Thứ Hai, tháng 12 01, 2008

BÀI BÁO XUÂN ĐÃ CŨ NHƯNG... HAY !




Mấy tấm hình này tất nhiên là... hổng đuợc đăng báo Xuân rồi ! Nhưng thấy nhà báo đi thực tế mà nhậu nhẹt kiểu này thì quá đã đời phải không ! Có cần cao sang gì đâu. Ông cầm ly rượu ngồi chính giữa là ông Ẩn, chúa đảo Hòn Mây Rút Trong. Ông cầm con cua là ông Phát Vườn Táo. Anh thanh niên trẻ trẻ là chủ tàu Quỳnh Thanh hoành tráng ở hậu cảnh. Chủ blog bao luôn con tàu to đùng chỉ để dành riêng cho chủ blog và một tay máy ảnh bán chuyên nghiệp (thạc sĩ dược nghen) đi lang thang các hòn đảo hoang ! Nghĩ lại thấy hồi đó mình... bảnh thiệt đó !


Câu chuyện “chúa đảo”

Nếu ai đó bảo rằng muốn thăm thú hết các đảo lớn nhỏ của vùng biển Tây Nam, tỉnh Kiên Giang thì e rằng đó là ước muốn không tưởng. Một con số thống kê cũ thì nơi này có đến 105 đảo thuộc 5 quần đảo, chiếm gần 53 ngàn hecta diện tích. Một con số đủ lập kỷ lục Việt Nam. Đã vậy, trong năm 2005 lại có thêm 35 hòn đảo lớn nhỏ khác vừa... nổi lên. Chưa có lời giải thích chính thức nào về hiện tượng địa lý này, có điều với một thực tế chỉ 43 đảo có cư dân sinh sống, gần 100 đảo còn lại vẫn là đảo hoang cũng đáng gợi trí tò mò.

1. “Chúa đảo” Hòn Mây:

Quả là một chuyến thám hiểm đã đời khi đoàn chúng tôi cưỡi “ngựa sắt” 3, 4 chục cây số từ Bãi Trường men theo đoạn đường nham nhở hố to, hố nhỏ của Bãi Đất Đỏ để đến Bãi Xếp tìm đường ra quần đảo An Thới (Phú Quốc). Bù lại con đường này có một cái view trên mức tuyệt vời. Biển xanh ngắt một màu và xa mù ngoài khơi lại thấy lấm chấm những hòn đảo hoang dã mời gọi.

Nguyễn Thanh Bá, thuyền trưởng tàu Quỳnh Thanh thông thạo vùng biển Kiên Giang như trong lòng bàn tay, nói tiếng một: “Chị muốn ghé đảo nào”. “Đảo nào càng ít người càng hay”. “Nè, tui chỉ cho nghen. Hòn Thơm có độ 200 nhà, Hòn Dõi đằng sau đó thì độ 20 nhà, còn chạy độ 1 tiếng đồng hồ ra Hòn Mây Rút Trong gặp 1 nhà, tạt qua Hòn Mây Rút Ngoài cũng có một nhà nữa. Mấy cha nội này hổng biết có… bị gì không mà ở ngoải một mình 5, 6 chục năm nay hổng thấy chán”.

“Bị” gì thì chưa biết, có điều cuộc đời ông Lê Ngọc Ẩn – “chúa đảo” Hòn Mây Rút Trong quả là ly kỳ. Ông nhớ, độ chừng năm 1963, cha mẹ ông – ông Lê Thành Tân và bà Đoàn Thị Tư - đã đóng bè bồng chống cả nhà ra đây, cũng định chỉ trú thân độ chừng vài ba năm để những đứa con của mình qua tuổi quân dịch. Lúc đó, nơi đây còn hoang vu lắm, lắm lúc cả mấy năm trời không thấy mặt người lạ nói chi biết đến tình hình chiến sự ác liệt đang diễn ra trong bờ. Chín người con của ông Tân đã vật lộn đơn độc với sóng và gió biển, rốt cùng chỉ có 4 người là tồn tại được với thiên nhiên khắc nghiệt hoang dã nhưng cũng chỉ có ông Ẩn trụ được tại đảo hoang đến giờ. Bà Tư qua đời cách đây vài chục năm trong một tai nạn thương tâm ngoài biển khơi. Năm đó, bà quá giang tàu cào vào đất liền mua sắm vật dụng cho gia đình, qua khỏi Hòn Nghệ đến Hòn Dung thì tàu phá sóng bị chìm. Cả tàu chỉ có một thằng bé thoát chết vì… cỡi được một chú heo còn hết thảy mất mạng với đại dương. Cũng sau cái chết của mẹ mình, ông Ẩn lại càng có lý do để ít vào đất liền hơn và rồi chết tên “chúa đảo”.

Ông Ẩn kể, hồi mới ra đảo hoang buồn không kể xiết, phần thì ở tuổi con trai mới lớn, phần thì đánh bắt cá tiền vô cũng bộn, vậy là ngơi việc ông lại chèo ghe vào An Thới “đập phá”. Một bận, thấy ông Ẩn say nằm ngủ dật dờ, bà Năm chủ quán thương tình bảo: “Mày coi trong đám cháu tao, ưng đứa nào tao gả đứa đó cho”. Ông Ẩn tỏ thiệt: “Vải thì để con vác nguyên ịn chớ con đâu đành xé manh, xé mún ra”. Bà Năm trề môi chưởi yêu: “Thằng quỷ” rồi dắt tay cô cháu Kim Liên trao cho ông Ẩn chở về đảo hoang. Động lòng trước cô gái dám dấn thân theo mình và biết cô ta sẽ ở đảo hoang không có ngày về, ông Ẩn chơi bạo bỏ ra 3 cây vàng bao giàn gánh hát cải lương làm một đám cưới linh đình 3 ngày 3 đêm ở An Thới (!). Mới đó mà nay “chúa đảo” đã ngót 60 niên với một đàn con tới 7 đứa, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Hỏi đẻ gì mà dữ vậy, ông giả lả nói: “Hôm đó trên xã kêu tui vô Hòn Thơm họp phổ biến chính sách tới 2 cuộc lận. Một cái là “tăng gia sản xuất”, một cái “sanh đẻ có kế hoạch”. Hổng biết nghe ù ù cạc cạc sao mà tui về “phổ biến” lại với vợ là “tăng gia sanh đẻ”. Cô coi vậy có chết không chớ”. Hỏi ra mới biết, ông… nghỉ “gia tăng dân số” chỉ sau cái đận bà đẻ rớt trên Hòn Mây này. Hổng biết gặp ngày xấu, giờ hạn sao đó mà không chiếc ghe biển nào chịu cho vợ ông đang trở dạ quá giang qua Hòn Thơm để tìm bà mụ. Túng thế, chính “chúa đảo” đã ra tay đỡ cho vợ mình, cũng may là mẹ tròn con vuông.

