Thứ Ba, tháng 11 25, 2008

HỘI CHỨNG NHỚ QUÊ

ảnh Trương Công Khả
Còn không chừng 2 tháng nữa là tới Tết. Khoảng thời gian nầy cũng dễ làm cho những kẻ xa xứ mắc phải… hội chứng nhớ quê ! Dẫu cho đang ở nhà, hay đang ngồi trong một cái quán xá nào đó thì thể nào câu chuyện cũng dẫn dắt về… ngày xưa quê ngoại thế này, quê nội thế kia. Dẫu cho, phố xá Sài Gòn tưng bừng là thế, hào nhoáng là thế, những kẻ xa xứ vẫn quay quắt nhớ từng bờ kinh, từng bờ liếp có cỏ mọc xanh ngắt, có tán dừa mát rượi; có kẻ còn nhớ đến độ nói – sao quê tui xấu xí vậy mà tui nhớ quá chừng nè !
Mình có hai đứa cháu, đều là dân thành đạt, hiện đại, đủ mọi yếu tố của lớp trẻ bây giờ. Đứa theo ngành dược, đứa theo ngành tàu biển, toàn là làm cho công ty đa quốc gia, lương bổng đủ để tụi nó thi thoảng vài tháng lại quảy ba lô đi du lịch. Thằng con mới có 18 tháng tuổi cũng nhiễm máu giang hồ giống ba mẹ, đi tùm lum; từng ấy tháng tuổi mà đã biết đủ thứ Đà Lạt, Hà Nội, Lạng Sơn, Hạ Long. Vậy mà cái gia đình trẻ, hiện đại đó lại đang nhớ quay quắt nơi chốn khỉ ho cò gáy với cái tên nó quê không còn cái gì quê hơn – Tân Móc, Kinh Già Dong, xứ Cà Mau !

Tối qua, thằng chồng – dân tàu biển - hì hụi đến 2 giờ sáng, gõ gõ, đánh đánh. Sáng ra, đứa vợ vô blog của chồng đọc, và rồi nhắn tin tíu tít, khoe ầm ầm.

Mình cũng vô blog tụi nó. Đọc và tự nhiên giờ thấy nhớ quê không thể tưởng tượng được nữa rồi nè
.

Đọc từ blog cu Bách:

Ông nội cu Bách "đánh dây thép" lên cho hay quê nội giờ điện nhà nước đã kéo tới tận nhà rồi...cha ù nghe thẫn thờ một chút rồi thở dài với mẹ G: "Vậy là hy vọng dẫn cu Bách về xứ mình mỗi hè cho biết ruộng đồng tiêu tan rồi em ơi". Cái xứ mình ở đây nào có xa xôi gì lắm đâu, nghe chừng đâu là cái ấp nghèo nhất của cái xã nghèo nhất ở cái huyện nghèo nhất trong cái tỉnh cũng nghèo nhất đó mà. Ở cái xứ nghèo quắt nghèo queo đó cách Cà Mau có hơn 20km thôi mà mỗi lần về quê phải khăn gói từ tờ mờ sáng, để rồi xuống bến tàu A - ko biết sao đặt chữ A, B ở đây nữa - nôn nao đợi đò chạy cả buổi sáng chỉ để đòi bằng được bà nội cho ăn ổ bánh mì xẻ bụng nhét cây cà rem vàng nghế mùi sầu riêng vô. Cảm giác ngòn ngọt đầu lưỡi, buôn buốc chân răng của que kem ít đường nhiều đá - dù sao cũng mang chút hơi hướm thị thành - chạy dần ra phía sau chiếc đò đang xình xịch khói để ùa đến mùi quê từ từ rõ nét ở phía mũi tàu. Mỗi khi chiếc đò chòng chành ghé lại ở mỗi ngôi nhà nào đó y như rằng một tốp con nít ùa ra, có đứa lóp ngóp bò lên từ dưới sông, có thằng lộn mèo từ đống rơm xuống, nhưng đều giống nhau ở chỗ đen nhẻm và trên tay cầm cái gì đó giống như khúc bánh mì ăn dở dang. Chúng xúm lại mừng mẹ hay cô, dì, thím, mợ gì đấy đi chợ về xem có được dăm ba trái bắp hay cái bánh cam, bánh còng nào không vì trái gòn non trên tay - nhìn sơ sơ tưởng khúc bánh mì - cạp tới ruột non đã biến màu nâu và chát ngấm. Chợt thấy ổ bánh mì kem sao quá đỗi giàu sang còn vị ngòn ngọt hồi nãy bay đâu mất tự hồi nào...

Lội bộ, giang xuồng, đi cầu khỉ thêm 2 tiếng đồng hồ nữa thì nhà ông cố con cũng trước mắt... Nếu mà alô ngay đầu kinh So Le rồi trong nhà chạy ra xuồng máy ra rước như bây giờ thì làm sao có được cảm giác hồi hộp nghe tiếng chó sủa dậy xóm khi thấy khách lạ ngang nhà, làm sao thấy được đồng chó ngáp - bởi lẽ toàn năng không à, chán quá phải ngáp chứ sao giờ ?! - làm sao thấy được cánh đồng cò bay thẳng cánh - ông Cậu hay nói vui là chứ không thẳng cánh ra bay té xuống đất chết ngắt hết rồi. Dọc đường quê rợp bóng mát của cây me, cây còng, cạnh trại xuồng lúc nào cũng là cây Gừa cổ thụ yên ả buông rễ dài như tấm màn phủ xuống mặt kinh nơi bầy vịt đang chúi đầu mò lũ tép mòng. Và 3 tháng hè cực kỳ đã bắt đầu...

Để coi nào, buổi sáng khi bình minh chưa ló dạng, cha ù đã chạy lon ton theo bác 3 Cường đi cuốn câu, dỡ lờ, thăm lợp... sướng nhất là từ đằng xa nghe chú lóc nào dính câu quậy ì đùng, nhưng cũng tiu nghỉu khi kéo lên cái lờ nhẹ tênh chẳng có anh sặc hay chị rô nào hết, vòng về sẵn tay vớt vài cu ốc bưu, ốc lác để buổi trưa có nồi luộc cơm mẻ nè. Về đến nhà khi bàn chân chưa hết sướng vì được quẹt lên đám cỏ thấm đẫm sương đêm thì một nồi cháo cá lóc ăn với rau đắng đất đã được cô Cầm dọn ra sẵn. Húp xong chén cháo thì lăn vào những trò chơi mà bây giờ cha ù lờ mờ nhận ra nó có nguy cơ tuyệt chủng ! Trời còn mát thì đi chặt bình bát, lựa cây đẹp nhất để đẽo kiếm khất hưng, trưa chút thì móc đất sét nắn tu na vỗ nghe bôm bốp, nắng quá thì vẹt đám cỏ sau nhà chơi trò gà quất, xế trưa thì bứt dây mây lấy trái chơi ống thụt... Sau khi chọc ổ kiến vàng lấy trứng câu cá rô tăm tích với bác Nha thì chặt luôn nguyên cây chuối nhảy xuống kinh Tăng Móc trước nhà mà tha hồ vùng vẫy ngày hè... Lên bờ thì cô Cẩm cũng chuẩn bị xong món kẹo bằng đường chảy kéo qua miếng bẹ chuối mà vị ngọt thanh kéo dài cho tới giấc ngủ trưa.

Đến giờ mà cha vẫn chưa quên được lúc sung sướng nhất trong những ngày hè về quê nội là trèo lên bộ ván ngựa bên chái nhà nằm cho bà cố con ru ngủ bằng cây quạt chằm lá dừa. Những ngày hè oi bức thì ngọn gió từ cây quạt tay này sao mà mát mẻ đến kì lạ. Nó không mang mùi rơm rạ như nhiều nhà văn viết, chẳng có mùi quay cốm vừa đập bùm ban sáng, cũng chẳng phải "lời ru có gió mùa thu" trong bài "Mẹ" của Trần Quốc Minh mà cha vừa học ở trường. Đơn giản chỉ là trưa hè yên ả, làn gió phe phẩy từ cây quạt nan như vỗ về giấc ngủ say sưa mặc cho ông bong bóng khua mái chèo dưới mé sông, mặc cho tiếng kèn kẹt của bụi tre gai xéo góc nhà và tiếng tắc kè nấc cục từng cơn khát nước...

Vậy là cây quạt nan cũng hiện diện trong nhà ta thay cho quạt máy để đêm đêm mẹ G vẫn phe phẩy giấc nồng cho cu Bách. Không phải vì tiết kiệm điện trong thời buổi bão giá này mà là tính tiện dụng không thể chối cãi của nó, mỗi khi với tay tìm remote của quạt bàn hay máy lạnh - mà cu Bách thường chọi lung tung vào góc nhà - thì lúc nào cũng gặp cây quạt nan liền. Con hay bệnh đường hô hấp phải hạn chế tối đa quạt điện, máy lạnh càng không, thế nên cây quạt tay lúc nào cũng ngay đầu nằm. Chuyện chỉ sử dụng cây quạt này để nhắc con nhớ về quê nội là điều không tưởng nhưng lại để có cớ kể chuyện ngày xửa ngày xưa có một thiết bị không hiện đại tí nào mà mỗi buổi trưa bà cố thường ru cha ngủ ở một vùng quê của cái ấp nghèo nhất trong cái xã nghèo nhất của cái.... Và cha sẽ dẫn con về nơi ấy. Nó không đẹp như những vùng đất con từng qua, nhưng là nơi chứa đựng đầy ắp tuổi thơ hồn nhiên với miền ký ức khó phai mờ, ở nơi ấy một thời cha bồng bềnh bay theo những giấc mơ đang lơ lửng ở ngọn tre làng...

Cuối cùng quê mình cũng có điện, đâu rồi những chiếc quạt nan khi quạt điện mỗi nhà 3 cái, đâu rồi những bó đuốc lá dừa bập bùng mỗi tối cuối tuần các cô các chị dắt dìu nhau ra đầu kinh xem Phạm Công Cúc Hoa, tìm đâu ra cảm giác khép mái chèo khi hai chiếc xuồng lướt qua nhau ở thời điểm xuồng máy, rồi xe honda chạy như mắc cửi trên đường quê hôm nào... Cha ù thẫn thờ tìm không thấy lấy đâu để chỉ cho con đây !?

Ngày nảy ngày nay, ở đất SG đèn ngọn xanh ngọn đỏ, khi đã dạo gần hết chiều dài đất nước và đạt hầu hết những giấc mơ lơ lửng ở lũy tre năm nào, có một ông cha ù đang hụt hẫng miệng lẩm bẩm : "Phải chi quê mình đừng có điện"

Thứ Tư, tháng 11 19, 2008

20/11 LÀ GÌ VẬY TA ?

20/11 là vầy nè bà con ơi !

TRƯƠNG CÔNG KHẢ TÁI XUẤT GIANG HỒ












Mùa thu Cali đẹp quá Khả ơi !

Thứ Năm, tháng 11 06, 2008

NHÀ THƠ OBAMA


Như lệ thường, chiều nào cũng vậy, độ chừng 5, 6 giờ chiều lại ra đầu hồi lầu 1 nhìn dòng xe cộ tấp nập chạy ngược xuôi cầu Ông Lãnh. Đôi khi chóng mặt, tự hỏi làm sao để mình bơi giữa biển người, biển xe ấy để về đến nhà !

Lại có thói quen ngồi nán lại một chút sục sạo trên mạng lâu lâu một chút chỉ để biển người ấy, biển xe ấy thưa ra một chút. Chỉ vậy thôi !

Cũng đã hai buổi chiều nay, "biển từ" Obama đã vây bủa mọi người. Câu chuyện bên bàn cafe sáng cũng Obama; trưa ăn cơm cũng Obama; họp giao ban cũng lại là... Obama.

Vậy nên chút thông tin cuối trong ngày cũng là... Obama nhé !

Lần nầy là một Obama - nhà thơ !

Hai bài thơ dưới đây được "ảnh" sáng tác lúc 18 tuổi.

POP

Sitting in his seat, a seat broad and broken
In, sprinkled with ashes,
Pop switches channels, takes another
Shot of Seagrams, neat, and asks
What to do with me, a green young man
Who fails to consider the
Flim and flam of the world, since
Things have been easy for me.

Ngồi trên ghế của mình, một chiếc ghế rộng và sụp
Vào trong, đầy những tàn thuốc vương vãi,
Pop đổi kênh truyền hình, uống thêm một
Ngụm Seagrams, nguyên chất, và hỏi
Tôi mắc chứng gì vậy, một thằng tuổi còn xanh
Mà không hiểu ra được
Cái trò bá láp của thế gian, vì
Tôi đã sống quá dễ dàng.

He . . . Stands, shouts, and asks
For a hug, as I shink, my
Arms barely reaching around
His thick, oily neck

Ông . . . Đứng, gào, và đòi
Một cái ôm, trong lúc tôi dằn lại, hai cánh
Tay tôi đưa ra chỉ vừa đủ để choàng quanh
Chiếc cổ mập, nhờn của ông


Underground

Under water grottos, caverns
Filled with apes
That eat figs.
Stepping on the figs
That the apes
Eat, they crunch.
The apes howl, bare
Their fangs, dance,
Tumble in the
Rushing water,
Musty, wet pelts
Glistening in the blue.


Dưới lòng đất

Những hang động dưới nước
Đầy những con khỉ
Ăn những trái sung.
Bước lên những trái sung
Mà những con khỉ
Ăn, thì nghe giòn rụm.
Những con khỉ gào hú, nhe
Nanh, nhảy múa,
Ngã nhào vào
Dòng nước cuồn cuộn,
Những bộ lông hôi hám, ướt sũng
Lấp lánh trong màu xanh.


Thơ "ảnh" có hay không, tôi cũng chẳng biết luôn !

NỖI ÁM ẢNH KHÔNG CHỈ CỦA TOÀN BAN


Sáng nay họp toàn ban. Sốt nóng nhất vẫn là quy chế thưởng phạt. Trong đó, lỗi chính tả luôn là nỗi ám ảnh thường niên của bà con (!).

Mình may quá, được thừa hưởng một nền giáo dục chuẩn, bởi lẽ hồi đó, mình hổng có học mấy môn tầm phào như may vá, cưa đục, nấu ăn... hay sinh hoạt tập thể chi chi đó. Những chuyện này sẽ hẹn ở một entry sau !

Cũng trong sáng nay, nhận một email của bác Đính. Nhìn hình mà bật cười ha... ha... Bác Đính phụ chú, để có một pano như thế này phải qua 12 công đoạn, kiểm duyệt, nhìn ngó... (!) Nếu chiếu theo quy chế thưởng phạt thì để lọt qua bản thảo 1 phạt 50 ngàn, qua bản thảo 2 phạt chồng lên người quản lý để lọt lưới lỗi này 100 ngàn đồng. Quy chế của tụi tui hổng thấy để lọt đến mức bản thảo 3, 4, 5, 6... 12 như chuyện vừa nêu. Nếu có, tui tin rằng mấy ông nhận in pano phải thường tiền ngược lại quá. Mà cũng hổng chừng, chính mấy đơn vị chủ quản đọc sao, viết vậy hổng chừng.

"Chời chời ơi là chời, sao mà mấy ông lại để chuyện gủi go như dầy xất hiện dậy chời". Hic hic.

Liệu Bảo hiểm Pjico có bảo hiểm cho những gủi go của hậu quả nền giáo dục hổng giống ai hông chời !

Thứ Tư, tháng 11 05, 2008

ÔNG TA ĐÃ CÓ MỘT GIẤC MƠ

"Cha mẹ tôi không chỉ chia sẻ với nhau tình yêu trong mơ, mà còn chia sẻ với nhau niềm tin vào các cơ hội rộng mở trên đất nước này. Họ cho tôi cái tên châu Phi, Barack, nghĩa là người được chúc phúc, vì họ tin rằng ở nước Mỹ bao dung, tên của bạn không thể là rào cản đến thành công. Họ tưởng tượng rằng tôi sẽ đến những trường học tốt nhất mặc dù họ không giàu, bởi vì ở nước Mỹ hào phóng, bạn không cần phải giàu mới có thể đạt được những ước mơ."
"Không một người dân nào mong đợi chính phủ giải quyết mọi khó khăn của họ. Nhưng họ cảm nhận được, từ trong sâu thẳm của đáy lòng, cần có một sự thay đổi dựa theo những ưu tiên hợp lý, để có thể bảo đảm rằng mọi đứa trẻ tại Mỹ đều có sự khởi đầu tốt cho cuộc đời chúng, và cánh cửa cơ hội luôn rộng mở cho mọi người. Họ biết rằng chúng ta có thể làm tốt hơn. Và họ muốn chúng ta phải làm thế".


"Khi chúng ta gửi những người trẻ tuổi vào chỗ hiểm nghèo, chúng ta bị buộc vào một nghĩa vụ thiêng liêng, ấy là không được ngụy tạo những con số, cũng không được che giấu sự thật về lý do sai phái họ đi, nhưng phải chăm sóc gia đình họ khi họ vắng mặt, hỗ trợ những người lính khi họ trở về, và đừng bao giờ tham chiến khi không đủ lực để chiến thắng, gìn giữ hòa bình, và giành được sự tôn trọng của thế giới".


“Chúng ta không thể rút lui khỏi thế giới, cũng không thể hăm dọa để khiến thế giới phục tùng”
"Tối nay, chúng ta cùng tụ họp tại đây để khẳng định sự vĩ đại của quốc gia này – không phải do chiều cao của những tòa nhà chọc trời, cũng không phải bởi sức mạnh quân sự, hoặc tầm vóc của nền kinh tế chúng ta. Niềm kiêu hãnh của chúng ta lập nền trên một tiền đề hết sức đơn giản, được tóm tắt trong bản tuyên ngôn hơn hai trăm năm trước: “Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người được tạo dựng trong bình đẳng, Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta những quyền bất khả nhượng, trong đó có quyền được sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc.” Đó là tính cách thật của nước Mỹ - niềm tin vào những giấc mơ giản dị, và lòng kiên định tin vào các phép lạ nhỏ nhoi."

"TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ"


Một trăm năm trước đây, một người Mĩ vĩ đại mà chúng ta giờ đây đứng dưới bóng của ông, đã ký một bản Tuyên ngôn giải phóng. Tuyên ngôn lịch sử này đã trở thành ngọn đuốc hy vọng cho hàng triệu nô lệ Negro, những người đã bị thiêu đốt trong ngọn lửa của sự bất công. Nó đến như vầng dương chấm dứt đêm dài tăm tối. Nhưng một trăm năm sau, chúng ta lại đang phải đối mặt với một sự thật bi kịch khác, người Negro vẫn chưa được tự do.

Một trăm năm sau, cuộc sống của người Negro vẫn bị kéo lê bởi xiềng xích của sự cách ngăn và cùm gông của nạn kỳ thị. Một trăm năm sau, người Negro vẫn đang phải sống trên hoang đảo nghèo đói giữa biển cả phồn vinh. Một trăm năm sau, người Negro vẫn tiều tụy lang thang nơi góc phố tối tăm trên đất Mĩ, chỉ thấy chính họ là kẻ lưu vong trên ngay mảnh đất quê hương mình.

Bởi vậy, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây hôm nay cất chung tiếng nói về điều kiện thương tâm của chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã tới thủ đô để đòi một khoản nợ. Khi các nhà kiến trúc sư của nền dân chủ Hoa Kỳ viết xuống những lời tuyệt đẹp cho bản Hiến pháp và Tuyên bố Độc lập, họ đã ký nhận vào một tờ tín phiếu theo đó mọi công dân Mĩ đều có quyền thừa kế.

Tờ tín phiếu này mang theo một lời hứa hẹn rằng mọi người dân đều được đảm bảo quyền không thể tách rời là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hôm nay, thực tế hiển nhiên cho thấy nước Mĩ đã thất hứa vì rằng màu da của người dân Mĩ lại bị xem là rào cản trong việc sử dụng tờ tín phiếu này. Thay vì trân trọng thực hiện trách nhiệm thiêng liêng ấy, nước Mĩ đã trao cho người dân Negro một tờ séc khống không có giá trị thanh toán. Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng công lý đã bị phá sản. Chúng ta không tin rằng quốc gia không có đủ ngân quỹ trong hầm dự trữ chứa đầy những cơ hội của đất nước này.

Bởi vậy, chúng ta đến đây để đòi nợ, một khoản nợ về quyền tự do và sự đảm bảo về công lý. Chúng ta có mặt tại nơi linh thiêng này để nhắc nhở nước Mĩ về sự cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Lúc này không phải là thời điểm của sự nhượng bộ thỏa hiệp hay xoa dịu bằng những viên thuốc an thần. Giờ là thời điểm mở tung cánh cửa cơ hội cho tất cả những người con của Chúa. Giờ là thời khắc đưa dân tộc ta từ vũng lầy của bất công kỳ thị tới một nền tảng vững chắc của tình đoàn kết anh em.

Sẽ là tai họa cho cả dân tộc nếu lờ đi tính cấp bách của thời cuộc hiện nay và đánh giá thấp lòng quyết tâm của người dân Negro. Không khí ngột ngạt oi bức chứa đầy sự bất bình trong mùa hè này chưa thể qua đi tới khi có được làn gió thu của tự do và công bằng tiếp sinh lực. Những ai có hy vọng rằng người Negro cần phải xả bớt sự căng thẳng và hài lòng với những gì đã có sẽ bị vỡ mộng nếu như đất nước này trở lại với công việc như thường ngày. Nước Mĩ sẽ chưa thể bình yên, chừng nào người Negro chưa giành được quyền công dân của mình.

Cơn lốc của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm lung lay nền móng của quốc gia này cho tới ngày thấy được ánh sáng của công lý. Trong quá trình đấu tranh giành lại vị trí xứng đáng cho mình chúng ta không cho phép mình mắc phải những hành động sai lầm. Hãy đừng thỏa mãn cơn khát bằng chén hận thù và đắng cay.

Chúng ta phải xây dựng các cuộc tranh đấu của mình trên nền tảng của các giá trị và nguyên tắc. Chúng ta không cho phép những chống đối biến thái thành các cuộc xung đột bạo lực. Chúng ta phải đứng trên tầm cao của sự hòa trộn tâm lực và trí lực.

Tính chiến đấu thấm nhuần trong đông đảo người dân Negro không được làm cho chúng ta mất lòng tin vào những người da trắng. Rất nhiều những người anh em da trắng, như bằng chứng sự có mặt của các bạn ở đây hôm nay, đã cho thấy vận mệnh của các bạn cũng là vận mệnh của chúng ta và tự do của các bạn cũng gắn liền với tự do của chúng ta.

Chúng ta không thể bước những bước đơn độc. Mỗi bước đi, chúng ta phải nối vòng tay bè bạn cùng đồng hành. Chúng ta không thể quay trở lại. Có những người đang hỏi bạn, “Rồi chừng nào bạn mới yên lòng?” Chúng ta sẽ không bao giờ thấy yên lòng khi mà ta không thể tìm được một nơi trú ngụ trong một nhà nghỉ bên đường hay tại một khách sạn trong thành phố sau chuyến đi mỏi mệt. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào sự di chuyển của một người Negro vẫn đơn giản chỉ là từ một khu ghetto nhỏ sang một khu ghetto lớn hơn. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào một người Negro ở Mississipi còn chưa được quyền đi bầu cử, khi một người Negro ở New York còn tin rằng anh ta chẳng có gì để đi bầu. Không, không, chúng ta không yên lòng, và chúng ta sẽ chưa thể yên lòng cho tới ngày công lý được tuôn tràn như dòng thác, và công bằng sẽ như một dòng sông cuộn chảy.

Tôi biết có những bạn tới đây vượt qua những nỗi khổ đau, gian nan thử thách. Có những bạn mới vừa ra khỏi xà lim. Có những bạn đến từ những nơi mà cuộc tìm kiếm tự do của bạn bị chà đạp bởi sự ngược đãi cuồng bạo và bị cản trở bởi sự tàn bạo của cảnh sát. Các bạn đã trở thành những người kỳ cựu về chịu đựng khổ đau. Tiếp tục tiến lên với niềm tin rằng sự thống khổ oan ức là cứu thế.

Trở về Mississippi, trở về Alabama, trở về Georgia, trở về Louisiana, trở về với những khu nhà ổ chuột ở các thành phố phía bắc của chúng ta, chúng ta tin rằng bằng cách nào đó tình trạng này có thể và sẽ đươc thay đổi. Hãy đừng đắm mình trong nỗi tuyệt vọng. Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn rằng, dù hiện tại có muôn vàn khó khăn và nỗi bức xúc, tôi vẫn luôn mang trong mình một giấc mơ. Đó là một giấc mơ bắt nguồn từ giấc mơ nước Mĩ. Trong giấc mơ của tôi, tới một ngày đất nước này sẽ cùng đứng lên và sống một cuộc sống với niềm tin “Chúng ta coi sự thực này là điều hiển nhiên: con người sinh ra là bình đẳng”. Giấc mơ của tôi là một ngày kia, trên những ngọn đồi ở Georgia, những đứa con của những người nô lệ và những đứa con của những người chủ nô trước đây sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn thân thiện của tình anh em. Trong giấc mơ của tôi, thậm chí một ngày kia, bang Mississippi, một hoang mạc ngột ngạt trong bầu không khí của bất công và kỳ thị, sẽ biến thành một ốc đảo của tự do và công bằng. Trong giấc mơ của tôi, 4 đứa con tôi tới một ngày sẽ được sống trong một đất nước mà ở đó giá trị của chúng được đánh giá bởi chính ý chí, nghị lực cá nhân, chứ không phải bằng màu da. Ngày hôm nay, tôi có một giấc mơ.

Tôi mơ một ngày kia bang Alabama, nơi vị thống đốc hiện thời đang luôn mồm nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa sẽ trở thành nơi các trẻ trai và trẻ gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà. Hôm nay, tôi có một giấc mơ. Tôi mơ một ngày kia các thung lũng rồi sẽ được lấp đầy, những quả đồi, ngọn núi sẽ được san bằng, mặt đất gồ ghề sẽ trở nên phẳng phiu, những góc quanh co sẽ được uốn thẳng tắp, và sự huy hoàng của Thiên Chúa sẽ được bộc lộ và mọi người cùng thấy. Đó là hy vọng của chúng ta. Đó là niềm tin tôi sẽ mang theo về miền Nam. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể đập nát núi tuyệt vọng thành những viên đá hi vọng. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ biến những tiếng kêu bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng êm ái của tình đoàn kết anh em. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ cùng sát cánh bên nhau, cùng nguyện cầu, cùng chiến đấu, cùng vào nhà lao, cùng đứng lên vì tự do, vì chúng ta biết rõ một ngày kia chúng ta sẽ tự do.

Đó sẽ là ngày tất cả những người con của Chúa cùng hòa chung một bài ca: “Quê hương tôi, miền đất thân yêu của sự tự do, của người tôi hát. Miền đất nơi cha tôi đã nằm xuống, miền đất niềm tự hào của những người hành hương, từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do”. Và nếu nước Mĩ là một đất nước vĩ đại, điều đó nhất định phải trở thành sự thực. Hãy để tự do ngân lên từ những ngọn núi khổng lồ ở New Hampshire. Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi hùng vĩ vùng New York. Hãy để tự do ngân lên trên những vùng cao Alleghenies miền Pennsylvania! Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi Rockies tuyết phủ của Colorado! Hãy để tự do ngân lên trên những núi đồi tròn trịa của California! Không chỉ thế, Hãy để tự do ngân lên từ những đỉnh núi Stone Moutain của Georgia! Hãy để tự do ngân lên trên ngọn Lookout Moutain của Tennessee! Hãy để tự do ngân lên từ mọi triền đồi và vùng đất cao ở Mississippi. Từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do.

Martin Luther King