Thử tưởng tượng, chừ mà được ăn trái vả với dưa gang chấm mắm ruốc thì sướng biết mấy hè !
Mà tưởng tượng chi cho mệt. Ngày mốt là được ăn rồi. Sướng đã đời !
Nói về món Huế thì cái ông Trần Kiêm Đoàn viết là coi như... ngậm mà nghe. Chủ blog có lần muốn viết bài về bún bò Huế. Tới chừng đọc được bài của ông Đoàn thì có nước... buông viết chịu thua. Chừ thì tìm ra thêm một bài ông viết về mắm ruốc. Trích lên đây một đoạn thôi nghe.
Chào bà con. Tui xếp đồ lên máy bay đây.
Ký sự Mắm Ruốc
Trần Kiêm Đoàn
- Mẹ, con want some mắm, mẹ ơi!. Thằng Bờm 8 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Mỹ nói với mẹ bằng một thứ tiếng “xôi đậu - Mỹ Việt đề huề” như thế đó. Tôi ngồi ăn cơm khách với người bạn học cùng lớp Đệ Thất 1, trưòng Hàm Nghi hơn 40 năm về trước, trong khi mẹ Bờm tìm trong tủ lạnh thẩu mắm của người bạn quê Thuận An mới cho tuần trước. Bờm ăn mắm với cơm cay xuýt xoa một cách ngon lành, rồi nói nhỏ nhẻ: - Mắm sounds giống Mom, mẹ hí! (Mắm nói nghe giống như mom, mẹ hí!) Gặp bạn cũ lâu ngày trên đất khách nói chuyện huyên thuyên “mi, tau” sướng quá tưởng quên mất chuyện mắm ruốc quê nhà, nào ngờ thằng bạn đã lên chức ông ngoại của tôi bỗng sáng mắt, lên tiếng phản đối: - Trời ơi! Có mắm cà cá cơm Thuận An mà lơ anh em đành đoạn rứa hè!?
Vừa nói, anh vừa nhào qua gắp mắm trực tiếp bỏ vào chén cơm, và, nhai ngấu ghiến. Âm thanh dậy lên như khúc nhạc ngũ cung. Tiếng hít hà như thổi kèn vừa dứt; tiếng răng cắn cà lóc cóc, tiếng nhai rau ráu dòn tan, tiếng mút đũa chút chíp, tiếng môi và lưỡi đưa gió qua kẻ răng chắp chắp, tiếng thở hơi mền mệt vì bụng căng như trống cơm đánh bằng cùi chỏ. Cái ăn khoái khẩu của Việt Nam là một hình ảnh đượm mùi văn hóa “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” và đầy tính dân tộc “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”!. Người Việt ăn ngon là cả một sự tổng hợp nhịp nhàng của âm thanh, mùi vị, màu sắc và dáng điệu. Nó khác xa kiểu ăn ngậm kín miệng mà nhai của người Âu, Mỹ. Kiểu ăn của họ là chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ để răng nghiền thức ăn như bò sữa gặm cỏ khô; đùi tránh lắc lư và tay càng ít tung hoành ngang dọc trên bàn càng quý phái. Bởi vậy cái tuyệt vời thống khoái bên nầy sẽ thành ra cái vụng về thô thiển ở phía bên kia. Anh bạn xua tay như đuổi tà khi chúng tôi khẩn khoản mời nhấm thêm chút thức ăn trên những dĩa đồ ăn ê hề thịt cá đã được chuẩn bị để đón khách quý từ cả tuần lễ trước. Nhìn ông bạn quý mồ hôi nhễ nhại vì cay, đơm cơm lia chia, tay múa thế liên hoàn giữa nồi cơm và thẩu mắm, ít nhất cũng hơn một lần nới lỏng dây nịt thắt lưng... mà thấy thân thương biết mấy và nhớ bâng khuâng mắm ruốc quê nhà. Vật lộn xong gần nửa thẩu mắm, ông khách quý phát biểu một cách thật thà nhưng gợi hình không thể tả: - Mắm ngon “sút quần” bây ơi! Dường như cảm thấy chia xẻ tâm tình chưa đã, ông bạn còn xoay qua phía Thằng Bờm: - Rứa con có biết ngon nhức răng, ngon dễ sợ, ngon ngậm mà nghe, ngon tản thần, ngon tuyệt cú mèo, ngon đáo để... là chi không? Thấy thằng nhỏ trơ mắt nai nhìn ngơ ngác, ông bác thông thái liền phụ đề Anh ngữ Giao Chỉ làm cho thẩu mắm trên bàn cũng rung rinh muốn cười: - Là yum yum! Yummy! Very, very yummy “mắm” a tề, biết không? Thằng nhỏ lắc đầu cười đáp lại và hô lên câu khẩu hiệu của cả nhà tôi: - Nói tiếng Việt! Everybody should nói tiếng Việt! Vừa hô khẩu hiệu, Bờm vừa lỉnh ra ngoài trong khi ông bác ba trợn còn cười toe sảng khoái, âu yếm nói với theo: - Cha mày, bộ tưởng bác mày nói tiếng “Xì Banh Nít” chắc! Bầu không khí như trầm hẳn lại khi tôi thấy viền mắt của người bạn cũ long lanh, ửng đỏ. Mắt anh cay vì mắm Thuận An nhiều ớt hay tại lòng anh đã chín vàng tâm sự? Anh chia xẻ nỗi lòng:
- Tao qua đây từ 75. Hai vợ chồng đi cày, gởi con vào nhà trẻ Mỹ. Nhìn con mỗi ngày một Mỹ hoá và câm dần tiếng Việt, lo thì có lo nhưng mỗi ngày vợ chồng tau tự an ủi nhau “ Thôi, ráng để cuối tuần rồi dạy tiếng Việt, nấu đồ ăn mắm ruốc cho mấy con ăn”. Nhưng hơn 20 năm rồi mà cái “cuối tuần” đầy hứa hẹn đó vẫn chưa đến. Chừ thì muộn rồi. Nghe mấy cháu đây còn nói được tiếng Việt, còn thích ăn mắm ruốc; nghĩ tới mấy cháu của tau chỉ thích ăn pizza, hamburger, chê cơm, chê mắm, suốt ngày “du, mi” toàn tiếng Mỹ mà tao thấy buồn chi lạ!
-