Cái mạng sống thắt thỏm là vậy, cái kế sinh nhai lại càng chông chênh hơn nhưng lạ là gia đình “chúa đảo” luôn có một niềm tin tuyệt đối vào biển cả. Hỏi ông có nghe tin vụ sóng thần bên Thái Lan, rồi mấy vụ nứt gãy đáy đại dương khiến bà con trong đất liền xính vính vì dư chấn động đất. Ông Ẩn ối một tiếng: “Lo ăn muốn chết, còn hơi sức đâu mà sợ”. Quả là vậy. Trong 7 đứa con của ông Ẩn chỉ có một đứa học tới lớp 5 rồi vào bờ theo nghề uốn tóc. Ông bảo: “Con tui muốn học thì phải vượt biển cả tiếng đồng hồ vô Hòn Thơm xăng dầu đâu chịu cho thấu. Còn gởi tụi nó vô đó ở tui hổng dám, tui nghe họ nói tỷ lệ dân nhiễm HIV ở Hòn Thơm là cao nhất Việt Nam mà sợ quá”. Đám con “chúa đảo” mê nghề biển không kém cha mình. Trừ những ngày biển động còn thì họ lênh đênh suốt ngoài biển khơi. Không chỉ mưu sinh, họ nói quen sóng rồi lên bờ cứ thấy... chông chênh say sóng (!). Nhà “chúa đảo” giờ có thêm một cô con dâu, tất thảy nhờ vào hai chiếc ghe đánh cá mà biển giả thì không biết chừng độ. Có tháng nhà ông kiếm được 2,3 chục triệu, chia tiền cho bạn ghe, trả tiền xăng cũng còn độ mươi triệu. “Chúa đảo” giọng ngùi ngùi khi nhớ chuyện làm ăn mấy chục năm trước. Ông bảo, hồi đó đánh một mẻ được cả 3, 4 tấn, cá cam thì con nào con nấy nặng trùi trụi cả ký lô. Lần hồi người ta ham tiền đánh thuốc nổ, muốn tuyệt diệt hết thảy. Rồi chuyện, trước đây cả Phú Quốc chỉ có 50 ghe đánh cá cơm nay lên cả mấy trăm chiếc thì cá mú nào chịu nổi. Vậy mà “chúa đảo” vẫn lạc quan: “Coi vậy chớ tới mùa gió Nam, nhà tui đi lượm can mủ, phuy mủ, két mủ đựng cá cũng bộn. Mất thứ này trôi từ bên Thái qua đó cô. Cỡ này tui cân mủ 5 ngàn đồng/kg, dây cũng được 10 ngàn/kg. Tom góp bán một lần được cả bạc triệu đó”. “Chúa đảo” có một đức tin, có lòng thì biển không bạc với một ai.

2. Khi “nữ chúa” ra riêng:

Cuộc sống của “chúa đảo” cứ vậy mà bình lặng trôi qua. Mà đâu phải chỉ có ông sống vậy, ngay như bên Hòn Mây Rút Ngoài chuyện nhà ông Bảy Yên cũng vậy mà thôi. Ông già Bảy có lẽ cũng mang một nỗi niềm riêng nào đó để chọn lựa cuộc sống cô độc nơi này. Để rồi cũng có chuyện buồn, chuyện vui. Buồn nhất là chuyện ông Bảy mê nhậu đến mức... mù cả mắt. Ông Ẩn đặt cho biệt danh là “nhậu kẹo” vì ông Bảy chỉ cần vài cục kẹo là uống tù tì hàng mấy lít rượu thay cơm. Có điều vui, gia đình ông Bảy nay đã “nở nồi”, ba anh con trai của ông lần lượt lấy 3 chị em ruột của nhà nọ trong đất liền và chịu theo chồng ra đảo hoang này sống ráo trọi. Nghe nói họ cũng nhậu thần sầu quỷ khốc không kém cha mình nhưng nhờ vợ giựt dây nên có phần đỡ. Đó là tôi nghe ông Ẩn nói vậy.

Nhưng chuyện nhà ông Bảy Hòn Mây Rút Ngoài nổi danh trong giới giang hồ miệt biển là nhờ vào uy của... mấy cô con gái – cô Út tà lỏn và cô Tám tà lỏn. Chết danh “tà lỏn” cũng do mấy cô cứ... quần cụt làm tới hết năm này tháng nọ. Các trai tráng ngư phủ thì lè lưỡi chịu thua khi nhắc đến tài bơi lặn như rái cá của các “nữ chúa”, bắt cá thì hết chố chê. Bởi vậy chọc ghẹo chơi thì không dám, chỉ có... mê mẩn mà thôi. Nghe đâu cô Tám tà lỏn có mấy đời chồng vậy mà ghe bạn hàng đến cân cá hay bán tạp hóa cứ neo bến dập dìu. Chồng cô Tám nổi máu ghen bèn... bỏ lên núi ở để lại một bức thư dài 4 mặt giấy. Cô Tám phần thì lo chồng bị... cọp vồ trên đó, phần thì tò mò không biết thằng chả nói cái gì trong miếng giấy – cổ thất học mới khổ chớ. Cô Tám dong ghe qua Hòn Mây Rút Trong nhờ ông Ẩn đọc thư. Ông Ẩn cũng rắn mắt thêm thắt vào bức thư và nói: “Tám tà lỏn đừng có lo, nó lên đó có nước bẻ chuối cây, chuối chát mà sống, thèm cá, thèm mú mò xuống bây giờ. Mà thằng chả có dặn mấy câu độc lắm à nghen”. “Câu gì, câu gì vậy cha nội” – Tám hỏi dồn. “Nó nói, nó mà có chết thì Tám lấy chồng sớm sớm, không thôi Tết này gió bấc về... lạnh lắm à nghen”. “Nữ chúa” xí một tiếng rồi dong ghe đi về. Nghe nói, sau đận đó hai vợ chồng “nữ chúa” xin ông Bảy Yên được “ra riêng” làm rấy kiếm sống. Như một “lãnh chúa” giàu có ông Bảy ừ rất oai vệ và chia “giang sơn” cho con gái mình - Hòn Dơi – cũng là một hoang đảo mờ xa (!).

Lướt qua trang tư liệu mới thấy, ngay quần đảo mà tôi đang dong duổi đây là cả một hệ sinh thái đa dạng. Rạn san hộ nơi này là độc đáo nhất với 89 loài san hô cứng, 19 loài san hộ mềm, lại có thêm 125 loài cá khác nhau cộng 132 loài thân mềm như da gai, rong biển nữa chớ. Mấy tay du khách nước ngoài mê nhất thuê tàu ra đây để lặn ngắm đại dương. Mấy nhà khoa học thì bảo, chỉ tại nơi này mới còn: trai tai bò, ốc đụn cái, đồi mồi, bò biển... một số loài đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Thầm nghĩ, “chúa đảo” “nữ chúa” sống trên cả đống vàng mà đâu có hay ! Mà cũng may là làn sóng du lịch chưa xâm thực đến nơi này - để “nữ chúa” vẫn hồn nhiên lặn ngụp, hồn nhiên sống bỗ bã như bản tính dân miền biển vốn vậy.

3. “Lãnh chúa” đồi sim:

Lại có chuyện cách đây mấy chục năm có một anh thanh niên quê xứ “Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu” bỏ chốn thị thành ra Phú Quốc lập nghiệp. Hồi đó, xứ đảo này còn cò ho khỉ gáy chứ chưa chảnh chọe là “khu du lịch sinh thái cao như bây giờ”. Tiếng là trai thành thị mà ông mê đất, mê vườn quá, cứ cắm cúi vỡ mấy mảnh đất hoang miệt Dương Tơ. Dân tình thấy chỉ lạ vì... đất ở đây như đồ bỏ hoang trên rừng, mê mới lạ à nghen. Có điều có cô thiếu nữ ở Đường Bào không thấy lạ chỉ thấy... mê. Họ nên vợ nên chồng từ mảnh đất hoang.

Nay mảnh đất đó đã là Khu Du lịch Vườn Táo rộng đến 6, 7 hecta ở Dương Đông. Lại nghe sau khi Thủ tướng công bố quy hoạch thì mảnh đất này nằm kề bên một sân bay quốc tế, một khu du lịch biển, một khu du lịch sinh thái nữa chớ. Nhiều tay “cò đất” hay tin... bay tá lả đến nhà ông bảo: “bán đất không, bán cất khách sạn đi ông bạn”. Ông chỉ lắc đầu mà bảo: “Đất này tui để trồng sim”. Mấy tay cò trợn mắt: “Bạc chục tỷ, trăm tỷ mà đem đi trồng sim, ông có... bị gì không vậy”.

Đó là chuyện mới nhất của ông Trịnh Công Phát, Chủ khu du lịch này. Mà coi bộ ông này mê cây thiệt. Đang khi người ta đổ xô làm nước mắm, nuôi chó Phú Quốc, trồng hồ tiêu - những đặc sản của xứ này – thì ông căm cụi kiếm đất hoang để trồng sim. Vợ ông thì nghiền ngẫm công thức pha chế rượu sim. Ông kể, trầy trật hư hao mấy mẻ mới thành công – bà Kim Sơn, vợ ông cười nhẹ “Hư mấy mẻ có nghĩa là mất mấy mùa sim của mấy năm trời đó cô”. Không chỉ nấu rượu thủ công, ông còn lặn lội vô gặp mấy thầy ở trường ĐH Cần Thơ học nghề, rồi khi “thấy được” ông lại tính đến chuyện đăng ký bản quyền, thương hiệu rồi làm website quảng bá nữa chớ.

Còn việc chết danh “lãnh chúa” đồi sim thì kể cũng đáng khi hiện tại năm nào ông cũng tiêu thụ hết vài chục tấn sim rừng. Những người dân cố cựu nơi này lại đi trồng sim giống ông Phát. Cũng lạ đời khi giá sim tươi có lúc lên đến 18 ngàn đồng/kg bằng giá... 1 kg tiêu sọ phơi khô. Công lao cũng nhờ “lãnh chúa”. Ông định trong 6 hecta hiện có sẽ dành hẳn 3 hecta để nhân giống sim. Ông đã lên hẳn một đề án để xin phép chính quyền cho ông thuê hẳn một ngọn núi hoang nào đó để ông trồng một rừng sim nguyên liệu mới thỏa chí làm ăn. Vợ ông thì toan tính xa xôi kiểu đàn bà hơn – làm nhiều mặt hàng từ sim hơn. Tỷ như: rượu sim, mật sim, vang sim, trà sim... nội như rượu sim lại có đến mấy loại: trái khô, trái tươi và cả búp hoa sim. Lại thấy bà Sơn xuống mấy xóm chài mua gom hải mã, hải long, mỏ quạ... để có thêm nhiều thứ rượu. làm tới đâu lại thấy hai vợ chồng “lãnh chúa” vượt biển đi đăng ký, quảng bá thương hiệu đến đó. Nhờ vậy mà nay rượu sim đã là đặc sản mới được du khách lùng mua. Và đã có người dân bắt chước làm thêm hàng chục lò nấu rượu sim ra đời, dù chất lượng các lò này còn phải bàn thêm. Vợ chồng ông Phát trù tính, tại khu vườn này sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho những du khách tuổi cao muốn tìm một chút yên bình giữa khung cảnh hoang dã, tách bạch. Ở đó, sẽ có những túp lều tranh quay mặt vào đồi sim, quay lưng lại dòng suối phẳng lặng. Ông Đinh Khoa Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói rằng: “Mô hình làm du lịch của ông Phát là rất đáng để học hỏi và chính quyền sẽ ủng hộ hết mức”.

“Lãnh chúa” thì tin con đường mình đã vạch ra là đúng. Vậy nên cả hai đứa con trai của ông đều theo học ngành du lịch. “Lãnh chúa” đã mua nhà ở TP.HCM nhưng chẳng đứa con nào chịu ở đất liền. Tư duy của Trí, con út “lãnh chúa” đơn giản chỉ là: “Từ nhà ở quận Tân Bình đến Vườn Táo này tụi em chỉ mất có 55 phút bay chớ mấy. Vậy gọi là xa hay là gần đây”.

***
Chợt nghĩ, những tư duy kiểu như Trịnh Công Trí đã khiến hoang đảo không còn là chốn xa xôi. Chợt nghĩ, biết đâu mai này có một lớp trẻ sẽ hăm hở tìm đến những hoang đảo như “lãnh địa” của ông Bảy Yên, của ông Ẩn, của “nữ chúa” Tám tà lỏn. Có điều, sẽ có những chuyện lớn lao hơn từ đó chứ nào đâu một vòng quẩn quanh như thế hệ ngày xưa. “Robinson” sẽ mỗi thời mỗi khác !

H.HẠNH

Không có nhận xét nào: