nó ăn cho cô Hai. Nó thiếu cái gì thì mới đòi cái đó. Vậy chớ bà nội thằng Trường có ăn bột dinh dưỡng gì đâu mà cũng sống tới 95 tuổi” ! Cười tiếp tục !

Nguy to rồi. Chuyện nuôi cu Bách đang có nguy cơ đi từ thái cực này sang thái cực khác mất thôi. Cứ cái đà này thì chỉ 3 tuần nữa thôi, đảm bảo sẽ có một entry hấp dẫn, lâm ly. Chờ nghen !
(chú thích ảnh: bà cố và bà ngoại cu Bách đang gỡ cua nấu bánh canh cho hai cậu)

ENTRY CỦA HÀ GIANG



"Từ Entry của Hạnh

Đây là những điều cha mẹ rất muốn viết nhưng chưa có dịp.
Cảm ơn Hạnh thật nhiều, vì đã có 1 cái nhìn ngang rất chân thật về chuyện nuôi dưỡng con.

Chắc phải có cái entry tựa đề "cảm ơn cháo trắng". Nói rõ hơn là cháo trắng của ngoại. Không hiểu do di truyền thật sự hay do ngẫu nhiên mà con lại rất mê cháo trắng y chang như mẹ, cậu út, cậu 3, bà ngoại, bà cố... Những buổi con "lắc thay ăn" thì cháo trắng là giải pháp tối ưu cứu vãn tình thế. Có thể đây là 1 bí kíp cho các bé trong giai đoạn biếng ăn chăng ??!! Một kinh nghiệm rất đáng đồng tiền bát gạo cho mẹ và các bà mẹ "hâm mộ" sách vở hơn kinh nghiệm của ông bà: thà ăn cháo trắng còn hơn không ăn gì. Kekeke !

Khỏi phải nói chuyện nuôi con đối với cha mẹ là rất bỡ ngỡ. Lần đầu mà ! Không có kinh nghiệm nên chăm chăm theo sách vở là chuyện đương nhiên. Nhưng dần dà, đúng như 1 câu nói nổi tiếng của 1 người nổi tiếng (mẹ sẽ bổ sung tác giả sau !) "Lý thuyết muôn đời khô cứng, chỉ có cây đời mới mãi mãi xanh tươi". Từng em bé sẽ có sự thích ứng rất khác nhau với chế độ dinh dưỡng cũng như hoàn cảnh sống. Không phải cứ > 6 tháng tuổi thì nhất nhất phải mỗi ngày ít nhất 3 cữ bột, hơn 850ml sữa, 50ml nước trái cây, xen kẽ sữa chua, phô mai... ngủ hơn 12 tiếng.... Nếu cứ lệ thuộc vào những gì sách nói thì các bà mẹ sẽ có những chuỗi ngày nuôi con cực kỳ căng thẳng vì dường như lúc nào cũng sốt ruột với cảm giác con mình ăn chưa no ngủ chưa đủ. Không dễ dàng gì để nhận ra những điều này, từng ngày từng ngày mẹ thấy thư giãn hơn trong việc chăm sóc con. Và biết lắng nghe hơn những khuyên bảo (ko có trong sách) của ông bà. Có làm sao khi bữa nay con thấy khó chịu trong người nên ăn ít hơn 1 chút, có gì đâu khi bữa nay ngán cháo dinh dưỡng con thích cháo trắng gia truyền, răng sữa cũng không kịp hư khi cho con thử 1 tí sinh tố trái cây dù nó hơi lạnh lạnh, ảnh hưởng gì đâu khi có ngoại lên vui quá con thức quá 10 giờ, cũng không mất vệ sinh khi tay vọc cát hay nhặt lá trong công viên và tự mình bước đi trên cỏ, ảnh hưởng gì khi con muốn ăn cái bánh ko dành cho em bé... Bù lại con còn rất thích thú với những trãi nghiệm ly kỳ chưa từng có của mình.Thế đó, cha mẹ như những học trò từng ngày từng ngày ngộ ra lắm điều thú vị và hữu ích từ công cuộc nuôi dưỡng nhóc cưng của mình...".
Blog của Hà Giang: blog.360.yahoo.com/nvquangcm

Thứ Năm, tháng 7 03, 2008

THỜI SỰ GIA ĐÌNH


Hổm rày, cả hai nhà, một ở Cần Thơ, một ở Sài Gòn ồn ào, nhộn nhạo bà con dưới quê lên. Mùa sĩ tử lai kinh ứng thí mừ ! Có điều 1 sĩ tử lại “cõng” thêm nào ông bố, bà mẹ và cả… bà nội, bà ngoại (!). Phố phường đông đúc, chật như nêm. Nhà ở phố thì có dịp vui như… Tết. Hổng tốn công về quê mà tự dưng có một không khí quê nhà quá xá.

Câu chuyện quanh bàn ăn cứ liên tục nhảy cóc từ chủ đề này sang chủ đề khác. Tỷ như, sáng nay, chế Hai và bà nội T. Tâm đáp xe từ Cà Mau lên để cổ vũ tinh thần cho T. Giang. Mới lên xe mà chế Hai đã điện thoại nhắn nhe mình nhớ mua sẵn bột để nấu bánh canh cua gạch son Cà Mau chắc nụi. Lại thêm có bọc dưa bồn bồn, hợp cùng bọc cá kèo cô Năm ở Sóc Trăng gởi cho. Tin truyền nhanh như chớp lên Sài Gòn khiến H.Giang la chỏi lỏi - Nhớ để dành cho… thằng Bách (!). Hắn mà nghe bà ngoại dặn dò nêm nếm ra làm sao, để nước cốt dừa cỡ nào, thể nào cũng vù về Cần Thơ ngay. Chế Hai thì cười ha ha khi nghe biết mình làm một nồi thịt kho nước dừa mà không để hột vịt vô vì… kiêng ! Hai thằng nhóc đòi chiều nay làm một nồi xôi đậu xanh sầu riêng – yếu tố “đậu xanh” thì đã rõ rồi, muốn thi đậu mừ; còn “sầu riêng” là sao đây, hổng kiêng hả; mới nghe mình hỏi dò, hai thằng nhóc để cục kê liền – Thôi nghen, kiêng ít ít thôi, ngay mùa sầu riêng hột lép mà không ăn coi không đặng nghen ! Đúng là… “tham ăn”. Hèn chi thằng nào, thằng nấy to bằng… con voi !

Viết đến đây lại nhớ chuyện ngày xưa. Mới đó mà mau quá. Hồi đó, chuyện cho T.Tâm ăn là cả một cực hình. T.Tâm nhà mình vốn dị ứng với sữa, thấy ly sữa, bình sữa là lắc đầu nguầy nguậy. Mà thời bao cấp để có tiền mua hộp sữa là cả một vấn đề. Thử nghĩ, cha đi chụp hình thuê, mẹ viết báo cáo mướn, góp nhóp tiền bạc vác về cho hắn hộp sữa Dumex 1kg to vật vã; vừa đi vừa nghĩ hắn uống hết hộp này thì cao phải biết, mập phải biết, còn thông minh thì… vốn sẵn tính Trời rồi ! Vậy mà, thằng con không chịu cảm thông với ước mơ của ba mẹ, cứ phun vèo vèo và sữa mẹ làm tới ! Đến chuyện cho ăn cũng vậy thôi. Chịu hết xiết phải gởi nhà trẻ lúc 18 tháng. Không phải đi nhà trẻ là tự nhiên từ một đứa hổng chịu ăn thành đứa ăn rào rào ngay được. Ít ra được cái “liệu pháp tinh thần” khi nghe tên lớp học của con mình – “lớp cháo”, “lớp cơm nát”, “lớp cơm nhão”… Nghe thấy ớn chè đậu chưa ! Mình nhớ hồi đó, mỗi khi chở T.Tâm vô nhà chế Hai, thể nào Út Hoàng cũng nhăn nhó – Hai vợ chồng mày nuôi thằng nhỏ vậy đó hả. Hổng chịu ép nó ăn gì hết trơn hà. Mình nhăn răng cười trừ, nhưng thấy cảnh Út Hoàng ép T.Giang ăn mà thấy oải quá. Ăn nhiều thiệt đó, nhưng mập mạp để làm gì mà mặt mũi cu Trường cứ vừa ăn, vừa lườm lườm, rất chi là hình sự. Cả nhà cứ vật vã, ồn ào quanh chuyện ăn của tụi nhỏ. Trong khi đó, Hoàng Giang, Hà Giang thì mê nhất vẫn là… cơm trắng chan nước trà và không ăn được nước mắm ! Trường Giang thì chỉ ăn thức ăn riêng và ăn cái ào tô cơm trắng sau cùng. Cả nhà rất sợ sau này hắn ở ký túc xá, vì ăn thức ăn trước thì sợ… “chảy máu cam” vì mấy thằng bạn; nhưng ăn cơm trắng trước thì biết một lát lấy thức ăn gì để ăn !

Những chuyện ngày xưa đó, nay lại hiển hiện ở một thế hệ khác. Tỷ như, “thời sự gia đình” hiện nay lại không phải là chuyện thi đại học của Trường, của Tỷ, của Bé Ngoan, hay là chuyện chuyển trường của T.Tâm. Nóng bỏng, gây cấn, hồi hộp, bi hài nhất vẫn là chuyện… cu Bách ! Lịch sử đã lập lại khi cu Bách nhà ta cũng “đặc biệt dị ứng” với sữa bột. Từ khi sanh ra đến giờ, Hà Giang đã thử bằng mọi cách, từ việc mua cả một tá núm vú cao su, uống bình không được thì xoay qua uống ly, không uống dạng nước thì pha vô bột. Nhưng cu Bách nhà ta đã vô hiệu hoá tất cả. Đến nỗi, hãng sữa đến tận nhà với một chú gấu - người rối - to đùng múa may quay cuồng. Ha ha, thấy cái nhãn Nestle trên ngực chú gấu là Bách ta khóc ầm rồi !

Mà nào chỉ chuyện uống sữa, chuyện ăn cũng thê thảm không kém. Mỗi bữa ăn là cả nhà cứ như một gánh hát bù tèo. Gõ vào bất cứ cái gì gõ được để đút một muỗng. Mà cu Bách nhà ta thì thiệt là chảnh. Mỗi vật chỉ gõ một lần, gõ lần thứ hai trên cùng một vật dụng, hắn phát hiện liền và… không ăn. Mà đồ chơi thì có hạn, nắp song nồi cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Ăn được một muỗng lại đưa mắt làm mặt thảm và giơ tay cầu cứu mình ẵm hắn thoát khỏi “ách kìm kẹp” của Hà Giang; không đáp ứng thì hắn giở chiêu quay đầu vèo vèo mỗi khi thấy cái muỗng bột trước mặt; quay mỏi cổ thì giở đến chiêu… mắc tiểu; tiểu xong rồi hết cớ lại đến màn… giả bộ ngủ gục. Cha mẹ hắn tưởng thiệt, dẹp tô bột rón rén, nhẹ nhàng ẵm hắn lên võng để ru ngủ, chỉ cần vậy hắn… bật dậy cười toe toét, giỡn rầm trời !

Lại nói về mẹ của hắn. Kể từ khi hắn ra đời là bao nhiêu chuyện thường đọc được trên báo lại xảy ra trong ngôi nhà nhỏ này. Tỷ như, chuyện lâu lâu bà ngoại lên thăm ẵm thằng nhỏ ra đình chơi, cho đi chân không, thể nào mẹ hắn cũng la um trời. Bà ngoại lén lén cho uống miếng nước đá cũng thành chuyện lớn. Bà ngoại cho ăn cháo trắng – vì cu Bách nhà ta chỉ khoái khẩu món này, nuốt lịm lịm, có gen di truyền mừ - mẹ hắn càu nhàu tợn. Mẹ hắn buộc hắn phải ăn những tô bột dinh dưỡng. Tỷ như, màu đỏ đích thị có cà chua, màu cam có cà rốt, màu xanh có rau cải, màu tía có rau dền. (Nhưng nói nào ngay chỉ đáp ứng nhu cầu “nhìn” như một liệu pháp tinh thần là chính. Vì cu Bách ăn rất ít và nhiều khi ép ăn gần hết sau gần 2 tiếng làm trò thì lại… ói ra cái ào !). Tự dưng mình thấy “mẹ hắn” của “mẹ hắn” buồn xo mà không dám nói. Người ta hay nói có sinh con ra rồi mới biết mẹ mình thương mình ra sao. Nhưng rồi mình phải bổ sung thêm một ý là: khi sinh con ra rồi mình lại dễ quên mất mẹ mình đã nuôi mình ra sao, đã lo cho mình ra sao ? Viết đến đây mình lại hình dung, một ngày nào đó cu Tâm có vợ, có con, liệu vợ hắn có để cho mình rớ tới thằng con dù rằng mình tự nhận… rồi mai này mình sẽ là một bà nội rất chi là “mô đần”, rất chi là “xì tin”. Chồng mình xì một tiếng và nói mình đừng có mà mơ mộng !

