Thứ Năm, tháng 12 25, 2008

NỖI BUỒN TO ĐÙNG !

TRỜI ƠI, SAO MÀ BUỒN DỮ VẬY NÈ !

BUỒN MÀ KHÔNG NÓI ĐƯỢC !

BUỒN MÀ KHÔNG CÓ QUYỀN BÀY TỎ !

BUỒN MÀ KHÔNG BIẾT LÀM SAO GIẢI TỎA !

BUỒN...

BUỒN, BUỒN...

BUỒN, BUỒN, BUỒN...

"ĐỒNG CHÍ TÂM" CHIẾN THẮNG !






Nhan đề cho entry là vậy thay vì "Việt Nam chiến thắng" . Bởi một lẽ giản đơn... chủ blog hổng thích đội tuyển Việt Nam ! Mặc dù điều nầy khiến cho các thành viên của "đại bang" và "tiểu bang" phản ứng quá xá xà xa...

Hôm qua, có nhiều kẻ phấn khích ghê ! Điện thoại đổ về muốn cháy máy ! Và ai cũng... phản ứng, xỉ vả dữ dội khi nghe thấy cái giọng... thờ ơ của mình ! He he... Chủ blog có bao giờ che giấu cảm xúc được đâu.

Ku Tâm hôm qua ra Napoli ăn uống xem bóng đá mới bảnh chứ !
Nghe nói hắn đã la hét, lặng người, phấn khích... và cả rơm rớm vì đội tuyển Việt Nam. Chuyện không lạ vì tinh thần dân tộc của "đồng chí" nầy vốn vậy mừ ! Và đây là những tác phẩm khi "đồng chí" mình hòa vào tâm bão đêm qua.

Chủ Nhật, tháng 12 21, 2008

TỐI THỨ BẢY, SẾN NHƯ CON HẾN !

Đã định không làm gì hết, không công việc, không nhạc, không sách, không phim.
Để đầu óc rỗng không. Vậy mà có được đâu !


Nghe Richard Anthony với J"entends siffler le train vừa dứt lại nhảy cóc qua Whitney Houston với Saving all my love for you; bồi thêm Bryan Adams trong Please forgive me.

Nhặt mấy đoạn trong đó:

Anh còn nghe tiếng còi tàu
Anh nghĩ rằng tốt nhất bây giờ
Mình chia tay không lời từ biệt
Anh chẳng dám gặp em lần cuối

Nhưng vẫn nghe tiếng còi tàu ngân
Trong đêm sâu buồn bã từng hồi…
Anh như thấy mình em cô độc
Trên sân ga chật chội tiếng người

Còi tàu vang từng hồi buồn bã
Trong đêm sâu biền biệt khôn cùng…
Anh suýt nữa đã chạy về phía em
Suýt gọi tên mong Người quay trở lại

Nhưng em đi, đi về nơi xa mãi
Không khi nào ngoảnh nhìn nữa, đúng không?
Anh nghĩ rằng tốt nhất bây giờ
Mình chia tay không lời từ biệt

Và chợt hiểu thế là đã hết
Anh nghe thấy tiếng còi tàu ngân
Suốt cuộc đời, từng hồi buồn bã.

Gặp được nhau, và yêu nhau đã là một niềm hạnh ngộ lớn lao, một món quà của số phận rồi.
Có những điều không thể, và không nên níu kéo. Rồi cuối cùng cũng chẳng còn gì……ngoài nỗi nhớ, và tình yêu.

So if I love you a little more than I should.
Please forgive me I know not what I do
Please forgive me I can"t stop loving you


Anh có từng nghe một lời xin lỗi nào duyên dáng và đáng yêu đến thế chưa, người yêu dấu ? "Vì thế, nếu anh yêu em nhiều hơn mức cần thiết một chút, thì xin thứ lỗi cho anh, bởi anh không biết mình đang làm gì. Xin thứ lỗi cho anh, bởi anh không thể ngừng yêu em !"

Và bỗng nhiên tôi nhớ Chicago với Hard to Say I’m Sorry, cũng những lời dịu dàng có thể làm vỡ tim bất kỳ cô gái nhạy cảm nào "Thật khó để nói cùng em lời xin lỗi, vì anh không thể nào để em rời xa anh được, dù anh biết ngay cả tình nhân cũng thỉnh thoảng cần phải xa nhau để có những khoảng thời gian riêng tư".

Trời ơi, sao mà tự dưng mình sến như con hến vậy nè !
Đi ngủ thôi. Để bớt sến ! Hic hic !


THẾ GIỚI VẪN HOÀI NGHI ĐẤY THÔI !




Nhặt trên internet một câu chuyện nhân mùa Giáng Sinh.

Cách đây trên 100 năm, một cô bé đã viết cho ông chủ báo bức thư như thế này:

“Thưa ngài chủ bút!
Em là một bé gái tám tuổi.
Vài người bạn của em cho rằng không có ông già Noel.
Ba nói với em rằng: “nếu con đọc thấy điều đó trên tờ The Sun thì nó đúng là như vậy”.
Vậy làm ơn cho em biết sự thật: có ông già Noel không?”.
Virginia O’Hanlon.”

Lá thư được gửi đi ngay trước Noel 1897. Trả lời thư cho bé Virginia là một bài báo viết vội ngay vào lúc tờ báo chuẩn bị lên khuôn cho số giáng sinh. Dưới tựa đề: “Có chứ, Virginia. Có ông già Noel” (Yes, Virginia, there is a Santa Claus). Bài báo viết:

“Virginia, những bạn bè nhỏ của em đã nói sai. Các bạn ấy đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi của một năm hoài nghi. Các bạn không tin trừ khi đã thấy. Các bạn nghĩ rằng không gì có thể bởi đầu óc nhỏ bé của các bạn không thấu lĩnh được. Tất cả mọi đầu óc, Virginia, dù là người lớn hay trẻ em, đều nhỏ bé. Trong vũ trụ rộng lớn này, trí óc con người chỉ là một côn trùng, một con kiến so với thế giới vô cùng bên ngoài nó, nhỏ bé như khả năng trí tuệ của con người trong nắm bắt toàn bộ sự thật và kiến thức.

Có chứ, Virginia, có ông già Noel. Ông hiện diện cũng chắc chắn như tình yêu, sự rộng lượng và lòng thành tâm đang tồn tại, và em biết rằng chúng đầy rẫy, sẽ mang cho đời sống của em cái đẹp và niềm vui cao quý nhất. Chao ôi, thế giới này sẽ ảm đạm biết bao nếu không có ông già Noel. Và thế giới cũng buồn như thế nếu không có những bé Virginia. Lúc đó sẽ không có niềm tin trẻ thơ, thơ ca và sự lãng mạn làm cho sự tồn tại này có thể chịu đựng được.

…Không ai thấy ông già Noel ra sao. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy không có ông già Noel cả. Những điều thật nhất trên thế giới này chính là những điều mà cả người lớn vả trẻ em đều không thể thấy. Có bao giờ em thấy những bà Tiên nhảy múa trên thảm cỏ xanh chưa? Dĩ nhiên, chưa, nhưng đó không phải là bằng chứng rằng họ không có mặt nơi đó. Không ai có thể nhận thức hoặc tưởng tượng ra được tất cả những điều kỳ diệu không thể thấy được trong thế giới này.
…Em phá tung cái lúc lắc trẻ thơ để tìm ra cái gì làm nên tiếng động bên trong nó, nhưng có một tấm mạng che thế giới chúng ta không thấy được mà không một người mạnh nhất hoặc thậm chí một sức mạnh liên kết của một nhóm những người mạnh nhất từng sống có thể xé tan nó được. Chỉ có lòng tin, trí tưởng tượng, thơ ca, tình yêu, sự lãng mạn có thể đặt qua một bên bức màn đó để chiêm ngưỡng và vẽ nên cái đẹp và sự huy hoàng bên ngoài nó. Liệu nó có thật hay không? Ôi, Virginia, trong cả thế giới này không có gì khác thật sự và vĩnh cửu. Không có ông già Noel. Nhưng, nhờ trời, ông sống, và sống mãi. Hàng nghìn năm tới nữa, không, Virginia, hàng chục lần của hàng nghìn năm sau nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục là niềm vui của những trái tim trẻ thơ”.

Tác giả của lá thư tòa soạn trả lời bé Virginia là cây bút bình luận của tờ The Sun: Francis Pharcellus Church, lúc ấy 57 tuổi. Theo Bảo tàng Báo chí ở Arlington (bang Virginia): Bài viết này được in lại nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Hoa Kỳ. Francis Pharcellus Church qua đời năm 1906, còn Virginia O’Hanlon Douglas cũng đã mất năm 1971 ở tuổi 81, sau một cuộc đời cống hiến cho trẻ tật nguyền. Hành trang cho sự nghiệp giáo dục của bà Virginia là lá thư phúc đáp của Church mà Bà cho biết đã mang theo mình suốt cả cuộc đời.

Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ lá thư hoài nghi của cô bé Virginia, nhưng lý lẽ của Church vẫn tiếp tục sống. Bởi nó không chỉ là bài báo trả lời về việc có hay không ông già Noel. Trên tất cả, nó là thông điệp của lòng tin vào những giá trị nhân loại cao quý". (Theo PGĐC)

Đã trên 100 năm trôi qua, cái chủ nghĩa hoài nghi ấy vẫn ám ảnh chúng ta. Và đôi khi chúng ta không cảm nhận được hạnh phúc đang hiện diện đâu đó, mỗi ngày, quanh ta cũng chỉ vì hoài nghi đấy thôi !

Thứ Ba, tháng 12 16, 2008

GIÁNG SINH VỀ

Tối qua, H. rủ đi ăn cơm, mình bảo ra cơm Bà cả, Tôn Thất Thiệp đi. Chỉ để vòng vèo qua Lê Lợi, qua Nguyễn Huệ xem hơi hướm Giáng sinh nó như thế nào. H. bảo nhìn mấy dây đen xanh xanh, đỏ đỏ thấy mà ghê ! (thôi mà, đừng có khó tính vậy bạn ơi !). Mà đúng là Sài Gòn lúc nào cũng vậy, sặc sỡ một cách hồn nhiên.

Tối qua, trời mưa lâm râm. Nhờ vậy mà không bị chênh lệch nhiệt độ mấy khi bước xuống máy bay.

Những lúc trời lành lạnh như thế này lại muốn lang thang đâu đó. Mặc cho chỉ mới đây thôi mình vừa ngắm mây từ trên cao, và mình cũng vừa kéo vali thả bộ trên sảnh phi trường.

Thèm một chút không khí lạnh của nơi chốn càng xa càng tốt. Mặc dù biết đó là một ước muốn xa xỉ trong lúc kinh tế cả thế giới đang tuột dốc không phanh (nghe có vẻ chính trị toàn cầu gớm luôn đó).

Giở lại đống hình đi châu Âu hồi đầu năm. Lại ký ức giang hồ ùa về.

Tự dưng nhớ tay kiến trúc sư ở London. Hắn tự about me trên blog như thế này: “Kien Truc Su THAT NGHIEP (đang đi du học muh), song bang TRO CAP cua chinh phu Vietnam (hắn đi theo diện hưởng học bổng), KHONG thao nhieu ngoai ngu (nhưng mình biết hắn nói tiếng Anh như cháo, và đủ ma lanh để dẫn mình đi shoping ở khu chợ trời Camden Lock, trả giá búa xua), ngoai hinh KHA, THUC KHUYA tot, giao tiep OK, biet uong BIA, moi bo THUOC, yeu C(and G)AI DEP, thich DU THU (cái vụ nầy thì mình cũng chứng thực được, vì nhờ hắn mà biết vô số quán bia bọt ở London, rất là hay luôn).

Sáng nay vô blog của tên này. Thấy hắn viết khá thú vị. Đưa tạm lên blog mình một vài đoạn. London qua góc nhìn của hắn thật là khác !

“Sáng nay dậy sớm. Vừa đạp xe về trong bóng tối nhão nhọet lất phất mưa phùn. Vô bếp làm ly cà phê nghe tiếng xào xạc. Hình như là may thật, vừa vào nhà mưa đã quất vào cánh cửa, hình như thế...

Hôm nay thật siêng năng đạp xe qua Chợ Cổng Hóa Đơn (Billingsgate market) nằm giữa 2 Nhà ga Cây Bạch Dương và Bức Tường Đen. Không khí Tết mừng ngày Chúa giáng sinh thật rõ ràng bởi cả sự tấp nập chật chội bên trong lẫn kẹt xe bên ngòai chợ, cũng như việc giá cả tăng 50% kinh hồn như thị trường VN vào dịp xuân về.

Cái chợ hải sản bán sỉ này nằm ngay rìa khu tài chính mới của Luân Đôn, khu Bến Tàu Chim Bạch Yến (Canary wharf), mà có thể nhìn thấy từ cửa sổ phòng. Cái tên bến tàu nghe hay hay, cũng như tên Cầu tàu Chim Diệc (Heron quay) kế bên, gợi cảm, cổ kính trong gió lộng của chốn giang hồ đầy thuyền bè xa xưa giữa Đảo Chó (Isle of Dogs).

Cái cửa sổ phòng tớ (vừa nhắc ở trên) mở về hướng Tây, với 1 khỏang không thông thóang để có thể thấy được 1 vài điểm nhấn trong không gian đô thị Luân Đôn. Từ khi chuyển về cái căn hộ số Hai Hai, chung cư thấp tầng Theseus, Xóm Đông Ấn (East India), tớ có thói quen quay mặt ra cửa sổ 1 ngày vài chục lần khi làm việc.

Đập vào mắt ở cự li gần là các cao ốc (xấu hoắc, nhưng được quy họach quy củ tạo ra những không gian đô thị đẹp) trong khu tài chính Bến Tàu Chim Bạch Yến. Xa hơn 1 chút là tháp chuông của Nhà Thờ Tất Cả Các Vị Thánh (All Saints). Hơn 1 chút nữa, cái tháp đồng hồ của khu Chợ Trời Chrips (dek biết dịch ra tiếng Việt là gì) bán thượng vàng hạ cám những đồ còn rẻ hơn ở VN.

Xa xa khi mờ khi tỏ là tòa nhà Quả Dưa Chuột Gợi Tình (The Erotic Gherkin) do Ngài Norman Foster vẽ kiểu. Nhận xét về tòa nhà này, một thằng tớ quen người Ái Nhĩ Lan tên là Đa Mĩ Ẩn (Damian) khinh miệt gọi đó là một cái Dương Vật do 1 thằng cha đồng tính thiết kế. Nhưng dù gì, tớ cũng thích cái Linga này, cũng như tòa nhà Lloyd giống cái đít tủ lạnh ngay gần đấy (ở VN cũng có 1 cái nhà giống cái bếp dầu, hehe...).

Còn xa tít mù về phía tây, trong khuôn viên của Vùng đô thị số Sáu Luân Đôn chắc hẳn là Sân bay Hàng Thạch Nam (Heathrow, một lòai cây thuộc họ Đỗ Quyên, hehe, thông tin này biết được là nhờ Wikipedia), nơi tớ đặt chân đến nước Anh Cát Lợi vào ngày Thứ Năm Mùng Bảy Tháng Bảy Xui Xẻo cách nay hơn ba năm rưỡi. Nghe tên Hàng Thạch Nam nghe đầy tính lãng mạn này lại nhớ Hàng Xanh ở Saigon chói chang bụi bẩn.

Bạn bè tớ cũng ở về phía tây (so với nhà tớ đang ở), tất nhiên có thể nhích lên bắc hay xuôi xuống nam 1 tí . Họ sống ở những địa danh dân gian rất thú vị. Đó là Xóm Bức Tường Đen (nơi tớ tá túc 2 tháng), xa 1 chút là Phố Cũ (Old Street, nơi tớ sống gần 2 năm), Đường cao Camden (nơi tớ ở gần năm rưỡi), rồi Xóm Công Chúa Tháng Năm, khu Lâu Đài và Các Chú Voi, Cầu Tháp, Cây Thánh Giá của Đức Vua, Bẩy Bà Sơ, Nhà Nguyện Trắng, Vườn Đảo, Công Viên nữ Hòang, Đồi Rất nhiều chữ A (Avery, hehe, bịa thêm để có vẻ giống tiếng Việt)...

Viết đến đây, nhìn ra ngòai, trời đã hửng sáng, mưa nhơm nhớp như mồ hôi dầu. Hóa ra tiếng xào xạc hồi nãy là của 10kg cua, mực và tôm bò lổm nhổm, giẫy đành đạch và nhảy lách tách trong bao nilon.

Hehehe... tối nay bạn bè tụ tập nhà tớ party chia buồn vì ngày mai tớ già thêm 1 tuổi... huhuhu...”

Chúc mừng sinh nhật muộn nghen KTS. Khi nào về Sài Gòn thì nhớ hú đi nhậu nghen !

Chủ Nhật, tháng 12 14, 2008

TỰ DƯNG NHỚ GA XÉP SAPA

Lần nào ra Hà Nội cũng ở đúng cái khách sạn nầy. Bởi lẽ, chỉ cần bước ra ngõ một tí thì phố cổ đã lồ lộ ra đấy. Một chút chật chội, một chút xô bồ, nhưng tinh ý một chút thi thoảng vẫn thấy những khoảnh lặng nhất định nào đó. Như con phố Hàng Điếu chẳng hạn. Khách bộ hành dễ bị hoa mắt bởi những cửa hiệu sáng choang, bởi những dãy ô mai, mơ, sấu bày ngun ngút; rồi thì những hàng chè, hàng bánh trôi Tàu; những cửa hiệu bún chả, miến lươn đặc trưng Hà Nội… Mỗi khi dạo trên những con phố như thế này mình lại khoái đem máy ảnh ra, chẳng có cái hình nào nghệ thuật cả (chuyện này thì Khả biết rõ hơn ai hết J). Nhưng những khuôn mặt, những món ăn, những cái lá rơi trên góc phố trong khung hình lại khiến cho một mai nào đấy khi giở ra xem thì ôi chao bao nhiêu là ký ức lại ùa vào. Trên con phố Hàng Điếu này, lần nào ra mình cũng ghé vào một cửa hàng be bé độ vài ba mét vuông bán đặc sản Thái Nguyên. Cửa hàng hình như không có biển hiệu, mà đôi lúc cũng có mà mình không để ý cũng nên. Cô bé bán hàng ở đây khá là dịu dàng. Ra độ đôi lần, mà cách nhau hàng nửa năm chứ chẳng chơi, vậy mà nhớ mặt. Mình thích cái không khí bàng bạc khi nói chuyện với cô ấy. Chuyện cũng chẳng đâu ra đâu. Như hồi tối chẳng hạn, chuyện cứ nhảy cóc từ hạt sen sấy không đường, sang hạt bí, rồi lần hồi đến chuyện mua sắm lễ vật ăn hỏi, cưới xin hồi nào chẳng hay. Hôm qua H. bảo với mình là hắn sợ cái xô bồ, nhộn nhạo, sợ cái tính nóng nảy, cục cằn của người dân Hà Nội quá ! Ừ, thì Hà Nội bây giờ nó vậy đấy. Thật may, đâu đó trên góc phố cũng còn sót lại một chút chi phong vị của ngày xưa, còn sót lại những “người muôn năm cũ” ấy. Đủ để chặc lưỡi mà nói “Thôi kệ” để bỏ qua những thất vọng như H. đã từng cảm nhận.


Tối nay, tự dưng khó ngủ quá. Có lẽ tại vì ly Espresso của quán Hapro ngoài Bờ Hồ. Và nhờ vậy mà nghe được tiếng còi tàu, tiếng bánh xe xình xịch nghiến trên đường ray xe lửa ở đầu ngõ phố Phùng Hưng. Lại nhớ, lần nào đấy, buổi tối lóc cóc ra ga để đáp tàu đi Sapa. Con tàu đen thủi, đường đi cũng hun hút, tối mịt mùng. Thi thoảng qua một vài ga xép nào đó, thấy ánh đèn vàng nhờ nhờ treo trên những thanh ghi, đằng sau là núi rừng chập chùng thì ngực mình lại ứ lên một cảm giác buồn hiu hắt mà chẳng rõ vì cơn cớ gì ! Mà cũng lạ kỳ là dẫu ở bất cứ cái ga xép nào thì mình cũng thấy cái bóng dáng của những ông gác dan đều giống nhau đến lạ lùng. Ở họ toát lên một sự cô độc, buồn nản đến lạ lùng. Dẫu tàu chỉ lướt qua, ánh đèn thì nhạt nhòa nhưng mình cứ mường tượng ra ánh mắt của họ. Không buồn, không vui, không mừng rỡ, không nuối tiếc. Không nắm níu vào đâu. Rỗng không. Và từ đó, mỗi khi nghe tiếng còi tàu, nhìn thấy những toa xe xình xịch chạy, dẫu cho lúc đó là giữa con đường Lê Văn Sỹ ken kín xe và người mình cũng bị lôi kéo về sự rỗng không, tĩnh lặng tuyệt đối của những ông gác dan ngày ấy. Ngay lúc này đây, lại nghe tiếng xe lửa xình xịch ngoài kia. Chẳng biết, chuyến tàu đấy đi về đâu. Lại thèm được ngồi trên một góc toa nhỏ bé nào đó, co ro vì lạnh và thả ánh mắt trôi tuột, không nắm níu vào khoảng không trước mắt.


Hà Nội lúc này lành lạnh một cách thú vị. Đủ để khoác áo đi ngoài đường. Đủ để co ro điệu đà một chút. Từ xa xăm, một người bạn điện thoại hỏi cái lạnh Hà Nội thế nào rồi. Ôi, lại suy nghĩ lan man, chuyện nọ nhảy cóc sang chuyện kia mất rồi ! Thôi chẳng thèm suy nghĩ nữa. Chỉ muốn đầu óc rỗng không ngay phút giây này đây.

(Viết tối 12.12, mạng miếc hết sức chuối nên giờ mới post lên được. Và giờ này cũng nghe tiếng còi tàu !)

Thứ Ba, tháng 12 02, 2008

THÈM CHÚT THẢNH THƠI

Đôi lúc chỉ muốn được như ku Bách. Thảnh thơi nằm, thảnh thơi nhìn, chẳng lo nghĩ điều chi !
Rajiv Gandhi có nói: "Một người hạnh phúc là người có thể thu xếp toàn bộ cuộc sống mình gọn ghẽ trong một chiếc... vali!".
Chủ blog chỉ có một ước mơ thật... "tầm thường": Ước chi công việc có thể xếp gọn cất tạm vào ngăn kéo ha !
Vậy là hạnh phúc lắm lắm rồi đó !

Thứ Hai, tháng 12 01, 2008

BÀI BÁO XUÂN ĐÃ CŨ NHƯNG... HAY !




Mấy tấm hình này tất nhiên là... hổng đuợc đăng báo Xuân rồi ! Nhưng thấy nhà báo đi thực tế mà nhậu nhẹt kiểu này thì quá đã đời phải không ! Có cần cao sang gì đâu. Ông cầm ly rượu ngồi chính giữa là ông Ẩn, chúa đảo Hòn Mây Rút Trong. Ông cầm con cua là ông Phát Vườn Táo. Anh thanh niên trẻ trẻ là chủ tàu Quỳnh Thanh hoành tráng ở hậu cảnh. Chủ blog bao luôn con tàu to đùng chỉ để dành riêng cho chủ blog và một tay máy ảnh bán chuyên nghiệp (thạc sĩ dược nghen) đi lang thang các hòn đảo hoang ! Nghĩ lại thấy hồi đó mình... bảnh thiệt đó !


Câu chuyện “chúa đảo”

Nếu ai đó bảo rằng muốn thăm thú hết các đảo lớn nhỏ của vùng biển Tây Nam, tỉnh Kiên Giang thì e rằng đó là ước muốn không tưởng. Một con số thống kê cũ thì nơi này có đến 105 đảo thuộc 5 quần đảo, chiếm gần 53 ngàn hecta diện tích. Một con số đủ lập kỷ lục Việt Nam. Đã vậy, trong năm 2005 lại có thêm 35 hòn đảo lớn nhỏ khác vừa... nổi lên. Chưa có lời giải thích chính thức nào về hiện tượng địa lý này, có điều với một thực tế chỉ 43 đảo có cư dân sinh sống, gần 100 đảo còn lại vẫn là đảo hoang cũng đáng gợi trí tò mò.

1. “Chúa đảo” Hòn Mây:

Quả là một chuyến thám hiểm đã đời khi đoàn chúng tôi cưỡi “ngựa sắt” 3, 4 chục cây số từ Bãi Trường men theo đoạn đường nham nhở hố to, hố nhỏ của Bãi Đất Đỏ để đến Bãi Xếp tìm đường ra quần đảo An Thới (Phú Quốc). Bù lại con đường này có một cái view trên mức tuyệt vời. Biển xanh ngắt một màu và xa mù ngoài khơi lại thấy lấm chấm những hòn đảo hoang dã mời gọi.

Nguyễn Thanh Bá, thuyền trưởng tàu Quỳnh Thanh thông thạo vùng biển Kiên Giang như trong lòng bàn tay, nói tiếng một: “Chị muốn ghé đảo nào”. “Đảo nào càng ít người càng hay”. “Nè, tui chỉ cho nghen. Hòn Thơm có độ 200 nhà, Hòn Dõi đằng sau đó thì độ 20 nhà, còn chạy độ 1 tiếng đồng hồ ra Hòn Mây Rút Trong gặp 1 nhà, tạt qua Hòn Mây Rút Ngoài cũng có một nhà nữa. Mấy cha nội này hổng biết có… bị gì không mà ở ngoải một mình 5, 6 chục năm nay hổng thấy chán”.

“Bị” gì thì chưa biết, có điều cuộc đời ông Lê Ngọc Ẩn – “chúa đảo” Hòn Mây Rút Trong quả là ly kỳ. Ông nhớ, độ chừng năm 1963, cha mẹ ông – ông Lê Thành Tân và bà Đoàn Thị Tư - đã đóng bè bồng chống cả nhà ra đây, cũng định chỉ trú thân độ chừng vài ba năm để những đứa con của mình qua tuổi quân dịch. Lúc đó, nơi đây còn hoang vu lắm, lắm lúc cả mấy năm trời không thấy mặt người lạ nói chi biết đến tình hình chiến sự ác liệt đang diễn ra trong bờ. Chín người con của ông Tân đã vật lộn đơn độc với sóng và gió biển, rốt cùng chỉ có 4 người là tồn tại được với thiên nhiên khắc nghiệt hoang dã nhưng cũng chỉ có ông Ẩn trụ được tại đảo hoang đến giờ. Bà Tư qua đời cách đây vài chục năm trong một tai nạn thương tâm ngoài biển khơi. Năm đó, bà quá giang tàu cào vào đất liền mua sắm vật dụng cho gia đình, qua khỏi Hòn Nghệ đến Hòn Dung thì tàu phá sóng bị chìm. Cả tàu chỉ có một thằng bé thoát chết vì… cỡi được một chú heo còn hết thảy mất mạng với đại dương. Cũng sau cái chết của mẹ mình, ông Ẩn lại càng có lý do để ít vào đất liền hơn và rồi chết tên “chúa đảo”.

Ông Ẩn kể, hồi mới ra đảo hoang buồn không kể xiết, phần thì ở tuổi con trai mới lớn, phần thì đánh bắt cá tiền vô cũng bộn, vậy là ngơi việc ông lại chèo ghe vào An Thới “đập phá”. Một bận, thấy ông Ẩn say nằm ngủ dật dờ, bà Năm chủ quán thương tình bảo: “Mày coi trong đám cháu tao, ưng đứa nào tao gả đứa đó cho”. Ông Ẩn tỏ thiệt: “Vải thì để con vác nguyên ịn chớ con đâu đành xé manh, xé mún ra”. Bà Năm trề môi chưởi yêu: “Thằng quỷ” rồi dắt tay cô cháu Kim Liên trao cho ông Ẩn chở về đảo hoang. Động lòng trước cô gái dám dấn thân theo mình và biết cô ta sẽ ở đảo hoang không có ngày về, ông Ẩn chơi bạo bỏ ra 3 cây vàng bao giàn gánh hát cải lương làm một đám cưới linh đình 3 ngày 3 đêm ở An Thới (!). Mới đó mà nay “chúa đảo” đã ngót 60 niên với một đàn con tới 7 đứa, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Hỏi đẻ gì mà dữ vậy, ông giả lả nói: “Hôm đó trên xã kêu tui vô Hòn Thơm họp phổ biến chính sách tới 2 cuộc lận. Một cái là “tăng gia sản xuất”, một cái “sanh đẻ có kế hoạch”. Hổng biết nghe ù ù cạc cạc sao mà tui về “phổ biến” lại với vợ là “tăng gia sanh đẻ”. Cô coi vậy có chết không chớ”. Hỏi ra mới biết, ông… nghỉ “gia tăng dân số” chỉ sau cái đận bà đẻ rớt trên Hòn Mây này. Hổng biết gặp ngày xấu, giờ hạn sao đó mà không chiếc ghe biển nào chịu cho vợ ông đang trở dạ quá giang qua Hòn Thơm để tìm bà mụ. Túng thế, chính “chúa đảo” đã ra tay đỡ cho vợ mình, cũng may là mẹ tròn con vuông.

