Thứ Bảy, tháng 6 28, 2008

NHỚ VĂN PHÒNG KHÔNG KHẢ ƠI !

Nhớ chuyến đi làm công tác xã hội ở Châu Đốc không Khả ơi ! Đánh bài tiến lên sáng đêm luôn, ăn thua tới... mấy chục ngàn nghen. Sau chuyến này thì em Diễm... đi lấy chồng, còn em Quyên thì bị... bắt cóc về văn phòng !

Còn đây là chuyến được Victoria ChauDoc Hotel đón tiếp tưng bừng nè "Mr Kha Kha Kha". Còn nhớ dĩa súp lạnh tanh mà mi và bác Hoàng Tuyên nhắm mắt bịt mũi mà nuốt không ?

Nhớ hôm chia tay, chủ blog đãi món gì không ? Đầu cá lóc nấu canh rau tập tàng, thân cá lóc chiên nước mắm, cá rô kho tộ và tôm nướng muối ớt. Thấy hai em Quyên và Trang tình thương mến thương với chú Khả gớm !

Không lo soạn áo quần đi làm từ thiện, mi cứ canh me chụp hình sếp làm gì ! Cũng bị càu nhàu dài dài thôi em ơi !

Gớm, hay tay Khả và Tấn cười hết cỡ. Nhìn vô đố ai biết được đây là... tiệc chia tay chú Khả.

Đây cũng là tiệc chia tay !

GÓC NHÌN CỦA KHẢ

Chân dung trên đây là của hắn. Phụ chú một tí, vì thiếu nhân vật nên hắn cải trang để chụp hình đưa vô phóng sự, định qua mặt sếp. Vì khó tính và cũng vì lúc đó... hình ảnh, tin bài quá nhiều nên chi thẳng tay cho vô... "Bài không sử dụng". Giờ thì: "Hẻo tin bài ảnh quá Khả ơi. Mi có hồi cố hương hay không thì bảo" !
Chiều nay, ngồi uống cà phê Làng Báo, tự dưng nhớ tới T.C.Khả. Hầu như đồng nghiệp nào cũng cùng một ý nghĩ rằng, hắn đi rồi để lại một khoảng trống quá lớn cho làng ảnh đồng bằng. Góc nhìn rất thời sự, nhanh lẹ và nhất nhất là có lòng với tất thảy anh em, với tất thảy làng báo. Dù đôi lúc, cái tính hay giúp người, dễ xiêu lòng đó lại bị người không hiểu, hoặc người không có lòng nghĩ rằng hắn là tay chạy sô kiếm tiền (!). Đôi khi hắn cũng nghe được người ta nói vậy, thế nhưng không bao giờ hắn để bụng, chỉ cười xuề xoà.

Hồi nãy anh Thái Nguyên nhắc: “Thằng Khả hay lắm. Nể nhứt cái vụ hắn chụp hình thu hoạch lúa trên Cờ Đỏ. Mới thấy hắn kêu người ta cười tươi ôm thúng lúa, chụp lách tách mấy chục kiểu. Lại nghe hắn biểu họ cũng ôm thúng lúa nọ nhưng… xụ mặt, làm mặt buồn. Anh em hỏi mày làm vậy chi vậy Khả. Hắn toe toét cười thú thiệt - Rủi lỡ mai mốt lúa xuống giá, toà soạn kiếm hình thì có cái đưa chớ mấy ông”. Bó tay cho hắn ! Huy Phong, báo Sài Gòn Giải Phóng thì nhắc vụ đi tác nghiệp chung hôm khai trương cửa khẩu Xà Xía – “Chị biết không, khi hai ông tỉnh trưởng Tà Keo, Kiên Giang bắt tay nhau để khánh thành, cánh làm báo chen lấn nhau chụp hình, chỗ đứng thì chật, nhà báo thì đông, chưởi nhau loạn xị. Em thấy ông Khả cười cười hổng chụp gì hết. Tới chừng, lễ xong, ai nấy tản đi hết mới thấy ổng ngoắc… hai ông tỉnh trưởng lại dàn dựng cảnh bắt tay để tha hồ mà chụp. Hôm sau chỉ có hình trên Thanh Niên là hoành tráng”. Chuyện này thì không lạ. Nhớ có lần hắn chụp hình căng dây cáp cầu Cần Thơ để minh hoạ cho tin trang 2, Lưu Quang Phổ từ Hà Nội phải gọi điện vào la chỏi lỏi: “Trời ơi, ông chụp hình thời sự mà sao nghệ thuật vậy hả”.

Đại khái là vậy. Ai cũng có chuyện để kể về hắn.

Hôm trước viết bài về chú Sáu Dân, tìm ảnh tư liệu muốn khùng mà không ra. Điện cho một đồng nghiệp – cũng là tay ảnh có tiếng ở C.T – ra chiều quan trọng anh ta bảo ngay, khó lắm em ơi, mai nghe, giờ này tối rồi. Tôi liếc nhìn đồng hồ, trời đất mới có 8 giờ tối chứ mấy. Điện cho 2 đồng nghiệp khác ở C.M và H.G, có hình ngay, có điều để như ý thì khó quá ! Lúc đó, tự nhiện quạu ngang và lầm bầm chưởi… hắn ! Hổng biết, ở bên kia nửa vòng trái đất hắn có bị nhảy mũi (!).

Lục trong thư mục “BÀI KHÔNG SỬ DỤNG” thấy một folder phóng sự ảnh về chợ hoa Tết Cần Thơ của hắn. Nhìn và thấy một góc nhìn hết sức nhân bản của hắn. Nói trước là trong vấn đề tác nghiệp thì tôi hết sức khó tính với hắn, thế nên những tấm hình như vậy mà hổng được đăng là chuyện… thường tình !










Thứ Năm, tháng 6 26, 2008

CU BÁCH VÀ OSIN

Xí chỗ ngày mai viết entry này. Giờ thì ngủ một tí để khuya xem đội Nga.
Không hiểu sao trong tiềm thức của đa số dân Việt vẫn có thiện cảm với đội Nga. Có lẽ cũng dễ hiểu khi đã có một thời dân mình chỉ xem phim Nga, đọc sách Nga, không có lựa chọn thứ hai ! Nước Nga hiển hiện với hình ảnh nhưng gương mặt đôn hậu, tình cảm; hồi đó cũng khó có thể hình dung nước Nga lại có những tay phát xít đầu trọc như giờ này.
Mà thiệt tình cũng không hiểu nổi tui nữa rồi. "Cu Bách và Osin" thì có liên quan gì đến nước Nga kia chứ !

Thứ Ba, tháng 6 24, 2008

ĐI ĂN TIỆC VỚI HUÊ HẬU

Hôm Chủ Nhật có một chuyến đi... bất tử với sếp vô rừng U Minh Thượng. 12 giờ trưa đi, 2 giờ sáng về lại. Phóng xe như bay, lướt hobo như chớp. Trước đó đã thức trắng đêm để hồi hộp với đội Nga ! Nói không mệt thì... dóc tổ rồi. Nhưng bù lại sếp xìa cho một xấp giấy mời để đi... ăn tối cùng mấy em Huê hậu hoàn vũ ở Khách sạn Sheraton.
Mấy em huê hậu khoái chụp hình và sẵn sàng chụp hình với mọi người. Chỉ mỗi tội mấy anh chàng bảo vệ Mỹ to con lúc nào cũng lườm lườm chặn lại nên mọi người thấy ngại. Sau màn ăn tối là phần bán đấu giá kỷ vật. Đây cũng là cơ hội hiếm có để mọi người đua nhau chụp hình.
Đây là hình tui chụp được huê hậu USA và Việt Nam trước khi bị chen lấn xô đẩy kịch liệt. Cái mấn màu đỏ của Thuỳ Lâm bán được 200$, cái nón cao bồi được bán với giá 500$ vì quá nhiều đại gia tranh mua.
Con trai của tui cũng bon chen chụp hình với huê hậu Malaysia

Kề bên hai em huê hậu của Nhật Bản và Hàn Quốc đang duyên dáng chào mời mọi người mua kỷ vật. Hai em này rất hồn nhiên và tự tin, điều mà Thuỳ Lâm đang thiếu.

