Nhưng cũng không đoạn trường bằng đèn thắp thì mờ. Bây giờ Sơn đã đi xa, nhớ câu hát xưa mà thương những người bạn cũ, những người còn ở lại, trong cuộc đời mà Tản Đà đã định nghĩa: đời là cõi bắt con người phải sống.
Những ngọn đèn. Thắp thì mờ...
Năm 1968 là khúc quành trong thời sự Việt Nam, đồng thời là bước ngoặt trong nhạc cảm Trịnh Công Sơn. Có thể có những lý do riêng chung.
Cho đến ngày hoà hội Paris, nhạc thời thế Trịnh Công Sơn chủ yếu là oán trách chiến tranh, một cách thụ động, tố giác những oan khiên vừa tàn khốc vừa phi lý, cảnh một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan (Ngụ Ngôn Mùa Đông). Hay than vãn: ôi quê hương đã lầm than, sao còn, còn chiến tranh (Du Mục).
Trong Kinh Việt Nam, từ 1968, anh tích cực kêu gọi: Dân ta phải Sống, Dựng lại Người, Dựng lại Nhà, Hãy đi cùng Nhau, và cụ thể hơn nữa Nối Vòng Tay Lớn. Hay ít nhất cũng là Chờ nhìn Quê Hương sáng chói và tra vấn Ta thấy gì đêm nay ? Sao mắt Mẹ chưa vui ? Đấy là tên những bài hát, những Hành Ca trong tham vọng trở thành một hành khúc Việt Nam:
Đoàn người đi miên man Tìm ánh sáng cho Việt Nam Tìm quê hương xưa Giống Tiên Rồng, giống da vàng ... Nối cho liền, nối hai miền ...
Nói là "quốc ca hụt" là đùa vui, nhưng cũng không sai bao nhiêu (giá dụ : nếu đám tranh đấu Miền Trung thành công trong dự tính ly khai năm 1965, rồi từ đó nắm được chính quyền Miền Nam, thì chúng ta e phải đứng nghiêm, nghe nhạc Trịnh Công Sơn khi chào cờ. Chuyện đã không xảy ra, nhưng không phải là không có khả năng xảy ra trong tuyệt đối).
Thời điểm 1968, hội nghị Paris thật sự đã tạo nên niềm hy vọng vô biên. Trịnh Công Sơn viết lời tựa Kinh Việt Nam:
Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi sự tự một thực trạng máu xương ... Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người. Đó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh ...
Đã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay (...) Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo (...)
Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ đựoc khai sinh ở phương đông (...)
Xin hãy dừng tay để được nghe ba mươi mốt triệu tiếng hò reo trong cùng một phút hân hoan (...)
Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ (...)
Một ước mơ vĩ đại, làm bằng những đau thương nối dài vào hoang tưởng "một ngày mà lòng mình vui sướng hơn muôn nghìn năm" (Cánh Đồng Hoà Bình).
Bây giờ, nhớ lại mà thương cho một thế hệ thanh niên đã dở sống dở chết trong hoang tưởng:
Hai mươi năm hận thù đã qua Hôm nay thấy mặt người đổi mới Ta yêu Trời, ta yêu ta, ta yêu em Ta yêu nắng hòa bình vừa đến... Hai mươi năm chờ đợi từng phút giây Hôm nay tiếng Hòa Bình đã thấy Trên môi người trên môi ta, trên môi em Trên môi những người Việt nghèo khốn Hai mươi năm chờ đợi đã lâu ...
(Đồng Dao Hòa Bình)
Hai mươi năm là tính từ 1948, hay trước đó nữa, nghĩa là không kể Điện Biên Phủ, không kể đến hiệp định Genève, dù sao cũng tạo được cảm giác hoà bình trong đôi ba năm. Nhưng nền hoà bình tạm bợ ấy đã phải mua bằng cái giá chia đôi Nam Bắc, mầm mống cho một cuộc chiến tranh khác, lâu dài hơn, thảm khốc hơn, gây nhiều thù hận hơn. Khi Sơn viết hai mươi năm nội chiến từng ngày, thì hằng triệu người đã hát, từ năm này qua năm khác, dù có lúc bị cấm. Hai chữ nội chiến, nếu không có lý, cũng có cơ sở tình cảm của nó. Và đáp ứng lại với tâm lý quần chúng không bị chính trị hóa, không bị giáo dục chính trị, những người dân đau lòng vì cảnh nồi da xáo thịt, mà không truy tầm đến căn nguyên phức tạp.
Có lúc anh bộc trực, chính xác hơn:
Hai mươi năm là xác người Việt nằm Làm sao ta giết hết những đứa con Việt Nam ? Xưa ta không thù hậnVì đâu tay ta vấy máu ?
(Tuổi Trẻ Việt Nam) 1969
Không dễ dàng gì trả lời câu hỏi vì đâu, nếu không đơn giản lặp lại luận điệu bên này hay bên kia. Không có cuộc chiến tranh nào mà lý do đơn giản, chỉ có những đầu óc đơn giản. Thời Nam Bắc Triều, Trịnh Nguyễn phân tranh, Nam Hà Bắc Hà, cuộc chiến chưa chắc đã bắt nguồn từ những lý do đơn giản. Giữa lòng thế kỷ XX, hoàn cảnh càng phức tạp. Chiến tranh Việt Nam, khởi sự là dân tộc giành quyền tự quyết, chống ngoại xâm, nhưng cũng là chiến tranh ý thức hệ, nối dài biên giới chiến tranh lạnh, với sự can thiệp của nước ngoài. Nhưng đồng thời cũng có tính cách nội chiến:
Triệu người đã chết, hãy mở mắt ra Lật xác quân thù, mặt người Việt Nam trên đó Đi trên những xác người: bao năm thắng những ai ?
(Những Ai còn là Việt Nam) 1969
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nghị luận chính trị, vì nghị luận sẽ không thành bài hát; anh chỉ nói lên cảm xúc:
Ôi bom đạn cày trên những xác Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng
(Đêm Bây Giờ, Đêm Mai) 1967
Bây giờ lý luận rằng nguồn gốc của chiến tranh Việt Nam không phải là nội chiến là việc của người làm chính trị, phân tích "bản chất" theo chính kiến, "chính nghĩa" của mình. Người nghệ sĩ chỉ nói lên hiện tượng.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến; quần chúng có hai con đường đến với anh: một là đến với người nhạc sĩ, hai là đến với người phản chiến; họ chọn con đường thứ nhất, nếu anh có tài; họ chọn con đường thứ hai, nếu anh đáp lại tâm tư của họ. Còn những người đi tìm một đồng chí hay chiến hữu, thì dĩ nhiên là thất vọng rồi công phẫn.
Cả hai chính quyền Nam Bắc đã trả công hậu hĩ, và trả ơn đầy đủ cho những cán bộ "hát cho dân tôi nghe". Dân tôi không nghe, lỗi đâu phải tại "cánh vạc bay" ?
Từ 1968, trong những gào gọi hoà bình, thêm một ý tưởng hiện ra rõ nét, là thống nhất đất nước.
Hoà bình là một ước vọng của nhân sinh, ai ai cũng chia sẻ. Thống nhất là một đòi hỏi chính trị, người muốn thế nọ, kẻ muốn thế kia, đại khái qua hai câu hỏi: thống nhất bằng cách nào; và ai chủ động thống nhất ? Trịnh Công Sơn nói lên niềm mơ ước công dân, và không trả lời hai câu hỏi chính kiến, cũng như nhiều nhạc sĩ khác: Phạm Đình Chương viết Hội Trùng Dương, Phạm Duy viết Con Đường Cái Quan, đều chia sẻ một nguyện vọng.
Khát vọng thống nhất đã bàng bạc trong những bản nhạc của Sơn trước đó:
Đêm sông Hương nhung nhớ Ngày Cửu Long mơ, mơ thấy gì Mơ một ngày Hồng Hà góp Hội Trùng Dương Đây quê hương trông ngóng và mẹ chờ mong
Lại Gần Với Nhau (1966)
Nhưng phải đợi đến Kinh Việt Nam (1968) yêu sách ấy mới được diễn đạt chính xác:
Chờ ngày Việt Nam thống nhất Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói Reo vui cờ thống nhất Chân bước đi trên ba Miền
Những Ai Còn Là Việt Nam
Chính chúng ta phải có mọi quyền Đứng lên đòi thống nhất quê hương
Chính Chúng Ta Phải Nói
Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một miền
Huế, Sài Gòn, Hà Nội
Thậm chí anh đã hát rất quyền uy: Hỡi Ba Miền vùng lên Cách Mạng.
Nói Một Miền Rưỡi, thì không sao; nói Ba Miền là đã có vấn đề; nói Hai Miền "vùng lên cách Mạng" sẽ còn nặng tội hơn nữa ! Ôi ! Sơn ơi là Sơn ơi !
Những bài hát rền vang khí thế. Quan điểm chính trị rõ nét, dù là tự phát, cũng có thể thành hình qua những thảo luận với bạn bè. Vì không dễ gì mà trong vài tháng, Sơn đã sáng tác được hằng chục bài hát đồng quy về một nội dung chính trị nhất quán.
Mưu cầu hoà bình đi đôi với ước mơ thống nhất là khát vọng chung. Và đến 1968, người dân thấy rõ không thể có hoà bình mà không có thống nhất. Không cần am tường chính trị cũng thấy điều ấy. Vài ba năm trước, những người thân thiết với Trịnh Công Sơn trong phong trào tranh đấu Miền Trung còn mơ tưởng: "tạm thời Nam Bắc làm hoà, để có lý do cho Mỹ rút chân ra khỏi Việt Nam. Miền Nam Trung Lập trong vòng hai mươi năm (...) Nam Bắc hiệp thương" như Hoàng Nguyên Nhuận đã tuyên bố trên báo Chuyển Luân.
Khi tại Paris hoà hội bốn bên đang tiếp diễn, thì trên danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã biến thành Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Rõ ràng là Nam Bắc thế vô lưỡng lập: muốn có hoà bình thì phải thống nhất Nam Bắc bằng cách này hay cách khác.
Cách nào đi nữa thì cũng dưới một màu cờ, do đó Trịnh Công Sơn đã hát: Ta thấy gì trong đêm nay ? Cờ bay trăm ngọn cờ bay ... Anh mong sớm Dựng lại Người, Dựng lại Nhà : tình ta bay theo sóng ngọn cờ ...
Không thể trá hình được câu hỏi: ngọn cờ gì ? Thật tâm thì Trịnh Công Sơn cũng không biết là cờ gì. Trả lời câu hỏi đó, là thêm một lần chia rẽ, đau thương.
Nhạc sĩ rất bén nhạy, từ 1968 đã linh cảm:
Đêm nay hoà bình, sao mắt mẹ chưa vui Nhìn quanh anh em không ai còn lại Anh thầm gọi tên ai. Gọi tên ai ... Anh đi trận về nghe lại chuyện kể Ngỡ giấc mơ ...
(Sao mắt Mẹ Chưa vui)
Năm ấy, bài hát thành công nhất là Nối Vòng Tay Lớn:
Rừng núi dang tay nối lại biển xa Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà(...) Thành phố nối thôn xa vời vợi Người chết nối linh thiêng vào đời ...
Nhạc điệu phong phú, hào hùng, phóng khoáng và lời ca vừa nhẹ nhàng vừa súc tích, nối liền con người với nhau, với đất nước, thành phố với thôn quê, quá khứ với hiện tại, người chết với tương lai. Nhà văn Nguyễn văn Thọ, một bộ đội "phía bên kia", kể lại rằng khi tiến quân vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, nghe bài này anh đã chùng tay súng:
" Mặt đất bao la, anh em ta về Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học".
Nhưng đây là chuyện về sau - nói ra đây - để thấy tác dụng của một khúc nhạc phản chiến.
Năm 1969, Bửu Chỉ kể lại: "thỉnh thoảng người ta lại nghe phong thanh đâu đó về một giải pháp hoà bình cho Việt Nam, rồi tại tắt ngấm... Phong trào đấu tranh hoà bình Việt Nam ở các đô thị lại bùng lên mãnh liệt" (Bài đã dẫn), nhạc khúc Trịnh Công Sơn gắn bó với hoàn cảnh, mang một nét mới: chính chúng ta phải nói: chính người dân Việt Nam phải có quyền quyết định về vận mệnh dân tộc, trên cơ sở hoà bình - thống nhất:
Khi tim người rực lửa cầu mong Chính chúng ta phải có mọi quyền Đứng lên đòi thống nhất quê hương Quyết chối từ chém giết anh em Chính chúng ta phải nói hoà bình Đất nước này chỉ còn lại người điên
Tháng 8/1969, anh viết: "Hai mươi năm qua con người Việt Nam khốn khổ đã hiểu được thấm thía rằng không còn một nhân danh nào đủ ý nghĩa và xứng đáng để còn một chỗ đứng trên cái điêu tàn to lớn phủ ngập đời sống nơi đây nữa".
Trịnh Công Sơn kêu gọi Ta Đi Dựng Cờ, Đừng Mong Ai đừng Nghi Ngại. Lời ca hùng hồn, khẩu hiệu, có lúc đại ngôn: đã đến lúc cách mạng tiến lên. Bài Ta Quyết Phải Sống:
Còn sống xin các anh quyết còn cách mạng Đời ta ta lo, xin xếp vũ khí ...
Quyết làm cách mạng và phải xếp vũ khí: nguyện vọng thành khẩn và ngây thơ của một nghệ sĩ giữa những thế lực vô minh, với hằng triệu tay súng mỗi bên, với pháo đài bay, xe tăng, hoả tiễn. Cách mạng, trong mơ ước Trịnh Công Sơn là cuộc đổi đời triệt để, tự bóng tối ra ánh sáng, từ xương máu ra hoà bình "một rạng đông mới sẽ được khai sinh. Nhựa mới sẽ luân lưu cuồn cuộn trong những thân thể Việt Nam".
Trong Những Giọt Máu Trổ Bông, sau khi tính sổ hằng tỷ tỷ giọt máu đã chảy thành suối thành sông hay đã khô cằn trên đất nước, đã che khuất mặt trời, nhạc sĩ quyết định:
Những giọt máu đến ngày trổ bông Nở hoà bình cho đêm vắng xôn xao tiếng người Ngày dân ta đi dành lấy hoà bình Ta phải thấy mặt trời
Và Mặt Trời là biểu tượng ánh sáng, hơi ấm, sự sống và phương hướng: phương Đông, phía mặt trời mọc: "Tuổi trẻ Việt Nam, trời sáng phương Đông". "Một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Đông". Sơn có lần giải thích: người phương Tây, khi định hướng, dùng chữ orientation, nghĩa là nhắm hướng orient, phương Đông. Việt Nam là chiến trường giữa những thế lực mê chấp đến từ phương Tây. Trong khi đó, phương Đông nguồn cội của đức tin, là quê hương của hoà bình, hoà giải và hoá giải.
Anh và bạn bè anh ở Huế, trong giới Phật tử, đã tin như vậy, theo hồi ký gủa Giáo sư Erich Wulff khi ông kể lại vụ xe thiết giáp đàn áp dân lành tại Huế tháng 5/1963 mà ông đã mục kích. Ông nói về thanh niên Huế và chiến tranh: "Họ xem như là một cuộc chiến tranh tôn giáo (...) càng ngày càng cổ võ cho một nền văn hoá dân tộc mang tính cách Phật giáo và một sách lược chính trị trung lập".
Tư tưởng Phật giáo tiềm ẩn nơi Trịnh Công Sơn, có lẽ đã khởi sắc từ ý thức chính trị, xã hội và văn hoá, trong một thời điểm nhất định. Do đó, tâm hướng về nguồn, về phương Đông, về Đạo trong nghĩa Phật giáo hay Lão Trang, ở Trịnh Công Sơn khác với Hơi Tàn Đông Á nơi Vũ Hoàng Chương ba mươi năm trước, và cách nhau hai cuộc chiến tranh; rồi ý hướng về Đạo, vài ba năm sau, từ 1973, sẽ đơm hoa kết nụ thành những đoá hoa vô thường trong nhiều ca khúc.
Phật tính là mạch nước ngầm trong tâm hồn Trịnh Công Sơn, gặp một hố bom, nó chợt Thấy Mặt Trời, và tuôn trào thành Nguồn Thơ Suối Nhạc.
Phụ Khúc Da Vàng, xuất bản 1972, gồm 9 bài, với Người Mẹ Ô Lý, bài hát tặng người Mẹ già đã gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế ; và Mùa áo Quan, tặng những thành phố Việt Nam, có một lần không còn bóng dáng con người, phản ánh chiến trường Trị Thiên khốc liệt những năm 1971-1972, với mặt trận Nam Lào, Đường 9, Cổ thành Quảng Trị, Mùa Hè Đỏ Lửa. Xa hơn nữa, trên khắp chiến trường miền Nam, đi đâu cũng thấy xác người Trị Thiên, theo lời Phan Nhật Nam: Kontum thì dân dinh điền, An Lộc là dân cạo mủ cao su, Bình Giả là dân Cam Lộ, Khe Sanh mới đến định cư. Những phận người nằm chết cong queo, chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu, chết nghẹn ngào mình không manh áo. Phan Nhật Nam "nhìn tận mắt những thảm cảnh trên vùng đất quê hương : một bộ xương trẻ con trong chiếc thau nhựa bạc màu ... Một người đàn bà đưa bàn tay trước từng miếng thịt, xoa trên chiếc đầu lâu của người chồng xấu số ".
Khi các phe phái hoà đàm tại Paris thì bom đạn vẫn ác liệt. Chiến xa miền Bắc đã tràn qua sông Bến Hải, mục tiêu vừa quân sự, vừa chính trị là bôi xoá tàn tích hiệp định Genève và vĩ tuyến 17, chứng tỏ chiến trường Việt Nam là một, trong khi chờ đợi nước Việt Nam là một.
Bề ngoài Trịnh Công Sơn vẫn hô hào "Chưa mất niềm tin, vì quê hương sẽ có ngày hoà bình (...), trong lòng nhau thấp thoáng bóng cờ chung". Nhưng ở thâm tâm anh đã bi quan lắm khi "đợi con kên kên trên cành nhỏ lệ ":
Bao nhiêu năm chờ đợi Oán thù là khí giới Trong con tim lời nói yêu thương Đã mất rồi Đợi Có Một Ngày
Trịnh Công Sơn gói ghém nỗi hoang mang chán chường một thế hệ:
Mười lăm năm em có buồn không ?... Đường anh em đi hoài không tới Đường văn minh xương cao cùng với núi Đường lương tâm mênh mang hoài bóng tối... Hãy nhìn lại anh em trên chiến trường Tìm đâu ra những nét mặt thù Được hay thua những thắng bại kia Mặt quê hương tan nát từng giờ
Hãy Nhìn Lại
Khúc hát ngắn đã quy chiếu mọi góc cạnh, kích thước một cuộc chiến tranh, thuộc loại khốc liệt nhất mà dân tộc phải trải qua. Nếu ai đó chê trách Trịnh Công Sơn lờ mờ về chính trị, thì phải hiểu chính trị theo nghĩa lập trường, phe phái. Đứng trên lương tâm dân tộc mà nói, ít có sử gia hay nhà bình luận chính trị nào, mà thu vén được cả bi kịch của đất nước trong cả chiều dài, chiều rộng lẫn chiều sâu bằng bấy nhiêu câu chữ, được giai điệu của nhạc thuật xoáy sâu vào tâm khảm của thời đại.
Đã nhiều người nói Trịnh Công Sơn là thiên tài. Sự đánh giá thành tâm, nhưng mơ hồ, sử dụng một khái niệm khó định nghĩa và không có tiểu chuẩn. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chữ thiên tài bao hàm một ngụ ý chính trị. Nhưng nhìn dưới ánh sáng nào đi nữa, sự nghiệp Trịnh Công Sơn cũng là một khối tài tình. Tài và tình sinh ra nhau, nuôi dưỡng lấy nhau bằng lương thực một trần ai khổ ải. Chữ tài, phần nào, là của trời cho; chữ tình là khối đau thương khổ luyện trong khổ nạn.
Và chính khối đau thương - qua những lời ca phản chiến - đã vinh danh Trịnh Công Sơn trong khổ nạn, vinh danh bên ngoài ý muốn của nhiều quyền lực thế trị; và sau này nữa, bên ngoài những mê chấp sân si.
Song song với ca khúc hoà bình làm trong một thời điểm đặc biệt, Trịnh Công Sơn vẫn sáng tác nhạc phẩm ca ngợi tình yêu, tình bạn, thiên nhiên và cuộc đời. Tất cả tâm cảm ấy cùng chiếu rọi về tình người, nổi bật trong bất hạnh.
Nhân đề tài Ca khúc đòi hỏi Hoà Bình của Trịnh Công Sơn, chúng tôi nhắc lại từng giai đoạn trong quá trình nhạc phẩm và bối cảnh chính trị, xã hội của miền Nam chủ yếu từ 1965 đến 1972. Trong những điều kiện tạo nên hiện tượng Trịnh Công Sơn, có yếu tố lớn lao với kích thước lịch sử, có chi tiết bình thường như cách ăn mặc hay ăn nói. Trong tâm tưởng người nghe khó đo lường được cái gì là chính, cái gì là phụ trong những điều kiện làm nên danh phận một tác gia. Điều này bổ sung cho điều kia, chúng tôi ghép lại như những mảnh vỡ của một thời đại.
Và cũng lưu ý dè dặt: bài nào chính xác là phản chiến ? Đối với những người từng nghe, từng sống những ca khúc Trịnh Công Sơn thời thịnh hành, thì khó trả lời.
Với nhiều người, toàn bộ nhạc Trịnh Công Sơn thời đó đều diễn tả khát vọng hoà bình. Những bản nhạc tình, dù chỉ hoà tấu không lời, cũng vang vọng ít nhiều âm hưởng của niềm mong ước đó. Nhưng có một cách phân biệt, nghịch lý nhưng thiết thực: bài nào mà ngày nay không được in lại, đồng thời không được trình diễn trong nước, thì nó là nhạc ... phản chiến !
Đây lại là một cách gián tiếp minh xác vị trí chính trị của Trịnh Công Sơn trong giai đoạn anh làm khoảng 70 bài hát được gọi là phản chiến.
Trong số phận làm dân, và danh phận một tác gia, bên ngoài tài năng, có thể nói Trịnh Công Sơn là người may mắn, may mắn hơn đa số bạn bè một thưở. Nhưng con người dù may mắn đến đâu, thì cũng không thể may mắn hơn Lịch Sử.
Bài hát duy nhất mà chúng tôi có thể xác định thời điểm sáng tác là Ra Đồng Giữa Ngọ làm tại Huế tháng 12 năm 1974, vào những ngày năm cùng tháng tận của một chế độ, chế độ đã sinh trưởng ra anh. Bài hát tiên tri về nhiều mặt:
Thằng bé xinh xinh chơi diều giữa Ngọ Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không.
Sơn qua đời ngày 1 tháng Tư, cũng vào giờ giữa Ngọ, như con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo, con diều rơi cho vực thẳm buồn theo ...
Đối với một số thân bằng quyến thuộc, Sơn bao giờ cũng như đứa bé, suốt đời buồn vui như một đứa bé, nhìn theo " hòn bi xanh, trái đất này quay tròn", nhìn thân phận như cánh diều giữa trời lộng gió. Và ngày nay có người còn hát theo Sơn :
Thằng bé xinh xinh bay vờn giữa Ngọ Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không Tan trong trời hồng làm giọt mưa trong Tan trên cuộc đời làm lời ru êm Tan trong nụ cười gọi mời yêu thương Tan trong cội nguồn.
Vậy thôi, thôi nhé, vậy nhé, Sơn nhé.
Khi khác gặp lại Toa.