Cái mạng sống thắt thỏm là vậy, cái kế sinh nhai lại càng chông chênh hơn nhưng lạ là gia đình “chúa đảo” luôn có một niềm tin tuyệt đối vào biển cả. Hỏi ông có nghe tin vụ sóng thần bên Thái Lan, rồi mấy vụ nứt gãy đáy đại dương khiến bà con trong đất liền xính vính vì dư chấn động đất. Ông Ẩn ối một tiếng: “Lo ăn muốn chết, còn hơi sức đâu mà sợ”. Quả là vậy. Trong 7 đứa con của ông Ẩn chỉ có một đứa học tới lớp 5 rồi vào bờ theo nghề uốn tóc. Ông bảo: “Con tui muốn học thì phải vượt biển cả tiếng đồng hồ vô Hòn Thơm xăng dầu đâu chịu cho thấu. Còn gởi tụi nó vô đó ở tui hổng dám, tui nghe họ nói tỷ lệ dân nhiễm HIV ở Hòn Thơm là cao nhất Việt Nam mà sợ quá”. Đám con “chúa đảo” mê nghề biển không kém cha mình. Trừ những ngày biển động còn thì họ lênh đênh suốt ngoài biển khơi. Không chỉ mưu sinh, họ nói quen sóng rồi lên bờ cứ thấy... chông chênh say sóng (!). Nhà “chúa đảo” giờ có thêm một cô con dâu, tất thảy nhờ vào hai chiếc ghe đánh cá mà biển giả thì không biết chừng độ. Có tháng nhà ông kiếm được 2,3 chục triệu, chia tiền cho bạn ghe, trả tiền xăng cũng còn độ mươi triệu. “Chúa đảo” giọng ngùi ngùi khi nhớ chuyện làm ăn mấy chục năm trước. Ông bảo, hồi đó đánh một mẻ được cả 3, 4 tấn, cá cam thì con nào con nấy nặng trùi trụi cả ký lô. Lần hồi người ta ham tiền đánh thuốc nổ, muốn tuyệt diệt hết thảy. Rồi chuyện, trước đây cả Phú Quốc chỉ có 50 ghe đánh cá cơm nay lên cả mấy trăm chiếc thì cá mú nào chịu nổi. Vậy mà “chúa đảo” vẫn lạc quan: “Coi vậy chớ tới mùa gió Nam, nhà tui đi lượm can mủ, phuy mủ, két mủ đựng cá cũng bộn. Mất thứ này trôi từ bên Thái qua đó cô. Cỡ này tui cân mủ 5 ngàn đồng/kg, dây cũng được 10 ngàn/kg. Tom góp bán một lần được cả bạc triệu đó”. “Chúa đảo” có một đức tin, có lòng thì biển không bạc với một ai.

2. Khi “nữ chúa” ra riêng:

Cuộc sống của “chúa đảo” cứ vậy mà bình lặng trôi qua. Mà đâu phải chỉ có ông sống vậy, ngay như bên Hòn Mây Rút Ngoài chuyện nhà ông Bảy Yên cũng vậy mà thôi. Ông già Bảy có lẽ cũng mang một nỗi niềm riêng nào đó để chọn lựa cuộc sống cô độc nơi này. Để rồi cũng có chuyện buồn, chuyện vui. Buồn nhất là chuyện ông Bảy mê nhậu đến mức... mù cả mắt. Ông Ẩn đặt cho biệt danh là “nhậu kẹo” vì ông Bảy chỉ cần vài cục kẹo là uống tù tì hàng mấy lít rượu thay cơm. Có điều vui, gia đình ông Bảy nay đã “nở nồi”, ba anh con trai của ông lần lượt lấy 3 chị em ruột của nhà nọ trong đất liền và chịu theo chồng ra đảo hoang này sống ráo trọi. Nghe nói họ cũng nhậu thần sầu quỷ khốc không kém cha mình nhưng nhờ vợ giựt dây nên có phần đỡ. Đó là tôi nghe ông Ẩn nói vậy.

Nhưng chuyện nhà ông Bảy Hòn Mây Rút Ngoài nổi danh trong giới giang hồ miệt biển là nhờ vào uy của... mấy cô con gái – cô Út tà lỏn và cô Tám tà lỏn. Chết danh “tà lỏn” cũng do mấy cô cứ... quần cụt làm tới hết năm này tháng nọ. Các trai tráng ngư phủ thì lè lưỡi chịu thua khi nhắc đến tài bơi lặn như rái cá của các “nữ chúa”, bắt cá thì hết chố chê. Bởi vậy chọc ghẹo chơi thì không dám, chỉ có... mê mẩn mà thôi. Nghe đâu cô Tám tà lỏn có mấy đời chồng vậy mà ghe bạn hàng đến cân cá hay bán tạp hóa cứ neo bến dập dìu. Chồng cô Tám nổi máu ghen bèn... bỏ lên núi ở để lại một bức thư dài 4 mặt giấy. Cô Tám phần thì lo chồng bị... cọp vồ trên đó, phần thì tò mò không biết thằng chả nói cái gì trong miếng giấy – cổ thất học mới khổ chớ. Cô Tám dong ghe qua Hòn Mây Rút Trong nhờ ông Ẩn đọc thư. Ông Ẩn cũng rắn mắt thêm thắt vào bức thư và nói: “Tám tà lỏn đừng có lo, nó lên đó có nước bẻ chuối cây, chuối chát mà sống, thèm cá, thèm mú mò xuống bây giờ. Mà thằng chả có dặn mấy câu độc lắm à nghen”. “Câu gì, câu gì vậy cha nội” – Tám hỏi dồn. “Nó nói, nó mà có chết thì Tám lấy chồng sớm sớm, không thôi Tết này gió bấc về... lạnh lắm à nghen”. “Nữ chúa” xí một tiếng rồi dong ghe đi về. Nghe nói, sau đận đó hai vợ chồng “nữ chúa” xin ông Bảy Yên được “ra riêng” làm rấy kiếm sống. Như một “lãnh chúa” giàu có ông Bảy ừ rất oai vệ và chia “giang sơn” cho con gái mình - Hòn Dơi – cũng là một hoang đảo mờ xa (!).

