"Blog entry 4.11
Báo “Thanh Niên”vẫn tiếp tục câu chuyện nhà vệ sinh học đường. Nhiều nơi đã thấy biến chuyển vội “chữa cháy”. Chắc sắp tới ông Bộ truởng sẽ có một lời nhận khuyết điểm. Vậy mà vẫn có một ông hiệu trưởng nói rằng gặp khó khăn thì phải lo cái mặt tiền trước sức đâu mà lo một lúc nhiều việc.
Cách đây mấy kỳ họp ở nhiệm kỳ trước mình đã từng phát biểu tại QH hiện tượng các quan chức tới làm việc ở đâu cũng thấy tiền hô hậu ủng, cờ quạt, biểu ngữ, có nơi lại còn điểm binh như “đón nguyên thủ quốc gia”. Tiếp đón toàn những nơi “mặt tiền” cả. Không nói đến chuyện tốn kém, nhưng như thế thì làm sao sâu sát được. Chắc chắn ông bộ trưởng hay quan chức ngành giáo dục đến thăn các trường học chẳng ai noi cái gương của Cụ Hồ là xem nơi ăn, chốn ở, chỗ vệ sinh của dân. Đó cũng là biểu hiện của thói tệ quan liêu và thói xấu “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại” mà nhà văn Vương Trí Nhàn với một loạt bài viết trên “Thể thao-Văn hoá” rất đáng đọc. Vì thế mà viết tiếp câu chuyên “ỉa-đái” dưới đây.
Nghĩ tiếp chuyện tuần trước
Bài nghĩ ngợi tuần trước vừa đăng thì gặp ngay ông quan chức của Bộ Y tế mà bài báo đã nhắc đến, tại hành lang Quốc hội khi ông tháp tùng bộ trưởng của mình đến dự phiên bàn về luật “Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”. Ông tiến sĩ bảo vệ đề tài “Các loại nhà tiêu trong vùng nông thôn Việt Nam” được các thày đánh giá cao vì vấn đề “giải quyết đầu ra” cho đời sống sinh học của con người là vấn đề không chỉ của Việt Nam.
Trong bài “nghĩ ngợi cuối tuần” truớc gửi đến cho tòa soạn, có một đoạn tôi viết rằng ở “Pari hoa lệ” mới vài thế kỷ cách đây, ban đêm người dân đô thị giải quyết đầu ra vào bô rồi đến sáng hắt qua cửa sổ… khiến cho những chiếc ô của các qúy ông và qúy bà không chỉ có tác dụng che mưa nắng mà còn để đề phòng những chậu nước thải bất ngờ dội từ trên các ô cửa sổ xuống. Nhưng có lẽ các nhà biên tập của qúy báo cho đó là chuyện không thể có nên “kiểm duyệt” cắt mất. Nhưng mở lại tạp chí sử học nổi tiếng của Pháp là tờ “Historia” thấy họ không chỉ viết thế mà còn đưa ra những ảnh minh hoạ thuở đương thời vẽ cảnh trạng này với lời chú là xảy ra ở đầu thế kỷ XIX và lại có cả tranh vẽ cảnh các bà các cô trong những bộ cánh sang trọng đang vén xống áo làm ngay một bãi tè giữa đường phố trước con măt kinh ngạc của một người Anh, rất giống với cảnh một thời ở nhà quê, các bà các chị nhà ta thường mặc cai váy đụp rất tiện lợi vì kín đáo khi giải quyết việc đó ngay trên đuờng làng hay trên đường cái quan.
Vấn đề vệ sinh đô thị từng là một vấn nạn của những xã hội phát triển trước khi loài người phát minh ra cách tiêm chủng các loại văc xin phòng ngừa những nạn dịch tiêu diệt một bộ phận không ít dân số của các đô thị. Ở Hà Nội hồi cuối thế kỷ XIX khi người Pháp đang khuếch trương phát triển đô thị thì một cơn dịch tả đã khiến chính quyền và dân cư kinh hoàng đến mức phải biến khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành một nhà thương dã chiến và cách ly. Chính viên toàn quyền Đông Dương Paul Bert cũng mắc dịch rồi bị chết.