Nhân chuyện cu Bách lại nói về Osin. Từ khi cu Bách ra đời đến giờ đã trải qua 4 đời Osin. Thích nhất vẫn là bé Diện, người Khmer nhưng mặn mòi, lam làm. Chế Cả biết gia đình của nó, ở đâu Kinh Ngay, Kinh Đứng gì đó ở xứ Bác Ba Phi. Bé Diện thương cu Bách và cũng rất chịu khó làm, muốn làm lâu dài để kiếm chút đỉnh tiền. Ở đâu chừng 3 tháng thì mẹ nó đòi đem nó về để đi làm công nhân hay lấy chồng xứ xa gì hổng biết. Bà nội cu Bách thấy vậy đưa lên một người bà con xa. Chèn ơi, bà này có một cái nhìn quả ác đạn, vẻ mặt đã không tươi cười lại thêm cặp mắt lườm lườm, môi thì trề ra. Quang ù cứ trấn an cả nhà – Ráng chịu đựng, miễn là có người giúp việc. Nhưng chịu đựng sao nổi khi thấy mỗi khi đi đâu, gởi cu Bách cho bả giữ một ngày, khi về là thấy cu Bách mừng rỡ lạ thường. Lại hoài nghi - ở nhà giữ cháu mình hổng biết con mẻ có như Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà không đây ta ! Thấy thằng nhỏ có vết bầm trên trán, mới đưa tay lên xoa, chưa kịp nói gì, bà ta đã… lườm một cái và chặn họng mình ngay – hổng phải tui nghen (!). Để đỡ mất công hoài nghi, thôi thì tống tiễn bà ta về quê phứt. Trong lúc lu bù như vậy, một bà Osin khác cũng ở trong xóm Đình Chí Hoà giới thiệu cho một bà Osin ở dưới Gò Quau, miệt rừng U Minh Thượng. Bà Tư này là được nhứt. Không ai mà vừa biết nấu ăn, vừa ru cu Bách ngủ, tắm cho nó và lại biết đút ăn - điều hệ trọng nhứt. Cười nhất là bà Tư trốn nhà đi làm, được vài bữa thì đứa con gái phăng được số điện thoại kiếm, bà Tư giả giọng nói "Lộn số rồi cô ơi". Bà Tư quay qua kể lể: “Con gái tui đi dạy học. Nó thấy tui đi mần thuê sợ mất thể diện với lối xóm mới điện kêu tui về. Nhưng ở quê, tìm đâu ra công ăn chuyện mần để có một triệu ba tháng như bây giờ”. Hai hôm sau, lại nghe chuông điện thoại reo, bà Tư cũng giả giọng nhưng đầu giây bên kia ông chồng của bả nhận ra ngay, ổng mếu máo nói: “Bà đó hả bà !”. Nghe thảm quá, Hà Giang cho tiền bà Tư về quê thăm chồng. Rửa cho bà Tư thêm mấy tấm hình hôm đi Đà Lạt để bả về quê khoe lối xóm. Lần đi Đà Lạt là lần đi xa nhất trong đời của bà Tư. Nhớ chuyện bà Tư nhìn mấy cây thông rồi trầm trồ - Chèn ơi, chừng vài năm nữa, hạ mấy cây này xuống xẻ ra là có bộ ván hết biết nghen - cả nhà ôm bụng cười lăn. Tưởng là tình thương mến thương như vậy sẽ giữ chân bả được lâu. Ai dè, mới đây bả lại khăn gói về quê. Mấy hôm đó, không ở trển nên không biết nguyên do cơn cớ là sao ? Nghĩ lại thấy tiếc ghê. Osin thứ Tư mới là ghê chứ ! Bà này do Chế Hai tuyển lên. Nhớ lại, mới tảng sáng ngủ thức dậy, mắt nhắm mắt mở thấy một con mẹ to lù lù trước cửa, mập ú, trắng bạch, tóc nhuộm vàng hoe, son phấn bóng lưỡng ! Cả mình, cả Hà Giang, cả T.Tâm bật ngửa – Osin mà vầy đây hả ? Chưa sốc bằng chuyện bả tự giới thiệu như một tràng laphan – Kêu chế bằng Út nghen. Trời ơi Út khổ lắm, bị chồng đánh mới lên đây nè. Chưa dứt câu, cái mông bả… rung lên phần phật và kêu ò í e. Chèn ơi ! Bả có di động ! Vừa rút cái xoạch là mẻ nói cái ào: “Tao nè mày. Tao lên rồi. Bộ mày hổng biết hả. Thằng chả oánh tao quá trời tao mới đi ở đợ nè”. Lên buổi sáng, đến buổi trưa là mẻ ngang nhiên vô phòng ngủ của Hà Giang nằm vì… “Nằm trên này có máy lạnh mát, nằm dưới vừa nóng, vừa ồn quá Út chịu hổng nổi”. Nghe mà tin nổi chưa. Bả còn dặn Hà Giang mỗi khi có khách tới nhớ cho bà biết là ai, bà con ra sao để tiện đối xử. Thì đây, cu Tỷ lên ở nhờ thi đại học, vừa giặt đồ ra là mẻ gào lên: “Mày đem đi phơi liền nghe chưa, tao hổng ở không mà hầu mày nghen”. Gặp T.Tâm thì bả nể hơn nên mới năn nỉ: "Con đi ăn cơm đi, để... nhường võng cho Út nằm. Út mỏi lưng quá !". Cả nhà chợt ngộ ra tại sao mình cứ phải chịu đựng con mẻ một cách căng thẳng như vậy ! Thôi thì tống tiễn con mẻ và cả nhà ra nghị quyết: “Cùng nhau làm việc. Không thuê Osin”. Trưa nay dặn T.Tâm – “Con nhớ tiếp làm công chuyện nhà. Còn hổng chịu làm là mẹ rước mẻ Út lên à” !

Bó tay !