Lướt qua trang tư liệu mới thấy, ngay quần đảo mà tôi đang dong duổi đây là cả một hệ sinh thái đa dạng. Rạn san hộ nơi này là độc đáo nhất với 89 loài san hô cứng, 19 loài san hộ mềm, lại có thêm 125 loài cá khác nhau cộng 132 loài thân mềm như da gai, rong biển nữa chớ. Mấy tay du khách nước ngoài mê nhất thuê tàu ra đây để lặn ngắm đại dương. Mấy nhà khoa học thì bảo, chỉ tại nơi này mới còn: trai tai bò, ốc đụn cái, đồi mồi, bò biển... một số loài đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Thầm nghĩ, “chúa đảo” “nữ chúa” sống trên cả đống vàng mà đâu có hay ! Mà cũng may là làn sóng du lịch chưa xâm thực đến nơi này - để “nữ chúa” vẫn hồn nhiên lặn ngụp, hồn nhiên sống bỗ bã như bản tính dân miền biển vốn vậy.

3. “Lãnh chúa” đồi sim:

Lại có chuyện cách đây mấy chục năm có một anh thanh niên quê xứ “Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu” bỏ chốn thị thành ra Phú Quốc lập nghiệp. Hồi đó, xứ đảo này còn cò ho khỉ gáy chứ chưa chảnh chọe là “khu du lịch sinh thái cao như bây giờ”. Tiếng là trai thành thị mà ông mê đất, mê vườn quá, cứ cắm cúi vỡ mấy mảnh đất hoang miệt Dương Tơ. Dân tình thấy chỉ lạ vì... đất ở đây như đồ bỏ hoang trên rừng, mê mới lạ à nghen. Có điều có cô thiếu nữ ở Đường Bào không thấy lạ chỉ thấy... mê. Họ nên vợ nên chồng từ mảnh đất hoang.

Nay mảnh đất đó đã là Khu Du lịch Vườn Táo rộng đến 6, 7 hecta ở Dương Đông. Lại nghe sau khi Thủ tướng công bố quy hoạch thì mảnh đất này nằm kề bên một sân bay quốc tế, một khu du lịch biển, một khu du lịch sinh thái nữa chớ. Nhiều tay “cò đất” hay tin... bay tá lả đến nhà ông bảo: “bán đất không, bán cất khách sạn đi ông bạn”. Ông chỉ lắc đầu mà bảo: “Đất này tui để trồng sim”. Mấy tay cò trợn mắt: “Bạc chục tỷ, trăm tỷ mà đem đi trồng sim, ông có... bị gì không vậy”.

Đó là chuyện mới nhất của ông Trịnh Công Phát, Chủ khu du lịch này. Mà coi bộ ông này mê cây thiệt. Đang khi người ta đổ xô làm nước mắm, nuôi chó Phú Quốc, trồng hồ tiêu - những đặc sản của xứ này – thì ông căm cụi kiếm đất hoang để trồng sim. Vợ ông thì nghiền ngẫm công thức pha chế rượu sim. Ông kể, trầy trật hư hao mấy mẻ mới thành công – bà Kim Sơn, vợ ông cười nhẹ “Hư mấy mẻ có nghĩa là mất mấy mùa sim của mấy năm trời đó cô”. Không chỉ nấu rượu thủ công, ông còn lặn lội vô gặp mấy thầy ở trường ĐH Cần Thơ học nghề, rồi khi “thấy được” ông lại tính đến chuyện đăng ký bản quyền, thương hiệu rồi làm website quảng bá nữa chớ.

Còn việc chết danh “lãnh chúa” đồi sim thì kể cũng đáng khi hiện tại năm nào ông cũng tiêu thụ hết vài chục tấn sim rừng. Những người dân cố cựu nơi này lại đi trồng sim giống ông Phát. Cũng lạ đời khi giá sim tươi có lúc lên đến 18 ngàn đồng/kg bằng giá... 1 kg tiêu sọ phơi khô. Công lao cũng nhờ “lãnh chúa”. Ông định trong 6 hecta hiện có sẽ dành hẳn 3 hecta để nhân giống sim. Ông đã lên hẳn một đề án để xin phép chính quyền cho ông thuê hẳn một ngọn núi hoang nào đó để ông trồng một rừng sim nguyên liệu mới thỏa chí làm ăn. Vợ ông thì toan tính xa xôi kiểu đàn bà hơn – làm nhiều mặt hàng từ sim hơn. Tỷ như: rượu sim, mật sim, vang sim, trà sim... nội như rượu sim lại có đến mấy loại: trái khô, trái tươi và cả búp hoa sim. Lại thấy bà Sơn xuống mấy xóm chài mua gom hải mã, hải long, mỏ quạ... để có thêm nhiều thứ rượu. làm tới đâu lại thấy hai vợ chồng “lãnh chúa” vượt biển đi đăng ký, quảng bá thương hiệu đến đó. Nhờ vậy mà nay rượu sim đã là đặc sản mới được du khách lùng mua. Và đã có người dân bắt chước làm thêm hàng chục lò nấu rượu sim ra đời, dù chất lượng các lò này còn phải bàn thêm. Vợ chồng ông Phát trù tính, tại khu vườn này sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho những du khách tuổi cao muốn tìm một chút yên bình giữa khung cảnh hoang dã, tách bạch. Ở đó, sẽ có những túp lều tranh quay mặt vào đồi sim, quay lưng lại dòng suối phẳng lặng. Ông Đinh Khoa Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói rằng: “Mô hình làm du lịch của ông Phát là rất đáng để học hỏi và chính quyền sẽ ủng hộ hết mức”.

“Lãnh chúa” thì tin con đường mình đã vạch ra là đúng. Vậy nên cả hai đứa con trai của ông đều theo học ngành du lịch. “Lãnh chúa” đã mua nhà ở TP.HCM nhưng chẳng đứa con nào chịu ở đất liền. Tư duy của Trí, con út “lãnh chúa” đơn giản chỉ là: “Từ nhà ở quận Tân Bình đến Vườn Táo này tụi em chỉ mất có 55 phút bay chớ mấy. Vậy gọi là xa hay là gần đây”.

***
Chợt nghĩ, những tư duy kiểu như Trịnh Công Trí đã khiến hoang đảo không còn là chốn xa xôi. Chợt nghĩ, biết đâu mai này có một lớp trẻ sẽ hăm hở tìm đến những hoang đảo như “lãnh địa” của ông Bảy Yên, của ông Ẩn, của “nữ chúa” Tám tà lỏn. Có điều, sẽ có những chuyện lớn lao hơn từ đó chứ nào đâu một vòng quẩn quanh như thế hệ ngày xưa. “Robinson” sẽ mỗi thời mỗi khác !

H.HẠNH

NHỚ ƠI LÀ NHỚ !



Lẩu hoa sim - món mới của ông chủ nhà hàng Vườn Tào nè bà con ! Ông chủ này không chỉ nấu ăn ngon mà cũng ... biết làm báo luôn. Cộng tác viên của chủ blog đó. Xí hàng công khai để sau này có ai chào mời ổng viết bài là chủ blog... oánh à nghen !


Món gỏi cá trích chỉ Vườn Táo làm ăn mới ngon. Mà ngon nhất là phải ăn ở ngoải. Tui ăn một tỷ lần rồi mà vẫn thèm nè !


Món bún kèn trứ danh của Phú Quốc, nấu bằng chà bông cá thu ! Nước mắm phải là nước mắm Phú Quốc. Ông chủ nhà hàng Vườn Táo nói ổng không đi đâu xa PQ được, hổng phải vì ổng nhớ vợ mà vì ổng không thể nào xa được... thùng nước mắm ! Có tin được không ? Ăn thử là tin lời ổng liền à !



Chẳng hiểu mắc cái chứng gì mà mới đầu tuần đã thèm đi đâu đó quá chừng chừng !

Tỷ như, bây giờ đặt vé máy bay. 6 giờ sáng mai đẩy vali bay cái vèo ra Phú Quốc.

Ừ mà tại sao lại là Phú Quốc vậy ta ! Thiệt tình là chưa có nơi nào mà mình lại muốn đi 1 lần, 2 lần, 3 lần, thậm chí đến… n lần như cái hòn đảo ngập nắng, ngập gió và miên man là nước nầy.

Cũng không nhớ đã đến nơi chốn nầy bao nhiêu lần. Đi một mình, đi hai mình, đi một… tá mình luôn ! Lần nào cũng vui, cũng thú vị theo một cách riêng. Hôm trước, đọc lại bài báo Xuân cũ, tự nhiên thấy nhớ ông Phát Vườn Táo, thấy nhớ cô Tám Tà Lỏn ở Hòn Mây Rút ghê !

Tuần trước, ông Phát nhắn tin đã đem nước mắm pha sẵn vô Sài Gòn rồi, nhớ ghé lấy ăn. Và ổng còn dặn dò thêm, hôm nào mà thèm ăn gỏi cá trích, cơm ghẹ, lẩu hoa sim thì ới một tiếng, ổng gởi máy bay vô cho. Nghe thì thích thiệt, nhưng nghĩ lại cái mình cần đâu chỉ là món ăn. Cái cần là không gian, là bầu không khí bạn hữu ở nơi chốn ấy. Giữa Sài Gòn làm sao mà hồi nhớ được. Tỷ như những lần gói miếng gỏi cá trích ở ngay giữa mảnh vườn mang tên Vườn Táo (nhưng nói rõ là không có cây táo nào, chỉ có ổi, và bưởi, và sim mà thôi !); như lần đi tàu ra Nam Đảo mua cá, mua hàu, mua bào ngư, ghé Hòn Mây Rút xin tí lửa nướng lên, nhậu khề khà; hoặc có lần ghé hòn đảo hoang nào đó (quên mất tên) vây bắt mực ống, nướng lên ăn ngon tái tê (nhưng lần đó cũng biết mùi, vì áo quần tím lịm lịm do bị … mực tấn công); hoặc có lần lén bơi qua hồ Dương Đông, trèo lên Thác Bảy Tầng gom củi khô nướng cá, nấu cháo gà ăn (vùng cấm du khách vào, nhưng mình quen với ông bảo vệ nên… vô tư). Và còn tỷ tỷ chuyện khác nữa. Như chuyện cả đám… spa trên bãi biển, bị bảo vệ rượt đuổi chạy có cờ. Hay như chuyện tập tành theo gout hoang dã của khách Tây, bì đặt bỏ ra ba bốn trăm đô thuê cái phòng trống huơ, trống hoác; đi dạo là phải tránh… phân bò ! Trời ơi, mới đó mà mọi chuyện cứ như mờ xa !

Nhớ ơi là nhớ !

Thèm đi ơi là thèm đi !