Các em đến từ trời Âu nè ! Xinh chưa.

Thiện Tâm và Hiền Nhi tranh thủ chụp với huê hậu Phần Lan.

Trong khi chị Hiền Nhi chụp hình với huê hậu Dominican thì Thiện Tâm tranh thủ... lén mẹ đi đấu giá mua cây gậy đánh bóng chày của cô ta với cái giá... 110$. Cuối buổi chủ blog... nhẹ người khi thấy cây gậy này đã bị người khác tranh mua với giá 550$. (hì hì)

Cũng có em nhìn hổng... xinh.
Nhưng chuyện các món đò lưu niệm thì hay lắm. Lúc nào rảnh sẽ post lên tiếp tục.

Thứ Hai, tháng 6 16, 2008

CƠ THỦ LÀNG BÁO ĐÊ !

Nhân ngày Báo chí Việt Nam, "Làng báo" Cần Thơ đã tổ chức giải Billard giao hữu. Ai cũng nghĩ mấy anh nhà báo chỉ biết cầm viết, cầm máy, cầm... đủ thứ khác (!). Ai dè, cầm... cơ cũng khá lắm. Bằng chứng là có đến 24 "cơ thủ" đến từ 12 cơ quan truyền thông: Trung tâm Truyền hình VN tại Cần Thơ (VCTV), Đài Tiếng nói VN, báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Thời báo Kinh tế SG, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Cần Thơ, Lao Động, Pháp Luật VN.
Luật lệ cũng vô cùng "hay". 12 cơ thủ yếu đứng... bên trái, 12 cơ thủ mạnh đứng bên phải, rồi tiền hành bốc thăm để chọn bồ. Vậy là tên đánh hay kèm tên đánh dở thành đôi mà... thi thụt ! Vậy nên mới có chuyện dở khóc, dở cười hồi sau. Nhưng ban đầu thì tình thương mến thương lắm. Tỷ như, đài hình cặp chung đài nói; Thanh Niên cặp với Tuổi Trẻ, Lao Động với Cần Thơ... các bồ này quá thân thiện với nhau.

Thanh Niên - bổn báo của chủ blog - cũng góp mặt 3 cơ thủ và thêm 1 rể nữa thì xem như 4 nghen (hì hì). Từ trái qua: Lâm Hùng, Văn Lợi, Thái Nguyên.

Cuộc... ăn chơi này do láng giềng báo Lao Động khởi xướng. Thế nên không chỉ lo chuyện ăn, chuyện chơi, mấy ảnh còn phải lo làm Ban tổ chức. Cực lắm nhưng giải quyết được khâu... oai ! Bằng chứng là đâu phải ai cũng được làm chủ thùng thăm như Hồng Thuỷ !

Trong lúc Ban tổ chức loay hoay làm việc, có một tên "cơ thủ" tự lượng sức mình nên lén lén cầm cái cúp vô địch chụp một phát. Ảnh thổ lộ: "Một lát có thằng khác rinh rồi, đâu tới lượt mình" ! Chủ blog nghe thấy thảm hết biết.

Chân dung các cơ thủ. Oách chưa !

Và đây chân dung các "em" xếp bi. Từ trái qua: Thuỳ Quyên (Thanh Niên), Tâm, Hiếu (Lao Động)

Em Thuỳ Quyên (Thanh Niên) được bầu là fan fairplay nhất. Bằng chứng: Phương Nguyên (Tuổi Trẻ) đụng với Văn Lợi (Thanh Niên), vậy mà em Quyên nhà mình lại đi ủng hộ... đối thủ ! Ặc Ặc... Văn Lợi nhà mình thấy 2 em Nguyên, Quyên cứ vỗ tay với nhau rồi la Yeé Yeé là tức muốn nổ đom đóm mắt. Lợi ta hăm he ngày mai hổng phát báo cho em Quyên. Hi Hi !
Từ trái qua: Thiện Khiêm (Cần Thơ), Văn Lợi (Thanh Niên), Thuỳ Quyên (Thanh Niên), Phương Nguyên (Tuổi Trẻ), Nhật Hồ (Lao Động).
Mới mở màn Cao Hoàng Phong (Sài Gòn Giải Phóng) cười tự tin thấy sợ. Chủ blog cũng nể hắn lắm. Vì hàng ngày uống cà phê cứ nghe hắn "nổ" miết về cái vụ thụt bida. Ai dè, hắn bị Hồ Hùng (Thời báo Kinh tế SG) loại ngay từ vòng đầu. Phong ơi, mi phụ lòng tin của ta quá xá !

Và đây là chân dung cơ thủ đoạt giải can đảm nhất - Lê Thanh Nguyên (Lao Động).
Số là bác Nguyên mập bày ra chuyện cho anh em chơi mà mình hổng chơi coi sao đặng. Vậy nên, dù hồi nào chưa cầm tới cây cơ lần nào bác Nguyên cũng tích cực tập luyện nguyên... 1 ngày đêm. Bác hể hả nói: "Được vô danh sách cơ thủ là thành công ngoài sức tưởng tượng rồi, thắng thua là chuyện nhỏ"

Và đây là cơ thủ đoạt giải "gương mặt ấn tượng nhất" - Phương Nguyên (Tuổi Trẻ). Mỗi khi thụt xong một trái là hắn phải sửa cặp kính một lần. Số là để tập trung cao độ vào đường cơ là hắn phải nhướng mắt. Nhướng riết rồi lông mi chổng ngược dựng mắt kiếng lên luôn !

Và đây là chân dung "nhà vô địch tương lai" - Hồ Hùng (TBKTSG) - đang xung sau khi được Nam Giao (Công an nhân dân) "vô gà" bằng một chai sữa tươi.

Trong khi đó, cơ thủ Văn Trí đến từ đài truyền hình tướng tá ốm nhách như vầy mà Nam Giao nỡ nào hổng cho ảnh một chai sữa vầy nè. Hèn chi, dù đã từng đoạt giải nhất KVĐBSCL nhưng vì thiếu... sữa nên đành chào thua !

Rút cuộc Lâm Hùng (Đài Tiếng Nói VN) và Văn Trí (Đài Truyền hình VN) bợ giải Nhì. Ông mập đứng trao giải là bác Lê Thanh Nguyên. Giải 3 thuộc về Phương Nguyên (Tuổi Trẻ) và Thiện Khiêm (Cần Thơ) (Tui post lên sao mất tiêu tấm hình này rồi. Uổng nhất là có tui đang trao giải 3 chớ)

Giải Nhất thuộc về Hồ Hùng (TBKTSG) và Minh Toản (Đài Truyền hình VN). Nhìn mặt mấy tên được... "dô sữa" thấy ứa gan !

