Thứ Bảy, tháng 6 30, 2007

HẦU CHUYỆN LÃO ÔNG 113 TUỔI







Thường thì thiên hạ - chẳng phân biệt Tây hay Ta - thường thích những con số ấn tượng, những kỷ lục ấn tuợng. Thế nên việc ngày 18.6 mới đây, Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận ông cụ Tomoji Tanabe, 111 tuổi, hiện đang sinh sống tại thị trấn Miyakono, tỉnh Miyazaki, Tây Nam Nhật Bản là cụ ông cao tuổi nhất thế giới đã gây không ít xôn xao chú ý. Được biết, sau 5 tháng xác minh, Hội đồng giải thưởng đã công nhận ngày tháng năm sinh cụ thể của cụ ông Tanabe là 18.9.1895. Trước đó, vào tháng 1.2007, cụ ông già nhất thế giới người Puerto Rico đã qua đời ở tuổi 115. Tiếc là trên các trang web lại có quá ít những thông tin thật cụ thể để minh chứng liệu cụ ông Tanabe có phải là người cao tuổi nhất thế giới hay không và dựa trên những giấy tờ gì để biết ông sinh vào đúng thời điểm vừa nêu.
Lại nhớ, cách đây 2 năm tôi đã từng có dịp hầu chuyện ông cụ Đoàn Văn Chấn, cư ngụ tại tỉnh An Giang, lúc đó ông cụ đã... 111 cái xuân xanh rồi mà trí tuệ thì lại hết sức mẫn tiệp. Ngày 28.6, tôi lại khăn gói tìm về cù lao Ông Chưởng với một tia hy vọng tìm thêm cứ liệu để minh định “danh phận” cho ông lão miệt vườn Nam bộ 113 niên kỷ này đây.

* NHƯ VẬY ĐÃ CAO TUỔI NHẤT THẾ GIỚI CHƯA ?
Nằm cách thành phố Long Xuyên không bao xa, chỉ độ chừng mươi cây số mà thôi, vậy mà chỉ cần bước qua một chiếc chẹt nhỏ băng qua sông Hậu đã thấy cuộc sống ở Cù lao Ông Chưởng yên ả, an bình đến lạ. Khi tôi đến ông cụ vừa ăn cơm xong và đang nằm võng nghỉ ngơi trước chái nhà. Đã 113 tuổi rồi nhưng da dẻ ông cụ vẫn trắng hồng hào, râu tóc bạc phơ như những tiên ông đạo cốt. Đã hai năm rồi mới gặp lại nhưng trông ông vẫn vậy, ngoại trừ bị lãng tai và mắt bị mờ hơn trước nhưng không lẫn lộn, trí nhớ thì vẫn minh mẫn, sáng láng như ngày nào.
Ông cụ Chấn hiện sống với người con trai thứ Sáu tên Đoàn Văn Tiển, sinh năm 1937, năm nay đã 70 tuổi. Ông Tiển còn giữ khá nhiều giấy tờ của gia đình. Tỷ như Thẻ căn cước có số hiệu 06488373 của cụ Đoàn Văn Chấn do chính quyền chế độ cũ cấp ngày 29.6.1970. Ông Tiển cho biết, trước đó vào năm 1955 cả gia đình ông đã được cấp Thẻ Căn cước một lần rồi. Trên Thẻ căn cước này ghi rõ ông Chấn sinh năm 1894, tại Nhơn Mỹ, Long Xuyên có cha là Vệ, mẹ là Trịnh Thị Thoại. Thẻ này còn có những chỉ số: ông cao 1m60, nặng 55kg. Nhìn hình thì thấy lúc bấy giờ ông lão đã 70 ngoài tuổi nhưng coi bộ quắc thước, tráng kiện lắm. Một chi tiết thú vị nữa là cùng thời điểm vừa nêu, cũng căn cứ theo Thẻ căn cước thì ông Tiển còn thấp hơn cha mình khi ông chỉ cao có 1m57 mà thôi. Ông cụ Chấn có đến 9 người con, vợ ông mất sớm lúc ông mới 46 tuổi nhưng ông ở vậy nuôi con đến giờ. Các con của ông cụ nay còn sống được 3 người và trùng hợp là cả 3 người con đều mạnh khoẻ và có lẽ có “gen” sống lâu như cha mình. Ngoài cụ Tiển ra thì cụ Chấn còn người con gái thứ Ba là bà Đoàn Thị Hiên, năm nay đã 82 tuổi, hiện cũng sống tại cù lao Ông Chưởng và người con gái thứ Bảy là bà Đoàn Thị Luyến, năm nay đã 68 tuổi. Nói là con nhưng họ cũng đều là... cụ ông, cụ bà sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi như cha mình. Mỗi khi năm hết Tết đến, chính quyền xóm ấp đều đến chúc thọ các cha con y thinh như nhau cả mới thú vị chớ !
Bà Lê Thị Phấn, năm nay cũng đã 60 ngoài nhưng trông trẻ hơn độ tuổi nhiều khoe với tôi: “Tui là cháu dâu kêu ông Chấn bằng bác Ba nè cô. Tía chồng tui thứ Mười, ổng cũng bộn tuổi à nghen”. Hỏi ra mới biết ông cụ Chấn vẫn còn đến 3 người em. Ông cụ Đoàn Văn Ưng là người em thứ Mười của cụ Chấn năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn mạnh khoẻ như thường. Ông Ưng khoe: “Lúc này già cả rồi, bơi thẳng thét ngang sông như trước hổng nổi nữa, những bơi chút chút thì được”. Tôi chợt nhìn ra con sông Hậu đỏ ngầu phù sa trước cửa nhà mà giật mình khi mường tượng ra cái... “chút chút” của ông già Mười là đến cỡ nào (!). Ông Mười Ưng cho biết, người chị thứ Chín tên là Đoàn Thị Phé, sống trên Mỹ Hội Đông, năm nay cũng đã 88 tuổi nhưng vẫn còn đi đứng mạnh bạo như ai, chưa đến nỗi nhờ con cháu đút cơm, đút cháo. Ông Mười hóm hỉnh nói tiếp: “Hổng hiểu sao hồi đó má tui sanh con đẻ cái nhiều dữ vậy. Tưởng tới tui thứ Mười là hết rồi, ai dè 9 năm sau lòi ra thêm thằng Út là Đoàn Văn Thưng. Năm nay chú Út nó cũng được 76 tuổi rồi. Anh Ba Chấn tui thấy vậy mà nặng gánh với bầy em nầy dữ lắm. Được cái ảnh hiền nên em út đứa nào cũng thương”.
Tôi nhẩm tính người em thứ Chín của ông Chấn nay đã 88 tuổi thì tuổi của ông như vậy là đáng tin cậy. Một thông tin khác cũng rất đáng chú ý, chị của ông cụ Chấn là bà Hai Nương (Đoàn Thị Nương) đã mất cách đây độ 10 năm, nhưng lúc đó bà Hai Nương đã thọ 100 ngoài tuổi rồi ! Tôi hỏi ông Mười Ưng, vậy chớ hồi đó khai căn cước có... cước tuổi lên không. Ông Mười cười ha hả rồi nói: “Độ chừng mấy trào sau này, cỡ mấy thằng con của tui hoặc của anh Ba tui mới cước tuổi để trốn đi lính. Chớ trào của tui nội lo mần để đóng thuế thân đã bở hơi tai rồi. Mấy ông quan Pháp cũng ham thu thuế, thu huê lợi chớ đâu chỉ có chuyện đi lính, đi tráng kiểu như hồi trào Mỹ”. Ông cụ Chấn thì kể với tôi một chuyện tương tự: “Tui nói cô nghe, hồi đó, lục bình trôi cứng sông Tiền, sông Hậu. Nói nào ngay, chính quyền Pháp thuộc hồi đó cũng có nhiều biện pháp lắm, tỷ như bắt mỗi gia đình tụi tui phải đóng trước bến sông một chuồng gỗ mỗi bề 2 mét. Hàng ngày gia đình nào không vớt đầy một chuồng lục bình bị phạt còn nặng hơn đóng thuế thân. Còn dưới ruộng chuột nhiều vô số kể, nhà tui có 5 công ruộng chưa kịp cắt, nó cắn có một đêm là rạp đồng. Mấy ông quan quyền bắt mỗi gia đình một ngày nộp 2 gắp, mỗi gắp 10 đuôi chuột. Mà cái thứ chuột cống nhum, chuột lang ngoài đồng đuôi nào đuôi nấy bự bằng ngón tay cái, thúi vô phương kể xiết. Mấy ông xã, ông ấp có nhiệm vụ thu gom đuôi chuột chịu hôi không nổi, lại thêm hổng chịu kiểm tra gắt gao, rốt cùng chuột vẫn hoàn chuột, lục bình thì cứ trôi đầy đồng vô phương kể xiết”.


* TẬP TÁNH KHÔNG HỜN GIẬN AI !
Như bài báo cách đây độ hai năm trên Thanh Niên mà tôi đã ví von ông cụ Đoàn Văn Chấn như một nhà điển tích Nam Bộ học thứ thiệt. Quả là, ông cụ đã như một chứng nhân sống qua 3 thế kỷ và lại rất là hiếm khi được gặp một người nào có thể nhớ vanh vách những câu chuyện... hồi đầu thế kỷ trước như vậy. Được biết, ông cố, ông nội của cụ Chấn đều là những lưu dân đầu tiên đi khẩn hoang xứ này, xưa gọi là Tổng Định Hoà. Đợt này lên, ông cụ Chấn lại chợt nhớ ra mấy chuyện đi làm phu lục lộ hồi xưa. Ông cụ thì thào với tôi: “Tui nói cô nghe đâu lối năm hai mươi (1920), hồi tui mới hăm mấy tuổi đã bị bắt đi làm cu li đoạn kinh xáng Châu Đốc lên Hà Tiên rồi. Mà hồi đó còn trai tráng mạnh bạo, tui mần dữ lắm. Tui nói cô có tin không, xứ này hồi đó hùm beo rắn rít dữ lắm. Có lần tụi tui đang làm gặp một con rắn hổ mang. Chèng ơi, nó lớn cách chi mà nội ở xa tui nghe nó thở khì một cái cũng cỡ tàu hàng nó kéo xúp lơ vậy đó cô. Mấy ông quan lục lộ sợ đến nỗi té đái chạy hổng muốn nổi”. Đang khi tôi đang say chuyện, ông cụ Chấn chợt hóm hỉnh, cười móm mém khều tay tôi mà thì thào tiếp: “Mà vậy chớ cô khoái nghe mấy chuyện xưa lắc làm chi vậy”. Nói đoạn ông nằm trên võng đung đưa, phe phẩy vuốt râu quá bảnh, mặc cho đám cháu chắt đang xúm đen xúm đỏ sau lưng tôi há hốc miệng chờ hóng chuyện, kề miệng vô tai ông cụ... gào toáng lên (vì ôn cụ vốn lãng tai mà): “Kể nữa đi ông cốc”. Tôi nhận ra đại gia đình này quá dễ thương, hèn chi ông cụ sống lâu đến vậy.
Một chi tiết trùng hợp khá thú vị, nếu như ông Tanabe truyền bí kíp sống lâu là: “Chế độ ăn rau nhiều, đồ ăn ít chiên xào” thì ông cụ Chấn cũng vậy. Menu suốt... 100 năm nay của cụ Chấn luôn lấy rau củ làm chính. Ông Chấn giải thích một cách văn vẻ: “Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không có cái kiệu” (!). Ông còn uống nước nhiều và dù ở trong đồng, trong ruộng nhưng luôn uống nước đun sôi, nấu chín. Hiện giờ tuy đã 113 tuổi nhưng ông cụ vẫn ăn uống điều độ. Sáng ra làm một tộ cháo thịt mua dầu ngõ 2 ngàn đồng, tới trưa ăn một tộ rưỡi cơm, tới chiều cũng chừng đó. Thức ăn hàng ngày của ông hiện giờ đã chuyển từ rau qua trái cây vì... “lợi thì có lợi nhưng răng hổng có còn”. Cứ một tộ cơm để thịt kho - mà phải là thịt ba rọi có pha chút mỡ ông mới ưa - cộng thêm trái chuối xiêm hoặc chuối già cạo mỏng vô là trúng ý ông cụ. Tỉ tê hỏi chuyện mấy ông già mới biết ông cụ Chấn còn bảnh hơn ông Tanabe một chuyện khác. Nếu ông Tanabe cho biết: “Không uống rượu là cách tốt nhất để tôi sống khoẻ mạnh” thì ông cụ Chấn lại chủ trương: “Uống chút đỉnh rượu tốt cho sức khoẻ, nó lại giãn gân giãn cốt”. Ông Tiển cho biết: “Hồi đó, tía tui lâu lâu vài bữa nửa tháng cũng hay tụ họp với ông già trong xóm, uống lối chừng 3, 4 ông một xị. Còn trà thì ổng uống thường xuyên từ hồi nào tới giờ”.
Ngoài những bí quyết sống lâu chuyên về ẩm thực như vậy thì lối sống của mấy ông cụ xem chừng lại lý thú hơn. Ông Chấn luôn bảo ban mấy người em của mình và con cháu mình phải ráng sống: “Tập tánh không hờn giận ai, không biết nóng giận là gì. Yên ổn, an nhàn tự tại là do nơi mình mà ra. Làm hiền thì gặp lành, điều dữ tránh đi”. Bác Bùi Thị Biết, vợ ông Tiển, năm nay cũng đã 69 tuổi nói với tôi: “Tía chồng tui ổng dạy tưởng chừng giản bộ vậy chớ khó sống à cô. Con cháu lòng rày đi ra ngoài được học hành mở mang nhưng cách ăn nói, cư xử coi bộ không yên bề, khéo léo như hồi xưa. Cũng may tía tui độ rày ổng lãng tai, ổng không nghe những điều nghịch tai ở đầu trên, xóm dưới. Ổng phải vui vẻ thì mới sống lâu được”. Bà Lê Thị Phấn, cháu dâu của ông cụ thì kể: “Năm 21 tuổi tui về làm dâu ở dòng tộc này. Đã bốn mươi năm nay chưa bao giờ tui thấy ổng làm mất lòng ai cả”. Hàng xóm thì khoe, ở xứ này miễn ai cần coi ngày, coi giờ để cưới vợ gả chồng hoặc giả cất nhà, xuất xưởng đều đến cậy nhờ ông cụ Chấn. Không chỉ vậy, ông cụ Chấn còn là một chức sắc quan trọng trong Đình thần Nhơn An ở xứ Cù lao Ông Chưởng. Ban đầu ông làm hương lễ, sau lên kế hiền rồi đại hiền - một chức sắc cao nhất, luôn đảm đương việc cúng bái, tế lễ ở các ngày lễ lớn của đình làng.
Chia tay ông cụ, tôi lại lúng túng chuyện gởi lại lời chúc. Đang khi như vậy, ông cụ lại bật nói: “Tui còn sống phải cỡ năm lẻ hai mươi à nghen (ý ông cụ nói năm... 2020). Thấy đám con cháu về với tổ tiên mà túi phát sốt ruột. Lá vàng không rụng đi rụng lá xanh. Phải chi tui chết thế cho đám nó được thì tui đi rồi”. Mới đây, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang báo cho tôi hay, cách đây độ 3 tuần các hãng thông tấn của Nhật Bản có liên hệ với địa phương để xin phỏng vấn về ông cụ Chấn. Điều họ quan tâm là tại sao ông cụ sống thọ, sống hạnh phúc trong một điều kiện cuộc sống vẫn còn khó khăn như Việt Nam. Được hầu chuyện ông cụ Chấn mấy lần tôi như tìm thấy câu trả lời. Đâu cần mâm cao, cỗ đầy, đâu cần cuộc sống giàu sang nhung lụa; nếu ai cũng được như cụ Chấn, biết nhu cầu sống đến đâu là đủ, được đề huề hạnh phúc với con cháu và nhất là được lao động và sống bằng những gì mình làm ra... đó chẳng phải là bí kíp trường thọ hay sao.
H. Hạnh

ảnh của TRƯƠNG CÔNG KHẢ

CŨNG MUỐN KHÔNG HỜN GIẬN AI



… Quả là cứ quảy ba lô lên đường ngó nghiêng, cách nào đi nữa cũng gặp chuyện hay. Trên đường lên Châu Đốc, tạt ngang qua Cù lao Ông Chưởng thăm ông cụ Chấn. May là ông cụ vẫn còn mạnh khoẻ dù tai đã điếc và mắt đã mờ. Mà cũng phải thôi. 113 tuổi không vậy mới là lạ.

Ngồi tỉ tê “tám” với con cháu ông cụ. Nói là con cháu chớ họ cũng toàn là ông già bà lão cả rồi. Số mình thiệt là may mắn khi cực kỳ hợp rơ với những nhân vật ở độ tuổi tri thiên mệnh sắp lên (mà nói thiệt ra là được… Bà độ - Bà đây là Bà Chúa Xứ đó - chuyện này huyền bí lắm, hôm nào thổ lộ sau). Nghe họ kể chuyện về nhau lại thấy hiển hiện một đại gia đình cực kỳ Nam bộ, cực kỳ dễ thương.
Hỏi bí quyết để ông cụ sống lâu và gia đình có một hoà khí đẹp đến vậy thì ông cụ bảo: “Tập tánh không hờn giận ai !”. Ngẫm đi ngẫm lại thấy sống vậy khó thiệt. Ví dụ ngay tức thì: bài viết về ông cụ hôm nay đăng quá hoành tráng trên báo nhà. Bài bị cắt mấy đoạn, lại ngay đoạn kể về ông cụ làm hương lễ, làm đại hiền ở đình thần Nhơn An nữa chớ. Nhưng thôi thì… “đừng hờn giận ai” bởi lẽ khuôn khổ trang báo có hạn. Nhưng thử hỏi chuyện này thì có dẹp nỗi giận hờn mấy tên biên tập được không. Làm sao mà có thể dùng từ “y như nhau” để thay thế từ “y thinh như nhau” được. Và từ “bơi thẳng ngang sông” lại càng không thay thế nổi và không đắt giá bằng “bơi thẳng thét ngang sông”. Rồi từ “một tô cơm, tô cháo” không thể nào bằng từ “một tộ cơm, một tộ cháo” được. Còn gì là hồn vía chữ nghĩa Nam bộ nữa đây. Ước chi giờ ba còn sống, để ông hồn hậu nói với tôi “Thôi kệ đi con” !

… Vào thăm blog của anh Chiếm. Bất ngờ và cũng thật trùng hợp khi thấy ảnh tặng cho mình một bài thơ của Tướng Nguyễn Sơn mà mình cực kỳ thích. Cũng là chuyện không hờn, không giận một ai. Chép lại trên blog của mình.

“Ta ra đi
không buồn
không giận
không yêu thương
không chi hết
Ta ra đi
mô dốc quèo chân
Ô hay
Đá đẫm máu ai
Sao rơi đầy chân ta
Đó là máu những người chết trong tay giặc
Ghi tình họ vào núi sông
Đá muốn khắc vào da thịt ta
Để nhớ !
Ta ra đi
Cây rừng ngoắc vào manh hồn rách
Để ta xé tọac nó ra
Tung nó lên làm cờ
Cờ của phong ba bão táp
Ta ra đi
không buồn
không giận
không yêu thương
không chi hết
Ta ra đi
Một bóng mờ trong hư không
Chim rừng hót
Gọi về”
NGUYỄN SƠN

… Đọc xong bài thơ tự dưng mình nhắm mắt, hít vào một hơi thật sâu, thật sâu, thật sâu… Chỉ mong đừng có khi nào phải thở ra… thở ra…

… Đọc lại blog trước khi lên đường, thấy mình “đại ngôn” quá, sân si quá. Ô hô, lại đòi đi… “minh định danh phận cho ông già Nam bộ” nữa đó. Tưởng là mình là người “đi cho” ai dè cái “nhận được” từ ông cụ lại quá nhiều…

Thứ Năm, tháng 6 28, 2007

QUẢY BA LÔ LÊN ĐƯỜNG

Hổm rày lu bu quá. Không viết được chữ nào.
Giờ thì quảy ba lô đi Châu Đốc 2 ngày đây. Thể nào cũng có chuyện vui để kể lể. Tỷ như chuyện trưa nay mình sẽ ghé thăm ông già 113 tuổi. Không hiểu sao Guiness không công nhận ổng mà lại đi chứng nhận cho một già Nhật Bản mới có 111 cái xuân xanh ?
Mình sẽ gởi thư cho Guiness để tìm một chút chi danh phận cho ông già miệt vườn nầy mới được.

Chủ Nhật, tháng 6 24, 2007

CUỐI TUẦN NGHE NHẠC SẾN

Mới tuần rồi tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng, trong hai ngày nghỉ cuối tuần tôi chỉ cho lên blog những chuyện gì thiệt là… tào lao xịt bộp (dân Huế có từ ni hay dễ sợ). Vậy mà từ hôm qua tới giờ sao mà tâm trạng không vui, không buồn, không stress… Cứ trống rỗng, trống rỗng, trống rỗng…
Lang thang qua hàng chục trang web. Hay có, nhảm nhí có, vui có, buồn có, siêu phàm có, trần tục có…
Lạc một hồi qua 2 trang web: http://www.tinhcaviet.comhttp://www.nhacvangonline.info/ , ghi lại xem như là món quà tặng cuối tuần.
Nè ! Hè tới rồi thử nghe lại bài nầy coi. Có buồn thúi ruột không ?
http://www.nhacvangonline.info/music/3.php?loi=268

Thứ Năm, tháng 6 21, 2007

MỘT NGÀY VUI !

Như một thông lệ, cứ đến một ngày lễ nào đó năm thể nào tôi cũng nhận được tin nhắn chúc mừng của anh Hoàng - một đồng nghiệp cũ, một ông anh cực kỳ vui vẻ, tốt bụng – vào lúc… 5 giờ sáng. Và email đầu tiên thể nào cũng của thầy Võ Tòng Xuân, kèm theo một tấm thiệp tự tay thầy thiết kế.
Ngày Báo chí hôm nay cũng vậy.
Quá hạnh phúc !

Thứ Tư, tháng 6 20, 2007

NHÂN CHI SƠ TÍNH BỔN THIỆN

Kể từ hôm nay, chủ nhân của blog tuyên bố riêng 2 ngày Thứ Bảy và Chủ nhật chỉ đưa lên blog những chuyện tiếu lâm, tào lao mà thôi.
Đó là cách giảm ... chét !!!
Chủ nhật này mời bà con xem loạt ảnh minh chứng cho câu "Nhân chi sơ tánh bổn thiện". Còn về sau là do... hoàn cảnh đẩy đưa !






Happy the Journalist Day of Vietnam

Ngày mai là ngày Nhà báo Việt Nam. Tụi tôi thường gọi là ngày… cúng cơm. Ngày này mọi người – cả thân, cả sơ - đều hay tới chúc tụng. Vì thế xem chừng… hổng vui. Nghi lễ mà !
Cánh nhà báo vẫn khoái nhất một ngày hôm trước.
Vậy thử xem ngày này năm nay, chúng tôi đã làm những gì.
Một buổi sáng đẹp trời mới đây, trong lúc đang “cà phê dư tửu hậu”, anh Hoàng Tuyên (đồng nghiệp ở S.G.T.T) và tôi cùng nghĩ đến một điều – làm cái gì đó mới mới trong ngày cúng cơm của mình đi. Thế là có buổi trao đổi nghiệp vụ hồi sáng nay giữa VP báo Thanh Niên và VP Sài Gòn Tiếp Thị (nói thêm: bà Mười Xiềm cứ gọi tờ báo nầy là… báo Giám thị !). Mr Lê Duy tài trợ máy chiếu hẳn hoi với điều kiện … phải chạy dòng chữ người tài trợ cho bàn dân thiên hạ biết (tôi bèn hù lại: ông muốn tui post bài “Chuyện anh…” lên mạng không ? Hắn ta hoảng quá kêu lên: Máy nè, máy nè… Hà hà)

Thấy tụi này trao đổi chuyện… vĩ mô chưa ?

Như vậy cái gì nhạy cảm nhất, quan trọng nhất trong… đề tài báo chí này ra sao đây ?

Phù mệt quá. Chiều nay, chủ blog ra tay nấu một nồi “cá mập sốt tiêu xanh, sữa tươi” chiêu đãi cả văn phòng. Ai nấy đều khen ngon. À ! giới thiệu với mọi người thành viên của văn phòng tôi (một nửa văn phòng và một số… phó thành viên mới đúng): từ trái qua - chị Ba Cẩm Hường, Thanh Trang, Hồng Hạnh, Trần Huỳnh Thi, Tiến Trình, Văn Lợi, Khoa Chiến, Lâm Hùng, Thuỳ Quyên, Thiện Tâm. Công Khả là người chụp tấm hình nầy.

Tiến Trình và Công Khả cười toe toét khi nhận quà từ tay chủ blog – “Nhà báo hiện đại – News reporting and writing” của The Missouri Group. Một món quà rất hot ! Cứ nhìn nét mặt đầy biểu cảm của Khoa Chiến và Văn Lợi thì biết.

Chúc các đồng nghiệp của tôi một ngày 21.6 đầy vui vẻ.


LÀM BÁO QUÁ SƯỚNG

Chú Khả bảnh dữ hén !

Sáng 20.6, Tuấn An, phóng viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ truy tìm tôi chỉ để phỏng vấn một câu nhân ngày Nhà báo: “Khi tác nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất và điều gì gây khó cho bạn nhất”. Tôi đã trả lời không chút đắn đo: “Đó là những nhân vật, những bạn đọc chính gốc Nam bộ của tôi”.
Không chỉ thấy thoải mái mà tôi còn có cảm giác... sướng vô cùng khi nhân vật trong những phóng sự của mình là những người dân quê Nam bộ chính gốc, lời ăn tiếng nói mộc mạc, bỗ bã. Như bà Mười bán bánh xèo trong phóng sự “Mười Xiềm đi Mỹ” mới đây cũng vậy. Rất nhiều bạn đọc trong nước và cả Việt Kiều đã gởi thơ về cho bà Mười. Bà Mười cũng có đọc báo và đọc theo kiểu... chữ được, chữ mất thì cười toe toét: “Tui nghe được”. Trời ơi, đọc báo mà là... “nghe được”. Bà Mười còn “tám” thêm: “Qua Mỹ không biết sao đây. Hỏi chuyện thì tui nói được nhưng cái vụ chụp hình tui hổng quen được nghen cô. Hôm rồi chú Trương Công Khả lên chụp hình quá xá trời, cứ tui làm một cái xèo là chú nhá một cái xẹt. Tui sợ thiếu điều muốn nói... lịu. Về học bộ với bà con trong xóm mà họ cười quá trời” ! Sếp Hoàng Hải Vân thì cười cười nói ngắn gọn – “Bài này em được thưởng”. Tôi nghe mà... tá hoả và lòng thầm than: “Sếp ơi ! Bà Mười nói làm sao là em ghi làm vậy. Bạn đọc khen lời lẽ mộc mạc là khen bà Mười đó”. Vậy phải chia sẻ... phần thưởng sao cho đỡ... áy náy đây. Một đồng nghiệp “hiến kế”: “Tui thấy bà nên xung phong... ủi quần áo cho bà Mười đi Mỹ”!
Lại thêm một chuyện thấy khoái trong bụng khác. Số là một năm vừa rồi, Văn phòng báo Thanh Niên tại Cần Thơ có tập hợp được một CLB thanh niên trẻ chuyên đi làm công tác xã hội, từ thiện. Hình như tôi có khiếu làm... “bầu sô” nên thành phần coi bộ cũng phong phú lắm: bác sĩ, bộ đội, nhân viên ngân hàng, khách sạn, sinh viên... và đặc biệt là rất nhiều hoa hậu, hoa khôi cấp quốc gia và khu vực hiện sinh sống tại Cần Thơ. Chúng tôi sắm sanh nào là: loa phóng thanh, đàn ghita, dụng cụ hớt tóc, cắt móng tay... cứ như một đoàn hát xiệc. Khỏi phải nói cũng biết đoàn chúng tôi “hoành tráng” tới cỡ nào. Phóng viên Trương Công Khả vốn được các cô hoa hậu coi như... “người nhà” nên tha hồ được nhờ làm tư vấn thời trang. Mấy cô rất hồn nhiên, mộc mạc kiểu dân miền Tây nên cứ ríu rít với phóng viên nhà ta: “Anh Khả ơi em mặc bộ nầy được không ? Không được hả ? Vậy em thay bộ khác anh coi thử nghe ?”. Hèn chi mà thư mời gởi về văn phòng toàn là: “Kính gởi PV Trương Công Khả và hoa hậu báo Thanh Niên”. Ban đầu chúng tôi còn mời các báo bạn, đài bạn đi cùng, ai dè sau này thấy lâu lâu là báo bạn, đài bạn... chủ động điện hỏi: tháng nầy đi chưa vậy ? Tần suất lên đài truyền hình của chúng tôi cũng hơi bị... dày ! Anh Công Thắng, Trưởng ban Công tác bạn đọc thì hồ hởi ra mặt: “Em ơi, chuyến này trang của anh coi bộ cạnh tranh được với trang của Cao Minh Hiển nghen (Trưởng ban Văn nghệ)”.
Nhưng đâu phải cứ đi cùng với hoa hậu, hoa khôi là... thấy sướng hết đâu ? Đôi khi chúng tôi bị nhiều vố ớ người. Số là vầy. Hôm Tết này, “đoàn hát xiệc” chúng tôi rủ rê các bác sĩ trẻ của Bệnh viện 121, quân khu 9 kéo nhau lên huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ để khám bệnh, phát thuốc tặng quà cho bà con. Trời thì nóng, bà con thì đông , nên chúng tôi chủ động... phục vụ tận tay. Thấy một cụ già cỡ 80 tuổi, tay chống gậy mà cứ lóng nga, lóng ngóng trước chiếc xe chở hàng hoá của đoàn, tôi nhanh miệng hỏi: “Ông ơi, ông khám bệnh hả” ... “Không, già khám rồi” ... “Vậy ông đi nhận thuốc hả. Đưa toa cho con, con lấy giúp cho” ... “Thuốc già cũng lấy rồi con ơi” ... “À, vậy là ông nhận quà phải không ?” ... Ông già trả lời mà tôi muốn té xỉu “Không, già này đi... coi hoa hậu” ... “Vậy hả... già. Đây mấy cô hoa hậu đây, già cứ tự nhiên nghen”. Chuyện thiệt trăm phần đó.
Cũng mới hôm Tết này, chúng tôi qua chúc Tết Ban giám đốc Bệnh viện 121, Cần Thơ – đơn vị đã đồng hành cùng Thanh Niên trong chương trình khám bệnh miễn phí cho trên mười ngàn người nghèo trong một năm qua. Vốn là nhà binh mà lại là dân miền Tây chuyên hịch hạc, rổn rảng, có sao nói vậy thế nên mới có chuyện như vầy. Trong phần phát biểu tổng kết chương trình, các anh đã long trọng tuyên dương các phóng viên Thanh Niên: “Trong suốt một năm gắn bó đã qua tôi vui mừng nhận thấy, mặc dù là nhà báo nhưng các anh chị đã... rất đúng giờ”. Lại chuyện thiệt nghen !
Làm báo như vậy vui quá rồi còn gì !

Thứ Hai, tháng 6 18, 2007

LÀ TUI NÈ

Lục trong ngăn kéo tự dưng bắt gặp những tấm hình xưa rất xưa. Là tui và ba tui hồi xưa đó !
Thằng con thích chí với một phát hiện: "A ! Ông ngoại chơi mô đen đầu đinh bảnh quá ta. Còn mẹ cắt... mái ngố giống hệt Khánh Hà bạn con". He he... Thời trang là sự dịch chuyển vậy đó.
Hôm Tết ra Huế, lượn qua lượn lại cái tiệm chụp hình ngày xưa mấy lần. Ngôi nhà vẫn vậy, nhưng hình như chủ nhân đã đi đâu mất rồi. Nhìn hình thấy bảnh vậy chớ lúc đó là cả một cực hình. Cứ thấy ông thợ chụp hình chúi đầu vô tấm vải đen ngòm, có cái hộp gỗ to đùng là mặt đờ ra, không cười nổi dù ba cứ động viên: cười lên con !
Mới đó mà thành xa lắc.


Thứ Năm, tháng 6 14, 2007

CHÁU TUI NÈ




ẢNH BÀ MƯỜI XIỀM ĐÂY !!!

Hổm rày mải miết rong chơi Sài Gòn thế nên bỏ bê blog quá thể. Nghe bác Đính thống thiết yêu cầu đưa hình bà Mười Xiềm mà cũng đành… bó tay. Bởi một lẽ, NSNA Trương Công Khả… quá chảnh !

Sáng nay, thấy Sài Gòn Tiếp Thị đăng một phóng sự ảnh hoành tráng về bà Mười, nghệ sĩ nhà ta mới đưa cho loạt hình để mình… phóng lên blog ! Theo nhận xét của mình thì coi bộ hình bà Mười trên blog nầy do T.C. Khả chụp đẹp à nghen. Mà ý là, tay nghệ sĩ này vừa ăn, vừa chụp đó nghen (nghe Thuỳ Quyên và Thanh Dũng thống kê thì hắn ăn hết… 4 cái bánh, mỗi cái to bằng cái bàn ! Trời ơi, nghệ sĩ mà ăn uống giống hệt… lực sĩ quá chừng).
Chụp ké với bà Mười đi Mỹ cái coi !
Bà Mười chưa hài lòng lắm với mẻ bánh tét này vì nếp không được ngon.

“Tui từng đem cầm cái cối xay bột này lấy 160 ngàn đồng. Giờ thì nới nang rồi, hổng cầm nữa đâu”.

Ông già mờ mờ phía sau là chồng bà Mười đó. Ổng tự hào khoe: “Vợ tui nấu cái gì tui cũng thấy ngon hết”. Chà ! câu này coi bộ nghe hơi… quen quen. Hình như “Đài Phát thanh 50/18 T.H.Na” ngày nào cũng phát. Hi hi.

Cái chảo nhìn thấy đen thui vậy chớ bà Mười xách đi Mỹ đó.

Đi Mỹ về thì cuộc sống bà Mười cũng trở lại như vậy thôi.

Bánh của bà Mười Xiềm cũng y thinh như vậy chớ hổng có khác gì đâu.
Lời cuối: Mặc dù nghệ sĩ Trương Công Khả nhà ta hơi chảnh nhưng hình của hắn nhìn vô thấy cảm động quá chời !

Ê Khả ! Đọc blog nầy xong nhớ dẫn đi uống cà phê nghen.

Thứ Tư, tháng 6 13, 2007

SẦU RIÊNG MUÔN NĂM


Miền Tây lúc này đang vào mùa sầu riêng rộ. Trước cửa chợ Tham Tướng (Cần Thơ) mấy bà mối lái đem sầu riêng đổ đống, rao inh ỏi – 10 ngàn đồng 1 ký đ…â…â…y – Thấy bắt ham. Về Sài Gòn, mỗi khi đi làm việc lại thấy sầu riêng cũng đổ đống y vậy dọc theo đường Cách Mạng tháng 8 đến Nguyễn Thượng Hiền. Phố xá thì kẹt xe liên tục, vậy là sáng nào cũng có dịp… ăn bằng mắt, thấy đã gì đâu !
Trưa nay, lướt nét bắt gặp mấy dòng về sầu riêng, đọc kỹ mà vừa cười, vừa tức. Thử nghĩ coi mấy thằng Tây có diễn tả về sầu riêng như vầy nè.
"... mùi của sầu riêng giống như mùi của loại phân lợn, mùi nhựa thông trộn lẫn với mùi hành. Bạn có thể ngửi thấy mùi của nó từ cách xa hàng chục mét" - nhà chuyên nghiên cứu về các loại thức ăn trên thế giới Richard Sterling nhận xét.
Rồi nó lại so sánh mùi sầu riêng giống với loài chồn hôi, mùi nước cống, mùi thức ăn bị nôn ra để lâu, hay như mùi của những miếng gạc được sử dụng trong các cuộc phẫu thuật.
Lại có nhà khoa học đã nghiên cứu tào lao như vầy nè:
“Các phân tích hoá học cho thấy sầu riêng có chứa este thối, xeton, và rất nhiều thiosunfat. Chất hoá học này cũng được tìm thấy trong phân, loài chồn hôi, phomát hay bia để lâu”.
Trời đất, tụi nó có khùng nặng hay không vậy. Thử về Cần Thơ, cho nó ăn thử xôi sầu riêng béo ngậy, hoặc giả gà ta ướp sầu riêng nướng, sinh tố bơ, sầu riêng… thì nó nghĩ sao đây.
Cũng may, có nhà khoa học Đông Nam Á hùng hồn tuyên bố: “Quả sầu riêng rất giàu đường, chất béo, vitamin C, và kali. Ở đảo Java, Indonesia, loại quả "bốc mùi" này còn được xem là một loại thuốc kích dục hiệu quả”.
Sầu riêng có ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, đảo ở biển Caribê, Florida, Hawaii, Papua New Guinea, đảo polynesian, Madagascar, phía Nam Trung Quốc và bắc Australia. Sầu riêng cũng được sử dụng trong việc chế biến nhiều loại thực phẩm như kẹo, kem, bánh, sữa, bánh trung thu, cappuccino hay pha trộn với sữa dừa. Không những thế, loại quả này cũng có thể được sử dụng trong các món rán với hành, ớt, các loại soup được làm từ cá nước ngọt.
Vậy thì sầu riêng muôn năm !

Chủ Nhật, tháng 6 10, 2007

MƯỜI XIỀM ĐI MỸ


· “CÓ MÀ ĐI... MỸ TÚ, MỸ THO” !
Chỉ còn trên dưới mươi ngày nữa thôi là bà Mười Xiềm sẽ khăn gói lên đường đi Mỹ để... làm bánh xèo, bánh tét cho Tây ăn ! Âëy vậy mà bà con lối xóm coi mòi vẫn chưa tin. Lóng rày, mỗi khi qua lại căn nhà lá lụp xụp của bà Mười y như rằng họ lại chọc ghẹo: “Bà Mười à, chừng nào bà đi Mỹ. Mà Mỹ Tho hay Mỹ Tú vậy bà” ... hoặc giả: “Bà Mười ơi, chừng nào đi Mỹ nhớ cho tui quá giang theo với nghen”. Bà Mười nghe rồi hệch hạc cười trừ chớ hổng giận. Bởi một điều cho đến tận bây giờ bà cũng không tin có ngày mà: “Chèn ơi, từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ có nằm mơ tui cũng hổng tin con mẹ bán bánh xèo bên lề đường như tui đi Mỹ nghen cô”. Gặng hỏi bà Mười, vậy chớ bà có đi máy bay lần nào chưa, có biết từ Việt Nam qua bển là bao xa không, bà hệch hạc nói: “Úy trời, nghĩ chi cho xa xôi vậy cô ơi. Chừng nào tới hẵng hay. Mà qua bển phải có người nào ở chung với tui chớ có một mình tui hổng biết... xài đồ trong khách sạn nghen. Ở xóm này tụi tui toàn tắm dưới kinh không hà”.
Cũng không chỉ bà Mười và bà con lối xóm ở trên Trà Nóc, Bình Thủy băn khoăn mà rất nhiều người cũng tự hỏi tại sao bà Mười chứ không phải ai khác đã được trao cái vinh dự này. Tôi cũng đôi lần tự hỏi như vậy và đang đêm hôm tăm tối, tôi lặn lội lên cái xóm nhỏ heo hút ngoại ô để tìm cho mình lời giải đáp. Bên cái chái bếp lợp lá dừa nước không mấy chắc chắn lắm, dưới ánh đèn tù mù, bà Mười Xiềm vẫn còn vần cái cối đá ra mải miết xay, lớp nào bột nếp, lớp nào bột gạo. Cô con dâu thì cặm cụi lau chùi mấy thứ nong nia, ơ chảo, xề xửng và cả cái bàn nạo dừa. Hóa ra bà Mười soạn sửa để gởi tất tật những món đồ vẫn còn ám khói ấy qua Mỹ. Bà nói: “Bên này tui nấu bán cho bà con xóm giềng ra làm sao thì qua bển cũng làm y thinh vậy chớ hổng tiểu vẽ gì đâu”. Tỷ như mỗi buổi sáng bà xay ký ngoài bột để chiên bánh xèo, nhưn bánh thì sơ sịa mấy thứ như củ sắn (miền ngoài gọi là củ đậu), giá hẹ cộng thêm mươi con tép mòng bán ra mỗi cái 3 ngàn đồng. Gặp khách nào sang cả lắm thì bà cho thêm vài miếng thịt heo, dăm ba hột đậu xanh và lên giá 5 ngàn đồng một cái to bằng... nửa cái bàn. Nói làm chi đến dân trong xứ mà có nhiều ông “trên chợ” coi mòi sang trọng lắm đi ngang qua cũng quành lại ăn thử. Hổng thèm dùng đũa, nhiều ông, nhiều bà vòng vàng hột xoàn đeo đầy nhóc cũng sề xuống bốc bằng tay ăn miệt mài. Họ hỏi: “Bộ bà già mua nước mắm Phú Quốc hay sao mà pha nước chấm ngon dữ vậy ta”. Bà Mười lỏn lẻn cười đưa cho họ coi mấy can nước mắm mình mua. Chèn ơi, toàn là thứ chỉ có 1.500 đồng một lít bày bán đầy các chợ... chồm hổm xứ miền Tây này.
Bà Mười khoe chuyến này đi Mỹ bà đã thủ sẵn cái... “mơ nu” rồi - (nghe bà tập nói tiếng Tây tiếng U mà tôi cười ngất). Hai ngày làm bánh xèo, hai ngày làm bánh ít trần, 1 ngày làm bánh tét, rồi dành ra mấy ngày nấu cơm với mấy món: canh chua, khổ qua hầm thịt, cà ri gà, thịt heo kho tàu và cả mắm kho mới là độc chiêu. Bà Mười chỉ lo, qua bển đi chợ hổng biết có giống như bên mình hay không, xách bàn nạo qua mà biết kiếm đâu ra trái dừa khô để làm bánh, nấu chè; cũng may là bà đã gởi trót lọt qua bển... 500 gr mắm sặt (!). Rồi bà lại lo không biết thi thố ra làm sao đây, có làm kịp cho họ ăn không: “Phải cho tui rộng rộng thời gian như lúc tui đi nấu đám bên này vậy đó. Mấy người hát bội tới nơi chỉ có việc rút từ trong bụng ra mà hát chớ mấy chuyện bánh trái là hổng có hối thúc được nghen. Mà mấy ổng ở bển còn đòi tui gói rồi nấu bánh tét trong vòng... 3 tiếng đồng hồ nữa chớ. Trời ơi, đòi hỏi chuyện chi bất nhơn dữ vậy”. Tôi cười nhưng chợt nghĩ, ngoại mình, má mình hồi xưa có lẽ cũng âu lo, vén khéo chuyện bếp núc gia đình y thinh như bà Mười vậy thôi.
Hổm rày, để chuẩn bị cho ngày đi, bà Mười đã nhiều lần tập dợt với những người có trách nhiệm ở Sở VHTT Cần Thơ rồi Bảo tàng Cần Thơ. Từ bánh xèo, bánh tét, cho đến bánh ít trần. Thấy họ săm soi từng miếng nếp, từng cọng dây lạt buộc bánh mà bà đâm lo. “Trời ơi, tui ngồi trong góc kẹt nhà nhìn họ nếm thử đồ ăn mà thấy nổi da gà, ốc ác tùm lum. Quan quyền không đó cô. Tới chừng thấy họ nói với nhau – Xôi vậy mới là xôi chớ – tui thiếu điều muốn lọt tim. Tui có hứa với mấy ổng chừng qua bển là nấu từ bằng chí hơn chớ hổng kém đâu mà lo”. Rồi bà khoe, mấy ổng cho người đi sắm cho bà đồ mới nhiều lắm, hai bộ áo dài, ba bốn bộ đồ bà ba mới tinh, lại thêm dù, dép và cả cái vali to đùng. Những món đồ quá sang trọng với một nghệ nhân đang mưu sinh bằng nghề bán hàng rong ở ngoại ô như bà Mười. Lục tìm trên net mới biết dự lễ hội lần nầy bà Mười sẽ có dịp bày biện nấu nướng tại Quảng trường quốc gia Mall, từ đường số 7 đến đường số 14, khu vực có nhiều bảo tàng của Viện Smithsosian. Nơi tập trung toàn các bảo tàng danh tiếng, từ những Anacostia, Hirshhorn đến bảo tàng quốc gia về hàng không, không gian; bảo tàng về lịch sử Mỹ, về dân bản địa Mỹ cho đến cả Vườn thơ quốc gia... mà không phải ai cũng đến được. Mới nghĩ thôi đã thấy... tự hào cho bà Mười.

* “TRỜI CHO BÂY NHIÊU THÌ HƯỞNG BÂY NHIÊU”:
Đối với bà Mười, được như vầy là xem như đổi đời rồi. Bà kể, cách đây độ hai năm cô Nga người ở xóm trong (bà Ngọc Nga, bây giờ là Phó Giám đốc Sở VHTT Cần Thơ) đi qua ăn thử bánh chuối bà làm đâm mê. Lần hồi, cô Nga hướng dẫn bà tham gia các liên hoan ẩm thực, rồi chỉ mối cho bà làm bánh giao cho các dịp thôi nôi, đầy tháng, cúng rằm, cúng đình. Ban ngày bà lội dài dài vô Thới An Đông bán dạo, ban đêm lành bánh bỏ mối. Cuộc sống bà nới nang ra chút đỉnh từ đó. Bà nói: “Cách đây độ hai năm, gặp lúc mưa bão dầm dề không bán dạo được, đói quá đến độ tui phải xách cái cối đá xay bột đi cầm lấy 160 ngàn đồng đó cô”.
Bà Mười năm nay đã 66 tuổi, chồng bà đã 78, hồi còn trai trẻ ông Mười là tài xế chạy xe đò tuyến Ngã Bảy Sài Gòn – Gia Kiệm Long Khánh. Bà Mười thì sáng sáng theo xe ông ngang qua Biên Hòa nhảy xuống bán cho bằng hết sịa bánh chuối. Vậy mà cái nghèo cứ đeo đẳng. Bà nhớ hồi mới tiếp thu, đói quá bà về xin gạo bên ngoại xứ Cái Vồn, Bình Minh, mà gạo hồi đó coi như... “hàng quốc cấm”. Túng cùng bà kêu thằng con cởi quần dài ra để bà làm ruột tượng đổ gạo vô che mắt mấy ông quản lý dưới phà. Tới chừng lội bộ về tới bến xe trót lọt hai mẹ con bà mới thấy mình liều. Thôi thì dạo đó bà cứ ăn suốt cơm độn... chuối già còn xanh. Ông Mười nghe kể bèn nói với tôi: “Tui thấy vợ tui nấu cái gì cũng ngon hết cô ơi. Không phải nói chớ bả mà thắng nước cốt dừa thì đừng nói chan bánh ít làm chi, đem chan cơm hoặc giả chấm bánh mì cũng đã tỷ lắm”. Bà Mười luôn tâm niệm đã mua bán thì hổng được ăn gian, làm dối; tỷ như thắng nước cốt dừa thì phải là dừa nguyên chất chớ không dùng bột béo, thà lời ít đi chút đỉnh để lấy số nhiều còn hơn. Cũng như cuộc sống vốn lam lũ đã quen nên bà cũng tỉ mẩn hết sức, nội chuyện xay bột bà cũng rị mọ xay đi xay lại hai ba bận cho bột thật mịn màng mới thôi. “Hồi còn sống má tui dạy tui làm ăn vậy đó cô” – mẹ của bà Mười là bà cụ Bảy Xuối, xứ Cái Vồn bên cầu bắc Bình Minh, cũng chuyên đi nấu đám tiệc, dòng họ không giàu có gì mấy. Bà Mười lại khoe, mới hôm Tết rồi được cô Bửu Hiếu, giám đốc Bảo tàng Cần Thơ mời vô hội chợ để nấu bánh tét, bánh xèo bán cho người ta, tới ngày 27, 28 Tết mới mãn cuộc. Mỗi ngày bà kiếm được trăm ngoài ngàn tiền lời, so với 3, 4 chục ngàn kiếm được của một ngày bán rong lội bộ đến mỏi chân là bà thấy mãn nguyện lắm. Bà khoe: “Tết rồi tui ăn Tết lớn lắm nghen cô. Mọi năm ngày 30 Tết tui tiết kiệm mua có 2 ký thịt nọng hà. Năm nay thấy nới nang tui mua cho cha con ổng tới 4 ký thịt heo nạc nghen”.
Trời cho bây nhiêu thì hưởng bây nhiêu – dường như đó là lẽ sống của nghệ nhân Mười Xiềm. Chẳng lúc nào tôi thấy bà than van dù chuyện nhà, chuyện cửa gia đình bà nghe nói cũng rối. Chính quyền đã thông báo sẽ làm đường từ Khu Chế xuất Trà Nóc thông vô Giai Xuân, con đường trước mặt nhà bà Mười nghe đâu giải tỏa từ tim lộ vô 12 mét. Trong khi đó, nhà bà bề sâu vô vẻn vẹn có 5 thước đất. Ông Mười bảo, chắc mấy ổng giải tỏa cũng phải có nhà tái định cư, thôi thì ở đâu bả cũng xoay xở bán hàng rong được mà. Bà khoe, con dâu xin vô khu công nghiệp rửa chai nước ngọt cũng được một triệu một tháng; đưa cháu nội đang học lớp 11 vừa nghỉ hè thì xin được vô nhà máy thủy sản lột vỏ tôm, thằng con trai đang phụ hợ hồ coi như là tạm ổn. Hổm rày chuẩn bị đi Mỹ bận tối mắt tối mũi nhưng bà cũng vẫn tranh thủ đổ bánh xèo mỗi sáng trước cửa nhà để kiếm đồng vô, đồng ra để lại cho gia đình. Vậy mà bà còn nói vui với tôi: “Tới chừng đi tui cho kẻ tấm bảng thông báo – Nghỉ bán 20 ngày. Coi bộ bảnh à nghen”. Bà còn rủ tôi đi... uống cà phê, bà nói: “Tui làm mãn một ngày phải có một ly cà phê sữa cho... tĩnh mịch trở lại, mà cũng có sức khỏe về sau. Cô đừng ngại tui không có tiền, xứ quê tui bán một ly bự chảng vậy chớ có một ngàn đồng hà”. Nhấp một ngụm cà phê của bà Mười mời, tôi lại thấy ngon hơn bất cứ một ly cà phê sang trọng nào đó đã từng uống trong đời.

***

Hổm rày nhà bà Mười khách nhiều lắm. Người “trên chợ” nghe tiếng xuống ăn bánh xèo, đặt bánh tét cũng bộn. Có cả mấy ông “quan quyền” làm cho bà Mười... lọt tim hôm nọ. Mắc cười là giờ mấy ổng nói chuyện hiền khô, chở theo mấy bà vợ năn nỉ bà: “Bà Mười ơi, bà chỉ cho con cách làm nước mắm chua nghen. Aãnh về cứ nói bà Mười làm đồ ăn sao mà giống hệt má ảnh làm cho ảnh ăn hồi nhỏ vậy đó. Với lại chỉ luôn cho con mối mua nếp gói bánh tét, ngày cúng Thần nông tới con về quê gói bánh cho bà má chồng mát ruột chơi”. Lại nhớ hôm nọ bà Mười thắc mắc chuyện nấu ăn dân dã, sơ sịa vậy mà sao mấy cô, mấy chú lại mê, lại cho bà đi Mỹ. Hóa ra đã có câu trả lời. Trong mỗi một phong vị món ăn bà Mười nấu, thực khách không chỉ ăn mà còn được liên tưởng chuyện ngày xưa, lại nhớ đến nao lòng những kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hồn quê đong đầy trong mỗi một món ăn dân dã này đây.
BOX: Bộ Văn hóa thông tin đã quyết định chọn 11 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam để giới thiệu tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007, diễn ra từ ngày 23.6 – 9.7.2007 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Sẽ có 39 nghệ nhân tham gia trong các loại hình văn hóa di sản: nghệ thuật cồng chiêng, nghề đẽo thuyền độc mộc, nghề đan gùi và sử thi của đồng bào Bana Rơngao (Kon Tum); chế tác dụng cụ đánh bắt thủy sản (Điện Biên); đờn ca tài tử, múa lân (Bạc Liêu); nghệ thuật hát bội (Vĩnh Long); sân khấu Ro băm (Sóc Trăng); nghề dệt dân tộc Chăm (An Giang) và nghệ thuật làm bánh dân gian của nghệ nhân Nguyễn Thị Xiềm (Cần Thơ).
H. H
Bài nầy đầy đủ hơn bài đã đăng trên Thanh Niên.

Thứ Bảy, tháng 6 09, 2007

VỀ SÈ GOÒNG

Về Sài Gòn mấy bữa đây bà con ơi ! Giờ đã là 2h37 sáng. 4 giờ xe vô rước, thôi thì thức luôn cho xong.

Mới viết xong một phóng sự vui vui, có nhiều đoạn lại thấy chảy nước mắt. Định post lên blog ai dè viết font Vntime2, hổng tương thích, bộ chuyển font đâu mất tiêu, tìm hoài hổng thấy. Thôi thì ngày mai vậy.

Phóng sự có nhan đề “Mười Xiềm đi Mỹ” – về một bà quê trớt luôn, chuyên bán hàng rong, giờ được qua bển dự lễ hội dân gian. Hà hà, chuyện làm bánh mưu sinh của bà Mười được mấy ông Ban tổ chức gán cho cái tên quá sang trọng – Văn hóa phi vật thể ! Hôm qua lên nhà bà Mười, được bà đổ bánh xèo cho ăn, ngon quá chừng chừng. Bon chen chụp hình với… nghệ nhân mới oai chứ. Khổ nổi nhà nhiếp ảnh gia “đại tài” và cũng… “đại đãng trí” T.C.K hổng nhớ để chuyển qua máy mình. Mất cả dịp khoe khoang lên blog.

Thứ Sáu, tháng 6 08, 2007

TỘI NGHIỆP THẰNG ĂN TRỘM !

Hôm qua, lại một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại Sóc Trăng. Nạn nhân toàn là dân Cà Mau (an ủi một điều là không thấy có người quen biết). Nhớ lại chuyện hôm 5.6 “xì chét” với mấy cái vụ tài xế M.L chạy ẩu, chạy bán sống bán chết. Lại bực mình. Nghe nói mấy ông TGĐ, PTGĐ hứa đuổi việc mấy tay tài xế chạy ẩu tả. Hổng ngờ mấy ổng kiên quyết vậy, hành khách góp ý sơ sịa vậy thôi ai dè thành lớn chuyện.
Trưa 5.6, kể chuyện với hai cha con lại thành chuyện lớn hơn ! Thằng con trai vốn rất ưa… dân chủ, nhân quyền vui ra mặt vì hắn cho rằng phải kỷ luật kiểu đó thì mấy tay làm bậy mới chừa kiểu khinh dễ khách hàng (Nói thêm một tí, thằng con tôi mỗi khi nhà đèn cúp điện là cứ hét toáng lên – Trời ơi, mình mua điện chứ mình đâu có xin mà muốn cúp là cúp. Báo của mẹ phải lên tiếng để đuổi việc cái tay giám đốc đi chớ - Hà hà hà, hắn quá ảo tưởng tờ báo của mẹ hắn, và lại càng ảo tưởng về các dịch vụ độc quyền của Nhà nước ta). Chồng tôi nghe chuyện thì mặt mày buồn xo phán một câu – “Tội nghiệp ! Mấy chả biết lấy gì nuôi vợ con. Hổng chừng tháng rồi còn nợ đầm đìa để chạy cái bằng lái bị bấm mấy lỗ”. Thằng con xen ngang liền – “Công nhận ba tình cảm lê thê ghê nghen. Họ làm sai thì ráng chịu chớ”. Tôi minh họa thực tế ngay – “Nè báo em đưa tin vụ đụng xe ngoài Bình Thuận hồi sáng, chết 4, bị thương 13, cũng tại mấy ông tài xế chạy ẩu đó”. Chồng tôi vẫn không vui. Thằng con tôi liên tưởng cực nhanh – “A, ba lại thương người bất tử như chuyện thằng ăn trộm xe đạp chớ gì”.
Chuyện là vầy. Hôm trước Tết, xóm tôi ầm ĩ lên vì chuyện bắt một thằng ăn trộm xe đạp. Hình như hắn dân ở xa nên không biết đường, ăn trộm xe mà đâm đầu chạy vào hẻm cụt, chồng tôi đi đâu đó trong xóm nghe nà con la ó… giật mình bắt được thằng nhỏ ! Xe trả lại khổ chủ, chỉ tội một nổi mấy tay hàng xóm lại trói tay thằng ăn trộm xe dẫn lên công an phường; ông tổ trưởng dân phố thay mặt bà con… tuyên dương chồng tôi có công trong phong trào… bảo vệ an ninh khu phố. Chồng tôi ngớ người chạy vô nhà nói với tôi: “Anh đâu dè chuyện như vậy. Định rầy la nó mấy câu rồi thả ra. Xe đạp người ta cũng lấy lại được rồi. Chuyện vậy mà cũng trói tay thằng nhỏ sao ta”. Tự dưng tôi cũng thấy bần thần. Chợt nhớ mấy ngày trước, khi đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thấy chiếc xe chở tù từ hướng khám Chí Hòa chạy ra. Trên ô cửa nhỏ xíu của thùng xe tôi thấy có cặp mắt của một tù nhân cứ nhìn mải miết phố xá Sài Gòn. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của phạm nhân trong buổi chiều cuối năm đó.
Chợt nhớ, cách đây độ 6 năm khi thằng con tôi mới học lớp 3, khi xem thời sự thấy bản tin Nhà nước bỏ tù chung thân mấy tay lâm tặc phá rừng, bắn kiểm lâm, hắn mếu máo bảo – “Sao mấy ông Tòa ác vậy. Cho ở tù 2, 3 năm là họ sợ rồi. Ở lâu vậy tội nghiệp người ta”. 6 năm qua đi, thằng con tôi bây giờ ít nhắc chữ tội nghiệp mà lại nhắc ba nó rằng – “Sao mà ba… cải lương quá. Ai lại đi tội nghiệp thằng ăn trộm”. Chợt thấy, thật khó làm sao khi luận chuyện lòng nhân, chuyện bao dung, chuyện trách nhiệm công dân một cách rành mạch. Ba tôi là một Phật tử, ông làm trong ngành y. Tôi cứ nhớ hồi nhỏ mỗi khi ba tôi chở tôi đi dọc công viên Thuơng Bạc (Huế) là mấy người nghèo chuyên sống bằng nghề bán máu cứ chào ba tôi hết sức nghiêm cẩn – “Thưa Thầy đi làm mới về”. Mẹ tôi hồi đó cứ cằn nhằn vì chuyện ba tôi hay trích tiền lương ra cho mấy người bán máu mỗi khi họ túng thiếu mà máu thì chưa đến kỳ rút được. Và dường như mẹ tôi cũng không tán thành lắm cách sống của ba tôi – đó là TỘI NGHIỆP và THÔI KỆ. Riêng tôi thì cố sống theo cách đó. Đôi khi thấy thông suốt được hai chữ đó đã là khó, nói chi đến chuyện đòi hỏi thằng con.

Thứ Hai, tháng 6 04, 2007

SỐNG VẬY KHÓ KHÔNG ?

· Mang lại hạnh phúc cho người khác thì hạnh phúc sẽ nhân đôi.
· Tiêu cực ăn ở tốt không thôi thì chưa đủ mà phải tích cực làm việc thiện và biết quan tâm đến những người chung quanh.
· Tha thứ thì hạnh phúc hơn nuôi mãi hận thù.
· Chúng ta không thể chế ngự được toàn thể thế giới nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của chính mình.
· Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu ta biết đặt tình bạn lên trên cái tôi ích kỷ, biết khiêm tốn thay cho tự mãn, biết lắng nghe thay vì ban phát lời khuyên.
· Không nên ghét bỏ một người chỉ vì sợ họ khác với mình, trái lại phải sợ hãi chính lòng căm ghét đó.
· Người có sức mạnh chân chính là người biết nâng người khác dậy bằng đôi tay, chớ không phải đạp họ xuống bằng đôi chân.
· Giá trị của cuộc sống không phải đo được bằng những năm tháng tích cóp tài sản, mà bằng những giây phút quên đi hạnh phúc cá nhân để chia sẻ niềm tin, khơi nguồn hy vọng, lau khô nước mắt và xoa dịu những nỗi đau của người khác.
· Không nên xét nét người khác, vì mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc dù họ tốt hay xấu.
· Vẻ đẹp của một người không chỉ nhận biết bằng mắt mà bằng cả trái tim.
· Mỗi một con người đều được Thượng đế ban tặng một món quà riêng biệt, và món quà đó có ý nghĩa hay không khi ta biết chia sẻ nó với những người chung quanh.
(Tha về trên net)

CHÀO TUẦN MỚI

Một tuần mới đang đến. Những gì sẽ xảy ra ? Những gì đang đến !
Hãy vui lên đi.
Anh Đặng Ngọc Khoa (Đà Nẵng) gởi cho một số bài hát mới. Chia sẻ cùng mọi người.

http://ptgdn.com/songoftheday/jukebox2.swf