Hổm rày, cả hai nhà, một ở Cần Thơ, một ở Sài Gòn ồn ào, nhộn nhạo bà con dưới quê lên. Mùa sĩ tử lai kinh ứng thí mừ ! Có điều 1 sĩ tử lại “cõng” thêm nào ông bố, bà mẹ và cả… bà nội, bà ngoại (!). Phố phường đông đúc, chật như nêm. Nhà ở phố thì có dịp vui như… Tết. Hổng tốn công về quê mà tự dưng có một không khí quê nhà quá xá.
Câu chuyện quanh bàn ăn cứ liên tục nhảy cóc từ chủ đề này sang chủ đề khác. Tỷ như, sáng nay, chế Hai và bà nội T. Tâm đáp xe từ Cà Mau lên để cổ vũ tinh thần cho T. Giang. Mới lên xe mà chế Hai đã điện thoại nhắn nhe mình nhớ mua sẵn bột để nấu bánh canh cua gạch son Cà Mau chắc nụi. Lại thêm có bọc dưa bồn bồn, hợp cùng bọc cá kèo cô Năm ở Sóc Trăng gởi cho. Tin truyền nhanh như chớp lên Sài Gòn khiến H.Giang la chỏi lỏi - Nhớ để dành cho… thằng Bách (!). Hắn mà nghe bà ngoại dặn dò nêm nếm ra làm sao, để nước cốt dừa cỡ nào, thể nào cũng vù về Cần Thơ ngay. Chế Hai thì cười ha ha khi nghe biết mình làm một nồi thịt kho nước dừa mà không để hột vịt vô vì… kiêng ! Hai thằng nhóc đòi chiều nay làm một nồi xôi đậu xanh sầu riêng – yếu tố “đậu xanh” thì đã rõ rồi, muốn thi đậu mừ; còn “sầu riêng” là sao đây, hổng kiêng hả; mới nghe mình hỏi dò, hai thằng nhóc để cục kê liền – Thôi nghen, kiêng ít ít thôi, ngay mùa sầu riêng hột lép mà không ăn coi không đặng nghen ! Đúng là… “tham ăn”. Hèn chi thằng nào, thằng nấy to bằng… con voi !
Viết đến đây lại nhớ chuyện ngày xưa. Mới đó mà mau quá. Hồi đó, chuyện cho T.Tâm ăn là cả một cực hình. T.Tâm nhà mình vốn dị ứng với sữa, thấy ly sữa, bình sữa là lắc đầu nguầy nguậy. Mà thời bao cấp để có tiền mua hộp sữa là cả một vấn đề. Thử nghĩ, cha đi chụp hình thuê, mẹ viết báo cáo mướn, góp nhóp tiền bạc vác về cho hắn hộp sữa Dumex 1kg to vật vã; vừa đi vừa nghĩ hắn uống hết hộp này thì cao phải biết, mập phải biết, còn thông minh thì… vốn sẵn tính Trời rồi ! Vậy mà, thằng con không chịu cảm thông với ước mơ của ba mẹ, cứ phun vèo vèo và sữa mẹ làm tới ! Đến chuyện cho ăn cũng vậy thôi. Chịu hết xiết phải gởi nhà trẻ lúc 18 tháng. Không phải đi nhà trẻ là tự nhiên từ một đứa hổng chịu ăn thành đứa ăn rào rào ngay được. Ít ra được cái “liệu pháp tinh thần” khi nghe tên lớp học của con mình – “lớp cháo”, “lớp cơm nát”, “lớp cơm nhão”… Nghe thấy ớn chè đậu chưa ! Mình nhớ hồi đó, mỗi khi chở T.Tâm vô nhà chế Hai, thể nào Út Hoàng cũng nhăn nhó – Hai vợ chồng mày nuôi thằng nhỏ vậy đó hả. Hổng chịu ép nó ăn gì hết trơn hà. Mình nhăn răng cười trừ, nhưng thấy cảnh Út Hoàng ép T.Giang ăn mà thấy oải quá. Ăn nhiều thiệt đó, nhưng mập mạp để làm gì mà mặt mũi cu Trường cứ vừa ăn, vừa lườm lườm, rất chi là hình sự. Cả nhà cứ vật vã, ồn ào quanh chuyện ăn của tụi nhỏ. Trong khi đó, Hoàng Giang, Hà Giang thì mê nhất vẫn là… cơm trắng chan nước trà và không ăn được nước mắm ! Trường Giang thì chỉ ăn thức ăn riêng và ăn cái ào tô cơm trắng sau cùng. Cả nhà rất sợ sau này hắn ở ký túc xá, vì ăn thức ăn trước thì sợ… “chảy máu cam” vì mấy thằng bạn; nhưng ăn cơm trắng trước thì biết một lát lấy thức ăn gì để ăn !