Trong buổi tiệc cơ thủ Lâm Hùng (ĐTNVN) được trao giải người có câu nói chân thật nhất. Bở lẽ mọi người nghe hắn ỉ ôi với "bồ" là Văn Trí: "Em ơi, nhìn em thụt là anh nể lắm rồi. Cúp thì chỉ có một cái. Trong khi, em muốn lấy cúp lúc nào cũng được, còn anh thì chắc không còn cơ hội nào nữa đâu. Em đã gồng gánh giúp anh suốt giải này nên chắc là em biết anh nói thật. Vậy nên em cầm phong bì còn cho anh cái cúp nghen". Ha ha ha... Mọi người ôm bụng cười bò !

Văn Trí cám cảnh bèn nói: “Cha nội lấy đi cha nội. Nhưng nói cho cha nội biết, cả 6 ông đoạt giải nhất, nhì, ba thì giải sau đều là hạt giống ở bảng 1 hết đó”. Lâm Hùng và Phương Nguyên nghe qua mặt mày tái mét !

Cụng ly một cái để bàn giao Trưởng ban tổ chức giải lần sau vào dịp 2.9 tới đây cho Báo Thanh Niên.

Và đây chân dung các cơ thủ hạt giống ! Từ trái qua: Lâm Hùng, Minh Toản, Hồ Hùng, Thiện Khiêm, Văn Trí.

Hạ màn. Nhậu tiếp đây !

Thứ Tư, tháng 6 11, 2008

NHÀ THƠ NGUYỄN DUY VIẾT VỀ CHÚ SÁU

Có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, dám “xé rào cơ chế”, dám “chịu nghe” lời khác, ngược lại công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình… chúng ta mới có được một con đường đổi mới...

Tiềm lực ngủ yên

Thời đó, gia đình tôi ở trong khu tập thể Hội Văn nghệ TP.HCM: …lầu ba, nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa/ tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm/ tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong trí nhớ/ vết đạn trên tường dù trát lại vẫn có màu vôi khác… Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố, nhìn thấy ánh trăng một đêm cúp điện, lại nhớ về những cánh rừng xưa, những bạn lính cũ.

Lại thương đến nhão lòng những ước mơ đơn sơ, mộc mạc một thời. Về với mẹ. Về với vợ con. Về với thanh bình vườn ruộng. Về để làm cho dân giàu nước mạnh. Sắp về!... Sắp về!... Con tắc kè trên rừng cây “giơ xương trắng lên trời” do chất độc khai quang hồi đó, nó nói thế. Nó nhắc thế. Nó cứ điệp khúc thế. Cái điệp khúc mơ của người lính trận.

Một cựu binh là tôi lại bắt đầu mơ một điệp khúc mơ đơn sơ mộc mạc khác: “Hãy thức dậy, đất đai/ cho áo em tôi không còn vá vai/ cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…”.

Và bắt đầu một nỗi day dứt khác: “…Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/ châu báu vô biên dưới thềm lục địa/ rừng đại ngàn bạc vàng là thế/ phù sa muôn đời sữa mẹ/ sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể/ còn mặt đất hôm nay - em nghĩ thế nào?/ lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?...”.

Đó là nỗi day dứt của một thường dân. Kèm theo là nỗi day dứt của một thường dân làm thơ:… Lúc này ta làm thơ cho nhau/ đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên…

Từng chút, từng chút, ý tứ bài thơ Đánh thức tiềm lực tượng hình dần trong tâm trí tôi, đến đầu năm 1980 mới ngọ nguậy nở thành từng con chữ trên giấy. Những dòng chữ nặng nề và chậm chạp chở lênh đênh tâm sự trầm buồn và chân thật như bọt bèo, như rều rác bập bềnh trôi trên dòng sông tuổi thơ.

Thêm rồi bớt, viết rồi sửa, đến giữa năm 1982 bài thơ dài ra thành vài trăm dòng. Tôi tự thấy nó còn nôm na lắm, ngôn ngữ thơ chưa được. Nhưng cái được ở đây là tâm tình thật của tôi. Thôi, cứ để thế. Tôi dừng bài thơ lại với đoạn kết: Tôi muốn được làm tiếng hát của em/ tiếng trong sáng của nắng và gió/ tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai/ tiếng trần trụi lưỡi cuốc/ lang thang khắp đất nước/ hát bài hát đánh thức tiềm lực!

Bài thơ ngủ yên

Bài thơ đi từ trong lòng ra nên tôi thuộc lòng nó ngay từ lúc vừa viết vừa sửa, cứ lẩm bẩm một mình như lên cơn thần kinh. Thời đó, thơ như thế là “gai góc” quá, thậm chí là “phản động”, không những bị cấm in mà còn bị cấm đọc. Cái thời hễ có ai phát ngôn khác đi so với công thức phát ngôn chính thống thì đều bị qui là “phản động”, bị “kiểm thảo”, bị “kỷ luật”...

Bản thân tôi, năm 1973-1974 ở Hà Nội cũng đã từng khốn đốn, lao đao vì mấy bài thơ “có vấn đề” bị viết bản “tự kiểm” (14 trang giấy khổ lớn, hồi ấy gọi là “giấy năm hào hai”). May thay, cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975 bùng nổ, rồi thống nhất đất nước… Sự kiện lịch sử lớn lao xóa phăng đi cuộc sát phạt nhỏ mọn trong làng văn tù túng, lũ chúng tôi bỗng tự nhiên thoát nạn.

Thế mà ngay khi tôi vừa viết xong bài Đánh thức tiềm lực, đột ngột được tin lão thi sĩ Hoàng Cầm bị tống ngục Hỏa Lò chỉ vì tội tự ý phát tán bản chép tay tập thơ Kinh Bắc (+) của chính ông, trong đó có bài Lá diêu bông “ám chỉ chủ nghĩa xã hội là không tưởng”. Tôi không khỏi chột dạ. Tự xem xét lại mình, thơ của tôi rõ ràng là có “rất nhiều vấn đề”. Xin nhớ cho, lúc đó là giữa năm 1982.

Lời nói thật thà có thể bị xử tội. Lời nịnh hót, dối lừa có thể được tuyên dương.Có cái miệng làm chức năng cái bẫy. Sau nụ cười là lởm chởm răng cưa. Có cái môi mỏng ráp hơn lá mía. Hôn má bên này bật máu má bên kia. Có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa. Khái niệm bắn đi không biết lối thu về…Cần lưu ý có lắm nghề lạ lắm. Nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau. Nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo.Nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào. Có cả nghề siêu nghề gọi là nghề không làm gì cả. Thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề

Viết thế ấy thì in ở đâu và đọc cho ai? Chỉ dám đọc chơi với vài bạn rượu tri kỷ. Được đoạn nào “rỉ tai” đoạn nấy, từng đoạn, từng đoạn rời rạc. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng an ủi tôi: “Cứ đợi đấy, rồi sẽ đến hồi có người nghe và có người in”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì “triết” hơn: “Sự chân thành tự nó hóa giải bế tắc. Hãy xem lại cái cây mình có thật ngay thẳng không. Cây ngay chẳng sợ chết đứng”. Tôi đã thấy những “cây ngay” mà vẫn bị “chết đứng”, nên lòng cứ thấp thỏm một nỗi lo ngại không xác định, tự nhủ mình phải giữ gìn, chớ hớ hênh mà rước vạ.

Đọc thơ "dù có ra sao cũng đành"...

Khốn nỗi, cũng giống như có ghẻ phải gãi, có thơ không thể không đọc. Không được in thì cứ đọc, mai sau dù có ra sao cũng đành… (một câu hát của Trịnh Công Sơn). Oái oăm thay, lần đầu tiên tôi công bố Đánh thức tiềm lực, đọc liền mạch hoàn chỉnh toàn bài thơ, lại là đọc tặng một người thuộc lớp người “đáng sợ” nhất lúc bấy giờ: ông Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM.

Hồi đó, khoảng đầu thu năm 1982, ông Sáu sắp sửa thôi giữ chức bí thư thành ủy để ra Hà Nội làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông Nguyễn Quang Sáng chợt nảy sáng kiến họp mặt vài anh em bạn ruột (ngay tại căn hộ lụp xụp của ông trong khu tập thể 194B Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để mời ông Sáu đến… chơi!

"Quí trọng ông Sáu thì tụi mình mới mời ổng uống ly rượu đế.đế. Trước, để coi ổng có chịu đến chơi không. Sau, để nói thẳng nói thật với ổng chút ít tâm sự của tụi mình về tình hình thế sự”. Ông Sáng xác định “mục đích và ý nghĩa” cuộc gặp như vậy, rồi gọi điện thoại “thử ” xin nói trực tiếp với ông Sáu. Ông Sáu nhận lời ông Sáng.

Cuộc “chơi” hôm đó thật thoải mái và vui vẻ. “Phe văn nghệ” có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, nhà thơ Nguyễn Bá (từ Cần Thơ lên) và tôi. “Phe chính trị” có mỗi ông Sáu.

Với nét cười hồn hậu, cởi mở, ông Sáu nói rất ít, không một lời “huấn thị”, chỉ kể một kỷ niệm vui vui hồi chiến tranh, rồi chăm chú lắng nghe chúng tôi hát và “tự do ngôn luận”. Nguyễn Quang Sáng nói chuyện viết và lách, viết đã khó, lách còn khó hơn. Trịnh Công Sơn vừa hát tình ca vừa góp ý với lãnh đạo thành phố về vấn đề… ẩm thực. Trần Long Ẩn trổ tài “ca bài ca cà chớn”, những ca khúc lời nhại hài hước diễu cợt cả thời đại. Còn tôi, không biết nói gì hơn là “xin đọc tặng anh Sáu một bài thơ vừa ráo mực, bài Đánh thức tiềm lực...”.

Bản án nhân tình
Xin chèn ngang một mẩu chuyện cũ… Tôi chỉ mới được gặp ông Sáu có mỗi một lần, khoảng giữa năm 1981, trong buổi tổng kết cuộc sinh hoạt chính trị (do nhà thơ Bảo Định Giang điều hành) chuẩn bị thành lập Hội Nhà văn TP.HCM. Thấy nhiều người đọc thơ tặng ông Sáu, tôi cũng đọc, bài Ông già Hậu Giang ngang tàng (bản in sau đó đổi ra Ông già Nam bộ), và bài Bán vàng - để “báo cáo” với bí thư thành ủy về đời sống thực của số đông thi sĩ lúc bấy giờ. Khúc dạo đầu còn e ngại lắm, nơm nớp lo có người ngăn cản:

“… Tâm hồn ta là một khối vàng ròng/ đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi/ để mặc kệ mái nhà xưa dột nát/ mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác/ mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao/ ta rất gần bể rộng với trời cao/ để xa cách những gì thân thuộc nhất”...

Không bị ai chặn lời, tôi mạnh dạn “làm tới”: “...Cái ác biến hình lởn vởn quanh ta/ tai ách đến bất thần không báo trước/ tờ giấy mong manh che chở làm sao được/ một câu thơ chống đỡ mấy mạng người/ Vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm/ không cái sợ nào bằng cái sợ sinh con/ hạnh phúc lớn vòng tay ôm không xuể...”.

Vẫn không thấy ai chặn lời. Phòng họp lặng ngắt. Tôi bình tâm kết thúc bài thơ:

Thì bán bớt đi một ít vàng ròng / để sống được qua ngày gian khổ đã/ phải sống được qua cái thời nghiệt ngã/ để khối vàng đây chỉ đổi lấy mây trời!

Sau cuộc họp đó tôi không những không bị “búa” như dự đoán của tôi và của nhiều người khác, mà lạ thay còn được người thư ký của bí thư thành ủy tìm gặp: “Anh Sáu nhắn cậu chép tặng anh ấy bài Bán vàng và bài Ông già Hậu Giang để làm kỷ niệm tình cảm”. Tôi hơi ngại, hỏi lại Nguyễn Quang Sáng: “Liệu có phải ông Sáu cần văn bản chứng cớ để xử lý?...”. Ông Sáng nói: “Chắc không phải. Nếu muốn xử, ổng chỉ cần ra lệnh”. Tôi bèn chép hai bài thơ và không quên ghi cẩn thận dưới tên mỗi bài: Tác giả chép tặng anh Sáu Dân để làm kỷ niệm tình cảm.

Ít lâu sau, tại cuộc gặp gỡ nhân dịp đại hội thành lập các hội nghệ thuật chuyên ngành của thành phố, với tư cách bí thư thành ủy, ông Sáu nói chuyện với đông đảo văn nghệ sĩ. Trong bài nói không dài đó của ông Sáu Dân có một đoạn tôi không bao giờ quên: “Vừa qua, tôi đã nghe và đã đọc bài thơ Bán vàng của nhà thơ Nguyễn Duy. Theo tôi, đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn nhận sự thật để cùng nhau vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin là tin ở con người...”.

Lần đầu tiên tôi trực tiếp nghe một bài huấn thị chính trị như thế, trực tiếp thấy một nhà lãnh đạo chính trị ứng xử như thế. Đó là khoảng giữa năm 1981. Quả là bất ngờ. Tự nhiên tôi xúc động, vì một cái gì đó mà tôi chưa biết gọi nó là cái gì, hình như nó chỉ là cái lẽ nhân tình bình thường mà sao ta ít thấy ở những vị quan lớn. Và, tự nhiên tôi cảm thấy tin ông…

Đánh thức...

Lúc này, với tất cả nỗi niềm “tin ở con người”, tôi lại trang trọng kính tặng ông Sáu một “rừng gai góc” mới. Tôi đứng ngay ngắn, nhìn thẳng ông Sáu mà đọc, thấy ông không cười cười nữa, hơi cúi đầu đăm chiêu với gương mặt bình thản không phơi lộ cảm xúc. Tôi cũng bình tâm làm phận sự của mình:

“…Xưa mẹ ru cho ta ngủ yên lành/ để khôn lớn ta hát bài đánh thức/ có lẽ nào người lớn cứ ru nhau/ ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt…/ Tiềm lực còn ngủ yên trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng/ Tiềm lực ngủ yên trong bộ óc mang khối u tự mãn.

Không ngắc ngứ, không ngừng nghỉ, tôi kéo một lèo khoảng 10 phút cho đến hết bài thơ. Thấy ai nấy ngồi lặng. Ông Sáu cũng im lặng chốc lát, mới chậm rãi: “Nặng lắm. Nhưng chịu được”. Hình như ông vừa trải qua một cuộc tra tấn. Rồi ông tiếp: “Nếu kể về cái tiêu cực thì tôi kể cả ngày không hết. Còn nếu kể về cái tích cực thì tôi kể cả tuần cũng không hết. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hóa. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được...”.

Nghe ông Sáu, tôi thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ nỗi lo ngại không xác định lâu nay vốn nặng trĩu lòng. Thì ra những câu thơ “khó chịu” thế kia không phải chờ đến mai sau mới có người lắng nghe và chia sẻ. Những người “chịu nghe” và “chịu được” loại thơ “nặng lắm” ấy đã hiện diện quanh tôi ngay từ “thời khó thở” đó.

Tiềm lực thức giấc...

Sau cuộc đọc thơ đó, tôi bèn đem Đánh thức tiềm lực đi đọc và “phát tán” ở nhiều nơi. Có nơi “hoan hô nhiệt liệt”, mời đọc, cho phát hành bài thơ bằng băng ghi âm hoặc bản in rônêô. Lại có nơi cấm đọc, cấm lưu hành cũng bài thơ đó. Nó xuất hiện muộn hơn trên mặt báo và sách. Lần đầu tiên Đánh thức tiềm lực được in là trên tờ Văn Nghệ Đồng Nai do nhà thơ Xuân Sách làm tổng biên tập, số tháng 12-1984. Nhưng tờ báo văn tỉnh lẻ này chỉ ra mỗi tháng một kỳ, mỗi kỳ mấy trăm bản, loanh quanh trong “xóm” Đồng Nai, ít ai biết đến.

Mãi cuối năm 1986, sau nghị quyết “Đổi mới” của Đại hội VI Đảng Cộng sản VN – được coi là đại hội “mở cửa” và “cởi trói” - bài Đánh thức tiềm lực mới được đăng nguyên văn trên báo TT, được phát hành khắp trong nước và ngoài nước. Năm 1987, Đánh thức tiềm lực có mặt đàng hoàng trong tập thơ Mẹ và em cùng với bài viết “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy” của Nguyễn Quang Sáng (Nhà xuất bản Thanh Hóa).

Và từ đó nó đã được chọn vào nhiều tuyển tập. Có một dòng đề từ ngay dưới tên bài thơ, tôi viết thêm sau cuộc đọc thơ vừa kể, để ghi nhớ một kỷ niệm sâu sắc thời kỳ trước đổi mới: “tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”. Chính nhờ có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, những người dám “xé rào cơ chế”, dám “chịu nghe” những gì khác đi, thậm chí là ngược lại cái công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình… như ông Sáu Dân, chúng ta mới có được một con đường đổi mới với những ngày “dễ thở hơn” như hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Duy

MỘT BÀI BÁO VỀ CHÚ SÁU


Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Hoàng tử Vĩnh Giu.
Nay cả hai ông đều đã hoá thành người thiên cổ !

Tôi không nhớ số tiền cụ thể trong bì thư là bao nhiêu.
Chỉ biết đó là tiền túi của chú Sáu và chú dặn tôi đưa cho ông Vĩnh Giu sao cho khéo khéo để phụ ông cụ tiền thuốc thang. Cũng nhờ có sự can thiệp của chú Sáu mà ông Vĩnh Giu đã có một căn nhà tại Khu dân cư 586 Cần Thơ.


CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM GIỮA
“HOÀNG TỬ XÓM NGHÈO” VÀ “ÔNG CỐ VẤN”

HỒNG HẠNH

1... Tháng Chạp cuối năm. Những sạp báo ven đuờng giăng đầy những ấn phẩm Xuân sặc sỡ sắc màu. Ngỡ như, Tết đã kề bên. Lướt qua mới thấy, có khá nhiều bài báo Xuân viết về ông. Có nhiều câu chuyện mà đến giờ người ta mới biết qua hồi ức của những nhân vật thuộc tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức chế độ cũ – những con người mà nếu không có tấm chân tình của ông, ắt họ đã không chọn con đường ở lại và yêu đất nước nầy đến vậy...

Một ngày cuối tháng Chạp, nhân vật mà tôi vừa nhắc đã lặng lẽ lên xe về miền Tây. Những phố xá đầy sắc màu trôi tuột đằng sau. Suốt chặng đường, ông cứ xem đi xem lại bài báo về vị hoàng tử trong xóm nghèo mà Thanh Niên vừa mới khởi đăng.

Riêng ngôi nhà nhỏ nằm cuối một xóm nghèo Cần Thơ vẫn lặng lẽ như bao xóm nhỏ khác. Vị chủ nhân của ngôi nhà nhỏ bé ấy vừa đi uống cà phê sáng về như mọi khi. Hai ông già với hai mái tóc đều đã bạc phơ bất thần gặp nhau giữa cái hẻm sâu hun hút, ngoằn nghèo, chung quanh là vách tuờng dựng đứng của những ngôi nhà cao tầng mọc san sát...

- Tôi vừa mới đọc báo xong liền xuống Cần Thơ kiếm ông đây. Ông đọc Thanh Niên số hôm qua chưa?
- Ôi trời, chào... ông cố vấn. Tôi thấy ông trên ti vi hoài giờ mới được diện kiến. Vậy chớ, ông có khoẻ không?
- Tôi bây giờ là công dân nên... khoẻ rồi. Còn ông?
- Khoẻ gì nỗi ông ơi. Báo mới đăng buổi sáng, 10 giờ đêm đám mua bán đồ cổ đã gõ cửa nhà tôi rồi. Mà... ông đi thăm tôi thiệt sao? Bộ ông tin những lời tôi nói trên báo là thiệt hả?
- Sao lại không? Ông với tôi cùng tuổi nữa đó. Vậy, ông nghĩ xem tôi tin ông không?
- Ông thì chắc là tin tôi. Nhưng... trễ rồi ông à! Tôi giờ thuộc dạng “trùm mền”, giở ra làm gì nữa. Vả lại, nói ra liệu có ai tin tôi. Những chuyện tỷ như vì sao vua Duy Tân đi lính cho Pháp, rồi uẩn khúc gì đằng sau chuyện tại sao anh tôi chỉ chọn nghề truyền tin. Hồi ở đảo Réunion, nhiều đêm vua Duy Tân thức tới 4 giờ sáng ông à...
- Sao lại trễ. Lịch sử không thể nào phủ định được phải không ông. Vấn đề là thời gian. Lịch sử là nói ra người ta hiểu, chứ đâu nhất thiết phải là văn tự. Tôi nghĩ, những mẩu chuyện về vua Thành Thái, về vua Duy Tân hồi ở đảo Réunion và cả chuyện riêng của ông mà ông vừa nói trên báo là yêu nước đấy ông ạ. Đối với người Việt Nam, điều đó quý vô cùng.
- Yêu nước là bổn phận của mọi công dân phải không ông. Quý nhất, cần nhất, con người ta còn phải biết hy sinh...
- Tôi báo cho ông một tin vui nghen. Năm 2003 này, sẽ có những cuộc hội thảo lịch sử để đánh giá công lao của triều Nguyễn đối với việc khai phá đất phương Nam. Mà theo tôi, gốc tích của mình, truyền thống của mình từ đâu mà ra. Vẫn từ vua chúa cả thôi. Vua chúa mình lãnh đạo nhân dân đánh giặc ngoại xâm giỏi lắm chớ. Còn trong bất cứ triều đại vua chúa nào, bao giờ mà không có những ông nọ, ông kia... Phải không ông?

... Câu chuyện giữa hai ông còn kéo dài khá lâu. Những nếp nhăn trên trán đã giãn ra. Chốc chốc lại rộ lên những tràng cười sảng khoái. Thằng cháu cố của “hoàng tủ” cứ kéo tay áo ông khách lạ ra điều lạ lắm. Lại thấy, hai ông già rủ rê nhau đi dùng cơm trưa với nhau như những người bạn già cố tri lâu ngày mới gặp...

2... Nói là vậy, chứ cũng mất đến cả một ngày sau, hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu – con vua Thành Thái, em vua Duy Tân - mới tin rằng, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nôn nả về Cần Thơ chỉ là để thăm ông. Ông Giu bảo với tôi rằng, hồi nào đến giờ ít nguời quan tâm đến lời ông nói. Ông nhớ mãi chuyện một vị cũng có ăn học hẳn hoi, muôn lần như một gặp chỉ hỏi một câu: “Vua Duy Tân có phải là bác của ông không?”. Những câu hỏi ngô nghê như vậy, rồi chuyện cơm áo gạo tiền để độ nhật khiến ông chỉ muốn xếp lại những câu chuyện ngày xưa. Ngay cả những người dân cố cựu tại Cần Thơ cũng chỉ biết đến ông như một ông đốc công già tại Ty Giao thông Công chánh cũ. Sáng sáng, ông hay nhâm nhi ly cà phê nóng với hai ông bạn già – một kỹ sư, một trắc lượng viên - cùng sở làm hồi xưa tại quán 48, Ngô Quyền.

Có điều, phong tục, luật lệ hoàng phái vẫn còn đó trong ông, vẫn thể hiện qua những điều ông dạy con, dạy cháu. Hổm rày, ông Giu cứ băn khoăn hỏi tôi mỗi một chuyện, rằng: “bé Thanh Loan – cháu nội của ông – khi hầu chuyện “ông cố vấn” có điều chi thất lễ không? Lẽ ra tôi phải dạy cho nó trước”. Rồi chuyện đứa cháu nội đang sống tại Sài Gòn. Thân con gái đang tuổi lớn, liệu người lớn có dạy nó đủ phép tắc ở đời hay không. Ngay cả chuyện, con trai cả của ông đem giấy tờ nhà cửa ra cho “ông cố vấn” xem ông cũng buồn lắm. “Tôi có con mà không biết dạy con. Nó làm mà không hỏi ý tôi. Tôi đã nói với nó rồi. Cái gì đã qua thì cho qua đi. Tôi hiểu sâu xa lời “ông cố vấn” nói với tôi lắm chứ. Cụ Hồ đã làm đuợc điều mà cha tôi, anh tôi không làm được là tôi hoan hỉ lắm rồi. Chuyện của mình có đáng gì đâu. Hồi đó, chỉ vì không có độc lập mà cả ngai vàng, châu báu trong tay, cả cha tôi và anh tôi còn vất đi kia mà”. Ông Giu cứ nhớ mãi chuyện hồi năm 1916, khi cả hoàng tộc bị đày sang đảo Réunion, chính quyền Pháp đã cấp cho một toà lâu đài lộng lẫy, tiện nghi nhưng kèm theo một thứ tự do giả hiệu. Hết thảy mọi chuyện: bóng đèn hư, ống nước nghẹt... cả hai vua đều phải làm... tờ trình xin phép thay. Thế nên, chẳng bao lâu sau, cả hai vua đều từ bỏ toà lâu đài lộng lẫy đó để ra ngoài sống – tuy có cực khổ nhưng lại có tự do, dù chỉ là một chút. Căn nhà đó, ông Giu còn nhớ địa chỉ: nhà 92, rue Saint Marie.

Cũng chuyện “giấy rách phải giữ lấy lề”, ông Giu bảo, ông ảnh huởng rất nhiều từ nền giáo dục vua cha và nhất là mẹ ông – bà hoàng phi Chí Lạc – nhũ danh Hồ Thị Mừng. Ông nhớ, ông và các anh em của ông nguời thì ra tại đảo, người thì qua đảo khi còn bé tí, nhưng vua Thành Thái bắt buộc cả nhà phải nói tiếng Việt Nam. Có lần, vua Duy Tân đến diện kiến vua cha hầu chuyện, trong câu nói vô tình đệm thêm vài tiếng Pháp đã bị vua Thành Thái giận dữ đuổi ra ngoài. Hầu như, mỗi dịp tế lễ, giỗ chạp tại đảo Réunion cả nhà đều mặc triều phục. Trong đó, người chuyên may áo đại lễ là mẹ của ông Giu - hoàng phi Chí Lạc và người chị của ông – Công Tôn Nữ Nguyễn Phước Lương Thâm (bà Thâm vừa mới qua đời năm 2002 và là người giữ nhiều kỷ vật của vua Thành Thái nhất – điều nầy Thanh Niên sẽ có dịp trở lại ở những kỳ sau). Hoàng phi vốn xuất thân từ một gia đình có cha là tri huyện, thế nhưng khi sang đảo thì lo lắng, tần tảo cho vua Thành Thái như bất kỳ một người phụ nữ Việt Nam nào khác. Ông Giu còn nhớ, lối những năm 44, 45 khi thế chiến nổ ra, tàu bè không lưu thông, hàng hoá không có. Sợ vua Thành Thái không có cau trầu để nhai, bà hoàng phi đã tất tả đi chặt xác dừa phơi khô và sai ông Giu lên núi tìm bằng được lá trầu kiểng đem về. Ông Giu thấy được ra khỏi nhà chơi thì thấy khoái, lại thêm tối lại được vua cha khen: “Cái thằng ni khá hỉ. Giao cho cái chi làm cũng được. Rứa ta kêu mi bằng tên Được nghe”. Cụ Giu bảo tôi, vua cha đã đặt cho ông đến 6, 7 cái tên như vậy...

Câu chuyện của ông Giu cứ như những lát cắt trở về lớp thời gian xưa. Rồi chuyện, ông định thu vén, dành dụm kiếm tiền để về Huế dự giỗ kỵ vua Thành Thái vào ngày 16 tháng 2 âm lịch tới đây. Cả chuyện làm sao có điều kiện để đi gom góp, tìm kiếm những kỷ vật của vua cha, vua anh. Cả chuyện, sơ sót kỹ thuật của báo chí khi chú thích nhầm dưới tấm hình của vua Thành Thái, vua Duy Tân số hôm rồi. Chỉ có thế. Tịnh không có một lời nào về hoàn cảnh hiện tại ông đang sống, dù tôi cố gợi... Mà nhìn vóc dáng gầy guộc của ông, đã như đèn treo trước gió.

3... Kể từ sau ngày lặn lội tìm gặp hoàng tử trong xóm nghèo về, hầu như ngày nào cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng điện thoại xuống Cần Thơ để hỏi han tình hình gia đình ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu. Có lúc chỉ là những chuyện thật đời thường như làm sao sửa được căn nhà nhỏ bé mà mỗi khi mùa mưa đến, nước lại ngập sâu đến 3 tấc. Cho đến chuyện bé Thanh Loan – cháu nội ông Giu – đi làm việc ở nơi mới có còn bị người ta “ăn hiếp”. Rồi hỏi chuyện ông Giu có còn bị mấy tay mua bán làm quấy rầy gì không. Lại nghe, đã mấy ngày nay ông Kiệt cho người đi tìm đứa cháu nội ông Giu đang sống khó khăn ở đất Sài Gòn nhưng chưa gặp. Và lần nào cũng vậy, trong giọng nói, trong câu chuyện, tôi luôn thấy ông Kiệt ray rứt không an tâm khi nhắc đến ngôi nhà của ông Giu: “Báo chí phải bàn bạc với địa phương, nói với những nơi có trách nhiệm tìm cách thế nào. Chứ một gia đình như vậy, dòng dõi một vị vua yêu nước hẳn hoi, mà đến 19 khẩu sống đậu bạc trong một ngôi nhà có 60 mét vuông coi sao được. Bác Hồ mình dạy phải coi trọng chính sách đại đoàn kết dân tộc là trong những chuyện như thế này đây. Mà theo chú, đâu đợi đến con vua, con chúa, ngay cả những người dân bình thường nhất mà sống một cuộc sống quá kham khổ như vậy cũng coi sao đành”.

Chợt nhớ, sau khi Thanh Niên khởi đăng loạt thông tin về hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu đã có rất nhiều thông tin, rất nhiều độc giả đã gọi đến toà soạn. Không chỉ, tỏ lòng quan tâm, kính trọng đối với ông Giu, ngõ ý muốn giúp đỡ gia đình ông cụ, mà rất nhiều độc giả đã nói nhiều về việc làm của ông Kiệt. Một cô giáo về hưu đã nói rằng: “Tôi và bạn bè tôi tin ở ông và ở việc của ông làm”.

Lại chợt nhớ, lời ông Kiệt dặn đi dặn lại hôm rồi. “Phải tìm hiểu cặn kẽ lịch sử hơn, với một cái nhìn thông thoáng hơn. Không chỉ chuyện vua quan triều Nguyễn không thôi. Có nhiều trường hợp nếu nhìn dưới góc độ điền chủ thay vì địa chủ thì có phải dễ chịu hơn không. Cần nhất phải biết nhớ ơn những ai đã đi tiên phong khai phá mảnh đất phương Nam nầy. Hôm dùng cơm với cụ Giu, cụ hỏi chú một điều mà chú cứ ray rứt mãi – Ông nghĩ gì khi tụi nhỏ bây giờ xem phim tàu, thuộc sử tàu hơn là thuộc sử Ta” (!).

Quả là một câu chuyện cuối năm đáng để nhiều nguời suy ngẫm.

Tháng Chạp, Nhâm Ngọ
H. H.

CHÚ SÁU DÂN ĐÃ RA ĐI !

Chú Sáu Dân – nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt – đã ra đi lúc 6h40’ ngày 11.6.

Quá bất ngờ. Quá hẫng hụt.

Nhà thơ Lê Chí bảo với tôi rằng, đó là mất mát quá lớn với mọi người dân như anh, như tôi. Nhưng đó là một kết thúc đẹp với chú Sáu. Khi mà ông hoạt động không ngơi nghỉ cho đến giây phút cuối cùng. Ông luôn bức xúc, đau đáu trước thời cuộc. Mới đây, ông còn có một bài rất có giá trị về việc nên hay không nên mở rộng thủ đô.

Mất ông đồng nghĩa với việc mất đi một nhà phản biện tài năng !

Với tôi. Thật may mắn khi tôi có nhiều dịp gần gũi với chú Sáu, làm việc với ông. Chuyện này tôi sẽ viết một entry sau khi bình tâm lại.

Thứ Ba, tháng 6 10, 2008

THĂM O RƠI GẶP MỤ RỤNG !

Như lòng đã quyết. Về Huế nhất định phải vô Thành Nội thăm o Rơi. Phụ chú một tí - chừ thì nhớ tên đường rồi - Nguyễn Chí Diểu. (Cũng may nhờ bác Quý. Bác nói hồi đó có trọ học trong Thành Nội, lại thêm quen một o Huế nên chi rành đường, rành sá lắm ! Tui thì chỉ thuộc có vài con đường như Đinh Bộ Lĩnh, Mai Thúc Loan, Đoàn Thị Điểm thôi à).

Vừa bước vô đã nghe o Rơi kêu lên: “Mới ra hới. Đi mô mà lâu đoản hậu rứa tề. Chừ o ăn cái chi. Răng tui nỏ chộ cô Ánh Tuyết”. Tự nhiên tui rờ lên mặt tui. Tui cũng không hiểu sao mà mấy bà bán hàng ăn, hàng uống lại nhớ mặt tui dữ thiệt. Dù có quán – như quán o Rơi ni chẳng hạn – tui ăn một năm có một lần, ăn xong trả tiền đàng hoàng, không có thiếu chịu, mà cũng không chơi ngông trả một tô cỡ trăm nghìn. Nhớ hôm coi số tử vi, thầy có phán là số tui hay được… ăn, có số ăn ! Chữ “ăn” đúng nghĩa của hắn nghe, đừng nghĩ nầy nọ mà tội nghiệp tui ! Nhìn tấm ảnh tô bún chưa. Giờ nghĩ lại bắt thèm !

Tối thứ Bảy, chị Ánh Tuyết rủ tôi ra Bến Ngự để ăn gà. Ui chao ơi là gà ! Cả một dãy, chục quán là ít. Gà mập ú, vàng lườm. Ăn kèm cháo hay xôi cũng được. Gà xé phay, ngoài Huế kêu rất trúng nghĩa là: gà bóp. Thì bóp thiệt mà, nêm tí muối, tiêu, rau răm, hành… Bóp… bóp… bóp ! Nhìn hình mụ Rụng mập ú ụ chưa. Mụ ni mà… bóp thì phải biết ! Hì Hì…

RA HUẾ ĐỂ... ĂN !

Lại ra Huế đúng mùa festival, nhưng những ồn ào của lễ hội lại khó để thu hút tâm trí của những đứa xa xứ về như tôi. Mà hình như như ai cũng vậy cả. Tỷ như chuyện bác Quý. Từ khi gặp ở sân bay Tân Sơn Nhất cho đến lúc ngồi trên chuyến xe từ Phú Bài về khách sạn, bác Q. cứ điện thoại la í ới chuyện ăn ở đâu, uống cà phê chốn nào, chứ tuyệt nhiên không bàn chi đến chuyện lễ hội. Về đến khách sạn Morin lại thấy rủ nhau đi ăn bún dấm nuốt, đi ăn bánh canh cá lóc… Không phải tâm hồn ăn uống gì đâu. Chỉ để nhớ quê thôi mà !

Tối thứ Sáu, chị Ánh Tuyết điện thoại rủ ra bến xe Nguyễn Hoàng ăn cơm bụi. Ghé quán Kim Liên. Thấy đủ thứ món mình thích. Thịt phay kèm tôm chua, cá ngừ kho, canh mướp đắng nấu tôm. Chao ơi là miếng mướp đắng, vừa đúng một khoanh với những khía, những múi nhỏ xíu xiu. Cái đắng của mướp, cái ngọt của miếng tôm đập dập nghe mới thanh tao gì đâu. Trái khổ qua to, bự múi nở nang, thẳng thớm của miền Nam thua đứt cái vị đắng này đây. Mà hình như cũng lâu lắm rồi mới thấy lại miếng mướp ngày xưa. Ăn xong bữa cơm bụi mới thấm thía một điều rằng, muốn tìm lại hương vị ngày xưa cứ tìm tới mấy tiệm cơm tôi vừa ghé. Cái cách pha đồ màu, cách nấu nướng, bày biện thô mộc đó chính là bữa cơm ngày xưa của nhà mình đó thôi. Đôi lúc, ghé mấy nhà hàng Ngự Viên, Hương Giang… thấy món Huế ngon thiệt đó, kiểu cách thiệt đó nhưng mới xa ngái làm sao.

