Lại ra Huế đúng mùa festival, nhưng những ồn ào của lễ hội lại khó để thu hút tâm trí của những đứa xa xứ về như tôi. Mà hình như như ai cũng vậy cả. Tỷ như chuyện bác Quý. Từ khi gặp ở sân bay Tân Sơn Nhất cho đến lúc ngồi trên chuyến xe từ Phú Bài về khách sạn, bác Q. cứ điện thoại la í ới chuyện ăn ở đâu, uống cà phê chốn nào, chứ tuyệt nhiên không bàn chi đến chuyện lễ hội. Về đến khách sạn Morin lại thấy rủ nhau đi ăn bún dấm nuốt, đi ăn bánh canh cá lóc… Không phải tâm hồn ăn uống gì đâu. Chỉ để nhớ quê thôi mà !
Tối thứ Sáu, chị Ánh Tuyết điện thoại rủ ra bến xe Nguyễn Hoàng ăn cơm bụi. Ghé quán Kim Liên. Thấy đủ thứ món mình thích. Thịt phay kèm tôm chua, cá ngừ kho, canh mướp đắng nấu tôm. Chao ơi là miếng mướp đắng, vừa đúng một khoanh với những khía, những múi nhỏ xíu xiu. Cái đắng của mướp, cái ngọt của miếng tôm đập dập nghe mới thanh tao gì đâu. Trái khổ qua to, bự múi nở nang, thẳng thớm của miền Nam thua đứt cái vị đắng này đây. Mà hình như cũng lâu lắm rồi mới thấy lại miếng mướp ngày xưa. Ăn xong bữa cơm bụi mới thấm thía một điều rằng, muốn tìm lại hương vị ngày xưa cứ tìm tới mấy tiệm cơm tôi vừa ghé. Cái cách pha đồ màu, cách nấu nướng, bày biện thô mộc đó chính là bữa cơm ngày xưa của nhà mình đó thôi. Đôi lúc, ghé mấy nhà hàng Ngự Viên, Hương Giang… thấy món Huế ngon thiệt đó, kiểu cách thiệt đó nhưng mới xa ngái làm sao.
Hôm sau tôi lại lóc cóc ra bến xe Nguyễn Hoàng. Lần nầy thì ghé thử tiệm Mụ Nhơn. Nghe bạn bè chỉ cho tiệm cơm này. Ban đầu cũng không muốn đi, chỉ vì dị ứng cái chữ… Mụ ! Tôi nhớ hồi nhỏ, nhà tôi sống trong cái xóm Tịnh Xá Ngọc Kinh. Cái xóm bây chừ thấy nhỏ xíu nhưng hồi đó đối với tôi thì nó mênh mông, bí hiểm vô kể. Nhà tôi sống ở lưng chừng xóm. Đầu xóm trên toàn là nhà có công ăn việc làm có chút tiếng tăm. Nhà thì có con là bác sĩ, là giáo sư, là huấn luyện viên bóng bàn… Tệ lắm thì cũng là nhà có lò làm bánh in, thơm nức mũi. Nửa xóm dưới, có cái bến sông thì họ mưu sinh bằng những nghề thấp hơn một xí (hồi đó mình nghĩ vậy, nhưng chừ nghĩ lại cao thấp gì đâu mấy cái chuyện này). Nhà thì trồng rau muống, nhà đi đặt tôm, đặt tép, nhà thì đi ở đợ (cái từ ni nghe nặng dễ sợ, nhưng người ta quen gọi là vậy). Trong số đó có nhà Mụ Lại. O Sáu không thích mụ ni. O nói mụ ni nhiều chuyện, chuyên để ý chuyện nhà người khác. O Sáu nhà cũng ở xóm dưới nhưng chuyên làm nghề giữ con nít. Từ nhỏ tới lúc lên lớp 1 tôi sống với o Sáu. O thương tôi lắm. Thế nên chuyện chi o không thích thì tôi cũng không thích luôn. Tôi ác cảm với chữ Mụ có nguyên do là vậy !