Những chuyện ngày xưa đó, nay lại hiển hiện ở một thế hệ khác. Tỷ như, “thời sự gia đình” hiện nay lại không phải là chuyện thi đại học của Trường, của Tỷ, của Bé Ngoan, hay là chuyện chuyển trường của T.Tâm. Nóng bỏng, gây cấn, hồi hộp, bi hài nhất vẫn là chuyện… cu Bách ! Lịch sử đã lập lại khi cu Bách nhà ta cũng “đặc biệt dị ứng” với sữa bột. Từ khi sanh ra đến giờ, Hà Giang đã thử bằng mọi cách, từ việc mua cả một tá núm vú cao su, uống bình không được thì xoay qua uống ly, không uống dạng nước thì pha vô bột. Nhưng cu Bách nhà ta đã vô hiệu hoá tất cả. Đến nỗi, hãng sữa đến tận nhà với một chú gấu - người rối - to đùng múa may quay cuồng. Ha ha, thấy cái nhãn Nestle trên ngực chú gấu là Bách ta khóc ầm rồi !
Mà nào chỉ chuyện uống sữa, chuyện ăn cũng thê thảm không kém. Mỗi bữa ăn là cả nhà cứ như một gánh hát bù tèo. Gõ vào bất cứ cái gì gõ được để đút một muỗng. Mà cu Bách nhà ta thì thiệt là chảnh. Mỗi vật chỉ gõ một lần, gõ lần thứ hai trên cùng một vật dụng, hắn phát hiện liền và… không ăn. Mà đồ chơi thì có hạn, nắp song nồi cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Ăn được một muỗng lại đưa mắt làm mặt thảm và giơ tay cầu cứu mình ẵm hắn thoát khỏi “ách kìm kẹp” của Hà Giang; không đáp ứng thì hắn giở chiêu quay đầu vèo vèo mỗi khi thấy cái muỗng bột trước mặt; quay mỏi cổ thì giở đến chiêu… mắc tiểu; tiểu xong rồi hết cớ lại đến màn… giả bộ ngủ gục. Cha mẹ hắn tưởng thiệt, dẹp tô bột rón rén, nhẹ nhàng ẵm hắn lên võng để ru ngủ, chỉ cần vậy hắn… bật dậy cười toe toét, giỡn rầm trời !
Lại nói về mẹ của hắn. Kể từ khi hắn ra đời là bao nhiêu chuyện thường đọc được trên báo lại xảy ra trong ngôi nhà nhỏ này. Tỷ như, chuyện lâu lâu bà ngoại lên thăm ẵm thằng nhỏ ra đình chơi, cho đi chân không, thể nào mẹ hắn cũng la um trời. Bà ngoại lén lén cho uống miếng nước đá cũng thành chuyện lớn. Bà ngoại cho ăn cháo trắng – vì cu Bách nhà ta chỉ khoái khẩu món này, nuốt lịm lịm, có gen di truyền mừ - mẹ hắn càu nhàu tợn. Mẹ hắn buộc hắn phải ăn những tô bột dinh dưỡng. Tỷ như, màu đỏ đích thị có cà chua, màu cam có cà rốt, màu xanh có rau cải, màu tía có rau dền. (Nhưng nói nào ngay chỉ đáp ứng nhu cầu “nhìn” như một liệu pháp tinh thần là chính. Vì cu Bách ăn rất ít và nhiều khi ép ăn gần hết sau gần 2 tiếng làm trò thì lại… ói ra cái ào !). Tự dưng mình thấy “mẹ hắn” của “mẹ hắn” buồn xo mà không dám nói. Người ta hay nói có sinh con ra rồi mới biết mẹ mình thương mình ra sao. Nhưng rồi mình phải bổ sung thêm một ý là: khi sinh con ra rồi mình lại dễ quên mất mẹ mình đã nuôi mình ra sao, đã lo cho mình ra sao ? Viết đến đây mình lại hình dung, một ngày nào đó cu Tâm có vợ, có con, liệu vợ hắn có để cho mình rớ tới thằng con dù rằng mình tự nhận… rồi mai này mình sẽ là một bà nội rất chi là “mô đần”, rất chi là “xì tin”. Chồng mình xì một tiếng và nói mình đừng có mà mơ mộng !