Hôm sau tôi lại lóc cóc ra bến xe Nguyễn Hoàng. Lần nầy thì ghé thử tiệm Mụ Nhơn. Nghe bạn bè chỉ cho tiệm cơm này. Ban đầu cũng không muốn đi, chỉ vì dị ứng cái chữ… Mụ ! Tôi nhớ hồi nhỏ, nhà tôi sống trong cái xóm Tịnh Xá Ngọc Kinh. Cái xóm bây chừ thấy nhỏ xíu nhưng hồi đó đối với tôi thì nó mênh mông, bí hiểm vô kể. Nhà tôi sống ở lưng chừng xóm. Đầu xóm trên toàn là nhà có công ăn việc làm có chút tiếng tăm. Nhà thì có con là bác sĩ, là giáo sư, là huấn luyện viên bóng bàn… Tệ lắm thì cũng là nhà có lò làm bánh in, thơm nức mũi. Nửa xóm dưới, có cái bến sông thì họ mưu sinh bằng những nghề thấp hơn một xí (hồi đó mình nghĩ vậy, nhưng chừ nghĩ lại cao thấp gì đâu mấy cái chuyện này). Nhà thì trồng rau muống, nhà đi đặt tôm, đặt tép, nhà thì đi ở đợ (cái từ ni nghe nặng dễ sợ, nhưng người ta quen gọi là vậy). Trong số đó có nhà Mụ Lại. O Sáu không thích mụ ni. O nói mụ ni nhiều chuyện, chuyên để ý chuyện nhà người khác. O Sáu nhà cũng ở xóm dưới nhưng chuyên làm nghề giữ con nít. Từ nhỏ tới lúc lên lớp 1 tôi sống với o Sáu. O thương tôi lắm. Thế nên chuyện chi o không thích thì tôi cũng không thích luôn. Tôi ác cảm với chữ Mụ có nguyên do là vậy !

Trở lại với chuyện quán cơm Mụ Nhơn. Mụ ni giàu thiệt nghen. Vòng cổ, vòng tay đeo cẩm thạch thấy sợ luôn nhưng bù lại mụ cười thiệt là hệch hạc, phúc hậu. Tôi gọi cá kho, canh, rau muống luộc. Tô canh cá mó thiệt là ngậm mà nghe. Nhìn tô canh mà hình dung ra cách nấu. Phi tí mỡ, bỏ vô trái ớt đỏ đập dập, tra nước vô. Chừng nước sôi bỏ tô cá đã ướp với tiêu, hành mắm muối vô. Cá vừa chín liền cho vào đó một ít thơm, cà và nhất là măng chua, dưa gang chua vào. Nhắc xuống nêm tí hành lá, rau răm. Nói thêm một tí về con cá mó. Không giống con cá mó nặng mấy ký lô ở Phú Quốc, con cá xứ tôi chỉ nhỏ bằng hai ba ngón tay. Da cá màu đó mỏng tang, miếng thịt bên trong trắng ngần, dai, béo ngậy. Người xứ khác mà ăn miếng canh xứ Huế nếu không khéo thì sẽ ho sặc sụa vì cái cay của ớt tao. Lại nói về miếng cá ngừ kho thấm tới bên trong, cá màu nâu mộc nhưng nước kho thì trong veo, ánh chút mỡ vàng óng thanh tao, kèm theo hai trái ớt xanh kho nẫu ra. Gọi thêm dĩa rau muống xanh lục chấm nước kho thì không còn vui thú gì hơn. Gắp đũa rau muống mà tôi như nhớ lại những năm 75 thiệt là khó khắn. Lúc đó, tôi nhỏ nhất nhà. Không đi bán cà rem như mấy ông anh, không đi trồng khoai, trồng sắn trên Chín Hầm như ba, không xắt khoai, xắt sắn như mạ… Tôi chỉ kham chuyện xếp hàng mua… rau muống ở HTX Thuận Lộc. Bữa thì mua rau ngang, bữa thì mua được rau đọt. Đem về bữa thì luộc, bữa thì chẻ ra bóp rau sống. Có tháng khó khăn ngặt nghèo, phải nấu cháo cầm hơi thì lại thấy mạ xắt rau muống bỏ vô (!) Đôi khi mình nghĩ, nồi cháo tụi tôi ăn chỉ khác cháo heo ở chỗ, gạo được vo sạch hơn, rau được nhặt rửa sạch sẽ, lại tra thêm một ít mắm ruốc. Cũng may mà cái đận khó khăn ấy qua đi và tôi cũng còn quá nhỏ để bị ám ảnh một điều gì. Quên đi và biết bỏ qua mọi chuyện là cách để mình sống an lạc hơn. Thầy Nhất Hạnh có nói một điều mà mình rất thích – Quá khứ thì đã qua đi. Tương lai thì chưa đến. Chỉ có biết sống an lạc trong phút giây hiện tại là quý nhất. Biết là vậy, nhưng sao và miếng cơm mà tôi như nghe nghẹn đắng, mắt cay cay. Cứ nghĩ giá như ba mình còn sống để mình có thể nấu cho ba một món ăn xứ Huế.

Ghé thăm mạ anh Quyền. Anh Q. đi Đà Nẵng, nhắn cho mình một tin: Em ghé thăm mạ anh đi. Nếu em rảnh nói mạ anh nấu cho ăn. Mạ anh nấu món Huế ngon lắm đó ! Nghe ấm lòng quá. Nghe bà cụ nói chuyện còn ấm lòng hơn. Hai bác cháu kể lể từ chuyện ngày xưa đi chùa ăn chay, cho đến chuyện nữ công gia chánh. Lâu lắm rồi mới tìm ra một không gian Huế đến vậy !

(Còn tiếp – Tình hình là về đến Cần Thơ, kho một nồi mắm kho Nam bộ rặt ri. Đợi chừng nào phai hết mùi mắm tui viết tiếp. Kiểu ni chắc phải ăn hết gói mè xửng quá !)

Thứ Tư, tháng 6 04, 2008

LÀM RĂNG HẾT CHÁN HÈ !

Muốn hết chán thì làm răng hè ! Nói thiệt là tui chỉ thích đi thăm mụ Rơi, mụ Rớt thôi tề.

Bún của mụ ni bán thì thôi đó nghe. Ăn vô cay tới mấy cũng… ngậm mà nghe ! Nhiều người noái với tui là bún ngoài nớ ăn không thấy ngon. Họ còn noái hết sức phản động là chỉ bún Huế mà bán ở Sài Gòn thì mới đúng điệu. Ui cha ơi ! Noái rứa mà không biết tội a tề !

Nì ! Mấy người coai cái nồi nước lèo của mụ ni cái. Thấy màu đỏ của ớt chưa - chớ ai mô mà lấy cái màu hột điều, đỏ choét mà có cay co chi mô. Rồi thấy mấy cục dài dài, tròn tròn chưa - chả cua biển đó nghe, cua thiệt chơ không có trộn trứng mô đó. Rồi thấy miếng thịt bò, miếng khoanh giò heo chưa… Đó là tui chưa chụp hình mấy cọng rau thơm Huế, rau thơm lá phải nhỏ rí, màu trắng, thơm nức mũi – chơ ai mà ăn mấy cọng rau thơm to bằng lá mít, phàm phu tục tử rứa !

Thôi, noái nữa bắt mệt. Tui đi mua vé máy bay đây ! Nghe nói lúc ni mụ bán một tô 2 chục, cái vé hai chiều 2 triệu hai năm chục, đi xe xích lô nữa. Vị chi tô bún là 2 triệu ba. Cũng đáng hí !

CHÁN !

Chiều, thả qua Metinfo uống trà, tán dóc. Thở dài và tự nghĩ sao tự dưng mình uể oải thế này, chán chường thế này ! Cứ có cảm giác nhịp sống cũng uể oải như thế, chậm chạp như thế. Một không khí căng thẳng, như cây đàn bị lên dây hơi quá.
Đến bao giờ mới thoát khỏi cảm giác nầy đây.