Trở lại với chuyện quán cơm Mụ Nhơn. Mụ ni giàu thiệt nghen. Vòng cổ, vòng tay đeo cẩm thạch thấy sợ luôn nhưng bù lại mụ cười thiệt là hệch hạc, phúc hậu. Tôi gọi cá kho, canh, rau muống luộc. Tô canh cá mó thiệt là ngậm mà nghe. Nhìn tô canh mà hình dung ra cách nấu. Phi tí mỡ, bỏ vô trái ớt đỏ đập dập, tra nước vô. Chừng nước sôi bỏ tô cá đã ướp với tiêu, hành mắm muối vô. Cá vừa chín liền cho vào đó một ít thơm, cà và nhất là măng chua, dưa gang chua vào. Nhắc xuống nêm tí hành lá, rau răm. Nói thêm một tí về con cá mó. Không giống con cá mó nặng mấy ký lô ở Phú Quốc, con cá xứ tôi chỉ nhỏ bằng hai ba ngón tay. Da cá màu đó mỏng tang, miếng thịt bên trong trắng ngần, dai, béo ngậy. Người xứ khác mà ăn miếng canh xứ Huế nếu không khéo thì sẽ ho sặc sụa vì cái cay của ớt tao. Lại nói về miếng cá ngừ kho thấm tới bên trong, cá màu nâu mộc nhưng nước kho thì trong veo, ánh chút mỡ vàng óng thanh tao, kèm theo hai trái ớt xanh kho nẫu ra. Gọi thêm dĩa rau muống xanh lục chấm nước kho thì không còn vui thú gì hơn. Gắp đũa rau muống mà tôi như nhớ lại những năm 75 thiệt là khó khắn. Lúc đó, tôi nhỏ nhất nhà. Không đi bán cà rem như mấy ông anh, không đi trồng khoai, trồng sắn trên Chín Hầm như ba, không xắt khoai, xắt sắn như mạ… Tôi chỉ kham chuyện xếp hàng mua… rau muống ở HTX Thuận Lộc. Bữa thì mua rau ngang, bữa thì mua được rau đọt. Đem về bữa thì luộc, bữa thì chẻ ra bóp rau sống. Có tháng khó khăn ngặt nghèo, phải nấu cháo cầm hơi thì lại thấy mạ xắt rau muống bỏ vô (!) Đôi khi mình nghĩ, nồi cháo tụi tôi ăn chỉ khác cháo heo ở chỗ, gạo được vo sạch hơn, rau được nhặt rửa sạch sẽ, lại tra thêm một ít mắm ruốc. Cũng may mà cái đận khó khăn ấy qua đi và tôi cũng còn quá nhỏ để bị ám ảnh một điều gì. Quên đi và biết bỏ qua mọi chuyện là cách để mình sống an lạc hơn. Thầy Nhất Hạnh có nói một điều mà mình rất thích – Quá khứ thì đã qua đi. Tương lai thì chưa đến. Chỉ có biết sống an lạc trong phút giây hiện tại là quý nhất. Biết là vậy, nhưng sao và miếng cơm mà tôi như nghe nghẹn đắng, mắt cay cay. Cứ nghĩ giá như ba mình còn sống để mình có thể nấu cho ba một món ăn xứ Huế.
Ghé thăm mạ anh Quyền. Anh Q. đi Đà Nẵng, nhắn cho mình một tin: Em ghé thăm mạ anh đi. Nếu em rảnh nói mạ anh nấu cho ăn. Mạ anh nấu món Huế ngon lắm đó ! Nghe ấm lòng quá. Nghe bà cụ nói chuyện còn ấm lòng hơn. Hai bác cháu kể lể từ chuyện ngày xưa đi chùa ăn chay, cho đến chuyện nữ công gia chánh. Lâu lắm rồi mới tìm ra một không gian Huế đến vậy !
(Còn tiếp – Tình hình là về đến Cần Thơ, kho một nồi mắm kho Nam bộ rặt ri. Đợi chừng nào phai hết mùi mắm tui viết tiếp. Kiểu ni chắc phải ăn hết gói mè xửng quá !)