Lần nào ra Hà Nội cũng ở đúng cái khách sạn nầy. Bởi lẽ, chỉ cần bước ra ngõ một tí thì phố cổ đã lồ lộ ra đấy. Một chút chật chội, một chút xô bồ, nhưng tinh ý một chút thi thoảng vẫn thấy những khoảnh lặng nhất định nào đó. Như con phố Hàng Điếu chẳng hạn. Khách bộ hành dễ bị hoa mắt bởi những cửa hiệu sáng choang, bởi những dãy ô mai, mơ, sấu bày ngun ngút; rồi thì những hàng chè, hàng bánh trôi Tàu; những cửa hiệu bún chả, miến lươn đặc trưng Hà Nội… Mỗi khi dạo trên những con phố như thế này mình lại khoái đem máy ảnh ra, chẳng có cái hình nào nghệ thuật cả (chuyện này thì Khả biết rõ hơn ai hết J). Nhưng những khuôn mặt, những món ăn, những cái lá rơi trên góc phố trong khung hình lại khiến cho một mai nào đấy khi giở ra xem thì ôi chao bao nhiêu là ký ức lại ùa vào. Trên con phố Hàng Điếu này, lần nào ra mình cũng ghé vào một cửa hàng be bé độ vài ba mét vuông bán đặc sản Thái Nguyên. Cửa hàng hình như không có biển hiệu, mà đôi lúc cũng có mà mình không để ý cũng nên. Cô bé bán hàng ở đây khá là dịu dàng. Ra độ đôi lần, mà cách nhau hàng nửa năm chứ chẳng chơi, vậy mà nhớ mặt. Mình thích cái không khí bàng bạc khi nói chuyện với cô ấy. Chuyện cũng chẳng đâu ra đâu. Như hồi tối chẳng hạn, chuyện cứ nhảy cóc từ hạt sen sấy không đường, sang hạt bí, rồi lần hồi đến chuyện mua sắm lễ vật ăn hỏi, cưới xin hồi nào chẳng hay. Hôm qua H. bảo với mình là hắn sợ cái xô bồ, nhộn nhạo, sợ cái tính nóng nảy, cục cằn của người dân Hà Nội quá ! Ừ, thì Hà Nội bây giờ nó vậy đấy. Thật may, đâu đó trên góc phố cũng còn sót lại một chút chi phong vị của ngày xưa, còn sót lại những “người muôn năm cũ” ấy. Đủ để chặc lưỡi mà nói “Thôi kệ” để bỏ qua những thất vọng như H. đã từng cảm nhận.
Tối nay, tự dưng khó ngủ quá. Có lẽ tại vì ly Espresso của quán Hapro ngoài Bờ Hồ. Và nhờ vậy mà nghe được tiếng còi tàu, tiếng bánh xe xình xịch nghiến trên đường ray xe lửa ở đầu ngõ phố Phùng Hưng. Lại nhớ, lần nào đấy, buổi tối lóc cóc ra ga để đáp tàu đi Sapa. Con tàu đen thủi, đường đi cũng hun hút, tối mịt mùng. Thi thoảng qua một vài ga xép nào đó, thấy ánh đèn vàng nhờ nhờ treo trên những thanh ghi, đằng sau là núi rừng chập chùng thì ngực mình lại ứ lên một cảm giác buồn hiu hắt mà chẳng rõ vì cơn cớ gì ! Mà cũng lạ kỳ là dẫu ở bất cứ cái ga xép nào thì mình cũng thấy cái bóng dáng của những ông gác dan đều giống nhau đến lạ lùng. Ở họ toát lên một sự cô độc, buồn nản đến lạ lùng. Dẫu tàu chỉ lướt qua, ánh đèn thì nhạt nhòa nhưng mình cứ mường tượng ra ánh mắt của họ. Không buồn, không vui, không mừng rỡ, không nuối tiếc. Không nắm níu vào đâu. Rỗng không. Và từ đó, mỗi khi nghe tiếng còi tàu, nhìn thấy những toa xe xình xịch chạy, dẫu cho lúc đó là giữa con đường Lê Văn Sỹ ken kín xe và người mình cũng bị lôi kéo về sự rỗng không, tĩnh lặng tuyệt đối của những ông gác dan ngày ấy. Ngay lúc này đây, lại nghe tiếng xe lửa xình xịch ngoài kia. Chẳng biết, chuyến tàu đấy đi về đâu. Lại thèm được ngồi trên một góc toa nhỏ bé nào đó, co ro vì lạnh và thả ánh mắt trôi tuột, không nắm níu vào khoảng không trước mắt.
Hà Nội lúc này lành lạnh một cách thú vị. Đủ để khoác áo đi ngoài đường. Đủ để co ro điệu đà một chút. Từ xa xăm, một người bạn điện thoại hỏi cái lạnh Hà Nội thế nào rồi. Ôi, lại suy nghĩ lan man, chuyện nọ nhảy cóc sang chuyện kia mất rồi ! Thôi chẳng thèm suy nghĩ nữa. Chỉ muốn đầu óc rỗng không ngay phút giây này đây.
(Viết tối 12.12, mạng miếc hết sức chuối nên giờ mới post lên được. Và giờ này cũng nghe tiếng còi tàu !)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét