Thứ Năm, tháng 11 29, 2007

LANG THANG

rừng đước Cà Mau (ảnh Trương Công Khả)
Blog dở chứng. Mạng dở dở ương ương.

Kéo theo đó một vài cái hẹn làm việc qua email không thực hiện được mà chẳng biết xin lỗi sao đây. Muốn lang thang trên mạng để tìm chút quân bình cũng chẳng xong.

Sáng nay, quyết định quảy ba lô lên đường mặc cho V.H kêu gào: sao tui chưa thấy bà chuyển báo Xuân của dưới đó. Nhưng trời hỡi, lộ trình chút xíu nữa của tui nè: về Rạch Giá, xuyên rừng U Minh Thượng, qua rừng U Minh Hạ, bon theo quốc lộ 1A về Năm Căn, kiếm một chiếc tàu vi vu chót Mũi Cà Mau. Cầu mong, dọc đường gió bụi có chút xíu Wifi để tui không phải cầm tờ... A4 !

Mới hay mình lệ thuộc đủ thứ vào cái thế giới ảo hiện đại này.

Chủ Nhật, tháng 11 25, 2007

NGẪM NGHĨ MỘT TRĂM LẦN


Mười ngày nay blogspot dở chứng. Không vào, không ra, không nhìn thấy gì hết ! Trong khi đó đã có bao nhiêu dự định, bao nhiêu nhiêu suy ngẫm sẽ đưa lên entry thứ 100 nầy. Loay hoay, rị mọ. Kết cục, nhập viện 121 để mình và tay bác sĩ trưởng khoa … 4 mắt trợn trừng nhìn nhau (phụ chú một tí: hồi nào tới giờ chưa ai nhìn mình… với cự ly gần đến vậy !).

Ra về với bệnh án viêm kết mạc cùng với 2 chai nhỏ mắt, 2 vỉ thuốc của 4 nhà sản xuất: Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam ! (Lại phụ chú một điều khác: tay bác sĩ khi hỏi han “thân thế” bệnh nhân bèn ghi thêm tên chai thuốc nhỏ mắt thứ 3 – Cats Yey – và nói là hiếm lắm, nhà thuốc bệnh viện có lẽ không có. Mèn ơi, mình đã đi gõ cửa tất tật nhà thuốc sang hèn lớn bé nhưng nơi nao cũng lắc đầu. Google cũng lắc đầu chào thua với cái tên thuốc này luôn !).

Không biết vì cái toa thuốc hợp chủng quốc này hay vì bữa nhậu xả stress tối qua tại đảo Sư Tử mà sáng nay mình lại có thể âu yếm nhìn… em Flatron mỏng dính yêu kiều với cự ly còn gần hơn nhìn tay bác sĩ trưởng khoa ! Blogspot cũng tạm thời thôi dở chứng. May quá !

Mắt đã sáng. Xa lộ ảo đã thông. Vậy mà bao nhiêu ý tứ đều bay biến theo mây, theo trời. Mười ngày qua, mỗi ngày mỗi suy ngẫm, mỗi ngày một ưu tư. Cứ nghĩ mình sẽ viết như vầy, như vầy. Giờ thì trống rỗng. Mà thực ra điều mình nghĩ thì có viết được không !
Vậy mới biết dù cho đã ngẫm nghĩ một trăm lần cũng có chắc gì đâu !

Thứ Năm, tháng 11 15, 2007

HÃY THÔI ÁM ẢNH

Đã nói ra được với đứa bạn thân điều cần phải nói, tuyệt nhiên không thể nào giấu diếm. Tự thân đứa bạn đã biết phải giải quyết như thế nào. Một happy-end (theo cách bạn mình lựa chọn) khiến mình trở nên nhẹ nhõm.

Lang thang lên mạng thử đọc vài thứ linh tinh, lá cải, cả bói toán nữa. Theo đó, số mạng hôm nay của mình sẽ như thế này: “Bảo Bình (20/1 - 18/2) Vấn đề ngân khố sẽ thống lãnh tâm trí của Bảo Bình trong hôm nay. Dáng vẻ vô tư lự hàng ngày của bạn biến đâu mất tiêu, thay vào đó là vẻ mặt đăm chiêu vì không dè chừng được những phát sinh trước mắt. Tuy nhiên, dù gì thì bạn cũng đừng quá lo lắng nhé, ngày mai mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nhiều”.

Chao ơi ! Nếu mà lúc nào cũng có số... luỵ tiền chớ hổng phải luỵ bất cứ linh tinh nào khác thì hay biết bao nhiêu.

Thử nghe một giai điệu vui cho đời thêm hưng phấn:



Ca khúc: LES ROIS DU MONDE
Sáng tác: Gerald Presgurvic
Thể hiện: Cecilia Cara

"Nous on fait l"amour on vit la vie
Jour après jour nuit après nuit"

"Chúng ta yêu thương nhau và chúng ta sống
Ngày qua ngày, đêm lại đêm"

"A quoi ça sert d"être sur la terre
Si c"est pour faire nos vies à genoux
On sait que le temps c"est comme le vent
De vivre y a que ça d"important
On se fout pas mal de la morale
On sait bien qu"on fait pas de mal"

"Có ích gì khi tồn tại trên thế giới này
Nếu chỉ để nhận một cuộc sống quỳ phục
Ta biết thời gian trôi như một cơn gió
Được sống, điều đó mới thực sự quan trọng
Chúng ta không phải là kẻ xấu
Chúng ta biết rõ điều chúng ta làm không có gì sai.
Lời bài hát nghiêm trọng quá, không hợp với những gì mình đang suy nghĩ trong đầu. Nhưng giai điệu thì đúng là thứ mình đang cần.

Thứ Hai, tháng 11 05, 2007

NGHĨ TỪ ENTRY TRƯỚC

Chắc hẳn sẽ có người bảo, mới thứ Hai đầu tuần mà tôi đã đem mấy chuyện… “thiếu tế nhị” ra mà nói (!). Khổ nổi, cái chuyện “thiếu tế nhị” nầy tôi và các bạn tôi đã và đang bàn một cách… hứng khởi từ ngày Chủ Nhật tươi hồng hôm qua !

Chuyện khởi đầu từ cú phone của bác Đ.N.K ngoài Đà Nẵng – bác ta cứ lầu bầu mãi chuyện báo ta cứ mãi đăng chuyện “thiếu tế nhị” khiến cho đề tài bão lụt của bác không còn đất sống. Tôi trợn tròn mắt lên bảo với bác: “Trời ơi, chuyện i… chuyện đ… của cả một dân tộc mà ông cho là nhỏ nhặt hử”. Bác ta phản biện ngay: “Vậy chớ hồi đó thế hệ của em có bức xúc vì chuyện i… chuyện đ… như tụi con nít bây giờ hay không ?”. Hà hà, hỏi vậy là bác Kh. đụng chạm vô quá khứ một thời của tôi rồi. Tôi nhắc bác Kh. nhớ, những năm tôi và bác Kh. mài đũng quần trên ghế nhà trường (văn mẫu hay nói vậy) lại rơi ngay thời điểm bao cấp. Buổi sáng tụi tôi đến trường với cái bụng rỗng không, không sữa, không bánh mì, không cơm tấm, không ốp la… như tụi nhỏ bây giờ. Ấy vậy thì bao tử, thì quả thận lấy nguyên liệu đầu vào nào để mà hoạt động đây. Thế nên, nhà xí trong trường học đã trở thành một hạng mục… không bao giờ được sử dụng vào thời đó. Lại nhớ, hồi đó có một câu chuyện tiếu lâm nói về cuộc thi vẽ tranh biếm hoạ, vẽ sao lột tả cho được cái đói, cái thiếu ăn một thời. Những bức hoạ đại loại vẽ những bộ xương di động, những gương mặt y như Xô ma li, y như năm 1945… đã phải nhường ngôi cho bức ký hoạ bút sắt cô đọng hình ảnh… một cái hậu môn đã bị máng nhện chăng đầy (!). Bác Kh. nghe tôi nói vậy đã cười kha kha và hết… xì chét tự lúc nào.

Cũng liên quan đến chuyện “thiếu tế nhị”. Hổm rày, có một vài đồng nghiệp rất quan tâm và hưởng ứng đến câu chuyện “thiếu tế nhị” của báo tôi. Uống cà phê sáng, bác H.T nói: “Coi bộ cái nầy nói trúng khía anh rồi đó”. Nhưng cũng có vài đồng nghiệp khác bĩu môi mà rằng “Chuyện i… chuyện đ… mà cũng bì đặt đòi đưa lên nghị sự quốc hội”. Tất cả đều phản ánh những vấn đề nóng bỏng - Báo chí hiện đại nên đề cập cái gì ? Quốc hội nên bàn chuyện gì ? Thế nào là lá cải, thế nào là không lá cải ? Thế nào mới thành chuyện đại sự ?

Mở trang BBC ngày hôm nay thấy đủ thứ chuyện thuộc hàng… khủng như: Musharraf bắt phe đối lập, Bà Rice đàm phán ở Jerusalem, Lãnh đạo Đảng đối lập Nhật từ chức, Belarus tổ chức hội nghị cộng sản quốc tế… mềm hơn một chút lại có: Các nhà văn Hollywood đình công, Trái chuối nướng trên đất Rạch Giá… đề tài mà một số nhà báo VN cho là lá cải cũng có luôn: Vàng Anh trên báo Việt, báo nước ngoài… với vô số links.

Vậy nên, hơi đâu mà bàn cãi, hơi đâu mà định nghĩa, mà để tâm. Chỉ biết, tôi thích nấu ăn, tôi nấu ăn khá ngon. Thực đơn mỗi ngày cho thằng con tôi lẽ dĩ nhiên khác với hồi đó, đủ chất (dĩ nhiên), dư đạm (những bà mẹ lo âu thái quá cho con thường gây hại cho con). Nhưng nó vẫn nhất quyết không ăn sáng, không phải mẹ không cho tiền, không phải vì để dành tiền làm kế hoạch nhỏ (một chuyện hết sức hình thức trong trường học xứ mình) mà chỉ vì… nhà vệ sinh trong trường quá dơ (!). Cuộc sống là vậy đó các đồng nghiệp ơi !

TRÍCH TỪ BLOG NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC


"Blog entry 4.11
Báo “Thanh Niên”vẫn tiếp tục câu chuyện nhà vệ sinh học đường. Nhiều nơi đã thấy biến chuyển vội “chữa cháy”. Chắc sắp tới ông Bộ truởng sẽ có một lời nhận khuyết điểm. Vậy mà vẫn có một ông hiệu trưởng nói rằng gặp khó khăn thì phải lo cái mặt tiền trước sức đâu mà lo một lúc nhiều việc.
Cách đây mấy kỳ họp ở nhiệm kỳ trước mình đã từng phát biểu tại QH hiện tượng các quan chức tới làm việc ở đâu cũng thấy tiền hô hậu ủng, cờ quạt, biểu ngữ, có nơi lại còn điểm binh như “đón nguyên thủ quốc gia”. Tiếp đón toàn những nơi “mặt tiền” cả. Không nói đến chuyện tốn kém, nhưng như thế thì làm sao sâu sát được. Chắc chắn ông bộ trưởng hay quan chức ngành giáo dục đến thăn các trường học chẳng ai noi cái gương của Cụ Hồ là xem nơi ăn, chốn ở, chỗ vệ sinh của dân. Đó cũng là biểu hiện của thói tệ quan liêu và thói xấu “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại” mà nhà văn Vương Trí Nhàn với một loạt bài viết trên “Thể thao-Văn hoá” rất đáng đọc. Vì thế mà viết tiếp câu chuyên “ỉa-đái” dưới đây.
Nghĩ tiếp chuyện tuần trước
Bài nghĩ ngợi tuần trước vừa đăng thì gặp ngay ông quan chức của Bộ Y tế mà bài báo đã nhắc đến, tại hành lang Quốc hội khi ông tháp tùng bộ trưởng của mình đến dự phiên bàn về luật “Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”. Ông tiến sĩ bảo vệ đề tài “Các loại nhà tiêu trong vùng nông thôn Việt Nam” được các thày đánh giá cao vì vấn đề “giải quyết đầu ra” cho đời sống sinh học của con người là vấn đề không chỉ của Việt Nam.
Trong bài “nghĩ ngợi cuối tuần” truớc gửi đến cho tòa soạn, có một đoạn tôi viết rằng ở “Pari hoa lệ” mới vài thế kỷ cách đây, ban đêm người dân đô thị giải quyết đầu ra vào bô rồi đến sáng hắt qua cửa sổ… khiến cho những chiếc ô của các qúy ông và qúy bà không chỉ có tác dụng che mưa nắng mà còn để đề phòng những chậu nước thải bất ngờ dội từ trên các ô cửa sổ xuống. Nhưng có lẽ các nhà biên tập của qúy báo cho đó là chuyện không thể có nên “kiểm duyệt” cắt mất. Nhưng mở lại tạp chí sử học nổi tiếng của Pháp là tờ “Historia” thấy họ không chỉ viết thế mà còn đưa ra những ảnh minh hoạ thuở đương thời vẽ cảnh trạng này với lời chú là xảy ra ở đầu thế kỷ XIX và lại có cả tranh vẽ cảnh các bà các cô trong những bộ cánh sang trọng đang vén xống áo làm ngay một bãi tè giữa đường phố trước con măt kinh ngạc của một người Anh, rất giống với cảnh một thời ở nhà quê, các bà các chị nhà ta thường mặc cai váy đụp rất tiện lợi vì kín đáo khi giải quyết việc đó ngay trên đuờng làng hay trên đường cái quan.
Vấn đề vệ sinh đô thị từng là một vấn nạn của những xã hội phát triển trước khi loài người phát minh ra cách tiêm chủng các loại văc xin phòng ngừa những nạn dịch tiêu diệt một bộ phận không ít dân số của các đô thị. Ở Hà Nội hồi cuối thế kỷ XIX khi người Pháp đang khuếch trương phát triển đô thị thì một cơn dịch tả đã khiến chính quyền và dân cư kinh hoàng đến mức phải biến khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành một nhà thương dã chiến và cách ly. Chính viên toàn quyền Đông Dương Paul Bert cũng mắc dịch rồi bị chết.
Nước nhà vừa giành được độc lập, một trong những việc quan tâm hàng đầu của cụ Chủ tịch nước là xây dựng “Đời Sống Mới”. Cụ mời anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ xúm tay vào việc này. Trên tờ báo “Tiền Phong” của Hội Văn hoá Cứu quốc theo lệnh của Cụ Hồ, anh chị em hội viên nghiên cứu và sáng tác ra các tiêu chí về “Đời Sống Mới’ dưới dạng các câu khẩu hiệu tuyên truyền rộng khắp. Trong đó, vấn đề giải quyết nhu cầu “đái-ỉa” là điều không thể thiếu. Xin đơn cử: “một nhà ga đời sống mới phải có: nhà xí”; một chợ đời sống mới phải có “chỗ phóng uế, chỗ chứa rác”; một thành phố đời sống mới phải có “chỗ phóng uế cho thực nhiều”…
Đến khi phải rời thành phố lên chiến khu, Cụ Hồ còn dạy cho cán bộ chiến sĩ của mình phương pháp mỗi lần đi làm việc ấy thì mang theo một cái xẻng, xong việc thì lấp đất lên vừa vệ sinh, vừa lợi đất lại vừa giữ được bí mật…
Ông tiến sĩ “nhà tiêu” bạn tôi còn lưu ý đến một thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này. Đó là cái hố xí hai ngăn. Nguyên lý cơ bản của nó là tách được nước tiểu khỏi phân và thực hiện việc ủ phân tại chỗ. Chỉ cần ủ đúng quy trình bằng các loại chất độn thích hợp nhưng rất dễ kiếm thì không những không khí không bị ô nhiễm mà chất lượng phân đem bón vừa bảo đảm vệ sinh môi trường lại trở thành một nguồn lợi lớn.
Cái hố xí hai ngăn này với những tiện ích của nó thực sự đã cải thiện căn bản cái vẫn nạn “đổi thùng” của Hà Nội cũng như một vài đô thì khác ở miền Bắc trước khi loại hố xí tự hoại (mà thời đầu dân vẫn quen gọi là “hố xí máy”) trở nên phổ biến sau ngày miền Nam giải phóng. Tôi đã từng thấy trong một vài cuốn sách nước ngoài viết về Việt Nam đã vẽ sơ đồ cái hố xí hai ngăn để biểu dương nó như một phát minh quan trọng. Tôi đã xem Bảo tàng Thành phố London trong đó bày một cách trang trọng các loại “xí” mà người dân thủ đô nước Anh đã dùng qua mỗi thời và nghĩ rằng một ngày nào đó tại Bảo tàng Thành phố Hà Nội cũng nên xây một cái “nhà xí hai ngăn quen thuộc một thời.
Ông bạn tiến sĩ của tôi thì khẳng định rằng đó là một phát minh quan trọng mà những nguyên lý của nó đang được một số nước kể cả một số nước tiên tiến ứng dụng trong khuynh hướng được gọi là “vệ sinh khô” nhằm ứng phó với việc nguồn tài nguyên nước ngày càng trở nên khan hiếm. Cứ làm một con tính, theo cung cách phổ biến hiện nay, mỗi một bãi đái phải tốn từ 3 đến 5 lít nước xả, mỗi một bãi ỉa thì chừng gấp đôi, tổng số nuớc đáp ứng cái nhu cầu không thể không có này lớn đến nhường nào.
Tiến sĩ còn cho biết ngọn nguồn của “hố xí hai ngăn” này từ một cán bộ của địa phương tỉnh Quảng Ngãi (đến nay chưa xác minh được tính danh), nhưng sáng kiến này được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất quan tâm. Là một nhà dịch tễ học, bác sĩ Thạch nhận ra những ưu việt của giải pháp xử lý này. Lan truyền trong ngành y câu chuyện đã thành truyền thuyết là Bác sĩ Thạch luôn đặt trên bàn làm việc và trước mặt mình một cái lọ đựng thứ phân đã được ủ đúng quy cách lấy từ nhà vệ sinh của mình để chứng minh cho mọi người tác dụng của sáng kiến nọ để thuyết phục áp dụng loại nhà vệ sinh này trong đời sống…
Tiến sĩ lại cho biết vấn đề giải quyết việc ỉa đái này cũng đựơc coi là vấn đề toàn cầu vì nó thiết thực với chất lượng sống cũng như vấn đề môi trưòng sống của con người. Ở các nước phương Tây phát triển khi đã đạt tới việc ứng dụng những kỹ thuật, thiết bị tiên tiến cho các loại nhà vệ sinh thì bắt đầu quay trở lại việc nghiên cứu theo chiều hướng bảo đảm môi trường và tái sử dụng các chất thải. Ở Thụy Điển chẳng hạn, nước tiểu ở những nhà vệ sinh công cộng đựơc góp lại vào những xtec để tái sử dụng việc trồng các sản phẩm sạch. Họ cho rằng giải pháp làm sạch rồi thải vào các nguồn nước các chất do con người thải ra là hạ sách và lãng phí… Họ còn tính toán rằng số chất có ích sản sinh từ những bãi nước đái của mỗi người thải ra đủ đáp ứng nhu cầu mà người đó cần đến trong cuộc sống.
Cách đây hơn một thập kỷ ở Trung Quốc các nhà khoa học đã nêu vấn đề một cách nghiêm túc là “Trung Quốc cần có một cuộc cách mạng các nhà vệ sinh”, thì vào thời điểm này, khi đang tăng tốc chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008 người Trung Quốc đang tỏ rõ quyết tâm biến nó thành sự thật.
Còn Việt Nam ta, hãy thử khởi động bằng mối quan tâm đến việc ỉa đái của con em chúng ta bắt đầu từ nhà trường và từ ngày hôm nay!"
Duơng Trung Quốc

Chủ Nhật, tháng 11 04, 2007

Thứ Năm, tháng 11 01, 2007

MÓN ĂN VIỆT - TÂM HỒN VIỆT

Hôm nọ vào lang thang vào blog của Metinfo phát hiện ra một blog quá dễ thương của một cô gái Việt sống trên đất Mỹ.
Blog chỉ chuyên giới thiệu về ẩm thực Việt Nam với công thức và lời chú dẫn bằng tiếng Anh. Nhìn vào tiêu đề các entry đã thấy mê: rau muống chiên xù, muối tôm Tây Ninh, canh rau nhút khoai sọ, lẩu mắm, canh chua cá bông lau... rồi cả đậu rồng xào tỏi nữa chớ (chủ blog giới thiệu là gốc Hà Nội, vậy mà biết một món ăn rặt ròng Nam bộ thì quá nể !). Điều ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh tại blog. Như tấm hình củ ấu trong một entry trước đây trên blog này là của tôi "mượn" từ blog kikirice.
Cũng muốn giới thiệu bạn bè biết blog nầy lắm, ngặt nổi chưa quen chủ nhân để xin phép nên đành chịu.
Tôi rất mê những điều cực kỳ giản dị, những điều thật dễ thương từ những blog kiểu của nhà văn Lý Lan hay của Kikirice. Cám ơn các chủ nhân blog vừa nêu nhiều nhiều !