1. Hình như có đến hơn 2 năm rồi tôi không về quê chồng. Có quá nhiều lý do để tôi biện bạch trong quãng thời gian đó. Hết công việc nhiều, đến bận bịu, hết cất nhà mới, lại nại rằng ba má chồng vẫn hay lên ở với mình đó thôi… vân vân và vân vân. Có điều những điều tôi viện dẫn ra vẫn không phải là điều tôi nghĩ.
Tôi là một đứa yêu mảnh đất Nam bộ đến cực đoan. Mảnh đất này hiển hiện thô ráp, hồn hậu theo một góc nhìn của tôi. Như chuyện quê chồng của tôi vậy. Đã gần 20 năm, vậy mà tôi cứ nhớ như in cái ngày lóc cóc theo H. về quê. Tàu đò chỉ ghé đầu bờ Kinh Kiểu Mẫu, tiền trong túi thì lúc nào cũng vơi, mà nếu có tiền cũng chẳng có đò ngang đò dọc như bây giờ để thuê. Cả hai đứa dò dẫm trên bờ kênh trơn trợt, H. xách dùm tôi đôi dép mà cứ nhìn trước ngó sau để người quen không thấy. Ở xóm quê bên bờ Kinh Già Dong đó, lần đầu tiên tôi biết nấu một nồi cơm cấy to đùng cỡ 20 lon gạo, biết băm mắm sặt để chưng, biết giăng lưới, biết bơi xuồng ra ruộng hái rau… Còn nhớ, mấy bà chị chồng cứ xót xa một nỗi rằng, rồi đây thằng em trai mình lấy một con nhỏ làm báo tối ngày chỉ biết lẹt xẹt đầu này đầu kia làm vợ thì liệu nó có biết nấu ăn, có biết làm công chuyện nhà hay không ? Vậy nên, mỗi khi về quê là tôi bị thử sức quá mức. Tỷ như chuyện nạo dừa làm bánh, trái dừa bung thì to đùng, tôi vật lộn hè hụi với nó thiếu điều bị té bật ngửa năm sáu bận mới lột hết được lớp vỏ dày cui bên ngoài. Hoặc tỷ như chuyện gặp đám tiệc ngồi vút giá đậu xanh, trời chưa tỏ mặt người, muỗi bay rợp trời thiên là tôi phải hè hụi ra cầu ao ngồi lượm sạch từng miếng tro trấu, từng cái rễ rối bời. Rồi chuyện nấu những nồi chè trôi nước cỡ chừng 200 viên, đổ bánh xèo thì phải xay cỡ 5 ký bột, đổ bánh bông lan phải tính bằng từng đêm… Về ngay mùa chụp đìa thì xem như ngày này qua ngày nọ bắt cá, làm cá luôn tay. Được cái đám em chồng, cháu chồng lúc nào cũng vây quanh phụ hợ hai vợ chồng tôi. Hồi đó, tụi nó hồn nhiên và dễ thương đến lạ lùng. Tôi nhớ như in căn nhà của ba má H. lúc đó, cái chái bên hè nhà vốn là gian bếp, có đặt bộ ván ngựa là nơi trú ngụ của tụi tôi. Má chồng tôi cứ hỏi sao tụi tôi không vô buồng mà ngủ. Nại lý do nầy kia, nhưng cái chính nhất mà tụi tôi giấu biệt là có ngủ ở đó thì tới lúc 5 giờ sáng tôi mới có thể nhờ H. chắt nước dùm nồi cơm cấy to đùng, mới nhờ H. cùng tôi đi gỡ dùm tay lưới lấy cá về kho. Chuyện nhờ vả chồng kiểu này phải giấu biệt vì chị em bạn dâu của tôi thì giỏi vô cùng. Họ làm tất tật có thấy nhờ vả ai đâu. Mà hồi đó cá tôm trong đìa nhiều vô kể. Vợ chồng tôi giăng một tay lưới rách bươm mà một đêm phải đi gỡ 3, 4 bận không thôi cá dính nhiều cuốn lưới mất tiêu. Còn chuyện dính rắn thì nhiều vô phương, chuyện H. thấy rắn quăng luôn tay lưới bị mấy thằng em càm ràm xảy ra như cơm bữa. Hai mươi năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in nồi canh rau tập tàng nêm mắm, mớ cá sặt kho quẹt trong cái chảo đen thùi lùi bị sứt một cái quai. Nhớ cả cách má chồng tôi nhổ mấy bụi môn nước đem vô nấu cháo với lươn và cũng nêm vô chút mắm. Ông anh chồng thì hay kiếm mớ cá rô mề cho chồng tôi nướng lửa than chấm muối ớt. Và tôi nhớ cả những đêm mưa sụt sùi, nằm trên bộ ván trong chái bếp mà nghe bolero, nghe cải lương, nghe riết cái băng cassette nhão nhề. Mảnh đất Nam Bộ đối với tôi là như vậy, hạnh phúc trong hiện tại; chẳng ưu tư, suy nghĩ về một ngày mai.
Thời gian cứ vậy mà trôi qua. Đám em chồng, cháu chồng ngày một tấn lên. Đứa trụ lại, đứa bỏ xứ ra đi. Những khi giỗ chạp về quê đã không còn thấy đông đủ như xưa. Nhà có đám tiệc không thấy mấy đứa em bạn dâu làm bánh khéo như mọi năm. Độ chừng 10 năm trước, tụi nó bỏ quê ra chợ bán buôn. Da trắng hơn, vòng vàng nhiều hơn. Giỗ chạp thấy tụi nó xách lủ khủ bánh tây, nước ngọt về, ăn nói rổn rảng. Chợt thấy lòng đắng ngắt chứ chẳng thấy vui sướng gì. Xóm quê lần hồi cũng khác. Cá tôm không còn như xưa. Nhà trong quê mà bắt đầu phải sắm ống khoá, trồng được cây xoài cũng phải mua miếng lưới ví xung quanh. Cảnh quê mỗi ngày mỗi khác, con cháu lần hồi bỏ xứ ra đi. Ba má chồng tôi theo đó cũng già xọm đi theo năm tháng. Và tôi cũng không còn cái háo hức về quê. Tôi cứ muốn giữ nguyên vẹn cái ký ức đẹp về mảnh đất Nam bộ như tôi từng cảm nhận thưở ban đầu.
2. 29 Tết năm nay, vợ chồng con cái quyết định có bận rộn cách mấy cũng phải về quê. Biết một hai năm nữa cuộc sống rồi sẽ ra sao. Chạy xe một mạch tới Rạch Ráng đã thấy thằng em chạy đò ra rước. Đi ngang Lung Trấp, thấy lau sậy mịt mùng, nhà cửa chênh vênh, tự dưng thấy nhớ bà Ba Phó hồi còn sống quá đỗi. Một bà già Khmer nghèo đến cùng cực, bà Ba hay qua nhà ba tôi làm chuyện này chuyện kia, đổi lại ba mẹ tôi dọn cơm ăn tươm tất và không quên cho bà Ba một xị rượu. Vậy là bà Ba mãn nguyện lắm. Hay chuyện ông Bảy Tiền, nhà không giàu có gì mà cách đây độ chừng 15 năm ông Bảy đã từng bán mấy công ruộng để lấy tiền mua cái máy hát nghe chơi. Chiều chiều ông Bảy lót miếng vải nỉ non ở đầu mũi ghe để làm chỗ đặt cái máy hát, vậy rồi ổng chèo ghe từ đầu kinh đến cuối kinh mở cải lương ong óng cho hàng xóm nghe khính ! Mỗi lần vậy, ý chừng thấy trái tai, chướng mắt ba tôi chưởi ổng tắt bếp. Năm nay về thấy ổng mới cất được căn nhà tường độ chừng trăm ngoài triệu. Nghe nói ông Bảy Tiền mới gả đứa con gái cho Đài Loan. Cũng mừng là thằng rể này không đui què mẻ sứt, cũng không già cắp thùng thiếc. Ngon hơn nữa, thằng rể Đài Loan cũng nhậu không thua gì ông Bảy, xỉn lên rồi nó cũng la lối nhặng xị, được cái nhờ ngôn ngữ bất đồng nên coi như là hổng phải nó… chửi ông già vợ ! Ông Bảy Tiền lúc nầy coi bộ còn chảnh hơn hồi bán ruộng lấy tiền mua máy hát nữa không chừng.
Thằng em út đã về quê, vợ chồng thằng cháu đã sắm chiếc ghe bán tạp hoá trên sông, nghe đâu dịp Tết bán được 5, 6 triệu mỗi ngày. Vợ chồng anh Tư - vốn rặt ri nông dân và quyết chí sống chết với mảnh vườn hương hoả - chuẩn bị cất nhà mới. Bà chị dâu đang vừa đặt rượu bán tết, vừa may đồ cho hàng xóm vậy mà thấy vợ chồng tôi về đã xăng xái đi bắt gà nấu cháo. Biết ý chồng tôi, chị Tư làm luôn mớ cá sặt làm một chảo kho quẹt mặn quéo lưỡi. Đốn cây chuối, mài cây dao bầu bự chảng để xắt chuối cây làm gỏi tự nhiên tôi thấy nhớ cảnh nhà hồi tôi mới về làm dâu đến nao lòng. Đám em chồng, cháu chồng hồi đó giờ đứa nào cũng con cái đùm đề. Cũng cảnh lao nhao soạn đồ Tết, lì xì Tết nhưng nghe tụi nó kêu toàn là ông cậu, bà mợ, ông chú, bà thím mà nghe thắt cười. Ba má tôi lúc này coi bộ cũng khoẻ hơn nhiều. Tối đi lên nhà chế Ba, ba tôi cũng xuống xuồng đi cùng coi bộ tỉnh tuồng lắm. Má chồng tôi bảo: “Ông thầy nói với má rồi, qua được tuổi 79 là khoẻ ru. Hồi đó ông lụi xụi quá, má bắt lo đủ thứ”. Lên nhà chế Ba, thấy vợ chồng thằng Biên lúi húi đánh trứng đổ cho một ảng bột đổ bánh bông lan; chế Ba thì xào một chảo mứt chuối, gừng to đùng. Mới 5 giờ sáng ngày 30 Tết mà trong nhà đã thức giấc chộn rộn. Bước xuống ghe tạp hoá của thằng mở hàng ngày cuối năm. Thấy nó bán đủ thứ, mua bịch hột dưa, mứt bánh và cả mấy bịch thèo lèo cứt chuột. Thằng cháu ghẹo: “Năm nay nội ăn Tết lớn ha”. Soạn chiếc xuồng ra chợ huyện chen lấn nhau mua thịt, mua hột vịt về kho nước dừa, má nói có khạp dưa cải ngon lắm; lại nghe H. nói ngoài bờ đìa anh Tư trồng khổ qua tốt dữ, vậy thì mua thêm ký thịt về nhồi nồi canh.
Cứ như hiển hiện không khí ngày xưa. Hình như cái không khí đó, cái căn cơ từ gốc rễ ruộng đồng đó đã khiến ba má tôi tỉnh tuồng lên rất nhiều. Ba má tôi nói chừng nào tôi đi nước ngoài về sẽ lên chơi. Ba tôi coi bộ vui nhứt, ổng nói thấy con cháu được vậy là ổng mãn nguyện rồi. Lại nhớ hai đứa em dâu đang rã gánh, phải chi tụi nó cũng cố công bám đất như vợ chồng anh Tư, khổ một chút mà hạnh phúc vui vầy. Đằng này ... Thiệt tình là vừa buồn vừa giận tụi nó hết sức !
Tối Mùng Một Tết