Nhân chuyện cu Bách lại nói về Osin. Từ khi cu Bách ra đời đến giờ đã trải qua 4 đời Osin. Thích nhất vẫn là bé Diện, người Khmer nhưng mặn mòi, lam làm. Chế Cả biết gia đình của nó, ở đâu Kinh Ngay, Kinh Đứng gì đó ở xứ Bác Ba Phi. Bé Diện thương cu Bách và cũng rất chịu khó làm, muốn làm lâu dài để kiếm chút đỉnh tiền. Ở đâu chừng 3 tháng thì mẹ nó đòi đem nó về để đi làm công nhân hay lấy chồng xứ xa gì hổng biết. Bà nội cu Bách thấy vậy đưa lên một người bà con xa. Chèn ơi, bà này có một cái nhìn quả ác đạn, vẻ mặt đã không tươi cười lại thêm cặp mắt lườm lườm, môi thì trề ra. Quang ù cứ trấn an cả nhà – Ráng chịu đựng, miễn là có người giúp việc. Nhưng chịu đựng sao nổi khi thấy mỗi khi đi đâu, gởi cu Bách cho bả giữ một ngày, khi về là thấy cu Bách mừng rỡ lạ thường. Lại hoài nghi - ở nhà giữ cháu mình hổng biết con mẻ có như Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà không đây ta ! Thấy thằng nhỏ có vết bầm trên trán, mới đưa tay lên xoa, chưa kịp nói gì, bà ta đã… lườm một cái và chặn họng mình ngay – hổng phải tui nghen (!). Để đỡ mất công hoài nghi, thôi thì tống tiễn bà ta về quê phứt. Trong lúc lu bù như vậy, một bà Osin khác cũng ở trong xóm Đình Chí Hoà giới thiệu cho một bà Osin ở dưới Gò Quau, miệt rừng U Minh Thượng. Bà Tư này là được nhứt. Không ai mà vừa biết nấu ăn, vừa ru cu Bách ngủ, tắm cho nó và lại biết đút ăn - điều hệ trọng nhứt. Cười nhất là bà Tư trốn nhà đi làm, được vài bữa thì đứa con gái phăng được số điện thoại kiếm, bà Tư giả giọng nói "Lộn số rồi cô ơi". Bà Tư quay qua kể lể: “Con gái tui đi dạy học. Nó thấy tui đi mần thuê sợ mất thể diện với lối xóm mới điện kêu tui về. Nhưng ở quê, tìm đâu ra công ăn chuyện mần để có một triệu ba tháng như bây giờ”. Hai hôm sau, lại nghe chuông điện thoại reo, bà Tư cũng giả giọng nhưng đầu giây bên kia ông chồng của bả nhận ra ngay, ổng mếu máo nói: “Bà đó hả bà !”. Nghe thảm quá, Hà Giang cho tiền bà Tư về quê thăm chồng. Rửa cho bà Tư thêm mấy tấm hình hôm đi Đà Lạt để bả về quê khoe lối xóm. Lần đi Đà Lạt là lần đi xa nhất trong đời của bà Tư. Nhớ chuyện bà Tư nhìn mấy cây thông rồi trầm trồ - Chèn ơi, chừng vài năm nữa, hạ mấy cây này xuống xẻ ra là có bộ ván hết biết nghen - cả nhà ôm bụng cười lăn. Tưởng là tình thương mến thương như vậy sẽ giữ chân bả được lâu. Ai dè, mới đây bả lại khăn gói về quê. Mấy hôm đó, không ở trển nên không biết nguyên do cơn cớ là sao ? Nghĩ lại thấy tiếc ghê. Osin thứ Tư mới là ghê chứ ! Bà này do Chế Hai tuyển lên. Nhớ lại, mới tảng sáng ngủ thức dậy, mắt nhắm mắt mở thấy một con mẹ to lù lù trước cửa, mập ú, trắng bạch, tóc nhuộm vàng hoe, son phấn bóng lưỡng ! Cả mình, cả Hà Giang, cả T.Tâm bật ngửa – Osin mà vầy đây hả ? Chưa sốc bằng chuyện bả tự giới thiệu như một tràng laphan – Kêu chế bằng Út nghen. Trời ơi Út khổ lắm, bị chồng đánh mới lên đây nè. Chưa dứt câu, cái mông bả… rung lên phần phật và kêu ò í e. Chèn ơi ! Bả có di động ! Vừa rút cái xoạch là mẻ nói cái ào: “Tao nè mày. Tao lên rồi. Bộ mày hổng biết hả. Thằng chả oánh tao quá trời tao mới đi ở đợ nè”. Lên buổi sáng, đến buổi trưa là mẻ ngang nhiên vô phòng ngủ của Hà Giang nằm vì… “Nằm trên này có máy lạnh mát, nằm dưới vừa nóng, vừa ồn quá Út chịu hổng nổi”. Nghe mà tin nổi chưa. Bả còn dặn Hà Giang mỗi khi có khách tới nhớ cho bà biết là ai, bà con ra sao để tiện đối xử. Thì đây, cu Tỷ lên ở nhờ thi đại học, vừa giặt đồ ra là mẻ gào lên: “Mày đem đi phơi liền nghe chưa, tao hổng ở không mà hầu mày nghen”. Gặp T.Tâm thì bả nể hơn nên mới năn nỉ: "Con đi ăn cơm đi, để... nhường võng cho Út nằm. Út mỏi lưng quá !". Cả nhà chợt ngộ ra tại sao mình cứ phải chịu đựng con mẻ một cách căng thẳng như vậy ! Thôi thì tống tiễn con mẻ và cả nhà ra nghị quyết: “Cùng nhau làm việc. Không thuê Osin”. Trưa nay dặn T.Tâm – “Con nhớ tiếp làm công chuyện nhà. Còn hổng chịu làm là mẹ rước mẻ Út lên à” !
Bó tay !