Nước nhà vừa giành được độc lập, một trong những việc quan tâm hàng đầu của cụ Chủ tịch nước là xây dựng “Đời Sống Mới”. Cụ mời anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ xúm tay vào việc này. Trên tờ báo “Tiền Phong” của Hội Văn hoá Cứu quốc theo lệnh của Cụ Hồ, anh chị em hội viên nghiên cứu và sáng tác ra các tiêu chí về “Đời Sống Mới’ dưới dạng các câu khẩu hiệu tuyên truyền rộng khắp. Trong đó, vấn đề giải quyết nhu cầu “đái-ỉa” là điều không thể thiếu. Xin đơn cử: “một nhà ga đời sống mới phải có: nhà xí”; một chợ đời sống mới phải có “chỗ phóng uế, chỗ chứa rác”; một thành phố đời sống mới phải có “chỗ phóng uế cho thực nhiều”…
Đến khi phải rời thành phố lên chiến khu, Cụ Hồ còn dạy cho cán bộ chiến sĩ của mình phương pháp mỗi lần đi làm việc ấy thì mang theo một cái xẻng, xong việc thì lấp đất lên vừa vệ sinh, vừa lợi đất lại vừa giữ được bí mật…
Ông tiến sĩ “nhà tiêu” bạn tôi còn lưu ý đến một thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này. Đó là cái hố xí hai ngăn. Nguyên lý cơ bản của nó là tách được nước tiểu khỏi phân và thực hiện việc ủ phân tại chỗ. Chỉ cần ủ đúng quy trình bằng các loại chất độn thích hợp nhưng rất dễ kiếm thì không những không khí không bị ô nhiễm mà chất lượng phân đem bón vừa bảo đảm vệ sinh môi trường lại trở thành một nguồn lợi lớn.
Cái hố xí hai ngăn này với những tiện ích của nó thực sự đã cải thiện căn bản cái vẫn nạn “đổi thùng” của Hà Nội cũng như một vài đô thì khác ở miền Bắc trước khi loại hố xí tự hoại (mà thời đầu dân vẫn quen gọi là “hố xí máy”) trở nên phổ biến sau ngày miền Nam giải phóng. Tôi đã từng thấy trong một vài cuốn sách nước ngoài viết về Việt Nam đã vẽ sơ đồ cái hố xí hai ngăn để biểu dương nó như một phát minh quan trọng. Tôi đã xem Bảo tàng Thành phố London trong đó bày một cách trang trọng các loại “xí” mà người dân thủ đô nước Anh đã dùng qua mỗi thời và nghĩ rằng một ngày nào đó tại Bảo tàng Thành phố Hà Nội cũng nên xây một cái “nhà xí hai ngăn quen thuộc một thời.
Ông bạn tiến sĩ của tôi thì khẳng định rằng đó là một phát minh quan trọng mà những nguyên lý của nó đang được một số nước kể cả một số nước tiên tiến ứng dụng trong khuynh hướng được gọi là “vệ sinh khô” nhằm ứng phó với việc nguồn tài nguyên nước ngày càng trở nên khan hiếm. Cứ làm một con tính, theo cung cách phổ biến hiện nay, mỗi một bãi đái phải tốn từ 3 đến 5 lít nước xả, mỗi một bãi ỉa thì chừng gấp đôi, tổng số nuớc đáp ứng cái nhu cầu không thể không có này lớn đến nhường nào.
Tiến sĩ còn cho biết ngọn nguồn của “hố xí hai ngăn” này từ một cán bộ của địa phương tỉnh Quảng Ngãi (đến nay chưa xác minh được tính danh), nhưng sáng kiến này được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất quan tâm. Là một nhà dịch tễ học, bác sĩ Thạch nhận ra những ưu việt của giải pháp xử lý này. Lan truyền trong ngành y câu chuyện đã thành truyền thuyết là Bác sĩ Thạch luôn đặt trên bàn làm việc và trước mặt mình một cái lọ đựng thứ phân đã được ủ đúng quy cách lấy từ nhà vệ sinh của mình để chứng minh cho mọi người tác dụng của sáng kiến nọ để thuyết phục áp dụng loại nhà vệ sinh này trong đời sống…
Tiến sĩ lại cho biết vấn đề giải quyết việc ỉa đái này cũng đựơc coi là vấn đề toàn cầu vì nó thiết thực với chất lượng sống cũng như vấn đề môi trưòng sống của con người. Ở các nước phương Tây phát triển khi đã đạt tới việc ứng dụng những kỹ thuật, thiết bị tiên tiến cho các loại nhà vệ sinh thì bắt đầu quay trở lại việc nghiên cứu theo chiều hướng bảo đảm môi trường và tái sử dụng các chất thải. Ở Thụy Điển chẳng hạn, nước tiểu ở những nhà vệ sinh công cộng đựơc góp lại vào những xtec để tái sử dụng việc trồng các sản phẩm sạch. Họ cho rằng giải pháp làm sạch rồi thải vào các nguồn nước các chất do con người thải ra là hạ sách và lãng phí… Họ còn tính toán rằng số chất có ích sản sinh từ những bãi nước đái của mỗi người thải ra đủ đáp ứng nhu cầu mà người đó cần đến trong cuộc sống.
Cách đây hơn một thập kỷ ở Trung Quốc các nhà khoa học đã nêu vấn đề một cách nghiêm túc là “Trung Quốc cần có một cuộc cách mạng các nhà vệ sinh”, thì vào thời điểm này, khi đang tăng tốc chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008 người Trung Quốc đang tỏ rõ quyết tâm biến nó thành sự thật.
Còn Việt Nam ta, hãy thử khởi động bằng mối quan tâm đến việc ỉa đái của con em chúng ta bắt đầu từ nhà trường và từ ngày hôm nay!"
Duơng Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét